KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 01 Tháng mười một. 2013

BÁT CHÁO GÀ




Tác giả: ThongNV

                                                  

                                                BÁT CHÁO GÀ

         Sau những cơn bão liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung,là những trận mưa hoàn lưu nối tiếp nhau kéo dài đến hơn chục ngày. Nước trên núi theo các dòng suối đổ xuống, nước từ các sông dâng lên nhấn chìm ruộng đồng và những con đường nối từ cửa rừng xuống các thôn, ấp. Khắp nơi, nước trắng mênh mông. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đổ quân chiếm giữ những quả đồi trước cửa rừng, những khu đất cao dọc đường giao thông, nên đường vận chuyển lương thực, thực phẩm của quân Giải phóng từ đồng bằng lên đã bị cắt đứt hoàn toàn. Trên bầu trời, máy bay trinh sát bay vè vè suốt ngày đêm. Bọn chiêu hồi từ chiếc máy bay bay rất thấp gọi loa ra rả, lúc dội lên rõ mồn một, lúc như hụt hơi chìm vào đêm tối mênh mông của rừng già.

          Lương thực, thực phẩm của các đơn vị quân Giải phóng ngày một cạn kiệt. Người ốm cũng chỉ ăn cháo mắm cá, người không ốm thì toàn ăn củ mì (củ sắn). Những người còn chút sức lực phải thay phiên nhau vào bản đổi củ mì mang về ăn thay cơm.Trước đây, đi đổi một chuyến mất một ngày, bây giờ phải đi mất hai ngày. Số lượng củ mì trong mỗi gùi cũng giảm đi đáng kể, nên ngày nào đơn vị cũng phải có bốn năm người nối tiếp nhau vào bản.

Hôm ấy, tôi và anh Hồi đi đổi củ mì khá xa đơn vị,nên đã ngủ lại qua đêm tại một gia đình người quen dân tộc thiếu số H’re. Khi biết bữa tối chúng tôi ăn toàn củ mì luộc với rau tàu bay chấm muối, cô H’miêng con gái chủ nhà đã gắp cho mỗi người một con cá suối nấu to bằng hai ngón tay.Anh Hồi nháy mắt cười với tôi,rồi nói nhỏ:“Tớ được thơm lây đây”.

           Ăn tối xong, anh lấy một gói bột cam hòa tan pha đầy chiếc ca U.S. mời mọi người trong gia đình uống, như hàm ý cám ơn về việc cho chúng tôi ngủ nhờ. Chủ nhà uống trước, rồi chuyển chiếc ca cho vợ và các con. H’miêng nhận chiếc ca từ tay anh trai, nhưng cô chỉ uống một ngụm nhỏ rồi đưa cho tôi. Tôi vừa cầm chiếc ca, thì đã bị đầu gối anh Hồi thúc vào đùi. Tôi nghĩ đó là ám hiệu bảo tôi uống ít, vì khi đó nước trong ca còn không đáng kể. Tôi uống một nửa số nước còn lại, rồi chuyển chiếc ca cho anh. Nhưng thật lạ, khi tôi vừa rời tay, thì chiếc ca rơi xuống sàn nhà, nước bắn tung tóe cả vào bếp củi đang cháy, phát ra những âm thanh kêu lép bép. Tôi xin lỗi mọi người vì sự vụng về của mình.

  H’miêng đi lấy chiếc nồi đồng to cho chúng tôi mượn để luộc tấm đắp diệt lũ rận. Khi cô vừa đặt chiếc nồi xuống sàn khoang bếp, thì miệng ngáp ngủ liên tục và loạng choạng suýt ngã vào bếp lửa. Tôi vội đỡ và dìu H’miêng về góc sàn dành riêng cho cô. Bố mẹ và anh trai H’miêng đang ngáy khò khò ở các gian bên. Tôi thấy đầu choáng váng, mắt ríu lại nên đi về võng ngủ. Tôi ngủ rất say và mơ mình đi học về. Tôi vừa mở mành cửa bước vào nhà, thì đã ngửi thấy mùi cá rán thơm nức cả mũi. Đi nhanh tới mâm cơm đặt trên bàn, tôi múc một ít canh nếm thử. Rau cải đầu mùa nấu với cá rô đồng mới ngọt làm sao, nó cứ từ từ chảy trong cổ họng, tạo nên một cảm giác thật khó tả. Sực nhớ chưa rửa tay, tôi chạy đi rửa và mời mẹ vào ăn cơm. Mẹ tôi bảo vừa đi ăn cỗ về, nên không ăn. Do đang đói và vì mùi vị quyến rũ của thức ăn làm tôi quên không hỏi mẹ ăn cỗ ở nhà ai. Tôi ăn liền một mạch, đến khi bụng căng tròn thì trên mâm còn trơ lại ba bộ xương cá và một ít nước canh. Ăn xong, tôi chạy sang nhà bác đội trưởng đội sản xuất để đăng ký đi làm vào ngày chủ nhật. Khi trở về nhà, tôi thấy mẹ đang ăn cơm chan với nước canh còn lại. Nhìn thấy tôi, bà bảo trưa nay ăn cỗ sớm quá nên bây giờ mẹ thấy đói. Tôi nghĩ, mẹ thử xem hàng ngày tôi ăn đã no chưa. Xấu hổ quá, tôi đứng đờ người ra nhìn mẹ ăn mà không biết nói gì, thì vừa lúc đó có tiếng vỗ mạnh vào võng và nghe thấy tiếng gọi của H’miêng:

- Anh Hoai (Hoài), day (dậy) đi, anh Hội (Hồi) sắp về.

Tôi ngồi bật dậy. H’miêng đứng bên cạnh võng chỉ tay xuống dưới nhà, nơi anh Hồi đang cuộn tấm đắp phơi trên bụi cây rừng để chuẩn bị đi.

            Chúng tôi về gần đến khu rừng đơn vị đóng quân, thì nhìn thấy hai người dân tộc H’rê đứng chắn giữa đường, tay cầm con dao quắm. Tôi nhận ra là bố và anh trai của H’miêng. Với nét mặt khó chịu, ông bảo:“- Nhà tao mất con gà sắp đẻ. Tao nghĩ cái bộ đội bắt nó. Cho tao xem gùi của mày”. Kiểm tra xong hai chiếc gùi của chúng tôi, nét mặt ông tươi tỉnh chút ít. Ông nói:“- Bụng bộ đội còn tốt. Tao về ”.

          Sáng hôm sau, tôi xuống bếp lấy bữa sáng cho đại đội trưởng Viên, thì thấy mùi cháo gà thơm phức. Anh nuôi kể, đêm qua anh Hồi y tá săn được một chú gà rừng rất to. Anh giao cho nhà bếp chia ra để nấu hai bữa cháo cho người ốm. Tôi lấy đũa gắp những miếng thịt gà xé nhỏ trong cạp lồng cháo bỏ lại, và nói dối nhà bếp là anh Viên đau răng.Múc một thìa cháo cho vào miệng, anh Viên hỏi tôi: “- Các cậu lấy gà ở đâu nấu cháo ? ”. “ –Anh nuôi nói, anh Hồi bắn được tối hôm qua”. Tôi trả lời. Anh thở dài không hỏi gì thêm.

Mấy ngày sau, tôi và anh Hồi được gọi lên gặp đại đội trưởng. Chúng tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế băng ghép bằng thân cây rừng thì anh Viên hỏi ngay:“- Hôm các cậu đi đổi sắn đã ăn cắp gà của dân bản phải không?”. Tôi ngạc nhiên, vì chỉ qua một bát cháo nấu với nước gà mà anh có thể nhận ra là gà nhà chứ không phải gà rừng. Anh im lặng một vài phút như để cho cấp dưới thấm câu hỏi, rồi nói tiếp:“- Tớ nhìn váng mỡ trong bát là biết ngay cháo nấu bằng gà ăn cắp. Hơn nữa thằng Mỹ to như thế mà mấy lần cậu Hồi còn bắn trượt thì làm sao ban đêm săn được gà rừng”. Anh Hồi thú nhận là do thương anh em trong đơn vị ốm đã nhiều ngày mà không có gì bồi dưỡng, nên đã bắt trộm gà, việc này chỉ mình anh làm chứ tôi không hay biết gì.

          “-Tớ biết”. Anh Viên vừa nói vừa quay sang phía tôi: “Nhưng cậu Hoài cũng có khuyết điểm là bao che cho đồng đội”. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói tiếp: “- Cậu tưởng không có thịt là mình không nhận ra . . .” Tôi và anh Hồi nhận khuyết điểm và hứa sẽ xin lỗi gia đình H’miêng.

           Trên đường về lán, anh Hồi kể, khi mọi người ngủ say, anh lẻn xuống gầm nhà sàn bắt một con gà trong chuồng. Trời tối quá,nên quơ được con nào thì bắt con ấy, không ngờ là con gà mái sắp đẻ. Anh bóp cho nó chết, rồi cuộn vào tấm đắp, cho vào nồi nước sôi để làm lông. Ngay đêm ấy, anh mang ra suối thịt, rồi giấu nó trong rừng. Đêm hôm sau, quay trở lại lấy mang về giao cho nhà bếp, nói là gà săn được. Tôi hỏi anh không sợ chủ nhà biết sao. Anh cười bảo, cậu chỉ uống một ngụm nước cam mà đã ngủ say như chết rồi còn gì.

           Chúng tôi chưa kịp thực hiện lời hứa của mình, thì anh Hồi đã hy sinh. Anh chiến đấu dũng cảm để bảo vệ thương binh trong trận chiến ác liệt khi quân địch tấn công vào hậu cứ. Mấy anh thương bình nói lại lời nhắn của anh là nhờ tôi chuyển lời xin lỗi đến gia đình H’miêng.

            Tôi đã kể cho gia đình H’miêng biết về hoàn cảnh khó khăn của đơn vị dẫn đến việc anh Hồi bắt trộm gà, cũng như sự hy sinh dũng cảm của anh để bảo vệ thương binh. Tôi chuyển lời xin lỗi của anh đến gia đình và thay mặt đơn vị, cũng như bản thân mong gia đình tha thứ.

            Nghe tôi kể, cả nhà H’miêng đều khóc. Bố H’miêng bảo: “- Bộ đội ốm sao không cho đồng bào biết. Mình không tiếc gà đâu. Nhưng cái bụng mình không ưng bộ đội ăn trộm. Ăn trộm xấu nhiều đấy. Bộ đội Hoài có ưng cái bụng mình không?”. Tôi nắm chặt cổ tay bố H’miêng để thể hiện sự đồng cảm.

          Gia đình H’miêng làm thịt một con gà trống tơ, nấu một nồi cơm trắng, chọc một chóe rượu cần để xin với thần linh tha lỗi cho anh Hồi, để linh hồn anh không phải làm con ma đói giữa rừng.  

          Bữa ấy, tôi uống rất nhiều; không phải chỉ uống phần của tôi, mà uống cả phần của người đã mất, nên say mềm lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, đã thấy H’miêng ngồi bên cạnh với chiếc bát nước giải rượu đã cạn. Cô cười, nói: “-Miêng cứ lo anh Hoai không biết đường mở mat (mắt)”.

H’miêng chia tay tôi bên bờ suối, cô nói nhỏ: “- Cái bụng mình ưng anh Hoai rồi. Hết thằng Mỹ, anh Hoai về với Miêng nhé. Miêng nấu cháo gà cho ăn, khỏi ốm. . .”.

           Tôi đi đã xa, mà H’miêng vẫn đứng đó, vẫy theo dáng tôi lúc ẩn, lúc hiện trên con đường ngoằn ngèo giữa rừng già.

 Nhớ kỷ niệm buồn.  

     HN:5/1975

 

@ Ảnh minh họa: Hoàng My trong vai nàng HơBiang

 



Cá mắm: Cá muối cả con, đựng trong thùng thiếc vuông nặng khoảng 25-30kg.


Người post: ThongNV

Ngày đăng: 01-11-2013 07:07






Xem 11 - 20 của tổng số 23 Comments



Từ: Guest CuongLV
02/11/2013 18:13:51

Chiến tranh thực sự là thử thách nghiệt ngã với từng người lính : khoảng cách giữa sự cao thượng - bỉ ổi, anh hùng - hèn nhát, vinh quang - nhục nhã...rất mong manh. Chỉ mong cuộc sống sau hòa bình sẽ thực sự công bằng cho người lính cả 2 phía để phần nào đền bù cho sự hy sinh, mất mát...mà họ đã gánh chịu nhiều năm. Truyện ngắn của anh Thông lần nữa cho chúng ta nhìn thấy góc của Chiến tranh, góc khuất trong từng người lính. Cảm ơn anh Thông và xin chờ đón những đứa con tinh thần mới của anh.   



Từ: Guest CuongLV
02/11/2013 18:07:15

sssss



Từ: HanhLT
02/11/2013 13:27:23

@ Bác Thông- Hoàihay Thông đấy? Bài viết của bác rất lôi cuốn người đọc, suy ngẫm mới thấy dân luật nhiều người viết hay.



Từ: TungDX
02/11/2013 13:09:24

 


Em còn một thu hoạch nữa từ bài học của Anh ThôngNV, comm riêng về nguyên tắc ứng xử - thông điệp mà anh Hồi đã nêu thông qua hành sự của mình:"Ưu tiên việc cháy nhà, chết người". Một nghĩa cử đẹp, một cái đầu vượt tầm đồng đôi...Hạnh phúc được làm lính của anh


Trước giải quyết việc cứu người


Chuyện gà, chuyện tội,...hạ hồi tính sau


Vượt trên đồng đội cái đầu


Hạnh phúc cầm súng theo sau anh Hồi


 


 



Từ: TungDX
02/11/2013 12:52:56

Một bát “tội lỗi” cháo gà


Dưng là tình, nghĩa, đậm đà yêu thương


Vì đồng đội, cả chiến trường


Lỗi một mình gánh – can trường lắm thay


Người hiền phận mỏng, nghĩa dày


Tâm hồn trong sáng đời này ơn sâu


Trái tim sáng tỏ hơn đầu


Lý trí tạm gác lại sau lượng tình


Tâm sáng, hành sự thông minh



Từ: LyTM
02/11/2013 09:21:42

Câu chuyện là một góc nhỏ nhìn về chiến tranh, nhưng cũng là câu chuyện tình người, tình đồng đội, quân dân. Chi tiết anh Hồi dùng cốc nước cam cho mọi người ngủ say bị lãng quên ngay để theo nhịp câu chuyện chăm người ốm rồi với kết cục thật buồn là anh đã hy sinh khi bảo vệ đồng đội.


 


Có những điều tưởng chừng như phi lý


lại là điều dung dị giữa chiến tranh,


là tình đồng đội, làm những việc chẳng đành


để lúc ra đi vẫn một lời nhắn lại,...


 


Nước mắt rơi, nước mắt rơi mãi mãi,


khi lắng lòng nhớ lại thuở chiến tranh,


khi hàng triệu các anh, những mái đầu xanh,


tuổi thanh xuân, đói rét và máu đổ,...


 


Nâng niu chuyện, giữa đạn bom, những tháng ngày gian khổ,


cơm vắt, muối vừng với mấy lá tàu bay


mà tình đồng đội thật sáng, đẹp đẽ thay


Phải vậy chăng Nhật Nguyệt vằng vặc ngày chiến thắng?



Từ: ThongNV
01/11/2013 21:23:17

@ Guest Xuan NTT: Nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, người đầu tiên Hoài nhớ đến là cô gái H’rê năm nào. Nhớ  H’Miêng không phải vì lời nhắn nhủ khi chia tay, mà vì những người dân tộc thật thà chất phác, vị tha  đã đùm bọc người lính trong những thời điểm khó khăn ác liệt nhất. Cám ơn bạn đã ghé thăm trang Web.KGU và để lại comm..


@ PhongPT; CucNT; HuyenBT; Kim Thu: Trong mùi thơm của bát cháo gà có cả mặn, chát,đắng, cay , tủi nhục và là kỷ niệm không thể quên.


 


@ Dương Mạnh Cơ: Nhận xét của anh rất hợp với lính.



01/11/2013 20:27:27

Anh Thông ! Với em, bát cháo gà trong câu chuyện không phải chỉ có hương thơm ngào ngạt đánh thức khứu giác & mơn trớn cái dạ dày lép kẹp của những người lính năm xưa. Bát cháo mang trong nó một tình đồng chí lớn lắm, một yêu thương tương thân tương ái đỉnh điểm của người lính với những người lính. Xót xa trước tình cảnh đồng đội thân yêu của mình đang bị đày đọa vì cái đói, đang bị hành hạ bởi bệnh tật. Đó chính là động lực khiến anh Hồi nảy sinh hành động. Em trân trọng người lính ấy & vô cùng kính nể kỷ luật và tinh thần thép của quân đội ta. Em cứ mong sao, lâu lâu, anh Thông lại có một nguồn hứng khởi, để thăng hoa cho chắp bút này. Dù nó là những "kỷ niệm buồn". Chỉ có những cây bút đã từng trong tuyến lửa như anh, như nhiều cựu chiến binh khác, em mới thấy giá trị thật sự của câu chuyện.


Mong được đọc những kỷ niệm lính của anh.




 



Từ: HuyenBT
01/11/2013 16:39:41

Chiến tranh là một hoàn cảnh đặc biệt nhất của cuộc sống. Ở đây hiện diện tất cá, bộc lộ tất cả. Đúng và sai, nên và không nên, tình cảm và lý trí, chung và riêng...đan xen, phức tạp đến mức mỗi một vấn đề tưởng chừng có vô định lời giải. Trong chiến tranh không chỉ có những cỗ máy, tiến lên, và hủy diêt. Còn cả những bước chân ngần ngại, những tiếng thở dài, những ánh mắt lo âu, đôi khi phảng phất cả mung lung. Để hiểu được và đánh giá đầy đủ , hoàn toàn không đơn giản. Cần thời gian, cần những bước lùi xa, cần một vị trí ở "giữa"...để bao quảt và thấu hiểu.


Những câu chuyện của anh Thông về chiến tranh cùng với các câu chuyện của nhiều người lính mà em đã đọc, giống như những lạch nước nhỏ, từng lặng lẽ chảy, cần mẫn chảy, có lúc phải uốn lượn qua những khe, những hốc, có lúc phải vượt lên những vật cản...nhưng vẫn chảy...chỉ để được góp vào dòng sông lớn những mảnh ghép của chiến tranh, những hương vị riêng của từng miền đất, những mảng sáng, tối của một khúc thời gian.


Những lạch nước ấy quý lắm, thấm lắm! Xin cho dòng chảy ấy đừng bao giờ phải ngưng lại!



Từ: CucNT
01/11/2013 15:41:07

Một đại đội trưởng Viên thông minh, thấu đáo, 1 anh nuôi Hồi mắc lỗi bởi khao khát cho anh em  có thêm chút thịt, những người dân bản tốt bụng, yêu sự thật thà, 1 tình cảm vô tư trong sáng của cô gái dân tộc dành cho người lính quân Giải phóng. Tất cả những mối quan hệ đó thể hiện một tình người mênh mông trong bối cảnh trong thiếu thốn và nghiệt ngã của chiến tranh. Người đọc đang định trách anh Hồi bởi việc làm nông nổi của anh có thể gây mất mát tình cảm giữa bộ đội và dân bản bổng nghẹn lòng xót xa thương anh bởi anh đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đồng đội của mình. Thông điệp  tác giả đưa đến cho người đọc là tình người sâu sắc và tình nhân văn cao cả, để đánh giá 1 con người ta hãy hiểu họ qua việc làm, động cơ, mục đích trong hoàn cảnh cụ thể.


'Môt bát cháo gà" trong thời chiến ấy đã đi theo tác giả suốt chặng đường để bây giờ chúng ta được cùng tác giả hồi tưởng về những kỹ niệm thời chiến. Nơi ấy, cô gái dân tộc HMiêng đang đợi...


Cảm ơn anh Thông.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s