KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 11 Tháng tám. 2013

MỒ CÔI




Tác giả: CucNT

Bố tôi mất khi tôi mới 2 tháng tuổi. Hồi nhỏ mọi người hay gọi tôi là bé Côi, thay vì gọi bé Cúc. Mẹ tôi yêu thương tôi hơn tất cả mọi thứ trên đời. Khi đi học, thấy các bạn có bố đưa đi, đôi khi tôi vẫn ước giá bố tôi không mất sớm. Nhưng tôi không thấy khổ đau vì tôi có mẹ, mẹ tôi cho tôi tất cả những điều tuyệt diệu nhất  trên đời. Tôi không thể hình dung nổi, có ai có thể lớn lên, có thể sống mà không có mẹ. Vào đời, tôi gặp những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi thương chúng vô cùng.

Năm 2005, con gái kết nghĩa của tôi bảo “Mẹ ơi! Ở Bình dương có nhà trẻ Quê Hương, nuôi toàn trẻ mồ côi, mình tới đó đi mẹ!”.  Chúng tôi đi, bố mẹ ruột của con gái tôi cùng đi. Tôi đã rơi không biết bao nước mắt khi nhìn những đứa trẻ đỏ hỏn đã bị bỏ rơi ngay từ khi mới ra đời nằm ngổn ngang trên giường trong những căn phòng mái tranh vách đất với những vật dụng đơn sơ. Con gái tôi quyết định nhận 1 bé làm em nuôi – bé Cường. Bé Cường được trung tâm đưa về nuôi khi cháu 3 tuổi đang đứng khóc ngoài đường. Bố cháu đi tù còn mẹ cháu đi đâu không rõ, bỏ cháu bơ vơ. Từ đó, hàng năm, một vài lần, anh chị kết nghĩa của tôi tới nhà trẻ Quê hương mang tiền và quà cho các cháu.

Tôi và chị Huệ nhận làm chị em kết nghĩa từ ngày chúng tôi học cấp 3 Phan Bội Châu. Sau bao năm xa cách vì tôi đi du học còn chị học Đại học trong nước, chúng tôi gặp lại nhau ngay tại Gò vấp, Tp. HCM. Tôi có 2 đứa con trai còn chị có 1 trai, 1 gái. 2 đứa con của chị rất yêu quý tôi và con tôi cũng yêu qúy chị . Vậy là tôi có 4 đứa con và chị cũng vậy. Nhã Trang, con gái đầu của chị và tôi rất hợp nhau, suốt ngày hai mẹ con ríu rít. Nhất là từ ngày con gái tôi bước vào tuổi yêu thì 2 mẹ con như người bạn tâm giao. Có lần chị Huệ mắng yêu “Hai mẹ con bây có mỗi đề tài, “yêu và trẻ mồ côi” nói suốt ngày không chán. Tôi, 42 tuổi đang yêu và con gái tôi 20 tuổi cũng đang yêu, thú vị làm sao!

Con gái tôi báo tin ‘Mẹ ơi! Con được học bổng của Đại học RMIT rồi, vậy là con có tiền phụ giúp nhà trẻ Quê hương nuôi em Cường mẹ ạ!”. Chị Huệ là giáo viên, bố cháu làm ở doanh nghiệp, nhà không khá giả gì nhưng cả gia đình thường xuyên giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngay chính bản thân tôi khi mới về nước cũng đã nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu của anh chị. Con gái tôi đã quyết định đi xe buýt đến trường để tiền xăng gửi giúp em Cường. Tôi thật xúc động trước tấm lòng hảo tâm của con gái. 

Có lần con gái bị ốm, tôi qua thăm. Cháu nằm trên giường, không ăn uống gì cả. Thì ra là giận dỗi với người yêu nên cháu đổ bệnh. Đã đi qua quá nửa đời người, yêu lên yêu xuống mấy lần, khổ đau bao bận, tôi không thể khuyên con đừng buồn vì tôi biết, làm sao có thể không buồn cơ chứ. Tôi nắm tay con, trầm ngâm một hồi rồi bảo “Lúc nào con khỏe, mình đi thăm nhà trẻ Quê hương con nhé!”. Vài giọt nước mắt lăn trên má, con tôi ngồi dậy quả quyết “Ừ! Mai mình đi mẹ nhé!” Không biết con tôi đã cảm thấy gì, nỗi buồn với người yêu không thấm gì so với những khổ đau mà các bé mồ côi đang chịu đựng hay tình yêu thương em Cường và các bé mồ côi đã giúp con đứng dậy. Mấy hôm sau con lại mừng rỡ báo tin “Mẹ ơi! Con được Đạo diễn Lê Dân chọn làm người lồng tiếng Anh trong bộ phim về Sơn Mỹ ( Nhã Trang nói tiếng Anh rất chuẩn), tiền thù lao con sẽ mua quà cho em Cường mẹ ạ!’.

Vốn thương trẻ mồ côi, thêm sự nhiệt thành từ con gái, tôi quan tâm đến nhà trẻ Quê hương nhiều hơn.

Và từ đây, tôi biết thêm nhiều số phận éo le trong cuộc sống.

Huỳnh Tiểu Hương sinh năm 1968 , Hương không có tuổi thơ, không biết cha mẹ là ai,  Hương chỉ nhớ khi Hương 5,6 tuổi, bà ngoại mang em cho 1 đôi vợ chồng làm con nuôi nhưng rồi Hương đã phải bỏ nhà đi vì người bố nuôi tàn độc. Mới mấy tuổi đầu đã sống lăn lóc nơi đầu đường xó chợ, người lem luốc, áo quần rách bươm. Không nơi nương tựa, đêm về co ro quấn mình nơi góc hiên nhà, góc chợ; sáng dậy lại lang thang đi lượm ve chai, bọc nilông đắp đổi qua ngày. Điều khủng khiếp đã xảy ra với một người cô độc như Tiểu Hương: bị một đám du thủ du thực hè nhau hãm hiếp, đánh đập.

Tiểu Hương rơi vào sự bấn loạn kinh khủng. Một hôm, trời đã khuya, Hương quyết định ra nằm vắt người trên hai thanh tà vẹt, chọn một nơi thanh vắng ngoài Quảng Trị để tàu không nhận ra mà cán đi cho xong. Nhưng một ông già lượm bao cát đi ngang, đoán được ý định của Hương nên mắng: “Đừng có dại!”, tát Hương đau điếng rồi đưa về nhà ông, giúp Hương đi bán bánh mì. Song chỉ được 2-3 tháng, Hương  phải bỏ đi vì có người chú trong nhà hãm hiếp Hương. Hương  tìm đường lên A Sầu (A Lưới, Thừa Thiên - Huế), lên khu đào vàng. Chủ thuê bắt Hương suốt ngày ra suối đãi vàng, không cho đồng xu nào hết, chỉ cho ăn.  Hương bị đánh đập như cơm bữa, tát tai thường xuyên đến mức tai phải của Hương bị điếc hoàn toàn. Rồi Hương lại bị hãm hiếp bởi đám người tứ chiếng trên rừng sâu, Hương khóc hết nước mắt và quyết tự tử lần nữa. Ở đường 9 có một cung đường xoáy, Hương chọn nơi đổ dốc, ngồi thu lu khuất tầm mắt tài xế. Nào ngờ tài xế phát hiện, gã đá Hương chửi thề: “Đ.M, mày chết phứt chỗ khác đi, chết mà còn muốn làm bố mày vạ lây à!”. Cuộc đời Hương  cứ thế trôi dạt vô định. Hương bị bán làm gái ở Vũng Tàu. Trong nỗi cay đắng, Hương  lại nuôi ý định quyên sinh. Xuống biển, bơi ra xa, buông phao, nhưng rồi đội cứu hộ phát hiện kéo Hương vào bờ. Lần này Hương đâu dám nói là tự tử, sợ bị người ta đánh, chửi mình làm vạ lây người khác.

Dòng đời xô đẩy, Tiểu Hương trôi dạt đến Thành Phố Hồ Chí Minh. Hương phụ quán cơm cho một nhà chủ. Mỗi ngày thường có một ông khách người Đài Loan tới ăn cơm và không quên để ý tới cô gái có dáng người nhỏ thó, nước da trắng, khuôn mặt toát lên sự lanh lẹ của một người từng trải. Ông ngỏ lời muốn giúp đỡ Tiểu Hương vì theo ông nhận thấy thì đây là một con người có chí khí và bản lĩnh,Tiểu Hương nhận ân nhân là cha.

Rồi một đêm giông  gió, người cha nuôi đã không cưỡng lại được bản thân mình nên đã trả cho Hương  20 cây vàng thay cho lời chuộc lỗi và ông đã về Đài loan.

Có vốn trong tay, Hương bắt đầu kinh doanh, buôn bán.  Mua đi, bán lại nhiều lần, nhà cửa, đất đai, Tiểu Hương đã có 1 số vốn kha khá. Hương mở rộng kinh doanh, sản xuất nước uống tinh khiết, mở tiệm bán áo quần. Rồi Hương mua một căn nhà nhỏ ở Quận 3 nhưng thấy cuộc sống một thân một mình cô quạnh quá.

Hàng ngày Hương vẫn đi về và nhìn thấy những thân phận giống mình đang sống lay lắt bên đường. Nỗi thương cảm trào dâng, sự xót xa cho những thân phận mồ côi trỗi dậy trong lòng, Hương quyết định bán căn nhà và mua một khu đất ở Dĩ An để xây dựng nhà tình thương. Những năm cuối thập niên 90, vùng đất ấy toàn là tre và cỏ mọc um tùm. Mới đầu, Hương xây một vài phòng nhỏ rồi sau đó đưa các em bé bị bỏ rơi, các em lang thang ngoài đường về nuôi dưỡng. Dần dần, Hương  tiếp tục mở rộng vùng đất rộng gần 2000 m2 xây dựng thêm sở sở vật chất để tiếp tục đón nhận thêm nhiều em bé bị cha mẹ ruồng bỏ.

Ngày 10/12/2001 HuỳnhTiểu Hương đã thành  lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương ngay  tại Dĩ An Bình Dương, trên mảnh đất chị đã mua vào những cuối những năm 1990.        

Trong thời gian đầu mới thành lập, Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn con người. Thế nhưng, do lòng thương người nên khi ra ngoài đường gặp cảnh tượng của những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi bị bỏ rơi là lòng thương trỗi dậy, Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương đã đón về nuôi, chăm sóc. Với lòng quyết tâm của mình,Huỳnh Tiểu Hương đã cố gắng hết sức để lèo lái Trung tâm ngày càng ổn định hơn.

 

                 CÁC BÉ MỒ CÔI CHƠI CHUNG TRONG 1 CĂN PHÒNG

 

 Đến ngày 10-12-2012   là ngày Trung tâm Nhân đạo Quê Hương kỷ niệm tuổi thứ 11, một cái tuổi đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Khi Trung tâm được 4 tuổi, năm 2005, thì con gái tôi biết đến và từ đó chúng tôi coi đó như mối quan tâm của mình. Hàng năm, chị Huệ  là giáo viên dạy văn trường PTTH Nguyễn Du, Quận 10, Tp. HCM, đưa học sinh của chị đến thăm trẻ mồ côi và về bảo các em viết bài thu hoạch. Đã có những bài viết, chúng tôi đọc lên xúc động nghẹn ngào.

Chúng tôi lên xe đi về Bình Dương khi trời đang rực nắng. Đây đó trên đường, tôi vẫn nhìn thấy những đứa trẻ đầu trần chân đất cầm những tập vé số hoặc những nón hàng như mía, ổi, bánh chưng chạy theo những chiếc xe đang dừng lại 1 lát ở đèn đỏ để rao bán.

Bình Dương thật rộng lớn nhưng rồi chúng tôi cũng tìm ra Trung tâm. Ban đầu, Trung tâm chỉ là mái lá dừa, cột gỗ đơn sơ, phòng ốc chật hẹp. Hiện nay đã là nơi khang trang, sạch đẹp, một môi trường tốt cho các cháu. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

SAU 11 NĂM, TRUNG TÂM NHÂN ĐẠO QUÊ HƯƠNG ĐÃ CÓ CĂN NHÀ KHANG TRANG

Chúng tôi bước vào sân, có một đoàn nào đó đến trước chúng tôi cũng đang làm việc với ban quản lý để đóng góp, giúp đỡ.

Chúng tôi cầm mấy túi kẹo bánh, các em vây quanh níu lấy tay chúng tôi, vừa muốn có bánh kẹo, vừa muốn được bế bồng.

Nhã Trang reo lên “Mẹ ơi! Em Cường của con nè”.

                                 TÔI, BÉ CƯỜNG (EM NUÔI CỦA NHÃ TRANG) VÀ BÉ TIN

Cường đã 8 tuổi đang học lớp 3, hè các em cũng được học thêm những một số môn như vi tính, đọc thơ, học đàn, học hát. Khi nghe tin chị Trang tới thì cô giáo cho phép Cường và Tin, bạn thân tới gặp chị. Cường kể lúi lo chuyện trường chuyện lớp, nhớ hết những món quà trước đây chị Trang mua cho em. Và rồi mắt em chùng xuống “Bố ra tù rồi, trước Tết bố có vào thăm em nhưng từ Tết tới nay không thấy nữa. Mẹ Hương và các cô chú trong này thương em nhiều nên em không buồn nhưng em mong chị Trang lắm”. Trang đưa quà cho em, “Em nghe lời cô chú, học giỏi rồi chị Trang thương em nhiều nha! “ Dạ! vâng ạ!” Thằng  bé lễ phép đáp.

Trong hơn 330 cháu mồ côi mà trung tâm đang nuôi dạy, đã có 185 cháu được nhặt tại các bãi rác của các công ty, xí nghiệp, các khu vệ sinh công cộng, gần 70% trẻ bị viêm phổi do khí lạnh của trời và một số cháu đã tử vong trong khi các cộng sự đưa về trung tâm. Nhiều nhất là các cháu sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em bị khuyết tật, thậm chí có những trẻ em thân thể không được vẹn toàn, bị bệnh nan y.

Các em được nuôi dưỡng, lớn lên, đứa lớn trông nom đứa bé. Các cháu được đến trường, ra trường đi làm, khi có lương, quay lại giúp Trung tâm nuôi các em. Có nhiều em ở lại Trung tâm làm việc. Cuối năm 2012 vừa rồi, Trung tâm tổ chức cho 12 đám cưới tập thể, nhìn các con tươi đẹp,  trong các  bộ áo cưới, mẹ Hương rạng ngời hạnh phúc.

Tất cả các cháu được nuôi dưỡng ở Trung tâm này đều mang họ mẹ, họ Huỳnh. Đã có nhiều người đến đây xin con nuôi nhưng Tiểu Hương không cho, Hương yêu quý các con như con đẻ của mình nên không muốn cho đi đứa con nào cả.

HÀNG TRĂM TRẺ MỒ CÔI LÀ CON NUÔI CỦA HUỲNH TIỂU HƯƠNG

Tôi bước vàp phòng trẻ sơ sinh, phòng có 19 bé đang được nuôi dưỡng tại đây. 5 bé 1 giường, bò ngồi lổm nhổm, bé khóc, bé cười, bé ngủ.

 

Con gái tôi bồng 1 bé gái thật xinh trao cho mẹ, “Nè mẹ, ẵm em bé này đi, em dễ thương quá ha mẹ”. Một bé gái trắng trẻo, chừng 5 tháng tuổi nhưng lông  mi đã rấr dài, đôi mắt đen láy. Cảm nhận được hơi ấm từ tôi, bé nhoẻn miệng cười. Cô phụ trách kể, bé tên là Mi, lúc nhặt được ở bãi rác, bé chỉ nặng 1,2 kg, mới sinh xong. Bằng tình yêu thương bao la của mẹ Hương và sự chăm sóc tận tình của các anh chị, cô chú, bé đã vượt qua được lưỡi hái của từ thần lớn lên, đẹp như thiên thần.

  BÉ MI, LÚC NHẶT ĐƯỢC Ở BÃI RÁC CHỈ CÓ 1,2KG VỪA SINH XONG, NAY ĐÃ ĐƯỢC 5 THÁNG

Thấy 1 bé đang khóc, tôi ngồi xuống vừa đưa tay xuống đầu để ẵm bé lên thì bé im bặt. Mấy tháng tuổi thôi nhưng bé đã cảm nhận được hơi ấm của tỉnh người. Tôi đặt bé xuống, ẵm bé khác lên nhưng vừa đặt xuống thì bé khóc nên tôi không đành lòng, đã ẵm 2 bé cùng 1 lúc. Ẵm 1 lúc thì đặt xuống để ẵm bé khác vì tôi nhìn thấy sự khao khát được bế bồng, nâng niu trong đôi mắt của từng bé. Có 1 bé khoảng 6 tháng, khi tôi bế lên thì cứ dụi mặt vào ngực tôi tìm kiếm, lòng tôi dào lên 1 cảm xúc thương xót vô bờ.

EM BÉ GIƯỜNG BÊN ĐANG KHÓC ĐÒI BẾ

Tôi nhìn khắp phòng và cảm nhận sự kiên cường của các bé. 4,5 tháng nhưng các bé tự ôm bình sữa bú, có bé đang tập lật, lật đè lên tay bạn nhưng rồi lại tự lật lại, bé khóc, bé cười nhưng bên cạnh vẫn có bé ngủ say. Bản năng sinh tồn mới mãnh liệt làm sao!

Tôi muốn ẵm mãi các bé để phần nào truyền cho cháu 1 chút tình thương, hơi ấm của tình mẹ nhưng muộn rồi, chúng tôi tạm biệt phòng trẻ sơ sinh để đi qua các phòng khác và tham quan trung tâm.

Từ một cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi nghèo nàn, Trung tâm nhân đạo Quê Hương đã là một tên tuổi được rất nhiều người biết đến. Họ biết đến vì tấm lòng của người Giám đốc kiêm sáng lập ra Trung tâm là một người  phụ nữ làm rung động trái tim của hàng triệu người Việt Nam và là  Người phụ nữ đương đại của tình thương. Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương, người đã đem đến cho hàng trăm trẻ mồ côi có được ước mơ tươi sáng, có quyền được gọi hai tiếng: “mẹ ơi”.

Rất nhiều các bậc lãnh đạo cao cấp đã đến trung tâm tuyên dương, khích lệ, ủng hộ, giúp đỡ trung tâm. Trong khuôn viên của Trung tâm có phòng trưng bày hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp .Chúng tôi đến vào Chủ nhật nên phòng trưng bày đóng cửa. Người quản lý kể cho chúng tôi nghe sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng đối với Trung tâm.

Mẹ Hương luôn nhắc nhở căn dặn các con “Bác Võ Nguyên Giáp là Vị Thánh Sống giữa đời thường”. Trên tường làm việc Hương treo những bức hình chụp cùng bác và viết lên nỗi lòng mình, nỗi lòng cả Trung tâm:

 

Bác Võ Nguyên Giáp bác là một vị thánh sống mãi trong lòng chúng con. Bác luôn dành tình cảm yêu thương khuyên nhủ con động viên con.   

 

 

Hương đã khóc khi nghe Bác ân cần căn dặn. Tôi đọc những dòng hương viết về Bác mà nước mắt rưng rưng: “Chúng con sẽ ghi nhớ những gì bác căn dặn, làm việc tùy theo sức của mình, biết giữ gìn sức khỏe và đặc biệt hơn thế nữa chúng con sẽ gìn giữ những kỹ vật bác đã trao tặng cho chúng con,

 

Dù trong lúc bác đang yếu về sức khỏe, nhưng bác không ngừng quan tâm đến chúng con, bác đã đích thân tìm bác sỹ điều trị cho chúng con, bác ơi, chúng con không biết nói điều gì để cảm ơn bề trên đã cho chúng con có bác,

 

Con cầu xin trời đất phù hộ cho bác cùng đại gia đình luôn luôn vui khỏe tràn ngập yêu thương, để yêu thương chúng con mãi mãi.

 Bác ơi, giờ này chúng con không biết dùng từ nào để diễn tả cho bác hiểu về tâm tư của chúng con nghĩ đến bác, chúng con chỉ biết hai dòng nước mắt tuôn trào với sự xúc động mỗi khi nhìn nghĩ đến bác, chúng con thương bác rất nhiều và nhiều lắm, hàng triệu triệu trẻ em Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước ngày đêm cầu chúc cho Bác sức khỏe”.

Có lẽ chẳng bút giấy nào diễn tả  hết tấm lòng yêu  thương dân tộc vô bờ bến của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay cả bây giờ, khi sức khỏe của Bác đang dần cạn kiệt bác vẫn quên bản mình, dành sự quan tâm sâu sắc cho những mảnh đời bất hạnh trong nhân gian.

 

Từ một cơ sở nhỏ, Trung tâm nhân đạo quê hương đã nhận  được sự tài trợ của rất nhiều mạnh thường quân, nhiều cơ quan, đoàn  thể Tổ chức và đến nay đã phát triển trên khu đất rộng 14.200 M2, chia thành nhiều cơ sở chức năng, phù hợp với việc nuôi dạy trẻ.

11 năm qua, Trung tâm đã nuôi dạy trên 2.000 cháu ngay tại Trung tâm và một số cơ sở ở các tỉnh thành khác. Không chỉ nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, Trung tâm còn trao tặng quà, xe lăn cho người khuyết tật, cứu trợ bão lụt cho các tỉnh miền Trung, trao tặng quà cho trẻ em đường phố , giúp quan tài, chôn cất cho những người chết không có thân nhân  vv.

Tôi vẫn thường trâm ngâm không thể hiểu nỗi, động lực nào đã cho Hương 1 nghị lực phi thường như thế? Trãi qua bao sự vùi dập của cuộc đời, sao Hương không căm thù đời mà trong lòng vẫn tràn ngập yêu thương. Hương có 2000 đứa con, có lẽ không có phụ nữ nào trên trái đất đông con như thế. Hương không phân biệt, em nào xinh, em nào thông minh, em nào vẹn toàn, em nào khuyết tật, tất cả đã được nuôi dạy ở Trung tâm  đều là con của Hương và đều nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Hương.

Hương đẹp, một vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm. Tôi nhìn Hương và thầm nghĩ nếu không biết cuộc đời đầy cay đắng của Hương có lẽ nhiều người cho rằng Hương sinh ra trong một gia đình đài các, lớn lên trong sự mượt mà. Tôi vẫn thầm mong cho Hương cứ đẹp mãi, quyến rũ mãi như thế.

 

 

Dịp này tới Trung tâm, chúng tôi không gặp được Hương, Hương đang đi hóa trị. Đúng là ngón đòn số phận vận chưa ngừng thử thách  Hương. Mấy năm gần đây, Hương mắc bệnh nan y mà cơ hội sống không còn nhiều. Hương đã được một mạnh thường quân tài trợ đi nước ngoài giải phẫu nhưng sự thành công của cuộc giải phẫu chỉ là kéo dài thêm cho Hương thời gian còn căn bệnh thì không thể chữa khỏi.

Nước mắt tôi rơi nhạt nhòa khi đọc Tâm Thư của Hương:

 

“. Kính gửi: Quý vị hảo tâm trong và ngoài nước

Nay tôi viết Bức tâm thư này bộc bạch một nỗi niềm dằn vặt trăn trở bấy lâu. Tôi đang bị một căn bệnh nan y mà cơ hội sống không nhiều. Tôi không biết mình có thể cầm cự chiến đấu với nó được bao lâu để tồn tại mà làm tiếp công việc dang dở còn muôn vàn khó khăn của mình. Lời của một người trong những giờ phút cuối thường là lời tỉnh táo nhất. Thế nên tôi tha thiết kêu gọi Quý vị đã và đang cùng chúng tôi hay sẽ cùng chúng tôi sau khi đọc lá thư này góp một tay chăm lo cho các cháu. Như một câu cách ngôn vẫn nói “Bàn tay cầm hoa khi cho đi vẫn mãi sẽ còn giữ một mùi hương”.

Thiện nguyện ấy thể hiện qua Group Cha Mẹ Đỡ Đầu của
Trung Tâm Quê Hương, để Quý vị hỗ trợ các cháu bằng cách nhận lời giúp cho một hoặc nhiều cháu, tùy theo tâm sức, thông qua việc góp một số tiền hàng tháng là 100,000 đồng/ mỗi cháu, để dù tôi còn hay mất, các cháu vẫn được đảm bảo khôn lớn thành người hữu dụng cho xã hội, và lớn lên khi vào đời, các cháu luôn nghĩ đến xã hội chung quanh như một nơi vẫn còn nhiều cánh tay nhân ái và những tâm hồn vị tha.

Xin kính mời Quý vị cùng tham gia “Hãy Chắp Cánh Ước Mơ”

Ông Bà ta xưa thường nói:

Dầu xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phước giúp cho một người

Hôm nay, qua bức thư này, tôi thiết tha cảm tạ những nhà hảo tâm cùng chúng tôi tiếp tục xây dựng Trung Tâm Quê Hương như một mái nhà chung ăm ắp tiếng cười yêu thương và tình nhân ái. Chúc Quý vị luôn luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Trân trọng kính chào !

Huỳnh Tiểu Hương

 

Chị quản lý ghi nhận những đóng góp của chúng tôi cho Trung tâm và trao cho chúng tôi bằng TRI ÂN. Bạn tôi không đi được đã gửi tiền nhờ  tôi mang đi. Hai con trai tôi cũng dành dụm được ít tiền nhờ mẹ mang tới cho các em nhỏ.

 

Chúng tôi ra về khi trời đã tắt nắng, Nhã Trang xuýt xoa “Thương các em quá mẹ nhỉ? Con có 2 mẹ yêu thương, còn các em khát khao tình mậu tử quá. Hôm nào mình lại xuống thăm các em nữa mẹ nha!”. Xe lăn bánh, mọi người vẫn kể mãi về cuộc đời của Huỳnh Tiểu Hương và ước muốn có 1 phép nhiệm màu nào đó để trái tim tràn đầy tình yêu thương của Hương đập mãi theo thời gian. Con gái tôi đang mang bầu tháng thứ 5, cháu rất hạnh phúc. Tôi ôm con vào lòng. Cầu mong cho những điều tốt lành sẽ đến với mỗi chúng ta. Cầu mong cho thêm thật nhiều những tấm lòng nhân ái đến với mỗi số phận, mỗi sinh linh trong cuộc đời này. Như một câu phương ngôn viết: “ Bàn tay cầm hoa khi cho đi vẫn mãi sẽ còn giữ một mùi hương”.


Người post: CucNT

Ngày đăng: 11-08-2013 15:03






Xem 21 - 30 của tổng số 31 Comments



Từ: Guest HHIỀN
11/08/2013 20:59:01

Đọc bài viết của Cúc lại được biết thêm về một trại trẻ mồ côi và nhiều tấm lòng cao cả.Con gái đầu của bọn mình cũng thỉnh thoảng đi làm từ thiện theo Hội (vì cháu còn đi làm) Cuối tháng cháu sẽ đi mình cũng đi cùng (nhiều khi muốn đi mà ôtô hết chỗ).Nếu có chuyến đi nào tương tự,hoặc có việc gì tụ họp ới mình với nhé.Bạn bè mà.KGU là một gia đình.Cái gì chứ làm điều thiện để lòng thanh thản cũng nên làm nhiều nhiều.



Từ: Meomun
11/08/2013 19:04:37

Trên báo chí có nhiều bài viết về Huỳnh Tiểu Hương, một cô gái bé nhỏ, xinh đẹp mà số phận long đong quá, nhưng cô ấy có một tấm lòng trời biển và một ý chí thật đáng khâm phục. Cám ơn em Cúc đã có bài viết cảm động.    



11/08/2013 18:51:15

Cúc viết nhiều bài rất cảm động. Tiếp tục phát huy nhé.Cám ơn Cúc.



Từ: Guest LýDT
11/08/2013 18:44:01

Một câu chuyện vừa thấm đẫm nước mắt  lại thấm đẫm tình người.


Một gia đình chói sáng  chòm sao Nhân Nghĩa.


Một cây bút  dễ rung động lòng người với những câu chuyện và những bài thơ giản dị đầy sâu lắng.


.Đó là tất cả những gì chị nghĩ về em đấy Cúc ạ!



Từ: ThongNV
11/08/2013 18:08:51

Những bài viết của Cúc gửi gắm nỗi niềm riêng đều rất hay, rất tình, làm rung động trái tim người đọc. Xem các ảnh Cúc chụp Trung tâm tôi thấy hồi này khá hơn nhiều những năm mới thành lập, khi đó chưa có mạnh thường quân và các tổ chức xã hội giúp đỡ. Trên đất nước VN ta còn rất nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi như ở xã Bồ Đề, nhưng thiếu thốn còn hơn không có nơi nương tựa. Mỗi người tùy theo khả năng, cách thức mà mình lựa chọn hãy chung tay giúp trẻ mồ côi, những người khốn khó...để họ có thể tồn tại vì một điều đơn giản họ đều là con người.



Từ: 3Chai
11/08/2013 18:02:57

Loanh quanh Sài Gòn thôi tôi đã thấy được rất nhiều điều nhờ em Cúc. Cảm ơn em, bàn tay cho đi những cánh hoa.


 



11/08/2013 18:01:57

@Cúc ơi, chị lại nhìn thấy tên ĐNNhậtMinh trong tờ TRI ÂN và nhớ lại bài văn nghị luận của NMinh viết về quê hương, về các sa đảo, mà có lần em đã đăng. Thầm cảm phục những tâm hồn trẻ thơ giàu tình nhân ái, như các cháu bé từng vẽ tranh, chia sẻ cho các em nhỏ miền sơn cước trong nước. Những bức tranh được Trần Bắc-Hải tổ chức bán trên FB. Cảm ơn em, cảm ơn những con người trong câu chuyện rất thương tâm này.



Từ: Guest Phương Hạnh
11/08/2013 17:38:33

Cúc ơi, em cũng có tấm lòng nhân từ lắm! thương các cháu bé, chúng có khác gì trại mồ côi thời xưa đâu!



Từ: NghiPH
11/08/2013 17:06:31


Chị Huỳnh Tiểu Hương đã trải qua một cuộc sống đầy gian nan, vất vả. Chị Hương có một tấm lòng cao cả, hết lòng thương yêu, chăm sóc những đứa trẻ mồ côi.


Cúc, các con của Cúc và bạn bè của Cúc là những người có trái tim tràn đầy yêu thương đối với những đứa trẻ có số phận bất hạnh. Em Cúc luôn mở tấm lòng nhân ái, chia sẻ với những người gặp hoàn cảnh khốn khó. Vô cùng cảm phục chị Hương, Cúc, các con và bạn bè của Cúc về tấm lòng vàng, hết lòng vì những đứa trẻ mồ côi!


Mong sao có một sự kỳ diệu của cuộc đời xảy ra để Huỳnh Tiểu Hương có được sức khỏe tốt tiếp tục chăm sóc những mảnh đời bất hạnh!




Từ: LyTM
11/08/2013 17:04:32

 


Cúc viết giản dị mà gây xúc động quá. Chị đã gặp và nghe chuyện của Hương. Hôm đó chị nghe Hương và một chị ở Hải Phòng, cả 2 đều đang bệnh nan y, cùng là người sáng lập và đang cưu mang hàng trăm đứa trẻ và có cùng nguyện vọng: hãy chung tay chăm sóc các bé. Hiện nay, Chùa Bồ Đề bên Gia Lâm, Hà Nội cũng đang có trên 100 cháu ở các độ tuổi khác nhau.


Lẽ ra, sau khi các cơ sở này tiếp nhận hoặc nhặt các bé bị bỏ rơi về thì Nhà nước phải có một bộ phận tiếp quản, đưa các cháu về các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh, cho ăn học cẩn thận. Vì như ở Bồ Đề, gân đây Appolo mới hỗ trợ mỗi tuần một bữa cơm mặn, còn trước đây các cháu phải ăn chay trường như nhà chùa nên bị suy dinh dưỡng nặng. Trời rét không tất, giầy,... áo quần phong phanh, ốm nằm co ro,... sang đó thương lắm. Mình đã đề nghị nhiều lần, nhưng chả hiểu sao bên Lao động- TB- Xh không để ý đến kiến nghị của dân. Xã hội hóa việc chăm sóc các cháu đáng khuyến khích, nhưng Nhà nước phải xem các cơ sở này có thật sự đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực,...chăm sóc và nuôi dưỡng được các cháu không? điều kiện ăn, ở, chữa bệnh, học hành,... phải bảo đảm thì mới được chăm sóc. Nhà nước sẽ phải rót kinh phí cho các cơ sở này. Nhưng nếu chỉ là nơi tập hợp lại mà không bảo đảm được thì không thể được, các cháu phải được chăm sóc, vì chúng thiệt thòi nhiều lắm rồi. Nhà nước có nhìn vào các cơ sở này mới thấy mầm non của đất nước đang như thế nào?


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s