KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 18 Tháng bẩy. 2013

NGƯỜI HÀNG XÓM




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                                 NGƯỜI HÀNG XÓM


    Thân là tên ông. Nhưng kèm theo cái tên ấy, chẳng bao giờ chúng tôi nghe thấy từ anh, chú, bác hay ông đi cùng. Chúng tôi và mọi người trong phố, quen đã từ lâu, có mỗi vậy thôi : Thân.

    Thân bằng tuổi mẹ tôi. Nhìn ông, thấy giống một người gàn gàn, lập dị. Tóc bạc trắng, để dài, rồi buộc lại phía sau, tựa như một nghệ sỹ chán đời. Thân là con trai bà trước, vẫn sống trong cùng một căn nhà với các anh chị em con bà hai, sau khi các cụ đã qua đời. Tôi không biết mặt cha Thân, ông cụ mất lúc tôi còn quá nhỏ. Mẹ kế của Thân, chúng tôi quen gọi là bà Lâm, chắc gọi theo tên chồng, là một người đàn bà rất nhân hậu, tốt tâm lắm, mặc dù nghèo khổ, đông con. Lúc bà Lâm còn sống, hầu như chúng tôi không nghe thấy những cuộc sát phát, đụng độ đến nảy lửa, giữa Thân và các con của bà. Bà Lâm chết vì đổ bệnh, lúc gia cảnh quá nghèo, mình bà với đàn con gần chục đứa, ăn còn bữa đói bữa no, tiền đâu chạy thuốc ở cái thời bao cấp nghiệt ngã ấy. Bà nội tôi quý bà Lâm lắm, là chỗ hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Những ngày giỗ chạp, bà nội vẫn sai chúng tôi đem xôi, chuối biếu bên bà Lâm, gọi là một chút thơm thảo, cùng chia sẻ.

      Thân ở gian dưới, ngăn cách với nhà trên bởi cái sân với một giếng nước. Phố tôi là khu Nhà Chung ngày xưa, nơi cư ngụ của các Sơ thuộc Nhà Thờ Lớn, thời Pháp. Căn nào cũng giống căn nào và nhà nào cũng có giếng nước trong sân. Cái gian Thân ở là một túp làm thêm lên, sát với phần bếp và nhà cầu. Ngay bậc cửa vào, bên phải là góc để mùn cưa. Một căn phòng tối tăm, ẩm thấp, hôi hám, hầu như không có ánh sáng. Có lẽ nắng chả bao giờ rọi vào nơi đây. Giống như bình minh cuộc đời chưa bao giờ ưu đãi tâm hồn đã kiệt cạn nguồn hy vọng của Thân.

     Những năm còn trẻ, Thân cũng đi làm. Hình như ông làm trong một hợp tác xã đóng giày thì phải. Thân không phải là người xấu. Ông cao ráo, trắng trẻo, dáng xương xương. Người này trong đầy đủ, chắc ít kẻ dám khinh. Nhưng ông thật là một người vô cùng đáng thương. Tứ cố vô thân, mặc dù sống giữa gần chục mạng người. Bên này, nhà tôi thường nghe thấy câu lẩm bẩm của Thân: Cái đồ vợ lẽ con thêm! Ông cứ chửi đổng thế, vì sống trong hắt hủi, khinh rẻ, miệt thị và ghẻ lạnh của các anh chị em con bà Lâm. Những lúc đêm xuống, nhà nhà sáng lên ánh điện, ông quẹt lửa châm ngọn đèn dầu. Trong căn phòng tối như hũ nút của ông không có điện, làm gì có ổ cắm, chả có sợi dây điện nào hết. Từ căn phòng mù mịt của mình, bước ra sân, hay xuống bếp, ông lấy bàn tay kia che ngọn đèn dầu, không cho cái ánh sáng tù mù tỏa lên khu nhà trên. Để chúng nó hưởng ngọn đèn của mình à, đừng hòng! Ấy là Thân nghĩ vậy. Và cũng sướng trong lòng rằng: Tớ có ánh sáng của riêng tớ nhé! Điện, tớ cóc cần!

Quanh năm tứ thời, tôi thấy Thân đánh đúng một bộ cánh duy nhất : cái áo bộ đội cũ, cũ đến rạn cả những sợi dọc của thớ vải, nó bạc phếch thành màu vàng úa và ngả sang màu cháo lòng, có lẽ chả bao giờ được giặt bằng xà-bông. Còn cái quần cà khổ màu tím than thì vừa rộng, vừa ngắn. Sau cùng là đôi giày vải đen, dù là vụ hè nóng bức hay những ngày đông giá rét.

Thường là Thân đi suốt ngày, từ mờ đất đến tối sẩm mới lại về nhà. Thứ nhất là phải đi làm, sau nữa là ban ngày ở nhà làm gì, để tránh những cuộc đụng độ với các anh chị em trong nhà. Và nữa là cho khỏi vướng mắt mọi người, khi bóng dáng Thân thấp thoáng trong sân.

Chả bao giờ tôi thấy Thân đi chợ, ông chả cần mua gì. Lúc nào trong tay cũng một cái túi vải đen, hàng phố không ai biết Thân có gì trong đó. Bọn trẻ con phố tôi, rồi các ngõ bên cạnh, thấy Thân gàn dở, thường trêu trọc. Có khi cả đám đón đường tấn công ông. Một lần, bà nội tôi đã phải lên tiếng:

- Ô hay, con nhà có còn người dạy nữa không. Người ta già như bố chúng bay rồi, mà ăn nói thế ư? Hỗn quá thể.

Thân không lẩn thẩn, không ngớ ngẩn, ông không hề có một hội chứng thần kinh nào. Có người dớ dẩn, ngẩn ngơ nào ,mà nói được câu này:

- Bị giam trong đồn 14*, ăn ngon lắm nhé, có cả giá xào hành với cơm trắng. Nhưng người ta chỉ cho tao ở có một tuần, rồi lại thả.

Người trong phố tôi đã nghe thấy kể lể tâm đắc ấy của Thân với một tay bạn thuộc dạng "bụi đời", cùng cảnh "giạt vòm". Nghe đau lòng quá cho một kẻ khốn nạn, khốn khổ. Nhà tù, trại giam, đồn công an thường là nỗi ghê sợ và hãi hùng. Thế mà Thân tiếc nuối những ngày tạm giam trong ấy, ắt nơi đây, so với cái vương quốc chừng 10 m² của Thân, phải hơn hẳn chứ. Hà nội ngày ấy đã có bao nhiêu kẻ như Thân, chắc sẽ là bấy nhiêu day dứt, khiến nhức nhối con tim những lương tri đồng cảm. Nhưng trong phố tôi, chưa có ai nghe thấy một điều tiếng gì về Thân: tịnh không hề trộm cắp, hay hành nghề bậy bạ. Ông sống đúng như lời cố nhân đã dạy: đói cho sạch, rách cho thơm. Cái ngày bị tạm giam ấy, cũng chỉ vì đêm quá khuy khoắt, nhà trên đã cửa đóng then cài, không vào được nữa.Thân ngủ vạ, ngủ vật trước cửa bách hóa tổng hợp. Đến lúc cảnh sát thành phố kiểm tra giấy tùy thân, ông chả có gì trong người. Xin mời bác về đồn.

Khổ ơi đã đến đáy chưa? Sao ta còn lơ lửng với tay đến cái chết thế này. Đấy là tiếng lòng Thân. Ông than vãn với buồn, với khổ, với tiếng nấc nghẹn trong tim một kẻ bạc phận.

Những năm cuối thập niên 80, Thân đã nghỉ hưu. Ông kiếm được một cái cân cà khổ và đứng cả ngày trước cửa Bưu điện Bờ Hồ, làm trách nhiệm "kiểm tra trọng lượng" khách qua đường. Tôi chắc ở Hà nội nhiều người biết ông. Vẫn cái chân dung ấy, dáng dấp của thời còn "nhiệm sở" : gầy gò, ốm yếu, thân xác còm cõi, tâm can, tinh thần tàn lụi. Và nhất là cái ánh mắt muôn thưở cụp xuống, hổ thẹn với đời.

Mấy chục năm đi làm còn chẳng ngẩng được mặt lên, thì hưu trí rồi cuộc đời sẽ thê thảm đến đâu.

Nhiều hôm lễ hội ngoài sân Nhà Thờ Lớn, rất rầm rộ. Hàng phố từ già đến trẻ, kéo cả ra đấy để xem, nhất là ngày Lễ tung hoa. Cả sân Nhà Thờ rợp một màu trắng tuyệt đẹp, với vóc dáng mảnh mai của các cô bé trong xiêm y của ngày Lễ Trọng.

Nhưng Thân không đi. Ông chốt chặt trong cái buồng tăm tối ấy. Ông sợ chỗ đông. Ông ngại tiếp cận với đồng loại. Ông sợ các lực lượng "vô hình" tấn công. Nhiều phen, ông lãnh đủ đòn của mấy tay anh chị, những ngày mà họ chẳng kiếm chác được gì. Người ta thích trêu ghẹo ông, chọc cho ông tức. Chỉ vì ông nghèo quá, bẩn thỉu và tơi tả quá. Chỉ vì khi ông đi, mà cái mặt chẳng bao giờ dám ngẩng lên, nhìn những khuôn mặt khác. Chỉ vì trong suốt cuộc đời, ông nhất nhất có một bộ cánh. Chỉ vì ông khờ, ông gàn dở, không vợ, không con...

Nhưng trong phố tôi vẫn còn có nhiều người thương ông, tội nghiệp cho cái thân nghèo ấy của ông lúc xế chiều cuộc đời.

Trước hết phải kể đến cô Bích, con dâu bà Lâm. Thế rồi lần ấy Thân ốm, ông phải cảm, chả nhúc nhích được cái tay, cái chân. Sang đến ngày thứ hai, cô em dâu phát hiện ra, liền đứng ngoài sân réo vào:

- Bác Thân ốm hử?

- Vâng, sốt quá thím ạ. Thân cố thều thào.

- Để tôi đặt cho bác nồi cháo vậy. Nói xong, cô xuống bếp ngay.

Đúng trưa, cô sang gõ cửa và khẩn khoản mẹ tôi:

- Mợ ơi, bác Thân bác ấy ốm rũ ra. Cả ngày hôm qua chả có hạt nào vào bụng. Cháu đặt nồi cháo rồi. Mợ sang lấy cháo đưa vào cho bác ấy hộ cháu. Cháu chỉ ngại nhà cháu về, mà trông thấy thì...

- Tôi sang ngay đây, cô cứ về đi. Miệng nói thế, nhưng mẹ lại chạy sang trước cửa, nhà cậu Phát. Ở phố tôi, hễ cứ trẻ con trong nhà xưng hô thế nào, thì bạn bè chúng cũng gọi thế vậy. Chúng tôi chơi với cháu cậu Phát, thành ra cũng gọi luôn vợ chồng cậu là cậu mợ Phát. Cũng như cô Bích, con dâu bà Lâm, gọi mẹ tôi là mợ vậy. Tôi thấy một tình cảm thật ấm áp, thân mật trong lối xưng hô ấy.

Mẹ tôi đã kéo cậu Phát vào cuộc. Cậu Phát là đại biểu khối phố. Mẹ tôi muốn những sự vụ thế này, các tổ chức và đoàn thể nên biết đến và nên có trách nhiệm. Từ đấy trở đi, mỗi lần qua lại, có gặp mẹ tôi, hay cậu Phát, Thân cúi gập đầu xuống, ông muốn thể hiện bằng một cử chỉ tôn trọng, hàm ơn...

      Sang thiên niên kỷ mới, một đổi đời đã đến với Thân. Trong phố tôi, hầu như các hộ bán nhà, chuyển đi chỗ khác. Các gia đình lần lượt ra đi trong "cơn sốt nhà". Giá nhà, giá đất đai lên vùn vụt. Nhà bán được giá quá! Bên nhà Thân ở, anh chị em con bà Lâm cũng bắt đầu rục rịch. Ban đầu, cuộc phân tranh nhà cửa diễn ra theo chiều hướng xấu. Nếu nhà trên bán, vẫn còn sót lại cái túp của Thân ở phần dưới sân, chủ mới nào chịu. Các tư sản đỏ mọc lên như nấm. Họ lao vào phố tôi mua nhà, nhẹ như ta đi sắm cái xe đạp. Người ta sẽ mua căn đó, chỉ với điều kiện bán toàn bộ, trong đó kể cả đến "vương quốc 10m²" của Thân. Vậy thì Thân sẽ có một khoản tiền. Ông sẽ giàu có .Ông sẽ vác được cái mặt bấy lâu nay chỉ cắm gằm xuống mặt đường, mỗi khi đi ra phố. Ông sẽ ăn vận tươm tất và có khi còn mua được một cái xe máy tập tàng nào đó đã hết mốt, đang cần bán tháo.... Những ước mơ xinh xinh ngày một lớn lên trong đầu Thân. Ông bắt đầu thấy mình hạnh phúc, mặc dù một mảnh bé nhất của chân trời ấy chưa nằm trọn trong tay ông.

Nhưng việc chia bôi không đơn giản như Thân nghĩ. Thân bắt đầu lo, chỉ sợ cái quyết định phũ phàng sẽ bóp chết giấc mộng vừa bừng lên trong tâm trí Thân: Thân phải ra khỏi căn nhà này với hai bàn tay trắng!

Thân bỗng nghĩ đến luật pháp, luật nhà cửa, đất đai, luật cho con người, nhất là người ta còn hiện hữu, còn tồn tại sờ sờ nơi đây, có hộ khẩu Hà nội đàng hoàng. Chứ sao, Thân là công dân Hà nội chính tảy mà. Ông phải được sở hữu những gì mà ông đã gắn với nó gần cả cuộc đời chứ, dù nó chẳng hơn gì cái địa ngục trần gian. Và Thân hy vọng. Thế rồi như trong một chuyện thần thoại, cái hy vọng ấy đã trở thành sự thật. Thân là con trưởng trong nhà, ông phải có phần, nếu căn nhà được bán. Thân ngồi nghe trong cuộc họp gia đình, vẫn với cái gương mặt cúi gằm, nhưng những giọt nước mắt hạnh phúc bỗng đâu ùa xuống, như thác lũ. Thân khóc. Ông khóc vì không dám ngờ cái hạnh phúc ấy có thật, khóc vì đổi đời. Chấm dứt rồi những năm dài đen tối, đáy cùng của bần hàn, cơ cực; chúng dồn nén một thân xác, vò nát một kiếp người và bôi đen một tâm hồn tội nghiệp.

   Cuối 2011, tôi được nghe người trong phố kể : Bác Thân về ở với vợ chồng cô Bích con bà Lâm. Họ sống chung trong một căn nhà tầng khang trang. Một tình cảm bình thường trong gia đình được lập lại. Vợ chồng cô Bích nhận nấu cơm cho ông Thân, chăm sóc ông những khi ốm đau, trái nắng trở giời. Hễ mà nghe chuông báo, ông tự động xuống lấy phần cơm của mình, từ bếp nhà vợ chồng cô Bích. Thật là cảm động. Tuổi già mong muốn gì hơn thế.

- Này, béo tốt hồng hào, ăn mặc tươm tất lắm nhé. Cái tóc húi cua lên, trông lại trẻ, khỏe ra, khác hẳn đi. Hàng phố truyền tai nhau câu ấy.


Khi có một mặt trời yêu thương, người ta sẽ thấy cuộc sống lên ngôi và ý vị vô cùng.  Gần tám chục mùa xuân rồi, phải chăng đây là mùa xuân đẹp nhất trong cuộc đời ông. Nó không phải vì được sống trong nhà cao cửa rộng, vật chất xông xênh... Có lẽ cái đẹp nhất ấy với ông, là từ nay đã có một tình người thật sự. Vĩnh viễn hết đơn côi, ghẻ lạnh. Một tiếng cười thơ ngây của đứa cháu, con vợ chồng cô Bích, cũng khiến lòng ông ấm lại. Ông thấy mình đã ngẩng mặt làm người.


*Đồn 14: đồn công an thuộc quận Hoàn-kiếm.


Cologne 28.09.2012


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 18-07-2013 02:02






Xem 11 - 11 của tổng số 11 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: ThongNV
18/07/2013 06:59:54

Hình như Thông đã đọc truyện này của ThuKK ở đâu rồi. Trang Web. của hội kiev hay mục khác của Web. KGU.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s