KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 17 Tháng tám. 2013

NHỮNG NGƯỜI LÍNH




Tác giả: ThongNV

              

Tôi cời củ sắn lùi từ đống than hồng, phủi sạch tro, cắt làm ba khúc. Cất hai khúc vào ăng gô để phần đồng đội, khúc còn lại tôi bẻ thành từng miếng nhỏ chấm muối hầm ăn. Tôi nhai kỹ từng miếng sắn. Cứ sau mỗi miếng tôi lại chiêu một ngụm nước cho dễ nuốt.             

Nghe thấy tiếng động từ phía cửa hầm, tôi rướn người lên quan sát thì Thanh đã  vào tới nơi. Nó ngồi xuống bên tôi, bỏ thêm củi vào đống lửa, đề nghị hôm nay đi kiếm chất tươi thay tôi. Nó bảo biết một nơi có nhiều ốc suối và cua đá. Tôi đưa cho Thanh một khúc sắn, bảo chấm muối cho dễ ăn . - Anh kiếm đâu ra thứ này thế. Thanh hỏi. - Nhặt được ở ven suối. Nó đã chảy nhựa, nên hơi nhặng nhặng". Tôi trả lời.         

Thanh là người Hải Phòng, được bổ sung vào đơn vị cùng ngày với tôi. Chúng tôi thân nhau ngay từ ngày đầu vì cả hai đều tốt nghiệp lớp 10 và bằng tuổi nhau, nên tếu táo xưng hô mày tao. Từ ngày anh Hữu về làm chính trị viên, đã không cho xưng hô như thế nữa. Thanh gọi tôi bằng anh xưng em vì nó kém tôi hơn một tháng tuổi. Trong cuộc họp chi ủy, khi anh Hữu đề xuất chấn chỉnh cách xưng hô trong đơn vị, anh Viên đại đội trưởng vì bức xúc nên văng tục: "- Đ. m. lính có chữ lắm chuyện, khi đánh nhau, khi mang vác nặng đ. thằng nào xưng anh em được . . .". Ấy là do tính tình bộc trực thì bật ra như vậy thôi, chứ anh rất quý và tôn trọng những người lính đã tốt nghiệp cấp 3 như chúng tôi, mà anh thường gọi là "lính có chữ". Tôi nhớ, một lần thu chiến lợi phẩm, tôi lượm một gùi đầy toàn thuốc tây. Tôi nghĩ sẽ được thủ trưởng đơn vị khen, ai ngờ khi nhìn thấy, anh Tôn đại đội phó đã la lên: "- Sao cậu ngu thế, thứ này có ăn được đâu mà cũng lôi về!". Tôi quá bất ngờ khi nghe cấp trên nói, nhưng rồi cũng bình tĩnh thanh minh: "- Em nghĩ đói có thể kiếm rau rừng ăn thêm, nhưng ốm, bị thương không có thuốc thì sẽ chết". Không ngờ anh nhìn thẳng vào mặt tôi hét lên: "- Cậu dạy khôn tớ đấy à!". Tôi bối rối không biết nói thế nào để anh hiểu thì vừa lúc anh Viên đến, anh bảo: "- Thôi nào, bình tĩnh đi. Anh em khác thu hết thực phẩm rồi thì cậu Hoài phải thu thuốc, chẳng nhẽ mang gùi về không. Cậu Hoài cũng phải rút kinh nghiệm, khi thu chiến lợi phẩm thì phải nhanh tay lên một chút". Một thời gian sau, anh quy định thu chiến lợi phẩm phải ưu tiên thu vũ khí đạn dược trước, sau đó đến thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm và các loại khác.       

Mới tuần trước, khi biết phải ở lại tuyến sau, tôi đã lên gặp Ban chỉ huy đại đội thắc mắc. Anh đến ngồi bên tôi, bảo tôi cứ bình tĩnh. Anh nói nhỏ, chỉ đủ cho tôi nghe: "- Hoài à! Đặt gói bộc phá để đánh sập cây cầu thì nhiều người trong đơn vị ta có thể làm được, nhưng xây lại cây cầu ấy thì cả trung đoàn không thể làm. Rời cây súng, thì anh và nhiều anh em trong đơn vị chỉ có thể làm "culi" hoặc cầm cái cày đi sau con trâu thôi. Nhưng em thì khác, có thể học trở thành bác sĩ, kỹ sư để xây dựng đất nước. Em có hiểu ý anh không?".Tôi xúc động ôm anh thật lâu, không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được ở bên anh. Sau trận đánh, khi trở lại cứ, cả đại đội tôi không ăn hết vài lon gạo, lính tráng phờ phạc, ngao ngán. Mặc dù thắng trận, nhưng đơn vị tôi tổn thất quá nặng nề. Và tôi hiểu, anh Viên đã dự đoán trận đánh rất ác liệt nên đã để cả ba "thằng lính có chữ" bọn tôi ở lại tuyến sau.            

Trong rừng, lúc thời tiết dễ chịu nhất là buổi sáng sớm, cơn gió nhẹ mát thổi bay hơi nóng bức trong rừng nhiệt đới, mang đến mùi hương ngan ngát của mùn đất và những loài thực vật không thể gọi tên, cùng đến với gió, còn có cả tiếng chim ríu rít nữa. Nhưng sáng nay, tôi cảm thấy trống vắng, lạnh lẽo, buồn tẻ, có điều gì đó cứ day dứt không yên, bất chợt tôi chạy đuổi theo nói với Thanh: "- Chiều qua có thông báo bọn biệt kích đi vào khu vực đóng quân của Trung đoàn nên đừng bắn cá nhé. Nếu gặp cá to thì phải chờ tiếng pháo và chúc lòng súng vào nước mà bắn". "- Vâng. Em biết".Thanh trả lời.           

Quá trưa, trời bắt đầu đổi gió, tiếng sấm đầu mùa lục bục phía chân trời. Anh Thiều chạy sang hầm tôi vẻ mặt bắt đầu lo lắng vì chưa thấy Thanh về. Anh hỏi: "- Cậu có biết nó đi bắt ốc, bắt cua ở đâu không?". Tôi lắc đầu, trả lời: "- Em không biết". Hai chúng tôi đi tìm Thanh. Tôi đi bên phải, còn anh đi bên trái. Địa bàn tìm kiếm là những con suối quanh năm có nước. Anh dặn tôi chú ý thám báo và hẹn phải về trước 6 giờ tối.              

Xế chiều, cơn mưa như vỡ oà từ bầu trời căng mọng nước. Đầu tiên là những hạt mưa ném xuống ràn rạt trên tán lá cây rừng. Sau đó là nước trút ào ào trên sườn núi. Tiếng suối chảy ầm ầm. Con suối hàng ngày chúng tôi chỉ vén quần lội qua, nước trong veo nhìn thấy cả những con cá con lượn lờ trong khe đá giờ đây đục ngầu, sủi bọt. Nước lũ dâng lên nhanh quá. Tôi vội bỏ con đường men theo dòng suối, leo lên ngọn đồi bên phải rồi "cắt đường" băng qua các đồi tranh trở về lán trại.  

Mùi khói bốc lên từ phía hầm nấu ăn, mách bảo anh Thiều đã về. Anh nói với tôi, tớ đang sợ mưa to, cậu không qua suối được phải ngủ lại trong rừng. Tôi ngồi xuống khúc cây bên bếp lửa, nghe anh trao đổi về tình huống có thể xảy ra đối với Thanh.  Một là, Thanh bị sốt rét nên đã nằm ở đâu đó rồi thiếp đi. Hai là,Thanh bị thám báo bắt. Và anh quyết định phương án đối phó với tình huống thứ hai.               

Sau bữa tối, chúng tôi cất giấu số súng đạn và lương thực, gài lựu đạn ở những điểm mà Thanh có thể dẫn thám báo tới tìm kiếm. Sau đó, mỗi người cầm một khẩu súng AK, hai vắt cơm cùng những thứ thiết yếu rời khỏi hầm đi vào rừng.                

 Vị trí chúng tôi chọn gần đỉnh đồi, ven suối, quan sát được toàn bộ khu vực đóng quân của đơn vị, thuận lợi cho việc chiến đấu và rút lui. Đêm ấy, không hiểu sao, tôi có cảm giác rất lạ, một nỗi sợ mơ hồ, không phải sợ thám báo sẽ tập kích hay chuyện ma quỷ giữa rừng, mà cái cảm giác bất an, cảm giác mất mát mà suốt những năm tháng ở chiến trường tôi chưa từng cảm thấy. Mặc dù rất mệt, nhưng khi được thay gác tôi cũng không thể nào chợp mắt được, toàn thân mỏi nhừ báo hiệu một trận sốt rét rừng sắp tới.         

 Khi mặt trời còn chưa ló dạng, anh Thiều và tôi đã chia nhau đi thông báo cho các đơn vị bạn cùng phối hợp tìm kiếm Thanh. Tôi cùng hai anh của C16 đi tìm theo hướng Thanh đi và cũng là hướng mà chiều hôm qua tôi đã đi tìm. Tôi vừa đi vừa cầu mong cho Thanh đừng bị nước lũ cuốn trôi, hay gục ngã vì sốt rét rừng. Chúng tôi tìm những dấu vết của Thanh, quan sát những hang đá, gốc cây to mà con người có thể trú ẩn. Trận mưa chiều qua to quá nên gần hết ngày chúng tôi vẫn không tìm thấy một dấu vết nào. Khi mặt trời bị những ngọn cây cao che khuất, chúng tôi quyết định "cắt rừng" về chỗ trú quân. Quay về được gần nửa đường, thì anh Dũng phát hiện một cái gùi nằm nghiêng bên bờ suối, quai vướng vào cành cây. Đến gần, tôi nhận ra  chiếc gùi của Thanh đã mang. Anh Cưu cúi xuống quan sát vệt cỏ tranh ngả rạp cách nơi chiếc gùi rơi chưa đến hai bước chân. Anh phán đoán ngay: Có thể Thanh đã bị hổ bắt. Chúng tôi đi theo vệt cỏ tranh thì nhặt được khẩu súng AK còn nguyên cả băng đạn. Anh Cưu bảo: - Đích thực thằng Thanh bị hổ vồ rồi! Bây giờ phải đi cách nhau xa ra, nếu gặp hổ thì bắn điểm xạ hai viên thôi nhé, nhớ bắn xong phải nhảy ngay sang một bên không thì mất mạng đấy!                         

Anh Cưu là người dân tộc Tày, Cao Bằng, trước khi nhập ngũ anh là một thợ săn giỏi của bản. Anh và anh Thiều thân nhau. Nhiều lần bắn được những con thú lớn anh đã chia cho đơn vị tôi.        

Trước mắt tôi là một bãi cỏ tranh đổ rạp, nát bươm rộng đến vài ngàn mét vuông, mùi hôi, mùi tanh nồng nặc bốc lên. Anh Dũng chụm hai tay lại làm loa hú báo cho các nhóm đi tìm khác biết. Anh Cưu lom khom quan sát các dấu vết trên bãi cỏ tranh. Anh đoán có đến bốn năm con cọp đã tranh nhau con mồi tại đây. Tôi rụng rời chân tay khi nghe anh nói. Mới hôm qua, khi trời mưa to, tôi đã đi tắt qua đồi tranh này. Lối tôi đi cách Tảng đá cô đơn  kia không xa, sao tôi không phát hiện ra chỗ này nhỉ. Tôi chạy đến bên tảng đá để xác định đường đi của mình. Bỗng tôi nhìn thấy một mảnh quần của Thanh và mấy khúc ruột bầy nhầy. Tôi hét lên rồi khụy xuống, nước mắt ứa ra.           

 Khi còn trên đất Bắc, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những trận đánh lớn. Nghĩ đến những chiến sĩ ôm bộc phá lao lên làm nổ tung hàng rào dây thép gai của địch. Pháo bắn dọn đường, những chiếc xe tăng lao về phía cửa mở, vừa đi vừa bắn. Bộ binh chạy sau xe hô xung phong. . . Tôi vào chiến trường đã nhiều năm, nhưng chưa tham gia một trận đánh nào quy mô như thế. Tôi đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của đồng đội, nhưng chết do bị thú dữ ăn thịt thì đây là lần đâu tiên. Tôi đau xót nghĩ đến Thanh, nó chết mà bụng đói meo. Nó chỉ ăn có một khúc sắn vừa sượng, vừa đắng, dài chưa đến ba đốt ngón tay. Tôi chạy lại định nhặt khúc ruột của nó lên thì anh Thiều đã ôm chặt lấy tôi. Tôi gục vào vai anh khóc nức nở.   

Chúng tôi tìm thấy mấy mảnh áo quần rách bươm, một khúc xương đùi, mấy nhánh xương sườn đã gãy, vài khúc ruột, một mảnh xương đầu còn dính một ít tóc. Anh Thiều gói phần thi thể còn lại của Thanh vào một mảnh dù hoa, dùng chiếc tăng nilon gói bên ngoài, cho vào chiếc quan tài đóng bằng vỏ thùng đạn. Chúng tôi an táng Thanh trên ngọn đồi phía trước lán trại của đơn vị.                  

                                          *                 *                                                           

                                                    *               

Cái chết của Thanh, sự tổn thất của đơn vị và cơn sốt rét rừng ập tới đã làm tôi đổ bệnh phải vào Bệnh xá trung đoàn điều dưỡng. Mãi mấy tháng sau tôi mới có dịp đến thăm Thanh.       

Tôi hái một bó hoa dại đủ màu đặt lên mộ thay cho nén nhang thể hiện niềm tiếc thương của người đồng đội, đồng niên và cầu mong cho linh hồn Thanh sớm về với quê cha, đất tổ. Tôi nhớ tới anh Viên, nhớ đến các đồng đội cùng đơn vị đã hy sinh trong các trận chiến ác liệt. Không biết giờ này linh hồn những người lính chiến ấy đang phiêu bạt nơi nao...  


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 17-08-2013 20:08






Xem 1 - 10 của tổng số 50 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThongNV
10/09/2013 22:15:31

Cám ơn guest Yến Minh đã đọc những bài viết của bác. Việc xuất bản truyện ngắn thì bác không nghĩ đến, vì nó chưa đạt đến mức được có trên giá sách gia đình.



Từ: Guest Yến Minh
10/09/2013 18:15:07

Cháu mong bác Thông tự mình hoặc Hội KGU giúp xuất bản tập Truyện ngắn về chiến tranh của bác. Cháu tin các truyện ngắn này có ý nghĩa với giới trẻ các cháu, những người sinh ra sau chiến tranh.



Từ: ThongNV
28/08/2013 09:51:00

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm làm trong lĩnh vực xuất bản và là bạn học với tôi thời phổ thông. Chị rất quý bạn bè và thích nói tốt về họ. Bạn bè cũng rất quý mến chị. Cám ơn Tâm đã đọc các truyện của mình.



Từ: Guest Tâm NTT
28/08/2013 07:31:24

Tôi đọc toàn bộ các truyện ngắn của anh Nguyễn Văn Thông đăng trên trang web. này và không hề ngạc nhiên về thành của anh bởi vì chỉ là sự chuyển đổi từ viết sách về chuyên môn sang lĩnh vực văn học mà thôi. Có một điều mà các bạn hay phần lớn các bạn chưa biết đó là sự hiểu biết rộng và sâu sắc của anh Thông về nhiều lĩnh vực. Chúng tôi đến nhà anh Thông chơi khi anh vừa về nhà mới, chồng tôi hết sức ngạc nhiên vì một người không có chuyên môn về kiến trúc mà thiết kế một ngôi nhà không sai sót một chút nào về thẩm mĩ (chông tôi là KTS), bài trí nội ngoại thất. Muốn hiểu về tác giả Những người lính hãy đến thăm nhà,xem tác giả dạy chim,chăm bón hoa Địa lan kiếm...



Từ: ThongNV
27/08/2013 21:10:41

@ HuyenBT: Ngẫm hay muôn sự tại trời thôi mà.



Từ: HuyenBT
27/08/2013 16:55:01

@Anh Tấn Định ơi, bài thơ của anh xúc động quá. Chỉ những người như anh mới viết được những vần thơ như thế. Anh làm em chẳng muốn post thơ của mình lên nữa, vì thấy mình thật nhỏ bé và vô tích sự trên đời này.



Từ: HuyenBT
27/08/2013 16:39:42

Hôm nay là ngày đầu tiên em trở lại phòng làm việc của mình, ngồi yên tĩnh với những công việc thường nhật, trong đó có việc đọc lại các bài trong trang web của hội mình mà em đã phải tạm hoãn trong một thời gian qua.


Anh Thông ơi, anh sinh trước em có ít năm thôi, mà có cảm giác anh sống mấy cuộc đời của em. Cuộc sống mang đến cho anh nhiều trải nghiệm quá, hay là anh tự lăn mình vào cuộc sống, để em có cảm giác anh là cuốn sách mở mãi, không bào giờ thấy trang cuối? 


Anh chứng kiến một cái Chết ,một cái Chết trong một hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, và kể lại, điều mà từ trước đến nay chẳng mấy ai nói nói đến, vì người ta thường chỉ quen với một khái niệm-" Hy sinh", và "Liệt sĩ". Biết bao chàng trai, cô gái trẻ măng để lại cuộc sống của mình nơi chiến trường, nhưng mấy ai biết viết một cách trân trọng, xót thương cho những cái Chết như thế. Cuộc đời nào cũng đáng trân trọng, vì thế, cái Chết nào ở nơi chiến trường cũng đáng ghi nhận, và xót thương. Cảm ơn tấm lòng anh, cảm ơn anh đã viết ra những câu chuyện như thế cho em được đọc.


Dù anh kể chuyện gì, dù trong hoàn cảnh nào, dù cách đặt vấn đề như thế nào, em luôn nhận thấy một điều: truyện của anh rất xúc động, và luôn ngập tràn tính nhân văn. Những trải nghiệm phong phú và cảm xúc lớn, đó là thế mạnh của anh, và đủ để truyện anh có sức rung động và thuyết phục- điều mơ ước của bất cứ người cầm bút nào! Em cảm ơn anh và chúc mừng anh.



Từ: ThongNV
27/08/2013 14:10:31

Chia sẻ để ACE nào chưa sống ở miền núi biết. Khi đi dọc suối hoặc qua những khúc suối lớn cần phải chú ý theo dõi màu sắc của dòng nước. Nếu tự nhiên thấy nước từ phía trên chảy xuống có lá khô, củi mục thì phải đi lên bờ ngay, nếu thấy nước đục màu đất thì phải chạy lên bờ ngay không nước lũ sẽ cuốn phăng người đi.


Hồi ở chiến trường, tổ chúng tôi đang ăn cơm dưới lòng suối cạn. Đột nhiên anh Du đứng ở trên bờ gọi bảo chúng tôi chạy gấp. Ba thằng vội vàng chạy thục mạng, thằng Tốn chạy gần đến bờ thì quay lại vì nó tiếc ăng gô cá nấu và sau này nó bảo khi đó nó có nhìn thấy nước lũ đâu. Thế nhưng khi nó còn cách bờ chưa đến 1 m thì nước từ trên nguồn đổ về với cột nước cao đến gần 2m. Anh Du chặt đoạn dây rừng ném cho thằng Tốn bám và bảo tôi vòng đầu còn lại qua một thân cây gần đó. Hai thằng tôi cầm đầu dây kéo, anh Du chỉ huy thằng Tốn tránh những khúc gỗ lao từ trên xuống. Cuối cùng chúng tôi cũng cứu được Tốn, nhưng nó bị gãy ba  xương sườn và xương đùi. Bây giờ, khi gặp nhau tôi vẫn đùa Tốn về cái chân tập tễnh của nó. Và từ đó tôi không bao giờ ngôi nghỉ hoặc nấu ăn dưới lòng suối cạn vào mùa mưa.



Từ: TungDX
27/08/2013 11:47:48

ACE ạ, ngay thời bình mới đây thôi, năm 2003 Viện VK chúng tôi đi thử nghiệm phải qua một cái đập trần ở Vĩnh yên; Khi đi không sao, khi về cũng đang túc tắc đi bộ qua thì bỗng lũ ào ạt đổ nước về, kết quả là đồng chí Cần của chúng tôi bị cuốn mất...


Xa hơn là năm 1979 chúng tôi mất một lái xe khi đang lái xe qua đập tràn; Đó là cậu Quang còn trẻ, chưa vợ



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
26/08/2013 13:59:38

Đọc những bài viết về người lính và cuộc chiến của Thông NV và của Nghị PH, những lời com. của KGU tôi không đếm được mình đã bao nhiêu lần gỡ kính ra lau nước mắt mà trái tim vẫn ầng ậc, nghẹn ngào. Những "lính có chữ"! Đó là đợt tổng động viên 1970 - 1972 của Khe Sanh, Quảng Trị, đúng như Hải NV còn nhớ. Bạn tôi ra chiến trường năm đó, vào học kỳ cuối khoa Tiếng Nga ĐHNN và chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Bạn kể rằng có người lính cùng đơn vị tử trận, khi thay quần áo để khâm liệm cho anh ta, mới biết"đó hòan tòan còn là một cậu bé" và xác chết được chôn đi chôn lại 3 lần, cứ chôn xong, máy bay Mỹ thả bom xới cát, xác lại trồi lên. Lại chôn lại, lại xới cát...Chúng ta và con cháu chúng ta không được phép lãng quên trang sử bi tráng đó của dân tộc.


Cám ơn Thông NV và Nghị PH... đã chia sẻ với mọi Người: Cuộc sống giá trị đến dường nào!




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s