KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 15 Tháng tám. 2013

BAO GIỜ LẠI ĐẾN KHAI TRƯỜNG




Tác giả: Kaiser Kim Thu

              BAO GIỜ LẠI ĐẾN KHAI TRƯỜNG


Sau những cơn mưa ngâu, đất trời dịu lại. Thời tiết đang vào lúc giao mùa, chuyển vụ. Đó đây, hoa sữa đang ấp nụ, ủ bông. Chỉ còn đợi những cơn gió đầu mùa nhẹ thổi, muôn phương sẽ nồng nàn trong hương thơm hoa sữa.

Dọc các con phố, trên vỉa hè và cả dưới lòng đường, những quả cơm nguội chín đỏ, tựa những hạt cườm, rụng như người rắc. Loáng thoáng đâu đây những quả sấu chín đầu mùa. Thu đã về ư.

 

      

 Có lẽ bốn mùa trong năm, tiết thu đẹp hơn cả. Vòm trời như cao hơn. Bầu trời như xanh hơn, thăm thẳm. Nắng thu lan tràn, buông tỏa cho không gian lâng lâng một màu hổ phách. Nắng thơm, nắng mỏng như tơ. Gió lay nhẹ lắm, chỉ đủ nghe thấy tiếng lá chạm vào nhau xào xạc.

 

Ngắm các cháu đến trường trong bộ đồng phục, tôi chạnh lòng nhớ đến cái khát khao của những năm xưa, lúc đất nước mình còn nghèo, thiếu thốn đủ đường: Bao giờ được mặc đồng phục tới trường. Có một nhà báo nước ngoài, đã thốt lên thán phục trước vẻ đẹp duyên dáng, độc đáo của các nữ sinh VietNam trong bộ đồng phục áo dài quần trắng : Như một đàn bướm chốn bồng lai tiên cảnh...

 

Cuối tháng Tám, chị em tôi đã bọc xong hết sách vở và dán nhãn vở cho từng quyển. Tôi nhớ ngày ấy, nhãn vở là hình hai con thỏ cắp sách, hình đôi vịt bầu đang bơi hoặc một khóm sen hồng... Nghèo nàn lắm. Nhà tôi, nhãn vở cho các cuốn sách giáo khoa, chị tôi thường làm lấy. Chị rất khéo tay và đặc biệt là chữ viết rất chuẩn. Trên giấy trắng kẻ ca-rô, chị dùng thước tạo ra một hình lục lăng, rồi tô màu ở những đường viền. Điền họ tên, lớp và tên cuốn sách xong, cắt xén cho thật khéo, sẽ được những cái nhãn vở khá độc đáo. Đầu những năm thập niên 60, giấy bọc sách vở thường là giấy báo. Sau tiến bộ hơn được bọc bằng họa báo, đủ các màu sắc, trông rất vui mắt. Khi lên đến cấp III, tôi chỉ bọc sách, vở bằng giấy có màu xi- măng, vì thấy chúng trang nhã, sạch sẽ và nghiêm túc. Với các cuốn vở thì đơn giản. Đến các cuốn sách giáo khoa, cái gáy của chúng dày, phải cắt khuyết hai đầu chừng một phân. Lúc bọc vào, giấy sẽ ôm vừa khít lấy gáy của cuốn sách.     

                 

                        

 

Hồi còn nhỏ, bọn tôi thường mua vở, giấy bút, phấn mực ở các tiệm tư nhân. Giữa đường Lý Quốc Sư, căn nhà đối diện với Ngõ Huyện, có một bà cụ chuyên bán những mặt hàng này. Trong tiệm, cụ có đủ cả. Vở ô ly 28 trang, 36 trang. Trên mỗi trang vở, cái gạch đỏ kẻ lề chói một màu son. Giấy trắng Đạo Lâm hay còn gọi là giấy thếp năm hào hai ( có lẽ được gọi theo cái giá của nó). Bút chì, bút mực,ngòi bút mực, tảy, hôp đựng bút, thước kẻ và quản bút các loại. Cái quản bút gỗ thường sơn hai màu, bên trên vàng hoặc đỏ, phần sát với ngòi là màu xanh dương sẫm, cho sạch. Những quản bút bằng sắt thì có nắp. Tôi còn mãi cái chai tay ở ngón giữa bên bàn tay phải, do cầm bút quá chặt. Tiệm cũng có bán phấn,mực tím, bảng đen, giấy màu cho môn thủ công, kéo cắt giấy thủ công. Cái kéo bằng sắt không chống gỉ, nên mau hoen lắm. Nó bé bằng cái tẹo, mỗi lần cắt được một mẩu giấy rồi, rút mãi ngón tay ra chả được. Tôi nhớ đến hôm nay mỗi lần mua ngòi bút. Bao giờ cũng được bà cụ hỏi:

- Loại nào ? Bụng chửa nhé. Cháu lấy mấy cái ?

Ấy là cụ nói cái ngòi bút có bầu ở dưới bụng, để nó đọng lại vài giọt mực dự trữ, khỏi phải luôn tay chấm bút vào lọ mực.

- Hai cái thôi ạ .

Thế là cụ cầm cái ngòi bút ném toạch xuống mặt tủ, đề phòng nếu có cặp díp, thì chúng sẽ bong ra. Bảng đen những năm tôi còn bé, chất lượng tồi lắm. Nó được bồi bằng giấy bên trong. Chóng méo, mau vênh, hay nứt, xước và dễ mủn. Tôi không thấy bán bút máy ở đây. Có lẽ vì lúc học lớp dưới, chưa được viết bút này. Bút bic lại càng không. Cái thước kẻ ngày xưa, ôi tôi nhớ nó đến thế. Dài 30 cm, thiết diện ngang của thước là một hình vuông, mỗi chiều 1cm. Trên một mặt của cái thước khắc độ dài với đơn vị xăng-ti-mét. Cái thước ấy nó là trợ giúp đắc lực cho tôi lúc làm thủ công.


               

 

Ở mặt trái của tờ giấy màu, học trò thoăn thoắt lăn cái thước để kẻ những đường bút chì mờ nhạt. Sau đó, cắt rời chúng thành những dải tua rua, đan nong mốt, nong đôi. Hồi nhỏ, làm gì có cái đồ gọt bút chì như hôm nay. Phải gọt bằng dao. Tôi hay nhờ bà nội, bà dùng con dao bổ cau rất sắc, chuốt cho mũi của bút chì rõ nhọn và phần gỗ của bút thật nhẵn.

Sau này lên tới cấp II, văn phòng phẩm Hồng Hà đã đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu cho học sinh các cấp.

Những năm trước có phải được như các cháu bây giờ : Các trò lớn thì cặp da. Các trò nhỏ thì cặp sách ngoại dày cộp, với bao nhiêu là ngăn chứa bên trong. Lúc vào khai giảng, đón năm học mới, mỗi đứa bọn tôi có cái túi vải đựng sách vở. Nó được may từ những ô vải tiết kiệm hình tam giác. Quần áo cho ngày khai trường vẫn là những bộ cũ trong năm. Nhiều đứa trong bọn tôi lớn phổng hẳn lên sau kỳ nghỉ hè. Cứ nhìn cái quần đã xuống một lần gấu, với màu vải mới hơn, thì biết.                                      

     

                     


Hồi ở cấp I, học trò còn rất nhỏ, nhưng vẫn tuân thủ chế độ trực nhật, dù trong trường có các bác lao công. Học sinh làm trực nhật phải đến lớp sớm, ngang tay áo đeo băng trực nhật. Rồi chia nhau quét lớp, giặt khăn lau bảng. Xuống dưới văn phòng giáo vụ lĩnh phấn cho cô, bưng khay mực tím lên, chia cho các bàn. Mỗi bàn học có bốn đến năm em. Trên mặt bàn khoét những cái lỗ để đựng lọ mực. Dù mỗi bàn có tới năm học sinh, nhưng chỉ có ba lọ mực, phải dùng chung nhau.Tôi nhớ như in cái khay gỗ mộc mạc, vẫn còn lươm xươm xơ gỗ do chưa bào kỹ, đựng những lọ mực bằng sứ trắng. Tan học, hai học trò trực nhật sẽ thu lại các lọ mực, trả về cho giáo vụ. Tôi thích những việc làm như thế, và tự hào rằng, có lẽ chúng mình đã đi lên từ cái bình dị nhưng rất ý nghĩa ấy để thành người.


 

Ai ở Hà nội sẽ biết bánh gối Gốc Đa, nổi tiếng từ lâu. Tiệm nằm trên đường Lý Quốc Sư, cạnh chùa Bà Đá. Nhưng không mấy ai biết rằng, ông cụ chủ nhà những năm thập niên 60 đã từng là ông giáo. Trong số những trò học tư ấy là tôi. Cụ ông - ông giáo Gốc Đa người nhỏ bé, còm nhom, còn cụ bà thì phốp pháp, to béo, đẹp lão lắm, nhất là với mái tóc bạc như cước. Là chỗ quen biết, bà nội đã gửi tôi đến lớp học của cụ, những mong tôi sẽ đọc thông viết thạo, trước lúc tới trường.  

 

               

 

Phòng học là một cái gian nhỏ, thấp lè tè và rất ít ánh sáng. Có hai cái bàn, vừa dài vừa nhỏ, được thiết kế trên phản lim, những chân bàn được gắn trên mặt phản. Học trò 5 tuổi, 6 tuổi sau khi khoanh tay lại, lễ phép cúi rạp đầu : "Con chào thầy ạ !" , nhanh chóng leo lên phản, tọa ngay ngắn, chân xếp bằng tròn, đút dưới gầm bàn. Cụ giáo là người nghiêm, rất nghiêm. Nhất nhất phải viết bằng tay phải. Trò nào bỗng theo cái sự thuận tay trái, mà rờ vào phấn, bút, thì cụ giáo khẻ thước vào tay cho đau, để mà nhớ đời. Chúng tôi học ghép vần, tập đọc và tập chép. Quả Cà, con Cá, bát Cơm, Rổ, Rá... chính là những bài học đã khai sinh cho kiến thức của tôi. Giọng nói trầm ấm, khàn khàn pha khói thuốc lào của thày giáo già dưới Gốc Đa, tiếng ê a đánh vần của lũ trò nhỏ áo quần xộc xệch. Hình ảnh ấy, ký ức thân thương ấy, trong tôi, một thời để nhớ. Có lẽ chỉ được vài ba tháng, bà nội tôi xin cụ giáo cho tôi nghỉ, vì sắp bước vào trường học thực thụ. Hình ảnh cụ giáo tư thục và cái phòng học bé tý năm xưa, còn y nguyên trong kỷ niệm học trò của tôi. 54 năm ấy đã qua đi.

 

Ngày mai là ngày khai trường. Đêm trước thật là thao thức. Hồi cấp I ở Hà nội, tôi học buổi chiều. Lễ khai giảng không có gì trịnh trọng, trang nghiêm. Nhưng lòng học trò thì bao háo hức, mong mỏi sau ba tháng hè dằng dặc. Trên đường phố, đâu cũng í ới tiếng học trò, y hệt những bầy ong vỡ tổ. Trong sân trường, sau lễ chào cờ, chúng tôi về nhận lớp, nhận cô chủ nhiệm.


 

 

Những năm còn sơ tán, khai giảng là những ngày vô cùng thú vị, náo nức với tôi. Khi ấy tôi đã lớn và ý thức được sự trọng đại, cái thiêng liêng của ngày đầu cho niên học mới. Lên lớp 5, chúng tôi phải băng qua một con đường khá dài, sang học trường cấp II Hồng Châu ở xã bạn. Từ con đê quai nhìn xuống, trên cái nền xanh thoai thoải của cỏ non, học trò từng đám, từng đám, lũn cũn với cái mũ rơm trên vai, giống như những cái nấm vàng di động - đã một thời là mục tiêu quân sự của không lực Hoa Kỳ. Áo quần thì sẫm một màu nâu và rêu xanh. Duy có những cái khăn quàng đỏ, chúng cứ tươi thắm và kiêu hãnh tung bay trong gió.

 

  


   

 

Ngoài kia, trống đã đánh hồi cuối. Âm thanh gióng giả, trầm ấm vang lên, báo hiệu giờ vào học. Sân trường phăng phắc dưới nắng thu sang. Lớp tôi say sưa trong một bài đồng ca, mở đầu cho một ngày mới, bước vào niên học mới.

Sau này, mỗi lần nghe tiếng hát của các cháu từ trường cấp I Hoàn Kiếm vọng lại, thì buồn ơi là da diết vì nhớ tuổi thơ.


                " Em yêu trường em

                  Có bao bạn thân

                  Và cô giáo hiền..."


Có bao giờ dám mơ những ngày khai trường trở lại với mình.

Khai trường năm 1968 của cấp III Chương Mỹ, lớp 8E chúng tôi vắng một học trò, Nguyễn Văn Huyên - lớp trưởng của 7A năm trước đã vĩnh viễn ra đi. Huyên có biết rằng, tiếng trống khai trường hôm ấy khiến chúng tôi thương Huyên, nhớ Huyên đến độ nào không.  

Và còn biết bao nhiêu chiến sỹ, nằm lại nơi chiến hào, trong rừng sâu biên giới, hay duới chân thành cổ và đáy sâu dòng Thạch Hãn...vẫn mang theo kí ức tuyệt đẹp của ngày khai trường lần cuối. Kỷ vật ấy theo các anh vào cõi thiên thu, an ủi hương hồn những người lính trẻ.


Cologne 10.08.2013


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 15-08-2013 22:10






Xem 11 - 20 của tổng số 37 Comments



Từ: TuyetHA
20/08/2013 13:33:19

@Chị Ba ơi, mấy tuần rồi em lu bu công chuyện quá, nhận tin nhắn của chị nghĩ lúc rảnh phải reply luôn vậy mà quên phéng đi mất! Sorry chị nhé! Em sẽ thống nhất với Thu về ngày ra HN để còn đặt mua vé máy bay giá rẻ. Hy vọng chị em mình sẽ gặp nhau trong Lễ kỷ niệm này!



19/08/2013 09:52:32

@Chị BaLX ơi, vậy thông tin này em cũng thấy Tuyết cho em đấy. Em & Tuyết ra Hà nội, ngoài đó còn một cô bạn nữa. Cứ biết vậy đã chị nhé !



Từ: BaLX
19/08/2013 08:44:35

Chị nhớ thầy Hàn Ngọc Bích dạy sử, hồi đó thầy sáng tác bài ca về trường C3 Chương Mỹ, học trò thường hát vào ngày chào cờ đầu tuần. Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường được tổ chức vào ngày 17 - 18/11 gì đó (thông tin cho đến lúc này ), chị đã lấy vé bay ra HN ngày 15/11/2013 rồi. Chị có nhắn tin vào máy di động của Tuyết, ko biết Tuyết có nhận được ko?



Từ: Guest Nhớ Tựu trường
18/08/2013 18:39:37

 



   Gửi chị Thu bài TÔI ĐI HỌC của Thanh Tịnh


"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học"....


 


 



Từ: Guest Thăng Long
18/08/2013 15:51:38

Cảm ơn tác giả đã cho tôi sống lại những năm tháng tuổi thơ đến trường. Nhất là không khí náo nức của những ngày khai giảng, khó lòng quên được.



Từ: CucNT
18/08/2013 12:46:45

Chị Thu ơi! 54 năm đã qua rồi mà chị còn nhớ vẹn nguyên đến thế. Ai đọc cũng sẽ xúc động và bồi hồi tiếc nuối tuổi thơ. Chị tìm đâu ra tấm hình toàn trường đội mũ rơm thế? Thật tuyệt vời bài viết của chị, có lẽ Nguyễn Nhật Ánh sẽ bán thêm được bao nhiêu "vé đi tuổi thơ" sau khi độc giả đọc bài của chị.


Cảm ơn chị nhiều nhé!



Từ: Guest Việt Bách
18/08/2013 07:15:38

       Trẻ con thời @,vật chất không thiếu thốn như những năm thập kỷ 60 đến 70,nhưng thời đó ông bà,cha mẹ chúng thì quá khổ nên bây giờ muốn bù đắp cho con cho cháu.Vì vậy,khi đời sống khá hơn cha mẹ lại càng muốn con mình giỏi giang hơn( vì nghĩ mình ngày xưa khổ thế mà vẫn thích học).


        Cho nên bây giờ các cháu đi học rất vất vả nào tiếng Anh ,đàn múa ,hát ,võ...rất nhiều thứ mà ba mẹ ngày xưa không được biết đến,và để trở thành giỏi thực sự thì khoản đầu tư là khá lớn.Ai cũng mơ ước một điều vô cùng chính đáng là con cháu mình thật giỏi ,nhưng để được như vậy các cháu phải đánh đổi cả tuổi thơ của mình,trước đống bài tập khổng lồ mà trường học và ba mẹ giao cho,nhiều trò chơi dân gian dần mai một vì chẳng có lúc nào mà chơi nữa...


        Kính mong ông bà cha mẹ luôn tạo cho con cháu những mùa khai trường đẹp và tinh khôi như ngày xưa nhé .



17/08/2013 22:17:05

Xin cảm ơn ACE & bạn đọc đã chia sẻ, những kỷ niệm học trò một thời, để nhớ mãi nó. Tôi thấy thế hệ chúng ta còn rất đi học, thích tới trường. Cũng hơi lạ, dù tuổi đã xập xệ. Còn các cháu nhỏ, vì bị học nhiều quá, có các cháu sợ. Sợ khối lượng bài vở, sợ các kiểu tra tấn. Năm 1999, khi tôi về phép. Thằng cu cháu con cô em giáp út muốn bác Thu đưa đi bể bơi Thiên Thai. Nhưng nó còn hơn hai chục bài toán cọc, 4 bài toán đố của mẹ giao và tiếng Việt nữa. Tôi đành phải dỗ: " Tùng làm đi, bác đợi, khi nào xong, mình sẽ đi bơi". Nó tiến đến gần cái góc học tập của nó, mặt nặng như chì: " Bác ơi, cứ đến gần cái bàn này là cháu đã run lên rồi. Sao nhiều bài thế !" Bây giờ thì cu cậu đã tốt nghiệp được 2 năm, đang làm việc cho tập đoàn FPT tại SG.  Còn thằng cháu đích tôn của chị tôi, khi phải thi vào trường điểm, nó phải học mới tợn chứ. Có lẽ trên thế giới, không một quốc gia nào có kiểu đầu tư cho con, cháu học như vậy. Bé tẹo đã phải làu làu các đối thoại tiếng Anh. Các cháu còn rất ít thời gian để chơi, để giải trí.



Từ: TuyetHA
17/08/2013 21:38:04

Thu ơi, nhớ quá tuổi cắp sách đến trường. Ở HN hay ở nơi sơ tán, nơi nào cũng đầy ắp những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò. Bao giờ cho đến ngày xưa nhỉ?!




Từ: NgaHT
17/08/2013 21:28:13

Chị Thu nhắc đến những năm học phổ thông với nhiều kỷ niệm khó quên đối với thế hệ mình. Em mong đến ngày khai trường vì được gặp lại bạn bè. Và tiếp theo đó là được ăn Tết trung thu. Mỗi Tết trung thu mỗi khác nhau, nhưng đều rất vui.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s