SAO NỠ BẮN NGƯỜI TÙ BINH ẤY- Hồi ức của Vũ Công Chiến
Tác giả: VIỆT TRUNG sưu tầm
SAO NỠ BẮN NGƯỜI TÙ BINH ẤY
Vũ Công Chiến. 07 May. 10:46.
Sau trận đánh phục kích bọn lính Thái ở Bản Vườn lê 42, tôi được cử đi học lớp tập huấn công binh, chuyên về gỡ mìn và kỹ thuật mở cửa hàng rào đánh căn cứ. Mục đích của lớp học là để giúp cho các đơn vị bộ binh, khi đánh các cứ điểm của địch có thể tự mình gỡ mìn và sử dụng kỹ thuật đặt mìn định hướng phá hàng rào thép gai để tạo cửa mở, hiệu quả hơn cách dùng bộc phá ống thông thường. Sau hơn một tháng, kết thúc khoá học, tôi trở về đơn vị và được phiên chế vào B5, trung đội chuyên làm nhiệm vụ mở cửa và đánh lô-cốt đầu cầu của đại đội. Chỉ huy mới của tôi là tiểu đội trưởng Trịnh.
A trưởng Trịnh không có gì đặc biệt lắm. Dáng người cũng chỉ tầm thước, nhưng to khoẻ theo kiểu lực điền. Anh vào chiến trường trước tôi hai mùa chiến dịch. Thế cũng đủ để tôi nể phục lắm rồi. Điều đáng nói hơn là anh gan dạ và rất xông xáo trong chiến trận. Anh là một trong những tiểu đội trưởng "cứng" của đại đội. Anh Trịnh đón nhận tôi về tiểu đội một cách hồ hởi. Thái độ của anh làm cho tôi rất thoải mái. Anh giữ tôi lại nằm chung hầm với anh. Căn hầm chữ A có đáy dài 2 mét và rộng hơn 1 mét làm cho chúng tôi thêm gần gũi nhau. Chúng tôi cùng kể chuyện về bản thân mình cho nhau nghe. Chẳng bao lâu mà chúng tôi trở nên thân thiết. Về cá nhân anh, tôi không ngờ là anh lại không biết chữ. Quê anh ở Sơn Tây. Chỉ cách Hà nội có hơn bốn chục cây số, vậy mà do nhà nghèo mà anh không được đi học. Tuổi thơ của anh gắn liền với chăn trâu, cắt cỏ và biết làm ruộng sớm. Trước khi đi bộ đội, anh làm ruộng và là lao động chính trong gia đình. Ở quê, anh còn không biết đến cái tàu hoả hay tàu điện là gì. Cũng vì vậy nên anh càng quý tôi, khi biết tôi đã học hết lớp 10 phổ thông. Sự chân thành và nghịch cảnh đã gắn bó tôi với anh thành đôi bạn lính. Lúc ở hậu cứ, hai chúng tôi luôn ở chung hầm. Còn khi ra trận thì tôi và anh bao giờ cũng đào hầm cạnh nhau. Là tiểu đội trưởng, nhưng trong những trận đánh chốt, anh thích sử dụng hoả lực B40, dù rằng giữ súng này thì phải năng vận động và thay đổi vị trí bắn để tránh địch phản pháo. Nhờ có hàm răng hơi hô, nên anh bắn B40 rất tốt. Có trận chốt, anh bắn tới 12 quả đạn trong một buổi sáng mà vẫn không ù tai hoa mắt như cảnh báo trong lý thuyết. Những lúc ra trận như thế mà được quạt AK yểm hộ cho anh thì thật tuyệt.
Anh Trịnh tỏ ra quan tâm đến tôi có phần thiên vị hơn so với anh em khác trong tiểu đội. Cũng chút ít thôi, và có phần hợp lý nên cũng không ảnh hưởng đến tình cảm chung trong cả tiểu đội. Chả gì thì tôi cũng là lính thành phố, vóc dáng thư sinh và yếu nhất tiểu đội. Nhưng khi chuẩn bị ra trận thì hầu như toàn bộ thủ pháo và bộc phá trong cả trung đội, tôi đều giành phần bấm kíp và gói, vì tôi đã được học về công binh một cách bài bản. Tôi cũng là người thạo nhất về cách đặt giá mìn định hướng. Thực ra, nói vậy cho nó đầy đủ thôi, chứ lính tráng trong chiến trường sống chết vì nhau lắm. Ai cũng có thể sẵn sàng hy sinh vì đồng đội.
Thời gian mùa mưa, đơn vị chúng tôi phải làm nhiệm vụ cùi cõng đạn dược và lương thực để chuẩn bị hậu cần cho mùa khô. Các loại hàng hoá bình thường như gạo, thuốc nổ, đạn cối...thì chia đều trọng lượng cho nhau được. Riêng những lần vác đạn DKB thì phải hai người vác chung một quả. Quả đạn DKB chính là đạn của hoả tiễn Ca-chiu-sa tháo rời, gồm phần thân và đầu đạn. Phần đầu đạn chỉ nặng có 21 cân, nhưng phần thân nặng tới 35 cân. Mọi cặp khác đều chia ra thay đổi cho nhau, nhưng riêng cặp tôi với anh Trịnh, thì anh giành phần vác thân quả đạn suốt cả quãng đường vận chuyển 6 tiếng đồng hồ. Vậy mà đến bữa thì mọi suất ăn của lính tráng đều như nhau, còn đói nữa là khác, nhưng cũng chẳng ai ăn hơn ai đến một miếng.
Trận đánh đầu tiên của mùa khô 1973, anh Trịnh đã cứu tôi trong một tình huống khác thường. Căn cứ Ba-lào-ngam có hệ thống công sự vững chắc, do một tiểu đoàn lính Thái Lan chiếm giữ. Do phải đánh cứ điểm kiên cố, chúng tôi được tăng cường 4 xe tăng phối hợp. Các trận đánh thông thường, chúng tôi chỉ mở cửa rộng 4 đến 6 mét là đủ cho bộ binh xung phong. Trận này có xe tăng nên cấp trên yêu cầu mở cửa rộng 8 mét. Anh Trịnh lại hạ quyết tâm thêm, là sẽ mở cửa rộng 12 mét. Cứ điểm địch có 5 lớp hàng rào. Đêm đó, chúng tôi bò vào dùng kìm cắt đứt 3 lớp rào ngoài. Sau đó tại chân mỗi hàng rào, chúng tôi đặt nối nhau tới 6 ống bộc phá loại 1,2 mét. Trước 2 lớp rào trong cùng, chúng tôi dựng 2 giá mìn định hướng DH10, mỗi giá 3 quả. Tất cả các giá mìn và bộc phá đều được nối liền nhau bằng dây nổ, để khi điểm hoả thì tất cả đều nổ cùng một lúc. Kết quả là khi chúng tôi điểm hoả mở màn trận đánh vào 5 giờ sáng thì cả một vệt 5 lớp rào đã bị phá bay, tạo thành cửa mở rộng tới 12 mét. Cả trung đội chúng tôi tiếp tục chiến đấu tại chỗ suốt ngày hôm đó để giữ cửa mở, không cho địch ra bít lại.
Một ngày trôi qua. Khoảng sáu giờ tối thì xe tăng của ta vào đến cửa mở. Trận đánh chính thức bắt đầu. Chiếc xe tăng đi đầu chạy sát qua căn hầm của tôi. Vì quanh cứ điểm này, địch không phát quang hết cây lúp súp, nên xe tăng không nhận rõ hướng cửa mở. Một người lính trên xe tăng mở nắp xe quát to hỏi tôi trong tiếng máy nổ ầm ầm:
- Hướng cửa mở đâu?
Tôi chỉ tay, nhưng vẫn chưa nhìn rõ nên người lính tăng vẫy tay, và tôi trèo lên thành xe tăng, định ngồi đó chỉ đường. Đúng lúc chiếc xe tăng dịch đít xe chỉnh hướng thì anh Trịnh bỗng xuất hiện. Anh nhảy bổ lên thành xe tăng quát to lên câu gì đó, rồi nắm cổ áo tôi, kéo tôi ngã nhào xuống đất. Đoạn anh vụt đứng dậy kêu to với người lính tăng:
- Hướng cửa mở đây này.
Và anh chĩa AK về hướng cửa mở bắn một loạt dài. Những viên đạn lửa lắp sẵn của anh tạo thành một vệt đỏ dài thẳng hướng cửa mở. Chiếc xe tăng đóng nắp và xịt khói lao vào cửa mở, kéo theo những chiếc xe tăng khác và đám bộ binh có nhiệm vụ đánh thọc sâu.
Tôi còn chưa hết bàng hoàng thì anh Trịnh đã lại túm lấy cổ áo tôi, gí sát mặt anh vào mặt tôi mà quát:
- Sao mày ngu thế. Ngồi trên nóc xe tăng mà làm bia đỡ đạn à.
Rồi anh chỉ tay theo hướng xe tăng, và tôi cũng còn kịp nhận ra những vệt đạn liên thanh của địch bắn vào thành xe tăng toé lửa.
Thế là tôi thoát chết, nhờ sự dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của anh. Sau trận đó tôi càng quý mến anh hơn.
Một lần khác, anh lại cứu tôi cũng trong một bối cảnh đặc biệt. Lần đó, ta và địch cứ giằng co mãi quanh chân núi Chư Pa. Có một điểm cao phía Đông, nhỏ nhưng dốc đứng, bị địch chiếm giữ. Quân ta ở một quả đồi thấp hơn. Cầm cự được khoảng 1 tháng thì chúng tôi phát hiện địch chuyển quân và rời bỏ chốt đó. Cấp trên ra lệnh cho tiểu đội chúng tôi lên chiếm ngay chốt. Vì biết địch bỏ chốt, bao giờ cũng cài bẫy mìn, nên tôi và anh Trịnh lên trước. Điểm chốt này nhỏ, chỉ có dăm căn hầm, và có 3 lối mòn lên đó. Tôi thận trọng đi trước và dễ dàng phát hiện ra những quả lựu đạn mà địch gài bẫy bằng dây cước chăng ngang lối mòn. Bản thân quả lựu đạn đã được tháo bỏ cần mỏ vịt và đút hờ vào trong một vỏ ống bơ. Chỉ cần đá nhẹ vào sợi dây, quả lựu đạn sẽ tuột ra, giải phóng lẫy chính và phát nổ. Tất cả các loại lựu đạn gài đều là loại nổ tức thì, nghĩa là chúng không có phần dây cháy chậm như những quả lựu đạn thông thường khác. Hai quả đầu là loại lựu đạn bầu dục. Tôi dễ dàng luồn tay bóp chặt lẫy chính, kéo quả lựu đạn ra, ghì nó trở lại vị trí ban đầu và sâu 1 cái kim băng vào lỗ định vị để vô hiệu hoá nó. Tôi làm như vậy để giữ an toàn về lâu dài cho điểm chốt, chứ thực ra chỉ cần xử lý đơn giản là nhét sâu nó vào trong ống bơ, quấn chặt nắp lại rồi chôn xuống đất là xong. Đến quả lựu đạn thứ ba thì gặp phải loại lựu đạn tròn. Tư thế cầm và lực bóp ghì lẫy chính nặng hơn, vì mẩu lẫy chỉ dài độ hơn 1 phân. Tôi ghì tay đến hơn nửa phút mà vẫn không đưa được lẫy chính về vị trí an toàn. Hai ngón tay trỏ và cái của tôi cứng đờ. Chỉ cần mỏi tay để tuột ra làm quả lựu đạn nổ là tôi tan xác. Mồ hôi tôi vã ra. Tôi ghì thêm một lần nữa mà không được. Ngón tay càng cứng đờ. Tôi đã nghĩ đến cái chết. Hoặc nhẹ hơn là tôi phải lần đến một cái hầm, nằm sát trên miệng hầm rồi đưa tay thả quả lựu đạn vào hầm. Như vậy chắc chắn tôi sẽ chỉ mất một cánh tay. Anh Trịnh vẫn ở sát bên tôi, theo dõi được mọi chi tiết xảy ra và chắc cũng đọc được ý nghĩ của tôi. Anh nói, giọng nhỏ nhưng kiên quyết:
- Cố gắng lên. Hít thở sâu và ghì mạnh vào. Tao sẽ xỏ kim băng giúp mày. Nào!
Tôi liếc nhìn anh. Quả lựu đạn mà nổ thì tan cả hai thằng. Tôi hít một hơi dài rồi nghiến răng dồn lực vào hai ngón tay. Máu căng ra ở hai bên thái dương, giật giật. Anh Trịnh vẫn quỳ sát bên tôi, và khi tay tôi vừa uốn được cái lẫy về vị trí gốc của quả lựu đạn, thì anh kịp thời nhét cây kim băng vào lỗ chốt an toàn. Tôi buông tay, thả quả lựu đạn rơi xuống đất rồi nằm vật ra, thở dốc. Hai bàn tay cứng như bị chuột rút. Tôi nhìn lên bầu trời xanh tít tắp, cảm thấy mặt đất như đang xoay tròn. Một lúc lâu sau, tôi mới lồm cồm bò dậy. Tôi và anh Trịnh nhìn nhau, rồi chúng tôi ôm lấy nhau, thật lâu.
Sau đó chúng tôi tiếp tục gỡ thêm được 3 quả lựu đạn gài nữa, nhưng chỉ dám làm theo cách đơn giản là quấn nó lại và vùi xuống đất. Rồi anh Trịnh quay xuống chân đồi kéo cả tiểu đội lên, triển khai giữ chốt.
Thế là sự động viên tinh thần của anh Trịnh lại một lần nữa kéo tôi ra khỏi cái chết. Sau này, chúng tôi còn nhắc lại sự việc trên nhiều lần, mà mỗi lần nhớ lại tôi đều không khỏi rùng mình, sởn gai ốc. Tình cảm của tôi với anh Trịnh ngày càng gắn bó hơn.
Anh Trịnh không chỉ gan dạ và giỏi xử lý tình huống trong chiến đấu. Sinh hoạt đời thường của anh cũng nhiều kinh nghiệm, đôi khi có một chút láu cá. Dạo còn chiến đấu bên Lào, ăn đói nhưng người dân Lào không tiếc chúng tôi những thứ rau quả họ trồng ngoài nương rẫy. Chỉ có điều, do bận rộn hành quân tác chiến nên không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp được dân mà xin. Một lần hành quân dã ngoại, chúng tôi được lệnh dừng chân ven một cánh rừng nhỏ. Lúc đó đã nhá nhem tối. Sau khi được phân công vị trí đóng quân, tiểu đội chúng tôi bắt tay đào hầm. Anh Trịnh nhắc nhỏ chúng tôi cứ im lặng đào hầm, rồi anh cắp AK quay ngược trở lại đường hành quân. Chừng một tiếng rưỡi sau anh quay lại, hồ hởi cho chúng tôi xem một quả bí ngô to tướng quấn trong mảnh dù. Hoá ra lúc chiều hành quân, anh đã liếc thấy một quả bí ngô ở vạt nương gần đường, và ghi nhớ vị trí của nó. Đến khi có lệnh dừng chân trú quân, đoán biết khoảng cách chỉ vài cây số, anh đã quyết định quay lại để lấy. Tối hôm đó, sau bữa cơm ít ỏi, anh lấy quả bí ngô ra, khoét nắp, bỏ ruột, cho vào đó một ít đường rồi đem xuống hầm chất lửa nướng. Đêm đó, tiểu đội chúng tôi có thêm món chè bí ngô cải thiện. Đại loại những trò vặt vãnh như thế, A trưởng nào tháo vát thì lính tráng được nhờ. Đối với cuộc sống chiến trường thì chỉ như thế thôi, cũng làm chúng tôi thấy hạnh phúc lắm rồi.
*
Mùa mưa năm 1973, chiến sự thưa thớt do có hiệp định đình chiến Pari. Tôi nhận được hai ba lá thư nhà. Mấy thằng khác trong tiểu đội cũng có thư. Riêng anh Trịnh thì chẳng có lá thư nào. Lính tráng chiến trường vốn coi nhau như một nhà, nên tất cả thư đều đem đọc chung và được giải thích một phần những nội dung trong đó. Đời sống tinh thần khá hơn. Tuy vậy, anh Trịnh thường chỉ im lặng nghe đọc thư, ít góp thêm chuyện. Thế rồi một lần tôi bảo anh:
- Anh cần phải biết chữ. Em sẽ dạy anh học.
- Liệu có được không?- anh băn khoăn hỏi lại.
- Được. Nhất định được. Ai cũng học được mà. Chỉ cần anh nghe em là được.
Thế là tôi bắt tay vào chuẩn bị dạy anh học. Cả tiểu đội, rồi cả đại đội biết tin, ai cũng ủng hộ. Mọi người đều tin tưởng là một thằng học lớp 10 như tôi nhất định sẽ dạy được vỡ lòng. Chính trị viên đại đội là người dân tộc, văn hoá mới hết lớp 5, nhưng thích cái ý định của tôi lắm. Anh lần qua các trung đội, thu thập cho tôi một lô giấy trắng và vài cây bút bi chiến lợi phẩm. Tôi nhận, nhưng tôi làm theo cách của tôi. Tôi nhớ lại ngày xưa học vỡ lòng, có hộp ô chữ bằng gỗ. Thế là tôi hì hục lấy gỗ đẽo thành những miếng vuông be bé, phơi khô rồi lấy dùi nung khắc những chữ cái vào các miếng gỗ đó. Tôi khâu một cái túi nhỏ bằng vải dù để đựng các ô chữ cái. Thế là từ đó di chuyển quân đến đâu, anh Trịnh cũng đem theo túi chữ đó. Tôi còn dùi thêm trên mỗi miếng gỗ một cái lỗ. Mỗi ngày, tôi lấy ra một chữ cái, sỏ dây vào và bắt anh Trịnh đeo vào cổ như đeo số lính. Cứ dừng chân, hay giải lao trong các buổi hành quân hay luyện tập là anh Trịnh lôi miếng gỗ ra nhận mặt chữ, đọc to ê a và lấy que viết lên mặt đất . Nếu ở lán thì lấy bút viết ra giấy. Học thuộc xong chữ cái thì tập ghép vần, tập đọc. Cái phương pháp của tôi chả hiểu có tính sư phạm nào không, nhưng được cái anh Trịnh rất chịu khó và chăm chỉ. Dần dà anh đã đọc được chữ và đã chép được các bài tập viết do tôi soạn, tuy còn chậm. Sáu tháng sau, cả đại đội vui mừng khi chứng kiến anh đã viết được một lá thư ngắn đầu tiên gửi về nhà. Lá thư đó đã được cả đơn vị xem trước khi bỏ vào phong bì gửi đi.
Cũng liền sau đó, tôi được cử làm A trưởng một A khác trong cùng đại đội. Tôi với anh, tuy mỗi người phải lo công việc riêng của tiểu đội mình, nhưng chúng tôi vẫn thường gặp nhau. Anh vẫn nhiệt tình giúp đỡ tôi lúc cần thiết.
*
Gần cuối mùa mưa năm 1974, đại đội chúng tôi nhận nhiệm vụ luồn sâu để tổ chức những trận tập kích hoặc phục kích nhằm tiêu hao sinh lực địch. Cả đại đội luồn rừng lọt hẳn vào một khu vực nằm giữa hai khu căn cứ của địch ở đường 5A và 5B, phía Tây thị xã Pleiku. Khu vực chúng tôi hoạt động là những dãy đồi rộng lớn có nhiều rừng cây nhỏ, nhưng chủ yếu là rừng le. Xen kẽ những dãy đồi dài là các con suối đất, đa số được hình thành trong mùa mưa. Các bụi le nằm ken nhau như những bụi tre nhỏ, nhưng không có gai, kéo dài suốt từ bờ suối lên đến tận đỉnh đồi. Thời gian này hầu như ngày nào cũng có mưa. Mưa tầm tã, mưa rả rích tới mức dằn vặt. Quần áo lúc nào cũng cứ ẩm ẩm và dẻo dẻo vì dính bùn đất. Không có chỗ và thời gian để tắm, vì chúng tôi phải di chuyển liên tục. Nhiều khi phải tắm qua quít, vội vàng trong lúc lội qua suối giống như người dân tộc. Cứ vừa lội suối, vừa hạ thấp người cho ngập xuống nước rồi luồn tay vào trong người khua khoắng loạn xạ cho nhạt bớt đất và ghét. Dừng chân ở đâu, chúng tôi cũng phải đào hầm. Mùa mưa, đất mềm nên đào hầm rất dễ. Sẵn các cây le vừa tầm bắp tay, dễ chặt để ghép làm nắp hầm, nên mỗi khi dừng chân, chúng tôi chỉ mất độ một giờ là đào xong hầm cá nhân. Đang là mùa mưa nên măng le ở đây rất nhiều. Loại măng này không đắng, chỉ cần luộc qua một nước là nấu ăn được. Hầu như bữa ăn nào của chúng tôi cũng có măng le.
Đường đi trong rừng le ngoắt ngoéo, nên tầm quan sát bị hạn chế nhiều. Để chống lại các đơn vị luồn sâu của ta, địch cũng cho nhiều tốp thám báo lùng sục, phát hiện quân ta rồi gọi pháo bắn. Nhiều lúc chúng cũng cho các đơn vị bộ binh, chủ yếu là bọn lính Biệt động quân biên phòng, tổ chức theo từng trung đội để lùng sục quân ta. Có lúc hai bên đã chạm trán nhau bất ngờ và phải nổ súng theo kiểu tao ngộ chiến.
Trong một lần cũng bất ngờ gặp địch, chúng tôi đã đánh tan một trung đội địch, bắn chết ngay tên lính thông tin mang điện đài, và tên chỉ huy. Ngoài ra chúng tôi còn bắt sống được một tên tù binh. Nó chưa kịp bắn một phát nào thì đã bị anh Trịnh chồm tới sát người, dí súng vào cổ, bắt sống. Chúng tôi nắm cổ nó lôi theo và lập tức rút lui. Bọn lính địch còn sống sót mất cả chỉ huy lẫn thông tin, nên không thể gọi pháo bắn theo. Chúng tôi rút lui an toàn.
Về đến vị trí dừng chân, chúng tôi mới kịp trói tên tù binh. Tên tù binh còn quá trẻ, mặt non choẹt. Bên má nó như còn cả lớp lông măng tơ. Nó sợ hãi nhìn chúng tôi. Tôi thấy nó còn non hơn cả đứa em ở nhà, trông tội tội. Nó khai tên là Tín, nhà ở khu cầu Ông Lãnh, Sài Gòn. Nhà chỉ có hai má con. Nó mới 17 tuổi, bị bắt lính hơn 1 tháng. Nó vừa được bổ xung vào đơn vị Biệt động quân biên phòng trên cao nguyên này một tuần, ra trận lần đầu, chưa bắn phát nào thì bị bắt sống. Nó ngồi co ro, nép vào bụi le để tránh những giọt mưa rừng, trông gầy gò ốm yếu. Nó gọi chúng tôi là ông giải phóng, xưng con. Thằng này chẳng khai được thông tin gì, ngoài số hiệu đơn vị của nó. Chúng tôi cũng biết tỏng là nó cũng chẳng thể biết gì hơn. Từ hôm đó, chúng tôi di chuyển đến đâu là lôi nó theo đến đó. Chắc là đến hôm nào trong đại đội có người về tuyến sau thì sẽ giải nó về luôn thể.
Ba ngày sau, trung đội tôi lên giữ chốt trên cao điểm 631. Hai trung đội bạn đứng chân bên dưới, tổ chức đánh nhỏ lẻ và sẵn sàng chi viện cho chốt. Anh Trịnh ở khác trung đội tôi. Tiểu đội anh Trịnh vẫn được giao trông giữ tên tù binh. Thời gian này, đại đội trưởng của chúng tôi bị thương, đang nằm điều trị trên trạm xá trung đoàn, chính trị viên trưởng đang đi tập huấn, nên trong đơn vị chỉ còn đại đội phó Nghiêm và chính trị viên phó Thành chỉ huy. Không hiểu sao, đại đội phó Hoàng Nghiêm lại hay đến quát nạt tên tù binh. Anh cứ đổ cho vết xước trên trán anh trong trận bắt tên tù binh là do nó bắn, mặc dù khẩu súng của nó còn nguyên đạn.
Thấy thời gian trôi qua lâu mà không có đợt cử người về tuyến sau, anh Thành đã nghĩ đến chuyện phóng thích tên tù binh. Cỡ như thằng này có thả về cũng chẳng làm nên trò trống gì. Anh định tạo cho nó một vết thương để khi phóng thích về, nó cũng phải giải ngũ. Việc này tất nhiên chưa có tiền lệ và có vẻ không đúng quan điểm giai cấp. Nhưng xét về tính nhân đạo thì có thể chấp nhận được. Bản thân anh Trịnh cũng chẳng phàn nàn gì về việc phải trông giữ thêm tù binh. Tên tù binh trông hiền lành, ngoan ngoãn và im lặng chịu đựng. Đến bữa ăn cho nó bát cơm với măng le, nó nhìn biết ơn rồi cúi đầu cặm cụi ăn trong thật tội nghiệp. Anh Trịnh bảo đôi lúc chạnh lòng vì thấy nó ăn như con chó nuôi trong nhà. Nhiều lúc anh còn không có cảm giác nó là một tên địch nữa. Khi nghe phong thanh có thể được phóng thích, nó mừng lắm. Nó líu ríu nói rằng nó vô cùng biết ơn giải phóng, và mong được về gặp má nó. Nó còn thề sống thề chết sẽ không khai báo gì với tụi nguỵ về chúng tôi. Nó bảo: "Các ông cứ bắn gãy tay con trước khi thả con ra cũng được".
Nhưng đại đội phó Nghiêm không nghĩ vậy. Anh bảo nó là địch, khác giai cấp, nên không thể tha. Vả lại, sự an toàn cho đơn vị là trên hết. Không có điều kiện giải nó về tuyến sau, thì tiêu diệt. Thực ra điều này lại vi phạm chính sách tù hàng binh, nhưng nhìn cái mặt sắt đen sì của anh Nghiêm lúc đó thì chẳng ai dám cãi.
Một hôm, anh Trịnh được giao nhiệm vụ dẫn tên tù binh ra suối để bắn nó. Thằng Tín không biết chuyện, tưởng được tha, nên rất hớn hở. Anh Trịnh trói nó giải đi, lầm lũi không bắt chuyện. Khi đến một con suối, anh bảo tên lính đi lên cầu trước. Chiếc cầu độc mộc chênh vênh và trơn, lại bị tróí nên thằng Tín loay hoay mãi mới leo lên được. Anh Trịnh đứng sau một đoạn, thở dài và bật chốt an toàn súng. Nhưng hình như thằng Tín linh cảm được. Nó quay người lại nhảy đại xuống đất, rồi chạy ào lại, quỳ xuống dập đầu lạy dưới chân anh Trịnh. Nó vừa khóc, vừa van xin anh tha chết cho nó. Nước mắt nó chảy dài làm anh Trịnh mủi lòng. Anh đóng lại chốt an toàn của khẩu AK, rồi đưa tên tù binh quay lại đơn vị. Tối đó, đại đội phó Nghiêm gọi anh Trịnh ra một góc xa, rồi đay nghiến anh Trịnh vì không hoàn thành nhiệm vụ. Anh Trịnh lặng im nghe, rồi chợt nói:
- Tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ muốn kỷ luật tôi thế nào cũng được, nhưng tôi không bắn tên tù binh đó đâu.
Anh Nghiêm hơi sững người, nhưng không nói gì thêm. Cả hai quay lại hầm trú quân.
Hai hôm sau, đại đội phó Nghiêm lại gọi anh Trịnh, ra lệnh cho anh đưa tên tù binh lên đồi le để bắn. Anh Trịnh lại dẫn thằng Tín đi, nhưng lần này hướng về phía căn cứ địch, nên nó cũng bớt nghi ngờ. Nhưng như con chim bị đạn, sợ cả làn cây cong, nó vẫn đưa mắt nhìn anh Trịnh nghi ngại. Rồi anh Trịnh dẫn nó lên đồi. Vừa lên đến đỉnh đồi, cách nơi trú quân chỉ chừng trăm mét, bất thình lình có tiếng pháo của địch câu theo kiểu cầm canh bắn tới. Anh Trịnh thừa dịp đó, thét bảo thằng Tín chui vào 1 cái hầm gần đó để tránh pháo. Thằng Tín làm theo. Đúng lúc tên tù binh vừa lom khom chui được vào cửa hầm, thì anh Trịnh bật nhanh chốt an toàn rồi bắn một loạt đạn vào lưng nó. Thằng Tín trúng đạn, khuỵu chân xuống. Nó cố oằn người quay lại, mở to mắt nhìn anh Trịnh mà không kêu lên được một tiếng nào. Ánh mắt của nó vừa thảng thốt, vừa ai oán, vừa cam chịu. Rồi hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống khuôn mặt còn non choẹt của nó. Không dám nhìn thêm nữa, anh Trịnh quay người chạy xuống chân đồi, lôi theo cả khẩu AK còn chưa kịp đóng chốt.
Đại đội phó Nghiêm chạy ra đón, hỏi anh Trịnh một câu gì đó. Hai tai ù ra, chẳng còn nghe được gì, anh Trịnh lao về hầm rồi nằm vật ra, bật khóc. Tối hôm đó anh Trịnh bỏ cơm. Rồi hai ngày tiếp theo, anh cũng chẳng chịu ăn uống gì. Cả ngày cứ nằm im trong căn hầm ẩm ướt, ai đến hỏi anh cũng chẳng trả lời gì.
Sau đó hai hôm, tôi từ trên chốt 631 trở về và sang hầm thăm anh. Anh Trịnh ôm lấy tôi, nước mắt ứa ra. Rồi anh vừa nghẹn ngào vừa kể cho tôi nghe việc anh bắn tên tù binh. Anh bảo tôi:
- Mày đã bao giờ nuôi một con chó, rồi lại tự tay giết thịt nó chưa. Mày có nhìn thấy ánh mắt của nó lúc bị giết ai oán, giận trách và buồn cam chịu như thế nào không? Thằng Tín nó nhìn anh y như thế đấy. Trời ơi! Anh đã bắn chết một người trong tay không có súng, mà còn bị trói. Nó đã bị bắn chết đúng lúc nó tưởng được sống. Sao tao lại hèn hạ thế này. Tao là một thằng tồi, phải không?
Anh Trịnh còn nói nhiều nữa, day dứt và dằn vặt. Tôi không nói được gì, chỉ biết im lặng nắm cánh tay anh. Anh Trịnh còn dằn vặt hơn vì ai đó trong đại đội đã nói rằng, vì anh là thằng không biết chữ nên mới bị giao cái việc bắn tù binh ấy. Trời ơi? Sao ai lại độc mồm độc miệng đến thế. Cái tình quân ngũ sống chết có nhau nơi chiến trường đâu rồi. Nói thế có khác gì bọn du thủ du thực ngoài chợ. Tôi thấy buồn, lo không hiểu cú sốc này sẽ làm anh Trịnh ra sao.
Hôm sau, tôi lại phải quay lên chốt 631. Đại đội phải di chuyển địa điểm và anh Trịnh vẫn phải đi theo đơn vị. Ở trên chốt, tôi cứ nghĩ mãi về anh Trịnh và vẫn thấy rờn rợn khi hình dung ra nét mặt tên tù binh lúc bị bắn theo lời anh Trịnh kể. Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, nếu không phải anh Trịnh, mà là chính tôi bị giao cái nhiệm vụ ấy, thì sự thể sẽ thế nào?
Sau đợt luồn sâu kéo dài hai tháng đó, chúng tôi trở về hậu cứ. Anh Trịnh trở nên lầm lì, ít nói hơn. Anh hay cúi gầm mặt xuống đất, dáng đi trở nên chậm rãi, lòng khòng. Không còn nhận ra ở anh cái dáng nhanh nhẹn, dũng mãnh khi cắp AK dẫn cả tiểu đội xung trận. Không còn cả ánh mắt rực lên như có lửa, đầy quyết tâm khi anh phổ biến nhiệm vụ chiến đấu. Tôi có cảm nhận trong anh đang có gì thay đổi.
*
**
Đầu tháng 12 năm 1974, đại đội tôi lại hành quân ra tuyến trước. Lần này chúng tôi nhận nhiệm vụ chốt đường 5B. Sau những tháng mùa mưa tác chiến, đại đội tôi chỉ còn bốn chục tay súng. Sau 5 tiếng đồng hồ hành quân, chúng tôi đã chiếm lĩnh xong trân địa chốt. Trận địa chốt này được chuẩn bị sẵn từ trước, rất kiên cố. Các hầm chính nằm sâu dưới mặt đất 3 mét, có thể chịu được đạn pháo 105 ly. Hầm nào cũng được đào thêm nhiều nhánh hầm râu tôm ra hai bên để tiện tác chiến. Cả đại đội lập 3 chốt gác. Sau khi phân công gác xong, những người ở phiên gác sau lăn ra ngủ. Lúc ấy đã là 12 giờ đêm.
Mờ sáng hôm sau, cả đại đội bị đánh thức dậy bởi lệnh báo động. Chính trị viên trưởng thức giấc sớm, đã phát hiện ra cả điểm chốt vắng tanh, không còn người gác. Chúng tôi nhanh chóng kiểm tra quân số. Tất cả cùng bàng hoàng, sửng sốt và lặng người đi khi thấy toàn đơn vị thiếu mất 12 người. Trong đêm qua, họ đã đảo ngũ tập thể, có tổ chức. Trong 12 người ấy có tới 3 tiểu đội trưởng, có cả anh Trịnh. Các anh đều là những người lính có nhiều tuổi quân hơn tôi. Tôi có hơi lờ mờ nghĩ đến sự việc này sẽ xảy ra, nhưng không ngờ là số người bỏ ngũ lớn đến như vậy. Mất tới gần một phần ba quân số, chúng tôi chỉ còn lại 28 người giữ chốt. Không thể làm thêm được gì khác, ngoài việc sắp xếp, bố trí lại đội hình trên chốt và báo cáo về tiểu đoàn. Trong tôi trào lên một tình cảm khó tả. Thế là các anh ấy đã bỏ chúng tôi mà đi, ngay trước trận đánh. Cá nhân tôi không dám phán quyết các anh, bởi các anh là những người đi trước chúng tôi. Các anh đã từng dẫn dắt chúng tôi từ những ngày đầu bỡ ngỡ vào chiến trường, thương yêu chúng tôi như những đứa em. Bây giờ, các anh có lý do riêng để phải ra đi, dù là day dứt lương tâm như anh Trịnh, hay chán chường vì những tháng ngày gian nan mệt mỏi. Tôi không bao giờ dám nghĩ các anh hèn nhát. Nhưng chúng tôi cũng trách các anh, bởi trận đánh sắp bắt đầu rồi. Các anh đã nỡ bỏ đi, để lại chúng tôi mỏng manh, yếu ớt trên cả trận địa chốt này. Nếu vì thế mà chúng tôi phải hy sinh tất cả, các anh có ân hận không?
Buổi sáng trên cao nguyên vào độ cuối năm này, thường có rất nhiều sương mù. Phải đến tầm nửa buổi sáng, khi mặt trời đã lên cao thì sương mù mới tan hết. Hôm đó cũng vào lúc tan hết sương, thì địch bắt đầu tấn công lên chốt chúng tôi. Phía cánh trái, đúng hướng con đường mòn dẫn lên chốt, đã nổ súng đầu tiên. Bọn địch lùi lại rồi bắn trả dữ dội. Chúng vòng sang các hướng khác bắn thăm dò và tiến quân. Chỉ trong khoảng một thời gian ngắn, khi tất cả các hướng đều nổ súng, thì toàn bộ bề rộng trận địa chốt của chúng tôi đã lộ diện. Địch lùi xuống chân đồi và gọi pháo bắn. Pháo từ trong căn cứ phía sân bay Cù Hanh ầm ầm bắn vào trận địa. Chỉ chừng hai chục phút, toàn bộ đồi cây lúp súp trên trận địa đã bị bắn nát, tơi tả. Khắp trận địa xộc lên mùi khói thuốc súng khét lẹt, cộng với mùi hăng hăng ngai ngái của cây rừng bị bắn nát. Không còn có một nhánh cây nào to cỡ ngón tay trở lên mà không bị trúng mảnh đạn. Nhưng chúng tôi không bị sao, vì có hầm sâu kiên cố. Bây giờ tầm quan sát đã rộng, và địch tiếp tục tổ chức tấn công.
Ngày hôm đó, chúng tôi đã đánh lui 4 đợt tấn công của địch, giữ được chốt. Phía ta không có ai hy sinh hay bị thương. Song mấy đợt pháo kích tơi bời của địch đã cày sới khắp quả đồi và phá hỏng nhiều nhánh hầm râu tôm. Đêm đó, chúng tôi phải thức để sửa lại các râu tôm, và đào thêm một số đoạn giao thông hào để di chuyển, vì trên trận địa không còn cây che khuất nữa.
*
Ngày hôm sau, bọn địch lại tổ chức đánh chiếm chốt. Cũng chỉ có 4 đợt tấn công, nhưng mỗi đợt kéo dài và ác liệt hơn. Trong các đợt pháo kích, đich tập trung bắn kết hợp đủ các loại đạn pháo hòng tiêu diệt chúng tôi. Đạn chơm chơm phát nổ từ trên không trung ở khoảng cách 3 mét rồi hắt mảnh đạn xuống đất để sát thương bộ binh. Đạn cày, sau khi rơi xuống đất không nổ ngay, mà còn cày một đường dài tới 4 mét ở độ sâu 50 phân rồi mới nổ. Các hầm nắp bằng và hầm chữ A thông thường không chịu nổi loại pháo này. Ghê gớm hơn nữa là pháo khoan. Quả đạn pháo rơi xuống đất còn khoan sâu 2 mét mới phát nổ. Chỉ có hầm sâu hơn 3 mét mới chịu nổi loại đạn này, song nếu trúng đạn ngay trên nóc hầm thì cũng bị sức ép rất lớn.
Các hầm chính của chúng tôi ở độ sâu 3 mét, cộng với lớp đất đắp nổi khá dày đã giúp chúng tôi qua được các trận pháo kích của địch. Chúng tôi vẫn giữ được chốt, nhưng phải chịu tổn thất nặng. Cả đại đội bị hy sinh 5 người, bị thương phải đưa về tuyến sau 3. Tất cả chỉ còn lại hai chục tay súng giữ chốt. Chúng tôi vẫn phải kiên trì sửa chữa hầm hào để tiếp tục chiến đấu.
Tuy vậy, đêm hôm đó, tiểu đoàn đã đưa một đại đội khác có đủ quân số ra thay chốt, cho chúng tôi về tuyến sau củng cố.
Thời gian này, không khí trong đơn vị có chiều trầm lắng. Đại đội sắp xếp lại người và tổ chức rút kinh nghiệm. Sự việc 12 người lính đào ngũ được nêu ra. Tôi cũng bị khiển trách, vì là người chơi thân với anh Trịnh mà sao không phát hiện ra ý định đào ngũ của anh. Tôi ngồi im lặng, chẳng muốn nói gì. Nhưng tôi thầm nghĩ: cái sự day dứt vì bắn người tù binh đã chấn động đến tư tưởng anh Trịnh, một người lính vốn dũng cảm, kiên trung và có nhiều chiến công. Sự chấn động này chắc còn lây đến cả nhiều người khác nữa. Trong đời lính, phải nói với nhau bằng hành động cụ thể và đối xử với nhau bằng tình người, chứ chỉ làm công tác tư tưởng suông thì chẳng giải quyết được gì. Lớp người chúng tôi, đơn giản là làm trai thời loạn thì phải cầm súng ra chiến trường, làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, dẫu biết rằng đến một ngày nào đó sẽ phải ngã xuống trên chiến hào. Chúng tôi đã sống với nhau như anh em, bằng tình đồng đội của những người cùng cảnh. Thế thôi.
Còn nói rằng chúng tôi đi chiến đấu vì cái lý tưởng, mà đến khi đạt được nó, ai cũng chỉ phải làm theo sức mình, còn muốn ăn bao nhiêu thì ăn; thì ngay cả một thằng học hết lớp 10 sống ở thành phố như tôi còn hiểu lờ mờ, nói gì đến những người như anh Trịnh nghèo đến mức không được đi học để biết chữ, mà trách.
*
Tháng 1 năm 1975, chúng tôi được bổ xung thêm quân, toàn tân binh từ miền Bắc vào. Chúng tôi khẩn trương tập luyện. Sau đó, hoà cùng các đơn vị khác, chúng tôi tham gia các chiến dịch Tây nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến đấu cho tới ngày miền Nam giải phóng.
Ngày 7 tháng 5 năm 1975, các đơn vị tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng, mừng công tại Sài Gòn. Lúc đứng trong hàng quân, biểu dương lực lượng, tôi lại nhớ đến anh Trịnh và những đồng đội trong nhóm 12 người đảo ngũ. Tôi lại thấy tiếc cho các anh. Các anh đã đi qua hàng ngàn ngày lửa đạn không nghỉ, vậy mà chỉ còn một trăm bốn chục ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, các anh lại không có mặt. Tổ quốc này, Đất nước này đã quên các anh. Chỉ còn có chúng tôi, những người đã cùng sống và chiến đấu cùng các anh là nhớ đến các anh, mỗi khi ôn lại những ngày quân ngũ.
*
Kỷ kuật là sức mạnh của quân đội. Những người lính chúng tôi chỉ thật sự có sức mạnh khi đứng trong đội ngũ, chiến đấu vì lời thề quân ngũ của mình. Mười hai người lính cùng đảo ngũ khỏi đơn vị tôi trong cái đêm lạnh lẽo tháng 12 năm 1974 ấy, tuy có quân số bằng cả một trung đội, nhưng họ lại không còn đủ sức mạnh như khi còn chiến đấu trong đội hình đơn vị. Họ đã bị các đơn vị tuyến sau của sư đoàn, của mặt trận săn đuổi, trốn chạy trong rừng và tan rã một phần. Ba người bị bắt giữ phải quay trở lại đơn vị. Sau đó, họ đã tiếp tục tham gia chiến đấu cùng cả đơn vị cho tới ngày chiến thắng, nhưng họ vẫn bị kỷ luật nặng và phải chịu nhiều thiệt thòi khi giải ngũ sau chiến tranh. Một người bị ốm chết dọc đường khi còn ở trong rừng. Tám người còn lại phải hơn một tháng sau mới lần ra được đến sông Bến Hải và bơi vượt sông ra Bắc trong một đêm đông. Lại cũng chỉ có 5 người qua sông an toàn và tìm về được đến nhà. Đúng thời gian đó, chiến trường Tây Nguyên đang thắng lớn. Người ở hậu phương tạm quên các anh, nhưng sau ngày miền Nam giải phóng, các anh đều phải nhập ngũ trở lại. Các anh phải vào Tây nguyên lao động cải tạo trồng rừng tới hai năm sau mới được trả về nhà. Tất nhiên, các anh chẳng được hưởng chế độ chính sách gì của một quân nhân giải ngũ.
*
**
Một buổi chiều 30 tháng tư của hai mươi ba năm sau ngày miền Nam giải phóng, tôi mới tìm được về quê anh Trịnh. Đứng đón tôi trên nền đất trong một ngôi nhà cấp bốn ở một vùng quê Sơn Tây, là một người đàn ông luống tuổi. Anh mặc một chiếc áo sơ-mi đã ngả màu cháo lòng, một chiếc quần sẫm màu đã bạc, và đi một đôi dép tổ ong. Không còn vẻ cường tráng của một người nông dân mặc áo lính, không còn vẻ dũng mãnh của một người tiểu đội trưởng kiên cường, nhưng tôi vẫn nhận ra anh nhờ ánh mắt rực lên như có lửa. Anh Trịnh, người tiểu đội trưởng một thời của tôi đó. Tôi lao vào ôm chầm lấy anh, ôm thật lâu như năm nào trên ngọn đồi chốt ở Chư Pa, chúng tôi đã ôm nhau khi vừa thoát ra khỏi cái chết chỉ trong gang tấc, sau khi hóa giải được quả lựu đạn gài. Cả hai cùng xúc động trào rơi nước mắt. Số phận con người đã đun đẩy chúng tôi mỗi người một kiểu. Nhưng tôi thầm nói với anh Trịnh rằng: "anh Trịnh ơi, cuộc đời này dù phũ phàng đến đâu, xô đẩy anh và em đến nơi nào chăng nữa, thì trong lòng em, anh vẫn luôn là người tiểu đội trưởng thân thiết như xưa".
Ghi chú: B40 thuộc loại nguyên lý Badoka không giật nên tiếng nổ ban đầu rất to, lại ngay sát tai người bắn. Âm thanh ấy dội vào tai, ngấm trong người (hệ Tai-Mũi-Họng) rồi lại bật trở lại qua tai (vì thói quen của xạ thủ thường mím miệng) nên bắn cấp tập (bắn nhanh liên tục) hay bị chảy máu tai. Người có hàm răng hô thì miệng không bao giờ ngậm chặt lại được nên không khí vào tai lại chui ngay ra phía miệng nên cân bằng áp suất. Do đó mà bắn được nhiều.
Về sau người ta cải tiến súng chống tăng B40 của bộ binh thành B41. Loại này có buồng giảm áp (phần phình to ở nòng súng) nên khi bắn âm thanh nhỏ hơn. Mặt khác nó có thêm liều phóng phụ trong quả đạn để tạo chức năng phản lực sau khi đạn ra khỏi nòng nên bay được xa hơn. Nó cũng có thêm cơ chế nổ bằng dây cháy chậm nên dù thế nào khi bắn ra đạn vẫn nổ. Không như B40 bắn xuống nước hoặc bùn không đủ lực va chạm thì không nổ, gây nguy hiểm cho sau này nếu va chạm phải.
Người post: ThuKK
Ngày đăng: 08-05-2013 01:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |