KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 25 Tháng năm 2013

ẤM CHÈ "THÁI GIÁM"




Tác giả: VIỆT TRUNG sưu tầm

                                           ẤM CHÈ "THÁI GIÁM"

                              ( Trích hồi ức Vũ Công Chiến)


Tháng tư, đã chớm bước vào hè. Trời nắng không gắt, lại có gió man mác nên lòng người cũng thư thái,  dễ hoà vào với thiên nhiên. Chiều nay có buổi thực tập nghề, được về sớm nên có nhiều thời gian. Mặc kệ cho lũ bạn cùng lớp ào ào lấy xe  kéo đến nhà nhau, tôi tách ra rồi lững thững đạp xe chầm chậm men theo hè về nhà.

     Qua đường Đại Cồ Việt, tôi chợt nghe một tiếng gọi giật tên tôi rất to:

     - Tiến!

     Rồi một người mặc áo lính từ sát phía trong hè bước nhanh ra với tay gần như nắm vào ghi đông xe đạp của tôi, vừa lúc tôi dừng lại.

     Tôi nhìn và nhận ngay ra hắn:

     - A! Hà! Thằng Hà "thái giám".

     Hà cười. Chúng tôi gần như ôm lấy nhau. Cả hai tíu tít hỏi chuyện nhau.

     - Về nhà tớ đã, rồi chúng mình hàn huyên. Dễ đến ba năm rồi còn gì. Hà bảo.

     Thế là tôi theo Hà về nhà nó ở xóm Vân Hồ. Dọc đường nó nói đủ thứ chuyện linh tinh, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Tôi  đang nhớ lại ba năm  về trước.


     Dạo đó Hà và tôi cùng trang lứa, cùng là lính C6-Sư 320A. Vào chiến dịch Tây nguyên xuân 1975 thì tôi là trung trưởng, còn Hà là tiểu đội trưởng  trong cùng trung đội với tôi. Trong khi các Sư bạn chuẩn bị đánh Buôn Mê Thuột, thì Sư  chúng tôi nhận nhiệm vụ cắt đường 14 đánh tiêu hao sinh lực địch, và đánh quân cứu viện.

     Ngày 5 tháng 3, trung đoàn chúng tôi triển khai phục kích trên đường 14 ở khu vực Cẩm ga, cách Buôn Mê Thuột ngót 100km về phía bắc. Đại đội tôi nằm ở phía nam đội hình mai phục. Đến chiều 7/3 thì có tin trung đoàn 45 nguỵ thuộc Sư 23 đang hành quân từ Pleiku về tăng viện cho Buôn Mê Thuột. Chúng tôi được lệnh chặn đánh, đại đội tôi đánh chặn đầu. Khoảng 5 giờ chiều, chiếc GMC đầu tiên của địch đã đi lọt qua hết chiều dài 1km của đội hình phục kích. Cả hai khẩu DKZ của trung đoàn cùng đồng loạt nổ súng, bắn cháy ngay chiếc xe đi đầu. Đội hình hành quân của địch chững ngay lại. Lập tức các loại hoả lực trên toàn tuyến cùng nã xối xả vào đội hình địch, bắn cháy thêm một số xe khác. Vì khu vực phục kích là sườn dốc, có một phần cây lúp súp và đồi tranh, nên cánh bộ binh phải đào hầm phục kích cách xa mép đường tới hai ba trăm mét để giữ bí mật. Trong lúc hoả lực mạnh của trung đoàn bắn phá đội hình địch thì bộ binh chúng tôi vận động ra mép đường, tiếp cận để tiêu diệt địch bằng hoả lực và xung lực của bản thân. Nhưng trong lúc đó thì bọn địch còn sống đã kịp nhảy khỏi xe và triển khai hoả lực chống trả mãnh liệt. Chúng nã cối 81, DKZ và rốc két M72 ầm ầm về phía ta, mặc dù đang ở thế thấp bất lợi. Cả trận địa ầm vang tiếng súng, khói lửa mù mịt. Trong lúc xung phong, tiểu đội của Hà vẫn chạy chếch sau  bên trái tôi. Lúc gần tới  mép đường thì một qủa đạn cối rơi trúng tiểu đội Hà. Tôi ngã sấp xuống trong hơi tạt của quả đạn nổ, song vẫn kịp ngoái lại. Doanh, chiến sĩ giữ M79 trong tiểu đội Hà đã hy sinh ngay, còn Hà đang giãy dụa, mồm há ngáp ra vì đau. Tôi nhoài lại sờ thấy Hà bị thương ngay nơi  hạ bộ, máu ra ướt đẫm quần. Tôi xé chiếc băng cá nhân buộc chặt lại cho Hà như kiểu đóng khố, rồi dẫn trung đội đánh tiếp xuống đường. Cùng với các trung đội bạn, chúng tôi yểm hộ cho nhau và quần nhau với bọn tàn quân địch, dồn chúng xuống khe cạn bên kia đường để tiêu diệt. Chúng tôi hầu như không bắt tù binh. Tới khi chúng tôi làm chủ trận địa thì trời đã tối mịt. Một tiểu đoàn của trung đoàn 45 nguỵ bị tiêu diệt . Hai tiểu đoàn còn lại rút ngược trở lại Pleiku. Bọn địch ở xa căn cứ, lại không nắm vững tình hình nên không đám gọi pháo bắn trả. Chúng tôi rút quân trở về đến khu tập kết thì đã nửa đêm.

     Ngay đêm đó, chúng tôi chôn cất xong tử sĩ, còn số thương binh thì đã được đơn vị dự bị chuyển về phẫu phía sau.

     Các ngày tiếp sau, cùng với Buôn Mê Thuột được giải phóng, chúng tôi đánh tiếp các cứ điểm Kênh Săn và Tam giác trên đường 14.

     Rồi chúng tôi đi suốt chiến dịch Tây nguyên, tham gia tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 30/4 chúng tôi đánh trận cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Miền Nam giải phóng, trung đoàn chúng tôi được đóng quân 4 tháng trời ở căn cứ cũ Đồng Dù của địch, trước khi phải trở lại địa bàn rừng núi Tây Nguyên quen thuộc.

     Một chiều tháng 6/1975, Hà từ Quân y viện về thăm đơn vị cũ trước khi giải ngũ ra Bắc. Bây giờ cậu ta đã là thương binh. Trông cậu ta có vẻ béo tốt, khoẻ mạnh. Tứ chi lành lặn, nhưng mảnh cối tai ác đã chém phăng đi của Hà  nguyên cả cái bộ phận, mà phải có nó, người ta mới được gọi là đàn ông. Lính tráng chúng tôi chả kiêng dè gì, đè nó ra xem rồi ai đó đặt luôn cho nó cái tên Hà "thái giám". Hà ở thăm đơn vị mấy ngày rồi ra Bắc.

     Hai năm sau, tôi cũng giải ngũ, về đi học. Thế rồi hôm nay gặp lại Hà, thấm thoắt đã ba năm.


     Gian nhà của Hà nằm trong xóm lao động. Đồ đạc đơn sơ như của đại đa số các gia đình khác. Tôi hơi ngạc nhiên khi đã mấy năm rồi mà nó vẫn còn giữ được nguyên trang phục lính, đủ cả dép cao su đúc và mũ cối.

     Tôi hỏi:

     - Thế mấy năm nay cậu làm gì?

     - Đi buôn.  Hà đáp và nhìn xoáy vào bộ mặt ngơ ngác của tôi.

     - Cậu đùa đấy à. Cậu thì biết quái gì mà đi buôn.

     - Thật chứ lại. Nhưng buôn nhỏ thôi. Chờ pha ấm chè rồi tớ kể chuyện này   cho mà nghe.

     Khi Hà đặt ấm chè lên bàn, tôi lại ngạc nhiên:

     - Cậu sang nhỉ. Moi đâu ra chè móc câu tuyệt vời thế này.

     Hà cười:

     - Có chuyện, nên  mới có chè mà uống. Chứ thật ra lâu nay cả thiên hạ chỉ có chè bồm và chè gói toàn cẵng thôi, đúng không? Nói chứ tớ cũng thèm chè búp như hồi bọn mình còn đang đánh nhau trong Bàu Cạn B3 lắm, nhưng bây giờ đó là của quý. Tớ cũng chỉ có đôi ba ấm thôi, hôm nay là đãi cả cậu và tớ đấy.

     Thế là vừa uống trà, Hà vừa kể cho tôi nghe chuyện về ấm chè này.


    Từ  ngày ra quân, Hà cũng làm đủ thứ việc để sống, phụ thêm vào số tiền trợ cấp thương binh bậc 2 ít ỏi hàng tháng. Một trong những việc đó là thỉnh thong nó ngược lên Thái Nguyên buôn về mỗi chuyến một hai cân chè  hoặc vaì cân măng.

     Cách đây ít ngày, Hà lên Thái Nguyên và khi về, nó mang trong chiếc ba lô 2kg chè móc câu. Hơi nhiều hơn mọi khi, và có lẽ đó là điều không may. Khi chiếc xe ca Ba Đình tậm tạch chạy về đến cầu Phủ Lỗ thì trời đã cuối chiều. Xe vừa qua cầu thì có ba người của phòng thuế xuất hiện bên đường. Hai nam và một nữ. Họ ra hiệu cho xe dừng lại, rồi một người nam trèo lên xe. Anh ta đưa mắt nhìn một lượt từ đầu đến cuối xe rồi lớn giọng:

     - Ai có hàng hoá buôn bán gì khai mau và đem ra cho cơ quan thuế kiểm tra.

     Chừng như đã quen với cảnh này nên từ bác tài xế đến mọi hành khách chẳng ai có phản ứng gì trước cái lối nói xóc óc đầy quyền uy của nhà chức trách. Bác tài còn đế thêm:

     - Thôi, bà con ai có hàng buôn gì thì báo luôn cho nhanh để xe còn kịp về Hà Nội sớm.

     Mọi người nhìn nhau, rồi có hai người đứng lên đi ra ngoài cửa xe. Tự giác cho nhanh chứ giá có giấu cũng chẳng ăn thua gì. Người thứ nhất là một  bà đi buôn măng chừng ngoài năm mươi tuổi. Hàng hoá đến gần chục cân măng. Lập tức đôi thúng và quang gánh của bà ta bị lôi xuống đất. Bà  ta vừa  nhăn nhó, trình bày, van xin với anh phòng thuế đứng dưới đất, vừa chậm rãi dềnh dàng mở cái túi vải đựng măng. Còn người có hàng hoá thứ hai là thằng Hà "thái giám". Nó vừa ôm khư khư cái ba lô dựng hai cân chè trước bụng, vừa cười mếu với anh phòng thuế thứ hai đứng ở cửa xe:

     - Dạ thưa anh, em là thương binh, chỉ có ít chè đem về xuôi biếu người nhà thôi ạ.

     - Biếu với biếc cái gì? Cả một ba lô chè to tướng thế này, không đi buôn thì là gì? Xuống xe ngay. Người phòng thuế quát to rồi tóm được một bên quai ba lô của Hà kéo mạnh và nhảy xuỗng đất, rồi ra lệnh:

     - Mở ngay ra cho kiểm tra.

     Thằng Hà vẫn giữ chặt miệng ba lô, cố gắng nài nỉ:

     - Thưa anh, đúng là em đem làm quà thật mà.

     - Giở ra, không có xin xỏ gì cả. Đi buôn lậu định trốn thuế hả.

     Lời qua tiếng lại, hai bên giằng co một hồi. Cả  bác tài và hành khách có vẻ sốt ruột. Hà đành nói thật với người phòng thuế, mong cho xong chuyện:

     - Anh ơi, anh làm ơn làm phúc tha cho  em. Em có buôn thật, nhưng chỉ có hai cân chè. Anh thông cảm cho em là thương binh, chưa tìm được việc làm gì.

     - À, mày lại còn định giả vờ là thương binh doạ tao à. Định chống lại nhà nước hả?  Người phòng thuế không những không nương tay cho Hà, mà còn lớn giọng, đoạn anh ta bất ngờ giật mạnh chiếc ba lô trên tay Hà.

     Chiếc ba lô bị văng mạnh xuống bãi cỏ, bật nắp, rách giấy báo làm chè văng ra tung toé. Nhìn những búp chè văng ra đất, Hà xót ruột, mắt hoa lên. Rồi bỗng nhiên mặt nó nóng bừng, không bình tĩnh được nữa. Nó đứng thẳng người lên nhìn vào mấy người phòng thuế, thét to:

     - Chúng mày mở to mắt mà nhìn đây này. Bố  mày đã từng đi chiến đấu. Bố mày đã hiến dâng cả bộ c... của bố mày cho Tổ quốc, mà bây giờ có hai cân chè cũng bị cướp à.

     Vừa hét, Hà vừa đưa tay cởi nhanh thắt lưng, tụt cả cái quần vứt xuống đất. Tình huống bất ngờ. Tất cả mọi người kể cả hành khách trên xe lẫn mấy người phòng thuế đều ngẩn người ra khi nhìn thấy người thanh niên mặc áo lính cóm róm lúc nãy, bây giờ đứng hiên ngang bên vệ đường nhưng tồng ngồng và ấn tượng hơn là ở ngay giữa chỗ kín của anh ta không có gì cả, ngoài một mảng đen nham nhở. Chưa ai kịp hiểu ra điều gì thì Hà đã cúi xuống rút ngay chiếc đòn gánh của bà buôn măng huơ lên trời theo hình vòng cung rồi nện một đòn trúng lưng một người phòng thuế. Đoạn nó giật lại rồi trở đầu đòn gánh kia lia một nhát vào ngay cẳng chân người phòng thuế thứ hai đúng lúc anh này co cẳng chực chạy. Còn người đàn bà phòng thuế thì tuy không bị phang gậy nào, song cũng ngã dúi ngã dụi xuống bãi cỏ vì quá luống cuống và sợ hãi.

     Cảnh tượng diễn ra thật bi hài.

      Sau mấy đường gậy tung hoành  như Lục Vân Tiên đánh cướp, bây giờ Hà đứng đó trên bãi cỏ, hiên ngang trong ánh nắng chiều xiên xiên. Còn hai người phòng thuế thì đang lạy như tế sao, van vỉ anh anh em em xin Hà nương tay. Người thương binh đang tồng ngồng trước mặt họ không chút ngượng ngập và chẳng còn gì để mất, chắc dám đổi mạng lắm.

   Hà vẫn còn tức, nó gào to trong hơi thở hổn hển như phân giải:

     - Bố mày không công thần, đã chẳng thèm đi trộm cướp, chỉ mong kiếm sống tử tế qua ngày, nay có hai cân chè, đã phải van nài chúng mày mà chúng mày còn không tha thì bố mày quyết tử cho chúng mày biết.

     - Dạ chúng em xin anh, anh tha cho tụi em. - Hai người phòng thuế vẫn rối rít lạy xin.

     Lúc này mọi người trên xe mới ùa cả xuống. Một số người đến khuyên giải Hà và giúp nó mặc lại chiếc quần. Còn số đông thì xúm lại nhặt số búp chè rơi trên đất cỏ giúp Hà. Bà con còn cẩn thận gói số chè bị dính chút đất để riêng. Bác tài cũng vui vẻ chờ bà con thu xếp và đưa Hà lên xe. Ba người phòng thuế nhân lúc mọi người xúm lại giúp Hà cũng nhanh chân rút gọn. Bà buôn măng cũng được hưởng lây, không mất đồng thuế nào, bày tỏ lòng cám ơn Hà rối rít. Chiếc xe ca lại chuyển bánh, kịp về Hà nội trước lúc trời tối.

     - Đấy là nguồn gốc ấm chè mời cậu đấy. Tớ đã đãi sạch lại số chè dính đất, được mấy ấm để uống. Hà kết thúc câu chuyện.

     Tôi xoay chén trà nóng trên tay, ngắm nhìn làn hơi nóng đang lung linh trên mặt nước chè. Nhấp ngụm chè vào miệng, tôi thấy bên trong hương chè thơm chát  như có lẫn chút vị hăng của cỏ, và có một vị gì đấy như là mồ hôi,  không phải của đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà. Tôi nghĩ đó là vị chè "thái giám".

     Nhiều năm trôi qua, tôi không gặp lại Hà. Sau lần được Hà mời về nhà uống chè ít lâu, cậu ta chuyển vào Nam, lại trở lên Tây nguyên thì phải. Trong một lần đi công tác Thái Nguyên, tôi dừng chân bên cầu Phủ lỗ. Cạnh bãi cỏ năm xưa nơi xảy ra trận xung đột của người thương binh "thái giám" để giữ gìn miếng cơm manh áo, người ta đã xây một trạm xăng, nhưng bãi cỏ thì vẫn còn. Tôi đứng nhìn  mà tưởng như bên dưới gốc những cây cỏ kia đâu đó vẫn còn vương vãi những búp chè. Chúng vẫn còn mang đủ vị của chè, của cỏ và cả hơi ấm của một người từng là đàn ông, đã hiến dâng phần quan trọng nhất trong cơ thể mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


Hà Nội, tháng 4 năm 2002

Vũ Công Chiến.


 

 

 


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 25-05-2013 01:01






Xem 11 - 20 của tổng số 22 Comments



26/05/2013 21:03:49

 


@Tuyết ơi, cái hình nho nhỏ ở dưới, chính là đồng chí ấy đấy. Thu đưa một đoạn tản mạn với thơ của Chiến nhé !


Lâu nay trong bài: "NHỚ TÂY TIẾN" thường được ghi như sau:


...Chiều chiều oai linh thác gầm thét


Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.


 


Tôi cũng luôn nghĩ như vậy, nhưng đọc song tiểu luận sau, tôi đã sửa lại bản thơ lưu của mình.


 


Mai Châu "mùi" em thơm nếp xôi


19 Tháng Hai, 2011.



   Tôi không được học thơ Quang Dũng. Ngày học phổ thông, trong dòng thơ ca cách mạng, ngoài mấy bài thơ như "Quê hương" của Giang Nam hay "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh, chúng tôi toàn học thơ Tố Hữu. Hầu như tôi không biết đến nhà thơ Quang Dũng.
   Sau này khi đã rời quân ngũ trở về dân thường, tôi mới thấy trong chương trình học của học sinh có bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng. Bài thơ này được mổ xẻ ngôn từ, câu cú và ý tứ trong nhiều khóa thi tốt nghiệp PTTH, thậm chí nó còn được đưa vào cả chương trình trò chơi trên VTV3 cho sinh viên là SV96.
   Tôi đọc "Tây tiến" thấy nhịp thơ trúc trắc, tuy có nhiều nội dung hay ẩn ý trong câu chữ, nhưng tôi vẫn thấy có gì đó không ổn ở một dòng thơ:

   "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

   Thế nào là mùa em? Nó diễn tả cái đẹp của người con gái Thái hay nó diễn tả cái không khí ngày mùa của bản Thái Mai Châu tràn đầy mùi xôi xếp khi trung đoàn Tây Tiến hành quân đến. Và đọng lại trong lòng người lính là cái gì, hình ảnh người con gái đậm tình quân dân hay chỉ là mùi xôi nếp cứu đói? Nếu là ý thứ nhất thì không hợp lý vì "mùa em" chẳng có nghĩa gì gắn với cái đẹp của người con gái, còn nếu theo ý thứ hai thì quá tầm thường. Tôi nghĩ rằng người ta đã quá yêu Quang Dũng, chỉ biết theo nhau ca ngợi bài thơ đó nên đã cố gán và biện hộ cho cái ý thứ nhất rất bất hợp lý mà không ai cố thử tìm hiểu đúng sai thế nào.

   Tình cờ gần đây tôi được đọc bản gốc bài thơ "Tây tiến của Quang Dũng. Khi đọc đến dòng thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi", tôi ngẩn người ra thật lâu. Càng ngẫm nghĩ càng thấy cái hợp lý, thấy cái hay, cái độc của từ mùi đó. Đúng ra phải là thế chứ. Nhưng tại sao suốt bao lâu không ai tìm ra điều đó mà cứ phải mặc nhiên thừa nhận cái câu thơ bất hợp lý với từ "mùa".

   Thì ra cũng có nguyên nhân của nó. Quang Dũng là một nhà thơ chiến sĩ bởi trước khi trở thành nhà thơ, anh đã là người lính trong trung đoàn Tây Tiến hành quân lên Mai Châu, Hòa Bình năm 1947 để đánh giặc, và trước ngày toàn quốc kháng chiến anh là học sinh Hà Nội. Dễ hiểu vì sao anh lại là một nhà thơ tài hoa. Có điều thơ anh là thơ từ góc nhìn của một người lính nên nó khá trần trụi và đặc biệt là rất thật.


Vụ án văn thơ "Nhân văn giai phẩm" năm 1958 đã làm chao đảo cuộc đời của nhiều nhà văn nhà thơ theo khuynh hướng "nghệ thuật vị nghệ thuật" trong đó có Quang Dũng. Số phận anh không may, nhưng bài thơ của anh là một bài thơ hay nên anh đã chấp nhận cho nó tồn tại sau khi phải sửa câu thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi" thành "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" cho hợp với ý của những người cầm cân nảy mực về văn hóa khi đó.


Các cụ nhà ta khi vui thú thì cũng không ngại ngần rúc đầu vào tận những ngang cùng ngõ hẻm, nhưng khi ngồi trước bàn dân thiên hạ lại đạo mạo giảng đạo đức. Đành rằng trước đám đông thì không nên văng tục chửi bậy vì cái văn hóa truyền thống Á Đông nó thế, nhưng những dòng thơ ý nhị mà hay thì có khi phải để nguyên mới thấy toát lên được cái hay, cái thâm thúy của nó thông qua sự suy ngẫm thầm của từng người. Thơ của nữ danh sĩ Hồ Xuân Hương chả phải là minh chứng đó sao. Tục mà thanh, thanh mà tục. Tâm mà thanh thì sẽ thấy cái hay cái đúng của nó. Bài thơ chỉ thật tục khi người đọc nó mà trong tâm lại tục mà thôi. Vậy là bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được tồn tại và phổ biến nhờ cái từ mùa có cùng âm điệu với từ mùi như vậy. Cũng chính từ bài thơ bị sửa ấy mà có lúc tôi đã nghĩ lầm về Quang Dũng.

   Sau này khi tư duy của con người đã đổi khác, cởi mở hơn, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mới được phổ biến sâu rộng và được giảng dạy trong nhà trường, nhưng là bản sửa chứ không phải bản gốc. Bao lớp người đã phải mặc nhận như vậy, đôi khi có người không hiểu cũng có thắc mắc nhưng cuối cùng lại tặc lưỡi cho qua với ý nghĩ rằng với các bố nhà thơ thì nhiều khi trong thơ họ có những câu dở hơi lắm, chỉ cốt vần điệu mà không cần biết nghĩa nó phải ra sao, có đúng với dân gian hay không. Thú thật chính tôi cũng hiểu lầm thơ Quang Dũng một thời như thế.

   Trở lại với câu thơ gốc "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi", mới thấy Quang Dũng thật là có hồn và có thần khi hạ bút viết từ mùi đó. Nó đưa bài thơ trở về đúng nghĩa, dễ hiểu biết bao nhiêu đối với những người lính chiến từng xông pha bom đạn có được những giây phút sống cùng dân, được gần gũi những người con gái. Phải là cái từ mùi ấy mới toát lên được vẻ đẹp, vẻ tinh khiết và đầy bản sắc của người con gái dân tộc Thái nói riêng và những người con gái Việt Nam nói chung. Cái hương vị tỏa ra từ người con gái Thái mà được người lính cảm nhận  như mùi thơm xôi nếp thoảng qua thì quả thật là thần tình. Mà dứt khoát phải là xôi nếp, đặc trưng của những ống cơm lam đặc sản của người dân tộc thì mới hay và độc đáo chứ nếu chỉ như mùi mít, mùi cam, mùi bưởi thì cái ấn tượng ấy sẽ không sâu. Nếu có dịp lên Mai Châu, Hòa Bình, ngắm nhìn những cô gái Thái với dáng đi sóng sánh và ngẫm về câu thơ Quang Dũng, bạn sẽ cảm thấy có một cái gì rất gần gũi, thân thương, tưởng như có thể vòng tay mà ôm lấy được, nhưng lại bảng lảng xa vời như những đám mây nhẹ trôi.
   Bạn đã từng tắm cho con trẻ và hít hà mùi thơm da thịt của chúng chưa? Thuở yêu đương bạn có nhớ đã từng được ngồi cạnh người yêu và cảm nhận mùi thơm hoa bưởi hay hương xả, hương bồ kết tỏa ra từ mái tóc, bờ vai của người bạn yêu chưa. Và ngay cả khi đã lập gia đình, lúc hạnh phúc có khi nào bạn tận hưởng mùi thơm dịu mát từ từng Centimet của người bạn yêu thương chưa (Nếu bạn công nhận người con gái đẹp từng Centimet như trong một bộ phim nào đó thì chắc cũng dễ thừa nhận là có nhiều lúc họ cũng sẽ dịu thơm trên từng Centimet chứ?)
   Đấy chỉ thế thôi, cứ ngẫm nghĩ đi, bạn sẽ thấy càng nghĩ càng thấy câu thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi" của Quang Dũng mới thật và hay biết bao nhiêu. Có điều người ta có dám trả lại nội dung cho bản gốc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được.


 


Vũ Công Chiến




 


 


 



Từ: TuyetHA
26/05/2013 20:47:18

Thu ơi, ảnh ở com. của Thu có phải là Vũ Công Chiến không? Giá mà những câu chuyện của Chiến được tập hợp lại trong một tuyển tập: Những câu chuyện của lính bây giờ mới kể thì hay biết mấy, mình rất muốn những câu chuyện này đến với thật nhiều người và lưu lại cho nhiều thế hệ sau.



Từ: ThongNV
26/05/2013 15:08:13


"Ba lần tiễn con đi hai  lần khóc thầm lặng lẽ


Các anh không về, mình mẹ lặng im…”.


Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, người mẹ là người hy sinh nhiều nhất .



Từ: ChiDK
26/05/2013 14:46:51

Đọc các bài viết - đó là sự thật. Sự thật giản dị không màu mề tô vẽ mà vi đại làm rung động và thổn thức bao trái tim những người đã một thòi phục vụ quân đội. tôi cũng như các bạn đã rơi lệ và xúc động nhiều lần nhưng kìm nén. Đến bài này của anh chiến viết về Hà tôi không thể không nói lên cảm xúc của mình. Hãy viết tiếp để chúng ta được biết thêm những con người vĩ đại như thế.Hy sinh như thế. Nếu có ảnh của anh Chiến, anh Hà hãy đưa lên cho mình biết mặt các anh với nhé. Chẳng để làm gì đơn giản là ngưỡng mộ thôi.



26/05/2013 00:33:57

 


 


@ Kim Chi ơi, Chiến bằng tuổi bọn mình, những ACE nào sanh vào 1954. Đây là một thanh niên thật giản dị, giàu tình cảm và có một tình thương yêu, cảm thông vô cùng với các chiến hữu của mình. Cho nên trong Văn thơ của Chiến, tính nhân văn rất rõ nét, giống hệt hai người chiến sỹ trong chuyện CON NGƯỜI LÍNH mà anh Thông đã viết. Mình đưa thêm tâm sự của Chiến, anh lính & nhà văn của trang lứa chúng mình. Chiến cũng tâm sự: Tại tôi nhỏ con, miệng lại hô, lúc còn đi học chỉ biết lo học sao cho tốt, để vui lòng bố mẹ. Chẳng có bạn gái nào lúc ấy để ý đến tôi.



Bảy ngày nghỉ phép trước khi lên đường vào chiến trường, bọn lính chúng tôi đi chơi và nghich ngợm vô tư. Chúng tôi kéo từng đoàn qua nhà nhau, ra công viên chụp ảnh kỷ niệm, và đến tối thì kéo đi bộ thành từng đám đông giăng đầy qua các phố đến mãi tận khuya mới về. Cái sự nghịch ngợm vô tư của chúng tôi cũng làm bớt đi những nỗi lo âu, thương cảm của người thân.

Hết phép, chúng tôi tập trung nhau tại Đại Mỗ, sát Hà Đông, rồi hành quân ba chục cây số đến Kim Bảng, Hà Nam. Chúng tôi nghỉ tại đây 3 ngày để thu quân, học chính trị và sẽ lên tàu hỏa từ ga Đồng Văn để vào tuyến lửa. Có thể đây là lần cuối cùng gặp nhau, nên mẹ tôi đi ô-tô từ Hà Nội đến tận đây để tiễn tôi lần cuối. Mẹ tôi xin phép cho tôi được đi chơi một tiếng, mua đủ thứ cho tôi ăn. Đến đêm, đơn vị mới lên tàu, nhưng buổi chiều tôi đã nói mẹ tôi nên ra ô-tô về Hà Nội kẻo trễ. Tôi không muốn mẹ tôi tiễn tôi vào lúc tàu chạy, sợ mẹ buồn. Mẹ tôi không khóc, nhưng lúc lên ô-tô, mẹ tôi đã kín đáo lấy khăn tay lau mắt. Tôi biết mẹ tôi buồn lắm.

Đến đêm, tôi cùng đơn vị ra ga, lên tàu vào chiến trường. Thế là tôi đã ra đi, tôi đã đem theo cả cuộc đời của mẹ tôi mà ra trận

Chiến tranh kết thúc, đúng là chỉ đến thế hệ chúng tôi đã đánh xong Mỹ.

Sau sáu năm quân ngũ, tôi trả lại quân đội cây súng và trở về nhà với mẹ.  Mẹ tôi rất sung sướng và hạnh phúc đón tôi trở về. Tôi không "xanh cỏ", nhưng cũng không "đỏ ngực". Tôi chỉ là người lính bình thường như muôn vạn người lính khác, nhưng đối với mẹ tôi thì như thế là đủ.

Thế hệ cha anh chúng tôi, và chúng tôi đã đánh Mỹ, nhưng "được đánh Mỹ" không phải là một niềm vinh dự, tự hào. Chiến tranh không phải trò đùa. Chúng tôi không bao giờ muốn thế hệ con cháu mình có vinh dự đó. Không phải chúng tôi lấy mất niềm vinh dự của chúng, danh từ "vinh dự" đó chỉ là câu nói chính trị một thời. Cái chính là chúng tôi đã chiến đấu, đã hy sinh để mong con cháu mình không phải hy sinh nữa.





 


 


 


 


 



Từ: ChiDK
25/05/2013 22:40:36

Cảm ơn anh người lính Vũ Công Chiến.



Từ: ChiDK
25/05/2013 22:39:36

Một lần tôi đi xê ôm người chỏ tôi cũng là một người thương binh như thế từ cuôc chiến trở về hay bàn tay trắng.Họ bình dị mà vĩ đại nếu không trò chuyện với họ có lẽ tôi cũng không biết anh đã tưng là chiến sĩ bị thương tại chiến trường.



Từ: HoaNT
25/05/2013 16:11:13

Cám ơn Nguyễn Công Chiến với những hồi ức đậm chất lính,. Mình rất khâm phục những người lính, các anh  đã dũng cảm ở mọi tình huống.


Nhớ lại cái thời mà Hà "Thái giám" suýt nữa bị mất mấy cân chè thì chắc cũng cùng thời gian đó mình có đi công tác vào Tp.HCM bằng tàu hỏa. Khi tàu vừa đến ga Sài gòn thì mình bị phòng thuế mời vào kiểm tra hành lý. Lúc đó còn trẻ, nên mình run lắm cứ như kẻ bị phạm tôi ấy.Hồi đó mình có mượn bố mình cái ba lô và cái màn cá nhân bằng vải màn  tuyn  màu bộ đội của bố mình hồi cụ đi B mang ra. Sau một hồi lục soát ba lô của mình thấy chẳng có gì họ cho mình ra. Về đến nhà khách của Viện Pasteur Tp.HCM thì mình phát hiện bị mất cái màn cá nhân mà rõ ràng lúc mở ra để kiểm tra thì mình thấy mấy người còn lôi ra. Mình tiếc quá bảo với mọi người quay lại ga để tìm có lẽ là mình để quên. Anh bạn đồng nghiệp bảo mình là: cậu quá dở hơi, không phải cậu quên mà bọn họ cố tình lấy của cậu đấy. Nhưng mình vẫn cố rủ mọi người ra hỏi lại tất nhiên là không có mà còn bị họ mắng xơi xơi vào mặt.  Đến tận bây giờ mình vẫn tiếc cái màn đấy vì là kỷ niệm chiến trường của bố mình, nhưng cái thời còn bao cấp đấy  thì nó cũng có giá trị.



Từ: HanhLT
25/05/2013 12:02:02

 


Chị Ba ơi, trong lòng biết là bị cướp mà ngoài mặt vẫn tươi như hoa- Mời bác " sơi đi...."không bác om cho thì hỏng hết hết bánh kẹo....


 



Từ: BaLX
25/05/2013 09:12:58

Vũ Công Chiến đã sống và chiến đấu trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, bởi thế anh đã có những dòng hồi ký về bản thân và những người bạn của anh vô cùng cảm động. Đọc những dòng chữ này không ai không cảm thấy bùi ngùi thương xót cho những người lính thời chiến, và cũng căm giận cho những kẻ vô học, tham lam, mang danh là người thừa hành công vụ để ăn cướp của dân, những kẻ cướp đó cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại, thậm chí còn nhiều hơn và thủ đoạn cướp thì tinh vi hơn!!!!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s