KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 22 Tháng chín. 2013

Ước gì lúc này có mẹ ở bên chúng con!




Tác giả: NghiPH

           

Mẹ tôi là con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Ông bà ngoại tôi có hai người con gái là bác cả và mẹ tôi.

Thời con gái mẹ tôi được gả cho một ông khá giả trong làng. Ông ta đi miết, khắp đất nước, ít khi về nhà. Mẹ tôi ở quê đứng ra tổ chức làm 5 mẫu ruộng của nhà chồng.

Thế rồi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Mẹ tôi tham gia phong trào phụ nữ trong thôn, xã. Mẹ trả hết nhà đất cho bố mẹ chồng về sống với bố mẹ đẻ.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Mẹ tôi được huy động lên huyện lãnh đạo các đoàn dân công phục vụ các chiến dịch. Không may mẹ tôi bị sốt rét nên phải về công tác tại quê nhà.

Cùng thời gian này, thầy tôi đang công tác ở các huyện trong tỉnh. Sau trận bom do quân Pháp thả vào làng mẹ cả bị trúng bom ra đi,  thầy tôi chuyển về quê công tác để tiện bề chăm sóc các con.

Một thời gian sau chính quyền xã tác thành đôi lứa cho thầy mẹ tôi. Vì điều kiện khó khăn của kháng chiến, trong lễ thành hôn của thầy mẹ tôi chỉ có kẹo, thuốc lá, nước chè. Đây là lễ cưới đầu tiên của xã tôi theo nếp sống mới.

Về với thầy tôi, mẹ sống trong điều kiện mới khó khăn, vất vả hơn nhiều so với bên nhà ông bà ngoại. Mẹ vừa làm ruộng vừa tham gia công tác phụ nữ của xã, thôn. Mẹ chăm sóc 3 cô con gái- con riêng của chồng rất chu đáo. Sau đó thì tôi và hai em lần lượt ra đời.

Khi hợp tác xã được thành lập, thầy được bầu vào Ban quản trị, còn mẹ được cử làm Đội trưởng đội sản xuất Tây Đình. Sau này thầy không làm trong Ban quản trị nữa thì mẹ được bầu làm Trưởng ban Ban kiểm soát.

Là Đội trưởng, mẹ tôi lên kế hoạch sản xuất, phân công công việc cho các xã viên. Lúc đầu hợp tác xã chưa có sân và nhà kho riêng phải dùng sân đình để đưa lúa, đưa khoai về. Việc chia khoai lang cứ tưởng là dễ thế mà có lúc cũng phát sinh tranh cãi về khoai to, khoai bé, khoai hà, khoai không bị hà. Cãi nhau thế thôi, chứ tối về nhà, luộc khoai xong là lại mời sang nhà nhau uống nước chè xanh chén củ khoai lang.   

Chúng tôi được coi là những người có chữ nên thường được mẹ nhờ chia điểm. Chia điểm đi cầy bừa, đi cấy, chở phân, bón phân, làm cỏ, gặt lúa, trục lúa, đắp đê, chống hạn, chống lụt. Sau này còn chia điểm đi đào công sự, đắp ụ pháo nữa.

Mẹ tôi đưa ra các tiêu chí để chia như: Số ngày công, sự chăm chỉ, năng suất, chất lượng công việc. Ngày công thì dễ rồi, còn các tiêu chí khác, khó đo quá.

Chúng tôi cứ ngồi tính đi tính lại mãi không xong. Mẹ tôi kêu lên:

   - Đúng là mấy con mọt sách. Mẹ tính nhẩm trong đầu xong rồi. Mấy đứa ghi vào sổ đi nhé!

Thế rồi mẹ đọc vanh vách bà Vần bao nhiêu điểm, bà Tãnh bao nhiêu điểm, thằng Phấn mấy điểm... Mẹ giải thích luôn tại sao bà Vần lại được nhiều điểm hơn bà Tãnh, thằng Phấn được nhiều điểm hơn thằng Nghị. Tôi ngồi chép vào sổ. Cộng lại thấy khớp hoàn toàn với tổng số điểm được đem ra chia. Chúng tôi rất phục khả năng tính nhẩm của mẹ.  

Tôi là đứa trẻ rất giỏi bắt cua, tát cá, đánh giậm. Tôi bắt được rất nhiều cua cá. Mẹ tôi thường kẹp các con cua thành các xóc cua đem ra chợ bán.

Mẹ hay nấu bánh đa cua và kho những con cá to, ngon rồi bảo tôi đem biếu hai bà ngoại.  Đó là bà đẻ ra mẹ cả tôi và bà đẻ ra mẹ tôi. Tôi gọi hai bà theo tên thôn xóm là Bà Ngoại Đa Giá và Bà Ngoại Đồng Quen. Tôi yêu quý cả hai bà ngoại và rất tự hào với chúng bạn: Tao có hai bà ngoại, chúng mày chỉ có mỗi một bà ngoại!

Được bà ngoại truyền lại, mẹ tôi làm các loại bánh rất khéo, rất ngon. Vào dịp Tết chúng tôi thường được ăn bánh mật, bánh gai, bánh tẻ... Những hôm trời mưa không ra đồng được, mẹ nấu bánh đúc, nấu bún rêu cua sún đá cho cả nhà ăn.

Ở những mảnh ruộng sau khi nhổ mạ, cây khúc mọc lên khá nhiều. Mẹ sai tôi đi hái lá về để mẹ làm món bánh khúc (xôi khúc) ăn rất thơm ngon.

Tết đến mẹ làm liền mấy mâm cỗ để không những làm lễ ở nhà mình mà còn đội sang làm lễ ở nhà hai bà ngoại. Mẹ đội trên đầu cái mâm đồng khá nặng, dò đi từng bước vì đường sang nhà hai bà ngoại rất trơn khi trời đổ mưa.

Ngoài làm Đội trưởng, Trưởng Ban kiểm soát, mẹ tôi còn làm Phó ban phụ nữ xã (hồi đó chưa gọi là Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã). Hôm tôi cùng mấy đứa trong xóm đi bộ đội, mẹ tôi thay mặt Ban quản trị và Ban phụ nữ xã chúc mừng chúng tôi lên đường nhập ngũ khỏe mạnh, lập nhiều chiến công, đến ngày toàn thắng trở về với gia đình, với quê hương!

Tôi đi rồi, tối hôm đó mẹ ra ôm cây khế tôi trồng ở sau nhà khóc.

Ngày chúng tôi  từ Liên Xô về nước, mẹ  ra Hà Nội thăm con cháu. Thấy mấy con bận rộn quá, vất vả quá, mẹ bảo rằng, có lẽ mẹ đưa cháu Nhốp về quê để các con có điều kiện học hành, phấn đấu.

Lần khác, khi cháu Nhốp đã lên bẩy tuổi, mẹ ra chơi. Không có gì để đãi mẹ, tôi nói với mẹ: - Có cái xoong bị thủng con đem ra chợ để hàn, mẹ chờ con một tí! Rồi tôi nháy mắt với Nhốp cùng nhau ra hồ. Khoảng một tiếng sau hai cha con tôi trở về với khá nhiều tôm cua trong cái xoong bị coi là "thủng". Thấy hai cha con tôi về, mẹ tôi trìu mến nói: - Lúc nãy mẹ đã ra ven hồ xem hai cha con "hàn" xoong rồi! Mẹ tưởng con tốt nghiệp đại học rồi, có công ăn việc làm rồi thì không phải mò cua, bắt ốc như khi ở quê với mẹ. Nghe mẹ nói, tôi cay cay nơi sống mũi và nước mắt cứ thế trào ra.

Thấy cháu Nhốp đã khá lớn rồi (13 tuổi) mà chúng tôi chưa sinh cháu thứ hai, mẹ nhẹ nhàng nói với vợ chồng tôi:

        - Các con sinh một đứa nữa để Nhốp có anh có em. Với lại mẹ vẫn còn khỏe sẽ ra thăm, ra chăm cháu được mà!

Cháu Thảo Ly ra đời, mẹ rất mừng, mẹ ra chăm cháu ngay. Rồi mẹ lâm bệnh phải vào nằm viện. Chúng tôi đưa mẹ đi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó là về Viện quân y 5 ở Ninh Bình. Mẹ ra đi vào năm 1996, hưởng thọ 78 tuổi.

Mẹ ơi! Mẹ đã mắc bệnh rồi nhưng nén đau, cứ nói là còn khỏe để các con yên tâm. Chúng con vô tâm nên đâu có biết!

Chúng tôi đã có kế hoạch đưa mẹ vào Đà Nẵng thăm gia đình thông gia và thăm danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Thế mà đã thực hiện được đâu!

Cũng như bao người con khác, con cứ ân hận: Đến lúc có điều kiện để chăm sóc thầy mẹ tốt hơn, có thể đưa thầy mẹ đi thăm thú các nơi... thì thầy mẹ đã đi xa!

Ước gì, ước gì thời gian quay trở lại! Ước gì lúc này có thầy mẹ ở bên chúng con. Chúng con sẽ đưa thầy mẹ vào Đà Nẵng, ra Huế, đi Hội An, vào thành phố Hồ Chí Minh, đi Đồng Nai, đến Cà Mau... thăm các danh lam thắng cảnh, thăm bà con, thăm các cháu. Ước gì...!

1. Bà nội ra chăm cháu Thảo Ly năm 1994:

2. Mẹ thăm Công viên Thủ Lệ năm 1995:

3. Thảo Ly 2 tuổi- ngày bà nội ra chơi:

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 22-09-2013 14:02






Xem 11 - 19 của tổng số 19 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest BM
22/09/2013 21:23:52

Có những phút ta trở về quá khứ,


không phải bằng con tàu của thời gian,


chẳng phải bằng phép tiên, kỳ bí thưở hồng hoang,


mà bằng chính tình yêu của mẹ!


Mẹ cho ta về tuổi thơ non trẻ,


mẹ cho ta về với một thuở thân thương,


này đây bóng mẹ, trên mọi nẻo đường,


bên gốc khế già, bên rương đựng thóc,


tiếng mẹ ngọt ngào, khi đang vén tóc,


hay vuốt mồ hôi, nhìn ta thật dịu hiền,...


Mẹ ta, đôi tay chai sần, công việc liên miên,


mái tóc dài vấn sâu trong khăn màu gụ,


vẫn rất đẹp dẫu chỉ quần áo cũ,


quá bạc màu, màu gụ thật phiêu linh,


mấy mụn vá thưở ấy cũng trần tình,


mẹ dành vải may cho con áo mới,...


Mẹ, thời gian chỉ hướng về ngày tới,


nhưng mẹ cho con cả hai nẻo đường đời,


nẻo xa xưa với kỷ niệm không vơi,


nẻo phía trước, con đường con vững bước,


mẹ đã dìu con, tập bước đi bằng được,


với đôi chân, để vượt núi, băng đèo,


để đi qua những gian khó, gieo neo,...


đối mặt đạn bom, chát bùn, muối mặn!


Cuộc đời gian nan, con thật nhiều may mắn


đó là lời mẹ chúc buổi lên đường


con đã đi, ngang dọc, khắp muôn phương


vẫn vững tin có hành trang lời mẹ,...


Dẫu con biết, không thể trở về ngày thơ bé,


cũng không có chuyến tàu đi ngược với thời gian,


nhưng con vẫn thấy mẹ, một tình yêu ngược tràn,


dạt dào Biển Đông, nước mắt mẹ chảy xuôi là thế!



Từ: HuyenBT
22/09/2013 20:25:29

Mẹ của anh thật đẹp.


Em rất hiểu những gì anh đang day dứt: ước gì có mẹ ở bên chúng con lúc này! Em thương quý mẹ anh, thương quý cả ước mơ của đứa con hiếu thảo- là anh nữa.



Từ: TuyetHA
22/09/2013 20:22:50

   Rất xúc động khi đọc bài về Người Mẹ thân yêu của Nghị. Đúng là một mẫu Bà mẹ Nông dân Việt Nam, hiền lành, chân chất, chịu thương, chịu khó, hết lòng hy sinh cho chồng con, cho đất nước.


   "Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/Hãy ước muốn cho thời gian trở lại" vì còn biết bao điều ta muốn làm cho cha mẹ, muốn đền đáp phần nào công lao dưỡng dục của cha mẹ, không chỉ đối với ta mà còn đối cả con của ta nữa, nhưng khi ta có đôi chút điều kiện về thời gian, về kinh tế thì cha, mẹ đã xa ta về cõi vĩnh hằng, để cho ta sự tiếc nuối khôn nguôi, để ta luôn ao ước: giá mà thời gian quay trở lại! Ôi thương lắm, nhớ lắm những ngày ta còn cha, còn mẹ!




Từ: CucNT
22/09/2013 20:08:31

Cảm ơn anh Nghị đã viết 1 bài rất xúc động về người mẹ hiền tảo tần chăm lo cho các con. Ước gì chúng ta làm kịp những điều tốt đẹp nhất cho bố mẹ. Ở nơi xa, hẳn là mẹ anh sẽ an lòng bởi cu Nhốp và Thảo Ly đã lớn khôn, ngoan hiền. Đặc biệt cu Nhốp đã có Vịt con giống ông nội như đúc.


Em rất thích đọc những bài viết của người Kgu về gia đình, anh em, con cháu người thân bởi em cảm nhận ở  đó nhiều nét tương đồng với gia đình mình và cũng bởi qua đó, em thấy người Kgu gần gũi hơn, thân thương hơn.


Hy vọng em sẽ được đọc nhiều nữa những tâm sự của mọi người về gia đình mình.



Từ: HoaNT
22/09/2013 17:01:01

Mình đọc bài của Nghị mà nước mắt đẫm vì nhớ mẹ, mẹ nào cũng thương con thương cháu hết lòngCảm động nhấtt là hinh ảnh hai bố con nhà Nhốp mang nồi thủng đi bắt cá bị bà theo dõi.Bây giờ bọn trẻ rất nhớ ông bà vì trông chúng suốt hồi nhỏ. Ông bà lúc nào cũng là hình ảnh đẹp đáng kính đối với các con cháu. Biết là quy luật muôn đời nhưng luc nào cũng mong có mẹ cùng đồng hành với chúng con suốt cuộc đời.



Từ: Guest CuiongLV
22/09/2013 16:38:35

vvv



Từ: HaiNV
22/09/2013 15:11:14

Tôi rất xúc động khi đọc bài viết của anh Nghị về mẹ của anh. Mẹ đã suốt đời tần tảo, hy sinh tất cả vì gia đình, con, cháu. Mẹ còn là tấm gương lớn về sự cống hiến, đóng góp cho việc làng, việc Nước của người Phụ nữ Việt Nam. Mẹ xa rồi, nhưng hình ảnh của mẹ còn sống mãi trong lòng con, cháu và mảnh đất quê hương! 



Từ: BaLX
22/09/2013 15:08:08

Đọc bài viết của Nghị về Người mẹ của mình, chị thấy cảm động quá. Các bà mẹ ai cũng vậy, luôn hết lòng vì con cháu, nhưng con cháu lại chưa làm được gì nhiều cho mẹ mình. Đến mình lại hết lòng lo cho con cháu, cứ vậy nước mắt luôn chảy xuôi mà.



22/09/2013 14:50:56

 


@Nghị ơi, tớ đọc bài viết mà khóc , thương bà quá. Bà giống mẹ tớ ở cái sự tính nhẩm, nhanh lắm, cứ làm tròn số, rồi cộng hoặc trừ phần chênh lệch, bọn tớ thì chịu. Đọc về bà, mới thấy người người vợ, người mẹ VN bị hy sinh nhiều hơn ai hết, gánh vất vả nhiều hơn ai hết. Đến câu "Các con sinh một đứa nữa để Nhốp có anh có em. Với lại mẹ vẫn còn khỏe sẽ ra thăm, ra chăm cháu được mà!", tớ nhớ ngay lời mẹ tớ ao ước, năm ấy là 1987, tớ vừa ở Tiệp về : - Con Khánh nó lớn rồi, có thêm một đứa đi, mẹ bế cho.  Cứ nghĩ đến đấy lại chảy nước mắt.  Mẹ tớ là linh hồn của cả nhà, của 5 chị em tớ. Cái gì không làm được cũng đến tay mẹ.... Bây giờ thì bà chậm lắm rồi, ngồi chả buồn nói chuyện, ba bữa ăn cháo đặc & uống sữa. Các bà mẹ VN vỹ đại thật !


 


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s