CHUYỆN TÌNH CỦA TÔI
Tác giả: CucNT
CHUYỆN TÌNH CỦA TÔI
“Ê ! Đã thành thiếu nữ chưa?” Chúng tôi thường trêu nhau như thế khi đọc câu thơ:
“Tuổi 15 em lớn từng ngày.
Một buổi sáng em bổng thành thiếu nữ’ ( Hoa Sữa) và cả lũ cười ồ lên nhìn cô bạn đang đỏ chin hai bầu má.
Mười lăm tuổi, chúng tôi khắp mọi miền của Nghệ tĩnh tập trung vào học ở trường chuyên văn chuyên toán mang tên Phan Bội Châu, tại thành phố Vinh, Nghệ an. Lần đầu tiên xa gia đình, lần đầu tiên từ quê ra thành phố tất cả đều mới lạ và hấp dẫn.
Trường chúng tôi chỉ có 3 khóa, 10, 11, 12, mỗi khóa 2 lớp, 1 lớp chuyên văn và 1 lớp chuyện toán. Ký túc xá của trường là 1 dãy nhà đơn sơ, vách đất, mái lá. Các lớp chuyên văn phần đa là nữ, các lớp chuyên toán phần lớn là nam. Tuổi mới lớn xa nhà, xa những người ruột thịt trong cuộc sống thiếu thốn đủ bề, chúng tôi đùm bọc, yêu thương nhau và thể hiện sự thân thiết bằng cách kết nghĩa anh, chị em. Từ tình bạn thân thương, tình anh em thân thiết tình cảm nảy nở thành xúc cảm lớn lao lúc nào không biết nữa.
Anh học trước tôi 2 lớp, là một cán bộ Đoàn gương mẫu. Tôi làm bí thư lớp 10 văn. Quen với việc ra lệnh cho bạn bè những năm học cấp 1, 2, vừa nhập học cấp 3, tôi đã “ra oai” phân công cả lớp làm việc. Nước mắt lưng tròng tôi chạy đến bên anh “Em không thể! Chúng nó không ngoan, không nghe em, giờ em phải làm sao?”. “Em phải dịu dàng thuyết phục, cô bé ạ! Em tìm hiểu xem các bạn đã từng làm cán bộ lớp chưa, hãy hỏi kinh nghiệm của các bạn”.Tôi quay về lân la trò chuyện với các bạn, lớp tôi có 20 đứa thì 19 đứa đã từng là lớp trưởng, liên đội trưởng, từng học nhất, nhì lớp ở trường làng. “Vậy đấy, đừng ra lệnh mà hãy thuyết phục em nhé! Tôi làm theo hướng dẫn của anh và dần dà vị trí ‘bí thư” trong lớp của tôi đã được khẳng định.
“Mình làm anh em nhé! tôi đề xuất! “Tốt quá! Vậy là từ nay anh có em gái để mà mắng mỏ rồi!”. Anh hồ hởi đáp. Việc gì tôi cũng hỏi anh, đến cả nhớ mẹ cũng tìm anh mà thổn thức, anh dịu dàng lau nước mắt cho tôi. Tôi đã lớn dần bên anh.
Chúng tôi thường học lệch, lớp văn thì học toán kém và ngược lại lớp toán thì dốt văn nhưng không ai thấy quá khó khăn. Điều cơ cực nhất là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với ngoại ngữ. Tiếng Nga mới khó làm sao, mỗi đứa 1 cuốn vở nháp, ghi 10 từ mới mỗi ngày ngồi đâu cũng lẩm nhẩm như người thần kinh nhưng không sao nhớ hết được. Thầy Hồ - giáo viên tiếng Nga vừa du học ở Nga về dạy chúng tôi bằng tất cả tâm huyết của một thầy giáo. Các em phải nhớ hết các đại từ nhân xưng : Я = tôi , ты = bạn, em, cháu, anh, chị, cô, bác, ông, bà vv. OH = Anh ấy, ông ấy, bác ấy, bạn ấy, cậu ấy, Она = bà ấy, bà ta, bà già, cô gái, cô ấy, chị ấy vv.
Chúng tôi vật lộn với tiếng Nga với lời dặn của thầy “Ngoại ngữ là chìa khóa mở các cánh cửa tri thức, để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp và cải tạo chính cuộc sống của các em, “Hãy học!Học nữa! Học mãi !”.
Giữa học kỳ 2 thầy ra đề: hãy dịch câu văn sau đây ra tiếng Việt:
“Это моя деревня, она очень красивая, она находится на берегу реки!”
Cả lớp dịch “Đây là làng tôi, cô gái rất đẹp, bà già nằm bên bờ sông!”. Hình như thầy khóc, “Thầy không thể tưởng tượng nổi, lớp chuyên văn mà các em tư duy thế này”.
Xa nhà, đói rét thiếu thốn chúng tôi đùm bọc yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Nhưng cuộc sống tập thể đôi khi có những sự hiểu nhầm nhau, thi thoảng có tiếng cạnh khóe rồi cả tiếng sụt sịt, tôi là Bí thư chi đoàn, thường xuyên quan trọng hóa mọi vấn đề, họp hành liên miên tìm biện pháp giải quyết, quyết tâm đưa chi Đoàn của mình thành chi đoàn vững mạnh. Vướng mắc, tôi lại chạy đến anh và khi quay về thấy mọi việc thật giản đơn.
Hè đến, tôi chuẩn bị về quê nghỉ hè còn anh ở lại thi đại học. Tôi lặng lẽ chép vào cuốn sổ lưu bút của anh bài thơ “Hai nửa vầng trăng” nhưng không ghi tên người viết. Hẳn là anh sẽ đoán già đoán non xem chị nào cũng lớp với anh đã chép bài thơ đó, tôi vui vui thầm nghĩ. Buổi hoàng hôn trước ngày chia tay chúng tôi đi dưới tán cây bàng, bên những gốc cây phượng vỹ đang trổ hết mình cho màu đỏ của hoa, trong tiếng ve râm ran.
Mình sẽ khắc lên cây 1 chữ làm kỹ niệm nhé! Tôi vội chạy tới 1 cây xa chổ anh và chăm chú khắc chữ “D” lên gốc cây. Quay lại anh âu yếm hỏi “Em khắc chữ gì?” “Anh nói trước cơ! Tôi nũng nịu”. Chữ “C”. Ôi! Em cũng thế! (Tim tôi run lên. Tôi tưởng anh khắc tên tôi còn tôi khắc tên anh). Vậy à! “Tư tưởng lớn gặp nhau” rồi đó! Chữ “C’ nghĩa là “Chờ”, anh giải thích. Anh xiết chặt tay tôi “Nhớ nhé!” “Vâng!” Tôi lí nhí, nghĩ đến ngày mai xa anh mà lòng hiu hắt.
Anh học Đại học Ngoại dao ở Hà nội còn tôi tiếp tục học lớp 11,12 chuyên văn ở trường Phan. Mỗi tháng anh viết cho tôi vài lá thư dặn dò chuyện học và làm công tác Đoàn cho tốt. Anh không bao giờ dành cho tôi từ ngữ diễn tả tình thương yêu, chỉ viết là nỗi nhớ trường Phan đôi lúc làm anh yếu mềm ghê lắm. Anh kể cho tôi nghe về cuộc sống sinh viên và mong có ngày đón tôi ra Hà nội nhập học. Cuối năm lớp 12 lớp tôi được xếp loại chi Đoàn xuất sắc. Tôi mừng rỡ báo với anh “Là công của anh hướng dẫn em đấy!”.
Tôi đã nhập học ở Hà nội nhưng chỉ 1 năm lưu học sinh tiếng Nga.
Ngày mai là tôi bay qua Nga du học, đêm cuối cùng chúng tôi đi bên nhau phia sau con đường ở trường Đại học ngoại ngữ Thanh xuân Hà nội. Tiếng chuông nhà thờ rung lên tha thiết làm cho cảnh vật như linh thiêng hơn. Chúng tôi nhắc lại kỹ niệm những ngày ở trường Phan nhất là dấu ấn những bài học tiếng Nga. “Anh học tiếng Anh và tiếng Nhật, trình độ tiếng Nga của em tốt rồi chứ, em gắng học nhé hãy chiếm lĩnh kiến thức bằng tiếng Nga khi em qua học bên đó!”. “Vâng, em sẽ cố!” Tôi dúi vào tay anh bức ảnh cỏ vẽ đôi chim đang hướng về nhau với ánh mắt đợi chờ, phía sau bức ảnh, tôi nắn nót ghi dòng chữ tiếng Nga “Я люблю тебя как никогда.”
Sân bay Nội bài vào 1 ngày tháng 8/1985 chứng kiến những cuộc chia tay đẫm lệ. Tất cả các bạn đều có người thân đưa tiễn, những cái ôm không rời, những giọt nước mắt nóng hổi chảy lẫn vào mặt nhau. Tôi nháo nhác tìm anh nhưng không thấy. Máy bay lao vào không trung, tôi để lại sân bay một nỗi lòng hụt hững. Lên ngồi trên máy bay, nước mắt tôi bắt đầu tuôn rơi. Cái Hoa trêu: “Nhớ anh Duy à? Lúc nãy Hoa nhìn thấy anh Duy đứng dán mắt nhìn vào đoàn người lần lượt đi vào phòng chờ đấy. Hai người đã có cuộc từ biệt lâm ly chứ gì?”.
Chúng tôi reo lên sung sướng khi nhận được những lá thư từ Việt nam qua. Khi đang bên nhau, tất cả đều bảo đó là tình bạn nhưng khi xa rồi nỗi nhớ len lỏi vào từng ý nghĩa đến nỗi đứa nào cũng thừa nhận “Bạn ơi! Mình yêu bạn lắm!” Những lá thư dành cho anh kết nghĩa “Anh kính mến!” dần đần được thay bằng “Anh yêu dấu!”. Tôi đã viết hàng chục lá thư nhưng không gửi cho anh. Ngày đó nói lời yêu cảm giác như là tội lỗi. Vậy mà tôi đã lấy hết cam đảm viết cho anh bằng tiếng Nga “Em yêu anh như chưa bao giờ yêu đến thế!”. Lẽ ra anh phải chạy đến mà ôm chặt lấy tôi nói lời hẹn ước để tôi đủ sức mà đi qua những tháng năm đằng dẵng nhớ thương. Vậy mà anh đã im lặng. Có lẽ anh không yêu tôi, ba năm thân thiết, đã bao giờ anh nói lời yêu đâu, có lẽ anh chỉ coi tôi như đứa em gái thôi. Nếu anh yêu tôi, anh có thể tìm địa chỉ của tôi qua các bạn để viết thư cho tôi. Những suy diễn ấy đốt cháy tâm can tôi. Nỗi tủi hờn xen lẫn lòng tự trọng đã khiến tôi câm lặng.
“Khoảng cách không gian là khoảng cách lòng” đã dần dần trở nên hiện hữu. Những lá thư thưa thớt dần, các bạn tôi đã không còn nhận được những lá thư tràn ngập yêu thương và hứa hẹn từ Việt nam bay qua nữa. Tình cảm lại nảy nở nơi xứ người với những người đàn ông khác và chúng tôi lần lượt lên xe hoa.
Tôi về nước cùng chồng và 2 đứa con trai. Anh đã có một vị trí tốt trong cơ quan công quyền, vợ anh là một người phụ nữ giỏi giang, gia đình anh đã có 1 trai, 1 gái. Tôi thấy an lòng. Mừng cho anh!
Anh vào Vũng tàu, Sài gòn tìm tôi nhưng tôi tránh gặp. Mười bốn năm du học tôi về nước với cái bằng Cử nhân luật, trong thời gian đó anh đã kịp qua Nhật lấy bằng thạc sỹ, qua Mỹ lấy bằng tiến sỹ. Tôi không có bằng Tiến sỹ, không có 1 việc làm ổn định để anh tự hào về tôi và không có cả một gia đình hạnh phúc để anh là người bạn lớn của gia đình tôi. Tôi gặp anh để làm gì cơ chứ?
Về quê, sững sờ đứng trước cổng trường Phan, mái trường xơ xác ngày xưa bây giờ đã được xây lên 2 lầu vững chắc, khang trang, mái ngói đỏ tươi. Giữa sân trường hàng trăm học sinh đang ríu rít hồn nhiên tuổi học trò. “Chị tìm ai?” “ Thầy Dinh, thầy Đào, Thầy Thông, cô Hoa, chị Sáu cấp dưỡng, vv, mọi người về hưu hết rồi chị ạ!”. Nước mắt tôi giàn giụa khi câu hát vang lên:
“Hôm nay, tôi trở về thăm trường cũ,
…Thầy đó trường đây, bạn hữu đâu rồi? ”.
Cây bàng xưa còn đó, chữ “C” đã hằn thành một vết sẹo lớn. Tôi rút điện thoại nhắn tin cho anh:
“Anh còn nhớ về trường xưa?
Dưới rong rêu, một chữ “CHỜ” trăm năm”.
“Nhớ chứ! Và rất mong được gặp em!”
Không chút đắn đo, tôi lên tàu ra Hà nội.
Chúng tôi ngồi bên nhau trong một quán café bên bờ Hồ Tây. Gió mùa thu se lạnh, trời chiều đổ ánh hoàng hôn tím ngát xuống mặt hồ, vài chiếc lá vàng lìa cành chấp chới bay trong gió rồi đuối sức lao thẳng xuống hồ chìm ngĩm dưới làn nước . Chẳng hiều vô tình hay hữu ý, bà chủ quán mở nhạc, tiếng hát ngọt ngào da diết cất lên:
“Chẳng hiểu vì sao ta có buổi chiều nay,
Mình gặp nhau và em đã khóc.
Giọt nước mắt, anh làm sao ngăn được.
Em bây giờ xa như một tầm tay” (Thôi Vũ Hoa Miên).
Tôi muốn kể cho anh nghe tất cả rằng tôi đã nhớ anh biết nhường nào, tôi đã buồn khổ chờ đợi thư anh ra sao trong 3 năm đầu xa anh, rằng tôi lấy chồng nhưng người đó không giống anh, rằng tôi không hạnh phúc, rằng tôi chuẩn bị ly hôn, rằng những lúc cô độc tôi thèm được anh chia sẻ biết nhường nào vv. Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra theo tiếng hát.
Bất giác anh lấy trong cặp ra 1 gói nhỏ, “Ngày chia tay, anh đã định tặng em món quà này”. Tôi run run mở ra: 1 cuốn sổ tay, 1 hộp bút chì màu. Trang đầu tiên trong cuốn sổ anh viết “Cuốn sổ nhỏ này để em ghi lại những nỗi niềm khi không có anh bên. Hộp bút chì màu, để em vẽ tương lai chúng mình cho thật đẹp”, “ Hãy yêu và hãy tin!”.
Thêm 1 chiếc bưu ảnh đã ố vàng để trong cuốn sổ. Tôi mở bưu ảnh ra, đây chính là chiếc bưu ảnh 18 năm trước tôi đã tặng anh.
Tôi nhìn trân trân vào bức ảnh. Tiếng anh tha thiết “Tất cả đã qua rồi nhưng anh chỉ muốn hỏi em 1 điều “Tại sao trước lúc đi xa, em để lại cho anh lời khẳng định “Tôi không bao giờ yêu anh!”.
Đêm đó về anh đã không ngủ, sáng hôm sau anh đã lặng lẽ theo em ra sân bay Nội bài, anh muốn ôm em 1 lần trước lúc chia xa, muốn nhìn thẳng vào mắt em để tìm niềm tin trong đó nhưng không đủ cam đảm, máy bay đưa em đi xa rồi, anh vẫn chưa nguôi hy vọng. Suốt ba năm trời anh ngóng chờ thư em khao khát 1 lời giải thích, hy vọng em đã nhầm lẫn khi để lại những lời tàn nhẫn đó cho anh nhưng anh đã tuyệt vọng. Rồi anh gặp chị, khi đang học năm thứ 5 Đại học, anh bị ốm nặng phải nhập viện, chị chăm sóc anh rất tận tình, chị học cùng lớp với anh. Chị có nhiều nét giống em. Chị đọc trong sổ tay của anh bài thơ ‘Hai nữa vầng trăng” mà ngày xưa em đã chép cho anh rồi lặng nhìn xa xăm, lúc đó đôi mắt của chị buồn như mắt em vậy. Tốt nghiệp Đại học Ngoại dao, anh chị làm đám cưới.
“Anh cưới ngày nào?”. “Ngày 12/04/1992”. Tôi run rẩy, đó cũng chính là ngày cưới của tôi.
“Hồi đó tới giờ anh không học tiếng Nga sao?” Tôi nghẹn lời hỏi anh. “Có, nhưng là anh tự học thôi, hiểu được chút ít. Rồi đây anh sẽ học tiếp. Anh qua Nhật, qua Mỹ học, đi đâu anh cũng mang mấy thứ này đi, vẫn hy vọng có ngày gặp lại em cho dù ngày chia xa em đã phũ phàng đến thế!”
“Anh vẫn hỏi thăm về em, mấy lần em về phép nhưng em đã không gặp anh. Ngày em về nước, anh đã tìm gặp em nhưng em lãng tránh, có lẽ em có lý do của em. Anh biết em đã trãi qua nhiều thử thách nhưng nay em có 2 con ngoan, chồng em là 1 giảng viên Đại học, trông rất hào hoa. Mừng cho em! Như vậy là anh yên tâm rồi!”
Tôi cúi mặt, gió bão cuồn cuộn trong lòng tôi, con tim như đang vỡ ra từng mảnh. Tôi muốn òa khóc tức tưởi mà nói với anh rằng, cái câu tiếng Nga em viết cho anh có nghĩa là ”Em yêu anh như chưa bao giờ yêu đến thế!” tại sao anh lại có thể hiểu là “Tôi không bao giờ yêu anh” chứ. Sự hiểu nhầm tai hại đó đã làm chúng tôi mất 18 năm xa nhau. Tôi muốn nói với anh nhiều, nhiều lắm, rằng 18 năm qua hình ảnh anh lúc nào cũng chập chờn trong những giấc mơ tôi, rằng chồng tôi đã chẳng hiểu tôi như ngày xưa anh hiểu, rằng những lúc cô độc, tôi cần anh biết bao nhiêu… Nhưng tôi vẫn ngồi yên, câm lặng như suốt 18 năm qua, nói ra những điều đó giờ đây để làm gì? Anh đang có 1 gia đình hạnh phúc và anh vừa mừng cho tôi là tôi có người chồng hào hoa đó thôi.
Trời tối sẫm, gió thổi mạnh hơn như nhắc nhở tôi rằng mùa thu vàng đang vội vã ra đi nhường chỗ cho mùa đông lạnh lẽo sắp tới. Tôi run run bưng ly cà phê uống 1 ngụm nhỏ ngăn tiếng nức nở sắp sửa bật ra và vẫn câm lặng. Quán chỉ còn lại 2 chúng tôi, bà chủ quán tỏ ra suốt ruột muốn dọn hàng về nên tắt tiếng nhạc.
“ Mình làm anh em nhé!”. Anh đã không chờ đợi tôi giải thích nữa mà nhắc lại lời đề xuất của tôi ngày xưa.Tôi ngước mắt nhìn anh, đôi mắt anh nhìn tôi trìu mến và ấm áp, không có một chút gì sự mê say mà tôi từng tưởng tượng. Tôi ngăn vội những giọt nước mắt và ngoan ngoãn gật đầu. Chúng tôi chia tay nhau, anh xiết chặt tay tôi nồng ấm: “Bảo trọng nhé !Có gì khó khăn phải báo cho anh biết, không được im lặng như bao năm qua nhé!”
“Vâng ! Nhất định rồi!”. Tôi ngoan ngoãn gập đầu như ngày còn thơ bé.
“Chúng mình là anh em!”. Vâng! Hãy để anh làm anh trai của tôi và hãy để anh tin rằng “Tôi không bao giờ yêu anh”!
Đôi khi tôi tự hỏi, nếu như ngày đó tôi học giỏi tiếng Nga, nếu tôi chép cho anh trọn vẹn câu: “Я люблю тебя как никогда не любила” .
Liệu mọi điều có khác?
Người post: CucNT
Ngày đăng: 17-09-2013 18:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 21 - 30 của tổng số 56 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |