KGU News >>CCCP
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 14 Tháng tư. 2013

Một thoáng Làng




Tác giả: HuyenBT

 

Mỗi năm tôi có ít nhất 2 lần đi công tác xuống các vùng nông thôn. Thường đó là mùa xuân và cuối mùa thu. Cảnh sắc 4 mùa ở Moldova rất đẹp. Những sườn đồi thoai thoải, với những thung lũng bất ngờ mở ra những làng xóm nhỏ bé, yên bình. Những ngôi nhà nhỏ với những mái lợp màu sắc khác nhau, trông xa, giống như những bao diêm vuông vắn.Rồi đến những rẻo rừng, không quá to lớn, và rậm rạp. Ở đó cây cối hiền hòa, lặng lẽ thay áo cho mùa.

Tôi yêu mùa xuân ở làng quê. Vào mùa xuân, làng quê thức dậy.  Những cánh cổng bắt đầu được mở ra thường xuyên hơn. Và từ đó, bò và ngựa, ngan ngỗng, dê cừu bắtđầu lũ lượt bước ra đồng. Cỏ non xanh gọi chúng. Những con ngựa cuồng chân sau những ngày dài đứng trong chuồng và nhai mãi một thứ cỏ khô với thân cây ngô già…giờ đây được thả tung ra như gió. Chúng tung vó chạy miết một vòng quanh sườn đồi rộng, hí lên vang trời trước khi cúi xuống hít hà mùi cỏ non và mùi ngai ngái của đất. Đất mùa xuân cựa mình khe khẽ. Giống như thiếu phụ vươn duỗi thân thể sau một giấc ngủ đẫy giấc.Thoáng trên gương mặt còn vương chút ngái ngủ là nụ cười mọng đầy hạnh phúc.

Trên những vòm cây, lũ sẻ đậu kín, trông như những quả lê chín còn sót lại từ cuối mùa thu. Người ta mang chăn đệm và thảm ra phơi. Những tấm thảm treo tường, hoặc trải sàn nhà rực rỡ bao hoa văn, màu sắc. Người dân Moldova thích những họa tiết cầu kỳ, vui mắt. Thích cách pha trộn màu chẳng giống ai: đỏ rực với xanh biếc, với vàng ươm…Tiếng đập thảm bồm bộp vang khắp các nhà. Trên những hàng rào bằng gỗ sơn xanh, sơn tím, những tấm thảm màu vắt lên tầng tầng, lớp lớp, trông chẳng khác gì những chiếc váy digan. Người thôn quê thích vui nhộn, những màu sắc cũng rộn ràng như những điệu nhảy của họ.

Cánh cửa mở ra từ những khung cửa hẹp (người Moldova thường làm cửa rất hẹp, họ muốn giữ hơi ấm tỏa ra từ những lò sưởi bằng củi cho căn nhà, họ muốn hạn chế tối đa những cơn gió miền đồi thổi tốc vào trong). Những bà già nặng nề bước ra sân. Các bà mặc những chiếc váy bằng vải bông, in những bông hoa to tướng, đầy màu sắc, và những chiếc khăn vuông chít trên đầu cũng rực rỡ hoa. Nếu là những bông hoa màu xanh, trông các bà hệt như những chiếc bắp cải chặt ních trong vườn, nếu là những bông hoa màu đỏ, vàng, trông các bà chẳng khác gì những quả bí ngô chín căng, tròn trịa. Theo sau đôi dép lê bằng vải bạt dy, bao giờ cũng là một chị mèo béo ịch, uể oải, vừa đi, vừa vẫn còn lim dim mắt, hoặc đôi ba mụ vịt lạch bạch, hai con mắt ngơ ngác ngó hai bên. Trên tay bà lão là cái tô lớn bằng nhôm dày cộp (có lẽ làm từ thời Xô viết), trong đó đựng thức ăn rất tạp, đến nỗi nếu bà lão vung nắm thức ăn đó ra sân thì cả chó, mèo, vịt, gà, chim bồ câu, chim sẻ đều xúm đến, ăn ngon lành, cứ như là thứ thức ăn đó chỉ dành riêng cho chúng. Những âm thanh loạn xị trên sân. Chúng tranh ăn. Và bà già cất tiếng phân giải, the thé, gắt gỏng nhưng tràn ngập yêu thương -  cái kiểu mắng yêu của các bà mẹ. Những con vật lắng nghe và cũng hiểu, nên chúng đều ở lại đầy đủ trên sân cho đến hạt thức ăn cuối cùng.

Mùa xuân ngập ngừng mở những  ô cửa sổ, những cánh cửa từng đóng im ỉm sau lớp rèm buông suốt cả mùa đông. Các cô gái leo lên bậu cửa sổ và bắt đầu lau chúng bằng  giấy báo sau khi đã xát lên đó những củ hành cắt đôi. Thời này, hóa chất đã tràn cả vào bữa ăn, nhưng ở làng quê người ta cố khước từ những thứ đó, người ta vẫn dùng những nguyên liệu dân dã, truyền từ đời bà, sang đời mẹ, đời con. Củ hành thu hoạch từ mùa thu, sau lớp vỏ khô bóng, là một thứ tẩy rửa những vết ố bẩn rất tốt. Các cô gái tóc buộc túm gọn gàng, ánh mắt vui tươi sáng long lanh, giống những ngôi sao thấp thoáng sau ô cửa kính. Các cô mặc tạp dề ngắn, thoăn thoắt sải cánh tay, tì, miết  khăn lau lên tấm kính cửa sổ. Đôi khi các cô chúm đôi môi hồng xinh, hà hơi vào mặt kính. Ấy là khi gặp một vết ố, cần có hơi ẩm để lau sạch chúng. Ấy cũng lại là một cách “gia truyền” bà dạy cho như thế.

“Nếp nhà” cứ thế được mang theo từ đời này sang đời khác, ở mọi nơi, cả khi các cô gái ấy làm dâu nhà người. Các ông chồng người Pháp, người Ý phàn nàn, vào những ngày nghỉ cuối tuần muốn mang vợ đi ăn tiệm, đi chơi ngoại ô, mà cứ nhất định phải đợi cô vợ Moldova lau cho xong những ô cửa kính của tất cả các phòng ở. Chồng nổ máy xe dưới sân kêu: “Em ơi, được rồi, nó có bẩn gì đâu!” Các cô điềm nhiên đáp lại: “ Mẹ bảo không bẩn cũng phải lau tuần một lần!” Các ông chồng vừa lắc đầu chịu thua, vừa lẩm bẩm: “Thế thì dịch vụ lau cửa sổ sắp ế hết rồi!”

Còn bây giờ các cô gái nhỏ vừa làm vừa khe khẽ hát. Bài hát vui tươi lắm, hẳn là thế, vì thấy các cô hay mỉm cười. Các cô hát mê say, hát đi hát lại, đến khi các ô cửa kính đã lau sạch bong, sáng như gương trước tia nắng phản chiếu của mặt trời mùa xuân.

Ở nông thôn Moldova vẫn còn những cái giếng đào. Đó là nguồn nước chủ yếu, bắt đầu từ mùa xuân. Mỗi làng có vài cái giếng nước. Người ta tự hào, người ta nâng niu giếng nước, như một ân huệ Trời ban. Chắc người dân vùng đồi nào cũng nâng niu nguồn nước. Giếng được xây cao, có mái che mưa và bụi, thành giếng và mái che được tô vẽ, chạm, khắc cầu kỳ.Thường đó là cả một bức tranh, kể về một truyền thuyết, hoặc một trích đoạn trong Kinh Thánh, hoặc đơn giản là các nét hoa văn. Giếng nước là nơi gặp gỡ, tán câu chuyện, câu trò của các bà già. Vì thế mà bên cạnh giếng, người ta còn đặt những băng ghế dài bằng gỗ sơn xanh, sơn đỏ, hầu chuyện các bà. Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện con cái, cưới xin…không bao giờ vơi chuyện, dù ngày nào cũng gặp nhau. Người ta kéo thùng nước bằng gỗ từ giếng lên (đôi khi sâu đến 5 chục mét), rồi đổ vào những cái xô sơn xanh, bên trong tráng men bóng loáng. Nước trong vắt và lạnh giá sóng sánh trong xô, theo mỗi nhịp bước đi của các bà lắc lư hệt những con búp bê “lật đật”. 

Nước ở giếng đào sạch trong, và bổ lắm. Người ta có thể uống ngay, không cần nấu sôi. Lúc trẻ con bị sốt, người ta lấy khăn thấm nước giếng đặt trên trán là hạ sốt ngay. Nước giếng đựng vào một cái bình thủy tinh, mang ra nhà thờ làng, để Cha đạo thả chiếc thập tự bằng bạc vào, lúc sau mang về nhà gọi là “Nước Thánh”. Để sẵn trong nhà, ai ốm đau, nhức đầu, đau bụng, đau chân, đau tay, uống vào ba ngụm, xoa lên vài lần, là yên tâm, thấy đau tan hẳn. Người ta thường lấy nước giếng mùa xuân, đưa đến nhà thờ vào ngày lễ Phục Sinh, để làm Nước Thánh.

Vào những bữa trưa, bữa tối, từ bếp lò tỏa ra mùi thức ăn thơm ngậy. Người nông thôn vẫn ưa dùng nhiều dầu mỡ, họ bảo chúng tôi phải có sức để ra đồng. Họ chẳng mấy khi mua bánh mì ở cửa hàng, tất cả đều tự làm theo kiểu “домашний”. Không thể cãi được, tất cả những thứ đó ngon hơn bao nhiêu, thơm hơn bao nhiêu và quan trọng là hợp khẩu vị bao đời. Người thành phố  kiêu căng với những món ăn thị thành, những đồ ăn nhập ngoại, và vì thế bị dân quê kêu ca là người thành thị làm mất hết khẩu vị gia truyền. Có lẽ đúng, vì thấy trong các bảng bầu chọn món ăn ngon nhất nhì thế giới, nhìn kỹ ra thì toàn là món cổ truyền có nguồn gốc quê.

Ngày ở nông thôn thong thả lắm. Dường như mặt trời cũng nấn ná hơn khi lặn xuống. Chiều ở nông thôn rơi nhè nhẹ theo những giọt nắng tắt. Chiều thong dong theo những bước đàn bò về chuồng. Chiều êm êm theo những cánh hoa rừng khép lại. Chiều nhẩn nha theo những ngọn khói bò trên mái, chiều ê a theo tiếng trẻ con học bài bên bậu cửa, chờ ăn.

Giấc ngủ ở nông thôn bình yên, không mộng mị.

Những buổi sớm mai thường có nắng mặt trời.

Và cây bật chồi trong vườn. Những chồi non căng mọng, tròn xoe, thập thò, tinh nghịch như con mắt trẻ. Rồi hoa bay.Cả đất trời ngập tràn trong hoa trắng muốt. Gió mùa xuân phóng khoáng, sải dài đôi cánh từ đầu làng đến cuối làng. Hoa bay theo đôi cánh gió! Ngàn ngạt hoa bay! Trận cuồng phong hoa đó đôi khi xoáy tròn, để lại trên đường những “vũng hoa” trắng lấp lánh, ngỡ như những mảng tuyết cuối mùa đọng lại. Tôi đã từng được đi hân hoan trong trận cuồng phong hoa đó, và thích thú thấy tóc mình như đội cả một trời sao.

Ở làng quê gặp nhiều hoa dại. Hoa rải rác ở các mép vườn, hoa dọc theo vệ cỏ bên đường, hoa lấp ló sau những hàng rào bằng gỗ…đủ màu sắc và dáng kiểu, giống như những nốt nhạc ngẫu hứng, có chút vui, chút buồn, bâng khuâng và da diết.

Những cô bé làng, sau buổi học được vào rừng, nhưng không phải để dạo chơi. Nông thôn còn nghèo khó. Các bà mẹ dúi vào tay con gái những chiếc giỏ rộng đan bằng sợi lau, bảo các cô bé hái thật nhiều hoa, rồi ra lề rừng, đứng bán. Lề rừng nằm dọc theo xa lộ, nơi có những chiếc xe vun vút chạy qua. Chẳng mấy khi có xe dừng. Đôi khi dừng, lại chỉ để hỏi đường. Các bé gái đứng thưa thớt bên lề đường, cách nhau những đoạn xa xa.

Tôi dừng xe lại trước một bé gái. Không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Cách một đoạn  xa, tôi đã để ý thấy bé gái thật đặc biệt. Cô bé không đứng rầu rĩ, mông lung, vô thần sắc, như những cô bé bán hoa dọc đường ta thường gặp. Em chẳng mấy đăm đăm ngó về xa, đón xe khách đi đường. Em không sốt ruột, bồn chồn tay vân vê vạt áo. Cô bé mải việc của riêng cô, đến khi tôi bước lại, em mới ngẩng mặt lên. Tôi nhìn thấy niềm vui nào đó còn đẫm tràn trên mặt em.Trong cái nắng nhẹ và hanh hao mùa xuân, đôi gò má có những đốm tàn nhang ửng hồng như quả táo chín. Đôi bàn tay bé nhỏ dường như chưa muốn ngừng cuộc chơi.

Trên chiếc giỏ bằng sợi lau đan, lật ngược, những túm hoa đồng nội nằm chồng chéo lên nhau. Những bó hoa xộc xệch, pha trộn lung tung loài hoa và màu sắc. Đôi khi còn nguyên một túm cỏ có những chiếc lá hai màu nằm chung một bó hoa. Rõ ràng là thua xa các bạn em, ở đó những bó hoa bó đều chằn chặn, ngăn nắp, gọn gàng, chục bó như một, hài hòa màu sắc, sạch sẽ, tinh tươm. Tôi hỏi em tên những loài hoa.Và tôi vô cùng ngạc nhiên, đến ngỡ ngàng khi em không chỉ nói tên mà kể cho tôi một lô, một lốc các sự tích, cùng truyền thuyết về loài hoa đó. Bàn taybé nhỏ vuốt ve, âu yếm những đóa hoa, xếp đặt chúng như không phải là em đang bán, mà đang chơi đồ hàng với lũ hoa nhỏ. Lời kể thật sống động như chính là hoa đang tự kể về mình.Tôi thực sự bị cuốn hút.Tôi bảo em, tôi muốn mua hết tất cả chỗ hoa này. Giọng em bỗng ngừng bặt, em thảng thốt nhìn tôi. Tôi bảo em, tôi sẽ mua giá nào mà em muốn, và em thật may mắn hôm nay, vì bán hết hoa, được về nhà sớm. Em buồn bã cúi xuống không đáp lời tôi. Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ này, vừa mở ví tiền, vừa có ý tìm những đồng tiền lẻ mới nhất. Tôi hỏi em ai sẽ đưa em về nhà, xung quanh không một bóng làng. Em ngoái ra sau lưng chỉ xuống cánh đồng mênh mông, có một chiếc máy cày ở nơi xa tít: “ Bố em đón, chiều tối bố mới cày xong, rồi qua đây đón em!” Ngừng một lúc em nói tiếp: “ Em không có ai để nói chuyện. Làm ơn đừng mua hết, để lại cho em một bó hoa đi!”. Ánh mắt em cầu khẩn. Tôi lặng người nhìn cô bán hoa bé nhỏ. Em buồn khi phải xa những bông hoa. Em lưu luyến nhìn theo những bó hoa. Tôi trả hết tiền, rồi chia lại cho em một nửa số hoa. Em vồ ôm lấy chúng, và nhoẻn cười đầy biết ơn. Khi tôi mang những bó hoa đi về phía xe, em chạy theo ái ngại. “Còn gì nữa thế?” –Tôi ngạc nhiên hỏi. Em nhìn tôi ngập ngừng: “Xin đừng tin, em bịa ra hết đấy, những câu chuyện về hoa ấy mà. Không phải thế đâu, cả tên hoa nữa, tất cả là do em nghĩ ra đấy. Em xin lỗi….” Tôi mỉm cười hôn lên trán em, rồi quay đi với cái vẫy tay thân thiện. Từ xa, tôi thấy em nhìn theo, cười, nụ cười rạng rỡ in vào chiều xuân như một búp hoa bay lơ lửng trong vạt nắng rất trong.

Một chiều xuân làng quê mang cho tôi ý nghĩ : Có lẽ từ ngàn xưa, chính là những cô gái bé nhỏ của làng quê đã đặt tên cho Hoa dại, và tặng cho chúng những truyền thuyết đáng yêu đến thế…

Tất cả đều bắt đầu từ Làng, và mùa Xuân cũng thế, từ Làng mà bước ra!

 

                                                                                                                                                                                                                                                          Moldova 10/4/2013


Người post: HuyenBT

Ngày đăng: 14-04-2013 00:12






Xem 11 - 20 của tổng số 64 Comments



Từ: BaLX
26/04/2013 09:24:54

Hoa hình ảnh nền là hoa táo phải không Huyền, cả dãy cây đầy hoa trắng trông đẹp quá. Nhìn bộ ảnh hoa chulpan trong vườn nhà em làm chị nhớ lại hồi còn học bên đó chị cũng hay lang thang đi tìm ngắm những khu có trồng nhiều hoa chulpan. Chị cũng rất muốn quay lại mảnh đất Moldova, Moskva và Leningrat mà không biết có thực hiện được không? Thời SV chị chưa lần nào vào làng Mol theo đúng nghĩa như em viết, Làng Mol dưới ngòi bút của em đã được miêu tả một cách sinh động, ai đọc cũng có cảm giác như muốn được quay về nơi ấy, để tìm lại một chút gì đó rất thân thương trong quá khứ xa xưa. Một bài viết thật đầy ấn tượng Huyền ơi!  



Từ: LyTM
26/04/2013 09:08:40

Huyền ơi, hôm trước chị com và chỉnh lại nên không ưng ý, trong một bài hay thế này kg để được nên đã delete đi. Nghe lời em, đọc lại để trái tim mình tràn ngập cảm xúc Làng và com lại đây:


Làng yêu dấu thức giấc sau đêm lặng,


giấc ngủ dài chẳng mơ mộng điều chi


bởi ngọn gió an lành đang thức những bờ mi


và hương hoa đang ngập tràn cửa sổ!


 


Những bông hoa của đồng Làng bỡ ngỡ,


vừa hé nhìn thế giới của mùa Xuân


vừa dịu dàng, hương tinh khiết nhẹ buông,


đang khám phá những sắc màu kỳ vĩ!


 


Từ cao ấy, ánh nắng hồng thủ thỉ,


những ngón tay xinh sưởi ấm mỗi cánh hoa,


và đang dâng trào tình âu yếm thật thà


lớn đẹp nhé, những bông hoa đồng nội!


 


Những cô bé, tuổi ngây thơ, đang vội,


vừa ngắm hoa, vừa lặng lẽ hít hà


hương của trời quê, đâu đó gần mà xa


cứ man mác, vương tình quê tha thiết!


 


Đất Mẹ ngọt ngào, đón từng mùa nồng nhiệt


bằng sắc hương, bằng cả những trái tim,


bằng lời ca của sức sống lúc động, lúc im lìm


như bất diệt những mầm hoa bé nhỏ!


 



Từ: HoaiPV
26/04/2013 06:43:48

Gửi Huyền câu chuyện về hoa Pion của Thụy Anh đây!











http://nguoibienden.org.vn/theme_images/center/BgLeft.gif








 


 






http://nguoibanduong.net/templates/chauha/images/spacer.gif









http://nguoibanduong.net/templates/chauha/images/spacer.gif






Hoa Pion


 






http://nguoibienden.org.vn/image/anh%2012/1189337580.jpg






Hoa Pion






Nếu đặt cạnh hoa Hồng thì hoa Pion chỉ là một cô gái thô vụng đủ đường. Cũng vì thế mà nó không gai góc, đỏng đảnh như hoa Hồng. Nó sẵn sàng nở hết lòng, hết mình, hết sức, hết cả tuổi xuân ... cho ai đó đem lòng yêu mến nó. Mà những người như vậy thì không có nhiều. Nhưng họ được hưởng trọn tình yêu của loài hoa không hương, không duyên dáng ấy. Tình yêu của nó làm người ta cảm động, rồi thì người ta sẽ nhớ mãi về nó trong một nỗi nhớ rất đỗi dịu dàng...

Thân Pion to mềm, lá hoa xanh và nhiều đến nỗi khi chưa nhìn thấy bông, người ta dễ tưởng nhầm đó là một loại rau ăn. Nụ hoa tròn lắm, tròn xoe như một viên bông mềm ấm áp. Chẳng có nụ của loài hoa nào lại buồn cười như thế. Nó bé bỏng làm sao, êm ái làm sao và cũng ngộ nghĩnh làm sao! Dường như, nó đang cuộn tròn lại trong một giấc mộng êm đềm vậy. Khi nở, cái nụ bé bỏng ấy lại nở rất nhanh, cánh bung ra rất rộng.. Những cánh hoa dày dặn, màu hồng phấn hoặc màu hồng chuyển sang đỏ rực, có loại màu trắng nữa. Bông hoa to lắm, to hơn cả một cái.. bát ăn cơm ấy. Nụ như thế, hoa như thế, giống một cô gái thấp đậm, trán dô, dáng đi vụng về quê kiểng, chẳng có duyên thầm, cũng không có sắc lộ... Ai mà yêu được cơ chứ! Thế rồi vẫn có người bị loài hoa này chinh phục. Bạn ngạc nhiên ư? Đơn giản chỉ vì nó cũng là hoa. Hoa của đất. Nó chắt lọc tinh túy của đất mẹ, đón nhận nắng trời và âm thầm yêu thương vạn vật chung quanh. Nó yêu đời, lưu luyến người, vì thế mà nở mãi, nở mãi trên cành, tàn sức từ lâu mà vẫn trụ lại đó, cánh vẫn hồng rực lên đầy thương mến. Chỉ đến khi có bàn tay nào phũ phàng rung mạnh cành thì nó mới rụng xuống. Cánh rụng xuống rồi vẫn còn yêu mến phủ đầy mặt đất, thật nhiều thật nhiều những hồng, đỏ, trắng dịu hiền.

Có một câu chuyện rất dễ thương về loài hoa này, tôi đọc được ở đâu đó: Có một cô bé tính tình ngang bướng, nghịch ngợm. Ai cũng bảo cô giống con trai. Thậm chí, các bạn cô còn cho rằng sẽ không có chàng trai nào để mắt đến cô đâu – vừa thô, vừa vụng! “ Mình cóc cần!” - Cô tuyên bố như vậy.

Rồi một hôm, trong buổi đi xem phim, có một anh chàng bị người yêu cho “leo cây”, cầm bó Pion dúi vào tay cô rồi bỏ đi. Anh chàng này chỉ vì bực người yêu mà đem hoa tặng đại cho cô gái khác thôi, không ngờ được rằng bó hoa này đã thay đổi được tính tình của một con người!
Cô bé lúc ấy vô cùng ngạc nhiên. Cô ngỡ ngàng. Rồi bối rối. Rồi cuối cùng bỏ cả buổi chiếu phim ra về. Có gì đó lạ lắm dâng lên trong lòng cô, môt cái gì đó rất nhẹ nhõm, êm dịu mà không thể tả thành lời. Đêm đó sáng trăng. Hoa Pion dưới ánh trăng dường như mềm mại hơn. Thậm chí cô còn tưởng như nó tỏa hương nữa chứ!

Sáng hôm sau, cả nhà cô kêu lên kỳ lạ khi nhìn thấy cô bé bước ra đường trong một bộ váy hoa rực rỡ. Như là một người khác vậy. Cô mỉm cười với mọi người, một nụ cười “rất con gái”. Và cô bắt đầu yêu loài hoa này: hoa Pion!

Hoa Pion có rất nhiều ở Nga, vào độ tháng 5, tháng 6, khi nắng Hè rực rỡ mà mềm mại chứ không gay gắt. Hoa này người ta chẳng bán ở cửa hàng đâu, bởi vì họ coi nó là loài hoa dại. Thời sinh viên, tôi thích lang thang ra các bến Metro, đợi các bà già mang hoa trồng từ nhà mình đến bán. Họ bán rẻ (tất nhiên rồi!), và quan trọng là hoa rất đẹp, rất tươi. Tay nâng niu bó hoa đưa, tay trân trọng nhận lấy. Các bà yêu hoa ấy vì chính tay họ trồng và tưới tắm. Tôi yêu hoa ấy vì nó nở trên bàn học của tôi, nở lâu thật là lâu, cho tôi cảm giác êm ái, yên bình trong những ngày bận rộn thi cử.

Đôi khi, tôi những muốn ví mình là loài hoa này, hoa Pion. Vì tất cả những gì âu yếm tôi vẫn dành cho người, những người tôi yêu thương trong đời.


Thụy Anh


(theo Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga)













 


 



Từ: HuyenBT
26/04/2013 01:17:51

@ Chị Thoa, anh Hoài ơi, mọi người mà kéo em vào chủ đề hoa, là em không ra được đâu!


Em không ngờ anh Hoài lại luôn có một thư viện hoa như thế, chứng tỏ người này biết "thưởng Hoa" lắm đấy nhé! Từ ngày em viết "Hoa dại", đây là lần thứ 3 em được anh Hoài mở cửa thư viện Hoa cho xem đấy. Em cảm ơn anh. Em cũng biết khi ngắm hoa lòng thanh thản lắm, em mong anh Hoài luôn có được những phút giấy như thế nhé.


PS. Tuy vậy vẫn phải nhắc lại nhận xét của chị Thoa: lạc vào một bông thược dược!


 @ Chị Thoa ơi, câu chuyện về hoa пион chị nhắc đến, em cũng đọc được, nhưng là đọc lại qua trích đoạn trong một bài viết  của Thụy Anh- cũng là lưu học sinh Liên xô. Nếu tìm được nguyên gốc truyện này, chị viết cho em với nhé! 


Đó là một câu chuyện khá lạ. Cô gái tuổi teen tính tình giống con trai, thô kệch và vụng về.thậm chí chẳng để ý đến sắc đẹp và váy áo. Người ta bảo rồi sẽ chẳng có chàng trai nào để mắt đến cô  bé ấy đâu. Có một buổi chiều, một chàng trai vô tình đặt vào tay cô bé một bó hoa пион. Chàng trai đó vừa bị cô người yêu bỏ. Chàng chán chường, buồn khổ, chẳng biết làm gì với bó hoa пион đã chuẩn bị sẵn tặng nàng, đành bỏ đại vào tay một cô bé mới lớn. Và phếp lạ bất ngờ đã xảy ra - sức mạnh khủng khiếp của tình yêu : cô bé lần đầu tiên biết đến một tình cảm thật lạ. Cô bé tự nhiên thay đổi hẳn, trở nên mềm yếu, và duyên dáng, trở nên dịu dàng và mơ mộng. Cô bắt đầu mặc những chiếc váy có màu пион, có dáng hoa пион, và luôn thấy пион tỏa hương trong lòng, mặc dù пион chẳng phải là thứ hoa đưa hương. Cô thấy mình như пион giản dị, không đài các, nhưng đã nở thì nở hết mình, nở đến khi rã cánh, mà vẫn không muốn lìa cành, và cả khi đã buộc lìa cành thì vẫn phủ một lớp cánh nhung tươi trên mặt đất. Và cô biết mình bắt đầu yêu!


Thế đấy, sức mạnh của một đóa hoa bình dị! Nhưng có lẽ sâu sắc hơn là sức mạnh của tình yêu, nó có thể biến những điều không thể trở thành có thể, biến những điều thường nhật thành điều đặc biệt, những điều đơn giản trở nên vô thường. Vậy thì hãy biết tặng hoa cho Phụ nữ! Hãy thức dậy trong họ những điều còn ngủ yên,...Và sẽ được thấy những điều kỳ diệu! Phần thưởng cho những người biết tặng hoa!



Từ: HuyenBT
26/04/2013 00:47:02

@ Chị Tuyết ơi, hồi SV mà chưa được xuống làng, ăn ngủ một vài ngày là hơi bị tiếc đấy. Moldova có gì đâu, ngoài Làng! Bây giờ họ đang muốn phát triển hướng Du lịch Làng quê. Họ xây những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ trong làng, gần một cánh đồng trái cây nào đó, rồi thết đãi khách nước ngoài bàng gà, vịt ,rau cỏ vườn nhà. Nhưng nghe chừng chưa khởi sắc mấy. mặc dù những người ở châu Âu, trong các thành phố ngột ngạt rất thèm được đến Moldova để ngủ một giấc ngon, ra vườn hái quả ăn, và ngắm thôn nữ -  (số này rất đẹp, nhưng đang hiếm dần đi, vì chạy ra nước ngoài làm việc). Về làng phải ở cả ngày, cả đêm, phải ăn đồ và uống rượu nhà, mới cảm nhận được hêt nông thôn. Em rất muốn được đón các anh chị Du xuân 2015, chị Tuyết nhé!


 



Từ: ThoaNP
25/04/2013 21:31:59

Cảm ơn Hoài.


Tuy nhiên bị lạc vào bông thược dược đấy. Đúng là пион có gì đó gợi nhớ hoa trà (nhưng cánh hoa trà cứng hơn và cây là hai loại khác nhau) và cũng có nét của thược dược (nhưng cánh hoa thược dược nhọn hơn và khá đều; trong khi пион có các cánh hoa bên trong nhỏ hơn nhiều so với cánh các vòng ngoài.



Từ: HoaiPV
25/04/2013 16:27:13

Nghe mấy chị em "bàn nhau" về Pion, xin gửi  một số ảnh Pion nhé, hơi giống hoa trà nhà mình!


  


  


   


  


  


 



Từ: ThoaNP
25/04/2013 15:25:38

Huyền ơi, thêm cho em một đồng minh nữa đây. Chị cũng thích hoa пион. Vào đầu hè hay ngắm nó. Không hiểu sao cứ nhớ đến пион là chị lại nhớ đến lab 204 của tụi chị với hình ảnh bà giáo Ngựa đang mở cửa với bó пион trong tay. Chị không thể nhớ đó là ngày nào, hay sự kiện gì, nhưng cứ nghĩ đến пион là lại thấy hình ảnh đó. Và còn nhớ có một truyện ngắn mà hồi bên đó đọc, toàn bộ câu chuyện quên hết rồi, chỉ nhớ là có nhân vật chính tuổi teen có dáng dấp và tính cách giống như con trai, và thích hoa пион.


Trong các màu hoa пион, chị thích nhất màu hồng.


Ở VN chị để ý tìm nhưng không thấy, chỉ thấy rất nhiều trong các tranh ảnh TQ (vải may chăn, hình trên phích nước, ...).



Từ: TuyetHA
25/04/2013 14:20:56

Huyền ơii, chút xíu nữa là bỏ qua một tuyệt tác thế này. Lúc bài "Một thoáng Làng" của Huyền được post lên mạng là lúc nhóm bọn chị (13 người KGU) chuẩn bị "Phượt" Mũi Né. Chìm đắm trong cuộc du chơi, lúc trở về nhà lại bao việc bận rộn, hôm nay rảnh rang một chút, lang thang trên mạng KGU và túm được bài "Một thoáng làng" của em. Thoạt nhìn ảnh minh họa , chị nghĩ: sao làng mà chẳng có lũy tre xanh với cánh đồng lúa bát ngát? Làng miền núi hay sao mà trắng một màu hoa? Hoa gì nhỉ? Thế là bị cuốn hút vào đọc, đọc say sưa, vì quả thật, tuy là dân sinh học, đã trải qua những ngày tháng thực tập thực địa dài: vào rừng, xuống biển, nhưng thú thật chưa bao giờ chị được thưởng thức một cảnh làng quê Moldova. Chính vì vậy mà làng quê Moldova dưới ngòi bút của em có sức hút kỳ lạ. Chị vừa đọc vừa thầm nghĩ: sao hồi đó, trong những ngày nghỉ, bọn cùng khóa mình không rủ nhau đi thăm thú làng quê nhỉ? Có lẽ "hoa chân" lúc đó chưa có nhiều!


Phải Du xuân Moldova thôi Huyền ơi! Nhất định sẽ phải có một lần trở về nơi đây để được thưởng thức cả những gì thời sinh viên chưa cảm nhận được. Lên kế hoạch dần đi Huyền ơi, Du xuân 2015 sẽ ở Moldova nhé!



Từ: HuyenBT
25/04/2013 03:02:52

@ Chị Bích Chi ơi, em lại tìm được người đồng minh với mình thích hoa пион rồi. Cảm ơn chị nhé. Em để ý thấy, trong các bức tranh tĩnh vật cổ điển, rất hay thấy tranh bình hoa lớn, với vài loại hoa, và có cả пион. Nghĩa là hoa ấy cũng gợi cảm xúc và là loài hoa đáng được để ý đấy chị nhỉ. Chúng mình"thích đúng" rồi! Cuối tháng năm sẽ có hoa, em sẽ chụp ảnh gửi cho chị ngắm. Có mấy loại màu đấy: trắng, hồng, đỏ. Em nhớ mấy lần có các Madame từ Pháp đến chỗ em làm việc, lúc ra sân bay, mong muốn em tặng cho bó hoa пион để mang theo về Paris. ở VN mình có hoa này không nhỉ, và nó tên là gì, em mong được biết quá!


Sang ngày 25/4 rồi, em chúc chị sinh nhật vui, hạnh phúc nhé!


@ Thúy Ngọc ơi, mỗi buổi sáng khu vườn lại khác đi! Em tưởng tượng được không? Sáng dậy, việc đầu tiên là mở cửa để nhìn ra vườn hoa. Mỗi sáng lại có thêm hoa nở, các loại khác nhau. Năm nào chị cũng có bộ ảnh chụp hoa nhà chị. Ngày mai chị tính đi mua thêm mấy loại hoa nữa về trồng thêm vào. Có thể chủ nhật này chị lại có ảnh hoa mới đấy. thích thì ghé vào xem nhé. Mà có đặc biệt thích loại hoa nào không, nói, để chị trồng riêng cho Ngọc một cây hoa ấy. (Nhưng đừng làm khó người ta nhé, ví dụ đừng có nói là em muốn trồng hoa Magnolia (hoa Mộc lan), vì chị thích hoa này lắm, mà chịu không trồng được ở đây!


@ Cúc thân mến, có muốn nhờ chị chuyển lời đến "người bạn bất chợt gặp nhau" dưới hoa ấy không?





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s