KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 27 Tháng tám. 2013

THÂN THƯƠNG QUÊ NGOẠI




Tác giả: DinhNT

Nhớ quê, thường là càng xa càng nhớ. Nếu cứ lấy bán kính rồi khoanh một đường tròn thì quê tôi nằm trên cái đường tròn có bán kính năm trăm ki-lô-mêch. Như thế cũng gọi là xa xứ được rồi, nhưng xa sao bằng những người có quê tận Nam Bộ, rồi Kiên Giang, rồi Cà Mau. Như với cháu Bình con rể tôi thì bán kính đó phải tính bằng con số ngàn, rồi nhớ quá nói vống lên là xa quê hàng ngàn cây số, cũng không thấy ngoa. Nhưng mà thương lắm! Vì thế, khi ngồi nói chuyện quê nội quê ngoại với bạn bè, tôi vẫn thấy mình là người hạnh phúc nhất rồi.

 

Thì nhé, quê nội quê ngoại tôi gần nhau lắm, chỉ là đầu làng cuối xã. Từ quê Nội cứ dọc theo dòng Kiến Giang thì khoảng hơn nửa tiếng chèo đò là đến. Nói thế cho nó xa xôi thêm một chút, chứ mà đi xe đạp hay xe máy như bây giờ thì xe chưa kịp nóng máy đã thấy nhà Ngoại rồi. Mà trên thực tế nó cũng nhanh thật, đến 4 cây số mà không có cái ngã tư nào, không có cái đèn đỏ nào, cũng không phải tránh cái ô-tô nào thì các bác bảo phải mất bao nhiêu thời gian!

 

Thời nhỏ, tôi gắn bó với nhà Ngoại lắm lắm. Tôi có cái thiệt thòi là ngay từ bé đã không được sống với Ông Bà ngoại một tí xíu nào. Già rồi, đôi lúc nghĩ lại vẫn thấy tủi thân, lạ thế. Có lẽ vì khi mình có cháu ngoại, rồi thấy nó hạnh phúc như thế nào trong vòng tay ông bà ngoại, rồi mới liên hệ đến bản thân, rồi thấy tủi chứ trước đây không có thế. Bù lại nhờ có mẹ, anh em tôi gắn bó với ngôi nhà của Ngoại hơn bất cứ một đứa trẻ nào ở quê!

 

Ông ngoại tôi hy sinh trong nhà lao Huế khi tôi còn chưa chào đời. Còn Bà ngoại lại ở Việt Bắc. Vì vậy mẹ tôi thường đưa các con về nhà Ngoại để chăm sóc ngôi nhà bỏ không trong hàng chục năm trời, vì thế mà trở nên gắn bó. Đến khi chị Cúc tôi bị tên lửa Mỹ phóng vào thuyền bị thương nặng, cũng được đưa lên nằm tạm để sơ cứu ở bến sông nhà Ngoại, rồi từ đó mới chở lên bệnh viện huyện. Vì vậy cứ mỗi lần về Ngoại là thế nào tôi cũng xuống bến sông ngồi một lúc lâu, khi nào mẹ gọi lên ăn cơm mới chịu lên. 

 

Ông Bà ngoại để lại cho mẹ tôi ba sào ruộng mật cách nhà có một tầm bắn súng cao su, vì thế kể từ lúc gieo mạ cho đến lúc cấy cây lúa xuống đồng, rồi đến ngày mùa nào là gặt là đập là phơi nhất nhất đều ở nhà Ngoại, mãi sau này đưa ruộng vào HTX mới thôi.

 

Ngẫm lại, trẻ con có gắn bó với bên ngoại hay không phần nhiều cũng nhờ người mẹ. Trừ những tháng năm tôi sống ở Hà Nội (cũng lại ở với bên ngoại!) còn nếu đã ở quê thì mẹ tôi luôn có việc để các con phải về bên Ngoại. Đứa lớn thì tự đi, còn bé thì lõn tõn chạy theo mẹ băng qua cánh đồng là đến nhà Ngoại. Nhờ thế lũ trẻ chúng tôi có thêm nhiều kiến thức về cây lúa, về con mương, về cánh bèo, về khoảnh ruộng và về các mùa vụ. Lớn lên lũ chúng tôi biết ơn mẹ rất nhiều vì những điều tưởng là bình thường đó.

 

Lẽo đẽo theo mẹ, và khi mới ló mặt đầu làng đã nghe tiếng chào hỏi vọng ra từ ngôi nhà đầu tiên - O Lài, O Lài! Rồi đến trôổng (ngõ) tiếp theo: - Dì Lài Dì Lài. Tâm hồn trẻ nhỏ cảm thấy lâng lâng rồi ngập tràn một tình yêu thương vô bờ bến. Sau này lớn lên mới hiểu thêm, đó cũng chính là phương thuốc hiệu nghiệm nhất dành cho những người phụ nữ lấy chồng xa nhà, để họ vượt qua được mọi gian nan vất vả, theo chồng nuôi con.

 

Khi đến thăm một nhà bà con, nghe bà Dì hỏi: "Ui chao, thằng Định đây têêê!" với giọng trìu mến và đầy yêu thương, nhưng hãy coi chừng là có pha chút hờn trách đấy nha! Biết thế để mà chăm về hơn, và mỗi lần về quê ngoại, hãy siêng ghé thăm nhà bà con hơn nữa. Để đến lúc nghe bà Dì chào bằng một câu hỏi: "Ui thằng Định, về lúc mô rứa con!", là coi như mình đã về đến nhà mình rồi!

 

Sau này khi ngôi nhà của Ngoại được sửa sang nâng cấp, khuôn viên mảnh vườn được quy hoạch lại thì Cậu tôi dặn con cháu, đứa nào cũng phải có trách nhiệm trồng một hai cây gì đó trong sân vườn ông bà để làm kỷ niệm. Trước đây tôi mang về trồng mấy cây ăn quả nhưng cứ đến mùa lụt là nó không qua được, cứ bị chết héo. Bây giờ ai về thăm ngôi nhà của ngoại tôi, nếu thấy phía trước sân có khóm mẫu đơn trắng thì đó chính là cây mẫu đơn tôi trích giống từ gốc mẫu đơn trên mộ mẹ chị Hồng Anh ở Nghĩa trang Mai Dịch - Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Khóm mẫu đơn này cho hoa màu trắng, rất nhiều hoa và đẫm hương thơm. Mỗi kỳ hoa nở, bướm ong kéo về đầy cả một khoảnh sân.

 

Tôi được cái may mắn là lần nào Cậu tôi về thăm quê đều cho tôi đi cùng, kể cả những lần đi bằng tàu hỏa. Còn nhớ lần đó Cậu tôi thấy trong người khỏe khoắn hơn mọi năm nên duyệt một cái chương trình khá nặng. Đầu tiên là từ Đồng Hới đi thẳng lên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện dâng hương trên đó trước, và thắp hương cho ông ngoại tôi. Ông tôi nằm ngay phía sau Đài Tổ Quốc Ghi Công, cạnh mấy Liệt sĩ Anh Hùng, trong đó có anh hùng Lâm Úy mà chắc ai cũng còn nhớ chiến công của Anh. Bà ngoại tôi nằm cách ông khoảng vài trăm mét, trên mé đồi phía ngoài Nghĩa trang.

 

Lúc về đến An Xá thì cũng đã quá trưa rồi, bà con kéo đến chật nhà, chào hỏi râm ran, thật là cảm động. Cậu tôi tiếp khách, hỏi han bà con, không quên một người nào. Thấy Cậu tôi tiếp khách nhiều hơi mệt, bà con biết ý khuyên cậu đi nghỉ, vậy mà cũng phải xong tiết mục chụp ảnh lưu niệm rồi mới đi nằm.

 

Các anh chị bố trí cho Cậu tôi nằm trên chiếc giường đôi kê sát ngay gian thờ Ông Bà. Thấy Cậu ngủ yên, tôi liền đưa cái quạt giấy cho chị Phúc rồi lục cặp lấy ra chiếc máy ảnh. Chị Phúc vẫy tôi lại gần rồi nói thầm: "Người ta kiêng chụp khi đang ngủ đấy". Chị Bình đang ngồi góc giường bên kia nhanh trí lấy trong túi ra con lắc bằng bạc nói là để đo năng lượng, chị vừa cho con lắc xoay tít vừa nói: "Chụp đi, chụp chị đi!". Không kịp ngắm nghía gì tôi bấm liền hai nhát, lấy ánh sáng thường hắt vào từ cửa sổ phía sát vườn.

 

Có lẽ sau gần tám mươi năm, đó là lần đầu tiên, Cậu tôi có được giấc ngủ ngon lành và yên bình nhất trong ngôi nhà của mình ngay trên mảnh vườn ông bà để lại. Lúc đó Cậu tôi đã ngoài chín mươi.

 

Cứ nhớ đến hình ảnh Cậu đang ngủ ngon lành trong ngôi nhà của ông bà vào buổi chiều tháng Chín năm ấy, tôi lại rưng rưng không viết tiếp được nữa. Các bạn thứ lỗi cho tôi nhé...

 

  

Cụ Khế Bách Niên


Người post: HaiNV

Ngày đăng: 27-08-2013 18:06






Xem 11 - 15 của tổng số 15 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HaiNV
28/08/2013 06:03:10

 


Trang Web KGU khi mới thành lập cách đây vừa tròn 3 năm có chưa đầy 200 thành viên. Hôm nay con số này đang hiện lên là 284. Chắc chắn, trong tương lai, chúng ta sẽ đón thêm những thành viên mới. Như vậy, con số 300 sẽ “cán đích” rất gần. Hôm nay, kể cả dâu rể (trừ đi con số khoảng trên 60 đôi "nội bộ") chúng ta có khoảng gần 224 thành viên "chịu khó" đi “đánh bắt xa bờ”. Như vậy, tính tổng ra chúng ta cũng tạm thời có khoảng 508 x 2 = 1016 quê nội và quê ngoại!


Trở thành những NGƯỜI BẠN, có lẽ ai trong chúng ta cũng mong ước được về thăm QUÊ BẠN một lần, bất kể đó là quê nội hay quê ngoại. Tôi tin rằng, nếu lấy bản đồ ra đánh dấu, chúng ta sẽ có “địa chỉ du lịch” gần như trải khắp 63 tỉnh, thành và một phần lớn của trên 700 quận, huyện của cả nước!  


Tôi rất cảm động là người đầu tiên được anh Tấn Định “thủ thỉ tâm sự” một chút trên đây về Quê Ngoại của anh: Một miền quê tươi đẹp và anh hùng. Một mảnh đất Địa Linh và Nhân Kiệt. Tôi như được theo anh về với tuổi thơ của anh, được chứng kiến cuộc sống lao động vất vả, những hy sinh, mất mát của Ông Bà Ngoại anh, của Cha Mẹ anh, của các Cậu, các Dì anh...những thành viên trong Gia Đình của một Vị Lãnh tụ vĩ đại, kiệt xuất mà rất đỗi bình dị giữa đời thường...


Tôi tự thầm nhủ, nhất định tôi sẽ về thăm Quê Ngoại của anh vào một ngày không xa!   


 



28/08/2013 00:40:38

Nếu trong bài Em Là Mùa Thu Hà Nội cái đam mê, chất lãng mạn của văn phong vô cùng thăng hoa, khiến bao nhiêu bạn đọc say sưa, thì đến bài này thật là chân chất, bình dị, sâu lắng. Có lẽ khi người ta viết về quê hương, thả hồn cho quê hương, sẽ có một tâm trạng đó chăng. Sẽ nhớ, sẽ thẫn thờ, sẽ sống lại với vô vàn kỷ niệm & sẽ khóc. Thổn thức & cả khóc nấc lên nữa kia. Anh Định, cảm ơn anh. Quê hương của anh, của mọi người, hình bóng ấy dù với bán kính lớn cỡ nào, ngàn dặm... cũng luôn nằm góc bên trái của lồng ngực. Quê hương !



Từ: Guest LiTM
27/08/2013 23:29:18

 Xin còm bằng một bài văn vần về vùng quê Quảng Bình, quê bác Giáp, quê ngoại anh Định, nơi tôi đã có dịp dừng chân hàng chục lần khi đi công tác qua và có rất nhiều bạn hữu. Người dân chân chất và mộc mạc, giọng nói ấm áp, và điều đặc biệt là ai cũng có đôi mắt đẹp! Đôi khi, những đôi mắt hút hồn người lại được níu kéo bằng sự mến khách, với đồ ăn của biển và sông ít nơi sánh kịp. Thành ra, Bộ tôi ai cũng yêu quý và lo Quảng Bình phải đón nhiều khách, như một trạm trung chuyển giữa miền Trung cát gió. Ở nơi đó vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện li kỳ về linh hồn chiến sỹ, chỉ kém Quảng Trị mà thôi. Bởi vì, ở nhiều gia đình, nền nhà, nền bếp, vườn ao, cứ đào xây dựng là chạm vào người xưa. Nhiều câu chuyện nghe rồi thấy đau quá, không đâu khổ như nước mình, người ra đi chẳng biết tên, chẳng biết nằm đâu, chẳng biết tan ra bay đi những nơi đâu, vì ít khi thi hài còn được nguyên vẹn. Nơi ấy cũng là vùng địa linh, nhân kiệt. Lịch sử sẽ phán xét theo đúng thực tế khách quan của nó. Nhưng bỏ ra những định kiến, những quan điểm chính trị, lịch sử và chúng ta vẫn công nhận ông Diệm là một người bài ngoại lai, bài Mỹ.


Ngày tôi chưa biết Quảng Bình,


chỉ nghe câu hát lung linh biển trời,


chỉ nghe tiếng sóng xa khơi,


con thuyền vào bến, người người mừng vui,...


 


Thế rồi, chân đã tới nơi,


bên bờ Lệ Thủy, nắng ngời cát tinh,


trắng như muối ở quê mình,


chang chang cái nắng, Quảng Bình mộng mơ,...


 


Ngẩn ngơ bao chuyện bất ngờ,


của thời bom đạn bây giờ còn nguyên,


này hồn chiến sỹ trung kiên,


hang sâu ôm ấp hồn thiêng bao người,...


 


Người ơi, nước mắt vẫn rơi,


làm nhà, dựng cửa, bao người cõi xưa,...


Một thời bom đạn như mưa,


một thời nước mắt tiễn đưa bao người,...


 


Quảng Bình, khi đến nhiều nơi,


còn vương dấu ấn, chuyện đời xót xa,


dòng Kiến Giang chảy lệ nhòa, 


Một bên tướng Giáp, bên là Diệm, Nhu,...


 


Thế thời, ai bảo ta, thù,


thẳm sâu tận đáy ngục tù là tim,


đau vì đất nước đắm chìm,


trong vòng nô lệ, đâu tìm chiến tranh!


 


Một người bậc thánh tinh anh,


một người yêu nước, bài thằng Mỹ ra,


bởi cùng uống nước quê nhà,


nên dòng máu nóng cũng hòa tình quê,...


 


Quảng Bình, nơi ấy đi về,


biển trời, rừng, động,... say mê lòng người,


Giọng hò cao vút lưng trời,


bao tâm hồn đẹp, trong vời biển xanh!



Từ: Guest cucnt
27/08/2013 21:40:37

Ngôi nhà ấy, giản dị khiêm nhường nép mình trong vườn cây xanh tốt, dưới cây Khế Bách niên giống như rất nhiều ngôi nhà khác ở Miền Trung quê tôi nhưng từ ngồi nhà ấy " vị thánh sống giữa đời thường' vô cùng kính yêu của dân tộc đã được sinh ra, lớn lên làm nên những điều diệu kỳ cho đất nước. 


Không phải là bài văn miêu tả mà là tiếng lòng thủ thỉ của tác giả đang nhớ về tuổi thơ của mình. "Ông bà ngoại để lại cho mẹ 3 sào ruộng" nên tuổi thơ tác giả cũng như bao đứa trể chăn trâu cắt cỏ khác đã có bao kiến thức về bông lúa, nương khoai và tình cảm thân thiết của người dân vùng quê. Căn nhà ấy bỏ không bao năm vì ông ngoại đã mất trong nhà Lao thừa thiên Huế, Bà Ngoại phải ra Việt bắc nuôi dưỡng chị Hồng Anh thay cho mợ Nguyễn Thị Quang Thái mất trong nhà tù và thay cho Cậu đang trên đường chinh chiến. Điều linh thiêng là cây gì tác giả trồng cũng chết mà đóa hoa cúc mang từ mộ chị Hồng Anh về thì nở rộ ngát hương. 


Trước đây em đã được đọc bài "chị tôi' và giờ đây lặng người khi hình dung tác giả cứ ngồi mãi ở bờ sông Kiến Giang nơi  chị Cúc đã ngã xuống vì bom  Mỹ dội.


Em và mọi người vẫn chờ đợi những dòng tiếp theo của tác giả viết về chuyến về quê của Đại tướng khi ông đã ngoài 90 tuổi.


Biết là anh đang xúc động nhưng viết tiếp đi anh Tấn Định nhé!



Từ: ThongNV
27/08/2013 19:59:48

Thật may mắn và hạnh phúc. Em chúc mừng anh Tấn Định.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s