KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 23 Tháng bẩy. 2013

LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC




Tác giả: VƯƠNG TRỌNG

                          Kỷ niệm 45 năm Ngày hy sinh của Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc

                                                                                      24/7/1968-24/7/2013 

 Lời người post: Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày hy sinh của Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2013) và cũng sắp đến Ngày 27/7 tôi xin post bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc" của Vương Trọng. Các Chị là "đồng niên" với CL-74 chúng tôi (sinh vào những năm 1949-1951). Tất cả các Chị đã hy sinh khi  còn quá trẻ, chưa ai trong số các Chị lập gia đình. Và, các Chị mất đúng dịp chúng tôi đang chuẩn bị sang KGU học tập! Thật buồn! Chiến tranh là thế đấy!

Ảnh 1 . Chăm chú nghe thuyết minh:

Bài thơ này tôi nghe được qua lời giới thiệu (Ảnh 1) của cô gái Hà Tĩnh nhỏ nhắn, da rám nắng, mũ tai bèo giữa trưa hè nóng như thiêu như đốt tại Nghĩa trang Mười Cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc vào dịp này năm ngoái. "Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần cho đất....? /...Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống/Các Chị nằm còn khát bóng cây che...". Quá xúc động khi nghe bài thơ, nhiều người trong chúng tôi đã rơi nước mắt, lặng lẽ nhìn cô bé thuyết minh với cảm giác như có ai trong Mười cô gái hiện  về !.

    Tại Nghĩa trang, có nhiều đoàn/người tới viếng,  ngoài những chiếc nón trắng, chiếc khăn, gương, lược, đôi dép, quả chanh, lọ nước hoa, khói nhang... mang theo còn có cả những nắm quả bồ kết để thắp hương cho các Chị. Mùi thơm của  hương và mùi  thơm của bồ kết được đốt lên cuộn vào nhau trong cõi linh thiêng ấy cứ thẩm thấu vào tim, vào ruột gan để mọi người không ai cầm được nước mắt!

Ảnh 2. Nón, dép, gương, lược, bồ kết ... đặt trên phần mộ các Chị:

   

Núi Trọ Voi bên cạnh Nghĩa trang Mười Cô gái vẫn còn nhiều đất trống, đồi vẫn trọc, trong lúc đó nhang hương thắp quá nhiều trên các ngôi mộ nên quản trang phải lấy đi và nhúng nước.....Thật nghịch lý, song biết làm sao được. Và Vương Trọng đã kêu hộ, thỉnh cầu hộ cho các Cô gái (và cho ta nữa) về nguyện ước muôn đời của những người đã hòa thịt xương vào Đất Mẹ. Hãy thực tế đi, đừng làm những gì mà Người đã khuất không mong muốn! Bài thơ này như ai đã từng nói là nó đã làm thay đổi ý thức của con người và đặc biệt ý nghĩa đối với các bạn Nguoikgu chúng ta hiện đang thực hiện những Dự án về Climate Change. Nó như một Thông điệp thực sự. Chính vậy, nay trong khuôn viên nơi yên nghỉ của các Chị, người ta đã trồng nhiều cây xanh, trong đó có 2 cây Bồ kết  trĩu quả dành cho các Chị gội đầu.

Ảnh 3. Hai cây Bồ kết trĩu quả:

 

    Đọc Bài thơ này lại nhớ "Tểt trồng cây" của Bác những năm xưa (Bác phát động vào ngày 28/11/1959 với câu thơ:"Mùa Xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân"). Chính Bác đã đi trồng cây tại Công viên Thống Nhất vào Tết Canh Tý (11/01/1960), là năm đầu tiên thực hiện Phong trào. Nay có còn Tết trồng cây của Bác...

   (Cao Xuân Vịnh, Hóa 1974)

 

Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc

                                      Vương Trọng

-  Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

                                                  Ảnh 4 . Phần mộ Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần

-               Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các  em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các Chị lắm phải không, thì hãy quay về

Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống
Các Chị nằm còn khát bóng cây che.

     - Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về  Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười Chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

                 Ảnh 5. Chị ChiNB đang chăm sóc phần mộ của Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc:

- Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

                                                                 Đồng Lộc, 5/7/1995

                            



 

 

 


Người post: VinhCX

Ngày đăng: 23-07-2013 10:10






Xem 21 - 27 của tổng số 27 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: CucNT
23/07/2013 14:21:41

Em đã đến tượng đài 10 cô gái Ngã ba Đồng lộc nhiều lần và lần nào cũng khóc. Tuổi các chị đào đất lấp đường cho xe qua dưới mưa bom bão đạn và hy sinh thì em được cắp sách đến trường dưới bầu trời bình yên. Lúc nào em cũng thấy đang nợ những người đã hy sinh cho đất nước này hồi sinh. Cảm ơn anh Vịnh đã post bài viết của anh và bài thơ của Vương Trọng đúng vào dịp này, thật ý nghĩa.



Từ: LyTM
23/07/2013 13:35:49

Anh Vịnh chuẩn bị suốt từ chuyến đi mãi hôm nay mới post bài lên. Có văn, có thơ, có ảnh,... và đặc biệt là có cái tình của những người đồng lứa với các chị, cái đau câm lặng và mong ước của người đã có một em trai là liệt sỹ, đồng đội của các chị. Cảm ơn anh.


Những người thấu hiểu điều sâu lắng của bài thơ và đại đa số người dân đều cùng một tâm nguyện: hãy làm gì đó cho gia đình, cho bố mẹ, anh chị em, cho người vợ, người con của Liệt sỹ còn hơn việc tập trung xây dựng nguy nga tượng đài,... Hãy thay các Liệt sỹ chăm sóc người thân, hãy xây dựng cho quê hương giàu đẹp,... Khi bước chân ra đi làm chiến sỹ, ai cũng mong, ngày trở về, những người thân của họ đều được chăm sóc, khỏe mạnh, hạnh phúc. Họ hy sinh và điều ước đó chúng ta phải làm thay họ.


Mười cô gái trong hàng ngàn cô gái,


đã tận tâm, chăm sóc những tuyến đường,


đã chăm lo các chiến sỹ bị thương,


đã cầm súng, kiên cường bên đồng đội,...


 


Các chị ra đi, giữa tuổi đời sôi nổi,


chưa kịp yêu, hay mới nói lời yêu,


đôi môi xinh, trinh trắng biết bao nhiêu,


chỉ mơ ước suối tóc dài ngập hương bồ kết,...


 


Sống cuộc đời gian truân vui như Tết,


giữa đạn bom, chẳng một chút ngại ngần,


cho các đoàn quân ra trận, xa gần,


chờ chiến thắng, nón trắng nghiêng che nắng,...


 


Ở chiến trường, lá cài xanh áo trắng,


mũ cối xanh, nặng bết chặt đầu,


ước bồ kết, gội cho tóc thơm lâu,


cho hương bưởi tràn sang xe chiến sỹ,...


 


Ra đi rồi, chưa một lần ngơi nghỉ,


bom hắn mần chi, lượt nối lượt nơi đây,


tuổi vẫn trẻ, như xanh mãi màu cây,


chỉ mong ước, cho mọi người hạnh phúc!


 


Các chị ra đi, đồng đội cùng trang phục,


bao nghĩa trang cứ trắng một màu sương,


những nén hương thơm chia cả dặm đường,


nơi sâu thẳm, đồng đội còn nằm lại!


 


Biết bao nhiêu nẻo đường xa ngái,


xương đã dần tan trong đất mẹ Việt Nam,


hồn vẫn còn lo người thân chịu lầm than,


chưa biết sướng vui, chưa trả ơn dưỡng dục!


 


Hãy lắng nghe, tiếng muôn ngàn lời chúc,


tiếng của đời trong mỗi trái tim son,


hãy đóng vai của những người con, 


thay Liệt sỹ, chăm gia đình để lại!


 


Hãy dựng xây, mảnh đất này xanh mãi,


cho mỗi người đều được hạnh phúc hơn,


đừng xa hoa tượng đài quá vô hồn,


với Liệt sỹ, đã về là sinh lại!



Từ: KhanhT
23/07/2013 13:28:16

Cách đây 18 năm đã có bài thơ của Vương Trọng, thế và ý định xây dựng tượng đai Mẹ Việt Nam anh hùng cũng mới đây thôi, và bị dừng dăm ba năm rồi. Không biết có phải hồn thơ Vương Trọng đọng lại chăng. Các chị thật linh thiêng!



Từ: HoaiPV
23/07/2013 12:50:48

Cách đây mấy hôm tôi cũng vừa đến thắp hương cho các Chị! Bài thơ của Vương Trọng được khắc đá đặt trước cây bồ kết trồng riêng cho các chị!


 



 


Và hố bom oan nghiệt - nơi các chị hy sinh vẫn còn đây!



 



Từ: NghiPH
23/07/2013 11:46:51


Tôi đồng cảm với nhà thơ Vương Trọng, anh Vịnh, anh Cường: Tưởng nhớ những người đã hy sinh cho Tự do, Độc lập của Tổ quốc không nên bằng những dự án xây cất tốn nhiều tiền của mà hãy bằng những việc làm thiết thực cho người thân của họ, cho mảnh đất mà họ đã ngã xuống ngày một tươi xanh hơn.


Năm 1972 trên đường vào Quảng Trị, tôi đã tìm đến nơi các các chị hy sinh, cúi mình tưởng nhớ các chị!  


Em rất xúc động khi đọc bài thơ của nhà thơ Vương Trọng và những dòng bộc bạch của anh Cao Xuân Vịnh. Cảm ơn anh!




Từ: Guest Meomun
23/07/2013 11:36:29

Lại sắp đến ngày 27/7. Anh Vịnh post bài này thật ý nghĩa, cám ơn anh Vịnh nhiều. Về các cô gái Đồng Lộc, có rất nhiều bài báo nhưng hồi năm 1978, MM có đọc 1 cuốn sách tên là "Đài hoa tím", tác giả Nghiêm Văn Tân, một cuốn sách rất hay, khó quên đối với MM dù đã nhiều năm trôi qua. Sách không dày lắm, khắc họa một cách hết sức sinh động về từng cô gái Đồng Lộc, những cô Tần, Cúc, Rạng, Xanh, Nhỏ, Xuân, Hà...Đọc cuốn đó mà MM không có cảm giác như một truyện ký, về người thật việc thật. Lâu quá rồi nhưng MM còn nhớ chi tiết 1 cô gái Đồng Lộc (Nguyễn Thị Nhỏ) đã bối rối giúi cành hoa mua cho chàng trai mà cô ấy thầm thương nhớ ra sao. Cô Xuân (MM quên cô Xuân nào rồi, vì có 2 Xuân, chỉ nhớ cô Xuân đẹp hơn), khi hi sinh thì trên chiếc cặp tóc ba lá còn kẹp lá thư của người yêu lúc ấy cũng ở chiến trường (hình như là lái xe), cô ấy chưa kịp đọc. Mà bức thư ấy cũng tới muộn, sau khi người yêu của cô ấy hi sinh...


 



Từ: CuongLV
23/07/2013 11:21:04

    Tôi đã đọc nhiều, nghe nhiều và trực tiếp đến thắp hương trước mộ chí 10 chị em trong Tiểu đội chị Võ Thị Tần, đã khóc khi xem bộ phim về các Chị, được nghe bài thơ của một đồng đội các Chị viết về câu chuyện tìm được xác chị Cúc 2 ngày sau khi sự kiện bi tráng, anh hùng này. Tôi thực sự choáng ngợp trước những công trình được xây dựng để tưởng nhớ các Chị, tôi cũng được biết có nhiều nhà doanh nghiệp hảo tâm đã bỏ ra nhiều tỷ đồng cho công việc này. Khi đọc bức thư của 1 Chi viết cho Mẹ chỉ vài ngày trước lúc hy sinh, tôi chạnh nghĩ : Giá mà chỉ 1 phần nào đó trong số kinh phí này được chuyển đến Bố Mẹ, gia đình các Chị, các Anh - những chiến sỹ anh hùng đã hy sinh vì Tự do của dân tộc ...chắc các Chị, các Anh dưới suối vàng sẽ mỉm cười. Tôi nghĩ trong các cuộc chiến tranh giữ nước của chúng ta, hàng triệu chiến sỹ đã hy sinh.... Nay đất nước đã hòa bình rồi, việc giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ sau là việc rất quan trọng, cần thiết nhưng cũng cần trù liệu sao cho công bằng, hợp nghĩa tình, hợp với truyền thống ''uống nước nhớ nguồn '', nhất là với hàng triệu Chiến sỹ đã hy sinh.     




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s