KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 04 Tháng hai. 2013

SÁM HỐI




Tác giả: ThongNV

Hắn đặt chậu lan trước ban thờ, thắp nén nhang xin ông bà, bố mẹ cho phép hắn đến thăm một người sắp mất.

 Hắn vẫy chiếc taxi nháy đèn mời khách đầu tiên. Dựa lưng vào ghế, hắn thả cho suy nghĩ  trở về quá khứ.

 Vào ngày này, hơn năm mươi năm trước, hắn còn là một cậu bé ngồi trên hè lau lá lan. Dưới bếp, mẹ hắn cùng bà nội chuẩn bị đồ cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời. Bố hắn ngồi trên bộ tràng kỷ, đang tráng ấm chén pha trà. Hắn giật mình quay lại, khi nghe tiếng đạp mạnh cánh cổng và nhìn thấy 3 người đàn ông chạy xồng xộc vào trong sân.

 Con mời khách vào trong nhà uống nước –Bố hắn từ trong nhà nói vọng ra. Không đợi hắn mời, người thanh niên mà hắn biết trước đây là thợ cầy của nhà hắn đã nói oang oang: - Bọn này đ. có thời gian uống nước! Chúng tao đến hỏi mày, tại sao mày và con mụ già nhà mày (1) hôm qua không đi họp. Chúng mày coi thường Đội thế à? Hắn quá đỗi ngạc nhiên khi thấy người đang nói chính là anh Xương –người thợ cầy trước đây của nhà hắn. Một người hiền khô, thường hay xoa đầu hắn mỗi khi cho hắn con cà cuống, con cà liễng, con muỗm và thường xưng con với bố mẹ hắn, thế mà giờ đây quát như Trương Phi trong các buổi diễn tại sân đình. Hắn ngước mắt nhìn, mồm há hốc.

 - Đù mẹ thằng này, mày nhìn cái . . . Cùng với những câu tục tĩu là chiếc gậy tre vung lên và giáng xuống chiếc chậu địa lan. Chiếc chậu cổ vỡ thành nhiều mảnh, những thân lan mà cả nhà hắn nâng niu giờ rách bươm, ứa nhựa. Hắn điên tiết lao vào tên thợ cầy, nhưng đã bị người đi cùng đạp hắn lăn qua các bậc thềm. May mà bà nội đỡ kịp, nên hắn không bị rơi xuống sân gạch. Máu từ vết thương trên đầu hắn phun ướt một bên má bà. Từ hôm ấy, trong cuộc đời của hắn, đã nhiều lần giữa đêm khuya, hắn kêu ú ớ, tay ôm đầu, lưng toát mồ hồi hột khi mơ thấy chiếc gậy tre giáng xuống đầu hắn cùng với câu chửi thề: - Đù mẹ thằng này, ông sẽ giết mày.  

 Hắn đi bộ, hỏi thăm mãi rồi cũng tìm ra địa chỉ của người hẹn gặp hắn.Một người đàn bà già, nhỏ, thấp, lưng còng, tóc thưa màu cháo lòng buộc túm lại phía sau gáy bằng một sợi thun to bản đã ngả màu đất, khuôn mặt hốc hác ra mở cửa và hỏi: - Có phải ông là ông giáo. . . .? Hắn trả lời và bước theo bà vào nhà.

 Hắn nhận ra chiếc giường kê ở góc phòng khi nghe thấy tiếng chào yếu ớt. Một bàn tay to gầy với những ngón tay ngắn từ trong chiếc chăn len tầu cũ kỹ đưa ra chào hắn. Hắn đưa tay ra, nhưng rồi dừng lại để tháo găng. Hắn không ngờ gặp lại người thợ cầy của gia đình mình trong hoàn cảnh này.

 Hắn thốt nên hai từ: - Anh Xương! Mắt hắn nhòa đi.

 Đã nhiều lần hắn nghĩ đến anh. Khuôn mặt anh trong tâm trí hắn khi hiền khô, khi dữ tợn, nhưng lúc nào cũng thừa sinh lực như một con bò mộng được chủ nuôi nấng chu đáo. Hắn không ngờ gặp lại anh trong tình trạng này. Những điều hắn suy nghĩ trên đường đi đến đây để chuẩn bị nói với anh, chứa chất cả những dồn nén từ hơn năm mươi năm trước giờ đây biến đi đâu mất. Cuối cùng hắn vẫn lại là hắn, một kẻ luôn sống thanh thản, giản dị và dường như không bon chen, không hận thù, yêu thiên nhiên, yêu hoa lá, yêu quý muôn loài, yêu thương và chăm sóc vợ con hơn cả bản thân mình.

 Hắn vén chăn cho anh và quay người định ngồi xuống thành giường, nhưng người đàn bà đã ngăn lại và chỉ vào chiếc giường. Lúc này hắn mới để ý đến chiếc giường dẻ quạt thời bao cấp, và những viên gạch thẻ cũ còn nham nhở vữa ba ta(2) kê thay chân giường.

Hắn ngồi xuống chiếc ghế xuân hòa cũ kỹ, mà lớp đệm của nó được thay bằng ống của chiếc quần cũ gập lại.

Anh cầm tay hắn. Đôi bàn tay to, thô, gầy, lạnh ngắt bao trọn đôi bàn tay mềm, nóng nhỏ bé của hắn. Hắn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má hõm sâu của anh.

-Tôi không có quê. - Anh nói: - Tôi cũng không biết bố mẹ mình là ai. Tôi được cụ Ký Giảng trong làng ta nhặt từ bến xe Hưng Yên về nuôi. Cụ mất, gia đình sa sút tôi đi làm thợ cày cho gia đình chú và các gia đình khác trong thôn, trong xã. Tôi vẫn nhớ bà nội và bố mẹ chú thương tôi nhất, thế mà . .  . . . Anh khóc.

 Hắn quay đi để giấu giọt nước đang ứa ra trong khóe mắt. Hắn thương anh, thương thực sự khi thấy vợ chồng anh trong hoàn cảnh này. Bất giác, hắn nhớ tới lời khuyên của bà nội năm xưa, khi hắn nắm chặt tay hứa với bà là sẽ trả thù kẻ đã hùng hổ xông đến nhà  vào buổi sáng năm nào và đập vỡ chậu lan nhà hắn. Nụ cười móm mém, hiền hậu của bà hiện lên trong tâm trí hắn và lời bà văng vẳng bên tai: - Bà biết  cháu sẽ không trả thù, là người phải biết học tha thứ. Có lẽ lời khuyên của bà đã góp phần tạo nên nhân cách sống của hắn.

 Hắn lấy giấy chấm nước mắt cho anh và an ủi: Mọi việc đã qua rồi anh ạ, nhớ lại làm gì cái thời lầm lỡ ấy! Anh không thấy em cũng đang xếp hàng và anh sắp đến lượt đó sao?

Anh huơ huơ tay, hơi thở mệt nhọc: - Chú để anh nói. Anh có nói hết thì mới thanh thản ra đi được! Đã có lần anh dự định về nơi đã nuôi anh lớn lên, để thăm lại nơi ấy và đến thắp nén nhang xin các cụ nhà chú tha lỗi cho anh. Nhưng anh đã không vượt qua được sự đớn hèn trong con người mình, giờ thì đã muộn. . .

  Anh đưa tay về phía cuối giường, người vợ đưa cho anh một chiếu túi nilon nhỏ. Anh đặt chiếc túi vào tay hắn và nói: -Anh gửi chú chút lễ mọn và nhờ chú dâng lên bàn thờ xin với linh hồn các cụ tha thứ cho anh - Một kẻ bỏ đi, một kẻ bất nhân, bất nghĩa. . . .

Hắn gật đầu, nắm chặt tay anh. Hắn mong anh hãy giữ gìn sức khỏe, đừng suy nghĩ nhiều.

 Hắn lấy gần hết số tiền trong ví mình, nhét vào đôi bàn tay khô lạnh của anh và vội vã xin phép ra về. Hắn không dám ngồi thêm chứng kiến hoàn cảnh của gia đình anh.

 Sau đợt cải cách ruộng đất, Anh được gửi đi học tại Trường bổ túc công nông và sau đó lấy bằng đại học. Cuộc đời anh thăng tiến như diều gặp gió, người làng hắn đã nhiều lần gặp anh đi xe Lada về tỉnh làm việc. Nhưng rồi, anh dính vào một vụ tham nhũng và lĩnh án mười năm tù giam. Mãn hạn tù, anh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn về xuất nhập khẩu hàng nông sản. Nhưng cách đây mấy năm công ty của anh đã bị tuyên bố phá sản. Hai thằng con trai và  cô con dâu cả của anh thay phiên nhau đi trại cai nghiện như đi chợ phiên. Cô con gái út đang học năm thứ hai Trường cao đẳng sư phạm thì bị điên sau một cuộc tình tan vỡ. Suốt ngày, cô đi lang thang trên đường phố tìm những anh chàng đẹp trai. Vợ anh, một mình vật lộn với cô con gái, chăm sóc chồng đổ bệnh từ ngày công ty phá sản và mấy đứa cháu nội bơ vơ. Nhà cửa, đất đai, tiền bạc của anh lần lượt ra đi.

 Hắn sắm lễ vật anh đưa vào một chiếc đĩa dâng lên ban thờ, thắp nén nhang thưa lại với tổ tiên về lời sám hối. Những tia nắng vàng nhạt hiếm hoi giữa mùa đông chiếu qua khe cửa, hòa với khói hương thơm lan tỏa khắp phòng. Văng vẳng đâu đây tiếng chim cu gáy gọi bầy.

 Đang ăn cơm tối thì nhận được tin anh ra đi rồi, hn thầm mong cho linh hồn người ấy siêu thoát. Âu cũng một kiếp người.

 Hà Nội, ngày 3/2/2013



(1) Anh ta ám chỉ bà nội hắn.

(2) Vữa ba ta là loại vữa mà thành phần chủ yếu là cát và vôi đã tôi.

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 04-02-2013 13:01






Xem 1 - 10 của tổng số 27 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Thu Huong
25/02/2013 18:01:12

Ông Giao ỏi! Bà cháu gửi lòi cám on ông về những viêc ông đã làm cho gia đình cháu. Bạn ông đã nhận bố cháu vào làm việc từ 1/3 . Bố con cháu sẽ đến thăm ông bà váo một ngày gàn nhất. Bà cháu và cháu cám ơn ông nhiều lắm. Đầu xuân chúc ông và gia đình mạnh khoẻ. Cám ơn các cô,chú Kgu đã thông cảm với hoàn cảnh của ông cháu.



Từ: Guest Tấn Định
06/02/2013 18:19:14

@MM: - Đã là "Đôm thơ chân 9", bao giờ cũng choàng tỉnh đúng lúc. Keke!



Từ: HuyenBT
06/02/2013 17:18:14

Ối. mọi người vẫn còn tụ tập ở đây đông vui quá nhỉ! Lại thêm khách vừa vào là anh TĐ nữa, đã kịp mời nước anh ấy chưa, hả MM?


Em nhận được những tấm ảnh hoa lan nhà anh rồi, anh Thông. Thanh tao, trang nhã lắm. Ngắm lan, chắc tĩnh tại lắm anh  nhỉ. Em cảm ơn anh nhé!


Tổng Nghị ơi, anh em mình cứ lang thang chợ tết KGU, bao giờ mới sửa đổi xong Hiến pháp?!



Từ: Meomun
06/02/2013 15:23:43

@TĐ: Nhưng anh nhớ là cần choàng tỉnh đúng lúc để nhận là thơ mình lúc được khen nhé! Còn đến phần: "tuy nhiên, bài thơ này còn những hạn chế không thể chấp nhận như..." thì anh phải ngủ tiếp, hoặc lẩm bẩm: Khiếp, thơ ai mà tệ quá nhỉ! hihi!



Từ: Guest Tấn Định
06/02/2013 15:11:29

(đang ngái ngủ): - Ủa, ai bàn tán gì về tôi thế? Ha ha :))



Từ: Meomun
06/02/2013 14:11:21

@Anh Thông: Hihi còn MM lại tưởng tượng một nhà thơ đang ngồi nghe người ta bình thơ mình, lúc đầu lim dim thôi, chợt một lúc sau choàng tỉnh:- Ô, thơ ai thế, hay quá!



Từ: ThongNV
06/02/2013 13:57:56

@ HuyenBT & Meomun: Có một nhà thơ sau khi nghe bình thơ của mình đã nói:- Nghe các anh bình tôi thấy nó hay quá. Khi tôi viết không nghĩ nó được như vậy.


Comm. này chỉ là để khẳng định thêm ý kiến của Nghị thôi.



Từ: NghiPH
06/02/2013 09:03:12

HuyềnBT: Anh Thông viết: "Qua bài còm của em, anh hiểu bài viết của mình hơn" là thật lòng mà. Qua những phân tích, bình luận của em và anh chị em, anh Thông nhận ra rõ hơn những cái hay của câu chuyện mà chính người kể chưa hẳn đã nhận ra.  



Từ: Meomun
06/02/2013 05:32:23

@Anh Thông: Anh viết nữa đi anh Thông ơi! Em nhớ năm trước anh có 1 truyện ngắn mà sau đó anh gỡ mất rồi, truyện đó cũng sâu sắc và dựa trên một câu chuyện thật của anh. Không phải ai cũng có vốn sống, có những trải nghiệm như anh, cái này là "vốn" mà như bọn em không thể có được. Anh khiêm tốn quá, bọn em ước gì cũng có vốn sống phong phú, một cái nhìn, sự cảm nhận  đầy nhân bản như anh.


@Huyền: MM cũng thích khi viết cái gì đó, còn chưa được gọt giũa, mang ra chia sẻ với bạn bè thân. Cái đầu tiên MM chờ đợi sẽ là hiệu ứng cảm xúc của người đọc, tinh ý là sẽ nhận ra ngay là cái mình viết có "được" hay không. Còn về góp ý, có khi chỉ cần một lời,  chẳng hạn như: - đoạn cuối chưa thấy "vỡ òa"! Thế là hiểu nhau rồi, người viết sẽ sửa lại để rồi người kia đọc lại cảm thấy "vỡ òa", hihi. Nói tóm lại, MM thấy hình như ai cũng có 1 hoặc vài "người bạn quý mến" để chia sẻ những dòng viết nóng hổi của mình, để có cảm giác từng dòng viết của mình được đọc với sự nâng niu trân trọng, trước khi được post lên.



Từ: HuyenBT
06/02/2013 03:28:48

@Anh Thông, em cũng được biết người bạn quý mến ấy đã sửa truyện cho anh. Nhưng có lẽ anh xứng đáng không khiêm tốn để đón lấy sự ghi nhận của người đọc! Cảm ơn anh  và người bạn ấy của anh một lần nữa nhé.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s