KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 29 Tháng chín. 2013

Du ký Hà Giang




Tác giả: ThucPT

 

Vào một ngày đẹp trời bỗng dưng ba tên Huệ, Vinh, Thục rủ nhau đi Hà Giang chơi (nhóm ham chơi phía Bắc).

Vừa lên ôtô, chúng tôi đã nghêu ngao:

"Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu ơi.

Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây, có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu.

Đây Hà Giang, đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi.

Gỗ vùng cao về xuôi xây đời mới, thắm tình giữa miền xuôi với miền ngược, có ai về khơi thêm nguồn hàng mời lên thăm đây Hà Giang, ôi đẹp sao, đây vùng cao quê tôi đang đổi mới.

Này quà vùng cao đem tới miền xuôi, đây chè quê tôi vui những ai hẹn hò.

Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu ơi."

 

Huệ chế luôn: "... gỗ miền xuôi chở lên miền núi..."  thích chí cười khì khì

5h27 xe lăn bánh.

Hà Giang nằm ở cực Bắc, thuộc phía Tây của Tổ Quốc. Phía Bắc giáp Trung Quốc; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Tây giáp Lào Cai, Yên Bái và phía Nam giáp Tuyên Quang. Đây là mảnh đất biên cương của Tổ Quốc, mảnh đất chỉ có đồi núi và đá. Mùa đông thì lạnh buốt thấu xương.

Thành phần đoàn đi gồm: hội dự án của VNairline ở Sài Gòn ra HN làm việc tranh thủ ngày nghỉ đi chơi, mấy cô gái trẻ trung xinh đẹp 7X ở Hải Phòng, 5 đôi vợ chồng U70 và ba chúng tôi.

Trên xe, hội dự án VNairline -  bạn Huynh, Hào hát rất nhiều bài chế, cả xe cười rũ rượi, có cả những bài mà họi KGU đã hát, đã nghe, tôi thây lạ hỏi thì bạn Huynh khai: "đây toàn là những bài chế của anh Châu ở FPT, bọn em đá bóng cùng với anh ấy, nên được anh ấy truyền cho". Té ra là Hoàng Minh Châu người của hội KGU ta. Thảo nào mà nghe quen quen, nhưng có 1 bài lạ hoắc, lần đầu tiên được nghe, đó là bài chế Nguyễn Viết Xuân Cả Nước Yêu Thương, người hát thì say sưa hát, người nghe nếu là các anh có vợ con rồi thì cười hệch hệch sung sướng, các chị các cô có chồng thì im re, còn những cô gái trẻ chưa chồng thì ngượng ngùng xấu hổ cúi mặt xuống. Bài này tôi chưa thấy HMChâu biểu diễn bao giờ - thật ấn tượng.

Khoảng 18h đến "Cổng Trời" huyện Quản Bạ.

 

 photo vinh_zpsda43ba4c.jpg

 

Mọi người trèo lên đỉnh núi chiêm ngưỡng Núi Đôi - tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa ban tặng cho vùng sơn cước này.

 

 

 photo IMG_2377_zps5a9c6b80.jpg

Rất nhiều "Núi Đôi"

  photo hu1EC7_zpsba989936.jpg

 

Đến tối vào thị trấn Yên Minh. Sau một ngày đi đường mệt nhọc, nên tắm rửa ăn uống xong là chúng tôi lăn ra ngủ, còn hội thanh niên 7x và VNairline đi chơi phố cổ Yên Minh.

Ngày 20/4. Sáng sớm trả phòng rồi đi ăn bún vịt. Sau đó đi Đồng Văn thăm dinh thự vua Mèo và cột cờ Lũng Cú.

 

 photo IMG_7355caong1110aacute_zps6cf92a9c.jpg

Mầu đá xám bạt ngàn

Tôi vẫn thường nghe nói cao nguyên đá Đồng Văn. Hôm nay mới được tận mắt thấy cảnh cao nguyên đá như thế nào - là một kỳ quan thiên nhiên, núi non trùng trùng điệp điệp, cao vút, hùng vĩ và nguyên sơ.

Đây là cao nguyên đá trải rộng trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Càng đi càng thấy đá, đá nhiều hơn đất, đá trải dài trên các sườn núi. Ngô, đậu ...mọc trên đá. Mầu đá xám bạt ngàn.

 Gần trưa chúng tôi đến bản Sà Phìn, huyện Đồng Văn.

 

  photo IMG_2425_zpsc4712785.jpg

 

Trước mặt là khu chợ Sa Phìn, hôm chúng tôi đến không phải là ngày phiên nên chợ búa trông vắng teo.

Bên cạnh chợ Sà Phìn là dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức - dinh thự đá của dòng họ Vương.

Nhà họ Vương xây vào cuối TK 19.

  photo IMG_4495_zps35215ec5.jpg

 

Cô hướng dẫn viên người Tày giới thiệu, năm 1903 vua Mèo Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý bên Trung Quốc sang tìm kiếm đất mất mấy tháng trời mới tìm được vị trí này -  quả đồi mai rùa.

Nhà Vương nằm ở trên quả đồi hình mai rùa đó. Trước mặt dinh thự có 2 ngọn núi cao đồ sộ, phía sau lưng là dãy núi như 1 bức tường đá bao quanh bảo vệ dinh thự.

  photo IMG_7357cacircysamoc_zpsb3ae0bb9.jpg

 

Trước cổng dinh thự có những cây sa mộc cổ thụ mọc thẳng đứng (cùng họ với cây thông ).

Những bậc cầu thang bước vào dinh thự xây theo nửa hình tròn tượng trưng cho mặt trời - phần dương, còn nửa khuất không xây là phần âm.

  photo IMG_2436_zps8cdb3018.jpg

 

Trên cổng dinh thự có đôi câu đối:

"Gia tích hỷ hiền nhân xuất nhập

Môn phong lưu quý khách vãng lai"

Dịch nghĩa:

Gia đình chứa những việc tốt lành và có người hiền tài ra vào

Cánh cổng lưu tiếng thơm mãi cho quý khách vãng lai.

Nhìn bên ngoài đã biết đây là nhà của một gia đình quyền uy giầu có.

Dinh thư là tòa nhà gỗ hai tầng, tường trình rất dày, mái ngói lợp âm dương. Dinh thự gồm ba dinh: tiền dinh để quân lính ở; trung dinh dành cho gia đình vợ con, người thân và người hầu; hậu dinh là nơi ở và làm việc của vua Mèo. Phía cuối cùng của dinh thự là lô cốt và lỗ châu mai. Quân lính ngày đêm canh gác bao vệ.

 

  photo IMG_73691110aacute_zps98d63353.jpgBể tắm của vua

Bể tắm của vua Mèo được đục từ  1 khối đá to. Vua mèo tắm bằng sữa dê. Bên cạnh phòng tắm là phòng sưởi, phòng của bà cả, phòng bà hai, .... nhà bếp ....

Cô hướng dẫn viên kể rằng vua Mèo Vương Chính Đức có 5 vợ, bà cả hơn chồng hàng chục tuổi, bà sinh được 2 người con trai là Vương Chi Tinh và Vương Chí Sình. Vương Chí Tinh qua Pháp học. Chỉ có Vương Chí Sình sau này nối được chí cha.

Vua Khải Định đã phong cho Vương Chính Đức chức Bang Tá cùng với bức hoành phi ghi dòng chữ: "Biên Chính Khả Phong".

Dịch nghĩa: chính quyền nơi biên cương này xứng đáng được phong tặng.

 

  photo IMG_7366hoanhphi_zps0dc50c58.jpg

 

 

Cột nhà chạm trổ hình bông hoa thuốc phiện bằng đá xanh cẩm thạch, nghệ thuật mài rất tinh tế, rất đẹp. Chị HDV nói trạm 1 bông hoa thuốc phiện thế này rất đắt, tính ra tương đương gần 1 tỷ đồng ngày nay - ăn chơi thì phải tốn kém. Kho chứa thuốc phiện được xây bằng những khối đá dày.

Vua Mèo Vương Chí Sình có 3 bà vợ, 2 bà đầu là người dân tộc.Vợ cả tay hòm chìa khóa giữ kho thuốc phiện. Vợ hai giữ kho vàng bạc. Còn bà ba thì quản lý cả 2 kho này. Bà ba là người kinh, cha là người TQ, mẹ là người VN, bà rất giỏi tiếng Pháp. Tuy chẳng sinh nở được mặt con nào nhưng bà ba được Vương Chí Sình sủng ái nhất, luôn được đi theo tháp tùng.

Kiến trúc dinh thự vua Mèo là kiến trúc của ngươi Mông và người Hán.

Năm 1999 nhân chuyến đi công tác miền núi, tôi được đến thăm dinh vua Mèo ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là dinh thự của 2 bố con vua Mèo Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng người Tày. Kiến trúc của dinh thự này khác hẳn với dinh thự Vương Chính Đức. Kiến trúc rất Tây - trông giống như biệt thự của Pháp. Vật liệu xây dựng cũng khác, là ximăng, vôi, cát, sắt,thép ....

Từ năm 1921 đến nay, biệt thự của vua Mèo Bắc Hà vẫn đẹp giữa núi rừng Tây Bắc.

 

 photo IMG_0018b1EAFchagrave_zpscf72fb5c.jpg

Dinh thự vua Mèo Bắc Hà chụp năm 1999.

 

Khi Vương Chính Đức già yếu thì giao cho người con trai thứ hai Vương Chí Sình cai quản.  

Cô hướng dẫn viên nói năm 1945 Vua Mèo Vương Chí Sình xuống núi gặp cụ Hồ. Đây là một sự kiện rất trọng đại. Vương Chí Sình chào Bác Hồ bằng Cụ. Bác Hồ nói Bác ít tuổi hơn Vương Chí Sình, rồi Bác làm lễ kết nghĩa anh em với vua Mèo và tự tay trao thanh gươm báu do Bác viết:

"Tận Trung Báo Quốc. Bất Thụ Nô Lệ".

Dịch nghĩa: Trung thành với Tổ Quốc. Không chịu làm nô lệ.

Bác đặt tên cho Vương Chí Sình là Vương Chí Thành. Ra Hà Nội, vua Mèo Vương Chí Sình mang theo người cháu là Vương Quỳnh Sơn, Bác Hồ gợi ý gửi Vương Quỳnh Sơn vào học trường sĩ quan.

Vương Chí Sình là đại biểu QH khóa I,II. Là Chủ Tịch UBND Đồng Văn.

Năm 1959 Ông được điều về HN làm ở Ban dân tộc Trung ương.

Năm 1962 vua Mèo Vương Chí Sình mất tại Hà Nội, thi hài đưa về Phó Bảng, Đồng Văn an táng (nơi ông đã ở và làm việc).  

Đên năm 2003 đưa hài cốt ông về khu mộ của tổ tiên ở trước dinh thự họ Vương. Hài cốt được xếp trong lòng cây pơmu - trong số cây pơmu trồng ở ven dinh thự nhà Vương. Mộ của vua Mèo Vương Chính Đức táng ở phía sau quả đồi, đối diện với dinh thự.

Vương Quỳnh Sơn thế hệ thứ 3 nhà Vương. Sau hòa bình, ông Vương Quỳnh Sơn giữ nhiều nhiệm vụ như chuyên viên cao cấp ủy ban dân tộc TW ....

Tôi có biết chuyện vua Mèo Vương Quỳnh Sơn đi Mỹ và có cuộc gặp tình cờ với tướng phỉ Vàng Pao. Trước đây ở Đồng Văn và Mèo Vạc  người Mông có 2 dòng họ quyền lực - họ Vương và họ Dương. Hai họ này đã có những xích mích từ xa xưa. Trong chuyến đi này vua Mèo đã hàn gắn lại quan hệ với dòng họ Dương Trung Nhân hiện đang sinh sống ở Mỹ.

Cuối đời, vua Mèo đời thứ 3 Vương Quỳnh Sơn sống ở phố Hoàng Cầu với người con trai Vương Duy Bảo. Ông mất vì bị ung thư phổi. An táng tại Hà Nội. Đến ngày làm ma khô ( bốc mộ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ thị cho bà Hà Thị Khiết và ông Giàng Seo Phử - Chủ nhiệm ủy ban dân tộc và miền núi cùng với với gia đình tổ chức đưa vua Mèo về bên cạnh các cụ Vương Chính Đức, Vương Chí Sình để ông hòa nhập với tổ tiên theo cái lý của người Mông.

Chị hướng dẫn viên cho biết hiện nay dòng họ vua Mèo ở Đồng Văn chỉ còn lại 6 hộ gia đình. Nhà nước đã lấy dinh thự họ Vương để làm di tích lịch sử và xây 1 dãy nhà 2 tầng ở gần khu dinh thự cho 6 hộ để tiện hương khói cho tổ tiên.

Dời dinh thự nhà Vương, chúng tôi đi cột cờ Lũng Cú - nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Leo được một đoạn mệt quá, tôi ngồi nghỉ ở trạm dừng chân. Ở đây bán các loại đặc sản của Lũng Cú như chè Shan , mật ong....

Giữa trưa mà từng tốp vẫn tấp nập lên cột cờ. Bất chợt tôi nghĩ, càng có nhiều dấu chân người VN đặt lên đỉnh Lũng Cú bao nhiêu thì càng khẳng định chủ quyền của VN bấy nhiêu. Thế là tôi đi tiếp, đi đê góp thêm đôi chân VN trên cực bắc TQ.

Leo hết 108 bậc thang chúng tôi đã đến cột cờ Lũng Cú, đã sờ vào cột cờ thiêng liêng. Lá cờ Tổ Quốc dài 6m, rộng 9m, diện tích 54m­­2  tượng trưng cho 54 dân tộc VN ngạo nghễ tung bay trên đỉnh núi giữa trời quang nắng tỏa, để xác nhận chủ quyền của Tổ Quôc.

 

 

 photo IMG_24711_zps6e71cec0.jpg

 

Mảnh đất vùng cao này nhìn đâu cũng thây đá, đá nhiều hơn đất - đá tượng trưng cho sự dũng cảm của con người HàGiang, phải có lòng quyết tâm sắt đá mới chinh phục được sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây, vì vậy đá ở đây trở nên rất linh thiêng. Cho nên khi đến cực Lũng Cú, anh hướng dẫn viên dặn mọi người nhớ nhặt 1 viên đá mang về. Tôi và Huệ quên khuấy mất, chỉ có Vinh mang được đá thiêng Lũng Cú về HN.

 

 photo 1khanh_zpsb7135515.jpg

 

Chúng tôi chụp ảnh cùng với các cháu sinh viên tình nguyện dưới chân cột cờ Lũng Cú. Các cháu bảo mấy hôm nữa chúng cháu sẽ đi ra Trường Sa. Tôi nói, nếu cô giảm đi 30 tuổi, chắc chắn cô sẽ đi theo các cháu :))

Buổi chiều tham quan phố cổ Đồng Văn.

  photo IMG_7400nhagravec1ED5_zpsc348c18c.jpg

 Những ngôi nhà gỗ cổ kính 2 tầng.  

 

 

  photo gheacutep_zpsd7b7db89.jpg

 Trong khu chợ cổ có sẵn chảo, bếp để nấu thắng cố bán vào ban đêm.

 

  photo IMG_7406t1B001A10gtrih_zpsc40964d2.jpg

 

Những ngôi nhà tường trình cũ kĩ lợp ngói âm dương, những cây cổ thụ rễ xum xê tỏa bóng mát. Tôi tận hưởng không khí trong lành để cái cảm giác một bên là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, là trùng trùng đá xám ... lan tỏa vào thiên nhiên.

Tối, cơm nước no nê, chúng tôi rủ nhau vào phố thưởng thức cháo Âu Tẩu và thắng cố với mèn mén Đồng Văn để dưỡng sức them cho ngày mai.

Cháo Âu Tẩu là món cháo móng giò ( hoặc thịt nạc) nấu với củ Âu Tẩu, ăn có vị ngậy của cháo thịt và vị đăng đắng của Âu Tẩu. Mỗi đứa làm 1 bát ngon lành.

Thắng cố của người Mông là món nấu từ phủ tạng ngựa như: lòng, gan, tiết .... Tất cả những thứ trên cho vào 1 cái chảo to tướng nấu chín, rồi cho thêm các loại thuốc bắc, gia vị vào. Khi ăn thì múc vào 1 bát tô, ăn đến đâu múc tới đó cho nóng hổi. Tôi hình dung nó là 1 loại canh chua, dễ ăn. Tôi gắp được miếng gừng, Vinh gắp được 1 miếng cắn thấy sần sật giòn giòn - "cuống họng rồi" ba đứa reo lên. Thắng cố phải ăn với bánh mèn mén.

Bánh mèn mén làm bằng bột ngô. Mới nhìn, dưới ánh đèn dầu lờ mờ tôi tưởng là bánh gatô mộc chưa bôi kem. Ăn khô, vị hơi chua chua.

  photo IMG_7385kh1EA3ihoagraven_zps62b88499.jpg

 

 

Ngày 21/4 là phiên chợ Đồng Văn. Sáng sớm tinh mơ chúng tôi trả phòng khách sạn Khải Hoàn rồi đi chợ quê.

  photo IMG_7396xiecircmy_zps8e0417b4.jpg

 

Các chị em dân tộc thay xiêm y, rồi súng sính vui vẻ đi vào chợ. Phiên chợ quê thật náo nhiệt, có nhiều thứ lạ, rau cỏ rất tươi, mía chất thành đống....Ba đứa, mỗi đứa xách 1 bó mía rừng về xuôi làm quà.

 

  photo 1110ich1EE3_zps8b3104d9.jpg

 

6h30 tiếp tục đi tham quan đèo MãPìLèng huyện Mèo Vạc.

  photo IMG_4565_zps1fca2bf0.jpg

 

Biết tôi đi Hà Giang, các bạn dặn đi phải cẩn thận vì đường sá đi rất dốc, rất cua tay áo, rất ...rất.... Nhưng khi đi trên con đường Hạnh Phúc dài 200 km từ thành phố Hà Giang lên Đồng văn, Mèo vạc - con đường nối liền các xã các huyện với nhau, con đường quanh co khúc khuỷu dốc đứng, ngoằn ngoèo, hết đồi núi này đến đồi núi khác, tôi được chứng kiến sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự phi thường của những người anh, người chị đi mở đường.

Đến đỉnh đèo MãPíLèng - nơi cao nhất của con đương Hạnh Phúc, xe dừng lại, cả đoàn xuống chụp ảnh cạnh tấm bia đá ghi:

Đường Hạnh Phúc

Nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi

TW Đảng, khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc

Ngày khởi công:10/9/1959

Ngày hoàn thành: 15/6/1965

Thành phần mở đường gồm 16 dân tộc ở các tỉnh Việt Bắc:Cao,Bắc.Lạng,Hà,Tuyên,Thái,Hải Hưng.Dốc MãPiLèng công nhân đã treo mình 11 tháng.

  photo IMG_4548_zps918a36de.jpg

 

Anh hướng dẫn viên tên là Tú giới thiệu MãPìLèng.

MãPìLèng, theo tiếng dân tộc nghĩa là "sống mũi con ngựa"- chỉ đỉnh núi rất cao, rất dốc,rất thẳng - thẳng đứng như sống mũi ngựa - chỉ sự hiểm trở của núi cao, suối sâu.

Ba ngày hành trình Hà Giang bằng ôtô là 3 ngày chúng tôi đi trên con đường Hạnh Phúc. Con đường bắt đầu khởi công vào năm 1959, đã huy động hàng vạn thanh niên các dân tộc Việt Bắc, làm mất gần 3 triệu ngày công. Sau 6 năm gian khổ con đường đã làm xong để bà con vùng cao đi lại bớt cực khổ.  

Anh hướng dẫn viên kể tiếp về con đường Hạnh Phúc. Việc mở đường thật gian nan, nguy hiểm. Phương tiện làm việc lúc bấy giờ thô sơ và nghèo nàn như cuộc sồng của quê hương vậy. Những cái chết bất ngờ hàng ngày rình rập ập tới bất cứ lúc nào. Đã có biết bao thanh niên đã lặng lẽ nằm lại nơi đá xám, nơi rừng thiêng nước độc, nơi suối sâu thăm thẳm. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, các anh các chị chuẩn bị 10 cỗ quan tài rồi tất cả nghiêng mình làm lễ truy điệu sống để anh chị em yên tâm là mình đã được an táng, được chôn cất toàn thây. Anh kể rât nhiều câu chuyện thương tâm, nhiều sự hy sinh dũng cảm của các anh các chị mở đường.

Xa dần cao nguyên đá, xa dần con đường bi tráng.Tôi thầm biết ơn vô hạn các anh chị thanh niên xung phong đã cảm tử mở đường để hôm nay đây mọi người được đi trên con đường Hạnh Phúc.

Trên những thửa ruộng bậc thang, một mầu xanh non tơ đang chuẩn bị cho mùa thu hoạch tới.


Người post: ThucPT

Ngày đăng: 29-09-2013 22:10






Xem 11 - 15 của tổng số 15 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: BaLX
30/09/2013 09:19:07

Chị cũng đã từng ao ước được đi hai miền Đông - Tây Bắc, nhưng thấy khó thực hiện quá vì ngày càng thấy có nhiều khó khăn hơn. Chị rất thích được ngắm nhìn cảnh đẹp ở Mù Cang Chải vào mùa thu với một màu vàng rực của các thửa ruộng lúa, uốn lượn như những dải lụa được trải đều khắp đồi núi, một hình ảnh thật là đẹp. Thục có trí nhớ thật tốt với các sự kiện lịch sử, chị đi du lịch cũng nhiều, nghe HDV nói đó, về rồi cũng quên nhiều, không thể viết được một ký sự với đầy đủ các sự kiện lịch sử như Thục được. Ba em Thục, Vinh và Huệ chị chỉ mới gặp lại từ ngày về nước ở Đầm Long, nhưng nhìn 3 đứa chị nhận ra ngay được. 



Từ: NguyetTM
30/09/2013 07:59:59

Các chị có chuyến đi Hà Giang thật tuyệt vời. Ảnh nào cũng đẹp. Em rất ấn tượng với các ảnh "Núi đôi" đấy.Mà cánh đồng núi xám như trong ảnh thì em thấy cũng tương tự như Thạch Lâm ở Côn Minh đấy chứ !


Chị Vinh ơi, đáng lẽ ra cuối tháng 8 vừa rồi tổ hưu ở Viện em tổ chức đi Hà Giang, nhưng mà có trục trặc gì đó nên hẹn giữa tháng 9, nay cuối tháng 9 rồi mà vẫn chẳng thấy đi. Đọc bài chị Thục viết chuyên du hí của các chị mà thấy ham quá, chắc phải thuc dục mọi người đi thôi. Nếu tổ hưu trí của Phân viện đi thì chị Vinh có đi nữa không? Lúc đó chị sẽ là hướng dẫn viên du lịch nhé.


Cảm ơn chị Thục rất nhiều đã chia sẻ niềm vui. 



Từ: NghiPH
30/09/2013 07:10:33

Tôi rất ấn tượng về chuyến đi của các chị, các anh. Tuyệt quá!
Đọc các bài viết về quá trình xây dựng con đường Hạnh Phúc- MãPìLèng, tôi vô cùng khâm phục tinh thần dũng cảm, tính sáng tạo của những chàng trai cô gái xây dựng đường này. Con đường được đục vào núi đất bằng những công cụ thô sơ. Rất nhiều người đã hy sinh. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các chị, các anh!



Từ: TungDX
29/09/2013 23:15:49

Viện TuocPhongThuocNo có TungDX CL75, HoanhTV CL74; HoanhTV về Đông hà Quảng trị quê hương, TungDX ở lại và trở thành Hanoian vì Hà đông cũng thanh HN và là HN2;


Chỉ có Tung mà nỏ có Hoành thì tung lên ở đâu rơi tại đó sao có thể leen được Hà giang


Đành đọc bài xem ảnh vậy


Hè vừa rồi các con rủ đi Hà giang, Sapa, Cửa lò...đều lỗi hen vì thiếu Hoành...



29/09/2013 22:31:50

Khâm phục một nữ ký giả. Bài ký sự khá dài, khối lượng lớn, với nhiều hình minh họa và rất chi tiết. Các bạn đã tới địa đầu của tổ quốc, tự hào quá. Tớ thấy ở khách sạn Khải Hoàn cũng có wifi. Thục ơi, cảm ơn Bạn nhiều. Bao giờ mình mới được đặt chân tới nơi đây.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s