KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 26 Tháng năm 2013

Anh Ban




Tác giả: VinhDT

 49 ngày anh Vũ Ngọc Ban trở về cõi Vĩnh Hằng.

Chúng tôi đều là những học trò của Bà Валентина Арьевна Цыплякова. Không biết từ bao giờ bà giáo chúng tôi có tên là Bà Ngựa thế nên chúng tôi-những học trò làm luận văn với Bà sẽ là Ngựa con. Gia đình chúng tôi có mặt rất sớm ở Kisinhop, từ những lứa sinh viên đầu tiên là anh Nguyễn Văn Xuyến (1962-1967). Anh Xuyến đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà Giáo Nhân Dân năm 2012 và hiện nay vẫn miệt mài với công việc trồng người tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tiếp theo là chị Phạm Thị Ngọc Hoa (1972) Phó Giáo sư Tiến sĩ, nhiều năm giảng dạy tại Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM, hiện đang nghỉ hưu tại Tp. Hồ Chí Minh cùng đại gia đình con cháu; anh Hoàng Minh Tiến (1974), cựu quân nhân của tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đang chiến đấu ngoan cường với bệnh tật vài năm nay; anh Vũ Ngọc Ban nghiên cứu sinh 1974-1978, Phó Giáo sư khoa Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. chị Nguyễn Thị Nhung (1975), Tiến sĩ làm tại Viện Khoa học VN, đang chăm chỉ ngược xuôi với các cháu nội ngoại; chị Nguyễn Thị Phương Thoa (1976) Phó Giáo sư Tiến sĩ vẫn say sưa hết mình trên bục giảng tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh; tôi là Đinh Thị Vinh (1977), Ngựa còi, cán bộ của Viện Khoa học VN cũng đã hưu trí được vài năm; áp chót là em Trần Thị Thanh Phương (1980) vẫn tung hoành khắp thế giới với các dự án phát triển của WB, ADB; cậu em út Nguyễn Thanh Bách (1981), lặn lội mấy năm trong quân đội rồi doanh nghiệp và bây giờ cũng thong dong tĩnh dưỡng tại nhà.  Sau này gia đình chúng tôi đông vui hơn vì có thêm bạn Phùng Thị Thục, cũng là hóa 77 và làm tại Viện Khoa học VN cùng tham gia.

Mỗi người một vẻ, gia đình Ngựa con chúng tôi – một góc nhỏ lặng lẽ của Hội KGU vẫn giữ được mối dây thân tình qua bao năm tháng.  Đàn Ngựa con đã xào xạc, đau buồn khi nghe tin anh Vũ Ngọc Ban, Ngựa con đầu tiên trong đàn đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng. Tôi muốn viết vài dòng tưởng nhớ tới người anh hiền lành, tốt bụng, niềm tin yêu của bao nhiêu bè bạn, đồng nghiệp và gia đình.

  Khi anh Ban sang Kishinhop nghiên cứu sinh thì Hội sinh viên VN ở đấy đã hùng hậu lắm rồi. Ký túc xá chúng tôi luôn là nơi vui nhộn vì có những Chai Lọ (Hóa) rất ồn ào như năm 77 chúng tôi, lại có thêm  các nhà Cãi Cọ (Luật) trẻ tuổi cùng với đội ngũ các anh chị nghiên cứu sinh khoa hóa đông đúc nhất. Những ngày đầu gặp chúng tôi anh Ban còn gọi chúng tôi là “các chị” theo phép lịch sự mới quen biết. Chúng tôi sướng lắm vì đã bao giờ được người lớn tuổi hơn mình gọi bằng chị đâu. Thế là đứa nọ truyền đứa kia, kể cho nhau nghe rất khoái chí. Anh Ban nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống lưu học sinh tại thành phố nhỏ bé đầy ánh nắng của Mondavi. Những năm tháng xa nhà khi đất nước còn chiến tranh, chúng tôi sống với nhau như một đại gia đình lớn. Niềm vui, nỗi nhớ hay vài món quà nhỏ từ tổ quốc gửi sang chúng tôi đều chia sẻ với bạn bè. Thỉnh thoảng anh Ban có kể cho chúng tôi nghe về gia đình và chị Loan-người vợ mới cưới trước khi đi du học. Ảnh chị Loan treo một góc nhà anh Ban đã trở nên gần gũi với chúng tôi. Có dịp là chúng tôi trêu anh Ban nếu có sáng tác bài hát nào mới về vợ thì cho chúng tôi “duyệt” trước đã. Sinh viên chúng tôi hay tếu táo nhưng rất kính nể tình cảm gia đình của anh Ban.  

Anh Ban bắt đầu làm luận án với Bà Ngựa từ thời chị Nhung, chị Thoa. Sau này tôi mới biết là trước đó học trò bà Ngựa còn có anh Tiến. Tôi là người sau cùng trong nhóm sinh viên VN cùng làm đề tài với anh Ban. Phòng thí nghiệm thời đó thật đơn sơ. Bước chân vào phòng là tủ hút, góc cuối phòng đặt máy đo, ở giữa phòng là bàn làm việc của cả mấy thày trò. Sau này khi về Viện Khoa học Việt nam chúng tôi được làm việc với máy móc của tư bản, hiện đại và sạch sẽ hơn nhiều nhưng những ngày đầu tiên làm khoa học ấy luôn trong tâm trí của tôi. Nhóm đề tài của Bà giáo chúng tôi nghiên cứu tính chất hóa lý của phức chất Cadimi bằng phương pháp cực phổ với điện cực thủy ngân. Bà giáo thường bận và cách dạy của bà là giao người lớn kèm đứa bé, mấy sinh viên chúng tôi đều làm cùng anh Ban. Những bước cơ bản của công việc nghiên cứu tôi được anh Ban và chị Thoa hướng dẫn tận tình. Mỗi khi phải rửa điện cực thủy ngân, một kim loại lỏng rất độc, anh thường giúp đỡ chị em chúng tôi làm việc này. Hàng ngày chúng tôi được bồi dưỡng độc hại bằng sữa bò tươi. Anh Ban thường đi lấy về phòng thí nghiệm và mấy anh em lại ngồi vui vẻ với nhau. Có lúc bà giáo còn mang đến cho chúng tôi mấy thanh sô cô la để nhấp nháp rồi hỏi tôi về công việc, chủ yếu là xem tôi đã đọc tài liệu đến đâu. Những lúc thấy tôi nghệt mặt, Bà biết ngay là tôi chưa đọc thì liền nói ну, ладно, Бан будет вам показать. Bà giáo rất tự hào là có một anh học trò giỏi giang mà lại chơi đàn ghi ta cả những bản nhạc của Bethoven.  

Anh Ban hay tham gia dàn dựng và tập hát cho đội văn nghệ, trong đó có mấy bạn lớp tôi như bạn Phong, bạn Hương... Còn những loại giọng ngoại cỡ như tôi thì chỉ được ngồi vòng ngoài vỗ tay. Tôi không tham gia đội văn nghệ nhưng thấy các bạn trong lớp, trong khoa đi tập hát về kể lại, tôi hiểu là anh Ban đã dồn bao nhiêu tâm huyết sức lực cho các buổi hội diễn văn nghệ của Hội như thế nào. Khi chúng tôi sắp về nước anh Ban có sáng tác bài hát chia tay thời sinh viên dựa vào bài “Này mùa xuân ơi đến mau đây” của Moda nhưng đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ mỗi một câu “ngày mai chúng ta sẽ chia tay”. Bài hát này chúng tôi lại hát sau mấy chục năm về nước, trong dịp Du Xuân hội KGU ở Thiên Sơn- Suối Ngà, lại nhớ một thời thanh niên sôi nổi.  Anh Ban còn hướng cho chúng tôi yêu thích những tác phẩm nghệ thuật của nhân loại. Vở ba-lê Hồ Thiên Nga lần đầu tiên tôi và bạn Phong được xem trên đất Mondavi là do anh Ban mời.

 Hành trang của sinh viên VN trước khi về nước chỉ có ít sách vở, vài đồ dùng linh tinh và cái xe đạp СПОРТ. Tôi rất vụng mua bán và lại ngại khoản này nữa. May quá là đến năm cuối anh Ban đã chủ động giúp tôi mua xe đạp. Hôm đấy tôi sung sướng tung tăng như trẻ được kẹo, đi theo anh Ban mua xe và về xem anh Ban tháo dỡ gói ghém cho tôi. Anh như người anh lo cho đứa em nhỏ trước khi về quê nhà. Đến ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp anh giúp tôi làm các biểu bảng và tài liệu. Anh không quên mua hoa tặng Bà Giáo và hoa chúc mừng tôi đã hoàn thành công việc.  Trước khi tôi về nước anh Ban có gửi tôi mang ít quà cho gia đình và dặn tôi cẩn thận là đến nhà anh thế nào. Tôi hiểu là anh nhớ nhà lắm và muốn tôi kể cho gia đình anh nghe về cuộc sống sinh viên chúng tôi bên đấy thế nào. Về nước vài ngày tôi đến nhà anh luôn để đưa quà và kể chuyện với gia đình anh. Khi đến nhà anh Ban tôi nhận ngay ra  mẹ anh, bác Loan trước kia có làm ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi, nơi tôi học phổ thông ở đó. Bác vẫn nhớ tôi thế là tôi mừng lắm. Tôi còn hứa với bác là thỉnh thoảng cháu sẽ đến chơi thăm hai bác và kể nhiều chuyện. Thế nhưng sau đấy vui chuyện khác, rồi bận việc tôi cũng quên luôn. Sau này tôi kể với anh chuyện đó anh lại cười rất hiền lành mà chẳng giận tôi tý nào.

Bẵng đi một thời gian dài, vì mưu sinh, vì công việc nhà Ngựa con chúng tôi cũng thỉnh thoảng mới liên hệ với nhau. Tôi và chị Nhung lại cùng làm ở Viện KHVN nên chị em vẫn chạy đi chạy lại. Anh Bôi chồng chị Nhung lại làm cùng anh Ban ở trường Tổng hợp HN, còn chị Thoa thì dạy trong Nam. Thế là chúng tôi vẫn liên hệ với nhau như những đồng nghiệp, bạn bè. Thỉnh thoảng thăm hỏi nhau và kể chuyện về Bà giáo.

Hội KGU được thành lập và nhà Ngựa con chúng tôi cũng thành đàn. Anh Ban được chúng tôi giao trọng trách “đầu tàu”. Thỉnh thoảng anh chị em chúng tôi lại gọi điện cho nhau để báo tin Bà Giáo, hỏi thăm sức khỏe nhau và chia sẻ các niềm vui nho nhỏ của cuộc sống.  Anh Ban luôn chu đáo nhiệt tình với bạn bè. Có dịp là chúng tôi lại tụ tập ở nhà anh để liên hoan hay chuẩn bị quà cho Bà Giáo. Trước khi tôi “Về Nguồn” cùng Hội KGU đi Mondavi chúng tôi đã ríu rít  cùng nhau làm album ảnh tặng Bà Giáo tại nhà anh Ban. Ngồi trên sân thượng nhà anh nghe nhạc, ngắm cành cây nhãn vươn che rợp cả ban công thấy cuộc đời thật bình yên. Lúc đấy mùa nhãn đã hết nhưng chúng tôi “dọa” anh Ban là năm sau chúng tôi sẽ đến chơi sớm để còn tự tay vặt nhãn đầu mùa. Anh cười hiền lành và nói lúc nào nhà anh cũng rộng mở đón chúng tôi.

Những kỷ niệm về người anh tốt bụng luôn đầy ắp trong chúng tôi.  Con gái lớn của tôi học chuyên toán mà cháu lại không để ý đến môn hóa học. Sắp đến ngày  thi tốt nghiệp cháu mới bảo mẹ “mẹ kèm hóa cho con nhé”. Tôi hoảng quá. Tuy làm ở Viện đúng chuyên môn là hóa nhưng những kiến thức đơn giản thì tôi lại quên. Tôi vội gọi điện cho anh Ban và nhờ kèm cho cháu. Anh vui vẻ nhận lời và động viên cháu là: cháu học toán được thì sẽ học hóa được, cháu cứ tin là cháu sẽ học tốt. Thế là con bé nhà tôi yên tâm theo thày Ban luyện võ. Thi tốt nghiệp và thi Đại học môn hóa cháu đều đạt điểm cao. Tôi rất biết ơn anh vì sự chân tình với bạn bè. Anh biết cách động viên con trẻ. Được làm học trò của những người thày như thế thật may mắn.

Anh Ban để lại tình cảm rất đặc biệt trong lòng bạn bè. Em Phương đang đi thực địa ở những nơi xa xôi tận quê hương “Núi đồi và Thảo nguyên” của Aimatov cũng muốn gửi gắm vài dòng nhớ về anh “…có một điều nhớ mãi ở anh Ban là sự lãng mạn hiền hậu hiếm có. Đến tận bây giờ, những khi có dịp lùa bàn chân dưới lớp lá vàng thu của các xứ sở ôn hàn đới, bao giờ em cũng thoáng nhớ đến mùa thu đầu tiên ở Kishinev, lần đầu nhìn thấy lá vàng rơi. Mà Anh Ban chính là người làm cho những chiếc lá ấy thêm phần lãng mạn. Lần đầu tham dự cuộc diễu hành của quần chúng ngày 7/11 em được đi cùng anh Ban suốt buổi. Nghe Anh kể về mối tình với chị Loan, cũng chính là cô giáo tiếng Nga của chúng em ở Đại học Ngoại ngữ năm dự bị. Những món quà nho nhỏ của anh bao giờ cũng là những bông hoa xinh xắn. Hôm cả nhà Ngựa con tập trung ở nhà em Ngựa Chót, anh Ban và chị Loan cũng mang đến một ôm Cúc thu vàng rực để cả nhà quây quần quanh lọ hoa chụp ảnh gửi mừng sinh nhật 20/11 của Bà Ngựa. Chúng em rất muốn có nhiều dịp đến góp những bông hoa nhờ chị Loan gửi đến cho Anh vui nơi chín suối…”

Du Xuân năm nay, với nhiệm vụ “mõ làng” của nhà Ngựa, tôi đã báo cho tất cả anh chị em trong nhóm về sự kiện thường niên này, thế mà tôi không báo cho anh. Tôi cứ nghĩ là các anh chị Nghiên cứu sinh đã báo cho nhau rồi. Hậu Du Xuân anh Ban mới nói là không nghe thấy Du Xuân năm nay thế nào. Tôi ân hận quá. Tôi biết anh không trách gì đâu nhưng sao cứ nghĩ đến là tôi lại thấy nao nao. Khi chị Chi báo tin anh Ban ốm nặng tôi tưởng là nghe nhầm. Khó tin được vì lúc nào gặp anh cũng thấy anh sảng khoái vui vẻ. Anh còn khoe với chúng tôi là anh sống vô tư, mấy chục năm nay không hề biết bác sĩ là gì.  Hôm đến thăm anh, tuy rất mệt mà anh vẫn cười nói “không sao, uống thuốc rồi sẽ đỡ mà”. Nghe tin anh ra đi mãi mãi chúng tôi bàng hoàng. Còn bao nhiêu bạn bè muốn đến bắt tay anh, muốn nói với anh dăm ba câu chia sẻ, kể cho anh nghe chuyện Bà Giáo, chuyện gia đình. Thế mà không kịp nữa rồi…

49 ngày anh Ban ra đi mãi mãi đàn Ngựa con chúng tôi cùng Hội trưởng Ngọc và chị Chi –BLL khoa Hóa thắp nén hương tưởng nhớ Anh và cầu mong anh yên nghĩ nơi Vĩnh Hằng trong tình thương nhớ vô hạn của gia đình và bạn bè.


Người post: VinhDT

Ngày đăng: 26-05-2013 21:09






Xem 11 - 20 của tổng số 24 Comments



Từ: PhongPT
28/05/2013 13:42:01



Cậu Vinh không có ”gen” văn nghệ nên cậu không biết rằng việc huấn luyện một đàn ”vịt” kiểu như Phong và Hương hát hợp xướng ”Việt Nam tổ quốc tôi” là một trải nghiệm thú vị, chứ không vất vả đâu. Vậy nên ngoài việc chiến đấu với dàn hợp xướng, anh Ban còn miệt mài dậy  guitar cho các ”vịt” em khác. Mình sẽ post một bài về chủ đề ”Vịt” để Cậu và anh Ban xem. Chắc từ trên cao anh Ban sẽ mỉm cười.




Từ: Guest BinhNH
28/05/2013 13:31:47

Anh Ban là một người thày tuyệt vời. Anh yêu nghề và đối với học trò cũng như những người quanh mình , anh Ban đều quan tâm, luôn động viên giúp đỡ mọi người. Anh Ban là một người tinh tế. Từ khi anh mất, mình vẫn cảm thấy như anh vẫn còn đứng đâu đó với nụ cười tươi và ánh mắt hiền hậu. Anh Ban là người đã hứa điều gì với ai thì không bao giờ sai lời. Mọi hành động và lời nói của anh đều làm cho người đối diện  cảm thấy sự chia sẻ, tin tưởng và thân thiện. Mình cũng có những hình ảnh chụp hôm cả hội đến nhà anh Ban ngồi dưới gốc cây liên hoan mà Thục có đưa lên . thế mà không biết lưu ở đâu chưa tìm thấy. Còn bạn nào có ảnh từ hồi xưa lớp hóa 77 đến nhà anh Ban có cả bọn trẻ con nữa đó.


Bây giờ đều là tư liệu quý về anh Ban đấy.


Thật nhớ anh Ban.


Cám ơn Vinh về bài viết hay và đầy cảm xúc chân thành này.



28/05/2013 09:09:07

Xin thắp nén hương cầu chúc linh hồn anh siêu thoát. 



Từ: HanhLM
28/05/2013 08:27:04

Em xin thắp một nén nhang nhân 49 ngày anh Ban ra đi! Luôn đọng lại trong em hình ảnh một người anh hiền hậu, thủy chung và nhiệt tình, chu đáo với tất cả mọi người.


Xin cảm ơn chị Vinh - một trong những người em gần gũi nhất của anh Ban - về bài viết rất xúc động, chân thật này!



Từ: LienTP
27/05/2013 20:49:26

Nhanh thật, thế là đã qua 49 ngày anh Ban ra đi rồi. Cảm ơn chị Vinh về bài viết rất cảm động chân tình. Em tuy ở khoa Sinh, nhưng từ hồi dự bị đã biết anh Ban thương xuyên. Anh là người chỉ huy dàn hợp xướng của Hội, nhiều bè, hát rất nhiệt tình. Sau này con trai em học ở chuyên Hóa ĐHTổng hợp, em có dịp gặp gỡ các anh khoa Hóa ở đó nhiều hơn. Nhưng năm tháng cháu học ở đó là quãng thời gian đầy ấn tượng đối với cháu, tình người, tình thầy trò, sự chân thành, góp nên tính cách của cháu sau này. Thật sự rất kính trọng và biết ơn anh Ban.



Từ: HoaNT
27/05/2013 15:31:52

Hôm qua mình bận nên không đến nhà anh Ban được nên đã nhờ Thục thắp nến hương nhân 49 ngày của anh Ban. Cám ơn Vinh đã có bài viết về anh Ban - một người anh, một người bạn đáng kính của KGU và đặc biệt là đối với khoa Hoá KGU. Nhìn các ảnh post lên mạng lại nhớ anh Ban quá. Mong anh yên nghỉ cõi Vĩnh Hằng, mọi người luôn nhớ tới anh.



Từ: ThoaNP
27/05/2013 15:18:26

Huyền ơi, Cảm ơn em, từ Tết đến giờ chị không liên lạc được với Bà Giáo. Cách đây 1 tháng sốt ruột quá gửi mail cho cháu gái của Bà mới biết Bà không vào Internet nữa. Nhưng Chị không ngờ ngay cả diện thoại Bà cũng có thể không nhấc máy. Mấy hôm rồi chị và Vinh cứ băn khoăn mãi không biết tình hình Bà ra sao. May mà em đã liên lạc được với Bà, và cho biết tin con gái Bà sẽ sang. Chị sẽ liên lạc bằng e-mail với con gái Bà Giáo được rồi.


Cảm ơn Vinh, dù đã đọc trước bài viết này của Vinh nhưng khi đọc lại trên trang web mình vẫn không cầm được nước mắt.



Từ: ThucPT
27/05/2013 10:27:03


Đọc những dòng viết của Vinh cảm động quá - thấy những kỷ niệm về anh Ban trong những tháng năm ở Kisinhop, ở Việt Nam vẫn cứ tươi nguyên như mới ngày hôm qua.



 photo NhaABan07108_zps8c0919b4.jpg


  Hội KGU tụ tập ở nhà anh Ban hè 4/7/2010.


 photo nhaABan2409112_zps960c223c.jpg
Ngày 29/9/2011 Ngựa con chuẩn bị cho Vinh đi thăm Ngựa Mẹ ở nhà anh Ban.





 photo Duxuan201220_zps09a7b4b5.jpg
Du Xuân ở Thiên Sơn-Suối Ngà 8/4/2012




Từ: ThangNT
27/05/2013 10:26:14

Thân gửi Vinh. Bài viết của Vinh giản dị và rất cảm động. Tôi chưa được biết anh Ban. Nghe nhiều người nói tốt về anh.  Thật tiếc là không có dịp làm quen với anh ấy. Cầu chúc cho gia đình anh Ban và đàn ngựa con mọi sự may mắn.Thắng


 


 



Từ: Guest ddddd
27/05/2013 09:45:23

dfsdgfdhgdf





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s