KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 03 Tháng năm 2013

Con của lính




Tác giả: ThongNV

Tôi ra đến cổng cơ quan thì con trai Trung cũng vừa tới, với nụ cười cởi mở cháu chào tôi và mời tôi lên xe. Tôi cho cháu biết mình có cuộc họp vào hồi 14 giờ chiều nay. Như vậy, hai chú cháu chỉ có 2 giờ vừa ăn vừa nói chuyện.

Chúng tôi tới nhà hàng có nhiều cây xanh và yên tĩnh trên đường Liễu Giai. Với tác phong của một người đã nhiều năm sống và làm việc ở Mỹ, cháu tiếp tôi rất tự nhiên và lịch sự. Sau khi cụng ly chúc sức khỏe tôi và gia đình, chúc mừng cuộc gặp mặt, cháu vào chuyện ngay: - Thưa chú, sau khi ba má cháu mất, cháu mới ngồi xem lại và sắp xếp những giấy tờ riêng của ba má cháu. Nhưng có một số điều cháu không thể nào lý giải được, nên hôm nay cháu muốn hỏi chú, vì chú là bạn thân của ba cháu.

Im lặng giây phút, cháu nói tiếp: - Trong tập giấy tờ riêng ấy, ngoài các thư từ, giấy tờ cá nhân, ảnh cưới của ba má cháu, cháu đã thấy các bản kết quả giám định của bệnh viện xác định ba má cháu không thể sinh con vì thương tật và vì chất độc màu da cam. Ngày sinh của cháu cũng trước ba năm so với ngày ba má cháu kết hôn...

Tôi biết chuyện gì phải đến ắt sẽ đến, nên tâm sự với  cháu: - Chú có lần đã nói với ba cháu và ba cháu cũng đồng ý là khi cháu lớn, sẽ nói cho cháu biết sự thật về thân thế của cháu. Nhưng ba má cháu chưa nói, có thể vì sau khi cháu học xong đại học đã ở lại nước ngoài làm việc một thời gian dài. Khi cháu về nước thì ba má cháu đã lâm bệnh, trí nhớ không còn minh mẫn nữa.

Thế rồi tôi đã kể cho cháu nghe về những gì mà tôi và Trung, ba nuôi cháu và chính cháu đã trải qua vào những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ấy.

 

*        *

*

Vào một đêm cách đây gần 40 năm, khi đơn vị tôi chiếm được cứ điểm của Trung đoàn 41 quân lực Việt Nam cộng hòa đóng trên các quả đồi của thị trấn Bồng Sơn, thì được lệnh bàn giao trận địa cho bộ binh để lui về phía sau nhận nhiệm vụ mới. Đơn vị tôi đi gần đến đầu cầu Bồng Sơn thì hai chiếc máy bay trinh sát của địch bay tới, quần đảo trên bầu trời nhiều vòng rồi bắn pháo hiệu chỉ điểm. Vài phút sau, hai chiếc F105 lao tới thả bom xuống trận địa và hai bên đầu cầu. Tôi và Trung theo phản xạ lao xuống dòng sông Lại Giang để tránh bom. Trung vơ vội hai chiếc mũ sắt của lính Sài Gòn vứt ngổn ngang trên đường chụp ra ngoài chiếc mũ tai bèo của hai chúng tôi.

Sông Lại Giang được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Ngã ba sông là vùng giáp ranh giữa hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn, điểm gặp nhau này cách cầu Bồng Sơn khoảng 2 km về hướng tây. Vào mùa mưa, dòng sông chảy xiết với dòng nước đỏ ngầu lúc nào cũng mấp mé đôi bờ. Tôi sợ nhất là mỗi khi có nhiệm vụ phải vượt qua sông, đồng đội tôi không ít người đã thiệt mạng trên chính dòng sông này. Thế mà hôm ấy dòng sông thu hẹp lại, để lộ ra những phiến đá nhẵn thín đủ kích cỡ, từ nhỏ như quả trứng, nắm tay đến to như con heo, con trâu, con voi nằm. Súng, mũ, áo quần, ba lô, giầy của lính Sài Gòn vứt ngổn ngang trên đường quốc lộ, trên cầu và cả hai bên dòng nước. Lác đác có những xác chết bốc mùi hôi tanh đến rợn người. Mỗi khi có trái bom ném xuống, một loạt pháo từ Tam Quan bắn lên, mặt đất lại rung lên và chao đảo. Đất, đá, nước, mảnh bom, mảnh pháo, mảnh quần áo, tư trang và cả mảnh vụn của thi thể con người bị tung lên và rớt xuống mặt đất thành một thứ hỗn độn.

Trong không gian ấy tôi chợt nghe thấy tiếng rên yếu ớt của phụ nữ: “- Anh ơi!Em chết mất! Anh cố cứu lấy con của chúng ta!”

Tôi nhìn vào chiếc hang kiểu hàm ếch dưới bờ sông do nước bào mòn tạo thành, một người lính Sài Gòn mình trần với một chân quấn đầy băng, nửa ngồi, nửa nằm bên cạnh người phụ nữ bị thương vào ngực đang nằm dưới đất, trên người đắp cái áo lính quân lực Việt Nam cộng hòa. Nhìn thấy chúng tôi, người lính chắp tay vái lia lịa và van xin đừng giết họ. Khi tôi rời tay khỏi cò súng và quay người định bước đi thì người lính khẩn khoản cầu xin: “- Xin các ông cứu lấy con tôi!” Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm đứa trẻ. Người lính hiểu ý, hắn đưa tay chỉ vào bụng người phụ nữ: “- Con tôi đây, vợ tôi chỉ còn sống được ít phút nữa thôi. Cô ấy bị thương vào ngực, mất nhiều máu quá...”.

Tôi lắc đầu, giơ hai bàn tay ra trước mặt ý nói là không thể giúp gì được cho họ. Người phụ nữ cố ngẩng đầu lên nói với chúng tôi với giọng ngắt quãng yếu ớt: “- Các ông...mổ…cứu cháu!”. Người lính nhìn tôi với ánh mắt khác thường, không hẳn van xin, không hẳn ra lệnh, nửa tuyệt vọng, nửa hy vọng. Ôi, đến tận hôm nay tôi vẫn chưa thể nào quên được khuôn mặt và ánh mắt của người lính đó! Không thể nào tả được, chỉ biết rằng ánh mắt của người lính đó như làm cho người tôi nóng bừng lên, làm lay động những gì sâu thẳm nhất trong tôi. Người lính nói với chúng tôi: “- Tôi biết các ông làm được, nhất định làm được mà! Chúa phù hộ cho các ông! Dù sao vợ tôi cũng chết, nhưng nếu nhanh tay, may ra còn cứu được con tôi. Nó là một sinh linh vô tội, tôi xin các ông!”

Tôi trải chiếc võng nilon và cùng Trung bế người phụ nữ đặt lên. Tôi rút con dao găm trên thắt lưng của người lính, định bật lửa để khử trùng dao thì Trung ngăn lại và chỉ tay lên trời, ra hiệu là trên trời đang có máy bay trinh sát.

Người lính kéo chiếc áo đang đắp trên người vợ mình và xé toạc chiếc váy hoa của cô ta làm lộ ra một thân thể người phụ nữ với làn da trắng xanh, bụng căng tròn. Máu đã đông lại quanh vết thương trên ngực. Tôi bối rối, bỗng chốc thấy mắt mình tối sầm và tay tôi run run. Tôi, một chàng trai lứa tuổi 20 khoác áo lính, chưa một lần trong đời nhìn thấy thân thể người phụ nữ nào. Tôi quay sang định từ chối thì bắt gặp ánh mắt của người lính đau đáu nhìn tôi. Ánh mắt ấy đã cho tôi thêm sức mạnh, can đảm để thực hiện công việc cứu người. Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao mình làm được điều đó, hay Chúa đã mượn tay mình để cứu vớt một sinh linh vô tội, mặc dù tôi không tin có Chúa.

Không hề có thuốc tê hay thuốc mê trong ca mổ định mệnh ấy! Còn tôi, lúc ấy tôi cũng chỉ là một người lính trẻ, với những kiến thức y khoa sơ đẳng. Người phụ nữ chỉ hơi oằn người rồi thở hắt ra, khi tôi rạch một đường vừa đủ sâu trên bụng. Trung và người lính dùng tay kéo cho vết mổ rộng ra. Dưới ánh đèn pin tôi nhìn thấy một khối tròn như chiếc bong bóng đựng rượu quê tôi, thỉnh thoảng lại nhô lên những cục to bằng quả trứng. Tôi đoán đứa trẻ đang đạp đòi ra. Tôi lấy hai ngón tay kéo lớp da của khối tròn lại với nhau và dùng dao cắt, sau đó ngửa lưỡi dao để dùng mũi tách lớp dạ con cho vừa đủ để đưa đứa trẻ ra ngoài. Con trai! Một thằng con trai! Thấy toàn thân đứa trẻ tím ngắt, tôi hiểu đứa trẻ đã bị ngạt do người mẹ bị mất máu quá nhiều. Tôi đặt nó vào chiếc áo của người lính và cúi rạp người dùng miệng hút nước và chất nhờn trong miệng nó.

Tôi không nhớ mình làm thế bao nhiêu lần, cho đến khi đứa bé khóc ré lên và tôi cảm thấy như gần kiệt sức. Gương mặt Trung cũng như của người lính Sài Gòn như giãn ra. Còn tôi, bỗng chốc  cũng cảm thấy người nhẹ bẫng, như vừa trút khỏi người một gánh nặng, bao nhiêu mệt nhọc và căng thẳng bỗng tan biến.

Trung cắt rốn cho thằng bé, ủ nó trong chiếc áo của người lính và trao lại cho người lính. Người lính run run đỡ lấy thằng bé rồi áp mặt mình vào nó, miệng lẩm bẩm: “- Ôi, con tôi! Rồi anh ta đưa mắt nhìn xuống người vợ đã tắt thở từ lúc nào, từng giọt nước mắt đục ngầu từ từ chảy trên gò má hốc hác đầy bụi đất và khói súng.  Bỗng người lính như sực tỉnh, anh ta đặt đứa bé vào tay chúng tôi: “- Nó là con của các ông, xin các ông hãy ra ơn nuôi dưỡng nó! Chỉ mong sao nó được sống trong hòa bình…”

Rồi với vẻ mệt nhọc và cả khuôn mặt nhăn nhúm lại vì đau, anh ta ôm lấy xác vợ, miệng khẩn khoản giục chúng tôi: “- Các ông đi đi, đừng lo gì cho chúng tôi cả!”

Trung dùng chiếc khăn dù quấn lấy thằng bé và ôm gọn vào ngực mình. Hai chúng tôi lội sang bờ sông bên kia rồi tìm đến một gia đình quen trong ấp, gửi đứa trẻ  cho một bà má và hẹn sau chiến tranh sẽ trở về đón cháu. Khi chúng tôi ra đến cửa, má chợt nhớ ra, hỏi tên thằng nhỏ. Bỗng chốc trong đầu tôi như có tia chớp vụt đến, tôi quay lại nói với má: “- tên là Giang Sơn, Nguyễn Giang Sơn má à!”

 

 -   Sao lại đặt tên cháu là Nguyễn Giang Sơn hả chú?-  Cháu hỏi tôi.

 

 -  À, ta và bố nuôi con đều họ Nguyễn. Giang là vì con sinh ra trên dòng sông Lại Giang. Còn Sơn là thị trấn Bồng Sơn. Tôi giải thích. 

 

*            *

 

*

Một năm sau tôi bị thương và ra Bắc. Rồi tôi được cử ra nước ngoài học tập. Khi về nước, tôi đã trở lại Hoài Nhơn  thăm gia đình má và được má cho biết vợ chồng Trung đã về đón thằng bé đi từ nhiều năm trước. Vợ chồng Trung đã nhận thằng bé làm con của mình. Trong buổi hàn huyên, má nói với tôi: “ – Hồi ấy tụi bay đến và đi nhanh như gió. Khi tụi bay đi rồi má mới nghĩ, không biết tụi nó lượm thằng nhỏ ở đâu? Con cộng sản hay con quốc gia?”

Nhiều năm sau, tôi mới tìm được địa chỉ của Trung và biết được tình cảnh của vợ chồng anh. Đã nhiều lần tôi đến thăm nhà Trung nhưng chưa một lần gặp con trai anh.

          - Chú xin lỗi là lúc ấy không thể mai táng cho mẹ cháu và cũng không kịp hỏi gì về cha đẻ của cháu, chiến tranh mà cháu! – Chú đừng nói thế, nếu không có chú, không có ba Trung cháu… Giọng cháu nghẹn ngào. Tôi chợt nhận thấy khuôn mặt và ánh mắt của nó nhìn tôi giống hệt khuôn mặt và ánh mắt của người lính năm nào.

              Khi chia tay, chúng tôi ôm chặt lấy nhau và cả hai cùng im lặng một lúc lâu. Rồi bỗng nhiên nó ngẩng đầu lên nhìn tôi, miệng mỉm cười mà khóe mắt rớm lệ, nó run run thốt lên:

       -  Bố nhớ giữ gìn sức khỏe!

       - Bố cám ơn con, con trai của bố! Tôi thì thầm và bất giác thấy mắt mình cay cay.


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 03-05-2013 21:09






Xem 51 - 60 của tổng số 71 Comments



Từ: BaLX
04/05/2013 16:15:58

Viết chưa xong, chẳng hiểu tay đụng vào đâu lời Còm dở dang lại bay xuống dưới.


Trong chiến tranh mọi việc đều có thể xảy ra, mọi việc tiếp theo cứ để nó xảy ra theo lẽ tự nhiên, cháu Cường đã là một thanh niên trưởng thành, chắc cháu sẽ có những suy nghĩ cần phải làm gì cho hợp đạo lý. Bố đẻ cháu trong chiến tranh là một người lính của Việt Nam Cộng hòa, sau 40 năm nếu còn sống chắc bố đẻ cháu cũng là một công dân của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mọi việc đều đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn những điều tốt đẹp luôn tồn tại mãi mãi.    



Từ: BaLX
04/05/2013 15:47:48

Một câu chuyện đầy tính nhân văn, chắc người con trai đó cũng rất muốn tìm lại gốc gác cội nguồn của mình, âu cũng là lẽ thường tình mà, mình cũng cầu mong cháu Trung tìm lại được người thân của mình. Trong chiến tranh mọi việc đều có thể xảy ra,



Từ: HoaNT
04/05/2013 15:41:25

Cám ơn anh Thông về một câu chuyện về chiến tranh hay và cảm động. Mình cũng đã đọc câu chuyện tương tự như thế này ở đâu đó nhưng ở đây bất ngờ là nhân vật trong chuyện lại là anh Thông người KGU, qua đây mình vô cùng cảm phục một thế hệ các anh, các bạn đã hy sinh cả thời trai trẻ cho cuộc chiến tranh, làm được những việc đầy tình người. Cảm phục hơn nữa khi các anh đã thoát chết trở về tiếp tục học hành. Mong sao cháu Giang Sơn tìm được cha mẹ đẻ của của cháu.



Từ: CuongLV
04/05/2013 15:04:05

Tôi cũng như nhiều bạn khác muốn cháu Sơn tìm được ba đẻ của mình, nhưng tâm thức trong tôi cảnh báo : liệu cháu Sơn tìm được ba đẻ của mình - một người lính/sỹ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cháu có thể giữ được tính tự tin, niềm tin, tình yêu vào con người, vào cuộc sống nữa không nếu biết ba đẻ của mình đã sống qua những năm tháng khó khăn đến thế nào ? Rằng nếu có người ba đẻ như vậy thì cháu có điều kiện để thành đạt đượ ;c như hiện nay hay không ? Và còn nhiều, rất nhiều những câu hỏi khó trả lời khác khi trong tiềm thức nhiều người còn quá nhiều định kiến hay mặc cảm. Vì thế, tốt hơn là chúng ta hãy để cháu Sơn sống như đã sống : tự tin, yêu đời và yêu thương, quý mến hết thảy mọi người cháu gặp.     



Từ: TuyetHA
04/05/2013 14:40:59

Câu chuyện thật cảm động, TÌNH NGƯỜI, chỉ có TÌNH NGƯỜI  mới làm nên một kỳ tích như thế. Đọc xong tôi rất mong cháu Sơn sẽ tìm được người cha ruột của mình. Nếu cha cháu vẫn còn sống, chắc ông cũng không khỏi khắc khoải nhớ thương và mong có được tin tức về đứa con trai bé bỏng tội nghiệp được sinh ra trong một hoàn cảnh hết sức éo le của cuộc chiến. Với những gì mà Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" làm được, đối với trường hợp này, tôi nghĩ vẫn có hy vọng để cháu Sơn tìm được người cha đẻ của mình, hoặc những người thân trong gia đình ấy. Cầu mong một điều kỳ diệu sẽ đến với cháu!



Từ: Guest OK
04/05/2013 13:55:03

Sao Thông không tự đưa bài lên mà phải qua Nghị? Câu chuyện này có thể dịch và đưa lên báo chí để phản đối chiến tranh đấy. mình rất muốn được gặp cậu bé ra đời trong chiến tranh ấy. Nó sinh 1972 đúng không Thông?



Từ: LyTM
04/05/2013 11:26:10

Cảm ơn anh Thông đã kể ra câu chuyện rất bi hùng này. Em vừa vào mạng nên đọc ngay vì thấy nó có dính đến lính. Đọc rồi không ngờ được câu chuyện như thế đã xảy ra với anh trong chiến tranh. Thế mà chưa bao giờ nghe anh kể. Quá xúc động, mắt cay và thương cho mỗi một con người trong đó với những nỗi đau và ám ảnh chiến tranh. Nếu cậu bé ấy muốn tìm lại người cha ruột và mộ của mẹ chú ý thì có thể quay về vùng quê và đăng câu chuyện này của anh lên báo. Mọi thứ đều có thể xảy ra khi bom rơi, đạn nổ khốc liệt như vậy. Em muốn viết nôm na mấy câu văn vần về chuyện ra đời của con người lính anh Thông nhé:


Giữa trận chiến vẳng tiếng dài rên rỉ


người phụ nữ oằn mình cố giữ một sinh linh


trời gầm thét, máy bay rất vô tình


bom đạn đâu nhận ra người mỗi phía,...


Chiến binh trẻ dừng tay, không bấm cò vì nghĩa


cái nghĩa đồng bào giữa chết chóc ngổn ngang,


đều là máu đỏ, da vàng


khoác lên mình ước lệ


đổ máu xương nhiều thế, dưới đạn bom!


Nghe người cha cầu khẩn cứu con


nghe người mẹ rên đau niềm hi vọng


và trái tim thì thầm dậy sóng


trỗi dậy giữa bộn bề máu đọng


một sinh linh chưa biết ánh mặt trời


một sinh linh còn trong bọc sắp lìa đời 


nơi le lói tình người không giới tuyến,...


Rồi diệu huyền thay phép màu đêm Chúa giáng sinh


giữa những xác chết và điêu linh tàn khốc


một mầm sống khóc vang chào bầu trời thật rộng 


tiếng khóc gọi những người cha


những binh sỹ của cả hai chiến tuyến,


nước mắt hoen và lời cầu nguyện hòa bình


đến với mọi sinh linh


gửi gắm bình minh giữa những hoang mang,...


Anh lính cho cái tên là cả một giang san


với niềm tin vào cuộc chiến đang tàn


sứ mệnh đã trao từ đôi vai chiến sỹ


Cháu lớn lên bên những người kiên cường, bền bỉ


giành giật phút giây với chất độc da cam,


để con mình được du học đàng hoàng


để con có một chân trời và một kho ký ức


cảm ơn người đã cho nghe rất thực


câu chuyện một thời với lịch sử nước non!



Từ: ChiNB
04/05/2013 10:53:12

Thật xúc động khi đọc những dòng văn mà lại là những tâm sự của người trong cuộc. Cuộc chiến dù có khốc liệt đến đâu nhưng tình người vẫn luôn tồn tại. Chuyện của Thông viết, đúng như ThoaNP nói, luôn chân thực và sâu sắc, các nhà biên kịch có thể dựng thành một tác phẩm điện ảnh hay được đấy. Cám ơn Thông đã cho mọi người thấy được một mặt khác của chiến tranh: tình người và sự hòa hợp của dân tộc VN mình.



Từ: HienVC
04/05/2013 09:46:39

Cảm ơn anh Thông đã viết lại một trong những trang ký ức có thể nói là bi hùng nhất trong lịch sử dân tộc. Có lẽ đấy là một trong những minh chứng cụ thể nhất của sự hòa hợp dân tộc mà cố TT Võ Văn Kiệt đã trăn trở, nỗ lực rất nhiều để cố gắng đạt được trong cộng đồng người Việt sau 1975.


Đáng tiếc là cho đến nay vẫn còn có những mặc cảm, chia rẽ thậm chí phân biệt đối xử trong các cộng đồng người Việt và điều này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh của một dân tộc đã có một quá khứ vẻ vang và huy hoàng như dân tộc chúng ta.


Chỉ khi nào tâm nguyện của cố TT Võ Văn Kiệt trở thành hiện thực chúng ta mới trở thành một dân tộc mạnh với đúng nghĩa của nó. 



Từ: 3Chai
04/05/2013 09:24:32

Cả cái tên bài cũng đã làm mình chú ý ngay từ đầu. Câu chuyện thật nhưng có tính biểu tượng cho một vấn đề rất lớn của dân tộc VN hiện nay và nhiều năm nữa.


Các cháu sinh viên du học ở South Australia đến hỏi ý kiến mình về viêc tổ chức một ngày hội văn hóa VN. Các cháu vừa muốn có sự ủng hộ của bà con người Việt, vừa do dự muốn xin kinh phí trợ giúp của ĐSQ. Mình giới thiệu các cháu đến gặp một số bạn bè chọn lọc. Nhiều người nhiệt tình ủng hộ, nhưng ai cũng cảm thấy hố sâu ngăn cách lòng người Việt còn lớn quá. Mình đành khuyên các cháu, nếu muốn tránh bị phản biểu tình tẩy chay thì ngày hội văn hóa phải không có cả cờ đỏ lẫn cờ vàng, và các chú ĐSQ thì chả nên tham gia nữa.


Bác Võ Văn Kiệt nói một câu đại ý 30/4 vừa là ngày vui vừa là ngày buồn của rất nhiều người VN. Phải là người rất có nhân, có trí và cả dũng nữa mới nói được câu đó. Nhưng để thực sự hòa giải ngày vui với ngày buồn thì hầu như chúng ta còn chưa làm được gì. 


Cần bao nhiêu năm nữa người Việt mới làm được chuyện mà người Mỹ đã làm sau Nội Chiến Nam Bắc, hay là người Nam Phi đã làm sau khi xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc?


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s