KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 14 Tháng chín. 2013

THUẾ, QUỸ PHÚC LỢI VÀ ĐỜI SỐNG




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                             THUẾ, QUỸ PHÚC LỢI VÀ ĐỜI SỐNG


Mùa hè 2006, tôi quay lại thành phố cũ thăm anh chị em người Việt, nơi trước đó vài năm tôi đã sống và làm việc. Cô bạn gái hứa sẽ đưa tới khu nhà vườn, để tận hưởng cái hè đầy quyến rũ của châu Âu năm ấy.


Gia chủ là người nhiệt tình, hiếu khách, thích tụ tập, lai rai cho tới overnight.

Bước vào khu vườn rộng mênh mông, xe hơi tiến được tới sát hàng dậu. Trước mặt chúng tôi là khu vườn xanh mát mắt, với đủ loại rau, quả. Tôi định thần một lúc, vì không thể tưởng tượng được, đây là khu vườn nằm không xa trung tâm thành phố và cách Cologne chừng 90 cây số, mà y hệt như một làng ở ViệtNam mình. Thật là tuyệt hảo. Những khu nhà vườn này, người ta có thể mua đứt, hoặc mướn dài hạn. Người Việt mình thì sịn rồi: Mua đứt. Anh chị gia chủ đã bỏ nhiều công sức đầu tư, nên nói là vườn, thực tình nó giống như một cơ ngơi lớn, đầy đủ trang bị điện nước, phòng khách, phòng ngủ... Anh nói đùa, cả một tiểu đội vào đây, tôi nuôi luôn. Rau quả bây giờ đang là lúc gặt hái. Họ rửa sạch mồng tơi và rau các loại, đóng túi nilón, rồi bỏ ngăn đá. Ăn dài dài cả năm.

    

- Anh ơi, em bưng lại cho anh "bà Ba" nữa đây này !

Cô bạn gái tôi mở màn, thay cho câu chào.

- Không dám ạ, hai bà anh còn đang chết đứng, chết ngồi đây này, em gái ơi.

Anh trả lời, vẫn không quay lại, vì mải quạt than, khói bay mù mịt, chuẩn bị món hào nướng. Hôm qua anh và bạn bè vừa từ Hà Lan về, họ đã cậy được hai xô hào, những con hào thật to, còn tươi nguyên. Mỗi xô tới mươi, mười lăm ký chứ không ít.

- Chào anh chị. Cô ấy đùa đấy thôi, xin anh bỏ quá.

Tôi cũng thay một câu chào.

Bây giờ anh mới quay lại, bỏ ngay cái quạt đen nhẻm trong tay xuống, đon đả:

- Nếu đây là "bà Ba", chắc bà ấy chẳng bước vào cửa nhà tôi đâu. Anh cũng đùa và đưa tay, bắt lấy tay tôi thân mật.

- Không dám, anh nói hơi quá rồi. Tôi đang vào cửa nhà anh đây thôi.

Tôi đáp lễ một câu.

Đêm trước ngủ ở nhà bạn gái, tôi đã được nghe về anh, về gia đình anh.

Anh chị người Hải phòng, đã có ba cậu con trai. Họ sống hòa thuận, cuộc sống yên bình, các cháu đều ăn học đến nơi, đến chốn, dù cha mẹ, cả hai tiếng Đức chưa khá. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ và phẳng lặng như mặt hồ thu.

 

Trong một lần đi làm xa, anh có làm quen và thương một người đàn bà. Cô trẻ hơn vợ anh, nghe nói người Tiền giang. Họ thương nhau và tình yêu đã mang lại kết quả là một cái thai. Lúc vợ anh biết tình đầu, chị suy sụp vì đau đớn, bẽ bàng, xấu hổ. Vết thương tình cảm sâu hoắm xuống, như một bị một nhát dao chém vào lòng. Chị gầy rộc, già sọp lại vì lo âu, suy nghĩ.

Anh biết mình tội lỗi, nên đau khổ và tự dằn vặt vô cùng. Cả nhà sống trong một bầu không khí nặng trình trịch. Còn người phụ nữ trẻ đang mang thai ? Khi bụng đã vượt mặt, cô không nản chí, chiều nào cũng lén đến cửa nhà anh chị, cứ ngồi vạ vật ở đó, những lúc anh đi làm xa. Đêm xuống, cô quyết không về. Một ngày, một đêm. Nhiều ngày, nhiều đêm, hình dáng người mẹ trẻ tương lai với cái bụng kềnh càng, ánh mắt cúi xuống như xin ân xá, khiến chị vợ thương xót trong lòng. Chị đón cô vào nhà, chuẩn bị ổ đẻ cho người mẹ trẻ. Từ đấy anh nghiễm nhiên có hai bà. Chị vợ cả vẫn đi làm cho hãng Đức. Đến ngày, đến tháng, đứa bé ra đời, một cô con gái. Cả nhà mừng khôn xiết. Nhưng thật oan nghiệt cho số phận, cháu bị tật. Hai chân không thể cử động, bị teo nhỏ, gương mặt khờ dại, đờ đẫn giống như những người bị thần kinh. Cháu hoàn toàn không phải là đứa trẻ bình thường. Nhưng tình thương yêu của cha, của hai người mẹ và ba anh trai con mẹ lớn, đã giúp cháu vượt qua bao nhiêu khó khăn, để sống, để tồn tại như mọi sinh linh khác. 

 

    

Và xã hội đã không bỏ rơi cháu.

Ở Tây Đức, tôi dùng chữ này, vì đã tham khảo về phía Đông Đức, không có chế độ như vậy.

Mỗi một công dân Đức, khi bị tàn tật tới mức không thể đi lại, khó khăn trong sinh hoạt v.v. . như trường hợp của cháu, thì ngoài trợ cấp cho cháu, người chăm sóc, lo lắng mọi phương diện cho cháu sẽ nhận được một ngàn Euro cho mỗi tháng, do sở Xã hội khu vực chu cấp. Tiền này rót vào tài khoản của người đứng tên trực tiếp nuôi dưỡng cháu. Ngoài ra, thành phố sẽ cấp một căn hộ vừa đủ cho thân nhân ấy với người bị tật nguyền. Thế là, mẹ cháu bé và gia đình anh sống dễ thở hơn hẳn. Anh và mẹ cháu gái chẳng làm lụng gì, chỉ quây vào chăm bẵm cô con gái xấu số. Chị em sống thật hòa thuận, tới mức người Việt cả thành phố phải ngạc nhiên. Mỗi lúc chị cả đi làm về khuya, gặp mưa, gặp gió, thì cô em mang dù đi đón chị. Suốt dọc đường ríu rít, câu chuyện chỉ xoay quanh chủ đề đứa con gái nhỏ trong nhà.


Bẵng đi đến vài năm, tôi được tin cháu gái đó qua đời. Lúc ấy nó mới ngoài hai mươi. Tôi không quay lại được thành phố cũ để tiễn biệt cháu, đưa cháu về với cõi xa xăm.


Ở đây tôi muốn nhấn mạnh với bạn đọc rằng, sở dĩ quỹ phúc lợi của quốc gia lớn, để có thể chu cấp cho công dân của mình trong những hoàn cảnh éo le, cho những công dân sống mà như đã chết, là vì những người còn đang nhiệm sở, đi làm như chúng tôi phải đóng thuế khá cao. Những người sống độc thân, chịu thuế cao nhất.

Điều nữa, tại quốc gia này, tôi thấy, người ta không mấy có khẩu hiệu, nhưng lại làm được rất nhiều cho dân, vì dân.


Cologne 13.9.2013


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 14-09-2013 02:02






Xem 11 - 20 của tổng số 28 Comments



15/09/2013 16:16:47

 


 Câu chuyện tôi vừa kể , chỉ là một trong những vô số các trường hợp được hưởng chế độ chu cấp của xã hội. Ở đây, tôi muốn nói thêm một điều, cái mà rất tiếc ở ta hiếm có. Đó là thái độ làm việc của nhân viên trong các sở, như sở xã hội, sở ngoại kiều, UBND.v.v.. Họ tốt thật ! Nghe và tôn trọng điều mình đề đạt. Xin đưa một vài thí dụ: Năm tôi & con gái vừa đặt chân đến Đức, 1990. Mẹ con tôi về thành phố Mainz sát với Wiesbaden. Chúng tôi xin ra nhà riêng, sau khi làm một số thủ tục. Họ chuyển 2 mẹ con tôi về một căn hộ trên tầng cao thứ 4. Đây là một căn nhà thiết kế đã xưa rồi, không có thang máy. Tôi nhìn mà phát khiếp. Tôi quay lên sở Xã hội thỉnh cầu, hy vọng được sự giúp đỡ. Lấy lý do con gái có vấn đề về tim, tôi không nhận ở căn hộ đó. Bà phụ trách chính tiếp tôi và phân bua: Hiện thời thành phố gặp rất nhiều khó khăn, số dân xin tỵ nạn lên rất cao, mong chị có cùng cảm thông để nhận căn hộ. Tôi nói nếu riêng tôi, nó không là vấn đề, nhưng còn sức khỏe của cháu. Bà hãy tưởng tượng đi, sau giờ tan trường, sức vóc nó nhỏ, lưng khịu xuống để vác cái cặp sách nặng trình trịch, nó có còn thở được không, chưa nói là đã rất đói sau mấy tiếng ở trường. Thế mà bà ấy nghe. Chuyển cháu tới một bác sỹ chuyên về tim, lấy chứng chỉ. Rồi bà đưa chứng chỉ đó cho thành phố. Kết quả là mẹ con tôi được một căn hộ trong tòa nhà mới tinh khôi, đầy ánh sáng, ở tầng trệt, vô cùng thuận lợi. Tôi nhớ căn nhà ấy, vì nó sát với một Uni. của thành phố Mainz, nơi tôi gặp gỡ rất nhiều các sinh viên của cả hai phía: bên Bác Hồ & bên bác Thiệu.


 


Trong hai năm tôi sinh sống ở đây, có một chuyện lại phải kể ra. Hồi ấy tôi chưa đi làm, vẫn đang theo học tiếng Đức, sống hoàn toàn vào tiền do sở Xã hội cấp. Tình đầu là thế này. Con gái tôi chơi thân với một bé gái người Teheran. Hôm ấy, cháu theo mẹ con cô bạn vào siêu thị mua đồ. Bọn nhóc không biết, tưởng "chôm đồ" trong cửa hàng đơn giản, vì làm gì có ai ở đấy, nó rộng bát ngát, nhân viên cũng chẳng nhòm ngó. Bọn trẻ nhà cô bé kia lấy trộm băng cat-xet (trơn), cho vào trong túi áo. Còn một cái nữa, chúng dúi cho con gái tôi, nói cầm đỡ đi. Con gái tôi không có túi, nó cứ cầm ở tay. Nhưng chúng nó không biết người ta cài camera ở một góc. Ra đến gần quầy trả tiền, nhân viên lôi lại, làm biên bản. Lúc ấy đang dịp nghỉ hè. Cứ đến sáng ra, tôi thấy cháu, ngày nào cũng như ngày nào, bảo mẹ: - " Con xuống xem Post mẹ nhé !". Về sau tôi mới biết. Kết quả đến tay tôi là một giấy mời của Sở công an thành phố. Tôi rụng rời cả chân tay và biết con gái tôi còn sợ hơn nhiều. Tôi lên, nhưng họ yêu cầu phải có phiên dịch. Tôi nói các ông cứ nói chậm rãi, tôi hiểu. Sau đó họ chuyển giấy tờ về sở Xã hội thành phố. Tôi không ngờ tình huống lại xoay đến 360°. Tôi gặp một phụ nữ rất tốt, rất hảo tâm và lắng nghe mọi tự thuật tôi trình bày. Kết quả là tôi được tăng phụ cấp hàng tháng, với lý do : Mẹ một mình nuôi con, thu nhập thấp, thiếu thốn bàn tay của người cha trong gia đình.v.v.. đó là nguyên nhân dẫn đến không hoàn thiện trong việc giáo dục con cái.


 


 


 


 



Từ: NghiPH
15/09/2013 15:22:21


Để có được nguồn lực dồi dào phục vụ cho phúc lợi xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội thì cả dân tộc ấy, tất cả mọi người của quốc gia ấy phải lao động cật lực trong nhiều năm trời. Nền quản trị ở quốc gia đó phải công khai, minh bạch, tất cả vì con người.





 Một quốc gia có nhiều công dân làm việc cầm chừng, năng suất lao động thấp; nền quản trị thiếu công khai, minh bạch, tình trạng tham nhũng tràn lan thì khó có thể giải quyết tốt được các vấn đề về phúc lợi xã hội.




Từ: Guest Thảo dân
15/09/2013 13:43:19

Áng văn Nhân ái bất ngờ


Nấp cái Tít nặng về Thuế quan


"Nàng văn" rõ khéo lỡm làng



Từ: BinhNH
15/09/2013 12:51:34

Thu ơi,


Thu cứ viết về những điều trông thấy hàng ngày nhé Bọn mình vừa mở mang tầm mắt và còn biết rằng điều nhân ái vẫn còn , không phải xã hội chỉ toàn vì lợi ích thu tiền.


Bài nào của Thu mình cũng thích. Thích từ giọng văn đến cốt chuyện



Từ: Guest DG
15/09/2013 09:50:19

Có sự hiện diện thuyết NHÂN QUẢ của nhà Phật


Luật hôn nhân là luật cho đại đa số, một vợ một chồng cho hầu hết nhưng không phải là cho tất cả


Ba mươi chưa phải Tết, Hoạn Thư không phải là đại đa sô và còn đang tính cắp nón đến học...NHÂN ÁI



Từ: Guest TT
15/09/2013 08:35:26

Một trang mạng mà có 1 tay viết như chị Thu thì yên tâm quá rồi, thật đa dạng, phong phú và đặc sắc.



Từ: TuyetHA
14/09/2013 22:50:36

   Hoàn toàn nhất trí với Vũ Đăng, người đáng cảm phục nhất là chị vợ cả! Nhờ tấm lòng bao dung, tha thứ của chị mà một gia đình giữ được sự bình yên.



Từ: Guest 3XAO
14/09/2013 20:33:22

 - Tại sao là "KHẨU HIỆU" ?


 - Vì "KHẨU HIỆU" để "HÔ" chứ không phải để thực hiện !



Từ: Guest BM
14/09/2013 18:54:26

Chuyện người vừa lạ vừa quen,


lạ vì có chị chẳng ghen đến cùng,


lại còn thương đứa con chung,


cùng chồng, san sẻ ngượng ngùng tay ba,


một mình chị cả trong nhà,


giang tay đón một cô là vợ hai!


Quen vì cái thói đỏm trai


gặp người thiếu nữ, hương lài trót thương,


thương vì cô thật hiền lương,


thương vì cái giọng: dzạ thường dễ nghe,


thế rồi quen lối đi về,


cũng may vợ cả hiểu bề trước sau!


Nhân đây xin nói đôi câu


Hoạn Thư cũng đã khóc sầu sống chung,


chỉ vì đôi vợ một chồng,


kiếp này khó dễ, tang bồng kiếp sau!



Từ: CucNT
14/09/2013 18:51:45

Câu chuyện chị kể thật hay chị Thu ạ. Nó mang đậm tính nhân văn từ trong gia đình đến ngoài xã hội.


Những com của anh Khoa, Thông, Ba chai ngắn gọn mà sâu sắc, em thấy cả 3 đều đúng.


Có 1 câu chuyện, một nhà bác học đến 1 vùng nông thôn hẻo lánh ghé thăm 1 người nông dân. Trong căn nhà nghèo nàn hầu như không có gì đáng giá, nhà bác học thấy 1 giá sách đủ các loại sách quý trong nhiều lĩnh vực. Nhà bác học kinh ngạc và vô cùng ngưỡng mộ. "Anh đọc tất cả những cuốn sách này ư?". "Không! thú thật là tôi không biết chữ". Thế anh mua nó để làm gì? "Tôi chưng lên đây để ai đến sẽ nghĩ tôi là người hiểu biết mà kính nể tôi!"


"Khi chưa làm được người ta phải ghi khẩu hiệu", đúng thế anh Thông ạ!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s