KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 19 Tháng năm 2013

BẠN BÈ VÀ NHỮNG ÂN TÌNH




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                     BẠN BÈ VÀ NHỮNG ÂN TÌNH


Trong lớp tôi hồi đó có một sinh viên người Tây nguyên. Tôi không còn nhớ anh người dân tộc nào: Gia rai, Ê đê, hay Bana.. nữa.

Tên anh là Ka Măn Chuân.

Anh lớn hơn bọn tôi đến bảy, tám tuổi. Cha anh những năm ấy là cán bộ Mặt trận. Anh nói chẳng biết mẹ là ai. Từ hồi nào đến giờ, tuổi thơ của anh chỉ gắn với bà nội. Sống với bà nội trong buôn tới lúc được gửi ra Bắc ăn học.

     Suốt một năm đầu, hầu như tôi không nói chuyện riêng với anh. Ka Măn Chuân là một thanh niên đẹp trai. Anh cao tới 1m 75, 76. Vạm vỡ, tóc đen bóng và quăn thành từng lọn ngắn. Gương mặt từng trải, với một nước da nâu đen, mặn mòi của nắng gió, của hoang dã Tây nguyên.

Anh rất ít nói, bản tính hiền lành, thật thà, nhưng rất cục.

Về kiến thức văn hóa cơ bản như bọn trẻ chúng tôi, anh không có, hổng lắm. Chúng tôi hiểu chứ, những năm tháng chiến tranh, điều kiện trường sở, thày cô kém, thì việc học của trò cũng chỉ đạt được bấy nhiêu thôi. Nhưng rất lạ, riêng môn tiếng Nga của anh lại khá giỏi. Anh phát âm rất chuẩn, đặc biệt với các phụ âm r và s. Ngay cả ngữ pháp cũng vững vàng. Cả lớp tôi thích nghe anh đọc thơ tiếng Nga, trong cuốn sách của thầy Lịch, những giờ Nga văn mà thầy cho bọn tôi một chút "tản mạn", vì mệt do đã đói lả ở tiết cuối.

         Đầu giờ chiều hôm ấy, anh Chuân thấy Hạnh vào lớp trễ, mắt hoe đỏ. Anh quay sang hỏi ngay:

- Sao khóc ?

- Mất hết rồi anh ạ.

- Mất tiền?

- Không. Mất hết cây rau giống rồi. Bọn nó nhổ sạch cả luống.

A, bây giờ anh mới nghe ra. Các chi đoàn phát động phong trào tăng gia, trồng rau xanh giúp nhà ăn cải thiện. Mỗi phân đoàn được chia một luống đất sau Vườn thực-vật. Chiều qua bọn cái Hạnh phân đoàn anh đã ra ngoài thị trấn mua cây su hào giống, trồng ngon lành trên luống đất được chia. Hôm nay, trước lúc vào lớp, Hạnh ghé qua vườn, muốn ngó nghiêng, xem đám rau ấy ra sao. Thì vườn không, nhà trống. Bao nhiêu cây giống vừa trồng chiều qua trên luống đất này, đã không cánh mà bay.

Giờ giải lao, nghe Hạnh kể, bọn con gái chúng tôi lăn ra cười.

- Ai bảo trồng sớm làm gì. Bọn tao cứ đợi cho họ trồng hết đi, rồi mới bắt đầu.

Anh Chuân bảo Hạnh:

- Có nhớ mặt những cây rau không?

- Em nhận ra. Em còn nhớ cả số lượng nữa. Em mua đắt hơn, nhưng cây rau đanh cây, trông to tát, cứng cáp lắm.

- Chiều nay mình ra vườn.

Hạnh dẫn anh Chuân ra miệt sau Vườn thực vật. Đến sát chân rào gianh giới bước sang khu giải-phẫu, Hạnh reo lên:

- Anh Chuân, đây. Đúng bọn cây này.

Anh Chuân nhảy vào luống rau vừa trồng, đất đai còn bộn rộn, chưa nhấn đất chặt gốc rau. Anh nhổ hết lô cây giống, đưa vào tay Hạnh.

- Trồng xong, nhớ tưới nhưng đừng xối vào gốc nó.

Vụ rau giống thế rồi im re.

Với anh Chuân, tiếng Kinh anh đủ để học, để giao tiếp. Nhưng hễ mà chơi chữ, hoặc nói lắt léo, thì anh chịu hẳn. Tối đó ở phòng anh, bọn con trai kháo nhau :

- Chuyến này thì thằng Thọ bị đá nhé !

- Thằng nào, thằng nào đá Thọ ? Anh Chuân bật dậy hỏi.

Một trận cười vang cả phòng. Ấy là kể cho nhau cái vụ Thọ bị bạn gái từ chối thôi.

Mùa đông 1972, trường tôi rầm rộ trong không khí tổng động viên của cả nước. Phía trước, Quảng Trị thành cổ đang xây bằng xương máu các chiến sỹ, hối giục lên đường. Lớp tôi, gần một nửa các bạn trai trẻ ra đi. Trong đoàn quân ấy có Thọ.

Đêm ấy đã khuya lắm, mọi người bên dãy nhà nam nghe tiếng đập phá cửa. Anh Ka Măn Chuân vùng dậy trước tiên. Ra đến hành lang, thấy Thọ đứng run lên vì rét, đợi cửa.

- Sao mày đứng đây? Anh Chuân hỏi.

- Nó không mở cửa. Nó nói về muộn cho chết.

- Đứa nào ?

- Thằng Cương.

Anh Chuân không hỏi thêm một câu, đập cửa phòng Cương.

- Mở cửa không, tao đây, Chuân.

Cánh cửa hé, đủ để nhìn thấy một khe tối om. Anh Chuân đạp mạnh một đạp, cửa bật hẳn. Cương lùi lại một bước.

- Sao không mở cửa cho nó. Mày, mày ! Mày đắp chăn ấm mày ngủ. Thằng Thọ nó chết rét rồi. Cương, mày có biết tuần sau nó đi lính rồi không ? Mày biết chứ ?!

Anh Chuân rít qua kẽ răng, giáp mặt vào Cương, gằn giọng.

Thọ đi lính năm ấy, không hy sinh trong trong chiến trường, nhưng đã chết cách đây ba năm, do bị sốt rét mãn, rồi biến chứng.

    Sang xuân 1973, trường tôi có Hội diễn văn nghệ như thường lệ. Năm nay tôi bàn với chi đoàn, bọn mình sẽ làm một tiết mục múa Rông Chiêng. Tôi cần bốn nam diễn viên. Tập hợp được bảy "linh tinh màn bạc" rồi, tôi vẫn không thể cựa quây được, thiếu một anh con trai.

- Chuân, Chuân, Thu ơi ! Cho Chuân vào là đủ. Vũ, cây ghita nổi tiếng của trường tôi reo lên.

- Ừ, Chuân được đấy. Nó cũng cao như bọn anh. Anh Dương ủng hộ.

Tôi cứ buồn cười trong đầu: Thế là đủ bộ nhé, bốn chú đà điểu Phi Châu - cái tên bọn trường, bọn lớp đặt cho các anh. Vì ông nào ông nấy to cao lừng lững từ mét bảy lăm trở lên.

- Chiều mai, bọn anh rủ anh Chuân đi cùng, ở hội trường C nhé ! Tôi nhắc các anh.

Một lựa chọn thật là đúng đắn. Anh Chuân vào cuộc rất nhanh. Thổ dân mà, múa Tây nguyên thì đúng kịch của anh rồi.

Lúc giải lao, tôi hỏi anh:

- Hồi nhỏ ở trong quê, bọn anh có hay múa hát, lễ hội không?

Anh cười mắc cỡ, đỏ ran cả mặt.

- Các chị làng anh múa đẹp lắm, anh Chuân nhỉ ?

Bọn cái Hạnh, Bình, Uyên xúm vào hỏi.

- Hồi ấy anh Chuân có ưng chị nào trong buôn không? Tôi được thể tò mò.

- Mà sao hai người không cùng ra Bắc ?

- Nó không phải con Mặt trận, làm sao nó ra Bắc được. Anh Chuân giải thích.

À, bắt đầu trúng mạch tâm sự rồi đây. Tôi lấn tới:

- Thế bây giờ anh có liên lạc với chị đó không?

- Ba nó là lính VNCH, bắt lấy chồng bên "quốc gia" rồi.

Bọn tôi rơi vào im lặng một khoảnh khắc. Chúng tôi đã vô tình khía vào vết thương lòng của anh.

Trước lúc Hội diễn, tôi thật là vất vả, xoay như chong chóng để ra được tám bộ váy áo cho điệu múa. Hồi học cấp III, bọn tôi gặp nhiều thuận lợi. Khương Thanh Bình luôn đảm nhiệm vụ này. Bạn mượn được xiêm y chính hiệu Tây nguyên của Xưởng Phim chuyện VN cho điệu múa Tiếng Chày trên Sóc Bombo. Tôi mặc bộ của Tố Uyên - người đóng trong Con Chim Vành Khuyên năm xưa.

Bây giờ, anh Chuân giúp tôi rất đắc lực. Hóa ra những năm trước còn ở phổ thông nơi sơ tán, bọn tôi đã thiết kế váy áo múa Tây nguyên sai ghê lắm.

- Dán ruybăng vào chỗ đó, là ra váy Mèo, chứ không phải Tây nguyên đâu.

    Sắp Tết, không khí vui quá. Tôi mua gần như toàn bộ xuất nếp và đậu xanh của lớp cho mẹ và "cửu vạn" nó về Hà nội như một gái thồ. Sau đó lại nhờ mẹ mua thuốc lá và chè hương cho lớp. Ai cũng tất bật thi, trả bài cho xong, đặng về quê ăn Tết với gia đình. Những sinh viên nào ở lại trường, thì ẩm thực sáng Mồng Một Tết có đặc biệt hơn: Cơm không phải ăn độn và có bánh chưng!

Có lẽ cả năm thì không sao. Nhưng cứ dịp Xuân về, Tết đến, tâm trạng người xa quê héo hon, da diết lắm vì buồn, vì tủi. Lớp tôi có một anh về tít trong Vinh ăn Tết với nhà. Xa thật, nhưng còn có cái đoạn đường xa để mà mong, mà đợi nó sẽ dần ngắn lại, sắp đến cái đích mình cặp bến.

Trường tôi cũng rất đông các anh chị học sinh Miền Nam tập kết. Nhưng phần đông đều có thân nhân, người quen ở Hà nội. Còn anh Chuân. Bao giờ anh vượt được cái vòng cương tỏa chiến tranh này, mà tới được bên kia bờ Bến Hải, để về quê ăn Tết, đón Xuân trong buôn với bà con của anh ? Đâu có dễ gì dẫm được chân lên cái lằn ranh vỹ tuyến 17 ấy - nhát cắt nghiệt ngã chia đôi một dòng sông, cắt đôi một nhịp cầu, xé lòng hàng triệu triệu đồng bào ở cả hai miền, giết hại bao nhiêu mái ấm và làm tan nát bao nhiêu cuộc tình...

Năm ấy tôi đã có bạn trai, sau này là bố của Bảo Khánh, con gái tôi.

- Em tính mời anh Chuân về ăn cơm tất niên với nhà đấy. Tôi ướm ý bồ.

- Sao em cứ ôm việc vào cho khổ thế nhỉ. Bao nhiêu lớp trưởng, bí thư đâu cả rồi ?

- Việc này hoàn toàn không cần đến cán bộ lớp anh ơi. Anh không thích thì thôi. Tôi biết đằng sau câu nói nặng như chì ấy của bồ là một sự hiểu lầm ghê gớm.

Chiều hôm sau, tôi mang chuyện ra nói với mẹ. Mẹ là linh hồn của năm chị em tôi. Bao giờ mẹ cũng cho chúng tôi những đáp án rất mỹ mãn.

- Để mẹ mời anh ấy, Thu cứ nói thế. Tội nghiệp, cha mẹ gia đình chả có ai, Tết đến tủi thân chứ ! Mình sẽ chuyển sang ăn trưa 30 con ạ, để chiều anh ấy kịp xe khách về trường.

Mẹ ơi, mẹ đồng ý thật hả mẹ. Tôi reo lên trong tâm trí vì ý nguyện được ủng hộ.

Quay sang trường, gặp anh Chuân, tôi mở lời mời của mẹ.

- Ôi, anh không đi đâu. Anh quen ở trường rồi. Anh Chuân lắc đầu quầy quậy.

- Anh Chuân, sang nhà em để biết một bữa cơm tất niên của người Bắc thế nào. Buổi chiều còn kịp giờ xe ngoài Bến Nứa mà.

Cuối cùng, anh Chuân cũng nhận lời. Người đưa anh đến nhà tôi hôm đó là Vũ. Bạn cũng ở Hà nội. Hình như, hôm sau anh Chuân qua bên nhà Vũ thì phải.Tôi nhớ, sau bữa cơm ấy, lúc chào cha mẹ tôi để về, mẹ còn đưa cho anh bao thuốc lá. Cầm bao thuốc, anh cúi đầu im lặng, không một lời cảm ơn. Anh  ngước nhìn mẹ một giây,  rồi đút bao thuốc vào túi ngực.

Từ sau dịp ấy trở đi, tôi ít gặp anh, cũng ít chuyện trò. Chúng tôi chia ra đi thực tập theo nhiều bộ môn khác nhau. Sắp bước vào ôn thi tốt nghiệp.


Mãi đến hè 2011, tôi liên lạc được với Nam, lớp phó cũ của bọn tôi. Nam làm nghiên cứu sinh ở Moscow, rồi về Bộ công tác. Đấy là một thanh niên thật giàu tình cảm. Tiếng nói của Nam có trọng lượng hơn lớp trưởng. Bây giờ, điều kiện công tác lại thuận lợi vì có xe. Nam đi tìm tất cả các bạn nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, móc nối lại. Một sợi dây tình cảm đã làm sống lại quan hệ bạn hữu sau hàng chục năm bặt tin.

Chính nhờ Nam mà tôi có được những bức thư trên bàn phím. A còng @ đã cõng những dòng thân mến của bọn tôi, gửi cho nhau, để có ngày hội ngộ trong mùa thu năm ấy.

- Nam cũng đi tìm anh Ka Măn Chuân chứ? Giọng tôi lên cao, chờ đợi đầu dây kia của Nam.

- Đi chứ, tìm Chuân vất vả lắm Thu ạ. Tớ đến Chuân được hai lần. Muộn rồi, Chuân bệnh nặng lắm, chỉ chờ chết.

Tôi thấy giọng Nam trầm xuống. Tôi đang mong biết tin anh, anh sinh viên dân tộc thưở nào. Thế mà...

- Chuân bị ngã trong một lần đi công tác về. Gáy đập xuống tảng đá ven suối. Lần đầu mình đến, Chuân còn nhận ra, cười mếu máo, trông tội lắm. Nom anh ấy như một ông cụ Thu ạ. Bao nhiêu cao ráo, tráng kiện của những năm đi học, giờ chẳng còn lấy một cọng. Chỉ thấy một tàn tạ và đe dọa của tử thần.

- Vợ con anh Chuân ra sao hả Nam ? Tôi cắt ngang lời Nam.

- Sau khi tốt nghiệp, anh ấy về Pleiku, dạy ở một trường trung học. Vợ anh ấy chính là học sinh của trường này. Chị ấy người Thái Bình.

Đến lần sau mình ghé, lại còn thảm cảnh hơn. Nhà vừa sau một trận bão lớn, mái tốc, cột kèo lỏng chỏng. Bây giờ Chuân đã bị mất trí nhớ hoàn toàn, không hề nhận ra mình nữa. Thu ơi, mình là thằng đàn ông, mà ôm lấy Chuân mình khóc rưng rức. Thương Chuân quá là thương.

- Chuân được ba thằng con trai. Nam kể tiếp. Lần ấy mình đến thăm, cũng không mua gì thêm, chỉ biếu anh ấy chút tiền. Mình quay ra Bắc, viết một cái thư triệu tập họp lớp ở phía Bắc. Và bọn mình đã thu được một quyên góp đáng kể cho Chuân. Mình cũng hứa với các bạn hôm ấy, bằng mọi cách phải xin được cho thằng con lớn của anh Chuân ra Hà nội học và làm việc. Cháu đã 19. Mãi đến gần một năm sau đấy, việc mới xong.


Tôi không gặp lại Nam nữa, bạn đã nghỉ hưu.

Và cũng chẳng biết thêm được tin gì của anh Chuân cả. Giờ này anh còn sống không? Đang phải đương đầu trong cuộc chiến chống tử thần . Hay anh ...

Tôi không muốn nghĩ tiếp. Nhưng suy gẫm nhiều đến bạn cũ, đến những tấm lòng nhân hậu như Nam. Tôi biết trong nhiều Hội khác, có những con người như Nam. Có những hội trưởng phải mất công, phải lặn lội, đi tìm gặp, đi móc nối lại từng người bạn. Ráp lại quan hệ bạn bè và xây nó thành một tổ ấm, như hôm nay họ đang có. Mái ấm của những con chim én, dù bay tới phương trời nào tránh rét, cũng vẫn tìm về với tổ xưa của mình.

Tôi nhớ đến một câu của cố nhạc sỹ họ Trịnh, mà tôi đã trân trọng viết nó trong góc sổ:

"Sống trong đời cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi".

 

Cologne 16.05.2013

 

 

 


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 19-05-2013 17:05






Xem 11 - 14 của tổng số 14 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: BaLX
19/05/2013 19:34:39

Ai cũng vậy, tình cảm bạn bè thời học cấp 3 & đại học là sâu đậm nhất, nó sẽ đi với mình tới cuối cuộc đời. Đọc câu truyện chị thấy tội anh Chuân quá, chỉ mong anh gặp những điều kỳ diệu trong đời. Hội nào mà có người Hội trưởng nhiệt tình thì thật là may mắn, Hội KGU của ta cũng vậy, vì thế tất cả anh chị em chúng ta mới có điều kiện gặp gỡ giao lưu với nhau qua mái nhà chung Web KGU.



Từ: NhuanNT
19/05/2013 18:53:19

"Sống trên đời phải có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi... để gió cuốn đi.."


Một tấm lòng chỉ tốt khi ...để gió cuốn đi. Mình tin đều đó.


Cảm ơn sự nhiệt tình của Thu.


@ Bachai: Người tốt thì hạnh phúc và tỏa sáng từ trong tâm, chắc họ không khổ như nhiều người lầm tưởng.



Từ: CucNT
19/05/2013 18:44:59

Chuyện của chị thật xúc động. Chị ơi! Lúc nào chị về Sài gòn, mình noi gương anh Nam đi tìm anh Chuân đi chị. Em hy vọng anh Chuân còn sống và mình sẽ mời anh ấy 1 bữa tối đạm bạc nhưng đầy ắp tình người  như ngày xưa mẹ chị đã dành cho anh.



Từ: 3Chai
19/05/2013 17:58:27

Làm người tốt thì hay bị khổ.


Cảm ơn bạn đã kể chuyện.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s