KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 18 Tháng hai. 2013

Những cái Tết xa nhà




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Tết luôn là một hương vị đặc biệt cho mỗi con người VN. Tôi cũng vậy.

Khi còn bé, những năm 60 của thế kỷ trước, cái Tết với tôi vô cùng háo hức cũng như với bao đứa trẻ con khi ấy. Được nghỉ học, được sắm quần áo mới, được phong bao và được đốt pháo. Lũ trẻ không bận bịu gì với việc chuẩn bị Tết như người lớn, chúng càng háo hức đón Tết. Món đốt pháo là món ưa thích nhất của tụi con trai chúng tôi. Hồi đó ít pháo lắm, mỗi gia đình được phân phối 1 bánh pháo Bình Đà, gói sẵn trong túi hàng Tết được mua bằng tem phiếu tại các cửa hàng mậu dịch quốc doanh (gia đình đông người thì được 2 bánh pháo). Chúng tôi được chia một ít pháo từ bánh pháo đó, số còn lại bố mẹ dành cho đốt vào lúc giao thừa. Chúng tôi thường dành dụm tiền cá nhân, trong đó có tiền mừng tuổi để đi mua pháo đốt thêm, không cần phải tem phiếu gì nhưng bao giờ cũng có sẵn bên ngoài thị trường tự do. Ngoài loại pháo Bình Đà rất phổ biến to bằng đầu đũa, hồi đó chúng tôi còn chơi thêm pháo tép (to bằng một phần ba pháo Bình Đà, nhiều màu sắc hơn và nổ nhỏ hơn), hoặc pháo đùng (to bằng ngón tay, nổ khá to). Cuối cùng là món pháo dây, cháy vào buổi tối, đêm, ánh sáng cháy lóe sáng kiểu sao băng rất đẹp. Lũ trẻ con hay chơi trò đốt pháo cầm tay, cậu nào cầm lâu nhất, thậm chí nổ ngay trên tay là được kính nể. Còn đốt xong rồi quẳng ra xa cho nổ là chuyện tầm thường. Loại kém nhất thì đặt pháo ở vách nhà, vách cửa rồi cầm que hương đốt. Tôi luôn được kính nể qua những lần đốt pháo Tết, dù rằng nhiều khi pháo nổ đau cả tay. Lúc nhỏ tôi thường đốt pháo với bọn trẻ trong xóm. Khi lớn lên chúng tôi các bạn học cùng lớp rủ nhau ra Bờ Hồ, đốt pháo cho đến lúc giao thừa, khi người lớn nghe thơ Bác Hồ chúc Tết xong mới giải tán về nhà.

Cái Tết luôn gắn với gia đình. Tôi năm nào cũng được bố mẹ sáng mùng một Tết cho về nhà bác chị gái bố tôi ở làng Thủ Lệ ăn Tết cùng bác. Đền Voi Phục luôn có những trò chơi dân gian những ngày Tết, nhưng tôi chỉ nhìn qua vì không có thời gian dừng chơi.

Do vậy những cái Tết xa nhà là những cái Tết mà tôi rất khó quên.

Tết sơ tán xa nhà đầu tiên

Tết đầu tiên xa nhà là Tết Mậu Thân 1968. Năm ấy tôi sơ tán ở huyện Tân Yên, Bắc Giang theo trường mẹ tôi học đại học khi đó (đại học Chính trị, Bộ Giáo dục). Tết 1967 tôi vẫn được về HN ăn Tết. Tết 1968 tôi không nhớ lý do gì nhưng tôi và mẹ tôi ở lại Bắc Giang, không về HN như Tết năm trước.

Năm đó ở miền Nam là một Tết vô cùng đặc biệt với phong trào Tổng tiến công và nổi dậy của cả miền Nam. Nhưng dường như cái không khí tổng tiến công ấy chẳng ảnh hưởng là bao đến cái làng nông thôn Bắc Giang khi đó. Có chăng loa đài hát nhiều bài giải phóng hơn, như “Tiến về Sài Gòn”. “Bão nổi lên rồi”,..

Thế là chẳng có nhiều phong bao mừng tuổi như ở HN, nơi tôi có nhiều người thân, các dì chú, ông bà, hàng xóm. Sau đó là hầu như không có pháo để đốt. Tôi được mấy cô cấp dưỡng cho ít pháo Bình Đà, đốt một tý là hết. Đêm giao thừa không nghe phảo nổ nhiều như ở HN. Làng quê Bắc Giang những năm chống Mỹ cái Tết cũng đơn sơ. Trẻ con nông thôn cũng khác với trẻ con HN. Chúng có áo mới rõ hơn trẻ con thành phố, dù sao trẻ con thành phố trong năm cũng còn được có áo mới. Chúng có mấy trò chơi dân gian như đánh khăng, ném còn. Tôi cũng tham gia cùng trẻ con trong làng. Chúng còn kéo nhau ra ruộng chơi trò vật nhau. Tôi cũng tham gia nhưng thường thua vì không có miếng đánh rõ ràng như trẻ nông thôn ở đó.

Cảnh ngày Tết làng quê Bắc Bộ

Mấy ngày Tết tôi cùng lũ bạn cùng lớp đến thăm nhà nhau. Đến đâu cũng được mời ăn cơm, mà món thịt đông là điển hình cùng bánh chưng được gói tròn như bánh tét miền Nam. Tôi không lý giải được vì sao ở nông thôn Bắc Giang (cho đến tận bây giờ) lại gói bánh chưng tròn chứ không vuông như các nơi khác. Và rồi bảnh tét trong Nam có liên hệ gì với bánh chưng tròn ở Bắc Giang? Một thứ bánh tôi cũng được thưởng thức nhiều khi đó là bánh gio. Tôi còn được xem từ khi người ta đốt cây gio, lấy tro lọc nước hòa bột gạo rồi gói thành bánh trước khi luộc.

Một cái Tết xa nhà, xa HN nhưng đã cho tôi thêm trải nghiệm về Tết ở nông thôn Bắc Bộ.

Từ Tết 1969 đến Tết 1974, tôi luôn ăn Tết ở HN cùng gia đình. Cho tới Tết 1975, tôi đón Tết đầu tiên xa Tổ quốc, xa VN: Tết ở Kisinhôp, Moldova.

Những cái Tết thời sinh viên

Tết 1975, chúng tôi mới thi học kỳ đầu tiên. Kỳ thi khá vất vả với chúng tôi, những học sinh khi đó chỉ học tiếng Nga ở VN rồi sang học ngay năm thứ nhất. Kỳ thi vất vả vì không chỉ là kỳ thi đầu tiên, mà chúng tôi phải trả môn thi Lịch sử Đảng CSLX, với chúng tôi (dân Toán) là môn vô cùng hóc búa (mà chúng tôi vẫn gọi là môn nhiều chữ để phân biết với những môn Toán ít chữ mà nặng về logic).

Do là năm thứ nhất nên chúng tôi chẳng phải làm gì, các anh chị năm trên lo hết. Năm ấy đâu như khoa Toán và khoa Lý tổ chức đón Tết chung vì khoa Toán ít người lắm. Về sau Toán Lý có tách ra vì nếu đón Tết chung cũng không có chỗ.

Những ngày Tết VN, bao giờ các thầy cô ở trường, ở khoa ngoại quốc cũng có lời chúc mừng nhân dịp năm mới. Ngày hôm 30 Tết học xong chúng tôi thường về ngay ký túc xá (bình thường còn ở lại trường làm thí nghiệm, hay đọc sách trên thư viện) để chuẩn bị cho bữa tối. Sau này lên năm trên chúng tôi thường phải chịu trách nhiệm tổ chức Tết cho khoa Toán. Bao giờ cũng có món nem rán, bánh đa thường do các bạn năm thứ nhất mới đem sang, hoặc ai đó về phép đem sang, hoặc bố mẹ ai đó gửi quà. Nhân thì thịt lợn không thiếu, có cả miến cũng từ VN đem sang, còn lại là bắp cải làm rau, hành thì cũng có. Trứng thì khi đó ở LX quá rẻ. Khoản mộc nhĩ hay nấm hương hình như không có.

Món tiếp theo bao giờ cũng có là thịt rán, cả lợn lẫn gà, tùy tình hình thực phẩm được bán ở các cửa hàng của thành phố. Ngoài ra có món xào gì đó nữa, thường là xào bắp cải với thịt lợn. Rượu vang ở Moldova thì không thiếu. Một món mà tôi hay trực tiếp  chuẩn bị là nộm. Chúng tôi thường thái nhỏ bắp cải, thêm ít cà rốt, rồi trộn dấm, đường, và có cả lạc rang giã nhỏ, cũng thường do ai đó mang từ VN sang. Địa điểm thường là 1 phòng toàn sinh viên VN sống, kê bàn thêm cho đủ, chuẩn bị bày đặt sao cho 8h tối 30 Tết là xong hết để đúng 8h tất cả quây quần bên 1 cái Rigonda của một anh/chị năm thứ 5 (sắp về nước nên bao giờ cũng sắm cái đài này) để nghe lời chúc Tết từ thủ đô HN. Lúc đó ai cũng bồi hồi nhớ nhà, nhất là các bạn năm thứ nhất mới sang. Giá trị nhất khoản nghe đài là được nghe tiếng pháo qua đài phát thanh. Tiếng pháo ấy làm cho mỗi chúng tôi thấy gần VN hơn. Hết lời chúc Tết của đài là chúng tôi nâng cốc chúc mừng năm mới và bắt đầu bữa tiệc (khá thịnh soạn so với các bữa cơm hàng ngày). Nhiều khi có các bạn Nga hay Môn cùng tham dự, các bạn đến chúc Tết chúng tôi. Sau khi đã vui vẻ ăn uống, thường chúng tôi đi chúc Tết các khoa khác, ở các ký túc xá khác.

Cuộc vui đón năm mới kéo dài tới khuya tùy theo tửu lượng của các bạn nam. Dù uống thế nào thì hôm sau chúng tôi vẫn đi học bình thường. Cái Tết xa VN chỉ có đúng một đêm giao thừa thế thôi.

Các bạn cùng lớp tôi đến chúc mừng nhân Tết 1979. Có bạn Tanhia giữa ảnh từng được

chị Binh (CL 77) viết ký sự 5 số liền

Có một khoản mà tôi không quên được là những cành đào giả được chúng tôi làm ra vào dịp Tết. Cành đào ở Moldova thì không thiếu, chúng tôi chọn cành đẹp và chặt mang về ký túc xá. Các bạn nữ được phân công cắt giấy pơ-luer hồng làm giả hoa đào. Nhiều bạn khéo tay, cành đào trông rất đẹp. Không có bành chưng nhưng phần nào chúng tôi cũng đỡ nhớ Tết VN nhờ những cành đào này.

Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên đi chặt cành đào với Hồng Sơn (VL80). Tết 1979 tôi và Sơn rủ nhau đi chặt cành đào chuẩn bị Tết. Sơn có con xe máy Voxkhot, để trong gara lâu ngày nên không nổ máy được. Tôi phải đẩy thật lực để giúp Sơn nổ máy. Do đấy quá sức nên tôi lả đi, chóng mặt phải nằm nghỉ một lúc rồi tôi ngồi sau Sơn lao ra ngoại thành Kisinhôp. Trời mùa đông rất trơn với băng tuyết, chúng tôi đi như làm xiếc trên đường. Sau khi chọn được 2 cành đẹp ở một cánh đồng toàn đào, chúng tôi đã cưa mang về.

Mới đây thôi nhưng Sơn đã xa rời chúng ta hơn 10 năm rồi.

Những cái Tết nghiên cứu sinh

Tôi tốt nghiệp đại học trường KGU năm 1979, về công tác tại trường ĐHBK HN. Nguyệt về sau tôi 1 năm. Đầu năm 1981 chúng tôi lập gia đình. Cuối năm 1982 tôi được nhà trường cử sang Pháp làm NCS. Liên tiếp các Tết 1983 đến 1986 tôi ăn Tết tại Pháp.

Những cái Tết khi tôi làm NCS tại Pháp khác nhiều so với những cái Tết sinh viên tại Liên Xô. Thành phố tôi học tập là Grenoble, một thành phố nhỏ nhưng có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khoa học nằm ở Tây – Nam nước Pháp. Tại đây cũng có nhiều Việt kiều, cả phe ta (theo chính phủ CHXHCN VN) và phe bên kia (vẫn hoài niệm với chính quyền Sài Gòn cũ). Hai hội Việt kiều này tổ chức ăn Tết riêng, bình thường họ rất ít giao lưu với nhau. Chúng tôi, những thực tập sinh và NCS từ VN, dĩ nhiên bao giờ cũng ăn Tết cùng hội Việt kiều phe ta.

Hội chủ yếu là những bác Việt kiều xa VN đã lâu, có nhiều bác là lính thợ (cách gọi những người VN mà chính quyền Pháp đưa sang Pháp từ thời chiến tranh thế giới thứ 2 để đánh nhau với nước Đức quốc xã), sau đó ở lại làm ăn sinh sống, nhiều bác lấy vợ đầm, con cái cháu chắt cả đống. Các bác ấy không được học hành nhiều nên rất quý chúng tôi, luôn tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi trong học tập. Trong hội cũng có một số trí thức, họ cũng rất quan tâm đến việc học hành của chúng tôi. Và ngày Tết họ mời chúng tôi đón Tết cùng họ (mà không phải, hay không được, đóng góp tiền). Chúng tôi cũng được đại sứ quán chỉ đạo tham gia đón Tết cùng Việt kiều. Chiều 30 Tết chúng tôi không đến trường hay đến viện, mà ra chỗ hội trường mà các bác Việt kiều đã thuê cho đêm đón Tết. Chúng tôi đông, trẻ khỏe nên được các bác ấy chỉ đạo làm các việc khác nhau. Việc nhiều công nhất là làm nem (mà khi đó mọi người toàn gọi là chả giò theo tiếng miền Nam). Việc này cá nhân tôi quá thạo từ hồi còn là sinh viên nên thường được phân công vào nhóm làm nem, rồi rán nem. Ở Pháp thì đồ ăn Tết đầy đủ hơn ở Liên Xô nhiều, có giò chả, bánh chưng (thường do các cửa hàng người Việt hoặc người Hoa làm). Có năm còn có cả cành đào từ VN sang, nếu năm đó có người của Đại sứ quán từ Paris xuống cũng ăn Tết. Nói chung chẳng khác gì đồ ăn, thức uống so với VN, thậm chí có cả dưa hành, mùi, húng hay mùi Tây, nước mắm, mắm tôm. Đến 6h tối thì giống như hồi ở Liên Xô, tất cả lại bắt đài tiếng nói VN nghe lời chúc Tết. Sau đó cùng nhau nâng cốc mừng một năm mới. Bác hội trưởng Việt kiều thế nào cũng phát biểu, tiếp theo là người của Đại sứ quán, nếu năm đó xuống dự cùng. Rồi tiếp theo là đại diện thực tập sinh và NCS. Bao giờ cũng có các bạn Pháp tham dự và họ cũng phát biểu. Có năm còn mời được cả ông quận trưởng quận mà có địa điểm liên hoan Tết, sau được biết ông ta là người của Đảng cộng sản Pháp.

Thực tập sinh và NCS VN đón Tết 1986 (cùng một bác vợ Việt Kiều)

Xong xuôi, đến khuya tiệc đón năm mới tan. Chúng tôi ở lại dọn dẹp rồi được các bác Việt kiều đưa về ký túc xá. Đến lúc 12h, giao thừa theo giờ địa phương, có tiếng pháo nổ đì đùng, cùng một vài pháo bông từ khu phố người Hoa, làm cho chúng tôi bồi hồi hơn nhớ về cái Tết quê nhà. Không giống như không khí vô tư khi còn là sinh viên, những lúc đó tôi nhớ cái Tết VN, nhớ gia đình da diết. Có lẽ tôi đã có gia đình. Ngày Tết thiếu người thân, vợ con bên cạnh làm cho tôi hiểu rõ hơn hai chữ xa xứ mà thời sinh viên hầu như không tồn tại trong tôi.

Tôi ở cùng căn hộ với một cậu tên là Cảnh, theo hội bên kia. Giao thừa khi tiếng pháo khu người Hoa nổ đì đẹt, chúng tôi thường ngồi với nhau bên chén rượu vang. Chúng tôi kể cho nhau nghe mỗi bên đón Tết ra sao. Bên kia có vẻ đông hơn, Việt kiều trẻ hơn (rất nhiều người ra đi vào 1975 hoặc sau này vượt biên), nhưng bên chúng tôi lại có nhân tố thực tập sinh và NCS từ VN. Bên ta nghe đài tiếng nói VN, bên kia thì chào cờ ba que. Hình như đến tận bây giờ, chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, người Việt ở hải ngoại vẫn đón tiếp Tết với hai hội kiểu như vậy.

Sau khi tốt nghiệp NCS cuối năm 1986, tôi luôn được đón Tết tại VN cùng gia đình, cùng người thân. Dù rằng có lần đến tối 30 mới đi công tác về. Chắc chẳng bao giờ tôi có cái Tết xa nhà nữa.

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 18-02-2013 02:02






Xem 11 - 20 của tổng số 24 Comments



Từ: Guest Kim Thu
19/02/2013 11:47:04

@ HaiNV- Sáng nay vừa ăn một miếng bánh chưng,( nó là cái bánh tét thì đúng hơn, vì có hình trụ) vừa đọc lại bài viết về Tết của NgọcBQ, mới xem lại được cái PS mà HaiNV viết. Du bist immer noch so gut deutsch na. Danke Dir !  Nhiều năm mình có đi ăn Tết trên Sứ quán. Hồi trước Consulat còn nằm ở Bonn, thì tiện cho việc đi lại. Đã nhiều năm nay, chuyển về Frankfurt, xa hơn, đi lại trời tối,  mắt không còn lanh nữa, mình cũng ngại chạy xe ban đêm. Năm 2005, mình có lên SQ ở Frankfurt ăn Tết. Đông vui lắm. Bà con người Việt, một số có nhà hàng, họ ấy bưng hết các món ăn đến chiêu đãi. Nhưng khẩu vị lai tàu. Nó vẫn không phải là hương vị thật của cái Tết nhà ta, trừ lá cờ đỏ sao vàng với cành bích đào tươi roi rói trên bàn thờ Tổ quốc và thấp thoáng những tà áo dài của các cô, các bác lớn tuổi. Nó vẫn bị vắng vẻ, thiếu một cái gì đó. Có lẽ là khung cảnh của ấm áp, quen thuộc của gia đình và của cái đất mà mình đã lớn lên từ đấy, ăn bao nhiêu Tết ở đấy, kể cả những Tết trong chiến tranh, những Tết còn rất nghèo.



Từ: ManhNX
19/02/2013 05:33:03

Chào Ngọc BQ,


Trí nhớ của Hội toán thật tuyệt.


Chúc Bạn và gia đình luôn luôn có những TẾT đầm ấm bên nhau.


Chúc mọi sự tốt lành!


NX Mạnh SV76



Từ: ThanhLK
18/02/2013 23:43:09

Công nhận NgọcBQ có trí nhớ rất tuyệt, nhớ đến cả nhiều chi tiết nhỏ... Và bài của HT bao giờ cũng có tính “dã Sử” và thông tin rất phong phú. Vừa rồi, vợ chồng con trai mình đúng giao thừa (theo truyền thống) gọi điện về chúc tết ông bà, bố mẹ có kể rằng: “Chúng con năm nay ăn tết rất “xôm”, vợ con đã gói bánh chưng (có lá dong đông lạnh bán ở cửa hàng châu Á), gói giò, nấu măng (măng mẹ đã mang sang), làm nem, bày ngũ quả.. nhưng mẹ ơi vẫn thiếu cái cơ bản nhất, đó là “không khí tết” của nhà mình, nhớ lắm Tết Việt nam...”.



Từ: LienTP
18/02/2013 20:53:35


Bài của bạn làm mình nhớ lại những ngày tháng sơ tán, những cái Tết xa nhà năm xưa. Trại trẻ sơ tán của Báo QĐND ở chùa Yên Ngô, Gia Lương ( nay là Thuận Thành) Hà Bắc, một ngôi chùa nhỏ 5 gian. Tết năm nào các cụ trong thôn xóm cũng đội mâm lên chùa làm lễ trông rất nhộn nhịp. Lần đầu tiên mình biết các cụ gói bánh trưng, đóng oản nếp ở đây. Các cháu nhỏ đều được các cụ chia lộc cho. Thật là sống trong tình yêu thương đùm bọc của bà con thôn xóm. Thế rồi những năm đi học bên KGU, Tết năm nào cũng được tổ chức nhộn nhịp hoành tráng, theo lớp, theo khoa. Thực phẩm được dự kiến nhà ăn chuẩn bị trước thông qua Hội SV thật phong phú. Lần Tết nào mà có được một ít nước mắm thì thật là thú vị. Đúng là hương vị quê hương. Thế mà đã hơn 30 năm trôi qua rồi. Mình đã lên chức bà nội. Nhanh thật



Từ: BinhNH
18/02/2013 20:41:49

Ngọc có tài nhớ. Thủa bé , thời sinh viên, rồi thời nghiên cứu sinh mà còn nhớ chi tiết cả cách nấu ăn. Chị không thể nhớ hết các chi tiết , nhưng nhớ hồi sinh viên KGU các thày cô rất quan tâm với chúng mình, tình cảm ấy làm chúng ta đỡ nhớ nhà nhiều. Nhân đây gửi thêm tấm ảnh thày Pushnhiawc của chúng ta đến thăm ký túc xá Hoá  tết 1977




Từ: NghiPH
18/02/2013 17:39:50

Ngọc kể chuyện Tết xa nhà làm tôi nhớ đến Tết hồi còn bé đi xem đụng lợn. Mấy đứa trẻ con được chia nhau cái đuôi lợn luộc ăn ngon ơi là ngon. Rồi được chia những cái bánh chưng be bé. Bọn con gái thường giữ lại để chơi đã. Còn bọn con trai thì bóc ra ăn ngay.


Hồi ở KGU Tết đến Hội SV VN thường mời các thầy cô dậy tiếng Nga và khoa ngoại quốc đến cùng vui. Thầy Pusnhiak hay đến dự cùng SV VN. Nay thì thầy đã đi về cõi vĩnh hằng. Rất may đoàn cựu SV VN đã gặp được thầy trước lúc thầy đi xa. 



Từ: 3Chai
18/02/2013 16:29:37

Chào Ngọc Nguyệt và cả nhà.


Mấy Tết gần đây chúng mình thường về SG, năm nay không còn ngày phép nữa nên phải ở lại Adelaide.  Lâu rồi chúng mình chả đi dự hội Tết của cả phe cờ đỏ lẫn phe cờ vàng. Thích ai thì họp với người ấy thôi chứ chả cần đông. May Tết năm nay rơi vào đúng cuối tuần nên bọn mình cũng khá rôm rả. Ngày ba mươi sang nhà hàng xóm hội gói bánh chưng, tối thì cả hội lại chuyển sang một nhà khác. Sau đó những người trẻ đi lên chùa đến 2 giờ sáng Mồng Một mới về, mình tự xét thấy giả rồi uống rượu xong không nên ra gió nữa, về nhà ngủ thôi.


Hội này có mấy chàng rể Tây rất dễ thương, cũng chịu đi họp mặc dù chả biết tí tiếng Việt nào! Hồi đầu mình thấy tội tội còn chịu khó thông dịch, nhưng sau thấy mình cũng mệt mà nó hình như cũng... mệt. Thôi nghỉ, tập trung vào vấn đề uống. Trưa mồng Một nhà mình mời một nhóm bạn người Úc, bạn từ hơn chục năm nay rồi nhưng trong đó có mấy người già cả không có điều kiện đi lại, phải có phân công đưa đón mới tới được. John Austin là một anh chàng cũng dễ thương, đi VN nhiều lần rồi, đã nếm cả thịt chó lẫn lòng heo mắm tôm.


P/S. Thịt chó là y ta nếm chỗ khác, không liên quan đến chúng tớ đâu đấy nhé!


 


 


 



Từ: LyTM
18/02/2013 12:09:26

Đọc bài này của anh Ngọc làm LiTM cũng nhớ về những lần đón Tết ở nơi xa, không ở nhà. Cũng đi mua bánh chưng, nhưng ở nước ngoài bánh chưng bằng lá chuối nên hương vị chẳng giống lắm, và gạo cũng cứng hơn, thiếu không khí Tết! vì thế rất thương những người Tết xa Việt Nam!


Bé xíu xiu đã chờ đón Tết,


Để trời quê cứ mới tựa Thiên thần


Ngọn gió Xuân cứ thế mơn mơn


chồi bên lộc, nụ bên hoa


bừng bừng sắc mới!


 


Bên mẹt bánh chưng còn đang nóng hổi


dải pháo điều mới treo cửa vào ra


đôi câu đối cứ thế nở hoa


trẻ bi bô, đánh vần, sắc Xuân bừng non nớt,...


 


Tết cứ đến, bao lần rời quê Mẹ


lòng vẫn ngổn ngang nhớ ngọn gió đồng quê,


nhớ tiếng chúc Xuân năm mới quê nhà


như dáng ông cha, muôn đời bao thế hệ!


 


Cây đào xuân, nụ cứ bừng lặng lẽ


bên cây mận già hoa trắng thật trinh nguyên


và nụ bưởi xanh e ấp dáng thật hiền,


bên nụ tím, chùm chùm chanh thơm lá,...


 


Những cô bé, má tưng bừng nắng Hạ,


lảnh lót cười ... đếm mừng tuổi đầu năm,


Bên khí Xuân thầm, tiếng vọng xa xăm,


lũ trẻ con, tung tăng khoe áo mới,...


 


Nhớ Tết quê là nhớ về nguồn cội,


nhớ thuở ngàn năm dựng nước các Vua Hùng,


Mâm cỗ đầu năm bánh chưng xanh thơm lừng


tình Đất, nước, hồn sông, sắc biển,


hương gió trời, hương chồi non, nụ biếc,


nghĩa Mẹ Cha, trăm năm vẫn ngát hương,...


 


Như ngọn gió dẫu có thổi muôn phương,


quấn dải hương trầm, đưa vào muôn cõi


để nhớ về quê hương, về nơi xa- gần vời vợi,


cái Tết ông bà, dọc bờ cõi Tổ tông!


 


Dẫu muôn phương, dẫu cùng núi, cùng non,


dẫu tít tắp nơi mù xa biên viễn


vẫn trở về với tình đầy thương mến


vẫn cưỡi sóng bạc đầu, trình diện đất Mẹ cha


Nhận chúc Xuân vẫn thế, vẫn một nhà


để bằng mười năm qua, an lành, hạnh phúc!



Từ: CucNT
18/02/2013 11:42:30

Miên man cùng Hội trưởng thưởng thức những cái Tết xa nhà. Nhớ mãi những cái Tết tuổi thơ và sinh viên hồi ở Kishinew. những gì các anh chị năm trước làm bọn em cũng làm như thế. Tự tạo ra những cành đào mà tưởng nhớ Tết quê hương. Cảm ơn Hội trưởng đã viết rất hay, rất chi tiết và xúc động!


Bây giờ, khi đang sống trên mảnh đất của Tổ quốc yêu thương, em vẫn có cảm gíac của những cái Tết xa nhà. Sài gòn có đủ sắc màu của Tết nhưng em thèm cái Tết  tuổi thơ, khi cà đàn con ngồi cùng mẹ quanh nồi bánh chưng đêm giao thừa. Hình ảnh Hội trưởng post lên giống y chang hình ảnh làng quê em đó. Quê em cũng gói bánh chưng tròn, gọi là bánh "tày".


Đọc bài của Hộio trưởng lại thấy yêu thêm quê hương, đất nước mình. Em cũng như anh Tấn Định, xin biểu quyết không bỏ Tết ta. nếu cần tiết kiệm sao không bỏ bớt các lễ hội khác?



Từ: BaLX
18/02/2013 11:32:33

Thời tuổi trẻ vì nhiều lý do khác nhau chúng ta hay phải ăn tết xa nhà. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn thì nỗi nhớ nhà trong mấy ngày tết đó không hoàn toàn giống nhau. Thời sinh viên, lần đầu tiên xa nhà khi còn là những cậu bé, cô bé tuổi 17, 18 hay cùng lắm là 20 thì nỗi nhớ nhà còn mang tính trẻ con nhiều, nhất là các bạn gái dễ chảy nước mắt trong cái tết đầu tiên xa gia đình, nhưng rồi cũng mau chóng trở lại với cuộc sống thi cử của thời sinh viên. Đến khi đi NCS, nhiều người đã có gia đình và cũng có những người chưa có vợ con, là lúc đã bước qua lứa tuổi trung niên ngoài băm hay ngoại tứ tuần, những ngày phải đón tết xa gia đình, vợ con càng cảm thấy chạnh lòng như thấy thiêu thiếu một thứ gì đó. Còn khi đã bước qua tuối 50, nếu có ai đó phải đi công tác xa, không thể về được trong mấy ngày tết ngắn ngủi thì chắc hẳn sẽ cảm thấy rất cô đơn, tủi thân. Còn nếu không may, ai đó trong mấy ngày tết bị bệnh nặng phải nằm tại bệnh viện thì cái tết trôi qua thật là nặng nề và buồn. Bởi vậy, gần như là truyền thống của dân Châu Á nói chung và VN nói riêng, dù đi làm ăn ở đâu xa, đến ngày tết vẫn mong trở về được xum họp cùng gia đình. Vì vậy, việc đón mừng Năm mới dương lịch của đa số người dân Tây không thể thay thế tết ta Âm lịch của người VN được.  


Nhân dịp năm mới Chị Ba chúc cả gia đình Ngọc sang năm mới gặp nhiều điều tốt đẹp, mong HT luôn là người thuyền trưởng chắc tay lái để giữ vững Hội KGU ta ngày càng phát triển, gắn bó nhau hợn. Là dân Toán, nên mọi sự việc diến ra từ thời xa xưa Ngọc đều nhớ rất chi tiết, bởi vậy các bài viết về các ký ức thời xưa của em mọi người đều rất thích đọc. Vừa rôi có một việc chị nhờ em, em rất tích cực giúp chị, làm chị rất cảm động, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, nên kết quả không được như ý muốn, làm chị thấy rất áy náy với em, em thông cảm chị nhé!              





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s