KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 28 Tháng bẩy. 2013

Chuyện tình tuyệt đẹp và giấc mơ kỳ lạ về người lính hy sinh trên chiến trận




Tác giả: Sưu tầm

Để khẳng định quyết tâm đến với tình yêu của mình, chị đã vượt qua mọi khuôn phép của một cô gái Hà thành truyền thống, một mình chị đi mua sắm tất cả đồ cưới như chăn gối, áo cưới, bánh kẹo... rồi bắt tàu xe lên tận Tam Đảo, nơi anh đóng quân, để đón anh về tổ chức lễ cưới.

Chị Liên kể về mối tình đẹp thời áo trắng.

 

Trong một đêm cuối tháng 5.1968, chị mơ thấy anh tham gia trận đánh đẫm máu tại chiến trường Quảng Trị. Anh bị trọng thương rồi hy sinh. Sáng dậy chị khóc hết nước mắt, mọi người khuyên chị đừng tin vào ác mộng.

Và điều ngạc nhiên là sau này giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến xác nhận anh hy sinh ngày 31.5.1968 - đúng đêm chị gặp ác mộng. Những giấc mơ trước lúc anh hy sinh được chị cẩn thận ghi vào nhật ký, sau này các đồng đội trở về đều kinh ngạc vì độ chuẩn xác đến từng chi tiết trên mỗi bước đường hành quân của các anh. 


Chuyện tình cảm động

Chúng tôi gặp chị Lưu Thị Liên tại nhà riêng số 7A9, khu tập thể Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Cầu Giấy, Hà Nội. Năm nay chị đã ngoài 60 tuổi, nhưng trên gương mặt vẫn còn toát lên vẻ thanh tú của người thiếu nữ đất Hà thành.

Chị Liên là con thứ 6 trong một gia đình thuộc tầng lớp tư sản ở Hà Nội. Anh Nguyễn Minh Tiến thì sinh ra trong một gia đình cơ hàn, cha mẹ đều đã già cả, nhà có 2 anh em, cô em gái còn nhỏ. Cả gia đình sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ tại làng Cầu Đơ, giữa 2 làng có trường Lê Hồng Phong. Cơ duyên sắp đặt, anh chị học chung lớp, dù anh hơn chị một tuổi. Ngày ấy, trong con mắt mọi người chị vẫn ở một đẳng cấp khác. Nhiều lần trao đổi bài vở, nhưng anh luôn coi chị như người em gái.

Gia đình dù nghèo, anh vẫn quyết tâm theo học. Sau mỗi buổi học anh lại đi bán báo, bán lạc rang lấy tiền phụ giúp bố mẹ. Rồi ngày ra trường cũng đến, mỗi người một nơi, anh xung phong vào quân đội thuộc Sư đoàn 308 trong những ngày luyện tập đóng quân tại Tam Đảo. Chị xin vào làm kế toán của Xí nghiệp ươm tơ thuộc huyện Hoài Đức. Tình cảm của anh chị cứ lớn dần và đã trở thành tình yêu.

Thế nhưng, tình yêu của anh chị cũng trải qua nhiều sóng gió. Gia đình chị biết chuyện đã phản đối quyết liệt. Ông bà muốn gả chị cho một con nhà giàu có, để chia rẽ tình yêu của cô con gái với chàng lính chiến. Tuy nhiên, chị vẫn quyết một lòng giữ trọn tình yêu với anh.

Để khẳng định quyết tâm đến với tình yêu của mình, chị đã vượt qua mọi khuôn phép của một cô gái Hà thành truyền thống, một mình chị đi mua sắm tất cả đồ cưới như chăn gối, áo cưới, bánh kẹo... rồi bắt tàu xe lên tận Tam Đảo, nơi anh đóng quân, để đón anh về tổ chức lễ cưới. Cũng vì quá yêu chị nhưng chiến trường đi chẳng hẹn ngày về, anh không muốn chị lỡ làng nếu anh ra đi mãi mãi, anh chỉ hẹn chị hãy chờ đến ngày đất nước thống nhất.

Giấc mơ lạ kỳ

Đầu năm 1968, anh nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam chiến đấu. Đêm chia tay, họ đã thức trắng ngồi bên nhau. Anh tặng chị chiếc nhẫn có khắc hình trái tim, chị tặng anh chiếc khăn do chính tay chị thêu bông hoa màu tím. Anh nói với chị: “Nếu sau này em nhận được chiếc khăn từ tay người khác trao lại, thì có nghĩa là anh không còn nữa, em hãy đi lấy chồng”.

Đó cũng chính là mật ước giữa 2 người. Có một kỷ niệm mà chị không bao giờ quên, đó là vào ngày 20.3.1968, vì cuộc hành quân bí mật nên không thể báo trước. Trên đường đi B, đơn vị anh tập kết tại một làng nhỏ cách thị xã Sơn Tây khoảng 5km. Anh đã chạy bộ hơn 20km về thăm chị.

Anh bảo: “Nếu em đủ nghị lực không khóc thì chiều nay, em đến tiễn anh lên đường. Anh muốn nhìn thấy em trước lúc đi xa, nhưng lại sợ em khóc trước mặt anh em đơn vị thì ngại lắm!”. Chị nói: “Em sẽ tiễn anh, em có đủ nghị lực”. Nhưng khi nhìn thấy anh trong hàng ngũ chỉnh tề, mọi cảm xúc trong chị vỡ òa, nước mắt nối nhau rơi xuống. Chị chỉ kịp nói với anh: “Anh cứ yên tâm lên đường đánh giặc, ở nhà em sẽ chăm sóc bố mẹ thay anh và chờ ngày chiến thắng anh trở về”.

Ngay trong đêm hôm đó, tại khu nhà tập thể chị đã xảy ra mất trộm. Trong số đồ chị mất có chiếc áo cưới, chiếc khăn tay và một chiếc gối bên phải - như một điềm báo. Và cũng lạ lùng từ buổi chia tay anh, đêm nào chị cũng đều mơ gặp anh. Chị đã thấy rõ từng chặng đường hành quân của đơn vị anh, những cảnh anh cùng đồng đội vượt núi, băng rừng, bom đạn… tiếp diễn như chị là người hành quân cùng các anh vậy. Tất cả những điều ấy được chị cẩn thận ghi vào nhật ký. Sau này, nhiều đồng đội của anh còn sống trở về không khỏi kinh ngạc vì sự chuẩn xác đó.

Trong một đêm cuối tháng 5.1968, chị mơ thấy anh tham gia trận đánh đẫm máu tại chiến trường Quảng Trị. Anh bị trọng thương, rồi hy sinh. Sáng dậy chị khóc hết nước mắt, mọi người khuyên chị đừng tin vào ác mộng. Và điều ngạc nhiên là sau này giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến xác nhận anh hy sinh ngày 31.5.1968.

Rồi từ đó giấc mơ về anh cũng thưa dần, cho tới một đêm chị nằm mơ thấy đơn vị của anh từ chiến trường hành quân ra Bắc. Anh mặc trên người bộ quân phục đã bạc màu, người gầy xanh, nói với chị: “Sáng mai em hãy đến huyện Thạch Thất, đến nhà một người dân hỏi đại đội trưởng đơn vị để nhận di vật của anh gửi lại”, anh còn chỉ đường chi tiết cho chị đi đến ngã ba nào thì rẽ trái, đến cây cầu nào thì rẽ phải, qua cánh đồng rộng bao xa thì hỏi đến làng nào, tên chủ nhà là gì?

Chị tỉnh dậy, dù mới 4 giờ sáng, như người trong cơn mộng du, nhưng đầu óc chị vẫn tỉnh táo. Chị đã đạp xe theo đúng hướng dẫn của anh trong giấc mơ mà đi.

Để kiểm chứng điều này, chúng tôi đã tìm đến nhà người Đại đội trưởng Kiều Thuần, hiện nay đã nghỉ hưu, sinh sống tại nhà số 8, tổ 12, phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội). Anh cho biết: “Mối tình của Liên và Tiến, tôi đã được biết từ thời đơn vị còn đóng quân ở Tam Đảo, đó là mối tình trong sáng và cảm động. Mỗi lần Liên lên thăm người yêu, đơn vị đều tạo điều kiện cho hai người gặp gỡ, tâm sự vì biết tình yêu của họ cũng gặp nhiều trắc trở.

Điều thực sự ngạc nhiên là sau khi Tiến hy sinh, đơn vị vừa bí mật hành quân về tập kết ở một làng nhỏ huyện Thạch Thất lúc nửa đêm, đến người dân trong làng còn chưa biết có bộ đội về, thế mà Liên đã biết được và tìm đúng nơi đơn vị đóng quân theo giấc mơ”. Sau đó, Đại đội trưởng Kiều Thuần đã trao lại cho chị chiếc khăn mà chị đã tặng anh Tiến lúc anh lên đường. Chị bật khóc, vậy là anh sẽ không bao giờ trở về.

Chị cố giấu nỗi buồn, đạp xe về thăm bố mẹ anh. Lúc đó ông cụ đang ngồi uống nước trên chiếc chõng tre, chị đến gần ông cụ nói nhỏ: “Thầy ơi, anh Tiến…”. Chưa kịp nói hết lời thì ông cụ đã khoát tay ra hiệu dừng lại: “Con đừng nói nữa, thằng Tiến nó đã về báo mộng cho thầy, thầy biết rồi. Con đừng nói với u con, bà ấy đang ốm, sợ không chịu nổi”.

Rồi bố mẹ anh Tiến lần lượt qua đời, cô em gái đã trưởng thành. Rồi chị Liên cũng lấy chồng, anh cũng là một sĩ quan quân đội. Là một người lính, anh rất trân trọng tình yêu đầu của chị. Mỗi năm, đến Ngày giỗ liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến hay ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả nhà chị lại làm mâm cơm để hương khói cho người đã hy sinh

 

Giữ lời hứa chờ ngày đoàn tụ

Có một điều luôn làm chị canh cánh trong lòng cho tới mãi sau này. Đó là lúc lên đường anh còn dặn chị: “Nếu anh không về thì sau ngày đất nước thống nhất em hãy đi tìm anh và chỉ có em mới tìm được anh thôi”. Lúc chia tay chẳng ai lại nghĩ người mình yêu ra đi không có ngày trở về, nên chị nhận bừa cho anh yên lòng.

Thời gian trôi đi, sự vật thay đổi khiến việc tìm lại hài cốt anh không hề đơn giản.  Sau hàng chục lần đi về vào chiến trường Khe Sanh, mãi đến năm 2007, chị mới nhận được thông tin anh hy sinh tại khu vực cao điểm 222 ở làng Cát, huyện Đăkrông (Quảng Trị). Dù muốn đưa anh về, nhưng đêm đó chị lại nằm mơ thấy anh: “Em có đủ tiền bạc cũng không thể đưa anh về đâu. Bởi vì, nhiều đồng đội của anh ở đường 9 Khe Sanh chưa về được. Qua năm có Đoàn bộ đội 968 tỉnh Quảng Trị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thì lúc đó em hãy đi theo đoàn đưa anh về”.

Đúng tháng 5 năm 2008, chị nhận được lời mời đi theo đoàn và chị đã tìm được anh giữa rừng già đại ngàn, với chiếc đèn 3 pin mà trước khi anh đi chị đã ghi chữ “tặng anh”. Vậy là chị đã thực hiện được lời hứa với anh trước lúc lên đường.

 

Sưu tầm: Quang Vinh.

 

 

 

 

 

 

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 28-07-2013 16:04






Xem 11 - 20 của tổng số 21 Comments



Từ: HoaNT
29/07/2013 13:12:09

Tuyết ơi câu chuyện này cảm động quá.  Một mối tình cảm động.Trên đời này có nhiều chuyện không thể lý giải đươc là tại sao nhỉ. Mong có nhiều giấc mơ thành sự thật.



Từ: DinhNT
29/07/2013 10:41:27

Câu chuyện thật trên đời mà cứ như chuyện viễn tưởng. Tình người, tình đời, tình yêu hòa quyện, lan tỏa làm cho cuộc sống muôn màu càng đẹp thêm bởi những điều thiêng liêng. Bài viết này đã được đăng vào dịp 27-7 năm ngoái, năm nay đăng lại vẫn như mới xảy ra đâu hôm qua hôm kia.


Những tâm hồn cao cả luôn hiến cho đời những điều kỳ diệu. Đến lượt nó, những điều kỳ diệu đó đã mang đến cho người đọc những cảm xúc diệu kỳ, để rồi thêm trân trọng những người con gái hậu phương đã nặng lòng yêu người lính trận, cho dù biết trước sẽ có hy sinh và chia lìa đôi ngả. Cũng từ đó, ta thêm yêu người lính chiến và tình yêu vĩnh hằng của họ!


 


Tôi có bà chị cả là chị Thu Hoài, đã đính hôn với anh Thùy trước ngày anh lên đường ra mặt trận. Anh là đại đội trưởng pháo binh, hy sinh trên đất Củ Chi ngay trong đêm chuẩn bị trận địa hỗ trợ cho Mậu Thân. Gia đình anh nhận được giấy báo tử nhưng chị Hoài không tin, cứ đinh ninh là anh sẽ trở về. Mãi sau này chị mới chịu đi lấy chồng. Năm nào cũng như năm nào, cứ đến ngày giỗ Anh là chị lại lên tàu ra Hà Nội. Năm nào chị không ra được thì anh em tôi thay chị, đến thắp hương cho Anh ở nhà ông bà gần Chợ Hàng Da...


 


Sống nặng nghĩa nặng tình, có lẽ đó là phẩm chất quý nhất của người Việt mình!



Từ: Guest Kim Thu
29/07/2013 02:18:16

@ Tuyết ơi, Thu vừa cho Vân cái link này để nó coi bài chị Liên & anh Tiến. Vân này trước lúc đi LX cũng có một anh bạn đi lính, học sinh cấp III với nhau, như Tuyết với anh NHA. Vân đang đi nghỉ hè. 



Từ: HaiNV
29/07/2013 01:05:01

 


Bài này của tác giả Doãn Kiên viết trên Báo Lao Động 27/7/2013, trong đó có ảnh của chị Lưu Thị Liên. 


http://laodong.com.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-tuyet-dep-va-giac-mo-ky-la-ve-nguoi-linh-hy-sinh-tren -chien-tran/129713.bld


Chuyện giấc mơ, dự cảm của một số người về tương lai, cái chết...của một hay nhiều người thân yêu nhất của mình đã được mô tả nhiều trong các sách xưa, thời nào cũng có, cho đến tận hôm nay. Vì vậy, chuyện những giấc mơ của chị Liên về anh Tiến là lạ mà cũng không lạ! Chuyện tình của chị với anh Tiến thật cảm động, bi thương và tôi tin rằng trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc đã có hàng triệu mối tình cảm động và bi thương như thế.


Tôi có một ông chú họ đi bộ đội từ năm 1965. Trước ngày lên đường chú thím mới cưới, chưa kịp có con. Cũng chính vì những giấc mơ, linh tính, dự cảm của thím là chú sẽ về, mà thím tôi vẫn ở vậy chờ chú kể cả sau khi chú có giấy báo tử gửi về...    


 



Từ: ThanhLK
28/07/2013 23:23:58

Một cầu chuyền tình cảm động và Tuyết ạ mình rất tin là chuyện có thật. Những người thân yêu bao gờ cũng gắn bó với cuộc sống của chúng ta.



Từ: Guest Thăng Long
28/07/2013 21:59:40

Mối tình trong trắng của thiếu nữ Hà nội với anh lính trẻ, đầy những gập ghềnh, gian khó...nhưng rất gắn bó thủy chung. Hai chữ thủy chung trong lúc đạo đức con người xuống dốc ghê gớm ở những năm này, mới càng thấy nó ý nghĩa thật lớn lao, đáng ngưỡng mộ.



Từ: LyTM
28/07/2013 21:09:37

Đọc mà rớt nước mắt khi những người lính trẻ trước khi ra đi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho người thân. Họ chiến đấu, chịu gian khổ, vượt núi, băng rừng, đói rét, những cơn sốt rét, ... nhưng vẫn nâng niu những kỷ niệm về mối tình thơ trẻ. Họ dám hy sinh tình yêu trẻ trung và say đắm ở lứa tuổi thanh xuân nhất nên họ rất linh thiêng!


Hỏi vũ trụ bao la,


hỏi ánh trăng Ngà,


hỏi hồn thiêng Đất Việt,...


Ở đâu tình yêu da diết,


theo tháng năm,


chôn chặt cõi lòng!


Khi niềm tin gửi cõi xa xăm,


ngùn ngụt máu tràn,


khắc vào trong,


mỗi giấc mơ,


đêm trường khoảng cách như gần lại,


bên nhau mãi mãi,


như thầm thì,


cao hơn cả tình yêu,


là niềm tin 


tấm tình da diết


của tuổi xuân,


của máu và thịt,


của trong trẻo tâm hồn,


của những nụ hôn tinh khiết,


đầu đời,


đi theo anh vào cõi xa vời,


thế giới của linh hồn bất tử!


 



Từ: 3Chai
28/07/2013 20:52:28

Câu chuyện hay quá, như thể chỉ có trong mơ...



Cảm ơn Tuyết. Nhân đây tôi xin đề nghị với chợ KGU, rằng mỗi khi chúng ta đăng bài lấy từ nơi khác thì luôn nhớ viết rõ nguồn gốc. Như vậy sẽ càng chứng tỏ ngôi chợ của chúng ta thật đàng hoàng. 



28/07/2013 20:35:27

Hiếm có những mối tình tuyệt vời như thế. Thật kính nể & ngưỡng mộ. Thu cũng rất tin ở những báo mộng như vậy. Ở nhà mình vẫn gọi là thần giao cách cảm. Nó thường xảy ra đối với các trường hợp có liên hệ mật thiết lắm về tình cảm. Cảm ơn Tuyết nhé ! Không hiểu tại sao các đề tài về lính, với Thu không bao giờ chán, đọc lúc nào cũng đầy cảm thông, chia sẻ với những người lính ấy.



Từ: ThongNV
28/07/2013 18:31:05

Khi còn là học sinh phổ thông tôi không tin vào giấc mơ (còn gọi là báo mộng), nhưng qua năm tháng ở chiến trường và cuộc sống của gia đình tôi nên tôi thấy nhiều giấc mơ là một điềm báo trước, nó đúng với hiện tại khoảng trên 80%. Khi nào có cảm xúc tôi sẽ kể các bạn nghe.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s