KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 06 Tháng ba. 2013

Chuyện bây giờ mới kể




Tác giả: ThongNV

Đọc xong tờ cáo phó dán trước nhà tang lễ bệnh viện, vợ hắn hỏi hắn:- Anh Khoang hơn anh hai tuổi, sao vẫn gọi anh bằng anh xưng em? Hắn bảo: - Sau tang lễ anh sẽ kể em nghe.

*        *

*

Một buổi sáng, hắn không thể nào nuốt được xuất ăn sáng của sinh viên Khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ vì đêm qua hắn vừa chịu một cơn sốt rét hành hạ. Hắn ra quán phở trước cổng trường gọi cho mình một bát phở có “người lái”.

 

Trước quán phở, một bà bán quà sáng thỉnh thoảng lại liếc nhìn hắn khi không có khách mua hàng. Khi hắn ra đến cửa, thì bà đứng lên và nói: - Cháu cho cô hỏi: Cháu có phải là . . . bạn chiến đấu cùng đơn vị thằng Khoang? Sững người vì ngạc nhiên, nên mãi sau hắn mới nói được: - Cô là mẹ anh Khoang?

 

Một ngôi nhà cổ năm gian, ba gian giữa thông nhau, tọa lạc trên một khu đất cao, nhìn ra một sân gạch,  một vườn rau và một ao khá rộng. Gian giữa thờ gia tiên với đầy đủ cuốn thư, hoành phi câu đối cổ. Vách buồng bên trái treo ba tấm bằng Tổ quốc ghi công của ông chủ gia đình và hai người anh trai của Khoang. Phía dưới là tấm ảnh truyền thần từ tấm ảnh hắn và Khoang chụp với nhau trong lần nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Hắn đang mải mê ngắm những bằng khen, giấy khen về thành tích học tập và chiến đấu của anh em Khoang thì mẹ Khoang nói: - Mâm đã dọn rồi, cháu ra ăn cho nóng, còn nhiều thời gian để . . .

 

Bà cầm chai rượu rót vào chiếc chén tống, sau đó san từ chiếc chén tống ra đều bốn chén quân. Bốn người cùng cầm chén. Bà hướng về phía hắn và nói: Nếu cháu không chê gia đình cô, thì bữa cơm hôm nay là để kết tình huynh đệ giữa ba anh em: - Con Hương là em út, thằng Khoang là thứ hai, còn… Bà dừng lại và vỗ nhẹ vào lưng hắn: - còn cháu là anh cả! Hắn giật mình, toan đặt chén rượu xuống mâm, nhưng tay trái bà đã đỡ dưới tay hắn: - Cô biết, Khoang nó hơn cháu hai tuổi, nhưng với lòng vị tha của cháu đối với nó thì việc nhìn thấy mặt trời trước hay sau có nghĩa gì đâu hả cháu!–Bà nói.

 

Hắn uống cạn chén rượu và đặt chén xuống mâm. Bất giác hắn nhìn thấy một bàn tay chỉ còn ba ngón lóng ngóng cầm bát và nụ cười gượng gạo cùng ánh mắt cụp xuống của Khoang.

*        *

*

Vào một đêm năm ấy, hắn vừa mắc võng xong thì nghe thấy tiếng súng nổ chát chúa phía đồi trung đội Khoang đóng quân. Hắn tập trung toàn trung đội mình, chia thành hai mũi đánh thọc sườn bọn thám báo giải cứu cho trung đội của Khoang. Trận chiến kết thúc, hắn tìm thấy Khoang ngất xỉu trước cửa hầm,  xung quanh la liệt xác thám báo và nồng nặc mùi thuốc súng. Phía góc hầm, một chiếc bi đông được quấn chiếc khăn rằn đang rỉ nước. Hắn sửng sốt bởi dưới ánh đèn pin của hắn, bàn tay trái của Khoang đầy máu và ám sạm thuốc súng do cự ly bắn gần. Khoang đã tỉnh, ánh mắt Khoang lẩn tránh ánh mắt hắn. Hắn ngẩn người và trong giây lát hắn chợt hiểu tất cả.

 

Vài phút sau, y tá đại đội chạy tới cầm máu cho Khoang và chuẩn bị băng bó. Là một y tá có nhiều kinh nghiệm tại chiến trường, nhìn qua dấu tích trên vết thương anh hiểu chuyện gì đã xảy ra và anh phải xử lý như thế nào. Hắn nhìn người y tá đặt đầu cuộn  băng vào lòng bàn tay Khoang và kéo theo chiều cánh tay. Hắn biết cuộn băng đó sẽ quấn hai lần một nửa bắp tay của Khoang để tạo thành hình chữ T. Đây là tín hiệu từ chiến trường thông báo với trạm phẫu phía sau. Từ thông báo này, trên vết thương của Khoang sẽ có vết sẹo hình chữ T, là trường hợp tự gây thương tích cho mình. Như vậy số phận chính trị của Khoang sẽ chấm dứt, những huân chương chiến công, những danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Hắn rùng mình, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc phía sau lưng. Hắn ngăn người y tá lại và lấy bi- đông nước rửa thuốc súng trên tay Khoang. Hắn dùng gạc và băng để băng vết thương như bình thường. Trong giấy gửi thương đến trạm phẫu trung đoàn, hắn ngần ngừ trong chốc lát và quả quyết ghi thêm: “trận chiến lúc 10 giờ đêm, đánh giáp lá cà”. Người y tá nhìn hắn với ánh mặt vặn hỏi. Hắn nói: - Đồng chí không phải chịu trách nhiệm về trường hợp này!

 

Trước ngày được ra Bắc, Khoang về thăm lại đơn vị. Khoang cúi đầu nói nhỏ với hắn: - Hôm về "cứ" nhận quân khí, tôi biết tin cha tôi và hai anh trai hy sinh trong trận B52 rải thảm Hà Nội năm ngoái. Nhà bây giờ chỉ còn bà mẹ già, con em gái nhỏ tuổi…, thôi thì…Mắt Khoang nhìn xa xăm và gương mặt bỗng như được phủ một màn sương. Lúc ấy, hắn đã im lặng và nắm chặt tay Khoang.

 

*        *

*

-Đến bây giờ anh vẫn tin quyết định của mình là đúng đắn. – Hắn nói với vợ trên đường từ Đài hóa thân Hoàn Vũ về nhà.

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 06-03-2013 10:10






Xem 11 - 19 của tổng số 19 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest Thu Hà
07/03/2013 08:16:28

Cháu cám  ơn chú Nghị và chú Định. Cháu dùng ipad còi và ngồi giữa đám bạn bè đang tán gẫu nên không tập trung lắm, khi phát hiện ra lỗi chính tả thì không biết sửa thế nào. Cháu nhờ chú Tổng Nghị PH sửa giúp cháu với.


Chú Định ơi! Có cụ nhà bác Khoang cười cả hai chú cháu mình đấy ( Cho cháu đùa tí nhé, cháu được mệnh danh là con bé mạnh mồm chú ạ )



Từ: DinhNT
07/03/2013 01:31:35

***


Những câu chuyện tương tự, chuyện người lính "tự thương" để được lui về tuyến sau, để được giải ngũ tuy không phải là phổ biến nhưng hình như ta đã được nghe ở đâu đó rồi. Tuy vậy, câu chuyện của Khoang không phải là chuyện của một kẻ hèn nhát, càng không phải của một người có hành động phản chiến. Đây là câu chuyện về tình người và tính người. Chữ "tính người" là tôi đạo được của cháu Hà, thực ra từ tôi định dùng là bản năng, "bản năng gốc"!


.


Với những tình huống éo le trong những hoàn cảnh hết sức khốc liệt của chiến tranh như thế này, nếu ta vận dụng những tấm gương như Lê Mã Lương, như anh Thạc, như chị Trâm để soi, thì số phận chính trị của Khoang coi như "xong một đời trai", khỏi phải bàn thêm.


.


Nhưng số phận của Khoang đã xoay sang một hướng hoàn toàn khác, nhờ vào quyết định đầy tính nhân văn và tình người của một người đồng đội, một chỉ huy của trung đội bạn sau khi đã chi viện ứng cứu thành công. Nếu không có cái quyết định dứt khoát đầy dũng cảm, đúng đắn và dám chịu trách nhiệm đó, không biết cuộc đời của Khoang sẽ ra sao.


.


Hóa ra, cái gốc sâu xa dẫn đến việc tự thương của người lính tên Khoang cũng trùng hợp với chính sách vô cùng nhân văn của nhà nước ta trong thời kháng chiến chống Mỹ: con trai một được ưu tiên hoãn nhập ngũ. Ở đây hoàn cảnh thật trớ trêu, Khoang trở thành "con trai một" khi đã có mặt trên chiến trường, và hành động của anh không gì khác hơn là của một người nông nổi. Cái may mắn của Khoang là được một người lính, một người bạn chiến đấu có trái tim nhân hậu cứu vớt. Quyết định ra tay cứu giúp đó của người đồng đội hoàn toàn bắt nguồn từ linh cảm của một bản năng mang tính người sâu sắc, vì anh chưa hề  biết gì về "sự cố Khâm Thiên" của gia đình Khoang cả.


.


Điều tôi muốn nói là Người chiến binh đang theo học ở Khoa LHS của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội là một nhân vật đặc biệt. Anh xứng đáng để nhận được sự ngưỡng mộ của chúng tôi, lòng biết ơn của Khoang cùng mẹ và em gái. Nhưng có lẽ trên hết, là lòng biết ơn không thể nói thành lời của Vong linh các cụ gia tiên thuộc dòng tộc của Khoang đang ngự trên Ban thờ kia!


Chắc các cụ cũng đang vuốt râu mỉm cười!


.


(Có cụ cười và nói, cái còm của cháu Thu Hà nhiều lỗi chính tả quá, mặc dù gần đây ngành giáo dục đã nhắc rất nhiều. Còn từ Hán Việt có thể trình bày thuần Việt bằng cả nửa trang giấy A4 mà chú Nghị hỏi, thì đó là từ Hoàn Vũ, khe khe!)


 


 



Từ: NghiPH
06/03/2013 23:45:20

Bạn Thu Hà có phát hiện rất tinh: Từ cách xây dựng ngôi nhà, bài trí trong nhà và cách rót rượu của mẹ chú Khoang, bạn đã liên hệ đến lời nói thật của chú Khoang (chứ không phải chú Khoảng như bạn viết) trước mẹ của mình.


Bạn Thu Hà ơi! Sau khi đánh máy xong, bạn nên đọc lại comment để chữa lỗi đánh máy trước khi bấm vào Gửi thảo luận. Trong câu đầu cần sửa “xâu sắc” thành “sâu sắc”. (Trong một bài viết gần đây từ “rơm rạ” tôi đã viết sai thành “rơm giạ”. Chị Nhuận đã sửa giùm).


 Trong câu cuối cùng hai chữ Tiếng Việt bạn đã đánh dấu sắc nên thành “Tiếng Viết”, hai lần viết chữ “thấy” đều thiếu dấu sắc nên thành chữ “thây”. Do đánh sai dấu nên hai chữ “Tiếng Viết” và chữ “thây” không có nghĩa trong câu này. Hai chữ “Hán Việt”  trong câu nên viết hoa.


Tác giả ThôngNV có viết: “…bữa cơm hôm nay là để kết tình huynh đệ giữa ba anh em”. Đây là câu nói của mẹ chú Khoang. Mình cho rằng, trường hợp này dùng “huynh đệ”   phù hợp.


Trong truyện này còn những từ Hán Việt nào có thể chuyển sang từ thuần Việt, Thu Hà ơi!


 


 



Từ: Guest Thu Hà
06/03/2013 22:58:29

Cháu rất thích cách viết của bác Thông: cô đọng,giản dị và xâu sắc. Bằng vài dòng ngắn gọn miêu tả về xây dựng,bài trí ngôi nhà và cách rót rượu của bà mẹ cho người đọc thấy một gia đình gia giáo. Và cũng chính vì vậy, nên chú Khoảng mới không thể không nói thật với mẹ mình.Chú Khoảng đã chiến đấu rất dũng cảm, được tặng thưởng huân chương, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và cả trận đánh thám báo đem đó, những phút giây nghĩ về mẹ, về em nên chú đã có hành động bột phát miễn sao còn sống để về nhà. Cháu thấy hành động của Chú Khoảng là hành động đầy tính người.


Bác Thông ơi ! Trong nhà trường đang hô hào cho phong trào trong sáng Tiếng Viết, nhưng cháu thây Bác hay dùng hán việt thế, những từ hán việt Bác dùng thây trong Tiếng Việt cũng có mà.



Từ: KhanhT
06/03/2013 21:00:40


Một quyết định DŨNG CẢM, ĐÚNG ĐẮN, ngay cả khi không biết nguyên nhân của việc tự bắn vào mình là gì, cái nguyên nhân mà sau này Khoang gặp hắn nói lại cái vụ B52 Khâm Thiên ấy. Chỉ có tình người, con người mới thấu hiểu, cảm thông và quyết định dứt khoát.


Cảm ơn Thông về câu chuyện về những con người rât nhân hậu, và mình thích hình ảnh bà mẹ: “Bà cầm chai rượu rót vào chiếc chén tống, sau đó san từ chiếc chén tống ra đều bốn chén quân. Bốn người cùng cầm chén…” một cách rât “không để ý” cho ta thấy vì sao có những con người như thế, có người mẹ như thế và có những người con anh em.




Từ: CucNT
06/03/2013 15:06:37

Trong cuộc chiến sinh, tử với kẻ thù, với khẩu hiệu, "Quyết tử cho Tổ  quốc quyết sinh" hành động của Khoang là không thể chấp nhận.


Trong cuộc tổng tấn công Mậu thân năm 1968, có bà mẹ , chồng và 6 đứa con đã hy sinh. Còn một đứa con út nằng nặc đòi nhập ngũ, bà bảo "con ở nhà đặng sau này má già nuôi má". Mấy đứa bạn nó xúm vào "má cho nó đi đi! đánh Mỹ xong, tất cả chúng con cùng nuôi má". Thế rồi nó đi và đã hy sinh. cả mấy đứa  bạn của nó cũng hy sinh hết". Nếu thiếu đi những Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm và hàng triệu người lính dũng cảm hy sinh tính mạng của mình thì cuộc chiến bao giờ mới kết thúc? Sẽ không thể nói hết những đau thương dân tộc ta đã trãi để có được ngày bình yên hôm nay.


Nhưng một khi Khoang đã làm vậy rồi thì cách cư xử của 'hắn" trong trường hợp này là cần thiết, nó đầy tính nhân văn cao cả. Và như vậy, trong thời chiến hay thời bình lòng vị tha vẫn là điều đáng tôn vinh!



06/03/2013 13:12:15

 


 


 


@Anh Thông ơi, câu chuyện anh kể, làm người đọc nghĩ đến số phận những người lính. Năm 1972, cậu tú Hà nội lên đường nhập ngũ. Xung vào đặc công. Một đêm không trăng sao, trên bờ biển phải đón người nhái rời xuồng vào đất liền. Anh chiến sỹ đặc công đã phát hiện ra người nhái trong sương mù mỏng tang.


- "Đại bàng". Chiến sỹ đặc công bật dậy hô.


Không có trả lời của người nhái.


- "Đại bàng". Anh hô lần nữa và tay đã đặt sẵn vào cò súng.


- " Chim ưng". Người nhái đáp.


Pằng. Chiến sỹ đặc công siết cò. Đạn xuyên đúng bàn chân phải người nhái. Nhóm các chiến sỹ đặc công nhao lại. Người nhái gục xuống. Sau kiểm tra giấy tờ, người nhái đúng là người của mình, nhưng hô sai khẩu lệnh. Chiến sỹ đặc công Hà nội bị kỷ luật. Cậu bị treo mãi, rồi mới được minh oan. Một thời gian dài lắm, bạn bè xa lánh, nghĩ sai về một người lính. Có những chuyện như thế và tương tự đã xảy ra trong chiến tranh.


 


 



06/03/2013 11:41:26

 


 


 


 


Chiến tranh đã qua lâu quá rồi. Anh Thông ơi, một quyết định DŨNG CẢM đã cứu một con người. Rất người. Vâng cả hai anh. Thật tuyệt, chiến tranh và giáo điều đã không làm trái tim các anh chai sạn. 


Xin kể câu chuyện này: Tháng trước, Mon em đi tìm hài cốt ông anh vợ ở Quảng Nam. Một buổi chiều muộn và rét đến Quế Lâm, Quế Sơn... có người mách là có anh Bộ đội từ thời giải phóng đã ở lại lấy vợ rồi có con không về quê... Cả đoàn lặn lội đến gặp. Lúc đó chỉ muốn đó là anh mình.  Cảm giác lạ lắm. Không cần huân huy chương, không cần danh hiệu, không cần gì hết, tha thứ hết,  miễn là còn được ở trên cõi đời này, dù què cụt hay mất trí nhớ...


Chúc các Bác KGU đã qua cuộc chiến có sức khỏe và hạnh phúc.


"Bờ ở bên phải


Bờ ở bên trái


Kẻ được huân chương


Người dưới bùn đen..


Chiến tranh


Chấm hết." (Phỏng dịch thơ về Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại... đoạn mô tả Hồng quân rút lui qua sông)


 


 


 


 


 


 


 



Từ: NghiPH
06/03/2013 11:20:45

 


Có những phút giây người lính sống trong tình trạng vô cùng căng thẳng. Chiến trận triền miên không biết bao giờ mới kết thúc. Các trận chiến đấu trước đó người lính đã chiến đấu anh dũng, lập chiến công. Còn hôm nay sao chân tay bủn rủn thế này! Cái chết kề bên. Mẹ đang ngóng chờ ta nơi quê nhà. Người lính đắn đo. Người lính muốn rời trận địa. Người lính muốn rời trận chiến đã đến lúc không thể chịu đựng được… Thế là đòm. Không ít những người lính đã có những phút giây như vậy, trong đó có tôi.


Khoang đã gặp một chiến hữu hiểu đời, hiểu người. Trong trường hợp này, “Hắn” đã hành động theo sự mách bảo của trái tim nhân hậu. 


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s