KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 03 Tháng chín. 2013

NHỮNG CON ĐÊ




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                        NHỮNG CON ĐÊ


Chiều nay, lúc đọc khổ thơ đầu trong bài  "Những ngày xưa yêu dấu" của Đặng Thanh Bình vừa đăng trên Diễn đàn Kiev, tôi thấy lòng mình lắng xuống, nhớ đến nôn nao. Nhất là ở câu cuối:


                "Ôi những ngày xưa yêu dấu

                 Ra đi không thể quay về

                Ôi tình yêu luôn đau đáu

                Nhớ đêm về giải toán trên đê..."


Hình tượng đẹp quá. Bài thơ dẫn người đọc về với tuổi niên thiếu năm nào, trên những triền đê.

Quê ngoại tôi ở Thường tín, Hà tây cũ, sát với sông Hồng. Con đê cái lừng lững to cao, vững chãi chạy suốt từ cột mốc cây số 0 của đường 71, qua thôn tôi Vân La Thị, lên tới tít trên Xâm Xuyên, Xâm Thị, khu vực phà, cảng. Cái chân đê mới rộng, mới chắc làm sao. Trên mặt đê, xe tải, xe tăng của các chú bộ đội đã từng lăn bánh. Những tàu lá ngụy trang rũ xuống, héo lại trong ngày hè rực lửa.


Con sông Hồng cả sóng, những năm mùa nước lớn. Bên ngoài con đê, đất bãi, thuộc Vân La Thượng, dân vẫn ở. Nước lên, ngập ủm đến lưng nhà. Cả xóm bưng nhau lên mặt đê. Huyên náo trên đê như một phiên chợ muộn. Trẻ con khóc ỉ eo, người lớn gọi nhau ơi ới. Mấy con chó hung hăng sủa ăng ẳng. Mẹ tôi bảo, có một năm nước to lắm, đứng trên đê, khỏa được chân xuống nước oàm oạp.


Có những buổi chiều hôm. Trời chưa tối, nhưng nắng đã tắt hẳn, mới thấy trên con đê tĩnh lặng. Không gian nhuốm đi màu tím nhạt, trong veo. Trâu bò về chuồng, gà đã lên ổ. Các bác trong thôn tôi từ ngoài đồng về, xong việc đã nghỉ ngơi. Bấy giờ bọn trẻ chúng tôi lên cả trên mặt đê với đủ trò chơi. Đấy là những năm tôi còn sơ tán nơi quê mẹ. Thằng Kha nhà cái Khế phất một cái diều. Nó chạy như lao đi trong gió, lấy đà. Cánh diều màu trắng mốc, lúc đầu chao đảo, sau bỗng như được nâng lên, chắp cánh. Hai cái dải đuôi phơ phất bay bay. Chúng tôi ngắm nó chao mình trong gió với một lòng thán phục vô cùng. Bọn con gái ngồi phệt xuống triền đê tìm cỏ chọi gà.  Cái Điệp, cái Nhàn thì cắm cúi nhặt cỏ may đan chằng chịt khắp trên hai ống quần.


Trên con đê quê tôi, từ gà gáy đã lao xao, mỗi sớm mai vào phiên chợ. Chợ họp ngay dưới chân đê, với mấy túp tranh nghèo, mái rạ đã mòn. Đứng bóng, lúc chợ tan, gà gáy trưa xao xác, chợt gieo một tiếng buồn vu vơ. Trên đê, các bà, các chị về chợ, gồng gồng, gánh gánh, rảo bước trong cái nắng rớt lại cuối thu. Những cánh áo gụ đã bạc màu. Những nếp khăn mỏ quạ che đôi gò má ửng.... Thế nào trong cái mủng kia cũng giấu tấm quà cho đám trẻ đang trông mòng cả mắt. Trên con đê này, nhịp sống bình dị hằng ngày, hằng giờ khoan nhặt.

 

Những năm sơ tán, chúng tôi phải đi dọc con đê này lên trường cấp I của xã, tận trên Vân La Thượng. Những  ngày khô nắng ráo, cảnh trí thật là đẹp. Tôi tung tăng với đám bạn bè tới trường. Từ trên cao này của con đê, tầm nhìn thật phóng khoáng. Bên tay mặt là những vạt ngô xanh vừa cho bắp. Những cánh đồng mía bạt ngàn một màu xanh, xám. Làng tôi đất bãi, phù sa sông Hồng ưu ái cho bao nhiêu khoai màu. Bên tay trái con đê là rặng nhãn rậm rì viền lấy đình làng. Tôi nhớ mãi cái giếng đình to, rộng, lấm tấm bèo dâu và những bậc xuống gánh nước rêu xanh phủ kín. Sân đình là chỗ chiếu bóng, nơi văn công về trình diễn. Trên con đê, tôi hay gặp con bê con đang rúc tìm vú mẹ. Dọc đường đi học, từ trên cao này, chúng tôi mục kích được dưới gốc bưởi nhà ai, có trái rụng từ đêm trước.

Đến những ngày mưa lậm lội, đường xá thật là trở ngại. Bùn nhẽo quánh lại dưới chân. Từ trên đê, đám bạn bè tay đeo túi sách vở, áo tơi lùng thùng, thế mà băng băng lao xuống dốc. Còn tôi, loay hoay với lọ mực, lại còn đôi dép đã trật ra khỏi chân, chưa biết tính sao. Nhìn cái dốc phải xuống, vừa dài vừa trơn như có mỡ, mà tôi hãi.

Bỗng đâu, cái Khế cầm lấy tay tôi lôi tuột đi :

- Nào, bấm chân xuống cho chắc nhé.

Tôi bị bạn lôi đi băng băng, như cuốn trong cơn lốc. Ngoái lại nhìn, mặt đê đã xa dần.


Trên cao của con đê, sẽ ngắm được nơi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử lúc Nàng đang tắm. Khúc sông này, phía đối diện chính là vùng Khoái Châu, Hưng Yên cũ.


Có một chiều mùa đông năm ấy, hình ảnh bà trẻ tôi trên con đê, khiến tôi thương bà quá. Sau trận oanh tạc của máy bay Mỹ, ai nấy từ hầm trú ẩn trở về. Nhưng con chó mực của bà thì mất tăm, mất tích. Chắc nó sợ quá chạy trốn mất rồi. Bà trẻ tôi gọi khản cả tiếng. Cứ một mình, bước thấp, bước cao trên đê trong chiều chạng vạng, đi tìm con mực. Bóng bà bé nhỏ, lưng khom khom, đổ xuống mặt đê...


Trên đê những ngày mùa thì đông như có hội. Trẻ con được nghỉ mùa, nhao cả ra đồng. Lúa nườm nượp, kĩu kịt trên vai. Cả triền đê một màu vàng óng. Người ta chở lúa trên cả những xe cải tiến. Tiếng bánh xe khô dầu, lúa lại đầy ăm ắp, xe ì ạch vượt trên những ổ gà lớn nhỏ.

Có những đêm, từng đoàn cao xạ pháo của các chú bộ đội chạy rầm rập trên con đê cái làng tôi. Sớm mai, lúc trên đường tới trường, hai bên đường đã mọc lên những ụ pháo mới tinh, khoác  trên mình vòm lá xanh vừa hái.

 

 

Cuối làng tôi, còn một con đê quai. Nó không cao và không to sừng sững như con đê chính. Con đê quai làm thành một thung lũng tuyệt vời cho bọn trẻ chăn trâu và chúng tôi. Chúng tôi tụ tập ở đây vào các buổi chiều, sau lúc ở trường về. Chia nhau đi nhặt cành khô, lượm củi. Chất chúng lại đốt lên một đống lửa hồng ấm áp trong những buổi chiều đông. Cả bọn say mê đào củ rong giềng, mang về vùi vào đống lửa. Mùi thơm của rong giềng nướng thật hấp dẫn, ngay cả lúc đã no cơm. Ngồi đợi nướng rong giềng, tay xua làn khói mỏng, chúng tôi miệng cùng ngân nga :


"Khói về đằng kia ăn cơm với cá

Khói về đằng này lấy đá đập đầu "


Về sau này, khi tôi rời quê ngoại sơ tán sang huyện khác. Không bao giờ tôi lấy lại được kỷ niệm này.


Con đê quê hương với dòng sông chảy dài theo năm tháng.

Ở đấy, tôi có những bức tranh đẹp hơn thảy các bức tranh.

Nơi tuổi thơ của tôi dệt biết bao kỷ niệm.

Và những ngày xưa yêu dấu đã mãi xa tôi, không bao giờ trở lại...

Ôi những con đê !


Cologne 02.09.2013


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 03-09-2013 00:12






Xem 11 - 20 của tổng số 20 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HoaNT
04/09/2013 15:29:26

Đọc bài này lại nhớ những ngày sơ tán ở Hồng Châu năm xưa, hàng tuần cứ đến thứ bảy lại đi bộ vượt qua đê để ra Thường Tín đón xe buýt về Hà Nội đấy Thu ạ.



Từ: Guest Ukraina
04/09/2013 09:37:34

Thu có cả đề tài về những con đê. Mới đọc mình tưởng Thu viết về thủy lợi, đê điều.



04/09/2013 01:56:09

Những con đê xanh viền lấy những dòng sông, từ trên cao nhìn xuống, có thể chúng sẽ giống như những cái gân lá cây, xanh & chằng chịt. Ở VietNam, con đê thật mộc mạc, giản đơn. Nhưng có lẽ vì thế mà chúng gắn với đời sống thường nhật của con người - những người ven sông. Thử nhìn hệ thống đê có hạng của thế giới- đê biển ở Hà Lan, sẽ thấy khác biệt ấy lớn đến độ nào. 


 



      Đê biển Afsluitdijk - Hà Lan


 


 



Từ: Guest Thăng Long
03/09/2013 23:22:57

Mọi người viết về đê, nói đến những con đê. Nhưng có mấy ai biết đến cái khổ, cái vất vả của những người đi đắp đê không ? Để giữ được những con đê như hôm nay. Có chế độ, chương trình dân công đắp đê đấy. 



Từ: KhoaDT
03/09/2013 22:10:23

 


Thu có một bài hoài niệm tuyệt vời về những con đê. Đọc mình lại nhớ những năm sơ tán bom Mỹ theo trường cấp 3 Chu Văn An ở Khoái Châu, Hưng Yên (chắc gần chỗ Thu nhắc đến). Cứ 2 tuần lại được về Hanoi nghỉ và con đường bon xe đạp có một đoạn dài là đi trên đê sông Hồng, cảm giác đặc biệt và khó quên.


 


 



Từ: Guest Vân Anh
03/09/2013 21:29:57







Từ: Guest Vũ Đặng
03/09/2013 20:20:09

   Ai đã từng sống,hay đả từng đi qua những làng ven sông cùa đồng bằng Bắc bộ sẽ không thể quên những triền đê nằm uốn mình theo dòng sông đẹp đến thế nào...dù sông có dữ dội mùa nước lũ,hay cau có vì nắng hạn thì đê vẫn dịu dàng kề bên chẳng một lời trách móc...Có những người xa quê học hành hay mưu sinh,khi trở về chỉ cần đặt chân lên con đê đầu làng,đã có ngay cảm giác là về đến nhà rồi,thế mới biết,con đê nó trở nên gắn bó từ bao đời với những con người vùng ven sông.


  Cảm ơn ThuKK,bao kỉ niệm vui buồn từ "con đê đầu làng..."mà Thu gợi lại một thời đã qua,làm cho VĐ càng thêm nhớ quê nhà bao năm chưa về... 



Từ: CucNT
03/09/2013 17:19:34

Quê em không có đê vì là Thạch thượng ( đá cao) nhưng đọc bài miêu tả con đê của chị Thu và thêm những dòng bổ sung của anh Giang, chị Ba mới thấy con đê đáng yêu biết nhường nào. Nó quan trọng vô cùng và cất giấu bao kỹ niệm của mỗi người.


Chị Thu ơi! lúc nào về quê ngoại, chị chụp hình Tiên Dung tắm rồi khoe cho các Chử Đồng Tử thấy dòng sông trong đê đẹp cỡ nào nhé!



Từ: BaLX
03/09/2013 09:34:51

Đọc bài " Con đê " của em làm chị nhớ lại những năm sơ tán. Hồi đó khoa Pháp văn trường ĐHSP Ngoại ngữ ba chị sơ tán về Hưng Yên, chị không nhớ huyện nào, chỉ biết nơi đó lúc đó có nhiều người mắc bệnh chân voi. Tháng nào chị cũng đạp xe đạp từ HN lên đó 1 lần, qua khỏi cầu Long Biên, rẽ qua đường lên con đê đi huyện Kim Giang, cứ đi miết theo con đê to này sẽ tới nơi. Chị nhỏ con lại ngồi trên chiếc xe Phượng Hoàng TQ cao kều, đạp mãi đạp mãi tới hơn 100 km mới tới, đến nơi mệt nhoài. Có lần xe hư, trời đã tối mà vẫn một mình đi trên đê chị đã thấy sợ thật sự, nhưng rồi mọi thứ cũng qua. Vừa đi vừa về 200 km, quả là một đoạn đường dài khi đi một mình trên con đê không có một bóng cây, không nhà cửa đối với một người bé nhỏ như chị cũng thấy quá sức rồi. Nhưng chuyện cần thì phài đi. Thời sơ tán phải đi qua nhiều nơi, phương tiện chủ yếu lúc đó là những chiếc xe đạp. Bây giờ nghĩ lại thấy sao lúc đó mình bạo thật, xa như vậy mà dám đi một mình, thời thế buộc phải thế mà.        



Từ: GiangHV
03/09/2013 08:16:00

 


Quê tôi nằm dọc ven sông Hồng, ở nơi trước khi con sông Cái chia nhánh thành sông Luộc, sông Trà Lý, nên đoạn sông Hồng ngang qua quê tôi lớn lắm, đi đò qua sông cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Thế nên con đê ven sông cũng phải lớn theo, tới mức sườn phía trong của đê (rộng thênh thang, khá thoai thoải) đã được làm bãi chiếu phim mỗi khi có đoàn chiếu bóng lưu động về. Mùa hè ngồi trên sườn đê xem phim cực khoái, rất sạch và rất mát. Phông được căng ở dưới chân đê, máy chiếu được đặt ở lưng chừng đê, sườn đê bỗng dưng trở thành khán đài tự nhiên khá lý tưởng, ngồi xem phim rất thoải mái, không ai che khuất ai. Làng tôi cách bờ đê chừng nửa cây số, thuở bé bọn trẻ con chúng tôi thường phải qua đê ra bãi để cắt cỏ mang về cho trâu. Cỏ ngoài bãi sông tốt lắm, vừa cắt vừa chơi cũng chỉ chốc lát là đã được một gánh đầy. Vất vả nhất cho bọn trẻ con là phải đưa gánh cỏ nặng trĩu về nhà qua một con đê sừng sững cao gấp mấy lần nóc nhà. Sắp đến rằm tháng 8, nhờ có bài viết này của Kim Thu mà tôi lại bỗng nhớ lại kỷ niệm cắm trại trên mặt đê của thiếu niên quê tôi vào dịp Tết Trung thu hàng năm. Còn nhớ lắm, cứ vào dịp Tết Trung thu là các chi đội thiếu niên của xã tôi lại lên đê cắm trại, thường thì mỗi xã một điểm trại, trong đó mỗi thôn (một chi đội) một trại. Trại được cắm từ chiều ngày 14 đến chiều 15, chiều 14 thi cắm trại giữa các chi đội (dựng nhanh, tháo dỡ nhanh, trại đẹp), tối thi văn nghệ, sáng 15 thi đấu các trò chơi dân gian, trong đó có một trò được bọn con trai ngóng đợi nhất - trò chơi trận giả ngoài bãi sông. Bãi sông quê tôi hồi đó trồng chủ yếu là mía, đay và ngô, loài cây nào cũng tốt, cây cao ngập đầu. Vậy là bọn trẻ bên quân đỏ tha hồ mà ẩn nấp để bí mật tấn công vây bắt quân xanh để tịch thu chiến lợi phẩm (cờ hiệu). Trong thời gian cắm trại bọn trẻ được ăn cơm tập thể 2 bữa do các anh chị đoàn viên nấu nướng, thích lắm. Vậy là đứa nào cũng mong tới rằm tháng 8 để được đi cắm trại. Để khích lệ phong trào, thiếu niên quê tôi hồi đó còn đưa ra một chỉ tiêu phấn đấu rất có tác dụng: bạn nào bị chi đội bình xét là đội viên loại 3 thì sẽ không được đi cắm trại. Sắp đến Tết Trung thu rồi, nhớ lắm hình ảnh cắm trại trên đê những năm nào.


Rất cảm ơn Kim Thu đã gợi lại cho bọn mình về một hình ảnh rất đẹp, với rất nhiều kỷ niệm - Con đê quê hương.


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s