KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 18 Tháng chín. 2013

XE ĐẠP, XE MÁY, XE HƠI




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                            XE ĐẠP, XE MÁY, XE HƠI 


Lúc còn nhỏ chừng 9 tuổi, tôi đã mê đi xe đạp lắm - cái phương tiện giao thông có thể gọi là duy nhất của dân mình những năm thập niên 60, trên đất Bắc 
Nhà tôi gần ngay tiệm sửa xe đạp của ông Khóa bên Phủ Doãn. Ông ôm đủ các dịch vụ cho xe đạp : Cân vành, thay nan hoa, vá săm lốp, cắt đột bớt xích, lộn xích, thay má phanh, sửa chuông, đèn.v.v.. tất ráo cả. Nhưng ông lại có dăm cái xe đạp con cho đám trẻ chúng tôi thuê. Đắt khách nhất là sau Tết nguyên đán. Trẻ con đứa nào cũng rủng rẻng dăm hào. Cứ thấy tôi thập thò trước cửa, ông Khóa hỏi ngay: 
- Xe nào ? 
- Cái bé mà cũ cũ ấy bác ạ. 
- Mày có bao nhiêu ? 
- Hai hào. Cả sổ liên lạc nữa. 
- Vào lấy xe đi. 
Tôi chọn đuợc cái ưng ý. Nó nhỏ nhất, cũ mèm, chỉ còn nhìn thấy màu nâu của nước sơn chống rỉ. Nhưng nó là xe nữ và bon lắm. Thế là tôi đạp vèo vèo qua cửa nhà với một gương mặt đầy phấn khích, lướt trước đám trẻ cùng phố đang tròn mắt ngắm. 
Lớn lên vài tuổi nữa, tôi bắt đầu tập xe người lớn. Nhưng xe vẫn còn cao với tầm vóc của tôi, thành ra không thể ngồi chễm chệ trên yên được. Tôi cho một chân vào trong lòng khung xe nam của bố, cứ thế nghiêng người, nhoay nhoáy đạp. Áng giờ bố đi làm về, tôi chặn từ đầu phố. Nhiều khi, ông giật thót cả người, phanh két xe lại. 
- Cho con đi một vòng. 
- Đấy, lên xe đi. Cẩn thận nhé, nhìn trước, nhìn sau đã, rồi hãy rẽ. 
- V â â ng ! Tôi lao xe đi, chả nghĩ ngợi gì thêm. 

Thấm thoắt rồi cũng đã thở thành thiếu nữ. Tôi được bố mua cho một cái xe Mifa Đức của thiếu nhi, nhưng nó lại là khung nam. Nam cũng được, chả hơn không à. Những cái xe thiếu nhi của Liên xô, của Đức, có thiết kế phanh chân. Cứ đạp ngược lại, thì xe phanh cứng ngay. Tôi chưa quen, lúc đầu ngã bổ chửng. Có một lần, tôi chở mẹ trên cái xe Mifa ấy, đã cho bà một cái ngã trời giáng, chỉ vì lướt quá nhanh qua một cái cống trên đường Hàng Bông Thợ Nhuộm. Cái xe gắn với tôi, với chị em tôi đằng đẵng mấy năm trời sơ tán. 
     
     

Đến những năm 79, 80, lúc tôi ra đi làm, xe đạp khó, phụ tùng xe cũng khó chả kém. Vào chung kết để có được một cái lốp xe, quả không phải là dễ. Phải vượt qua được các chế độ ưu tiên sau đây, rồi hẵng mơ đến tay mình: 
- Chị Thanh nhé, đợt này ưu tiên chị, gia đình đông con. 
- Anh Hưng, đợt này lấy lốp đi, ưu tiên cho phó phòng hay phải về công ty họp... Cứ thế. Tên tôi sẽ nằm ở đâu. Liệu có ở dưới cùng tờ danh sách phân phối của phòng ? Kiên trì và nhẫn nại chờ đợi, đó là hành trang của cả nước lúc ấy. Trong thời bao cấp. 

Sài Gòn giải phóng ! 
Điều đầu tiên thấy hàng tràn ngập thị trường miền Bắc, Hà nội. Trong đó phải nói đến xe đạp. Xe đạp với đủ các tên, các thương hiệu. Khung xe đạp Sài gòn cùng với phụ tùng cũng nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí đặc biệt theo nhu cầu tiêu dùng. Đầy ắp trên các hè phố, trong tiệm và ngoài chợ. Nhưng thật công tâm mà nói, tôi thấy nhiều xe đạp trong Nam, chất lượng không thể sánh được với xe Thống Nhất của Miền Bắc. Nó ẻo lả, mau hư và sức cửu vạn không được nồi đồng, cối đá. 
Song song với xe đạp là xe máy. Xe máy các đời, nhưng toàn đời cũ, đã hết mốt. Nhiều hơn cả, có lẽ là Honda. 

            

Từ đầu 1975, trước lúc Sài Gòn giải phóng, tiếng thế, tôi đã bắt đầu chạy xe máy. Và mê luôn. Năm ấy ông nội cháu còn làm việc bên Tổng công đoàn ViệtNam. Khi phân phối vài cái xe Babetta của Tiệp cho cơ quan, cũng bình bầu. Ông cụ được, vì ưu tiên có tới 7 người con. Lúc ấy bọn tôi chưa cưới. Nhưng đi đâu có công chuyện, chạy cái "Ba bét nhè" ấy, thấy oai ra phết. 

Cuối 1976, gia đình bên chồng tôi nhận được quà từ Sài Gòn gửi cho, một cái Honda 67 và một cái Vespa 50 phân khối. Thật đúng với câu: Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng. 
Cái xe 67 không phải là xe dành cho tôi. Nó cường tráng trong cái nhìn của anh em tôi ngày ấy. Với tôi, dắt còn là khó. Ban đầu, tôi cứ nghe thấy bảo nhau, xe bị yếu điện. Mỗi một lần đi đâu, để nổ máy xe, người lái phải dắt nó chạy một đoạn. Khi nào tiếng máy xe nghe thật ổn, mới nhảy lên xe. Thế là người ngồi sau cứ lẽo đẽo chạy theo. Chứ đâu được các đời xe sịn như hôm nay, khẽ đề một cái nhẹ là nghe được tiếng nổ của máy vang lên giòn giã, ngon lành. 
Tôi đã để mắt tới anh Vespa. Nó cũng thuộc đời cũ lắm rồi. Ưu điểm là thấp, for Lady. Dáng thoải mái và chạy rất đầm. Nhưng than ôi, cũng phải khởi động máy y hệt như với anh Honda 67. Tôi dắt Vespa chạy dốc sức một đoạn, nghe tiếng máy xe thấy ổn, nhảy phốc lên ngay. Bây giờ thì ngon lành rồi, đã làm chủ được xe, làm chủ được tốc độ. 

Bên nhà tôi, các cậu con bà trẻ cũng gửi biếu cha tôi một cái Mobylette. Loại này thường có hai màu : cam và xanh nhạt. Cả hai được dân mình gọi là "cá ươn, hay cá xanh". Chúng ươn thật, y chang tên gọi. Đạp thót cả rốn, nhoai cả người ra, xe chả nổ gì cả. Nhà nào có, chạy với nó cũng khốn khổ vì chữa lên, chữa xuống, đủ các chứng tật. 
Đến năm 1989, lúc này tôi còn ở Praha, tôi bắt đầu thích xe hơi. Tôi và mấy cậu sinh viên cùng cánh, tính mua một cái ŠKODA. Tôi mê lái quá rồi ! Tại thời điểm ấy, giá của nó chỉ 60 ngàn Korun là được một quả ŠKODA nghiêm, bốn cửa. Cứ nấn ná mãi chưa dám quyết, thì bức tường Berlin đổ - sự kiện lịch sử trọng đại của châu Âu đã lái suy nghĩ và mơ ước một cái xe hơi của tôi sang hẳn một con đường khác. Năm 1990, tôi cùng con gái qua Đức. Đến 1992, tôi bắt tay vào học lái xe ở thành phố Mainz. Vừa học xong mấy curse tiếng Đức, tôi vào học thi lý thuyết ngay. Đến lúc vào phòng đợi, tôi gặp cậu sinh viên ViệtNam, kể lể: 
- Chị sợ nhất là bắt phân tích... 
- Ai bảo chị học thuộc. Chỉ đánh dấu thập vào chỗ mình khẳng định thôi. Trắc nghiệm mà chị. 
Thế hả. Vậy mà mấy chiều rồi, tôi ngồi nhà nhét bằng được cái mớ lý thuyết ấy vào đầu. Sợ bị hội đồng chấm thi vặn. 
Thi lý thuyết nhanh chóng qua đi. Bọn tôi có ngay kết quả sau đấy chừng nửa tiếng và lấy hẹn cho giờ tập lái. 
    
            

Thầy dậy tôi lái là một trung niên vui tính. Mỗi tội chán vì cái đức luôn quan tâm, nhìn ngắm phái nữ của thầy. 
Hôm đầu, thầy dẫn tôi ra xe. Tôi lên ngay ghế ngồi cạnh người lái. Thầy nhìn tôi ngạc nhiên: 
- Chị học lái, hay tôi đây ? 
- Hôm nay tôi chỉ nhìn thôi mà, đã lái đâu. 
- Chị sang ngay vị trí của mình. Ghế đó dành cho tôi . 
Sau khi thầy nói sơ qua về chân ga, chân côn và cách thức cài số, đổi số và về số lùi v.v.. Tôi nổ máy xe. 
- Chị cứ đi thẳng, khi nào rẽ phải, rẽ trái, tôi sẽ bảo. 
Thấy nói vậy, trong khi tôi cài dây an toàn. 
Đã sợ toát mồ hôi ra vì hết dốc lại đến đoạn đường vào cua, rất nghiêng, thầy tôi lại cứ nghếch các bà các cô. Lúc dừng ở đèn xanh đèn đỏ, chợt một thiếu phụ dẫn chó, cũng dừng đợi đèn xanh. Đèn xanh đã bật cho xe tôi. Tôi nổ máy cho xe chạy, thầy không thèm để ý đến xe, đến tôi, còn thổi sáo gọi cô nàng. Chị kia tất nhiên là rất chán, quay đi phớt lờ. Thầy đành quay sang gọi con chó để trêu. Tôi phát bẳn cả người, hét tướng lên: 
- Ông làm ơn để ý đến tôi với. Sao cứ nhìn hoài mấy cái bà ngoài đường. Xe tông vào vỉa hè, xe cán người ta thì sao. 
Chắc lúc ấy trông diện mạo tôi khiếp lắm, thầy đành trùng xuống, làm dịu: 
- Chị lái vậy ngon rồi. La gì ghê thế. 
Tôi linh cảm thấy một cái gì đó không lành trong khóa học này. 

Tuần sau nữa, tôi có giờ lái buổi chiều. Vừa chạy xe qua một xa lộ để lên cái cầu bắc ngang qua con rông Ranh, thì có sự cố. Tôi đang lựa tay lái cho xe vào đúng lằn đường trên cầu, thì ông thầy hét lên: 
- Đừng sang tay trái nhiều quá. Vào bên phải nữa đi ! 
Thế là trong lúc quá hoảng sợ, tôi chưa kịp xử trí, tay thầy nắm lấy vô-lăng, bẻ ngoặt sang phải. Xe đâm vào thành cầu. Tôi đứng tim vì sợ, nhưng biết mười mươi không phải lỗi của mình. Giá cứ bình tĩnh hướng dẫn, dưới chân thầy có hệ thống phanh mà, chắc tình huống không thê thảm đến như vậy. Hai thầy trò nhảy ra khỏi xe. Sườn xe móp xuống, mũi xe bên phải cắm vào thành cầu. Xe hỏng nghiêm trọng. Lòng ôi ngao ngán. 

Rồi kỳ thi lái cũng đến. 
Chiều hôm trước, Bích Vân, em gái tôi từ Thụy Sỹ đã gọi điện to, nhỏ: 
- Thôi, mình là nữ, cứ xác định thi thực hành phải hai lần Thu ạ. 
Vân đã lấy bằng trước đó vài tháng. Và cũng đã một lần từng nâng bổng cái biển giá hàng của tiệm châu Á kia lên. Xe vào sâu quá, sát cửa kính tiệm. 

            

Sáng hôm ấy, tôi vào thi đầu. 
Trên xe, ngồi ghế bên cạnh tôi là thầy giáo. Băng ghế đằng sau là một nhân viên của hội đồng chấm thi. Ngồi cạnh ông là thí sinh tiếp theo sẽ đến lượt thi. 
Chúng tôi xuất phát từ TÜV ( Sở có trách nhiệm về luật giao thông; nơi tổ chức các kỳ thi lái xe hơi, xe tải và xe motor v.v..) và tôi sẽ chạy xe theo lệnh của giám thị. 
Vừa ra khỏi cổng một quãng, ông giám thị nói: 
- Chị cho xe dừng lại ! 
Tôi xanh rờn cả mặt. Có chuyện gì thế nhỉ? 
- Chị đã cài dây an toàn đâu. 
Thôi chết tôi rồi. Nhìn xuống, quả đúng là như vậy. Trong lúc mất bình tĩnh, kém tự chủ, tôi quên cả việc cài dây an toàn, chỉ lăm lăm vào lái. 
- Mình xuống chỗ kia, chị dừng xe ở đó nhé. 
Tôi quay xe, đỗ huỵch vào một đụn đất, lại sát ngay hàng dậu, cánh cửa không mở ra nổi, cho người trong xe ra ngoài. 
- Tôi tưởng đã cho chị học đỗ xe rồi chứ ? 
Thầy tôi nói mát. 

Sau đấy tôi quyết định không học lại để thi tiếp phần thực hành. Đúng thời gian này, mẹ con tôi chuyển về Cologne. Ổn định được vài ba tháng, tôi đi tìm cho mình một trường lái gần nhà, rất tiện đi lại. Ngay ngày đầu đăng ký học, tôi đã nhấn mạnh chỉ thi phần lái, phần Theory tôi dã xong từ lâu và còn có chứng chỉ. Tiếp tôi là ông thầy tên Nicolai. Một ông già thấp bé, lọm khọm, tóc đã phơ phơ, chả có chút gì linh hoạt của người trong trường lái xe. 
Tôi thất vọng quá. Lo sợ bắt đầu quay lại ám ảnh trong tôi. 
Nhưng mọi lo âu của tôi thật là hão huyền. Nicolai là một thầy giáo tuyệt vô cùng. Lời lẽ dịu dàng, giải thích ngắn gọn, nhanh chóng nắm bắt được chỗ yếu của người đang học lái và nữa, ông là người rất có tâm cho sự nghiệp của mình. 
- Nhìn. Chú ý trong gương chính, gương phải, gương trái. Làm được như thế sẽ có bằng. Nếu không, học lái tiếp. 

Hôm thi lái, tôi cũng vào đầu. Chính cách dạy của thày Nicolai (ông gốc người Nga, trong phương ngữ của ông với chữ R khi phát âm rất rung, tôi đã nhận ra), với bao nhiêu năm dày kinh nghiệm, đã cho tôi một tự tin tuyệt đối. 

Trước lúc lên xe, thầy Nicolai nhìn tôi: 
- Để ý lệnh lúc qua cầu. Cứ lái như mọi khi là được. Chúc thành công ! 
Tôi gài dây an toàn, liếc nhanh vào gương, thấy ánh mắt bối rối của thầy giáo mình. 
- Chị chạy hướng qua cầu, rồi ra xa lộ nhé. 
Okay. Ở đoạn hai nhánh cầu này, rất nhiều thí sinh bị hiểu nhầm và rẽ lung tung. Rẽ sai, sẽ không thể chạy tiếp ra xa lộ. Nhưng thầy Nicolai đã cho tôi quần quá nhuyễn, giống hệt như ngày nào chúng tôi đã tập dượt suốt phần khảo sát hàm số hồi toán lớp 10, cho thi tốt nghiệp. 
Tôi cài xe sang số 5, chạy với tốc độ 120 như quy định cho phép trên xa lộ đã đề trên biển. 
    

               

Xe lao đi xé gió. Đã trung tuần tháng Mười Một. Ngoài trời rất rét. Hai hàng cây và những tòa nhà lùi lại phía sau. 
- Chị cho xe chạy về TÜV nhé. 
Tôi thở nhẹ một chút và thoáng nghĩ trong đầu : " Còn cái vụ đậu xe nữa là xong". 
Đã vào đến trung tâm. Phố xá đông vui nhộn nhịp, xe giăng như mắc cửi. 
- Chị đậu xe vào giữa hai cái xe bên phải này. 
Đây là một kiểu "park dọc", phải đưa được xe của mình nằm lọt trong khoảng cách hai xe như đã nói. Nó sẽ không đơn giản cho những người mới như bọn tôi. Thày Nicolai biết tôi chưa thạo, nên đã luyện cho tôi đậu xe kiểu này rất nhiều. Xe tôi vào êm re. Đúng boong như lệnh. 
- Cảm ơn chị. Xong rồi đấy ! Giám thị hân hoan nói. 
Tôi ra khỏi xe, người nhão ra, như sợi dây đàn quá căng rồi đứt phựt. 
Cậu thí sinh ngồi ghế sau lên bắt tay tôi, rối rít: 
- Kim Thu, mày lái sịn quá đi. 
Tôi chau mày, nói nhỏ: 
- Im nào. Câu ấy để đợi giám thị nói đã. 
Thầy Nicolai bước lại gần tôi, những sợi tóc bạc trắng lưa thưa trên trán thầy tung bay trong gió: 
- Xin chúc mừng ! Thi đã thành công. 

              

Ông giám thị lại xiết tay tôi và trao bằng lái xe cho tôi ngay tại chỗ. 
Nước mắt tôi từng giọt lăn xuống má lúc nào không hay. 
" Thày Nicolai. Xin ngàn lần cảm ơn thầy." 

Thoáng đấy mà 19 năm trời đã trôi qua.
 

Cologne 17.09.2013


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 18-09-2013 11:11






Xem 31 - 39 của tổng số 39 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 | 4 |

Từ: HuyenBT
18/09/2013 20:08:10

Em đọc bài của chị mà hồi hộp như em đang ngồi sau vô lăng. Tất cả những cảm xúc, tâm trạng, tình huống chị kể là tất cả những gì những phụ nữ tập lái trải qua. Toát mồ hôi đầm đìa giữa những ngày mùa đông là chuyện thường. Thảm hại nhất là khi người dạy cứ bảo : phanh!" thì chân mình lại cứ nhấn hết cỡ vào "ga"! Và thêm một kinh nghiệm: đừng có bao giờ nhờ chồng dạy lái xe! Họ có thể dịu dàng, tử tế ở bất cứ đâu, nhưng không phải lúc dạy vợ lái.( lời nhắn cho các chị em sắp tập lái xe.)



Từ: Guest ThongNV
18/09/2013 19:36:23

Chúc mừng Thu đã lái được ba phương tiện giao thông. Cố gắng trước khi nghỉ hưu lấy thêm bằng lái phương tiện mới.



Từ: 3Chai
18/09/2013 18:27:37

Bài có nhiều hình ảnh minh họa đẹp. Vote Y cho hình cuối cùng. Hình đầu bài cũng đẹp mặc dù không liên quan mấy đến nội dung.


Chúc mừng bạn có bài mới.



Từ: Guest Vũ Đặng
18/09/2013 18:21:38

   Ở VN con gái lái xe vẫn chưa là phổ biến,một phần do an toàn giao thông chưa được tốt nên nhiều chị em còn ngần ngại,nhất là khi học lái.Thu KK may mắn gặp được ÔNG THÀY tuyệt vời đó chứ,dù Thu có cố gắng hết mình nhưng vẫn trào nước mắt khi biết mình đã vượt qua cửa ải khó khăn nhất, và nghiệm ra rằng KHÔNG THÀY ĐỐ MÀY LÀM NÊN và thật sự càng khó càng phải quyết tâm thì sẽ tới đích.


   Chúc ThuKK,mãi vững vàng trong cuộc đời,mọi thử thách luôn kề bên ta,cứ mạnh mẽ nắm vững vô lăng sẽ đến nơi mình muốn đến.



Từ: Guest BM
18/09/2013 17:45:40

Một thời " cố vấn" lốp xe,


gấu quần kẹp nhíp lo te tua kìa,


lại còn đâu cũng kè kè, 


cái bơm theo túi, nhỡ bề hết hơi,...


 


Một thời ai cũng chơi vơi, 


cúi đầu ngắm lốp, xe ngồi quá cao,


Sput-nic cứ ào ào,


bởi ghi đông thấp, nên sao ngắm đường!


 


Bây giờ khung cảnh muôn phương,


ô tô, xe máy, chật đường khoe nhau,


đổi thay, thời thế thật mau,


nỗi lòng thời cuộc, sắc màu nẻo quê,...


 


Vẫn còn kỷ niệm tràn về,


một thời áo trắng, say mê thưở nào,...


Một phần đời quá thanh tao,


khám phá, hăm hở, dạt dào say mê,... 



Từ: CucNT
18/09/2013 14:42:02

Chuyện gì chị cũng viết thành văn được, chị giỏi quá! Trong đời em, phải thi lại nhiều nhất là lái ôtô chị ạ! Thi đến lần thứ 3 mới đậu. Có bằng rồi, em cũng chỉ dùng 1 thời gian ngắn. đường Tp. HCM chật chội quá nên leo lên xe máy đi làm tiện hơn.


Lúc nào có dịp qua Đức, chị lái xe chở em đi chơi nha!



Từ: GiangHV
18/09/2013 14:29:13

 


Thu bắt tay vào học lái xe ở thành phố Mainz à? Mình đã đến thành phố này rồi đó. Chả là trên đường từ Frankfurt tới Bonn phải chuyển tàu tại ga Mainz, nhân tiện tham quan thành phố luôn. Tuy nhiên mình nhớ nhất là được ngắm nhìn quang cảnh hai bờ sông Ranh từ tàu hỏa. Tàu chạy dọc theo bờ sông, bên hữu ngạn, rất chậm, mất khoảng một buổi mới đến Bonn. Trên một toa có khoảng 10 người là cùng, nên tha hồ mà chọn vị trí ngắm cảnh và chụp ảnh.


 


 



Từ: HoaNT
18/09/2013 14:23:45

Thu ơi ngày xưa đứa nào chúng mình cũng qua các giai đoạn tập xe đạp giống nhau nhỉ, hồi đó mỗi năm chỉ được có 4 m vải mà cứ mỗi lần đi xe gấu quần bị xích xe nghiến nát bươm nên cứ phải xắn quần lên quá đầu gối để khỏi bị rách. Lúc đi học cấp 3 mình mới được bố mẹ tặng thưởng cho xe đạp Sport của Liên xô do bố mình đi B nên  được ưu tiên mua theo tiêu chuẩn phân phối, vì là xe nam nên phải hạ khung xuống thành xe Hoàn Kiếm. Buổi đầu tiên đi học trên đường Láng đến trường Yên Hòa  mình bị đâm cong cả vành. Cách đây 10 năm  bọn mình không có điều kiện đón đưa con đi học nên cu Hùng nhà mình cũng bị ô tô kéo cả xe đạp vào gầm, may mà người văng ra ngoài, xe đạp bị nát tan tành. Bây giờ  tình hình giao thông Hà Nội nhốn nháo quá nên bọn mình không dám để cu Hà  đi xe đạp vì vừa bị gãy tay năm ngoái. Cả nhà đùa bảo có lẽ phải lấy vợ cho Hà để sau này còn đèo Hà đi học chứ bố mẹ già không đủ sức đón đưa nữa.



Từ: HanhLT
18/09/2013 12:49:55

Thu luôn có những bài viết rất cuốn hút, ngày xưa bọn mình đều rất giống nhau ở đoạn đi xe người lớn không ngồi được lên yên...đọc đoạn này mình lại mường tượng ra cảnh một chân luồn qua khung xe loi choi đạp...ngộ ghê, bọn trẻ bây giờ mùa nào thức nấy luôn có chiếc xe đạp phù hợp với tuổi mình.Ngày xưa ấy HN vắng vẻ và thanh bình...trẻ con ra phố chơi vô tư, ít hiểm hoạ từ trên trời rơi xuống, không khí không ô nhiễm như bây giờ.Lại nhớ thời bao cấp tụi mình luôn xếp hàng chót chét..và chuyên phải đi xe với bộ xăm lốp cũ kỹ mòn vẹt..




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 | 4 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s