KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 29 Tháng bẩy. 2013

NẮNG TRUNG DU




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                                       NẮNG TRUNG DU                           

               

Tháng Năm năm 2012, tôi về Sài gòn nghỉ hè. Trong một bữa cơm, tình cờ tôi kể lại mẩu chuyện về mẹ Minh Huyền Gorski ( bạn bên Diễn-đàn Kiev). Mẹ Huyền đã cõng bạn tới trường, suốt những tháng ngày Huyền ốm. Bác không muốn các cậu trong nhà phải vất vả vì con gái mình. Nhân câu chuyện này, mẹ tôi kể lại kỷ niệm của mẹ mình - bà ngoại tôi. 

Cuối 1946, mẹ theo một lớp học Quân chính, đào tạo cán bộ quân sự do tỉnh đội Hà đông mở, khóa học kéo dài 3 tháng. Theo kế hoạch, lẽ ra mẹ được bổ xung tăng cường cho trung đội nữ du kích Hà đông, nhưng do lực lượng quá yếu, quá chênh lệch, phải giải tán trung đội nữ du kích này. 
Sau đó, mẹ được lãnh đạo của tỉnh điều động về huyện Chương mỹ, làm công tác phụ nữ. Tại đây, ngày 16 tháng Tám năm 1947, mẹ được kết nạp Đảng. Năm ấy, mẹ vừa 17 tuổi. 
Đến tháng Chín năm 1947, mẹ xung phong vào đoàn cán bộ củng cố Việt Bắc. Tháng 12 khóa học này kết thúc, mẹ được phân công về huyện Thanh thủy, Phú thọ làm công tác phụ vận. 

Mùa hè 1949, mẹ ốm quá, mới có 19 tuổi mà ọp ẹp như bà lão, vì vừa trải qua một trận ngâm mưa, trong khi đưa đoàn cán bộ từ Phú thọ lên Tuyên quang, lại nhằm đúng những ngày có kinh nguyệt. Trên chiến khu, rừng rú, không dễ gì kiếm ra thuốc. Sốt rét cơn ập đến, mấy viên ký-ninh cuối cùng, mẹ đã đưa cho một chị cán bộ trong đoàn hôm trước. Tình cờ gặp một người cùng quê, bác ấy kêu lên: 
- Rõ khổ, trông cô sao mà thảm hại thế này. 
- Thím, về đừng kể cho mẹ tôi nhé, sợ bà lo. Mẹ tôi còn dặn với một câu. 
Thế mà tin đến tai bà. 
Bà ngoại lặn lội lên Phú Thọ bằng được. Bà khóc, bảo với mẹ: 
- Hay là về thôi con ạ, trông con yếu quá! 
- Không được mợ ạ, Phú Thọ đang rất cần bọn con, nhất là mình đã thông thuộc địa bàn. Không thể bỏ được, rồi con sẽ khá lên chứ, ốm mãi sao. 
Trong nhóm bốn người cùng thoát ly với mẹ năm 1946, một người đã hy sinh. Hai người còn lại bỏ về quê, vì không chịu được gian khổ, giờ chỉ còn mình mẹ. 
Theo thuyên chuyển của Tỉnh ủy Phú thọ, mẹ phải rời Thanh Thủy về Tam Nông. 
Không có một phương tiện giao thông nào trên đèo heo hút gió, giữa những năm kháng chiến này. Phương thức di chuyển duy nhất chỉ là đi bộ. 
Bà ngoại nhìn mẹ, thương con gái, nhưng vốn biết tính con. Ngần ngại giây phút, rồi bà nói nhỏ nhưng cương quyết: 
- Để mợ cõng con! 
- Mợ cõng làm sao được, rồi bò ra đường ấy à? Mẹ tôi chặn ngay ý nghĩ ấy của bà ngoại. 
- Mình phải đi con ạ ! Bà không nhìn mẹ tôi, quay ra sắm sửa sống áo cho mẹ. 
Chẳng có gì nhiều, nhưng bà ngoại cũng gói ghém được một tay nải nặng. 
Dịp ấy đã cuối hè, nhưng cái nắng nóng của đất trung du pha địa hình miền núi vẫn rất gắt. Bà ngoại xốc mẹ tôi lên lưng, bước ra khỏi căn nhà lá. Mấy bước đi đầu tiên bị loạng choạng. Bà dừng lại để định thần. Mẹ tôi bắt đầu lo.  Năm ấy bà ngoại mới ngoài 50, nhưng hom hem, yếu lắm. 
- Con đừng quàng chặt tay quá vào cổ mợ, khó đi lắm. Bà ngoại nhắc mẹ tôi. 
Đường bắt đầu có những dốc thoai thoải. Đến một gốc cây lớn, bà thả mẹ tôi xuống. Còn phải quay lại lấy cái tay nải quần áo đã chứ. Bây giờ đi người không, bà ngoại bước chân thoăn thoắt. Cái dáng nhỏ nhấp nhô trong nắng, ngả bóng xuống vệ đường, chơi vơi tựa một cánh hạc gầy. Mẹ tôi dõi theo từng cử chỉ của bà, chớp vội đôi mi mắt, cho dòng nước mắt nóng hổi lăn đi. 
Thương bà quá. 
Bà quay lại đây rồi, bước thấp bước cao, ôm bọc quần áo trong tay. Đặt nó xuống, nâng vạt áo cánh lên, bà lau đỡ mồ hôi đầm đìa trên gương mặt đỏ dừ vì nắng. Mẹ tôi ôm bọc quần áo trên tay, phân vân trong lòng. 
- Hay bỏ nó lại hả mợ ? 
- Rồi lấy gì mà dùng. Mợ cứ cõng con một quãng, rồi quay lại đón nó, cũng được. Lâu một tý, nhưng không phải sắm. 
Bà khom người xuống rõ thấp, để mẹ tôi leo được lên lưng bà. 
- Con có nặng lắm không hả mợ ? 
- Nặng chứ, con gái đang tuổi 19 mà lại. Nhưng mình sẽ cố con ạ. 
          Mệnh lệnh từ đâu hay tiếng gọi của con tim đã thôi thúc người mẹ?! Cái gì đã khiến bà ngoại có một sức mạnh diệu kỳ như thế? Chỉ có tình mẫu tử ! Chỉ có tình yêu vĩ đại của một người mẹ, chỉ có tình thâm máu mủ của người mẹ nhất nhất vì con, tất cả cho con, mới thúc giục bà làm được như thế. Mẹ tôi khóc, thương bà, xót bà, quặn từng khúc ruột. Chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau. Mười chín năm nuôi con khôn lớn. Bây giờ người mẹ ấy vẫn từng bước bên con, san bớt cho con những gian truân vất vả, gánh đỡ cho con từng dặm đường trường. 
      
       Con cò cõng nắng, 
cõng mưa 

       Bà cõng con gái. Cõng trưa nắng hè. 


Nắng rát trên lưng mẹ. Còn bà ngoại, lưng không rát bỏng bởi cái nắng trung du, mà nóng hầm hập như cái lò than, bởi nhiệt độ của người đang sốt như nung nấu, tỏa xuống. Những giọt nước mắt của mẹ thánh thót rơi, nó thấm tháp gì với cái lưng áo ướt sũng, đẫm mồ hôi của bà ngoại. Quanh con đường đất đá, rừng cây đứng phăng phắc không có lấy một ngọn gió lao xao. Chỉ có một vòm trời xanh cao và nắng vàng nóng như hun.

 

          

 

Trong tầm mắt, trên con đường gập ghềnh, hoe vắng, cọ xanh là bạn đường chung thủy. Chúng cứng cáp, xanh mượt mà, vươn lên thẳng tắp, bất chấp cái nắng nóng đọa đầy và tầng tầng, lớp lớp kề bên nhau, đan lại với nhau, khiến nơi đây như một thành trì xanh bạt ngàn. Có phải chính nó, hình tượng của người dân miền trung du Phú Thọ, kiên cường, bất khuất, thắt lưng buộc bụng để dựng xây một căn cứ địa cách mạng chống Pháp. Những rừng cọ chở che cho bộ đội, cho du kích quân trong ngần ấy năm trường. Chúng bước vào huyền thoại cùng với nắng trung du này. 

Bà ngoại cứ lầm lũi đi như thế trong im lặng. Mẹ muốn nói chuyện cho đường xa ngắn lại. Nhưng miệng khô khốc vì sốt, vì háo nước. Bà ngoại cũng muốn nói chuyện cho vui, để đừng nghĩ tới lộ trình còn lại, nhưng bà thở còn chẳng được, nói gì đến chuyện trò. 

Suốt chặng đường dài, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè trong rừng Phú thọ, bà ngoại cõng mẹ tôi đi một đoạn, đặt mẹ xuống, rồi quay lại lấy bọc quần áo, và lại cõng mẹ đi tiếp. Cứ như thế, người đã chồn chân mà đường còn dằng dặc phơi trước mắt...Có lúc, hai mẹ con dừng lại để xin nước uống. Mẹ sốt quá, mất nước nhiều. Bà ngoại vào hỏi xin nước giếng một gia đình kia, họ ấy chối nguây nguẩy, không cho tiếp cận, vì lúc này tây càn rất mạnh ở Tam Nông, dân sợ lắm, luôn cảnh giác. Mãi đến chiều xuống, gặp được một tốp, trông dáng dấp có vẻ du kích địa phương, bà ngoại lên tiếng ngay: 
- Xin các anh cốc nước cho em nó uống, nó sốt quá. 
Mẹ bưng bi đông nước của anh du kích kia uống, mà quên hẳn không mời bà ngoại. Bà cũng mệt, cũng khát như mẹ, và chắc còn hơn mẹ nữa. Bây giờ, mẹ mới nhìn xuống chân bà, trời ơi, hai bàn chân nhem nhuốc, đen đúa, rớm máu vì đường trường. Đôi dép cà khổ của bà ngoại tan ra, rách mướp. Mẹ muốn gục xuống vì ruột gan như xát muối. Máu rớm trên chân bà ngoại, đớn đau ấy bóp lấy con tim mẹ. Mẹ nấc lên thảng thốt: 
- Mợ ơi, nhìn kìa, chân mợ túa máu ra rồi. Mợ đổi sang đôi dép của con đi. Đến nơi, để đun nước lá ngâm chân nhé. Sắp tới nơi rồi mợ ạ! 
Bà ngoại xỏ chân vào đôi dép cao su của mẹ, rút lại quai dép cho vừa, ngước mắt nhìn con gái... 

Hôm ấy, tôi đã tốc ký ngay những dòng hồi ức của mẹ. Những kỷ niệm chứa chan bao nhiêu yêu thương, trân trọng, và biết ơn bà ngoại, một người mẹ bình dị lắm, có hiểu gì về cách mạng đâu, nhưng đã một lần đi đến với cách mạng. Nắng trung du tràn trong con tim người mẹ miền xuôi. 

       

Cologne 15.07.2012  


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 29-07-2013 21:09






Xem 11 - 15 của tổng số 15 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: BaLX
30/07/2013 08:47:45

Một ký sự đầy tình mẫu tử. Dưới ngòi bút của Thu, mọi câu chuyện của các thành viên trong gia đình đều trở thành đề tài của các bài phóng, ký sự khác nhau, luôn làm cho người đọc cảm thấy hứng thú muốn đọc đi đọc lại mãi. Cảm ơn một trong những cây bút chủ lực, người luôn làm cho Web có những bữa tiệc thịnh soạn với các thực đơn hấp dẫn khác nhau.  



29/07/2013 22:31:31

 


 


 


@Anh Khánh, trên Tam nông từ dăm năm nay đã xuất hiện cơ sở Bia Saigon, cậu em trai út của em hiện còn là giám đốc.  Cậu ấy đến mảnh đất này từ lúc đặt viên gạch đầu tiên và chủ trương: trước nhất ưu tiên cho người Tam nông , từ cán bộ kỹ thuật,  công nhân điện nước, đến bảo vệ..., chứ không phải con cháu quen thuộc khác. Lúc cậu ấy gặp gỡ các bác ở huyện ủy, thế mà có người còn nhớ ra mẹ em. 


 


 


 


 


 


 



Từ: KhanhT
29/07/2013 22:21:36

 


Tình Mẫu Tử, yêu con, yêu Đất nước, một lòng. Mình có Bà Thím là du kích Tam Nông thời ấy, năm nay 94 tuổi rồi, năm nào mình cũng về Tam Nông thăm Bà.


Thu tìm được ảnh cọ, đồi cọ Phú Thọ đẹp quá. Bây giờ không còn nhiều cọ đẹp như thế đâu.


 



Từ: CucNT
29/07/2013 22:17:24

Chị viết thật hay, chân thực và xúc động. Chị không chỉ có người mẹ tuyệt vời mà còn có cả bà ngoại tuyệt vời chị Thu ạ. Vậy nên, em không ngạc nhiên khi chị là một phụ nữ có một tâm hồn sâu sắc và một tấm lòng nặng nghĩa ân tình như thế!



Từ: TungDX
29/07/2013 21:59:17

Yêu con , yêu luôn cả kháng chiến. Trong đầu tôi ngân nga giai điệu với giọng của Thu Hiền:


Mẹ yêu con, con có hay chăng


Chín tháng như chín năm gian khó khôn cùng...


Ả ru hời hời ru...


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s