KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 01 Tháng mười một. 2013

BÁT CHÁO GÀ




Tác giả: ThongNV

                                                  

                                                BÁT CHÁO GÀ

         Sau những cơn bão liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung,là những trận mưa hoàn lưu nối tiếp nhau kéo dài đến hơn chục ngày. Nước trên núi theo các dòng suối đổ xuống, nước từ các sông dâng lên nhấn chìm ruộng đồng và những con đường nối từ cửa rừng xuống các thôn, ấp. Khắp nơi, nước trắng mênh mông. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đổ quân chiếm giữ những quả đồi trước cửa rừng, những khu đất cao dọc đường giao thông, nên đường vận chuyển lương thực, thực phẩm của quân Giải phóng từ đồng bằng lên đã bị cắt đứt hoàn toàn. Trên bầu trời, máy bay trinh sát bay vè vè suốt ngày đêm. Bọn chiêu hồi từ chiếc máy bay bay rất thấp gọi loa ra rả, lúc dội lên rõ mồn một, lúc như hụt hơi chìm vào đêm tối mênh mông của rừng già.

          Lương thực, thực phẩm của các đơn vị quân Giải phóng ngày một cạn kiệt. Người ốm cũng chỉ ăn cháo mắm cá, người không ốm thì toàn ăn củ mì (củ sắn). Những người còn chút sức lực phải thay phiên nhau vào bản đổi củ mì mang về ăn thay cơm.Trước đây, đi đổi một chuyến mất một ngày, bây giờ phải đi mất hai ngày. Số lượng củ mì trong mỗi gùi cũng giảm đi đáng kể, nên ngày nào đơn vị cũng phải có bốn năm người nối tiếp nhau vào bản.

Hôm ấy, tôi và anh Hồi đi đổi củ mì khá xa đơn vị,nên đã ngủ lại qua đêm tại một gia đình người quen dân tộc thiếu số H’re. Khi biết bữa tối chúng tôi ăn toàn củ mì luộc với rau tàu bay chấm muối, cô H’miêng con gái chủ nhà đã gắp cho mỗi người một con cá suối nấu to bằng hai ngón tay.Anh Hồi nháy mắt cười với tôi,rồi nói nhỏ:“Tớ được thơm lây đây”.

           Ăn tối xong, anh lấy một gói bột cam hòa tan pha đầy chiếc ca U.S. mời mọi người trong gia đình uống, như hàm ý cám ơn về việc cho chúng tôi ngủ nhờ. Chủ nhà uống trước, rồi chuyển chiếc ca cho vợ và các con. H’miêng nhận chiếc ca từ tay anh trai, nhưng cô chỉ uống một ngụm nhỏ rồi đưa cho tôi. Tôi vừa cầm chiếc ca, thì đã bị đầu gối anh Hồi thúc vào đùi. Tôi nghĩ đó là ám hiệu bảo tôi uống ít, vì khi đó nước trong ca còn không đáng kể. Tôi uống một nửa số nước còn lại, rồi chuyển chiếc ca cho anh. Nhưng thật lạ, khi tôi vừa rời tay, thì chiếc ca rơi xuống sàn nhà, nước bắn tung tóe cả vào bếp củi đang cháy, phát ra những âm thanh kêu lép bép. Tôi xin lỗi mọi người vì sự vụng về của mình.

  H’miêng đi lấy chiếc nồi đồng to cho chúng tôi mượn để luộc tấm đắp diệt lũ rận. Khi cô vừa đặt chiếc nồi xuống sàn khoang bếp, thì miệng ngáp ngủ liên tục và loạng choạng suýt ngã vào bếp lửa. Tôi vội đỡ và dìu H’miêng về góc sàn dành riêng cho cô. Bố mẹ và anh trai H’miêng đang ngáy khò khò ở các gian bên. Tôi thấy đầu choáng váng, mắt ríu lại nên đi về võng ngủ. Tôi ngủ rất say và mơ mình đi học về. Tôi vừa mở mành cửa bước vào nhà, thì đã ngửi thấy mùi cá rán thơm nức cả mũi. Đi nhanh tới mâm cơm đặt trên bàn, tôi múc một ít canh nếm thử. Rau cải đầu mùa nấu với cá rô đồng mới ngọt làm sao, nó cứ từ từ chảy trong cổ họng, tạo nên một cảm giác thật khó tả. Sực nhớ chưa rửa tay, tôi chạy đi rửa và mời mẹ vào ăn cơm. Mẹ tôi bảo vừa đi ăn cỗ về, nên không ăn. Do đang đói và vì mùi vị quyến rũ của thức ăn làm tôi quên không hỏi mẹ ăn cỗ ở nhà ai. Tôi ăn liền một mạch, đến khi bụng căng tròn thì trên mâm còn trơ lại ba bộ xương cá và một ít nước canh. Ăn xong, tôi chạy sang nhà bác đội trưởng đội sản xuất để đăng ký đi làm vào ngày chủ nhật. Khi trở về nhà, tôi thấy mẹ đang ăn cơm chan với nước canh còn lại. Nhìn thấy tôi, bà bảo trưa nay ăn cỗ sớm quá nên bây giờ mẹ thấy đói. Tôi nghĩ, mẹ thử xem hàng ngày tôi ăn đã no chưa. Xấu hổ quá, tôi đứng đờ người ra nhìn mẹ ăn mà không biết nói gì, thì vừa lúc đó có tiếng vỗ mạnh vào võng và nghe thấy tiếng gọi của H’miêng:

- Anh Hoai (Hoài), day (dậy) đi, anh Hội (Hồi) sắp về.

Tôi ngồi bật dậy. H’miêng đứng bên cạnh võng chỉ tay xuống dưới nhà, nơi anh Hồi đang cuộn tấm đắp phơi trên bụi cây rừng để chuẩn bị đi.

            Chúng tôi về gần đến khu rừng đơn vị đóng quân, thì nhìn thấy hai người dân tộc H’rê đứng chắn giữa đường, tay cầm con dao quắm. Tôi nhận ra là bố và anh trai của H’miêng. Với nét mặt khó chịu, ông bảo:“- Nhà tao mất con gà sắp đẻ. Tao nghĩ cái bộ đội bắt nó. Cho tao xem gùi của mày”. Kiểm tra xong hai chiếc gùi của chúng tôi, nét mặt ông tươi tỉnh chút ít. Ông nói:“- Bụng bộ đội còn tốt. Tao về ”.

          Sáng hôm sau, tôi xuống bếp lấy bữa sáng cho đại đội trưởng Viên, thì thấy mùi cháo gà thơm phức. Anh nuôi kể, đêm qua anh Hồi y tá săn được một chú gà rừng rất to. Anh giao cho nhà bếp chia ra để nấu hai bữa cháo cho người ốm. Tôi lấy đũa gắp những miếng thịt gà xé nhỏ trong cạp lồng cháo bỏ lại, và nói dối nhà bếp là anh Viên đau răng.Múc một thìa cháo cho vào miệng, anh Viên hỏi tôi: “- Các cậu lấy gà ở đâu nấu cháo ? ”. “ –Anh nuôi nói, anh Hồi bắn được tối hôm qua”. Tôi trả lời. Anh thở dài không hỏi gì thêm.

Mấy ngày sau, tôi và anh Hồi được gọi lên gặp đại đội trưởng. Chúng tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế băng ghép bằng thân cây rừng thì anh Viên hỏi ngay:“- Hôm các cậu đi đổi sắn đã ăn cắp gà của dân bản phải không?”. Tôi ngạc nhiên, vì chỉ qua một bát cháo nấu với nước gà mà anh có thể nhận ra là gà nhà chứ không phải gà rừng. Anh im lặng một vài phút như để cho cấp dưới thấm câu hỏi, rồi nói tiếp:“- Tớ nhìn váng mỡ trong bát là biết ngay cháo nấu bằng gà ăn cắp. Hơn nữa thằng Mỹ to như thế mà mấy lần cậu Hồi còn bắn trượt thì làm sao ban đêm săn được gà rừng”. Anh Hồi thú nhận là do thương anh em trong đơn vị ốm đã nhiều ngày mà không có gì bồi dưỡng, nên đã bắt trộm gà, việc này chỉ mình anh làm chứ tôi không hay biết gì.

          “-Tớ biết”. Anh Viên vừa nói vừa quay sang phía tôi: “Nhưng cậu Hoài cũng có khuyết điểm là bao che cho đồng đội”. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói tiếp: “- Cậu tưởng không có thịt là mình không nhận ra . . .” Tôi và anh Hồi nhận khuyết điểm và hứa sẽ xin lỗi gia đình H’miêng.

           Trên đường về lán, anh Hồi kể, khi mọi người ngủ say, anh lẻn xuống gầm nhà sàn bắt một con gà trong chuồng. Trời tối quá,nên quơ được con nào thì bắt con ấy, không ngờ là con gà mái sắp đẻ. Anh bóp cho nó chết, rồi cuộn vào tấm đắp, cho vào nồi nước sôi để làm lông. Ngay đêm ấy, anh mang ra suối thịt, rồi giấu nó trong rừng. Đêm hôm sau, quay trở lại lấy mang về giao cho nhà bếp, nói là gà săn được. Tôi hỏi anh không sợ chủ nhà biết sao. Anh cười bảo, cậu chỉ uống một ngụm nước cam mà đã ngủ say như chết rồi còn gì.

           Chúng tôi chưa kịp thực hiện lời hứa của mình, thì anh Hồi đã hy sinh. Anh chiến đấu dũng cảm để bảo vệ thương binh trong trận chiến ác liệt khi quân địch tấn công vào hậu cứ. Mấy anh thương bình nói lại lời nhắn của anh là nhờ tôi chuyển lời xin lỗi đến gia đình H’miêng.

            Tôi đã kể cho gia đình H’miêng biết về hoàn cảnh khó khăn của đơn vị dẫn đến việc anh Hồi bắt trộm gà, cũng như sự hy sinh dũng cảm của anh để bảo vệ thương binh. Tôi chuyển lời xin lỗi của anh đến gia đình và thay mặt đơn vị, cũng như bản thân mong gia đình tha thứ.

            Nghe tôi kể, cả nhà H’miêng đều khóc. Bố H’miêng bảo: “- Bộ đội ốm sao không cho đồng bào biết. Mình không tiếc gà đâu. Nhưng cái bụng mình không ưng bộ đội ăn trộm. Ăn trộm xấu nhiều đấy. Bộ đội Hoài có ưng cái bụng mình không?”. Tôi nắm chặt cổ tay bố H’miêng để thể hiện sự đồng cảm.

          Gia đình H’miêng làm thịt một con gà trống tơ, nấu một nồi cơm trắng, chọc một chóe rượu cần để xin với thần linh tha lỗi cho anh Hồi, để linh hồn anh không phải làm con ma đói giữa rừng.  

          Bữa ấy, tôi uống rất nhiều; không phải chỉ uống phần của tôi, mà uống cả phần của người đã mất, nên say mềm lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, đã thấy H’miêng ngồi bên cạnh với chiếc bát nước giải rượu đã cạn. Cô cười, nói: “-Miêng cứ lo anh Hoai không biết đường mở mat (mắt)”.

H’miêng chia tay tôi bên bờ suối, cô nói nhỏ: “- Cái bụng mình ưng anh Hoai rồi. Hết thằng Mỹ, anh Hoai về với Miêng nhé. Miêng nấu cháo gà cho ăn, khỏi ốm. . .”.

           Tôi đi đã xa, mà H’miêng vẫn đứng đó, vẫy theo dáng tôi lúc ẩn, lúc hiện trên con đường ngoằn ngèo giữa rừng già.

 Nhớ kỷ niệm buồn.  

     HN:5/1975

 

@ Ảnh minh họa: Hoàng My trong vai nàng HơBiang

 



Cá mắm: Cá muối cả con, đựng trong thùng thiếc vuông nặng khoảng 25-30kg.


Người post: ThongNV

Ngày đăng: 01-11-2013 07:07






Xem 21 - 23 của tổng số 23 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: Guest XUÂN NTT
01/11/2013 14:39:00

“- Cái bụng mình ưng anh Hoai rồi. Hết thằng Mỹ, anh Hoai  về với Miêng nhé. Miêng nấu cháo gà cho ăn, khỏi ốm. . . ”.


 


- Một tình cảm đơn sơ, giản dị và trong trắng. Có thể là tình yêu đơn phương, nhưng đã để lại trong lòng người lính một kỷ niêm sâu sắc và chính vì vậy sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng anh đã ghi lại những câu chuyện buồn thành truyện ngắn "Bát cháo gà". Tôi đã đọc truyện ngắn này ngay từ khi tác giả post lên với ảnh minh họa là một bát cháo gà "hiện đại", nhưng khoảng hơn 1h sau đó ảnh minh họa đã thay bằng ảnh của Hoàng My trong vai nằng HơBlang đang đứng vẫy người yêu.Tôi nhận thấy hình ảnh H'Miêng vẫn còn in đậm trong tâm trí tác giả. Tôi mong kỷ niệm với người con gái H'rê là nguồn cảm hứng để tác giả cho ra đời nhiều truyện ngắn hay. Các truyện ngắn của tác giả Nguyễn Văn Thông mang đậm bản sắc dân tộc, nhân văn và đầy ắp tình người. Cám ơn tác giả.



Từ: PhongPT
01/11/2013 13:02:11



Bát cháo gà của anh ThongNV có nhiều thứ quá, thơm phức, và hồn nhiên sao...




01/11/2013 08:27:41

Một câu chuyện hay, rất chất "Dân tộc": "thật thà" và chất lính: dám làm, dám chịu, hy sinh vì đồng đội - tất cả đều thấm đậm tình người!


Một kỷ niệm đáng nhớ, cảm ơn bạn ThongNV




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s