KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 06 Tháng chín. 2013

Năm Dự Bị




Tác giả: Mai Lâm

 

Đọc bài “ Bức thư của trường KGU……” của anh Khoa,  nhìn những dòng chữ tiếng Nga và chữ ký của thầy Pusnhiak, trong đầu tôi bao kỷ niệm về năm dự bị lại ùa về. Trong thư các thầy có chúc mừng học sinh đã kết thúc năm học dự bị, quả là nó quan trọng như thế nào. Người ta đặt tên cho cái năm đầu của lưu học sinh là подготовитель  thật  không sai. Chúng ta cần chuẩn bị về ngôn ngữ, chuẩn bị sức khỏe, thích nghi với khí hậu, làm quen với phong tục tập quán của nước bạn, vượt qua mọi sự mới lạ để rồi chắc chắn bước chân vào trường đại học.

      Tôi nhớ những ngày tháng tám cách đây đúng 40 năm (1973) chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến Kishinhop. Khác hẳn những năm trước , khoa dự bị của trường đón tiếp 100 sinh viên Việt Nam, đông nhất từ trước tới bấy giờ. Oб 4 được giành riêng cho dự bị. Năm chúng tôi còn có một cái đặc biệt nữa là cùng tuổi với khóa 1972, nên ra đón chúng tôi ngoài một vài anh chị lớp trên còn là các bạn. Khi đến Irkut, chú Nhu ở ĐSQ có nói, mấy đứa đến Kishinhop được  gặp Bồng Lai, Chi Lan , Thu Hồng,  sẽ vui đấy. Nghe mấy cái tên tôi thấy lạ lạ, hay hay nên cũng rất tò mò. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Chi Lan, chả là Chi Lan có bạn trai là Quốc Khánh đi cùng năm chúng tôi. Nhìn Chi Lan váy áo điệu đàng, lướt qua lướt lại, miệng nói nói cười cười với bà commendant trước mặt một lũ vừa mệt mỏi vừa lôi thôi lếch thếc từ ga về, chúng tôi thấy vui mắt thật. Tất cả 15 đứa con gái được ở tầng hai. Tôi, Bình, Hương, Cúc ở một phòng còn Hậu ở với mấy bạn sinh vật. Từ đó bắt đầu cuộc sống của năm dự bị với bao điều ngô nghê, ngốc ngếch nhưng rất thú vị.

SAI NĂM QUÂN

Ngay sau khi nhận phòng, mấy đứa bắt đầu lục túi xem còn bao nhiêu tiền để tìm đường ra magazine. Mấy hôm trên tầu ăn bánh mỳ nên thấy thèm cơm. Bốn đứa đi một lúc vác về được một ít gạo, hai cái bắp cải và vài quả trứng, cũng chỉ đủ tiền mua thế thôi. Lúc ở Irkut được phát 5 rub mỗi người, đến Mát ăn tiêu, đi dimutuki mua bút bi và giấy viết thư gần hết rồi. Có thực phẩm rồi nhưng làm thế nào để nấu đây? Công nhận, Hương lớp tôi rất tháo vát, nó đi lòng vòng một hồi đem về một cái nồi cũ, méo mó, chúng tôi đổ gạo vào nấu cơm, còn rau và trứng thì luộc vào cái ấm đun nước tráng men màu xanh mà mỗi phòng đều có một cái. Rau cơm chín rồi thì lại nảy sinh vấn đề: ăn bằng gì? Các anh chị năm trên ở oб khác và phần lớn họ vẫn chưa đi nghỉ về, còn các bạn xung quanh thì cũng như mình thôi.Chúng tôi quyết định để nguội và sai năm quân. Bốn đứa vừa ăn vừa chảy nước mắt. Cúc bảo, quê Hà Tĩnh tớ lúc bom đạn cũng chưa phải dùng đến chiêu này, thế là cả mấy đứa lại nhe răng ra cười. Đến tận sau này, khi các con tôi đi học nước ngoài, bằng mọi cách tôi cũng phải nhét vào valy của chúng cái bát và đôi đũa.

THỰC HÀNH TRONG NHÀ ĂN

Ngày hôm sau, chúng tôi đã nhận tiền và cả lũ được dẫn sang nhà ăn. Ngồi đối diện với tôi và mấy đứa là bạn Phan, bố của Phan là bác Nguyễn Cơ Thạch - bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước ta lúc bấy giờ. Con nhà ngoại giao có khác, thay vì các bạn trai mặc bộ comple bác Bửu phát thì Phan mặc bộ comle màu kem, với dáng người dong dỏng cao, trông cậu ta rất đẹp trai, sạch sẽ và sang trọng. Không biết có phải trông chúng tôi ngố hay Phan thích rao giảng nên cậu ta bắt đầu …“ Ngồi vào bàn ăn thì hai tay phải đặt lên bàn. Khi ăn thì phải ngậm miệng nhai….” Phan từ bên trường quân sự đi nên không biết chúng tôi đã được phổ biến khi học chính trị trong nước. Chúng tôi vừa ăn vừa lơ đãng nghe. Bỗng tôi nhìn thấy quả cà chua bi chín mọng trong đĩa salat, thế là lấy dĩa xiên vào và đưa lên miệng. Khi tôi vừa cắn quả cà chua để kéo cái dĩa ra thì phập, cả phía trước áo comle của Phan là một hàng nước cà chua. Phan ngừng bặt, với tay lấy mấy tờ giấy ăn được gấp hình tam giác trong cái ly gần đó để lau áo. Tôi vội vàng nuốt chửng quả cà chua và bối rối xin lỗi, trong khi đó mấy đứa cùng bàn lại cười phá lên. Lúc Phan đi rồi Hậu còn nói với tôi, tại sao lại xin lỗi, phải nói cám ơn vì Phan đã là người để cho tôi kiểm chứng tác hại của việc nhai không ngậm miêng.

TẨY GIUN.

Chắc ai học dự bị cũng đều phải qua trải nghiệm này. Những chai xị thuốc nước màu vàng lưu huỳnh, mùi kinh khủng y như thuốc trừ sâu. Mỗi lần uống ai cũng phải nhăn mặt, bịt mũi để nuốt. Mà nào có phải uống một lần duy nhất. Mỗi lần uống xong lại phải lấy “ mẫu phẩm” để xét nghiệm, có vấn đề là lại uống tiếp. Trong bọn tôi có một bạn, mỗi lần uống là cứ nôn ra hết. Đến lần thứ ba thì không chịu nổi nữa nó bèn nghĩ ra cách xin “ mẫu phẩm” của người khác để xét nghiệm. Không hiểu tại sao, người cho “mẫu” thì lại không bị uống thuốc tiếp còn bạn tôi lại nằm trong danh sách  phải uống nữa vì còn trứng giun.

MUA ĐỒ CHỐNG RÉT

Dự bị là năm mà lúc nào đi đâu chúng tôi cũng đi theo tập thể, mua cái gì cũng giống hệt nhau. Nếu nói như bây giờ là “ chủ nghĩa bầy đàn”. Mỗi người được 300 rup, cố gắng mua tiết kiệm để được nhiều vật dụng. Sau khi bà giáo dẫn đến một cái kho quần áo thiếu nhi của univermag . Chúng tôi bắt đầu chọn, mỗi đứa một cái áo kurtka mầu nâu, dài quá mông, có thắt lưng , trông giống như áo của Paven Korsưgin. Mỗi người một pantô y như nhau chỉ khác màu xanh hoặc đô. Đến khi lên năm thứ ba, tôi đi thăm bạn ở Baku, chị Bình Trần đã phải đổi áo pantô cho tôi, chị bảo “ mày mặc áo đó làm mất mặt con gái Kishinhop. Thằng Kỳ nó bỏ đấy”. Còn đôi tufly nữa chứ, đứa nào cũng một đôi màu nâu nhạt, cứng ngắc, trơn tuột. Có lần, Bình lớp tôi vì vội nên đã để hai chiếc giầy bay ra đằng trước, hai chân đi tất mỏng chạy theo sau trên sàn gỗ ký túc xá mới đánh bóng. May mắn tôi và Hương lại chọn giầy có quai gài đằng trước với lớp ximily bóng dễ lau. Đó là niềm tự hào của hai đứa mỗi khi đi giầy, tuy nhiên nó không được bền lắm. Tôi nói vui thế thôi chứ tất cả những đồ dùng này đã giúp chúng tôi vượt qua cái lạnh ở Môn đấy.       


TRONG PHÒNG NGHE

Không biết các anh chị năm trên như thế nào chứ khóa chúng tôi vì quá đông nên buổi sáng học trên lớp, chiều các lớp chia theo tốp vào phòng nghe. Lớp tôi được nghe đầu tiên. Sau khi ăn trưa xong, lại được nghe đọc ở bên tai cứ như là ru ngủ vậy. Nhìn ở ngoài thì có vẻ tập trung, im ắng, nhưng thỉnh thoảng lại có người giật mình choàng tỉnh, mặt mũi hớt hơ hớt hải, trên trán, má, đầy những vết hằn tròn đỏ lựng do cái tai nghe in lên vì khi ngủ  gục đè lên chúng.

Một hôm, Bình nhà ta đang ngồi ở đầu bàn, vừa nghe vừa gật gù… thì Tài (Sau học thủy văn ở Ođexa) tiến tới vỗ vai và lẩm bẩm gì đó. Bỗng thấy Bình giật phắt ống nghe ra khỏi tai, dạt người sang một bên, mắt mở to trừng trừng nhìn Tài. Tài tiến lại gần hơn, ghé vào tai Bình thì thầm… Không biết hắn ta nói gì mà sau đó thấy Bình đưa cuốn sách bìa màu vàng “Балуева”. Sau buổi học, mấy đứa con gái xúm lại hỏi chuyện gì đã xảy ra lúc đó. Bình kể lại: …Thằng Tài nó hỏi mượn cuốn Балуева mà tớ lại nghe là “Bạn ngồi lùi vào”, ngay lập tức tớ nghĩ:”Không biết nó có ý định cưa cẩm gì đây!”, còn nhiều chỗ trống mà sao nó cứ xán lại, bắt mình ngồi lùi vào để được ngồi cạnh. Nghe đến đây, Hương đế ngay một câu:

-          Đáng nhẽ Bình phải trả lời “Làm gì có hào nào mà cho”…

Cả đám lại bò ra cười. Đúng là đang học nghe có khác.

NẰM BỆNH VIỆN

Thế rồi mùa đông đầu tiên cũng dần trôi qua. Bà giáo của chúng tôi rất phấn khởi vì thấy học trò tiến bộ. Riêng phần tôi, hình như bị ảnh hưởng của thời tiết, mũi tịt hoàn toàn, không thở nổi. Đầu thì nặng trịch không ngóc lên được. Chẳng là, hồi ở nhà tôi đã bị viêm xoang. Qua bên này chắc chưa kịp thích nghi nên cái xoang nó hành. Tôi cũng không biết làm thế nào mà tôi lại có mặt ở bệnh viện nữa. Chỉ nhớ rằng, ngồi trước mặt tôi là một bác sĩ với bàn tay và cái panh khám mũi to đùng. Sau khi soi chiếu, ông ta bỏ cái panh sang một bên rồi cứ nhìn chằm chằm vào cái răng khểnh của tôi. Cuối cùng, ông ta nói:

- Mày phải nhổ cái răng này đi.

- Tôi đến đây khám mũi chứ có khám răng đâu! Tôi trả lời – Với lại, nó không мешать tôi.

Ông ta liền bật ra

-    Nó không мешать mày nhưng nó мешать tao.

Và không biết có phải do cái răng khểnh của tôi nó làm phiền ông không mà khi chọc xoang cho tôi, thay vì ra nước mũi thì toàn thấy máu chảy ra. Tôi đau giật nửa đầu và phải nhập viện…

Hồi đó, chỗ tôi nằm người ta gọi là trại, các phòng được ngăn cách với nhau bằng vách gỗ sơn trắng. Hai dãy hai bên, hành lang nhỏ ở giữa. Sàn cũng làm bằng gỗ. Giường của tôi được đặt gần cửa ra vào. Do đất nền lồi lõm nên mấy mảnh gỗ sàn ở ngoài hành lang nối vào phòng nơi đặt giường của tôi bị bập bênh. Cứ mỗi lần các cô y tá, hộ lý ục ịch đi ngang qua là cái giường của tôi  lại đung đưa, bật lên bật xuống, đấy là chưa nói tới tiếng gót giày nện thình thịch xuống sàn. Tôi đang đau đầu, rồi lo lắng vì chuyện phải nghỉ học nên càng khó chịu. Chỉ muốn gây sự với mấy cô y tá, hộ lý, đôi khi họ hỏi tôi không thèm trả lời.

Khổ cho bà giáo tiếng Nga của tôi. Buổi sáng lên lớp. Buổi chiều lại phải đến bệnh viện để chăm sóc và dạy tôi học. Cô Elena Stepenova ở trên lớp rất nghiêm song khi đến bệnh viện chăm tôi cô lại dịu hiền như một người mẹ. Bà ngồi vào cái giường lắc qua lắc lại và tôi thuộc ngay lập tức động từ колебать… Sau đó, bà đi gặp bác sĩ. Tôi nhanh chóng  được chuyển sang giường khác. Nhờ sự chăm sóc của bác sĩ và bà giáo mà sức khỏe và tiếng Nga của tôi được cải thiện hơn. Mấy cô y tá, hộ lý mà lúc trước tôi chỉ muốn cãi nhau thì nay trở nên thân thiết. Khi tôi ra viện, mọi người rất quyến luyến nhưng kiêng nói:” до встречи”. Qua đó, tôi ngộ ra rằng, học trong cuộc sống còn mau hơn ngồi lải nhải trên bàn, nhất là học ngoại ngữ.

Đó là những gì chúng tôi đã trải qua năm dự bị. Tôi biết, tất cả những điều trên có thể là tốt, xấu, ngu ngơ, dại dột, trò nghịch ngợm… nhưng đều là những kỷ niệm của tuổi thanh xuân, mãi không bao giờ quên của chúng tôi, mặc dù 40 năm đã trôi qua.

Tôi viết không được hay lắm. Mọi người đừng cười  nhé. Nhất là các em luật.                         

 

   

       

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 06-09-2013 11:11






Xem 11 - 20 của tổng số 30 Comments



Từ: Guest BM
07/09/2013 10:08:29

Chúng mình có một năm dự bị,


học tập tiếng Nga, chuẩn bị sinh viên,


ai cũng thế, ngây ngô và hồn nhiên,


chưa biết gì về cuộc đời đây đấy,...


 


Có phải vậy, mà xốn xang biết mấy,


khi cùng nhau học dự bị một miền,


cùng nhau đánh vần để cười cũng vô duyên,


chữ ấy đọc lên nghe làm sao ấy nhỉ,...?


 


Lại cùng nhau thật là thi vị,


chén những món ăn chưa biết nấu cho ngon,


muốn ăn kem hỏi vòng vẫn may còn


có người hiểu để chúng mình biết lối,...!


 


Vui thật đấy, khi ông trời chợt tối


cả lũ hè nhau thử đủ thứ mới mua,


cứ thích giống nhau, theo mỗi một mùa,


cùng màu sắc, cùng như lũ ngố,...!


 


Nhưng vì thế, dẫu đứng xa mấy phố,


vẫn nhận ra nhau, kìa lũ bạn của mình,


đứa nào cũng thế, cười rất là xinh,


bím tóc dài cứ vắt va, vắt vẻo,...


 


Tiếng cười òa lên, thật là trong trẻo,


có tên kia, sao lại đỏ mặt lên?


Cô giáo chúng mình cũng thật là hiền,


cái lưỡi cứng, đọc tiếng Nga dần chuẩn,...


 


Nhớ những buổi chúng mình học muộn, 


vẫn muốn cùng nhau kể câu chuyện ban chiều,


sân bóng đôi khi chẳng thiếu bao nhiêu,


mà cứ vắng nếu chiều nào thiếu bạn,...


 


Một năm ấy, chuẩn bị cho ngày tháng,


bước đi sinh viên đã đầy đủ tự tin,


đã biết tiếng Nga rất yêu lũ chúng mình,


nên tiếng hát cũng dần vang mỗi tối,...


 


Năm dự bị qua đi rất vội,


nhưng tiếng cười còn mãi vọng không gian,


tiếng bạn ta, vẫn thế, vẫn miên man,


vẫn câu chuyện mà ta nghe không chán,...


 


Dẫu lắc lơ, xa rồi theo ngày tháng,


vẫn mảnh trời dự bị thật hồn nhiên,


sống mãi trong ta, những kỷ niệm một miền,


sợi tơ óng ban đầu, tuổi hồn nhiên dự bị! 



Từ: Guest Vân Anh
07/09/2013 09:15:00







Từ: ThongNV
07/09/2013 06:34:41

Hay nhất là câu này: "Tôi viết không được hay lắm. Mọi người đừng cười  nhé. Nhất là các em luật".    



Từ: 3Chai
07/09/2013 03:14:00

Một chuyến du lịch miễn phí về thăm quá khứ. Cảm ơn bạn nhiều lắm.



Từ: HuyenBT
07/09/2013 03:02:14

Ôi, chị Lâm, chị làm em nảy ra ý muốn, ngay ngày mai phải lượn xe qua kí túc xá của các  chị để nhìn lại một cái. Kísinhốp đang vào mùa đúng như ngày đầu tiên các chị đặt chân tới, năm dự bị. Nếu được ở đây ngay lúc này, chắc các chị sẽ nhận ra ngay những cảm giác của mình thời ấy đấy. Chi viết thật sống động, em cứ ngỡ như ngày mai ghé qua ob 4, em sẽ gặp được các chị, gặp nụ cười có cái răng khểnh của ai đó, gặp mái tóc nâu nâu hiền lành của cô bé nào đó, gặp những Cúc, những Bình, những Hương, những Lan ...Ai cũng thấy như gặp lại mình trong bài viết của chị, thậm chí là chúng em, những người đến sau cả chục năm. Những kỷ niệm sinh viên chúng mình nhắc lại bao giờ cũng thấy yêu, thấy quý quá. Chi viết nữa đi, kể về cái gì cũng được, chị Lâm ơi!


 



Từ: UyenNT
07/09/2013 01:13:56

   Chúc mừng Lâm đã xuất hiện trên KGU.Bài viết hay đền nỗi thế hệ "già" như bọn anh cũng cảm nhận được sự ngô nghê của các bé "dự bị" như thế nào.Phát huy tiếp Lâm nhé.Em viết rất mộc mạc mà lại hay như bài "chân quê" của Nguyễn Bính ấy.



Từ: HuongNT
06/09/2013 23:52:04

@ Anh LyMX: em chú thích ảnh cho anh nhé:


Ảnh 1: từ trái qua hàng trước là Cúc, cô Emilia Stepanovna, cô dạy hoá, Thanh Bình.


                  Hàng sau: Anh Oanh, Hậu, Mai Lâm, Anh Giao và Hương.


Ảnh 2: từ trái qua hàng trước là Xuyến OB79 (đã mất 2011), Hương, Cúc.


                   Hàng sau: Mai Lâm, chị Lĩnh OB79, chị Lan OB79, Thanh Bình.


 



Từ: LyMX
06/09/2013 23:19:12

Lại thêm một bài viết cảm động về tuổi trẻ của chúng ta. Bạn Lâm "răng khểnh" có thể chú thích tên của những người trên ảnh không. Anh nhớ mặt một số bạn nhưng không nhớ ra tên.



Từ: KhoaDT
06/09/2013 22:24:34

Mình rất thích bài hồi tưởng về năm dự bị của Lâm. Dọng văn mộc mạc nhưng thật đến mức mà chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy một phần của mình trong đó. Từ ngày lang thang ở Irkusk, đến việc đươc trang phục đông theo kiểu "đồng hạng 300 rúp", rồi uống thuốc tẩy giun (có lẽ trong đời tôi chỉ có duy nhất năm dự bị được nếm mùi thuốc tẩy mạnh như vậy, nhớ là cả lớp dự bị 70 đều nghỉ học vì say thuốc, ở ký túc xá 3 giữa ban ngày vắng tanh chỉ mấy thằng dự bị ra vào toilet gặp nhau nhăn nhó!). Tốt nghiệp dự bị ở KGU đúng là một chiến công nho nhỏ của mỗi chúng ta. Cám ơn Lâm đã nhắc chúng ta về những kỷ niệm chung khó quên này. 



Từ: LyTM
06/09/2013 21:03:16

@ chị Tuyết ơi, em ngắm đi ngắm lại những bức ảnh của các chị ấy ngày 17 tuổi, còn như những cô bé mới lớn, yêu ghê cơ. Chị Lâm viết rất hay, lại cũng mang tính nghiêm túc của nhà khoa học, có các tít đậm cho từng chủ đề. Bởi vậy, em phải chờ có thời gian đọc kỹ hơn mới dám com. văn vần chị ơi!


Bây giờ thì em viết đây ạ, chả biết có được như chị mong không? Em vào vai chị Mai Lâm nhé:


Lòng bâng khuông sớm Sài Gòn đầy nắng,


nhớ xa xưa, thời trong trắng, ngây thơ,


tuổi mười bảy, với bao đợi bao chờ,


những ước mơ mới tơ vương chồi nụ,...




Dẫu năm tháng, bụi thời gian che phủ,


vẫn tinh khôi, nhưng bỡ ngỡ đầu xuân,


vẫn xốn xang những kỷ niệm vui buồn,...


vẫn thánh thót, tiếng Nga trong tiềm thức!




Chúng mình cùng mong, giống nhau hết mực,


từ áo măng tô đến đôi ủng, đôi giày,


từ chiếc áo len đến màu găng tay,


cứ như con cùng sinh năm, sinh bảy,...




Cùng trêu nhau, khi nói về người ấy,


cả khi vụng về, chống chế chuyện đâu đâu,


khi ốm, khi buồn, hay lúc đau đầu,...


cũng luôn bên nhau, bên bầu, bên bạn,...




Cùng sẻ chia những ngôn từ khai sáng,


lời thày cô, những năm tháng sinh viên,...


vẫn còn đây, vọng tiếng cười dịu hiền,


của mỗi chúng mình, rúc rích như con trẻ,....




Vẫn còn đây, dẫu mỗi người một vẻ,


dẫu tháng năm đã đưa tiễn tuổi xuân,


bốn mươi năm qua, nhớ trường Kish luôn luôn,


nơi chúng mình có nhau, chị em ruột thịt!




Để mỗi khi, trong dòng đời mải miết,


chợt nhớ về nhau, ta lại thấy bâng khuông,


kỷ niệm ùa về ta trở lại tuổi xuân,


vẫn mười bảy, thưở ban đầu nơi ấy!


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s