KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 24 Tháng sáu. 2013

CƠM CHÁY




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                                       CƠM CHÁY


Những ngày mưa dầm gió bấc, bà nội tôi thường rang ngô, rang lạc, chia cho mỗi đứa một vốc. Bà cháu ngồi quây trên giường của bà, nghe bà kể chuyện. Nhiều chuyện lắm. Toàn chuyện ngày xưa...


Bà nội tôi sanh tới 15 lần, nhưng chỉ nuôi được có năm người con. Trong nhà, các cụ, các ông bà phàn nàn, chắc sữa mẹ chua, khó nuôi con. Đến bố tôi, ông bà nội nhờ tìm một vú nuôi. Hy vọng với sữa mẹ tốt của u em, bố tôi sẽ khỏe khoắn, lành lặn. Thế rồi nhờ sữa u em tốt, đến chú Sơn tôi, cũng vẫn u em ấy, người đàn bà hiền lành, tần tảo, chịu thương chịu khó và mát tay nuôi trẻ. .

Những năm hai cậu con trai đã lớn, vú ấy vẫn ở với gia đình ông bà nội tôi. Bây giờ các cậu Cẩm, cậu Sơn đã học ông giáo làng. Những ngày mưa gió, rét mướt, bà nội tôi cho hai cậu con trai nghỉ học.

Ở nhà buồn như "trấu cắn", hai học trò chả có gì chơi, chả có gì nhấm nháp. Biết ý chúng, u em xuống bếp, nhóm lửa. Các cậu trò nhỏ nhao cả xuống ngồi bên cạnh u , mắt hau háu nhòm vào cái chảo rang.

U em bóp nát chỗ cơm cháy đã phơi khô, vẫn chắt chiu cất từng ngày trong góc trạn. U lấy nước, rảy đều lên mẻ cơm khô, rồi bỏ vào rang.

Cơm khô đã vàng rộm, sắp nhắc chảo ra, u nghiền cục đường phên, rắc lên trên, rồi đảo thật đều. Ái chà, trông ngon đáo để ! Bố tôi và chú Sơn cứ hít lấy cái hương thơm của "bỏng cơm" ấy mà nuốt nước miếng.

U em bắc chảo xuống, đổ chỗ cơm cháy vừa rang ra cái mẹt con, cho mau nguội.

- U ơi, u mua "bỏng" ở dưới chợ về rang u nhỉ ? Chú Sơn tôi mon men, sờ tay vào mẹt hỏi u với cái giọng thèm quá đỗi.

- Có bỏ tay ra không, chết bỏng giờ ! U em nghiêm giọng.

Cả hai thằng cu con ngơ ngác nào đã hiểu. Chắc mẩm, thế nào bỏng cũng đến phần mình. Sao u không chia ra nhỉ?

- Các cậu có nhớ, bữa nào các cậu cũng bỏ thừa cơm. U chia mỗi cậu miếng cháy ăn cho thơm miệng, thì cứ giãy lên không chịu. "Bỏng" trong mẹt, là những cơm ấy đấy, u phơi khô, để dành đến hôm nay. Bây giờ ăn đi, bỏng ngon, ngọt lắm. Từ từ thôi chả có phỏng tay lên đấy !

Đấy là chuyện từ những năm thập niên 30 của thế kỷ trước.


Tới những năm tôi đã về làm dâu, toàn ngồi đầu nồi. Nhà chồng tôi có tới sáu anh em trai. Nhưng bao giờ bà nội cháu cũng dành ăn cháy.

- Cô Thu cho mợ miếng cháy.

Tôi chỉ khều một miếng nhỏ đưa bà. Tôi cũng muốn ăn một phần để bà đừng bị đau răng vì nhá cháy.

- Cứ bỏ tất vào đây, mợ còn nhai được mà.

- Thu cho anh một miếng cháy nào. Anh chồng tôi gợi ý, để bà đỡ phải ăn.

Tôi biết bà sợ chúng tôi bỏ lại cơm cháy, phí phạm. Ngày ấy còn khó khăn lắm. Những năm 77, 78. Bây giờ, lúc đã có tuổi, tôi mới thấm cái sự "ăn cơm cháy" của bà hồi đó.

    Cho đến năm nay, khi tôi về nghỉ hè ở Sài gòn với mẹ. Xế cửa nhà tôi, vẫn thấy một sân trước phơi đầy cơm. Những ngày giở giời, thì ruồi bâu khiếp. Thấy có che miếng vải màn mỏng.

- Của bà cụ nhà bốn tầng màu nâu đấy con ạ. Thấy tôi để ý, mẹ lên tiếng giải thích.

- Sao không phơi trên sân thượng, trông sạch sẽ hơn hả mẹ. Tôi thắc mắc.

- Cụ ấy già quá rồi con ạ, lưng còng rạp hơn cả mẹ. Chả leo được lên trên ấy mà phơi.

- Các con cụ đâu, sao không giúp cụ ấy.

- Các con cháu thì la ghê lắm, phản đối cụ vì làm bẩn cửa nhà, phố phường kém văn minh đi. Rồi cũng bận cả, ai làm.

- Cụ ấy phơi cho ai hả mẹ?

- Cứ phơi thế thôi, tiếc của, cơm bỏ thì phí. Lâu lâu, cụ ấy gọi cô giúp việc ngày xưa, mãi dưới Vườn Lài để cho. Thấy bảo cô ấy tăng gia, nuôi được nhiều heo lắm.


Sống trong sênh sang nhà cao cửa rộng, không phải ai cũng quên đi cái cơ cực của những năm đen tối. Thế mà, trong vương quyền khối người đã quên hẳn công đức của các bậc tiền nhân.


Cologne 12.06.2013


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 24-06-2013 22:10






Xem 61 - 65 của tổng số 65 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  3 | 4 | 5 | 6 | 7 |

Từ: HoaNT
25/06/2013 10:14:01

Cho đên tận bây giờ, bữa trưa của mình ở  nhà ăn của Viện là một xuất 20.000 đ với cháy thay cơm,  mình thích ăn cháy từ thủa bé. Bọn trẻ con nhìn khâm phục sao răng của cô vẫn khỏe thế vì chỉ có cơm tập thể mới có cháy chứ ở nhà nấu nồi cơm điện chẳng có cháy. Mấy năm trước bà giúp việc nhà mình làm hỏng nồi cơm điện vì ấn nút nấu liên tục, có lúc bà ấy còn cho cả mẩu giấy chèn vào nút nấu cho cơm có cháy nữa.


Đọc chuyện của Thu nhớ lại thời sơ tán món sang nhất của chúng mình là mỳ sợi rang với mỡ xong tẩm ít đường vào ăn giòn tan và thơm lừng.



Từ: LyTM
25/06/2013 09:26:46

Ngày xưa Tam Tạng lỡ chân,


ba hạt cơm nát dưới chân, phí hoài,


sau ba ngày ốm lai rai,


chuyện Tây Du ký, chẳng ai lạ gì!


Bây giờ cứ lãng phí đi,


hạt châu, hạt ngọc, hài nhi đói lòng,


chuyện cơm cháy, chuyện ăn đong,


bữa no, bữa đói còn trong nhiều nhà,


nhắc người, rồi lại nhắc ta,


sống sao cho phải, tránh xa xỉ hoài,


cuộc đời ai biết tương lai,


cơm cháy bà gọi, nuôi vài con heo,


chất người lam lũ đã nhiều,


tình người thuở ấy, học nhiều, chưa hơn!



Từ: BaLX
25/06/2013 08:54:37

Thu có nhiều câu chuyện về bà nội bà ngoại hay và cảm động thật. Còn chị, cả ông bà nội ngoại đều đã mất trước khi chị ra đời, hồi nhỏ thấy mấy đứa còn ông bà là chị thấy ganh tỵ rồi. Ông bà bao giờ cũng thương yêu con cháu, bây giờ bọn mình đã là ông bà, cũng như vậy thôi.


Bây giờ là vậy đó, nhiều người trong chiến tranh được các má các bà ở các vùng ác liệt che chở, nuôi ăn. Nhưng đến khi hòa bình, có chức có quyền, nhiều người đã quên mất những điều cần phải làm cho  người dân ở các vùng còn khó khăn. Đến bây giờ, đã gần 40 năm sau ngày giải phóng toàn VN, nhưng điều kiện sống, đường xá, nói chung toàn bộ cơ sở hạ tầng ở các vùng sâu vùng xa còn quá thiếu và quá khổ. Trong khi đó các Xếp vẫn còn đang trong guồng đua tranh giành quyền lực, còn được mấy ai thực sự nghĩ cho dân như thế hệ các nhà cách mạng thời xưa.



Từ: ThongNV
25/06/2013 07:02:44

Mỗi khi làm bếp xong bà xã nhà mình lại thu gom các túi nilon rửa sạch, phơi khô cuộn lại cất đi để khi được nhiều bán cho các bà thu mua ve chai. Có người nói vài cái túi đáng giá gì mà cô mất công như vậy, bà xã mình cười và bảo mỗi lần cũng bơm được vài lốp xe nhưng cái chính là góp phần bảo vệ môi trường.



Từ: HanhLT
24/06/2013 22:41:45

Thu ơi  khi người ta kiếm tiền quá dễ thì hoang phí là chuyện đương nhiên, món bỏng cháy của u mình chưa ăn bao giờ. Ngày xưa thời bao cấp làm gì có cơm , cháy thừa...lại chả chia nhau đến hột cuối cùng ấy chứ, còn ngày nay nồi cơm điện nên không phải ăn cháy. Mình cũng ngại ăn cháy lắm. Nếu không có khách bao giờ mình cũng nấu cơm vừa đủ. Mình rất thích phong cách của người Đức...không bao giờ bỏ thừa thức ăn.Người Việt mình tuy chưa giầu nhưng khi ăn ở nhà hàng với bạn bè rất hay bỏ thừa thức ăn.Người ta vẫn  nói" nhà dột từ nóc" ...bà cụ già vẫn lọ mọ phơi cơm thừa cho người ta nuôi lợn chắc con cái cụ không thể không học cụ tý nào..thôi thì cố giữ nếp nhà được tý nào hay tý ấy, nhiều người ở nông thôn ra TP mà cũng quên nhanh lắm huống hồ những người có "điều kiện"!




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  3 | 4 | 5 | 6 | 7 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s