KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 16 Tháng bẩy. 2013

CHUYỆN CỦA LÀNG




Tác giả: ThongNV

 

            Không xa cổng trường học, gần nơi những con đường của xã gặp nhau rồi tỏa về bốn phía là một ngôi nhà hai gian thấp lè tè, trên mái là những cây tre mốc thếch được buộc ngang, dọc trên mái rạ cũ kĩ đã bị nước mưa bào mòn nhiều năm tạo thành những rãnh nhỏ không đu nhau. Bốn góc mái nhà là những sợi dây thép to bằng chiếc đũa đã han rỉ buộc vào vì kèo căng ra bốn phía, rồi được cột vào những chiếc cọc tre đực đóng xiên xuống mặt đất. Mảnh sân bằng đất nện khi nào cũng được quét dọn tinh tơm. Chiếc chum màu da lươn có lắp đậy đựng nước mưa để cạnh cột hiên. Chiếc gáo dừa nhỏ nhẵn bóng có cán treo trên cột. Có một dòng chữ viết bằng sơn trắng trên thành chum: "Nước cho người khát". Những cây mít cổ thụ cành lá sum suê vươn qua mái nhà rủ bóng một khoảng sân phía trước.

            Chủ nhà là một người đàn bà gầy nhỏ, da nhăn nheo, mái tóc màu muối tiêu. Trên khuôn mặt trái xoan vẫn còn phảng phất những nét duyên dáng của thời con gái xưa, với sống mũi thẳng, vầng trán cao, đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Lưng bà còng, chân đi tập tễnh, tay chống một chiếc gậy trúc cũ lầm lũi vào ra căn nhà đã nhiều chỗ tróc lở nhìn thấy cả những thanh  nhứng của vách đất.

 Lũ học trò chúng tôi không biết tên thật của bà. Quê  bà ở đâu? Chỉ biết mọi người trong xã gọi bà là bà Giỏi. Người già trong làng kể, bà là một phụ nữ nấu cơm tự nguyện đi cùng đơn vị bộ đội về ém quân tại xã tôi để tham gia chống càn năm 1950. Trong một lần đưa cơm ra trận địa cho bộ đội bà đã bị thương gẫy chân phải.  Bà ở lại cùng đội du kích quê tôi để dưỡng thương. Ngày tháng qua đi mà không có người của đơn vị bộ đội về đón, bà trở thành người làng tôi. Bà sống bằng tiền làm thuê cho các gia đình trong làng, trong xã. Tối đến bà ngủ ở quán tuần của làng, mỗi khi đội tuần có đánh chén khuya bà ra lều chợ ngủ qua đêm. Mùa đông giá rét người ta thường thấy bà chui vào hộc trong đống rạ hay gầm những cây rơm của các gia đình giàu để ngủ. Ái ngại với hoàn cảnh của bà, cụ ký Giảng là thày lang và cũng là một trong những người giàu có trong làng đã cho bà ở nhờ một gian nhà ngang. Những công việc nhỏ nhẹ trong gia đình cụ để dành cho bà làm mà không thuê người khác. Dân làng cũng mừng khi thấy bà có nơi ăn chốn ở.

Nhưng rồi tin dữ ập về làng lúc sẩm tối. Hai anh bộ đội tìm đến nhà cụ Ký thông báo chồng bà và anh Giỏi, người con duy nhất của bà đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghe tin, bà loạng choạng rồi ngã gục trước cửa gian buồng. Mọi người đưa bà vào giường. Cụ Ký lấy thuốc xoa bóp rồi bấm huyệt cho bà. Sau mấy canh giờ thì bà tỉnh lại, nhưng sau đó bà phải nằm liệt giường mấy tháng liền. Gia đình cụ Ký chăm sóc cơm cháo, thuốc men chu đáo cho bà. Rồi bà cũng gượng dậy được. Và cũng từ ngày ấy bà ít nói hẳn đi, đôi mắt nhiều khi nhìn như vô hồn.

 Đội cải cách ruộng đất về hôm trước thì hôm sau đích thân đội phó Tôn đến đón bà về ở cùng với anh trong đội. Bà không muốn đi nhưng sợ liên lụy đến cụ Ký nên phải chống gậy đi theo. Tên bà được ghi vào đầu danh sách những người cốt cán được đội phó Tôn lựa chọn để đấu tố, truy tìm địa chủ cường hào gian ác trong làng.

...Tôn là con trai duy nhất của một gia đình ba đời làm mõ. Khi anh lên 7 tuổi, bố gửi cho theo học tại nhà cụ Giáo với mong muốn cuộc đời anh sau này sẽ khấm khá hơn. Khi vừa mới đọc thông viết thạo anh đã tự cho mình hơn hẳn những người cùng lứa nên không chịu khó học nữa. Anh thường trốn học đi chơi, bắt cá, mò cua. Có lần anh cùng lũ bạn bắt trộm vịt ngoài đồng rồi bọc đất nướng ăn. Cụ Giáo đã nhiều lần khuyên bảo, phân tích cho anh điều hơn lẽ thiệt nhưng anh không nghe, vẫn chứng nào tật ấy. Biết không thể khuyên bảo được người học trò ngang ngược này nên cụ đã phải chấp nhận mong muốn thôi học của anh.

Tôn lớn lên to khỏe như trâu mộng, việc gì anh cùng làm hùng hục. Mỗi lần anh đi rao mõ thay cho bố là mọi người nhận ra ngay từ tiếng mõ đầu tiên cất lên. Tiếng mõ của anh kêu đanh, gọn, giọng con trai mới lớn nghe ồm ồm nhưng bù vào là tiếng anh giao mời rất to nên những gia đình trong ngõ sâu hoặc cách ao rộng vẫn nghe rõ. Nghe tiếng giao của anh, cụ Giáo chép miệng thở dài.

 Năm ấy, khi gà mới gáy canh ba anh đã vác giậm đi kiếm cá tôm. Ra khỏi lũy tre làng, anh nhìn thấy nhiều bóng người lom khom trên cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông. Anh ngồi xuống lấy tay che quáng để nhìn thì nhận ra là bọn lính lê dương đang tiến vào làng để tập kích bộ đội chủ lực của ta. Nhờ tin báo kịp thời của anh mà bộ đội và du kích đã phối hợp đánh tan cuộc tập kích của địch. Anh nhập ngũ ngay sau khi kết thúc trận đánh.

...Về làng lần này, với tư cách là đội phó đội cải cách ruộng đất, anh vênh váo tuyên bố rằng sẽ diệt trừ những thằng con nào trước đây dám coi thường gia đình anh. Tôn lập cho Quang- đội trưởng một danh sách những người nghèo khổ, những người mà Đội gọi là cốt cán để dựa vào họ tìm ra những địa chủ, địa chủ cường hào trong làng. Những gia đình có việc nhà đã nhờ bố con Tôn đi rao mõ đều được đưa vào danh sách bị đấu tố để quy thành địa chủ, rồi địa chủ cường hào. Đứng đầu danh sách ấy là cụ Ký và cụ Giáo làng tôi.

Đội cải cách bố trí bà Giỏi là người đầu tiên lên đấu tố cụ Ký Giảng tại đình làng. Bà chống gậy, bước từng bước, từng bước một khó khăn đến trước bàn Đội cải cách đang ngồi rồi quay mặt về phía cụ Ký đang quỳ dưới đất, hai khửu tay bị trói ghì về phía sau. Bà nói: " - Thưa cụ Ký, thưa toàn thể dân làng. Con thực sự không muốn bước lên đây, nhưng Đội buộc con phải làm. Dân làng và cụ hãy tha thứ cho con". Dưới ánh nắng của buổi sáng mùa hè oi ả, tiếng trống ếch thúc từng cơn, hàng trăm người dân già trẻ, trai gái của làng tôi được đội du kích dồn về đây, đang ngồi im như thóc trước cửa đình chờ xem bà cộm cán đầu tiên sẽ tố những gì. Họ ngạc nhiên về những lời nói mở đầu của bà. Tiếp đến bà kể lại lần bà bị thương đã được cụ Ký và dân làng nuôi dưỡng, chữa trị vết thương cho bà như thế nào. Rồi bà đã được cụ Ký cho ở nhờ, chăm sóc trận ốm thập tử nhất sinh sau khi nghe tin chồng con đã hy sinh ngoài chiến trường. Mặc dù chân bà bị què, sức bà yếu nhưng vẫn được cụ Ký trả tiền công như những người khỏe mạnh khác . . . . Bà đang nói thì Tôn nổi cáu cắt ngang: " - Đ. mẹ con này, tao bảo mày tố khổ sao mày lại kể công cho nó như vậy. Người đâu, bịt mồm nó lại". Đội trưởng Quang đập tay xuống bàn quát: "- Đồng chí Tôn! Im ngay. Hãy để bà cụ nói hết!". Bố Tôn từ phía cuối sân đình chạy vào, vừa chạy cụ vừa thét lên:"- Cái thằng bất hiếu, tao phải đánh chết mày.Tao tưởng mày theo cách mạng thì . . .". Ông cụ chưa nói hết câu đã bị hai du kích bịt mồm lại và đưa ra ngoài theo cái ngoắc tay ra hiệu của Tôn. Mọi người vẫn nghe tiếng cụ từ xa vọng lại:"- Dân làng tha lỗi cho tôi. Tôi không dạy được nó. Nó  là. . . . . "

 Mọi người bắt buộc phải tham dự phiên đấu tố không dám vỗ tay, nhưng nét mặt từng người đã rạng rỡ. Cụ Ký ứa nước mắt. Phiên đấu tố đầu tiên để tìm ra địa chủ ở làng tôi không diễn ra như kịch bản mà Tôn đã dày công xây dựng. Tối hôm đó một cuộc tranh cãi dữ dội đã xẩy ra trong đội cải cách.

Sau phiên đấu tố đầu tiên, đội trưởng Quang đã thay đổi cách làm việc. Anh không chỉ họp với đội quân cốt cán mà còn tổ chức gặp những giáo viên và những người  anh cho là có hiểu biết để kiểm chứng các thông tin. Nhờ vậy mà làng tôi ít địa chủ hơn  và đặc biệt không có địa chủ cường hào. Hôm chia tay, anh nói với dân làng: "- Bà con tha lỗi cho tôi. Tôi chỉ giúp dân làng được như thế thôi!".

Sau này, người ta kể lại anh và một số người trong đội đã bị kỷ luật vì không hoàn thành kế hoạch tìm ra đủ số địa chủ mà cấp trên giao cho.

 Bà Giỏi được Đội chia cho hai sào ruộng và một gian nhà từ số tài sản tịch thu của địa chủ. Khi đội cải cách rút đi bà trả lại cho chủ cũ với lý do bà chỉ có một mình sống thế nào cũng được.

Những người du kích cùng tham gia chống càn năm xưa, vận động các gia đình trong làng ủng hộ tre, nứa, rơm, rạ để dựng cho bà một ngôi nhà. Ngôi nhà tọa lạc trên nền điếm canh nông cũ mà trong chiến tranh đã bị phá hủy, xung quanh là những cây mít cổ thụ cành lá sum suê. Nơi đây đã từng là nơi dừng chân cho những người đi chợ về hoặc những người đi làm đồng nghỉ giải lao. Nhiều năm sau trường học của chúng tôi và bệnh xá của xã mới được dựng lên làm hàng xóm của bà.

 Bà sống bằng tiền trợ cấp của Nhà nước cho thân nhân liệt sĩ và tiền lãi ít ỏi của việc bán chút bánh kẹo cho lũ học trò và khách qua đường. Bà cứ sống như thế, lủi thủi một mình, ngày này qua ngày khác. Vào dịp Tết Nguyên đán các gia đình con cháu đầm ấm quây quần bên bố mẹ, thì bà cứ tha thẩn chống chiếc gậy vào ra, đi xung quanh ngôi nhà của mình. Trên ban thờ lúc nào cũng có một chiếc đèn với ngọn lửa xanh và nhỏ như hạt đậu cháy suốt ngày này qua ngày khác. Không biết bà chong đèn để chồng con biết đường trở về hay để  lũ trẻ chúng tôi đi kéo vó tép ban đêm không bị lạc hướng. Chúng tôi quý bà nên thường đến thăm và chúc sức khỏe nhân dịp năm mới, nhưng cũng có đứa đến để được bà mừng tuổi. Những tờ một hào, hai hào của bà mừng tuổi bao giờ cũng mới và còn thơm mùi mực in.

Mỗi khi hoàng hôn khuất sau rạng tre làng và lũ học trò không còn í ới gọi nhau, bà thường ngồi lặng lẽ trước cửa nhà, đầu hơi nghiêng gối lên đôi bàn tay bám vào đầu gậy, đôi mắt nhìn vào hư vô.

Một buổi chiều, tôi vừa từ nơi trọ học về đến đầu làng thì gặp Phấn, cô bạn học cũ nói: " - Bà Giỏi chết rồi. Dân làng mới mai táng cho bà chiều hôm qua. Trước khi đi bà cứ hỏi từng đứa trong tụi mình". Sau này tôi mới biết, Phấn đi làm đồng về qua vào uống nước, thấy chum nước đã cạn. Cô vào nhà lấy thùng để lấy nước ở những chum nước phía sau nhà đổ vào thì phát hiện bà sắp ra đi. Bà cầm tay Phấn hỏi: "- Hôm nay là thứ mấy rồi". Bà ơi! Hôm nay là  thứ Sáu - Phấn trả lời. "- Bà không thể đợi được mấy đứa nữa rồi. Bà mong cho chúng nó học giỏi để . . . . .  .". Bà nói rất nhỏ, rất yếu nên Phấn phải ghé tai vào sát môi bà mới nghe được, nhưng chưa hết câu thì tay bà đã mềm ra và tuột khỏi tay Phấn.

Tôi cùng Phấn ra mộ thắp cho bà nén nhang, cầu mong cho linh hồn bà siêu thoát và sớm đoàn tụ cùng gia đình.


                                                *                  *

                                                           *


           Cách đây mấy năm, Nhà nước đã quyết định truy tặng bà danh hiệu vinh dự Nhà nước: "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Ủy ban nhân dân xã đã xây mộ để ghi nhớ công ơn của Mẹ. Nhưng từ lâu, công ơn, đức độ của Mẹ đã được dân làng tôi từ đời này qua đời khác kể cho con cháu của mình nghe.

 

                                                                                                     Hà Nội, ngày 16/7/2013


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 16-07-2013 18:06






Xem 21 - 30 của tổng số 36 Comments



Từ: PhongPT
17/07/2013 22:49:17



Một cây bút đặc sắc viết những câu chuyện quê hương, một cây cọ đặc sắc vẽ những bức tranh quê hương, với tình cảm thiết tha, đó là anh ThongNV, người làng KGU ta.




Từ: HaiNV
17/07/2013 18:43:49

 


Cám ơn anh ThôngNV về một câu chuyện bi tráng nữa mang đậm tính nhân văn về một thời kỳ đầy khó khăn của dân tộc.


HaiNV đã khóc chào đời đúng vào thời điểm bắt đầu của CCRĐ. Một "kỷ niệm không quên" là khi mình vừa mới sinh ra đã được làm "nhân chứng sống" của thời kỳ này, như HaiNV đã viết trong bài Blog "Năm tuổi Quý Tỵ". Xin chia sẻ tâm trạng của anh ThôngNV, anh CườngLV, chị BaLX... 


http://www.studentkgu.vn/blog/view/id_229/title_N-m-Tu-i-Qu-T/


Có một chuyện tiểu thuyết/ hồi ký của lão Nhà văn Tô Hoài viết về CCRĐ có tên là "Ba người khác" (NXB Đà Nẵng, 2006, trên mạng Internet cũng có thể Download). Nên đọc để biết, nhưng cảm giác nặng nề lắm!


P.S. Anh ThôngNV và các anh chị, nhân lại nói câu ca: "Con A...thì lại làm A..., Con B...thì lại làm...tương tự như B" có căn cứ về sự tương tác nhịp nhàng giữa Gen (G) và Môi trường (MT) của nó đấy, các anh chị thử ngẫm xem! Này nhé:  A có G và MT của A, B có G và MT của B. Như vậy, con của A (tạm gọi A1) và con của B (B1) kế thừa và phát huy của ai, cái gì thì cũng rõ rồi! 


 



Từ: ThongNV
17/07/2013 17:23:40

@ Nghị PH & a. Định NT: Em cũng nghĩ như anh Định không phải chỉ ở làng em mới có mẹ Giỏi, bố anh Tôn và Đội Quang mà ở khắp nơi đều có, chỉ có điều những người có nghĩa vụ cầm bút chưa nhìn nhận khách quan và trung thực mà thôi.


@ Cường LV: Tôi cũng lâm vào hoàn cảnh như anh, nhưng còn tồi tệ hơn nhiều.


@ Meomun: Những gì đã hằn sâu vào nếp nhăn trên vỏ não thì khó gỡ ra (không biết VS HaiNV có giải pháp không) Meomun à. Truyện này anh chủ ý viết về một người Mẹ Việt Nam anh hùng của quê anh, nhưng đời mẹ lại gắn với thời kỳ bi thương của dân tộc nên không thể không nhắc tới.


@ BaLX: Những điều mà bạn đề cập đến trong comm. của mình vẫn còn hiển hiện hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Trước đây người ta cho rằng địa chủ giàu có là do bóc lột sức lao động của bần cố nông mà có, nhưng khi bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn chia cho dân nghèo rồi mà người ta vẫn không chết đói. Bằng ý chí và sức lực của bản thân người ta vẫn giàu có lại. Những người nghèo dù được chia rất nhiều của cải nhưng rồi có ai giữ được đến cuối đời. Mấy ai biết được nguyên nhân của sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo. Ngày nay những người nghèo nhìn những người  có của ăn của để hầu hết đều cho là tham nhũng hay buôn lậu mà có. Đúng là nhiều người ngày nay giàu lên vì tham nhũng hoặc buôn lậu. Nhưng không thể vơ đũa cả nắm được. Liệu có mấy người biết được đa số những người trong số họ đã phải lao tâm khố tứ như thế nào để lo bán được những con chữ của mình hay lo cho đồng tiền của mình ngày mai nó sẽ sinh nở ra sao. Nếu có một cách nhìn đúng đắn và khách quan thì đã không có “cải cách ruông đất”, không có “cải tạo công thương nghiệp” và không có làn sóng kì thị người giàu đang nhen nhóm trong xã hội hiện nay. Một khi Nhà nước không làm cho mỗi người dân hiểu được vì sao họ nghèo thì đất nước ấy không thể giàu có, không thể hùng cường được.



Từ: DinhNT
17/07/2013 14:58:49

Có lẽ, ở khắp các làng quê khác của miền Bắc nước ta thời bấy giờ vẫn còn rất nhiều những mẹ Giỏi, đội Quang. Nếu không, liệu có còn mấy ai sống sót để rồi làm cuộc sửa sai. Nếu không, lấy ai gieo mầm yêu thương nhân hậu cho lớp con cháu như lũ chúng ta sau này...


Chỉ hiềm, có quá ít những ThôngNV mà thôi!



Từ: BaLX
17/07/2013 09:38:20

Những người bạn một thời cùng chiến trường với Thông, những câu chuyện ở làng quê Thông, dưới ngòi bút của bạn đã được tái hiện một cách sinh động, làm xúc động người đọc. Thời CCRĐ ở nông thôn, cải tạo TB ở thành phố sau những năm Miền Bắc mới được giải phóng mình chỉ được biết qua sách báo và những người lớn tuổi kể lại, thật xót xa cho những câu chuyện đau lòng đã xảy ra ngay cả đối với những gia đình đã có công đóng góp tiền của cho CM thời chiến tranh, cũng may sau đó đã có đợt sửa sai, tuy là chậm. Nhưng đến khi giải phóng MN, do tư tưởng bảo thủ, duy ý chí của một số người có chức có quyền, công cuộc " Cải tạo công thương nghiệp " ở các thành phố MN lại diễn ra trong những năm sau 1975 và cũng có những chuyện đau lòng xảy ra... Đúng là dốt nát cộng với nhiệt tình thái quá thành phá hoại.        



Từ: Guest Meomun
17/07/2013 08:08:12

Bravo anh Thông có tác phẩm mới. Anh lại tiếp tục mạch truyện về những năm tháng đen tối trong lịch sử đất nước mà anh đã thể hiện 1 phần trong truyện ngắn "Sám hối", về những Người lúc nào cũng giàu lòng nhân như cụ Ký Giảng trong Sám hối (và cả trong truyện này), bà Giỏi...bên cạnh những con người là sản phẩm của một thời như anh Xương, anh Tôn...


Đã có kha khá sách viết về cải cách ruộng đất, từ thuở viết ra nhưng bị vùi dập ngay như "Sắp cưới" của Vũ Bão (em chưa tìm được), cho đến những "Thiên đường mù", "Ác mộng", "Chuyện làng ngày ấy" nhưng có lẽ truyện viết khá nhất theo em vẫn là "Ba người khác" của Tô Hoài. Còn "Nước mắt một thời" của Nguyễn Khoa Đăng là bối cảnh Thái Bình đấy anh Thông ạ, anh đọc chưa? Bác ấy viết về chuyện thật của gia đình, dòng họ bác ấy, với những chi tiết rất xúc động, có điều cách viết lại không chuyên nghiệp, nên cuốn này không được đánh giá cao, em có mua về nhưng đọc đúng là chán.



Từ: CuongLV
17/07/2013 07:54:41

Dạo Cải cách ruộng đất, tôi - một đứa trẻ mới 5-6 tuổi đã phả tham gia không chỉ 1-2 buổi đấu tố, thậm chí là xử bắn địa chủ. Tôi có 1 đứa bạn ngỗ nghịch, gặp địa chủ là bắt đứng khoanh tay chào, xưng con và gọi cậu ta là ông rồi cười mãn nguyện. Tôi thấy những người tốt như bà Giỏi, đội Quang... thật hiếm và thật lạc lõng, cô đơn. Tôi không nghĩ họ đi qua cuộc CCRĐ mà không chịu những gian truân do lòng tốt, tắc ẩn của mình với những người dân vô tội. Cảm ơn anh thông có truyện ngắn hay, cảm động và lạc quan về một thời lịcc sử nhạy cảm, đúng là chúng phải lạc quan nhưng chúng ta cũng cần phải luôn tinh táo, cảnh giác với cái xấu, một khi cái xấu được nhân danh những điều thiêng liêng, trong sáng.  



Từ: NghiPH
17/07/2013 07:41:34

Ở làng tôi, có những cô con dâu, những người nông dân nghèo không chịu nghe Đội tố bố chồng, tố "địa chủ". Người nông dân đã nói với đội:- Không có ông Q thì gia đình tôi đã bị chết hết từ thời năm 45 rồi đâu còn sống để ông Đội lôi ra đình tố ân nhân của mình hôm nay.
Bà T khi đó là xã đội trưởng trực tiếp chỉ huy bắn các địa chủ sau đó bị chứng bệnh cứ ăn là bị nghẹn. Bà phải ăn cả buổi mới xong bữa cơm. Giai đoạn cuối đời bà thường ra đầu làng chửi Đảng và Chính phủ ghê lắm!



Từ: ThongNV
17/07/2013 07:36:29

@ Nghị PH: Các cháu mình kể chuyện về mẹ cho con nó nghe đã mở đầu bằng hai từ “ Ngày xưa”. Anh nghĩ vài đời nữa người kể sẽ bắt đầu kể bằng: “ –Ngày xửa ngày xưa. .”


@ NhuanNT, HanhLT, a.KhanhT: Nền văn học minh họa ở nước mình nhiều khi quá tả, nên nhiều người tốt trong cải cách ruộng đất không được biết đến. Các tác phẩm viết về thời kỳ này mô tả cán bộ đội cải cách ruộng đất, những người thuộc tầng lớp cộm cán (phương ngữ) theo một mô típ chung vì vậy phản ánh không trung thực bức tranh xã hội trong thời kỳ ấy. Cũng như các tác phẩm viết về ba cuộc chiến tranh ở Việt Nam (trừ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh) miêu tả người lính như những người hùng hay như những con thiêu thân lao chỉ biết vào chém giết nhau vì một lý tưởng. . .  mà không hiểu gì về tâm tư, tình cảm của họ. Khi đọc những tác phẩm này tôi chỉ muốn đốt nó đi.


@ Cám ơn Kim Thu đã động viên.


@ LiTM: Bằng một bài thơ mà em đã diễn tả được hết được những diễn biến của thời kỳ đen tối của đất nước. Cám ơn Lí nhiều.



Từ: LyTM
17/07/2013 07:25:30

Câu chuyện của anh Thông về một người Mẹ, điển hình về nhân cách, của một giai đoạn lịch sử thật xúc động. Tôi được nghe ông nội tôi kể nhiều chuyện bi thương về giai doạn CCRĐ nhưng không viết được. Mà làng anh Thông may mắn có Đội Quang với ít Đội Tôn đấy, người dân như mẹ Giỏi, ông bố của Tôn vẫn không bị biến thành công cụ vì họ còn nguyên chất mộc mạc, nhân ái, tình làng nghĩa xóm. Tấm lòng của Mẹ đã để lại cho làng xóm một bài học ở đời và làm người, một cách sống và ứng xử có trước có sau bắt rễ nhân ái nơi thế hệ trẻ.


Chuyện kể rằng, ngày ấy thật bi thương,


những bần cố nông nơi u mê tăm tối,


được vũ trang bằng hận thù, nóng vội,


tố cả mẹ cha, tố cả người thân,


tố,... để mong thoát cõi nghèo bần,


để chợt đổi đời, sang trang giàu có,


tay lấm, chân bùn, đâu nào thông tỏ,


hồng vệ binh, nhòm ngó mọi nhà,...


Nhiều oan sai đã thấu cõi bao la,


nhiều tiếng nấc đã kết thành khối hận,...


Đến ngày giải oan cứu lòng dân đã mất,


dân là đen thành quan lại quá hung,...


Giông tố qua, thời thế đã sáng cùng:


những gì dốt thường đi liền với tệ,


những gì ngu thường ác sẽ đi liền,


những gì vì tiền sẽ nhiễm với gian tham,


những gì vì danh gắn liền giả dối,...


Thật may trong nơi u mê, tăm tối,


những tấm lòng nhân ái vẫn bao la,


những con người chân chất, hiền hòa,


không dễ đổi thay dẫu cường quyền đe dọa,...


Những người mẹ, với niềm tin thật lạ,


điều nghĩa nhân sẽ thắng cường quyền,


mẹ đã hiên ngang, giữ tình trong biến,


nói điều phải, như bà tiên hiển hiện,...


Đời đã làm mẹ đau triền miên vì chiến tranh nghiệt ngã,


vẫn sống hết mình trong một biển tình thương,


vẫn dành tình yêu cho đến trọn bước đường,


ra đi trong nhịn nhường nơi làng quê bịn rịn,


để lại yêu thương thấm đậm mảnh đất này!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s