KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 14 Tháng sáu. 2013

NỖI NIỀM NGHỆ SỸ




Tác giả: CucNT

 

NỖI NIỀM NGHỆ SỸ

Vào một ngày tháng 5/2005, tôi và người bạn tiến hành đào móng xây nhà trên một mành đất chiều ngang  4m, chiều dài 20M. Chúng tôi là những người xây đầu tiên trong khu đất phân lô. Vốn là người theo “chủ nghĩa duy vật biện chứng” nên tôi tiến hành làm mà chẳng tham khảo ý kiến của ai. Đến phút cuối, mấy anh thợ hồ bảo tôi nên xem thầy để lấy ngày khởi công cho thuận lợi. Thầy phong thủy đến nhìn lô đất rồi bảo: “Dưới lô đất này, có hài cốt của 2 mẹ con, con đào lên thì mang người ta đi chôn cất tử tế chứ đừng lấp lại”.  Ngày hôm sau, đào sâu 1 mét, mấy người thợ hồ bỏ chạy vì đụng phải hài cốt, chỉ còn xương và 1 chiếc mũ len nhỏ.Trong nỗi bấn loạn, tôi chạy nháo nhào hỏi mọi người bây giờ phải làm sao. Họ khuyên tôi nên đến Chùa Nghệ sỹ xin gửi hài cốt vô danh vì ở đó có rất nhiều nghệ sỹ khi mất đi, cô độc nên được mai táng tại Chùa.

Tôi đến Chùa Nghệ Sĩ (còn có tên Nhựt Quang Tự, Phật Quang Tự) là một ngôi chùa nằm ở số 116/6 Thống Nhất, Phường 11, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Một thiếu nữ dáng người mảnh mai, nhẹ nhàng đưa tôi đến gặp người phụ trách Chùa. Tôi trình bày hoàn cảnh của mình, mới định cư tại Tp. HCM được vài năm nên bây giờ không biết làm thế nào với hài cốt của người vô danh cho phải đạo và mong ông giúp đỡ. Ông lắng nghe, trầm ngâm 1 lúc sau đó đồng ý cho phép tôi được mang hài cốt vô gửi tại Chùa. Sau này tôi mới biết ông là bầu Xuân, Nghệ sỹ Nam Thắng, người phụ trách trông coi Chùa. Ngày hôm sau, tôi mang mấy cái hũ sành đựng hài cốt tới gửi, thầy Chùa làm lễ nhập và nói với tôi: “Con đừng lo lắng gì, con có duyên nên mới tìm thấy họ rồi mang họ tới đây, những người không có duyên, xây nhà đè lên sẽ không được may mắn như con”. Từ đó, thi thoảng tôi ghé vào Chùa thắp nhang cho họ và đôi khi buồn tôi lại vào Chùa mong tìm chút bình an.

 

Ngày trước, Nghệ sĩ cải lương Miền Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm tính cách giang hồ của người dân miền Tây Nam Bộ. Họ sống tập trung thành một gánh hát, lưu diễn tha phương, thu nhập không ổn định, thường bị ức hiếp, nên nghệ sĩ cải lương tập hợp nhau lại, lập nên Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế nhằm giúp đỡ nhau lúc bệnh tật, già yếu, khó khăn. Họ bầu nghệ sĩ Bảy Phùng Há làm hội trưởng. Sau khi thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế, bà Bảy Phùng Há tính đến chuyện kiếm mảnh đất để anh chị em nghệ sĩ có nơi mồ yên mả đẹp. Cô thấy xót xa trước cảnh nhiều nghệ sĩ nổi tiếng một thời nhưng lúc về chiều lại không chốn nương thân, thậm chí đến lúc chết cũng không có hòm mà chôn. Với sự động viên của hai người bạn thân thiết là Tư Trang và Năm Châu, cô suy nghĩ đến việc tìm một chốn nào đó để người nghệ sĩ có thể yên nơi, yên chỗ khi nằm xuống.

Năm 1949, cô Bảy huy động tiền đóng góp từ các mạnh thường quân, các chủ hãng có tấm lòng hảo tâm đứng ra mua đất, xây chùa và nghĩa trang.

 
 
Tuy nhiên, số tiền đó chỉ đủ mua mảnh đất hoang giữa cánh đồng thuộc xã Hạnh Thông Tây rộng hơn 6.000m2. Không có tiền, mảnh đất bị bỏ hoang suốt 10 năm trời.

Thấy mảnh đất bỏ hoang, ông Năm Công, khi đó là ông bầu của đoàn cải lương Lê Minh Công đã xin bà Phùng Há cho cất am để tu hành, rời bỏ cõi tục.

Am xây một năm thì xong, bầu Năm Công trở thành người của cõi Phật với pháp danh Thích Quảng An. Tuy nhiên, dù đã quy cửa Phật, song ông vẫn không thoát được vòng tục lụy, vì nợ nần còn chồng chất. Vì thế, ông đành phải để lại am cho đại gia Diệp Nam Thắng. Ông Diệp Nam Thắng, từng là Giám đốc hãng giấy Kiss Me, chủ hãng thầu xây dựng Nam Thắng. Tuy nhiên, do mê nghiệp cầm ca, nên ông chủ thầu này đã rẽ ngang sang làm nghệ thuật.

Ông trở thành ông bầu của đoàn Dạ Lý Hương, từng làm mưa làm gió trên sân khấu cải lương Sài Gòn một thời. Cũng chính vì thế, người dân Sài Gòn đều quen cái tên bầu Xuân, còn cái tên ông tỷ phú Nam Thắng thì không mấy ai biết đến. Cái duyên với nghệ thuật vẫn đeo đuổi đến già, để rồi giờ đây, ông trở thành người quản lý ngôi chùa có lẽ độc nhất vô nhị trên thế giới này. 

 Tiếp quản xong, ông bầu Xuân tiến hành xây dựng, mở rộng am thành một ngôi chùa bề thế, lấy tên là Nhựt Quang Tự. Tuy nhiên, không mấy ai biết đến cái tên này, mà cứ gọi là Chùa Nghệ Sĩ.

 Chùa Nghệ sỹ không đông người đến như các ngôi Chùa khác tôi đã từng ghé thăm. Nhưng đây là ngôi Chùa vào dịp rằng tháng Giêng, tháng bảy đông nghệ sỹ đến nhất.

 

Tôi bước vào Chùa, ngước mắt nhìn lên tấm bảng khắc dòng chữ:

"Vào chùa, xin để lại ngoài cổng những gì danh lợi, sân si..., để nghe Phật dạy...từ bi hỉ xả thương yêu giúp người". Dòng chữ nhắc ấy được kẻ đậm ngay phía cổng vào, cạnh lời đức Khổng Tử: "Ta chưa từng thấy ai thích đạo đức bằng thích nhan sắc; nhưng đạo đức thì tồn tại, còn nhan sắc thì nhứt thời...". Hai "vế đối" được viết ở vị trí khá trung tâm khác để nhiều người có thể nhìn thấy: "Tiền tài như phấn thổ/ Đạo đức tợ thiên kim"... Chùa Nghệ sỹ có lẽ là ngôi chùa duy nhất trên đất nước Việt Nam, nơi tập trung những diễn viên, nghệ sỹ, những đàn ca tài tử của Sài Gòn suốt mấy thập kỷ qua. Thế nhưng, đấy không phải là "cõi người" trần tục. Nó là sân khấu cuối cùng, không đèn màu, không cánh gà, không có sự hóa trang, không vai diễn... của những nghệ sỹ đã lùi về "hậu trường" sau khi đã trải qua tất thảy những hỉ nộ ái ố. Nó là bản nguyên của những thân phận, những kiếp người, với sự ứ đọng và dồn nén về thời gian, khi người ta lãnh ngộ được giá trị đích thực và bản ngã của chính mình!

 Bước thêm chút nữa, đập vào mắt tôi mấy câu thơ treo trên tường:

Buông bức màn rồi danh vọng hết.

Người về lòng rũ sạch sầu thương.

 Người vào cởi áo lau son phấn.

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường

Khiến tôi cảm thấy thương cảm, xót xa cho những “kiếp cầm ca”.

Khi đứng trên sân khấu, họ đóng vai ông Chúa, bà Hoàng, đạt đến đỉnh cao của danh vọng nhưng khi cởi xiêm y xuống họ lại trở về với đời thực với những phận người đủ hỉ nộ, ái ố và nỗi lòng man mác buồn đau.

Không hiểu vì sao những người mang cái đẹp đến cho cuộc sống, mang những tiếng đờn ca, vai diễn giúp người đời giãi khuây những nặng nhọc của đời thực để thưởng thức cái đẹp, cái hấp dẫn của nghệ thuật, làm phong phú tinh thần lại là những người mang trên mình rất nhiều nghiệp chướng.

Phía bên trái khuôn viên là ngôi Chùa, nơi mọi người thường đến để thắp hương cầu nguyện. Bên trái là mộ của Nghệ Sỹ Phùng Há.

 

 Khác với những ngôi mộ lạnh lẽo khác, mộ của Nghệ sỹ Phùng Há thường xuyên có hoa tươi do người ái mộ bà đến viếng. Đi sâu vào chút nữa bên cạnh mộ bà là Tháp  để hài cốt. Theo nguyện vọng của những Nghệ sỹ, sau khi họ mất, thi thể họ có thể chôn trong nghĩa trang hoặc hỏa táng bỏ vào hũ sành để trong Tháp. Phần đất dùng làm Nghĩa trang ngày càng nhỏ lại nên những ngôi mộ lâu ngày phải đào lên, hỏa tang hài cốt và bỏ tro vào hũ sành để nhường chổ cho những ngôi mộ mới.

 Những hài cốt tôi mang tới gửi được bỏ chung cùng hài cốt những người Nghệ sỹ trong ngôi Tháp.

 Phía sau chùa,phần lớn đất để xây dựng nghĩa trang.

 

Tôi thường ghé Chùa Nghệ sỹ vào những buổi chiều, khi ánh nắng đã không còn rực rỡ và ngọn gió man mác thổi nhè nhẹ trong màu tím của hoàng hôn buông, lặng người nghĩ về họ. Cả nghĩa trang dường như không một bóng người. Họ cô đơn khi xế chiều trong cơn ốm đau bệnh tật và đơn chiếc ngay cả khi đã là một nấm mồ. Và không hiểu sao, rất nhiều người Nghệ sỹ qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trong nghĩa trang là nơi an nghỉ của những "cây đại thụ" của sân khấu cải lương. Tên tuổi của họ không chỉ được ghi trong lịch sử của sân khấu cải lương, trong lòng khán giả cả nước mà trên hết họ là tấm gương đối với thế hệ diễn viên trẻ như: NSND Phụng Há - Cô đào nổi danh một thời với Mộng Hoa Vương, Mạnh Lệ Quân, Đời cô Lựu;...

Những cái tên lẫy lừng thuở sân khấu cải lương còn hoàng kim như: NSND Út Trà Ôn - ông vua vọng cổ - với bài ca Tình anh bán chiếu gắn liền cả một đời người; NSưT Thanh Nga - Nữ hoàng sân khấu - tài sắc nức tiếng những năm 70; NSưT Hoàng Giang, NSưT Trường Xuân, giọng ca vàng Hữu Phước, Lê Tuấn Tài - Hoàng đế đĩa nhựa, út Hiền, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, soạn giả Vĩnh Điền, đạo diễn Chi Lăng...

 

 Mộ của gia đình nghệ sỹ Thanh Nga

Trong nghĩa trang còn có cả những ngôi sao gần đây như: Đức Lợi, Minh Phụng, Lương Tuấn, Kiều Hoa, Bảy Cao, Trương ánh Loan, Hoàng Tuấn ..).

 

 Mộ NGHỆ SỸ MINH PHỤNG

 Họ là những nghệ sĩ, những diễn viên mà trên sân khấu, dưới ánh đèn màu lung linh, bận mũ áo cân đai, khoác lên mình những xiêm y lộng lẫy, có phấn son tô điểm họ hóa thân thành những ông hoàng, bà chúa uy phong lẫm liệt, sắc đẹp khuynh thành.

Trong lịch sử nghệ thuật tên tuổi của họ cũng được xếp vào vị trí ông tổ, bà chúa với những công lao và đóng góp với nghề. Trong lòng khán giả, sau những tràng vỗ tay, những bó hoa thì người ta xưng tụng họ thành những ông vua vọng cổ, bà hoàng sân khấu tất cả đều chói lọi, rực rỡ hào quang. Tiền bạc và danh vọng đều "phủ phục" dưới chân họ.

Người coi sóc mộ phần chép miệng: "Đời nghệ sĩ mà cô, khi tấm màn nhung khép lại, ánh sáng nhường chỗ cho bóng tối họ lại trở về với đời thường thì dằng dặc một sự trống trải, cô đơn. Đến khi sắc tàn, hơi cạn họ bị người đời lãng quên, họ trở về đây những nắm mồ hưu quạnh, mấy người viếng thăm" 

Tôi đã lặng người khi nghe những người coi sóc mộ phần kể về Năm Đồ - cô đào tài danh nổi tiếng một thời. Khi về già bà chẳng có gì ngoài một manh chiếu rách nằm thoi thóp bên lề đường được người ta thường xót đưa về chùa, giờ còn lại một nấm mồ hưu quạnh, không người viếng thăm.

Một thân phận nghệ sĩ bi thương không kém là nghệ sĩ Bảy Cao. Ông nổi tiếng là "thần đồng" vọng cổ, bởi chỉ nghe một lần đã thuộc. Năm lên 7 tuổi ông đã biết ca rất nhiều bản ngắn, bản dài. Thế nhưng, ông bầu gánh hát Hoa Sen, danh ca lừng danh, một soạn giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, khi về với cát bụi cũng chẳng có một cái hòm để nằm. Chùa Nghệ sĩ phải đứng ra mua hòm và chôn cất đàng hoàng với đầy đủ các nghi lễ.

Trong nghĩa trang phần lớn là những nghệ sĩ cải lương, có hai nhân vật không phải "dân" cải lương nhưng cũng cùng một số phận nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh là: Ngôi sao điện ảnh Lê Công Tuấn Anh. Anh từng là đứa trẻ lớn lên từ đường phố, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Đến lúc chết đi, cũng chẳng có gì ngoài sự hâm mộ của khán giả cả nước. Và nghệ sĩ kịch Lê Vũ Cầu - người nghệ sĩ tài hoa một đời sóng gió, phiêu bạt cuối cùng cũng dừng chân an nghỉ nơi này.

 

 MỘ CỦA DIỄN VIÊN ĐIỆN ẢNH LÊ CÔNG TUẤN ANH

Có những ngôi mộ được chăm sóc kỹ càng nhưng nhiều ngôi, qua thời gian, cỏ mọc um tùm vẫn không có bàn tay nào chăm sóc. Mỗi lần vào thắp hương cho các hài cốt tôi thường ghé qua nghĩa trang và thắp hương cho những ngôi mộ lạnh lẽo đó. Có những người không có tên tuổi gì trên sân khấu nhưng tôi tin họ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Nhấp nhô giữa hàng mộ trắng, hay một tán cây mới ở tuổi trưởng thành, nghĩa trang nghệ sỹ có những phù điêu, tượng bán thân: người nghệ sỹ chơi đàn tỳ bà; bức phù điêu một tuyệt sắc giai nhân đang mở rộng vòng tay đón đứa trẻ - niềm hạnh phúc lớn lao... Điều ấy là một đặc trưng riêng, ít nghĩa trang nào có được. Nhiều phần mộ thực sự là những công trình nghệ thuật, nó hàm ý tính cách và tâm hồn nghệ sỹ, của những người nằm dưới đó, thuở còn sống ngang dọc một vùng trời!

 

Ngôi mộ của Nghệ sỹ  Mỹ Huệ, qua năm thang, chỉ còn tấm bia còn rõ, phần mộ đã mọc lên um tùm cỏ dại.

Tôi không duy tâm nhưng suốt 8 năm qua, tôi luôn có cảm gíac linh hồn của các hài cốt vô danh vẫn quanh quẩn đâu đó xung quanh tôi và thấu hiểu lòng tôi. Mỗi khi buồn, tôi vào thắp hương cho họ và khi ra về lòng tôi nhẹ nhõm hơn.

Có lần người yêu tôi hiểu nhầm tôi. Một nỗi oan ức không thể nào tả xiết. Tôi vốn không thích thanh minh nên âm thầm chịu đựng nhưng đêm về nước mắt cứ tuôn rơi. Buổi chiều hôm đó, tôi đi vào Chùa thắp hương trước các hài cốt và tự dưng tôi nghĩ đến số phận của những kiếp người. NS Phùng Há suốt đời lo cho cuộc đời của các Ns khác hưu quạnh nhưng chính bà mới là người hưu quạnh nhất khi bà có đến 4 đứa con nhưng 3 đứa chết trẻ, 1 đứa con gái định cư tại Pháp nhưng khi bà cuối đời cũng không có tiền về chăm sóc mẹ. Và rồi tôi nghĩ đến Nghệ sỹ Nhân Dân Minh Phụng, khi ông lâm bệnh nặng, người ái mộ ông là ông Trần Hữu Phước, bán trái cây ở ngã tư Gò mây đã đề nghị được tặng ông 1 quả thận để giúp ông trị bệnh. Trong khi đó, con gái ông là Tiểu Phụng đang định cư tại Mỹ, lợi dụng tên tuổi của ông để quyên tiền của bạn bè người thân. Nỗi đau thể xác không thấm gì so với nỗi xấu hổ về con mình nên ông đã đăng báo xin từ con (Báo Sân khấu TPHCM ngày 18/7/2004). Một người đã trãi qua bao khổ đau để rồi đạt đến đỉnh cao danh vọng như Lê Công tuấn Anh mà chỉ vì giận dỗi với người yêu  đã kết thúc cuộc đời mình. Tôi liên tưởng đến mấy hài cốt vô danh, không biết khi sống họ có phải chịu đựng bi kịch nào không, gia đình họ là ai mà giờ đây chỉ mình tôi đi thắp hương cho họ. Có khi nào họ cũng đã từng là nghệ sỹ để rồi phải chịu cái ‘bạc bẽo” của cuộc đời. Có lúc nào họ bị hiểu nhầm như tôi không? Nghĩ đến đó nước mắt tôi tuôn rơi, tôi thắp hương vừa vái vừa nức nở “ Xin hãy thấu hiểu lòng con và giúp cho con trút bỏ mọi ưu phiền để được sống  thanh thản”. Vai tôi rung lên theo tiếng nức nở. Tự dưng một  vòng tay ôm lấy tôi, xoay người tôi lại và ôm chặt tôi vào lòng. Là anh, người yêu của tôi. Tôi òa lên tức tưởi.  “Anh đã nghe thấy hết rồi! Anh xin lỗi!”. Anh kể là mấy hôm giận nhau, anh cũng buồn và chiều nay, cứ như có ai xui khiến anh ghé vào Chùa và đã bất ngờ thấy tôi đang lang thang trong Chùa nên lặng lẽ đi theo.

Từ đó, tôi đến Chùa nhiều hơn và thường lắng nghe những người làm công quả trong Chùa tâm sự. Những nghệ sỹ khi đã không đủ sức đứng trên sàn diễn, họ lui về đây nương náu cửa Chùa trong sự nghèo nàn về vật chất, Căn nhà để họ ẩn dật chỉ là những gian nhà nhỏ, một chiếc giường nhỏ con , 1 chiếc quạt và bóng đèn yếu ớt.

 

 

NHÀ DƯỠNG LÃO CỦA CÁC NGHỆ SỸ CHỈ ĐƠN SƠ THẾ NÀY ĐÂY

Họ nuôi thêm gà vịt, trồng rau để cải thiện cuộc sống.

Cả cuộc đời, khi họ đứng trên đỉnh vinh quang, khi họ lung linh dưới ánh đèn sân khấu, khi họ được vây bọc bởi sự ái mộ của công chúng, họ như con ve đốt hết tất cả những gì mình có, sinh lực, tài lực... cho một cuộc rong chơi dài bất tận. Tuổi già, cô đơn, bệnh tật là điều ám ảnh của cả thế giới này. Nhưng, với những người "trót" làm nghệ sỹ, thì đó là những kẻ tử thù! Hầu hết những thế hệ nghệ sỹ của Sài Gòn vài thập niên trước, đều đang sống chung với sự cô đơn, già nua, bệnh tật và nghèo đói.

 Tôi thường đặt vào tay các chị, các bà ở đây một chút tiền ít ỏi và họ đã nhận như một sự chia sẻ chân thành của lòng tôi chứ không phải nhận của một mạnh thường quân. Họ hiểu tôi như chính tôi đang ngày đêm đồng hành cùng họ.

Dù khó khăn, nghèo nàn, đơn chiếc, những người cai quản Chùa Nghệ sỹ vẫn thường xuyên tổ chức đi làm từ thiện. Tiền do các Nghệ sỹ và một số mạnh thường quân đóng góp.

 

Thi thoảng tôi góp 1 chút tiền gọi là “ ghi ơn công đức” và chợt thấy mình thật nhỏ nhoi trước tình cảm bao la của những người Nghệ sỹ. Hơn ai hết, họ thấm nỗi khổ đau của kiếp người nên hàng năm, họ cứ đi chia sẻ cho những người gặp bất hạnh bởi thiên tai, bệnh tật, đói nghèo mà họ không nghĩ rằng chính họ đang vô cùng chật vật với của sống hằng ngàyvà chính họ đang là những người cần được nhận sự xẻ chia.

Cứ mỗi lần đến và trước khi ra về, tôi lại ngẫm nghĩ về câu đúc kết: “Đạo đức là cơ quan an ninh hữu hiệu nhất của xã hội và loài người”. Tôi là luật sư, vẫn thường trích dẫn các điều luật để buộc tội hay răn đe bị cáo nhưng có lẽ chẳng có điều luật nào lớn hơn đạo đức, lương tâm của mỗi con người.

 

Tôi ra về khi trời đã hoàn toàn tắt nắng, những con người ốm đau, bệnh tật, nhỏ bé trước thiên tai vẫn ở lại nơi đó. Đêm  đêm sau khi  tụng kinh họ ôn lại với nhau kỹ niệm của một thời oanh liệt trên sân khấu và trong lòng họ vẫn trào dâng những xúc cảm say mê nghệ thuật, những khát khao được trở lại sàn diễn.

Tôi ngước nhìn cánh cổng Chùa

 

Với dòng chữ :

“Ra về xin để lại những gì đau thương phiền não”.

Vâng! So với cuộc đời của những nghệ sỹ, những đau thương của tôi chỉ như những giọt nước nhỏ nhoi, nó bốc hơi và tan biến đi.

Hẹn mọi người sẽ quay lại một ngày gần đây, tôi bước đi với sự thanh thản và bình lặng trong tâm.


Người post: CucNT

Ngày đăng: 14-06-2013 15:03






Xem 31 - 40 của tổng số 45 Comments



Từ: CucNT
15/06/2013 15:26:35

Anh Tung! Em đếm được trong thơ anh những dòng miêu tả đặc trưng về nghề nghệ sỹ "bạc bẽo" OANH LIỆT, VÔ LOÀI PHƯỜNG XƯỚNG CA, PHƯỜNG CHÈO.


Bài thơ của anh Tung xứng đáng được đặt vô Mục Thơ về Nghệ Sỹ !


Anh BaChai: "Nhạc là đỉnh cao của âm thanh không lời" . Có lẽ anh là nhạc sỹ nên những com của anh bao giờ cũng ít lời mà rất nhiều ý.


Cảm ơn các anh!



Từ: ThinhTT
15/06/2013 15:23:14

Tôi ở Gò Vấp, nhưng qua bài của Cúc NT mới biết rõ hơn về ngôi chùa Nghệ Sỹ mà mình đã nghe và có đôi lần ngang qua. Phải nói là Cúc có tâm nên mới trải lòng mình để giúp mọi người hiểu một phần về những "kẻ cầm ca" lưu trong chùa "Nghệ Sỹ".



Từ: CucNT
15/06/2013 15:22:04

Thật vinh dự cho chợ Kgu vì có người tự xưng là "ngoại đạo" nhưng thường xuyên vào đi dạo. Chùa Nghệ sỹ là ngôi Chùa độc nhất vô nghị và chợ Kgu cũng vậy. Ở Chợ Kgu các "nhà Bình luận" đều trờ thành Nghệ sỹ vì họ đã gọi những tác giả sáng tác tay ngang thành "biệt thự thơ", "Villa văn". Thật mộng mơ và dễ thương làm sao. Cảm ơn Guest ĐH, mong guest thường xuyên thưởng thừc và bình luận.


Anh Khánh! Em post ở mục Văn học vì trong bài viết có những dòng miêu tả và cảm xúc của riêng em còn chuyện "hài cốt 2 mẹ con" tất nhiên  là có thật, chẳng lẽ đi sàng tác 1 sự kiện  thiêng liêng như vậy sao? Vẫn còn những hiện tượng tâm linh mà khoa học chưa giải thích được. Một nhà khoa học nổi tiếng từ nhiều thế kỹ trước đã kết luận" Khoa học không tôn giáo  là 1 khoa học què"  đó sao?


 


 



Từ: KhanhT
15/06/2013 14:09:05

 


Tôi biết về chùa Nghệ sĩ khi nó được nhắc đến trên báo chí vào ngày Nghệ sĩ Phùng Há - người sáng lập ra nó qua đời. Thật không ngờ một ngườiKGU có mối lương duyên gắn bó với chùa là như vậy. Người ta thường nói: "Đồng thanh tương ứng...". Người có tâm hồn nghệ sĩ thì cảm thông nhiều với nghệ sĩ, cho nên ThuKK đã "nâng" em Cuc lên là nghệ sĩ quả không sai. Với tài văn của Cuc - villa văn (Guest ĐH) chắc ace KGU còn được đọc nhiều nữa những câu chuyện thấm đẫm tình người, nhân văn cao cả...


Thật là nghịch lý: những người làm nghệ thuật - chăm sóc phần "hồn" thì lại có số phận long đong, đầy nghiệp chướng! mà NghịPQ cũng không hiểu vì sao.


Câu chuyện về hài cốt 2 mẹ con lại thêm một bằng chứng (mặc dù Cúc để bài viết trong mục văn học, nhưng tôi nghĩ đây là sự thật, không phải sáng tác) về sự tồn tại của tâm linh mà khoa học "duy vật" ngày nay rất khó giải thích như Phư nói. Người ta đã nghĩ đến đoạn tạo ra một bộ gen người (nhân tạo) và liệu bộ gen đó có linh hồn hay không! làm sao cho nó "nhập linh" thành người. Nếu làm được thì người ta sẽ nhân bản các "lãnh tụ siêu nhân" đầu tiên, chắc thế.


 



Từ: Guest Guest ĐH
15/06/2013 09:28:01

       Tôi là kẻ ngoại đạo của Hội KGU tuy nhiên vẫn là thuộc lò đào tạo CCCP (cũ), tinh cờ dạo chợ KGU hơi nhiều vì là "triệu phú thời gian".


       Đọc bài này càng thấm thía thấy rằng cuộc đời nghệ sỹ thật bất công cho đến lúc sang đến cõi vĩnh hằng, thiết nghĩ loài người không được thưởng thức NGHỆ THUẬT và chẳng lẽ chỉ tồn tại = "ăn và ngủ", mà tầng lớp nghệ sỹ là những người chuyển tải NGHỆ THUẬT cho chúng ta.


       Cảm ơn tác giả có những khám phá trình làng chợ KGU đầy tính nhận văn với lời văn sắc sảo và  xúc động. Giá như tác giả đầu tư một cách nghiêm túc hơn nữa cho văn học chắc sẽ trở thành "villa" văn đấy, chứ nói gì là nhà văn.



Từ: TungDX
15/06/2013 08:50:45

 


ĐỜI NGHỆ SĨ


Đời nghệ sĩ OANH lắm phen


Nhập vai Vương, Tướng, Cha Tiên, Mẹ Thầy


LIỆT thời cực lắm thay


Bị coi như kiếp ăn mày đáng thương


Nổi chìm Đào, Kép, Ca nương


VÔ LOÀI, bị xếp phận PHƯỜNG XƯỚNG CA


“Sống bầu bạn khắp người ta


Đến khi thác xuống làm ma cô hồn”


Dẫu là TÀI nổi, DANH thơm


Hão huyền bọt nước một PHƯỜNG CHÈO thôi


Cũng tài THIÊN PHÚ, mệnh TRỜI


Bất công đen bạc như vôi, trần tình


Nâng niu hát đẹp duyên xinh


Nến đèn vừa tắt quay khinh bạc liền


….


Thầy Cãi CucNT thảo tay tiên


Anh Em tâm đắc một phen DU CHÙA


Lẽ đời thật thật đùa đùa


Có công mài sắt, không lo thiếu dùi


 Đổi mới - nghệ sĩ - đổi đời


 


 



Từ: 3Chai
15/06/2013 05:14:53

Ra về bỏ lại nỗi buồn...


Chí lý. Đọc xong, không buồn mà thấy yêu cuộc sống hơn.


Cảm ơn em.



Từ: CucNT
14/06/2013 22:05:35

Cảm ơn các anh chị em đã chia sẻ. Quả thật ở  đời còn nhiều hiện tượng không thể giải thích. Hồi đi học, mấy đứa bạn bảo em Cúc là " Bônsevich hạng nặng", em lúc nào cũng theo duy vật. Thế nhưng khi đào móng làm nhà, thầy Phong Thủy ở Thủ Đức đến nhìn lô đất rồi bảo dưới đó có hài cốt 2 mẹ con. Khi đào lên thấy có chiếc mũ len nhỏ, chắc chắn là trẻ con rồi. Từ đó, em Cúc hay để ý và có chút duy tâm, không "cứng nhắc" như trước.


Cơ duyên đó làm em đến với Chùa  Nghệ Sỹ và hiểu thêm về cuộc đời của những người đốt cháy mình cho Nghệ thuật. Trong em cứ thôi thúc phải viết để cho nhiều người cùng biết đến Ngôi Chùa này.Cảm ơn chị Thu đã "nâng" em Cúc lên, cho rằng em không chỉ là 1 luật sư mà còn là 1 Nghệ sỹ. Những lời động viên của ACE làm em mạnh dạn hơn và muốn viết nữa.


Cả một bài viết dài của em đã được chị Lý tóm tắt  lại thành thơ. Thật tuyệt!


Cảm ơn các anh Phư, Tấn Định, Nghị, Anh Hiến, chị Hạnh, Thu Lý đã đọc cảm nhận và thấu hiểu nỗi lòng em.


 



Từ: Guest L V Hiến
14/06/2013 21:01:51

Bài viết của em Cúc-Luật sư rất hay, thật sự là tâm trạng của những người khi buồn cô đơn.


Đời người là vậy, khi đang làm việc có chức quyền thì hào nhoáng khác gì nghệ sĩ, khi về hưu với đời thường tất cả đều vô nghĩa. Tiền nhiều hay ít, nghèo hay giàu khi chết cũng không mang theo được, đều vứt bỏ ở trần gian. Vâng, duy chỉ ĐẠO ĐỨC  là cơ quan an ninh hữu hiệu nhất của xã hội của loài người. Tuy vậy nhiều người vẫn không hiểu điều đó, họ vẫn làm trái lương tâm.


Em Cúc thật may mắn khi xây nhà, chuyển được thần bí đi nơi khác là yên tâm, nếu không thì cả đời không yên ổn. Các ngài đã phụ hộ cho em trên đường đời.



Từ: NghiPH
14/06/2013 20:37:41

Đúng là tôi cũng không hiểu vì sao những người mang cái đẹp đến cho cuộc sống, mang những tiếng đờn ca, vai diễn giúp người đời giãi khuây những nặng nhọc của đời thực để thưởng thức cái đẹp, cái hấp dẫn của nghệ thuật, làm phong phú tinh thần lại là những người mang trên mình rất nhiều nghiệp chướng đến vậy?


Tấm lòng của những người cai quản ngôi chùa này thật cao đẹp. Dù khó khăn, nghèo nàn, đơn chiếc, không quản vất vả họ thường xuyên tổ chức đi làm từ thiện ở nhiều nơi.


 Cám ơn em Cúc về câu chuyện cảm động về ngôi chùa- nghĩa trang đặc biệt, về số phận của những người nghệ sỹ,  về lẽ sống trên đời.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s