KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 21 Tháng chín. 2013

HÀ NỘI - KEM VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                               HÀ NỘI - KEM VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT


Nhân đọc bài viết KEM HÀ NỘI, xin được chia sẻ về những hiệu Kem và Nước giải khát đã bao năm rất gần gũi với chúng ta, dưới thời bao cấp.


Từ lúc tôi học cấp I, đầu cấp II, mẹ tôi đã làm ở cửa hàng Bốn Mùa. Cửa hàng tọa trên đường Lê Thái Tổ, chiếm một vị trí rất đẹp, trải tầm nhìn ra phía Hồ Gươm thật nên thơ.


           

                         Cửa hàng kem Bốn Mùa có hàng hiên màu đỏ


Đây là hiệu kem tư nhân nổi tiếng thời Pháp của Hà nội, đã trở thành sở hữu của nhà nước, từ đầu thập niên 60, sau cải tạo công tư hợp doanh. Lúc mẹ tôi làm việc ở đây, vào 1964, 1965 thì Bốn Mùa không làm kem, mà chỉ có nước giải khát các loại, như si-rô lựu, nước chanh, nước cam, nước mơ, cà phê đá, cà-phê các kiểu, rất nổi tiếng với cà phê đen nóng, pha bằng phin nhỏ.


Đến năm 1966, mẹ tôi chuyển về cửa hàng Long Vân. Cũng như Bốn Mùa, Long Vân và kem Hồng Vân trước kia cũng của tư nhân. Long Vân có một vị trí thượng phong. Nó là điểm giao nhau của hai con phố lớn. Cửa chính trông ra đài phun nước, nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhìn xéo sang bên kia là Cửa hàng bách hóa 12 Bờ Hồ cũ. Phố xá sầm uất, xe cộ giăng như mắc cửi, khách bộ hành, cư dân trong phố nườm nượp suốt ngày đêm, nhất là sát với bến tàu điện, nơi tỏa đi muôn hướng trong nội thành và ra ven đô. Từ tinh mơ, đến lúc đêm xuống, suốt ngày tiếng xe điện leng keng, chuỗi âm thanh rất mực thân thương của Hà nội, không chỉ cho người Hà nội mà cho cả nước, để lúc đi xa, nhớ đến nao lòng.

Cửa phụ của Long Vân hướng ra Hàng Gai, Hàng Đào, những phố cổ có hạng, buôn bán sỉ lẻ truyền thống lâu đời của đất Hà Thành.


        

 

Long Vân trong những năm mẹ tôi ở đó, hoàn toàn không làm kem, chỉ bán các loại nước ngọt như bên Bốn Mùa tôi đã trình bầy. Kem lúc này độc quyền là cửa hàng Hồng Vân. Kem Hồng Vân lúc ấy, gồm các loại kem sữa, kem cà-phê, kem đậu xanh, kem dừa, kem cốm (chế biến từ cốm khô), kem hoa quả, đặc biệt là kem chanh & kem dâu ( nước cốt dâu, chứ không chế từ dâu tươi.)

Cửa hàng Thủy Tạ có một vị trí đắc địa, kề sát với Hồ Gươm, duy nhất chiếm được phong cảnh hết sức hữu tình. Người Hà nội trước kia cũng gọi nó là Thủy Tọa. Khách ngồi thưởng thức kem ngắm sóng nước lăn tăn gợn lên bởi gió Hồ. Tôi còn nhớ cả cây đa, cây si trong sân khu vực cửa hàng, nơi mẹ tôi và các cô nhân viên vẫn hương khói lễ những ngày Mồng Một, ngày Rằm. Mỗi khi tháng Tám ta, mùa mưa bão, Hồ Gươm như thách thức với thiên nhiên. Và cơ man nào là tôm, tôm nhiều vô kể cho người ta đánh bắt.


     


Sau này, cửa hàng Thủy Tạ cũng bán kem. Cả kem que và kem cốc. Kem cốc đựng trong những cái bát thủy tinh vuông và trong những cái ly cao chân, hấp dẫn đám trẻ chúng tôi vô cùng. Những khách hàng thân quen với Thủy Tạ, sẽ không thể quên được món Kem Bát, rất ngon, rất đặc biệt. Gọi như vậy, vì cái chứa kem là một cái "bát" bằng bánh quế. Khi đã lấy thìa xúc hết chỗ kem trong bát, người ăn sẽ thưởng thức luôn cái bát kia.

 

             

                                  Thủy tạ về đêm

 

Ngoài những cửa hàng kem có vị trí xung quanh Bờ Hồ như trên, Kem Cẩm Bình và Kem Hòa Bình là những tiệm kem có tên tuổi, thân thuộc với Hà nội. Bên cạnh những cửa hàng kem của nhà nước, Hà nội vẫn có những chú bé bán kem que, kem thường có màu xanh cốm và rẻ, có lúc hào hai que kem, nhưng nặng về nước đá, đường ít, nhạt lắm. Hình dáng những chú bé bán kem, có còn in trong tâm trí ai ? Dưới nắng hè nhoai người, không một bóng râm, những chú bé bán kem vẹo người xách cái phích nặng, chạy chân không trên đường nhựa chảy ra vì sức nóng của mặt trời hun đúc. Chúng đen nhẻm, tóc cháy khét lẹt, mặt mày nhễ nhại mồ hôi, đi trong nắng, bụi và mệt mỏi của tiết hè :

- Ai kem đây ! Kem đ â â y !

Tiếng rao kem đôi ba khi nghe không rõ, lặng xuống vì giọng đã khản lại, vì đói, vì khát nước, thèm lắm, mà chẳng dám ăn kem...


Chị em tôi thường theo mẹ suốt trong các cửa hàng mẹ đã từng làm. Có một kỷ niệm với cửa hàng Long Vân, nó sống mãi trong tôi, đến hôm nay.

Lúc đó đang dịp nghỉ hè năm 1967, đến mùa thu năm ấy, tôi sẽ vào lớp 7. Cha mẹ tôi thương các con ở sơ tán khổ, cứ liều đón về Hà nội dăm tuần. Hôm ấy mẹ tôi làm ca sáng. Trên Công ty ăn uống lại có đại hội Đoàn. Thế là vắng gần hết lực lượng các cô trẻ, do thu hút của hội nghị đó. Trong cửa hàng giờ đây còn đúng hai nhân viên: mẹ tôi & cô bán vé. Lẽ ra nên đóng cửa, treo bảng nghỉ với lý do chính đáng. Nhưng mẹ thấy trong tay có hai nhân lực thiếu niên: tôi 13 tuổi & em Bích Vân của tôi 11 tuổi ! Mẹ quyết định vẫn mở cửa hàng, bán như thường lệ. Cô Phất vẫn đứng ở vị trí bán vé như mọi khi. Mẹ tôi trong bếp pha cà phê, pha si-rô lựu, nước mơ và nước trái cây khác. Tôi giữ chân múc ra các cốc: cà phê đen ở cốc nhỏ, cà phê đá vào ly thuỷ tinh lớn, còn lại các nước trái cây đều sử dụng với cùng một loại ly. Tôi nhập tâm ngay và vào cuộc. Còn em tôi, Bích Vân, nó bé quá, mới 11 tuổi, lại thấp. Mẹ tôi kê cho em một cái bục, nó là một cái thùng gỗ, rồi lật úp xuống. Vân đứng trên bục đó, chỉ múc đá mà tôi đã đập nhỏ, được đựng trong cái nồi nhôm Liên Xô đại tướng, vào các cốc để giao cho khách. Em không được phép quay ngang, quay ngửa nhiều, nếu không sẽ trượt chân mà ngã. Trên bàn giao hàng, trước mặt Vân có tới 5 cái que sắt nhọn đầu, để xiên các loại vé, lúc khách lấy hàng. Em thuộc luôn. Lâu lâu, mẹ tôi từ trong bếp lại chạy ra chỗ giao hàng ngó nghiêng một chút :

- Không đong đá đầy quá Vân nhé !

- Vâng ạ. Con chỉ cho họ thêm, nếu họ ấy xin thôi.

Còn tôi, như con thoi bưng từng khay nước ngọt và cà phê từ trong bếp chỗ mẹ pha chế, ra quầy cho em xuất hàng. Tôi cũng không hiểu, mình đã lấy từ đâu ra, bao nhiêu sức lực để say mê với công việc mẹ giao ?

 

       

                                                              Trước cửa Kem Thủy Tạ


Đến chừng sau giờ ăn trưa, khách tràn vào cửa hàng đông vô kể. Cửa hàng bây giờ chật cứng. Đứng từ chỗ giao hàng, tôi không nhìn được cô Phất đang ngồi bán vé. Trời nóng, đang tiết hè tháng Bẩy. Cả cửa hàng có độc một cái quạt trần phe phẩy. Chợt một tốp bộ đội tới 8, 9 người, trong đó quá nửa là các chị bộ đội, trẻ măng, hãy còn ngượng nghịu nơi đông người, tìm bàn để ngồi. Tôi thấy một anh trong nhóm đã lấy được vé, đi lại chỗ em Vân tôi để lấy đồ uống. Tôi ra ngay, hỗ trợ cho Vân, vì giao hàng liên tục, không rời tay. Nhóm các anh chị bộ đội lấy toàn cà phê đá và một đĩa bánh nướng (loại dài, rồi cắt thành từng miếng, chứ không phải bánh nướng Trung thu). Một lúc sau, tôi đưa mắt theo dõi, thì thấy những cốc cà phê đá của các chị nữ còn nguyên, đá chảy hết, bây giờ màu cà phê trong ly nhạt hẳn. Tôi chạy vào bếp cho mẹ thông tin này. Mẹ tôi bỏ công việc trong bếp, ra ngoài, đến bàn của các anh chị bộ đội. Mẹ tôi cười, hiểu được cái gì đã xảy ra :

- Các cô không uống được cà phê phải không?

- Vâng, bác ạ, đắng đắng là. Một chị được dịp hỏi, lên tiếng ngay.

- Đáng lẽ các chú phải hỏi trước khi mua vé chứ. Mẹ quay sang các anh bộ đội nói vậy.

Các anh nhà mình mặt đỏ lên, gãi đầu:

- Cháu cứ nghĩ các cô ấy như cánh nam giới chúng cháu.

- Tôi bỏ chỗ cà phê bị loãng này đi nhé. Bây giờ các cô nữ uống gì nào? Cửa hàng có si-rô lựu, nước cam, nước chanh, nước mơ ...

Tất cả nhóm ngồi im thin thít. Các chị bộ đội nữ mặt đỏ lên. Một chị lí nhí:

- Thôi bác ạ, chúng con chả uống nữa đâu.

- Sao không uống. Si-rô lựu ngon, dễ uống lắm.

Mẹ tôi cúi xuống cả nhóm, một giọng ân cần :

- Lấy nước ngọt lần này, không phải trả tiền. Cửa hàng mời các cô bộ đội đấy.

Ngần ấy gương mặt giãn ra. Ngần ấy đôi mắt mở to nhìn mẹ tôi vừa ngạc nhiên, vừa thầm cảm ơn.

Mẹ tôi bưng những cái ly cà phê đá của họ vào bếp. Lúc đi ngang qua quầy giao hàng, mẹ nhìn Vân nói:

- 6 si-rô lựu Vân nhé. Con đong đầy lên cho các cô bộ đội.

- Vâng ạ. Em chiết thêm từ một cốc nguyên vào 6 cái cốc do tôi múc lúc trước, rồi thoăn thoắt xúc đá vào ly.


Các anh chị bộ đội không hề biết, bác nhân viên hôm ấy cũng có chồng là bộ đội và con gái lớn đang học trong Quân-y. Vợ người lính già. Mẹ cô lính trẻ.


Hôm ấy doanh thu của cửa hàng rất cao. Chiều về, mẹ con tôi hớn hở khoe thành tích, thì bị bố tôi quạt cho một trận :

- Sao cô liều thế ! Dám mang hai đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên, chưa được phép làm việc như các công nhân viên, vào bán hàng cho một cửa hàng của nhà nước. Mọi sự suôn sẻ, thì không sao. Nếu có gì không may xảy ra, sẽ không được ai bênh vực đâu.


Hà nội bây giờ hiện đại, khác trước nhiều. Những que kem Hàng Vôi, kem Hồng Vân, Thủy Tạ ngày xưa đã nhường chỗ cho kem Italia có thương hiệu, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu khách hàng, nhất là khách hàng bé con.

Thế mà, mỗi lần ghé qua Bờ Hồ, ngắm Thủy Tạ, Hồng Vân, Long Vân và Bốn Mùa, bóng dáng Hà nội cũ vẫn thấp thoáng đâu đây, gọi tôi về với những món kem ngày thơ bé.


Cologne 16.09.2013


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 21-09-2013 14:02






Xem 11 - 20 của tổng số 36 Comments



Từ: Guest Trung Kiên
24/09/2013 03:10:54

@3Chai, lạc đề rồi. Đang Kem que, Kem cốc ngon & hấp dẫn cực kỳ. Sao lại có nhẫn cưới ở đây ???



Từ: 3Chai
23/09/2013 18:40:33

@Quang Tèo. Trả lời của bạn chỉ là phỏng đoán thôi. Muốn biết tương đối chính xác cô nào có chồng thì phải nhìn kỹ tay cô nào có nhẫn cưới. Vậy mà chưa chắc đã chính xác, vì cô có chồng nhưng có thể lại tháo nhẫn ra để tiện... mút ngón tay dính kem. Chúc bạn vui khỏe.



22/09/2013 20:24:02

@Anh Hoàng Anh, em cũng hay ăn kem với tụi bạn, lúc đã lên cấp III ở cửa hàng kem Tôn Đản. Nó tên là hiệu kem gì hả anh ? Chỉ nhớ phải trèo lên cái bậc tam cấp khá cao & bao giờ cũng đông nghịt, chìa ra những cánh tay cầm tiền & đợi lấy kem.


@Tuyết ơi, Có nhớ hồi từ trại trẻ sơ tán về Hà nội, bọn mình lớp 8E sà vào ăn kem Hồng Vân không, mẹ Thu mua cho cả bọn một rổ kem que. Đội quân chết đói, chết khát chúng mình ngồi xuống chân cái đài phun nước, (Thu cứ nhớ đọc nó là Phan-tàn, phiên âm tiếng Nga), tác chiến nhanh chóng chỗ kem que trong rổ, chả kịp chảy. Thu có tả đoạn này trong bài SƠ TÁN-Phần 2.



Từ: Guest NHA
22/09/2013 19:34:52



Hồi nhỏ, thời gian ở HN tôi cũng thích ăn kem như nhiều bạn cùng thời, và là kem que… những tối nóng bức cả nhà thường  tản bộ ra đường Thanh niên hóng gió , có lần chị tôi mua cho mỗi người một cây kem… cái vị thơm, vị ngọt, cái mát lạnh đầy quyến rũ ấy làm tôi nhớ đến tận bây giờ. Hồi bé làm gì có tiền để được ăn kem… nên tôi thường có một ước ao thật nhỏ bé cho mình là bao giờ lớn mình đi làm, có lương, phải giành có lúc sẽ ăn cho thật đã kem. Cho đến một tối đầu tháng 12 năm 1972 ,( vâng đúng vậy các bạn ạ - năm Mỹ ném bom HN) nhân gặp lại thằng bạn cũ trên trường ĐHKTQS về, không biết đãi bạn bằng gì, vì cùng lính học viên nên nhất trí cũng nhanh,  hai đứa đạp xe lên tuốt lên cửa hàng KEM Tôn đản, chen vào mua nguyên một mũ cối kem, mặc cái rét căm căm vào cái đêm đông, hai thằng ngấu nghiến hết hơn hai chục cây kem, mới bắt đầu thấy lạnh buốt từ dạ dày lên tận chân răng…và thế mà cũng chưa kinh đến tận bây giờ tuy già răng đã lung lay, nhưng thỉnh thoảng vẫn hứng chí “em ước ao, em khát khao”…tự thưởng cho cả 2 vợ chồng 1 chầu kem.




Từ: TuyetHA
22/09/2013 18:30:39

"Anh em trong đoàn quân du kích


Cùng vác phích lên tàu:


Ai kem. ai kem!


Kem một hào hai chiếc!


Một chiếc năm xu!




- Này chú bán kem,


Có rao thì rao cho khéo


Đừng gào to tiếng


Điếc tai hành khách trên tàu!


Kem đi..., Kem đi...."


 


Nhớ bài hát "xuyên tạc" này không ACE, những ai có tuổi thơ ở HN?


Chả cứ con trai hay con gái, đứa trẻ nào mà chả mê kem? Riêng mình đến bây giờ vẫn rất thích ăn kem, ông xã cũng vậy, sức ăn chả giảm sút tý nào, 1 hộp kem 1l, chẳng cần lấy ra cốc, 2 vợ chồng mỗi người một chiếc thìa, vừa ăn vừa xem TV, loáng một cái hết sạch, được cái cả 2 vợ chồng "ơn trời" răng vẫn còn rất tốt, chẳng hề có hiệt tượng buốt răng. Đến tận bây giờ đi mua hàng trong siêu thị ( 2, 3 ngày/lần), một món hàng không thể thiếu được là kem, kem hộp, kem que. đủ cả. Cám ơn Thu đã viết một bài về thú ăn kem và các hiệu kem quen thuộc ở HN. Bây giờ trong SG đã có các đại lý Kem TT, nhưng không thể tìm đúng hương vị Kem TT đâu, cứ phải ra HN, đến TT mới thưởng thức được đúng Kem TT. Những kỷ niệm về kem nhiều lắm, không thể kể hết được trong một cái com. Thu ạ!


Ảnh ăn kem có cả Minh là dịp tết 2012, bọn mình ra HN, chúng mình "Du xuân ở Bờ Hồ" và tất nhiên không thể thiếu mục "ăn kem", sau khi đã ăn "Phở Thìn"!



Từ: Guest Chị Quỳnh Nga
22/09/2013 17:23:43

Thu ơi, sao Thu nhớ ghê nhỉ, cái chuyện ở cửa hàng Long Vân ấy. Bây giờ, chị vẫn đưa các cháu lên Bờ Hồ ăn kem. Lại nhớ mẹ những năm trước còn bán hàng ở đây. Các cô cùng thời với mẹ, cũng nghỉ hưu hết rồi, chẳng còn ai quen.



Từ: Guest Kiệt
22/09/2013 15:21:25

Mình vẫn thích kem que hơn kem cốc. Cắn vào miếng kem có cái mà nhai được, chứ kem cốc thì không như thế. Nhưng bây giờ cũng chịu rồi, ăn kém lắm, buốt cả hai bên thái dương. Có đi ăn kem, cũng chủ yếu là dẵn các cháu đi thôi. Chúng nó sướng lắm. Y hệt bọn mình ngày nhỏ.



Từ: Guest Vũ Đặng
22/09/2013 10:39:19

    Ôi ! Kem là món VĐ mê nhất đấy chị Thu ơi,Hà Nội có bao nhiêu hàng kem VĐ cũng từng nếm qua rồi và bây giờ vẫn còn nhớ những lần chen nhau xếp hàng mua kem toát mồ hôi mới mua được,nhưng lúc đó ăn mới thấy tuyệt làm sao...


   Một thời con trẻ đã qua,bây giờ chị Thu nhắc lại thấy nhớ vô cùng.Cho đến tận bây giờ KEM vẫn là món mà mình thích nhất và KEM vẫn làm cho mình nhớ HÀ NỘI nhất Cảm ơn Thu thật nhiều.



Từ: LienTP
22/09/2013 09:23:43

Tiêu đề rất đơn giản vậy mà đọc thật thú vị. Cảm ơn chị Thu. Em cũng rất mê kem, kem Hàng Vôi, kem Hòa Bình... nước giải khát đủ kiểu. Nhờ lại những ngày xưa. Bây giờ U60 rồi, ăn kem không được nữa, nhìn bọn trẻ ăn mà thấy thèm quá.



Từ: Meomun
22/09/2013 09:21:03

Ui, toàn các anh chị Hanoian nói chuyện kem tuổi thơ. Bọn em là dân nhà quê, nên kem là xa xỉ. Có lẽ em biết tới khái niệm kem là năm 1969, hồi đi sơ tán về 1 xã cách tỉnh lị gần 10km (mà sao hồi ấy xa bát ngát thế không biết). Chiều chiều chừng 3 h, nắng còn gắt lắm, lũ trẻ con đang vui chơi bao giờ cũng ngóng cổ chờ tiếng kèn toe toe và tiếng chuông xe đạp leng keng của bác bán kem: Kem đây, kem đây, tránh xe nào!


Bác lấy kem từ thị xã từ sáng sớm, sau đó chạy cả chục Km xuống các làng lân cận để bán. Bác đã già, đội cái mũ phớt cũ kỹ chắc từ thời Pháp thuộc, cáu bẩn mồ hôi và bụi đường. Cái kèn bằng cao su, dùng lâu năm thì xung quanh biến thành màu chocolate, ở phần thân giữa thì mỏng đi, trơ lớp cao su màu đỏ hoe. Cái lốp xe thì bó bằng mấy sợi dây cao su, xe cũng không có "gác đồ bu" (em quên không biết có phải gọi như thế không). Trẻ em vùng quê thì làm gì có tiền, bác xuống xe để nghỉ là chính, còn bọn trẻ bu xung quanh thùng kem của bác như để cố vương chút tý ánh sáng thị thành, kiểu như hai chị em Liên và An trong truyện ngắn của Thạch Lam chờ tiếng còi tàu thôi. Thế rồi có lần ba mẹ em thương quá, mua cho mấy chị em mỗi đứa một cái kem, em nhớ giá 5 xu thì phải. Kem màu hồng hồng, cắn vào sồn sột những đá, nhưng mà sung sướng. Em "ăn dè" để được lâu. Bỗng miếng kem yêu quý rời khỏi que rơi xuống đường, tan vào trong cát trong ánh mắt tiếc ngẩn ngơ...


Rồi năm 1974 chị em em được lên HN chơi. Cây kem ngon nhất cho đến bây giờ em còn nhớ không phải là kem Mat, kem Kis, mà là kem cốm và kem dừa Hà Nội. Giá 2 hào/que thì phải.


Sao mà ngon đến thế và huyền ảo đến thế, cái hạt cốm xanh xanh và sợi dừa nạo trăng trắng trên que kem... 


Cám ơn chị Thu đã đưa em trở lại tuổi thơ.         





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s