KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 22 Tháng chín. 2013

Ước gì lúc này có mẹ ở bên chúng con!




Tác giả: NghiPH

           

Mẹ tôi là con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Ông bà ngoại tôi có hai người con gái là bác cả và mẹ tôi.

Thời con gái mẹ tôi được gả cho một ông khá giả trong làng. Ông ta đi miết, khắp đất nước, ít khi về nhà. Mẹ tôi ở quê đứng ra tổ chức làm 5 mẫu ruộng của nhà chồng.

Thế rồi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Mẹ tôi tham gia phong trào phụ nữ trong thôn, xã. Mẹ trả hết nhà đất cho bố mẹ chồng về sống với bố mẹ đẻ.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Mẹ tôi được huy động lên huyện lãnh đạo các đoàn dân công phục vụ các chiến dịch. Không may mẹ tôi bị sốt rét nên phải về công tác tại quê nhà.

Cùng thời gian này, thầy tôi đang công tác ở các huyện trong tỉnh. Sau trận bom do quân Pháp thả vào làng mẹ cả bị trúng bom ra đi,  thầy tôi chuyển về quê công tác để tiện bề chăm sóc các con.

Một thời gian sau chính quyền xã tác thành đôi lứa cho thầy mẹ tôi. Vì điều kiện khó khăn của kháng chiến, trong lễ thành hôn của thầy mẹ tôi chỉ có kẹo, thuốc lá, nước chè. Đây là lễ cưới đầu tiên của xã tôi theo nếp sống mới.

Về với thầy tôi, mẹ sống trong điều kiện mới khó khăn, vất vả hơn nhiều so với bên nhà ông bà ngoại. Mẹ vừa làm ruộng vừa tham gia công tác phụ nữ của xã, thôn. Mẹ chăm sóc 3 cô con gái- con riêng của chồng rất chu đáo. Sau đó thì tôi và hai em lần lượt ra đời.

Khi hợp tác xã được thành lập, thầy được bầu vào Ban quản trị, còn mẹ được cử làm Đội trưởng đội sản xuất Tây Đình. Sau này thầy không làm trong Ban quản trị nữa thì mẹ được bầu làm Trưởng ban Ban kiểm soát.

Là Đội trưởng, mẹ tôi lên kế hoạch sản xuất, phân công công việc cho các xã viên. Lúc đầu hợp tác xã chưa có sân và nhà kho riêng phải dùng sân đình để đưa lúa, đưa khoai về. Việc chia khoai lang cứ tưởng là dễ thế mà có lúc cũng phát sinh tranh cãi về khoai to, khoai bé, khoai hà, khoai không bị hà. Cãi nhau thế thôi, chứ tối về nhà, luộc khoai xong là lại mời sang nhà nhau uống nước chè xanh chén củ khoai lang.   

Chúng tôi được coi là những người có chữ nên thường được mẹ nhờ chia điểm. Chia điểm đi cầy bừa, đi cấy, chở phân, bón phân, làm cỏ, gặt lúa, trục lúa, đắp đê, chống hạn, chống lụt. Sau này còn chia điểm đi đào công sự, đắp ụ pháo nữa.

Mẹ tôi đưa ra các tiêu chí để chia như: Số ngày công, sự chăm chỉ, năng suất, chất lượng công việc. Ngày công thì dễ rồi, còn các tiêu chí khác, khó đo quá.

Chúng tôi cứ ngồi tính đi tính lại mãi không xong. Mẹ tôi kêu lên:

   - Đúng là mấy con mọt sách. Mẹ tính nhẩm trong đầu xong rồi. Mấy đứa ghi vào sổ đi nhé!

Thế rồi mẹ đọc vanh vách bà Vần bao nhiêu điểm, bà Tãnh bao nhiêu điểm, thằng Phấn mấy điểm... Mẹ giải thích luôn tại sao bà Vần lại được nhiều điểm hơn bà Tãnh, thằng Phấn được nhiều điểm hơn thằng Nghị. Tôi ngồi chép vào sổ. Cộng lại thấy khớp hoàn toàn với tổng số điểm được đem ra chia. Chúng tôi rất phục khả năng tính nhẩm của mẹ.  

Tôi là đứa trẻ rất giỏi bắt cua, tát cá, đánh giậm. Tôi bắt được rất nhiều cua cá. Mẹ tôi thường kẹp các con cua thành các xóc cua đem ra chợ bán.

Mẹ hay nấu bánh đa cua và kho những con cá to, ngon rồi bảo tôi đem biếu hai bà ngoại.  Đó là bà đẻ ra mẹ cả tôi và bà đẻ ra mẹ tôi. Tôi gọi hai bà theo tên thôn xóm là Bà Ngoại Đa Giá và Bà Ngoại Đồng Quen. Tôi yêu quý cả hai bà ngoại và rất tự hào với chúng bạn: Tao có hai bà ngoại, chúng mày chỉ có mỗi một bà ngoại!

Được bà ngoại truyền lại, mẹ tôi làm các loại bánh rất khéo, rất ngon. Vào dịp Tết chúng tôi thường được ăn bánh mật, bánh gai, bánh tẻ... Những hôm trời mưa không ra đồng được, mẹ nấu bánh đúc, nấu bún rêu cua sún đá cho cả nhà ăn.

Ở những mảnh ruộng sau khi nhổ mạ, cây khúc mọc lên khá nhiều. Mẹ sai tôi đi hái lá về để mẹ làm món bánh khúc (xôi khúc) ăn rất thơm ngon.

Tết đến mẹ làm liền mấy mâm cỗ để không những làm lễ ở nhà mình mà còn đội sang làm lễ ở nhà hai bà ngoại. Mẹ đội trên đầu cái mâm đồng khá nặng, dò đi từng bước vì đường sang nhà hai bà ngoại rất trơn khi trời đổ mưa.

Ngoài làm Đội trưởng, Trưởng Ban kiểm soát, mẹ tôi còn làm Phó ban phụ nữ xã (hồi đó chưa gọi là Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã). Hôm tôi cùng mấy đứa trong xóm đi bộ đội, mẹ tôi thay mặt Ban quản trị và Ban phụ nữ xã chúc mừng chúng tôi lên đường nhập ngũ khỏe mạnh, lập nhiều chiến công, đến ngày toàn thắng trở về với gia đình, với quê hương!

Tôi đi rồi, tối hôm đó mẹ ra ôm cây khế tôi trồng ở sau nhà khóc.

Ngày chúng tôi  từ Liên Xô về nước, mẹ  ra Hà Nội thăm con cháu. Thấy mấy con bận rộn quá, vất vả quá, mẹ bảo rằng, có lẽ mẹ đưa cháu Nhốp về quê để các con có điều kiện học hành, phấn đấu.

Lần khác, khi cháu Nhốp đã lên bẩy tuổi, mẹ ra chơi. Không có gì để đãi mẹ, tôi nói với mẹ: - Có cái xoong bị thủng con đem ra chợ để hàn, mẹ chờ con một tí! Rồi tôi nháy mắt với Nhốp cùng nhau ra hồ. Khoảng một tiếng sau hai cha con tôi trở về với khá nhiều tôm cua trong cái xoong bị coi là "thủng". Thấy hai cha con tôi về, mẹ tôi trìu mến nói: - Lúc nãy mẹ đã ra ven hồ xem hai cha con "hàn" xoong rồi! Mẹ tưởng con tốt nghiệp đại học rồi, có công ăn việc làm rồi thì không phải mò cua, bắt ốc như khi ở quê với mẹ. Nghe mẹ nói, tôi cay cay nơi sống mũi và nước mắt cứ thế trào ra.

Thấy cháu Nhốp đã khá lớn rồi (13 tuổi) mà chúng tôi chưa sinh cháu thứ hai, mẹ nhẹ nhàng nói với vợ chồng tôi:

        - Các con sinh một đứa nữa để Nhốp có anh có em. Với lại mẹ vẫn còn khỏe sẽ ra thăm, ra chăm cháu được mà!

Cháu Thảo Ly ra đời, mẹ rất mừng, mẹ ra chăm cháu ngay. Rồi mẹ lâm bệnh phải vào nằm viện. Chúng tôi đưa mẹ đi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó là về Viện quân y 5 ở Ninh Bình. Mẹ ra đi vào năm 1996, hưởng thọ 78 tuổi.

Mẹ ơi! Mẹ đã mắc bệnh rồi nhưng nén đau, cứ nói là còn khỏe để các con yên tâm. Chúng con vô tâm nên đâu có biết!

Chúng tôi đã có kế hoạch đưa mẹ vào Đà Nẵng thăm gia đình thông gia và thăm danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Thế mà đã thực hiện được đâu!

Cũng như bao người con khác, con cứ ân hận: Đến lúc có điều kiện để chăm sóc thầy mẹ tốt hơn, có thể đưa thầy mẹ đi thăm thú các nơi... thì thầy mẹ đã đi xa!

Ước gì, ước gì thời gian quay trở lại! Ước gì lúc này có thầy mẹ ở bên chúng con. Chúng con sẽ đưa thầy mẹ vào Đà Nẵng, ra Huế, đi Hội An, vào thành phố Hồ Chí Minh, đi Đồng Nai, đến Cà Mau... thăm các danh lam thắng cảnh, thăm bà con, thăm các cháu. Ước gì...!

1. Bà nội ra chăm cháu Thảo Ly năm 1994:

2. Mẹ thăm Công viên Thủ Lệ năm 1995:

3. Thảo Ly 2 tuổi- ngày bà nội ra chơi:

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 22-09-2013 14:02






Xem 1 - 10 của tổng số 19 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest KhoaDT
24/09/2013 20:39:16

Nghị ơi, các cụ thân sinh ra chúng mình đa số đều trải qua 2 cuộc kháng chiến và có được sống trong mấy năm hòa bình thì cũng rất khổ và thiếu thốn đủ thứ. Chỉ có tình cảm các cụ dành cho con cháu là không bao giờ thiếu. Các Ace nào còn có Bố Mẹ thì cố phụng dưỡng, thương yêu chăm sóc các cụ hết sức mình. Như tôi bây giờ muốn làm việc đó cũng không được, nhiều lúc thây buồn và nhớ thương Cha Mẹ lắm. 



Từ: HaiHH
24/09/2013 09:31:27

Người con bao giờ cũng nhỏ bé trong tình mẹ bao la. Viết về người người mẹ, chẳng có bút mực nào viết cho xuể. Câu thơ


       “Con đi khắp bốn phương trời


Cũng chưa đi hết những lời mẹ ru”


của Nguyễn Duy nói lên sự vĩ đại của người mẹ lắm nắng nhiều sương, suốt năm quanh lũy tre làng. Tôi cũng có mẹ, già rồi, biết rằng….một ngày nào đó… mẹ sẽ ra đi, bằng cách nào đó có thể nào cưỡng lại được chăng? Câu trả lời là…nước mắt.



24/09/2013 00:22:33

 


Thưa anh chị em, chiều nay lúc ngồi trong sở làm việc, tôi đã đọc toàn bộ những chia sẻ, những bình luận cho bài viết này. Xúc động quá, nước mắt lại trào ra.  Nghĩ đến lời thằng cu con anh Thông khuyên mẹ. Nghĩ đến hình ảnh những bà mẹ, bà bác, đến các cô, các thím, các dì ... như anh Khánh viết, tôi thấy đều có trong mỗi người phụ nữ thân thương ấy của chúng ta, dáng dấp mẹ của Nghị - bà nội Thảo Ly: tần tảo, chịu thương chịu khó, hà tằn hà tiện, thắt lưng buộc bụng cho chồng cho con, dành dụm, thu va hà vén... cả cuộc đời cực nhọc, tất cả vì con, vì chồng, vì gia đình nhà chồng. Ngần ấy thôi khiến các bà, các mẹ trở nên rất đỗi vỹ đại. Và đáng khâm phục, vị nể hơn, ấy là các cụ đã sinh thành & nuôi dưỡng được những người con rất thành đạt như hôm nay tôi thấy ACE trong Hội KGU này. Cảm ơn một tấm lòng yêu kính mẹ của đứa con trai hiếu thảo. Cảm ơn tất cả những chia sẻ, tâm sự về Mẹ của mình trên trang báo này. Nó là vô giá. 


 


 



Từ: KhanhT
23/09/2013 21:19:31

 


Nghị viết về Mẹ của mình mà người đọc cứ cảm nhận như Mẹ của ta. Mẹ tôi, Thím tôi, Cô tôi cũng như Mẹ Nghị, suốt đời gian khổ hy sinh, một nắng hai sương chăm lo nuôi con khôn lớn, dù ở đâu làm gì cũng chỉ một mực làm thế nào để con được khỏe, lớn lên, học hành tiến bộ... Đọc bài viết của Nghị, ai cũng thấy Mẹ mình trong đó, từng đoạn, từng đoạn ứa nước mắt!


"Cháu Thảo Ly ra đời, mẹ rất mừng, mẹ ra chăm cháu ngay. Rồi mẹ lâm bệnh phải vào nằm viện..." Thế là Bà ra thăm cháu lúc đã mang bệnh trong người, mà ta không biết, "chúng con vô tâm đâu có biết!" Trời ơi, thương Cụ quá! Người Mẹ nào cũng thương con, thương cháu, quên mình. Và chúng ta suốt đời ước điều gì đó làm được cho Mẹ, lứa chúng mình sinh ra một thời đất nước gian khó, nay có điều kiện thì Mẹ Cha đã đi xa rồi...


 



Từ: NghiPH
23/09/2013 20:28:37

Cảm ơn các anh, các chị, các em, các bạn đã đồng cảm, đã chia sẻ cùng tôi về Người Mẹ bình dị, tảo tần, hết lòng vì con cháu của Chúng ta. Tôi viết bài này trong nỗi nhớ mẹ, nhớ cha da diết. Tôi viết mãi mới xong vì quá xúc động. Bao nhiêu kỷ niệm với Mẹ, với Cha ào về.


Tôi chưa kịp kể: Có lần tôi cãi lại thầy nên bị thầy tôi đánh rất đau. Tôi chạy ra khỏi nhà. Đêm đến tôi lẻn vào nhà, tôi trèo lên gác chuồng trâu nằm. Thầy mẹ đi tìm khắp nơi không thấy. Mẹ tôi cứ trách thầy tôi:- Ông nóng quá! Đánh nó đau quá! Nghĩ dại nhỡ nó nhảy xuống sông, xuống hồ thì ân hận lắm! Rồi mẹ tôi thắp hương khấn ông bà phù hộ cho tôi. Tôi thương mẹ quá! Lẳng lặng trèo xuống, luồn ra ngoài đường rồi lại quay vào nhà. Mẹ ôm lấy tôi thật chặt:-Con đi đâu mà mẹ tìm mãi không thấy! Lần sau đừng bỏ đi con nhé! Tôi trả lời mẹ lí nha lí nhí:- Vâng! Lần sau bị đánh con chỉ trèo lên chuồng trâu thôi!



Từ: TungDX
23/09/2013 15:01:19

 


 


 Cài thời diệt dốt sau CM, phải đọc được chữ mới cho vào chợ...Mẹ tớ được tiếng là sáng dạ


Năm 2004 đi công vụ dài sang Nga, trước khi đi tôi đã dặn MẸ cố chờ con về…vì Mẹ đã yếu…


Trời chẳng chiều người… Sauk hi cúng ba ngày Mẹ, Bố tôi mới các cháu cho điện báo sang,...


Buồn hai tuần u ám, rồi bỗng hôm như có lời dặn trong mơ…


 Tôi trở lại công việc


 Những điều này ân ủi cho tôi, và có lẽ sẽ an ủi phần nào cho các bạn khac và Nghị nữa


LỜI U DẶN DÒ


Các con ơi!


Chuông nào đã giục chín hồi


Đến giờ U phải đi rồi, các con


Là sông thì cạn, đá thì mòn


Là người ai đã trường tồn được đâu


Cho là níu mãi được nhau


Sống mòn, càng thấy càng đau lòng nhiều


Cháu con mong sống để yêu


Trời từ bi mấy đã chiều được ai


Sống là gửi lửa cho mai


Thác là về ngắm tương lai trưởng thành


Cháu con vẹn nghĩa trọn tình


U về siêu thoát sạch tênh bụi trần


                                                                                         7-2004


Năm đó là 53 tuổi là Hạn trọng, Tết tôi tổng kết năm bằng mấy câu:


Giáp Thân trốn hạn sang Nga


Để cho muôn mối Mẹ già gánh thay


Vì con cháu xả thân gầy


Cháu con Ất Dậu một bầy bình an


 


 


 


 


 


 


 


 



Từ: LienTP
23/09/2013 14:50:50

Bà mẹ vĩ đại mà bình dị vô cùng. Mình đọc bài của Nghị mà như thấy bóng dáng mẹ mình, các dì, các o mình trong đó. Hội phụ nữ, đi dân công, làm ruộng họp tác xã... công việc nào cũng làm hết mình, hêt mình vì con vì cháu. Cảm ơn Tổng Nghị.



Từ: GiangHV
23/09/2013 07:37:56

Cách đây nửa thế kỷ mà đã có những người phụ nữ làm Đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp là chuyện hơi hiếm đấy. Thật may mắn cho Nghị đã có một người Mẹ thật tuyệt vời.


Tôi có một người mẹ, một bà (nội, ngoại) cũng rất tuyệt vời. Bà có trí nhớ cực tốt. Ở độ tuổi ngót 90, khi mà mắt đã không nhìn thấy gì, tai thì câu được câu không, thế mà bà nhớ không bỏ sót ngày giỗ của tất các các cụ, các ông bà trong làng (những người bà biết khi họ còn sống). Chỉ tội Bà không biết chữ.



Từ: NguyetTM
23/09/2013 07:27:34

Đọc bài anh Nghị viết về mẹ làm em cũng phải khóc vì đồng cảm với anh vì nhớ mẹ. Em cũng không còn được gần mẹ như anh. Xa mẹ mấy năm rồi mà thỉnh thoảng ra đường thấy một mẹ già khăn vấn, thấy một mẹ già mặc áo nâu, rồi một mẹ già bỏm bảm nhai trầu... em lại giật mình ngỡ gặp được mẹ mình. Nhưng mà lại không phải. Mẹ đi xa thật rồi mà. Cái ước muốn của anh Nghị chắc cũng là ước muốn của nhiều anh chị em muốn thời gian quay trở lại để mình có cơ hội chăm sóc mẹ nhiều hơn. Thực ra nhiều năm sau khi ra trường chúng ta đều vất vả kiếm kế sinh nhai, khi đó bố mẹ còn khỏe, thậm chí còn giúp đỡ mình rất nhiều thì mình không có điều kiện chăm sóc bố mẹ . Bây giờ, cuộc sống của mỗi người đều ổn định hơn, nhưng trớ trêu thay là nhiều bố mẹ của chúng ta đã đi quá xa, chúng ta không thể núi lại để mang chén trà dâng mời bố mẹ nữa. Vậy nên, ngay bây giờ đây, nếu ai còn bố, còn mẹ bên mình thì hãy cố gắng chăm sóc các cụ càng nhiều thì về sau càng đỡ tiếc nhé.



Từ: ThongNV
22/09/2013 23:03:40

Năm 1994, con trai mình về thăm bà nội lên, cháu nói với mẹ: "- Mẹ đi chợ cứ mua những thứ ngon về mà ăn, không sau này mẹ già như bà chẳng ăn được nữa đâu. Suốt bữa ăn bà chỉ ngắm con cháu ăn, còn bà chẳng ăn được gì. Răng bà rụng hết, lưng bà còng, tóc bà thưa mà trắng như cước ấy mẹ ạ.. . . " Tôi nghe thấy con trai nói mà nước mắt trào ra.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s