KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 05 Tháng sáu. 2013

CON DÌ, CON GIÀ




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                                 CON DÌ, CON GIÀ 

Cuối tháng Chín 1975, Nguyên vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác. Chuyến đi đầu tiên vào Nam sau ngày đất nước liền một dải. 
Đêm trước, lúc chuẩn bị hành trang, mẹ Nguyên xếp thêm vào túi đồ của anh gói bột sắn, chút cốm khô và một khúc vỏ tươi. Bà dặn dò: 
- Con vào kỳ này cố tìm dì Điệp cho bầm. Xem các em con sống chết ra sao. 
Một thoáng đăm chiêu trên gương mặt già nhăn nhúm. 
- Từ bốn mấy đến giờ, chả chắc dì đã nhận ra con. 
Ông bà ngoại Nguyên quê ở Thổ khối, Bắc ninh, có được hai người con gái. Cô lớn là Liễu, mẹ của Nguyên. Cô út là dì Điệp nhỏ hơn ba tuổi, từ trước 1950 đã theo gia đình bên chồng xuống tàu vào Nam, trong làn sóng của giáo dân Bắc kỳ lúc đó... 
        Nguyên ra hiệu cho xe dừng lại. Ngã tư Bảy Hiền đây rồi. 
- Bao giờ em đón thủ trưởng ạ ? Cậu Tuấn lái xe hỏi. 
- Đừng đón, tớ tự quay lại đơn vị được. 
Nguyên muốn xuống đây, ngay bùng binh này, không cần xe đơn vị, rồi tìm đến nhà dì Điệp. 
Đang ngơ ngác cạnh cây xăng, chợt có tiếng bác xích lô đon đả: 
- Trung tá về đâu ? 
- À, tôi về ngay đây thôi. Nguyên giật thót người, chợt nhớ mình vẫn mang quân hàm trên ve áo. Anh từ nhà khách của đơn vị lên thẳng đây. Nhưng một khoảnh khắc nhắc anh: Không, mình cứ để như vậy. Một bộ đồ sỹ quan hè, một cái mũ mềm gắn sao, chân mang đôi dép cao su. Anh đã cởi bỏ đôi giày da với tất, vì cái nóng của Sài Gòn. 
           Nhấn chuông căn nhà ba tầng, Nguyên chờ người mở cửa trong ngưng thở. 
- Thưa, ông hỏi ai ạ ? Một thiếu phụ thấp bé, hé cánh cổng nhìn Nguyên với ánh mắt sợ sệt, tò mò. 
- Tôi hỏi nhà dì Điệp, dì người Bắc. Dì Điệp có mấy người con trai tên Cận, Minh, Khôi. Nguyên bỏ mũ xuống, ôm nó trước ngực, hồi hộp. 
- Vậy là đúng nhà này đó. Mời ông vô, tôi đi thưa mẹ tôi. À, xin trung tá cho biết quý danh. 
Nguyên mừng quá, thở phào. Vậy là tìm đúng nhà dì Điệp rồi. 
- Tôi tên Nguyên. Bầm tôi là chị của dì Điệp, cô cứ thưa vậy cho. 
Thiếu phụ khựng lại, hai mắt mở to nhìn Nguyên như phán xét, rồi lập tức đổi sang cách xưng hô thân mật: 
- Vậy... anh là con trai bác Liễu rồi ! 
- Chèn ơi ! Con trai bác Liễu này mẹ ơi ! 
Cô cứ quýnh lên, chạy tới, chạy lui, chẳng nhớ tới việc phải mời khách vào nhà. 
- Dì Điệp ở đây chứ cô ? Nguyên nóng lòng cắt ngang. 
- Dạ, mẹ em ở đây, mẹ sống với em mà. À, anh vô đi, vô đi. Cô te tái chạy trước Nguyên, bỏ mặc khách tò mò ngắm toàn bộ khu nhà. 
Nguyên dừng lại trước bậc tam cấp, đến khi thiếu phụ từ phòng khách quay ra. 
- Mẹ em mới ngủ dậy. Mời anh vô trong này. 
Nguyên bỏ mũ, đi lại góc nhà. Một cảm giác khó tả chạy lan từ gáy xuống dọc cột sống. Tim anh thình thịch. Dì Điệp đây ư, già đến thế này, tóc bạc một màu cước trắng. 
- Dì Điệp, con về thăm dì, Nguyên đây dì ơi, dì còn nhớ con không ? 
Bà cụ bé nhỏ nhìn Nguyên giây lát, rồi gương mặt rạng lên. Ánh mắt bà sáng lấp lánh như có nước chợt bừng tỉnh. Bà reo lên trong xúc động: 
- Thằng Vện ! Thằng Vện giờ thành sỹ quan lớn rồi ! 
Giọng dì Điệp run lên trước một bất ngờ. 
- Vâng, Vện đây dì ạ. Dì ! 
Nguyên sà xuống cái sập gỗ, ngồi sát vào dì Điệp. 
- Cha ơi ! Thằng Vện, dì nhớ chứ, nhớ cả thằng Mực nữa kìa. Con ơi, bao nhiêu năm rồi, dì héo hắt cả ruột gan vì mong, vì nhớ. Dì Điệp nắm lấy tay Nguyên, khóc nấc thành tiếng. Bàn tay dì gầy, khô nhưng ấm. Lập tức một sức nóng có lẽ của máu mủ ruột già, bỗng lan truyền từ dì sang Nguyên. Anh cứ để tay mình trong bàn tay của dì. 
- Vện, bầm con đâu, giờ sống với ai ?! Dì Điệp nhìn Nguyên dồn dập, băn khoăn. 
- Mẹ ! Thôi mà, kêu bằng tên Nguyên của anh Hai đi. Con gái dì la mẹ. Mặt cô quạu lại. 
- Ờ, mà anh mày đâu biết dì có thêm nhỏ Tú này chứ. Nó là út nhất đó. Dì chỉ Tú kể lể cho Nguyên hay. 
- Bầm con sống với vợ chồng con ở Hà nội dì ạ. Bầm con chỉ canh cánh trong lòng, mong sao tìm lại được dì và các em. 
- Thế còn thằng Mực, nó tên chi ? Giờ nó ở đâu, vợ con thế nào ? 
- Thằng Thưởng dì ạ. Chú ấy hy sinh từ 1972 rồi. 
- Hy sinh ? Trong chiến trường miền Nam này à ? 
- Vâng, ở Quảng Trị. Nguyên thấp hẳn giọng xuống. 
- Con ơi, thế là nhà mình, cả bầm con với dì đã mất đi bốn thằng con trai. Nguyên ! Con lại đó đi, con sẽ thấy, trên bàn thờ là hình ba thằng con dì đó. 
Nguyên nhìn dì Điệp, nghe dì kể mà không tin ở tai mình. Anh bước lại sát bàn thờ. Trầm tỏa nghi ngút, hương thoáng lâng lâng. Hai bình huệ trắng tinh khôi, thanh khiết. Căn phòng chợt lắng xuống, trống trải. Một không khí nặng nề thật sự bao trùm. Trên cao, hình dượng Căn, khăn xếp, áo dài the đen. Bên dưới xếp hàng ngang ba tấm hình lộng kiếng. Đây là thiếu tá Lê Nam Cận, con trai lớn nhất của dì Điệp. Kế đó là Lê Nam Minh và Lê Nam Khôi. Dì Điệp đặt tên các con với chữ Nam, để giữ một kỷ niệm với Nam Định những ngày từng sống. 
Nguyên đứng như thế, chết lặng người trong bàng hoàng. Một cục đắng nghẹn nơi cổ họng. Anh chớp mắt cho tan đi cái lớp nước mỏng tang, đang dâng đầy nơi khóe mắt. Từng chuỗi kỷ niệm của tuổi thơ ùa về như thác lũ trong anh. 
       
     Ngày ấy gia đình Nguyên ở Bạch hạc, Việt Trì. Từ lúc nào theo với xưng hô của bọn trẻ ở đây, anh em Nguyên tất thảy đều gọi mẹ là bầm. Thế rồi bầm, cái từ thân thương ấy theo mãi cho đến hôm nay. Gia đình dì Điệp lúc đó sinh sống ở Nam Định. Cha Nguyên gửi anh và Thưởng-cái tên tục của chú ấy ngày nhỏ là Mực, về Hà nội học. Thấy vậy, dì Điệp cũng gửi hai con trai của dì lên Hà nội học cùng. Từ đấy Nguyên, Thưởng với hai chú em Cận và Minh con dì Điệp trở nên bộ tứ rất quấn quýt những ngày trọ học trong ngõ Hàng Lọng. 
Tất cả các con của dì Điệp đều gọi mẹ Nguyên là bầm. Bà Liễu yêu thương bốn thằng con trai ấy như nhau, chăm bẵm chúng những ngày bà lên Hà nội. 
Nguyên ngắm lại Minh trong hình, nhớ như in chú ấy hồi còn nhỏ, láu cá và dễ thương đến thế. 
Hôm ấy trường đóng cửa. Mẹ Nguyên dẫn bốn anh em ra chợ. Trên đường đi gặp ông giáo tụi nhỏ. Nguyên, Thưởng và Cận vòng tay, cúi rạp xuống chào thầy. Riêng Minh thì không. 
- Minh, mồm con đâu ? Mẹ Nguyên nhắc cháu. 
- Thưa bầm, mồm con đây ạ ! Minh nghểnh gương mặt thơ ngây lên và chu cái miệng ra, ngước nhìn bầm trả lời, khiến cả bọn phá lên cười. 
- A, láo quá nhỉ. Có khoanh tay lại lậy thầy đi không. 
Mẹ Nguyên xấu hổ với ông giáo quá, nhắc thằng bé láu lỉnh. 
- Hôm nay trường có mở đâu, nghỉ học mà, đâu phải chào thầy.... 
     Mới đấy mà đã mấy chục năm. 
     Mới đấy mà đã xa xôi, âm dương cách vợi. 
Nghiệt ngã và tàn nhẫn quá vì một cuộc chiến. Bao nhiêu đau thương đổ nát, mất mát máu xương. Những tổn thất ấy đều giáng xuống những tấm lưng còng của các mẹ, dù là ở phía nào. 
Lúc còn học trường Thăng Long, Hà nội,cả Nguyên và Cận đều là học trò môn Sử của Tướng Giáp. 
Ngã và Rẽ. 
Mỗi kẻ một con đường. Ngăn cách nó bởi những hận thù chồng chất. 
Dì Điệp được bảy người con, sáu là trai. Dì mong mỏi lắm để lần thứ bảy sẽ sanh được một đứa con gái. Giữa lúc bụng mang dạ chửa, thì dượng Căn, chồng dì qua đời. Bầu trời như sụp xuống. Mặt đất như rạn nứt dưới chân. Dì Điệp chơi vơi một mình với đàn con dại, ngụp lặn trong bao nhiêu trôi nổi,thăng trầm. 
Thế rồi các con trai của dì lần lượt đi quân dịch. 
Cận và Khôi mất ở Huế, trong Mậu Thân 68. 
Một năm đại tang cho gia đình dì. Huế trắng một màu khăn sô. 
Sau cái chết của hai anh em, Minh bạc nhược cả tinh thần. 
Minh đầu tư toàn bộ số tiền gia đình cho hai thằng em giáp út sang Mỹ học. Một thằng nữa, Minh muốn gây dựng cho nó cơ ngơi bên PhnomPenh. Nhưng chú này một mực xuống tóc xuất gia, thà quét lá đa trên chùa, chứ không rời khỏi VietNam và quyết không đi lính. 
Minh mất ở chiến trường Hạ Lào 1971. 
Nhận giấy báo tử của Minh, dì Điệp ốm liệt giường từ đấy. 
Nguyên ngồi im nghe tiếng kể chuyện lúc trầm, lúc bổng của dì Điệp. 
- Còn thằng Thưởng, nó vào trong này từ hồi nào vậy con ? Dì Điệp bỏ ngang câu chuyện đang kể, hỏi Nguyên. 
- Chú ấy vào từ cuối 1969, bên pháo binh dì ạ. 
- Đêm trước lúc lên đường, nghĩ thế nào, chú ấy lại mời bầm con xuống dưới khu tập thể vợ chồng chú ấy. Bầm con thì thương vợ Thưởng buồn, nghĩ ngợi vẩn vơ. Thưởng chưa được đứa con nào dì ạ. 
- Thằng Thưởng tội thế hả. Dì nhớ nó lắm, nhỏ con mà gan cóc tía ra. 
- Hôm nhận giấy báo tử của chú ấy, bầm con ngất đi, chả khóc được nữa. Thương Thưởng quá. Chú ấy định hòa bình về là xin sang VietNam Thông tấn xã, công tác bên ấy cùng với vợ. 
- Con ơi, mẹ nào cũng vậy, mang nặng đẻ đau, mất một đứa con là chết đi một khúc ruột. Đau lắm, xót lắm con ạ. Dì còn hai thằng con hiện ở Mỹ, chúng nó năn nỉ dì, đặng dì với con Tú qua đó sống. Dì kể tiếp. 
- Nhưng dì không đi. Quê hương mình đây, nhà cửa mình đây, dì làm sao bỏ được. Dì già rồi, mong được sống nốt những năm thanh bình cuối đời. Chỉ sợ chính phủ sẽ... 
- Cách mạng sẽ khoan hồng và đối xử đúng chính sách với tất cả binh lính, sỹ quan VNCH, nếu họ hiểu họ phải làm gì. Với những người già như dì, con chắc khỏi lo dì ạ. 
Nguyên an ủi dì Điệp. 
- Dì ở lại còn mong có ngày gặp được họ hàng hai bên nội ngoại ngoài Bắc. Con về đây với dì thế này là mừng lắm rồi. Dì ở đây còn lo nhang khói cho dượng mày, cho ba thằng em mày chứ. Nguyên ơi, dì ăn ở có trên, có dưới, có bà con họ mạc, có hàng xóm láng giềng. Đã bao giờ dám sống trái với chữ Tâm, mà sao vô phước thế này hả con ?! 
Dì nâng vạt áo thấm dòng nước mắt. 
- Dì ơi con hiểu. Bầm con và biết bao các bà mẹ liệt sỹ khác ngoài kia và ngay cả trên mảnh đất phía Nam này, cũng cùng chung một cảnh. Bây giờ đất nước đã yên bình, hy vọng sẽ chấm dứt những ngày tang chiến. 
- Bao giờ con ra ngoài đó ? Chợt dì nhớ ra, hỏi Nguyên. 
- Ngày mai con ghé Pleiku. Sau đó mới ra Hà nội. 
- Vậy con cầm tiền này biếu bầm cho dì. Dì Điệp đưa Nguyên một xấp tiền và một gói quà. 
Nguyên cầm xấp giấy bạc từ tay dì Điệp, ôn tồn: 
- Con cảm ơn dì, nhưng chỉ xin dì gói quà này cho bầm con thôi. 
Mặt dì Điệp nhợt đi, đôi mắt thất vọng nhìn Nguyên: 
- Con chê đồng tiền này của dì - đồng tiền của phía bên kia, của mẹ các sỹ quan ngụy... Con khi dễ nó phải không Nguyên ? ! 
Dì Điệp nghẹn ngào, khiến Nguyên lặng cả người trước phản ứng của một người mẹ. 
- Dì, dì ơi, con không dám nghĩ thế, mong dì đừng hiểu sai con. Thứ nhất, dì nay đã già, cần tiền sinh dưỡng, thuốc thang lúc ốm, lúc đau. Sau nữa, phía bầm con cũng không thiếu thốn lắm. Vất vả, cùng cực, thắt lưng buộc bụng do chiến tranh, bầm con đã quen. Xin dì gói quà này cho bầm con vui. Một chút quà nhưng là cả một biển tình dì ạ. Bầm con thương dì, nhớ dì lắm chứ. Chị chỉ có một em, em chỉ còn mình chị. Chỉ vì đất nước hai miền chia cắt, mà phải chịu cái phân ly ấy. Bây giờ thanh bình, yên hàn đã trở lại, ra vào sẽ dễ dàng. Có dịp hai chị em mà được gặp nhau, thì vui ấy nào bằng. 
-Ừ, con nói vậy dì vui lên rồi. Con đi mạnh giỏi. Con nói dì cảm ơn bầm lắm, còn cho dì bao nhiêu quà Bắc nữa. Nhưng dì vẫn muốn gửi con chút tiền cho nhà thờ họ ở Thổ Khối, Bắc ninh. Thêm vào tiền hương hoa giỗ tổ. 
Nguyên băn khoăn giây lát. Anh thấy một tấm lòng người phụ nữ xa quê thật là diết da của dì. Đã đến mấy chục năm rồi mà còn đau đáu về với tổ tiên, họ mạc. 
- Vâng, dì cứ gửi một chút gọi là, con xin mang tận về quê ngoại. 
- Này, hay con vào đây đi. Vợ chồng con với bầm ở luôn trên lầu này. Chị em già cội có nhau, sớm tối nhìn thấy nhau. 
Dì Điệp lại thêm một bước trèo kéo, nảy ra đề xuất. 
Nguyên đọc được những xúc động, khát khao đang dâng lên trong lời đề nghị của dì. Nguyên hiểu cái tình ấy vô cùng. 
- Dì ơi, cũng giống như dì không muốn rời VietNam này sang Mỹ sống với các con. Bầm con chắc cũng chẳng muốn xa Hà nội. Nhưng con sẽ thưa lại để bầm con biết, để cảm ơn cái tình ấy của dì. 
      Chiều nay Nguyên lên tàu ra Bắc. Anh xếp lại đồ vào ba lô. Cầm con búp-bê tóc vàng với cái đầm xinh xắn màu hồng, anh vui lên, có quà cho con bé cháu ngoại. Trước lúc chia tay, cô Tú còn cố nhét nó vào túi cho anh. Cô dắt Nguyên ra chợ Bến Thành, lăng xăng đòi mua cái này cho chị dâu, mua cái kia biếu bầm. 
- Anh phải có một xe riêng mới chở hết quà của cô, Tú ơi. 
Nguyên nói dỡn với em. 
       Tàu chạy. Gió lùa qua cửa sổ, làm dịu hẳn cái ngột ngạt trong toa. Tiếng xình xịch của đoàn tàu, lâu lâu còi ủ lên một tiếng. Nguyên ngả người ra ghế, lãng đãng ngắm khung cảnh bên ngoài, tìm cho mình một chút thư thái. 
Thông thương rồi. Đất nước đang hồi sinh từ khốc liệt của chiến tranh. 
Xa tít ngoài kia, cò trắng phau một màu, giăng cánh. Chúng bay có đàn, có lũ và nhất nhất theo một hướng, để về cùng một tổ. Nơi ấy, tự bao giờ chúng vẫn nương vào nhau, sống hòa hợp với nhau.
 

Cologne Tháng Năm 2013


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 05-06-2013 23:11






Xem 11 - 12 của tổng số 12 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: LyTM
06/06/2013 08:28:50

"Cây đậu nấu hạt đậu"


Chuyện xưa đâu có xưa,


ai chủ chiến say sưa?


ai mong ngày gặp lại,


chiến trường trong bom rải,


đâu lựa anh, gọi em,


cùng một khúc ruột mềm,


bỗng trở thành hai phía,


chiến tranh quá độc địa,


chiến tranh là chia phôi,


để lại cho dân tôi


những tấm lòng tan nát,


những vì sao vằng vặc,


đang sáng rọi bầu trời,


có phải cũng rụng rơi


vì đốt trong máu lửa,


anh họ không về nữa,


em họ cũng chẳng về,


chỉ còn lại tái tê,


khúc ruột mềm quặn lại,...


Người đi xa mãi mãi,


chẳng biết đã bắn nhau,


còn lại đây, hương sầu,


gọi nhau: Anh,... Em,...ạ!



Từ: NghiPH
06/06/2013 00:25:16

Đau xót quá khi nghe bà Điệp nói với Nguyên: Con ơi, thế là nhà mình, cả bầm con với dì đã mất đi bốn thằng con trai. Nguyên! Con lại đó đi, con sẽ thấy, trên bàn thờ là hình ba thằng con dì đó!”.


Chiến tranh là chia ly, ngăn cách, gây ra bao hy sinh, chết chóc, tang tóc, gây nghi kỵ, thù hằn. Cả hai bên đều bị tổn thương. Như trường hợp bà Điệp và mẹ anh Nguyên và các con của họ thì đâu phải là người xa lạ mà là người một nhà- những người ruột thịt.


Có đến bốn chàng trai trong một nhà phải bỏ mạng trong chiến tranh khi mái tóc còn xanh. Có bao gia đình như gia đình Nguyên! Nhiều, nhiều lắm!


Qua câu chuyện này, tôi càng nhận thấy, chúng ta cần thực sự thực hiện hòa giải dân tộc, hàn gắn những vết thương lòng!




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s