KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 11 Tháng mười một. 2013

VIẾNG THĂM NHÀ LƯU NIỆM CỐ THI SỸ NGUYỄN BÍNH.




Tác giả: CucNT

 

 

Trong cuộc hội thảo thơ thế giới được tổ chức ở Paris, Trần Đăng Khoa phát biểu: “Bây giờ, ở đất nước tôi có bao nhiêu nhà thơ thì có từng đấy cách quan niệm về thơ. Không ai giống ai. Nội dung thơ cũng thay đổi. Nghệ thuật thơ cũng thay đổi rất nhiều. Có thơ truyền thống. Có thơ hiện đại. Rồi thơ hậu hiện đại. Thơ không vần trước đây xuất hiện dè dặt, bây giờ ra đời ào ạt và trở thành tiếng nói chủ đạo. Có nhà thơ còn quan niệm thơ hay phải là thơ không thể hiểu được. Càng bí hiểm càng tốt. Không ít bài thơ cứ như những câu đố không có lời giải. Hỏi, tác giả cũng không biết gì hơn”.

Quả đúng như thế, chưa bao giờ thơ xuất hiện ào ạt và đủ kiểu như hiện nay.Trong mê hồn trận thơ ấy, tôi đọc và đôi khi thấy mình không đủ trình độ để hiểu. Tôi trở về với làng yêu dấu của tôi nơi tôi ra đi và quý yêu hơn hết bao giờ những vần thơ “chân quê” của Nguyễn Bính.

 

Ông từ giã dương thế từ năm tôi ra đời (1966) nhưng mãi cho tới nay, những vần thơ ông vẫn tươi rói một màu chân thực tâm tư tình cảm của Làng quê Việt nam . Ngồi đọc lại “lỡ bước sang ngang”, ngẫm với đời mình, tôi rưng rưng xúc động. Lòng biết ơn vô hạn trào dâng, tôi chạy ra chợ mua 1 bó hoa ly ly ôm tới :”NHÀ LƯU NIỆM CỐ THI SỸ NGUYỄN BÍNH” thắp cho ông nén nhang.

 

 

Chắp tay vái ông trước bàn thờ, trong đầu tôi chạy qua cuốn phim về cuộc đời Nguyễn Bính:

 

Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)[1] .

Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, mẹ Nguyễn Bính mất lúc bà mới 24 tuổi, để lại cho ông Bình ba đứa con thơ, khi đó Nguyễn Mạnh Phác  sáu tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ ba tuổi và Nguyễn Bính mới sinh được ba tháng. Đúng như câu thơ ông viết:

Còn tôi sống sót là may

Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ

Từ nhỏ Nguyễn Bính đã làm thơ rất hay. Năm 13 tuổi Nguyễn Bính được giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng.

Năm 1932, 1933 Nguyễn Bính có theo người bạn học ở thôn Vân lên Đồng Hỷ, Thái Nguyên dạy học. Bài thơ của ông được đăng báo đầu tiên là bài Cô hái mơ. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn.

Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Cũng trong năm này Trúc Đường (anh trai Nguyễn Bính) chuyển ra Hà Nội ở và đang viết truyện dài Nhan sắc, Nguyễn Bính tỏ ý muốn đi Huế tìm đề tài sáng tác. Vào Huế Nguyễn Bính gửi thơ ra cho Trúc Đường đọc trước, rồi đăng báo sau. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Trúc Đường nhận được nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trong đó có: Xuân tha hươngOan nghiệt. Sau đó Nguyễn Bính trở về Hà Nội, rồi lại đi vào Sài Gòn.

Lần chia tay cuối cùng với Trúc Đường là vào năm 1943, đến năm 1945 tin tức thưa dần. Năm 1946 thì mất liên lạc hẳn. Trong thời gian này Nguyễn Bính đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây,...Cũng trong thời gian này Nguyễn Văn Thịnh (Thủ tướng Chính phủ "Nam Kỳ tự trị") có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính "dinh tê" (vào thành) theo Chính phủ "Nam Kỳ tự trị" sẽ được thưởng 1000 đồng Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được hưởng như thế. 1000 đồng Đông Dương hồi đó là cả một cơ nghiệp. Nhiều thi sĩ là bạn Nguyễn Bính viết thư "thuyết khách" mời ông vào. Hồi đó ông đang lang thang ở Rạch Giá, ngày thì ăn ở nhờ một người bạn, đêm ra đình ngủ, ông chỉ có cái bao cói để chui vào cho khỏi muỗi, nên có nhiều người tưởng ông vào thành với Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ. Ấy vậy mà trong một bài thơ của mình ông đã viết hai câu khẳng định:

... Mình không bỏ Sở sang Tề

Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi.

Nhiều người ở Nam Bộ hồi đó biết chuyện gọi Nguyễn Bính là có chí khí của một sĩ phu yêu nước.

Năm 1947 Nguyễn Bính đi theo Việt Minh.

Một thời gian sau, nhờ sự mai mối của ông Lê Duẩn, ông kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu (một cán bộ Việt Minh), ông sinh một con gái với bà này, đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau đó ông lại kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh và lại sinh một con gái được đặt tên là Nguyễn Hương Mai.

Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính cũng như bao cán bộ Việt Minh khác tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó ông làm chủ bút báo Trăm hoa.Thời gian này ông chung sống không kết hôn với bà Phạm Vân Thanh và sinh được đứa con trai Nguyễn Hiền. Sau đó ông lại kết hôn với bà Trần Thị Lai. Ông bà có một con chung là Nguyễn Mạnh Hùng (hiện đang sinh sống tại Nga). Nguyễn Bính mất đêm giao thừa năm 1966” ( Theo Wikipedia tiếng Việt- lược giải).

Chị Nguyễn Bính Hồng cầu sinh năm: 1952, tại Huyện Sử, Thới Bình, Cà Mau, hiện thường trú tại Tp. Hồ Chí Minh.Trước đây chị làm việc tại  Đài phát thanh Cửu Long, Hội Văn nghệ An Giang, Nhà xuất bản Cửu Long. Sau chị chuyển lên Thành phố HCM, làm việc tại nhà xuất bản FHASA Tp. Hồ Chí Minh, NXB Văn Nghệ. Năm 2007, chị xây dựng “NHÀ LƯU NIỆM CỐ THI SỸ NGUYỄN BÍNH” tại đường số 10, Phường 11, Q. Gò Vấp và sống cùng mẹ với con gái tại ngôi nhà này.

 

Hồi nhỏ, chị  Hồng Cầu có trách giận cha vì thương mẹ vò võ một mình vào tù ra khám trung thành với sự nghiệp cách mạng, nuôi con 1 mình trong khi cha như chú bướm bay qua muôn hoa. Nhưng khi lớn lên, đi qua đổ vỡ trong hôn nhân và cũng mang nghiệp thơ ca, chị  hiểu tâm hồn thơ mộng nhạy cảm của cha nên chỉ thương ông chứ không oán trách ông nữa. Chị  lập nhà lưu niệm Nguyễn Bính để tỏ lòng tôn kính với cha và dường như cũng để cho mẹ già đở phần trống trãi. Bà Hồng Châu nay đã 94 tuổi, dáng lom khom nhưng đôi mắt bà vẫn tinh anh.

 

Chị Hồng Bính tiếp tôi trên căn phòng lầu 2. Chị đã ở tuổi 60 nhưng vẫn phảng phất nét đẹp dịu dàng của một thời thiếu nữ.

Tôi đi quanh phòng, ngắm những tập thơ, tác phẩm của Nguyễn Bính  trưng bày rất ngay ngắn trong tủ kính và treo trân trọng trên tường.

Đập vào mắt tôi là bài thơ treo gần sát bàn thờ:

 

 

 

NỖI NIỀM

Thời cha lỡ bước sang ngang
Bến bờ xô dạt ngửa nghiêng đất trời
Rượu suông cha uống quê người
Thế nhân giữa chợ khóc cười riêng cha
Xa xôi cha yếu, mẹ già
Chiêm bao mách lẻo qua nhà người dưng
Một mình nhớ, một mình thương
Một đời đơn chiếc... buồn vương một đời
Lênh đênh sóng dập, gió dồi
Lang thang con bướm hát lời chân quê
Cố hương ngàn dặm quay về
Tóc thề ai bạc, lời thề ai phai?
Từ đây một chuyến đi dài
Vần thơ định mệnh còn say nhân tình.

 

Đọc, cảm nhận từng câu chữ, tôi thấu hiểu 1 nỗi niềm đầy xót xa thương cha.

Tôi ngồi xuống bên bàn cùng chị tâm sự:

 

 

 

“Tôi không nghĩ mình làm thơ để tiếp nối con đường của cha mình. Mình là kẻ hậu sinh, chắc chắn không thể vượt qua bao nhiêu chữ nghĩa của người đi trước. Tôi đến với thơ như một cứu cánh để giãi bày những điều tưởng như mình không thể chịu đựng nổi. Rất may tôi đã được giải tỏa bằng thơ và tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ. Khi đó, tôi không thể không viết. Phải viết thì mới yên lòng”.

Phải là người yêu thơ, hóa thân vào thơ thì mới có những tâm sự đầy vơi như thế. Và tôi đã tìm thấy ở chị gen thơ từ ba.

 

Tôi nói với chị, ngày trước, khi chúng tôi đang ở tuổi 18, 20 những bài thơ tình của Nguyễn Bính chép đầy sổ tay. Quê tôi ở làng trung du, có dậu mồng tơi xanh rờn, có hoa mướp vàng rung rinh trước gió, quả cau, lá trầu nhuộm đỏ môi mẹ già, có màu lam của trời, màu xanh của đồi, có ruộng lúa nương dâu và những cánh đồng lúa đang thì con gái. Thủa ấu thơ, tôi đã yêu quê hương hơn qua lời ru của mẹ từ những vần thơ của Nguyễn Bính. Người giúp tôi hiểu thơ hiểu những tâm tình sâu lắng của tác giả gửi gắm qua những vần thơ là thầy giáo Lê Đức Hân- Hiệu trưởng trường chuẩn quốc gia Nguyễn Du. Chị Hồng Cầu rất vui, thầy Hân cũng thường dẫn học trò qua viếng nhà lưu niệm Nguyễn Bính và thi thoảng gặp chị ở nhà xuất bản. Nhờ những người thầy tâm huyết như thế mà văn học đã phản ánh và quay lại phục vụ cuộc sống một cách tinh tế mãnh liệt hơn. Rồi tôi ra thành phố đi học, theo những giảng đường tôi đến với Phương Tây và có lẽ giữ được mình chất phác như hôm nay là nhờ những vần thơ “chân quê” của Nguyễn Bính


“…Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê .”

 

Tiếng van ấy không là của riêng Nguyễn Bính mà là tiếng gọi thiết tha của  quê hương họ hàng, gia đình tôi dặn dò tôi như thế.

 

Chúng tôi nói chuyện về thơ, đủ thể loại thơ hiện nay và tôi tâm huyết với khắng định của chị “ Không có thơ đúng hay thơ sai, chỉ có thơ hay và dở, cảm nhận của từng người có thể khác nhau nhưng nhân dân thì công bằng, những gì sống mãi với thời gian thì đương nhiên là hay”.

Tôi nói với chị, về thơ Nguyễn Bính, đã có rất nhiều nhà lý luận văn học bình thơ ông, phát hiện những điều tuyệt diệu trong thơ ông.  Người đọc thấy ở thơ ông những nét dung dị, đằm thắm, thiết tha, đậm sắc hồn dân tộc, gần gũi với ca dao. Cái tình trong thơ Nguyễn Bính luôn luôn mặn mà, mộc mạc, sâu sắc và tế nhị hợp với phong cách, tâm hồn của người Á Đông. Vì vậy thơ Nguyễn Bính sớm đi sâu vào tâm hồn của nhiều lớp người và đã chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo bạn đọc từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt là lớp người bình dân, họ thuộc lòng , ngâm nga nhiều nhấtngôn ngữ bình dân dễ hiểu, dễ thuộc.

Riêng tôi, tôi muốn nói với chị về niềm tôn kính của tôi đối với ông bởi nhiều bài thơ của ông, tôi thấy tâm trạng mình trong đó và tôi tin thơ ông trường tồn bởi chính tiếng nói trong thơ ông cũng là tiếng nói trái tim nhân dân qua bao thời đại.


  • Chị
     Hồng Cầu nói: Hồi nhỏ, tôi cũng giận ba tôi lắm. Nhưng lớn lên tìm hiểu, tôi vỡ lẽ, đời ba tôi bất hạnh nhiều. Nhiều vợ nhưng không ai hiểu ông. Và ông cứ phải đi tìm cái bóng hạnh phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm giao thừa năm 1966.

“Nhiều vợ nhưng chẳng ai hiểu ông”, có lẽ nhiều người đàn ông tìm thấy số phận của mình qua thân phận Nguyễn Bính.


Tôi hiểu cái từ ‘bất hạnh”  chị dùng để ám chỉ ba mình bởi  Nguyễn Bính  là một con người của tình cảm, của những ý muốn bâng quơ hơn là của lý trí.
Ở ông, sự khao khát được tự do, được sống theo ý mình làm ông thèm đi, thèm biết, thèm có mặt ở mọi nơi, thèm tận hưởng vị ngọt, hơi ấm mọi hương hoa của đời. Trong cái vẻ bề ngoài quê quê lại lôm loam thô lỗ (chữ của Tô Hoài), Nguyễn Bính thật ra đã có cốt cách của một nghệ sĩ: "Đa đoan vó ngựa, chung tình bánh xe".  Nghệ sỹ nói chung là như vậy nhưng  mỗi người lại tìm cách giấu giấu diếm diếm và cố chứng minh rằng bản thân mình  không phải như vậy. Riêng với Nguyễn Bính thì mọi chuyện đơn giản hơn, ông sống hồn nhiên chân thực như bản chất ông vốn có. Có những nhà thơ cả đời chỉ phụng thờ một nàng thơ nào đó. Nguyễn Bính thì không, gặp đâu yêu đấy và lần nào cũng say đắm. Chỉ có điều thú vị là tất cả việc đó được Nguyễn Bính coi là đương nhiên, ông công khai bộc lộ thói đa tình của mình và sẵn sàng làm thơ để đánh dấu từng mối tình mà mình đã theo đuổi. Và khi những người vợ không chấp nhận một thi sỹ hồn nhiên và nông nổi mà lại nghèo khó như vậy thì ông lại trở về với cái bóng cô độc của mình.
Có một sự thực lâu nay nhiều người còn ngại nói ra mỗi khi nhớ tới Nguyễn Bính, ấy là nhìn suốt cuộc đời 48 năm trôi nổi của ông, phải công nhận ông là một người bất hạnh. Sau khi kể rằng lúc nào Nguyễn Bính cũng ôm khư khư bên mình một hộp bích quy toàn những thư tình "tờ trắng, tờ xanh, vết tay mồ hôi về vệt", Nguyễn Bính thỉnh thoảng lại mở ra đọc, ngắm rồi lại vuốt lại, xếp lại, đêm ngủ thì gối cái hộp trên đầu. Thì ra những bức thư, là thư tình cũ của các cô nương luôn thề non hẹn biển, có lúc dọa cắt tóc đi tu hay uống thuốc phiện, dấm thanh cho chết (!), nhưng chẳng ai chịu "ăn đời ở kiếp" với nhà thơ nghèo khó! Tô Hoài cho rằng "chưa thấy anh một lần nào lấy được vợ”. Nguyễn Bính cũng nhiều lúc rơi vào tình cảnh cơ cực mà nghe một số bạn bè ông kể lại, người ta phải rớt nước mắt. Những bước đoạn trường ấy, do nỗi đa đoan của cuộc đời xô đẩy cũng có, mà do nhà thơ tự chuốc vào.

Trong hồi ký " Cát bụi chân ai", Tô Hoài kể rằng, thời kỳ Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956 ) có một người con gái đã đến với ông. Họ có với nhau một mụn con đặt tên là Hiền. Rồi hai người xa nhau. Cô gái mang cậu con trai đến trả cho Nguyễn Bính! Ngày ngày nhà thơ ẵm vác cậu bé một bên vai, như mèo tha con. Một tối kia, Nguyễn Bính say rượu bế con thẫn thờ ra phố. Rồi không hiểu sao, trong vô thức nhà thơ lại trao con cho một người đàn ông xa lạ đang đi tới. Trở về, cơn say vật Nguyễn Bính thiếp đi. Quá nửa đêm quờ tay không thấy con, lật đật chạy đi kêu cứu bạn bè, mặt mày tái nhợt. Mọi người đổ đi tìm khắp thành phố, đi báo nhờ công an tìm... Nhưng, đứa con ấy ba chục năm ròng vẫn không tìm thấy... Ôi, cuộc đời nhà thơ sao mà đớn đau! Ngày đó đâu có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để nhờ kiếm tìm cơ chứ!

Nhớ lại những bài viết về Nguyễn Bính đã đọc, tôi càng thấm thía lời tâm sự của chị Hồng Cầu và hiểu rằng chị đang thương ba nhiều lắm.

Tôi tạm biệt chị ra về và hẹn ngày sẽ cùng bạn bè tôi quay lại. Con gái chị Hồng Cầu lễ phép bước ra chào tôi. Tôi nói với cháu “Cháu hãy tự hào và hãnh diện vì cháu là cháu ngoại của Nguyễn Bính nhé!”.

Cảm ơn chị vì đã lập nên nhà lưu niệm Nguyễn Bính ở ngay tại Tp. HCM để bao người ái mộ thơ Nguyễn Bính có thể đến mà viếng ông. Chị xiết chặt tay tôi, rỗi thì đến chị m mình tâm sự nhé!

 

 

 

Tôi lặng lẽ đi về và vang lên bên tôi câu thơ:

“Một người làm cả cuộc chia ly”.

Về tới nhà tôi vẫn miên man nghĩ tới cuộc đời Nguyễn Bính và những vần thơ bất hủ của ông.Trong một bức thư gửi bạn Trọng Miên năm 1939, Hàn Mặc Tử đã viết rằng: "Bởi muốn cho Loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở Thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời - Chúa Trời bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình. Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý. Thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình...".

 Điều đó đúng với Hàn Mặc Tử và đúng cả với Nguyễn Bính!

 Một học giả phương Tây nói: “Một tác giả cũng như một tác phẩm, có số phận của nó”
Nói "Số phận" ở đây, nghĩa là nói đến sự tồn tại chân giá trị khách quan của một tác giả hay tác phẩm trước sự thử thách của thời gian và lịch sử.

Thơ Nguyễn Bính là những tuyệt tác để lại cho muôn đời nhưng suốt đời Nguyễn Bính sống cơ cực, vất vưởng, nép mình hoà trộn với cuộc đời thường, tưởng chừng có thể mất dạng đi trong sự lôi cuốn và vùi lấp. Một thời chúng tôi học chuyên văn đã đọc, đã ngấm ở Thơ Nguyễn Bính mối  tình đằm thắm với xứ quê, người quê và chứa chất muôn vàn tâm sự của một đời thi sĩ lang bạt kì hồ đầy khổ đau, đắng cay và thất vọng. Toàn bộ thơ Nguyễn Bính là những áng văn chương tuyệt đẹp, là tiếng nói của một tâm hồn yêu quá tha thiết và tình cảm quá đầy, đến nỗi không còn dành một góc đáng kể nào cho tư tưởng và lí trí.
Thơ Nguyễn Bính mang nhiều hơi hướng và giọng điệu của ca dao. Bằng giọng điệu ca dao ấy, Nguyễn Bính nói về cuộc sống, con người hiện đại, nói về cái "Tôi", về những số phận cụ thể: một cô gái quê thắc thỏm mong đợi tình yêu, một chàng trai thất tình chỉ vì nghèo, một anh học trò mơ đỗ trạng, một mối tình đầy thơ mộng nhưng lại lỡ làng...

Có thể nói thơ Nguyễn Bính không nhường ai trong việc đặc tả cái bản sắc riêng của quê hương đồng đất Việt Nam, cũng như của con người Việt Nam, cả về lí trí lẫn tình cảm, cả tính cách nết na lẫn lời ăn tiếng nói, cả cách sống lẫn cách "yêu"...

Chính vì thơ Nguyễn Bính chung đúc được cái Hồn dân tộc tự ngàn đời, nên nó đã tránh thoát được sự đào thải của thời gian, càng ngày càng trở nên quí giá và bất tử.

Tôi đọc lại câu kết của Trần Đăng Khoa “ Trong thời kỳ hội nhập hiện nay…..

Giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là cứ đóng cửa, thở mỗi bầu khí quyển của riêng mình, mà là mở rộng mọi cánh cửa để đi ra với thế giới rộng lớn. Và rồi bằng con mắt của thế giới rộng lớn có tầm vóc nhân loại ấy mà nhìn lại cảnh sắc thiên nhiên và con người của quê hương mình, đất nước mình.

Chỉ có như thế, những tác phẩm cụ thể viết về những con người cụ thể, những cảnh sắc cụ thể của quê hương mình mới vượt qua được biên giới riêng của mỗi quốc gia, thậm chí mọi biên giới của thời gian mà đến được với toàn nhân loại” ( Paris 25/05/2013)

Cho đến bây giờ Nguyễn Bính mất đã 47 năm những dòng thơ mang đậm tính cách dân tộc "kiểu Nguyễn Bính" nay vẫn tỏ ra có mãnh lực làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam và đã vượt qua biên giới của nước mình mà đến được với toàn  nhân loại.

 

 

 

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 11-11-2013 09:09






Xem 11 - 20 của tổng số 31 Comments



Từ: CucNT
12/11/2013 21:03:22

Anh Cường ơi! Một thời trong phổ thông các anh không được học thế mà đến bây giờ ai cũng thuộc thơ Nguyễn Bính khống ít thì nhiều. Thế mới thấy chị Hồng Câu nói đúng ' thơ không có đúng hay sai, chỉ có hay và dở, thơ sống mãi với thời gian thì không thể gọi là không hay được".


Chính thống Nguyễn Bính có 4 người vợ, còn nữa không ai biết hết ". Bố bà thôi mà mình đã đọc thơ tình mệt nghỉ rồi, Phải không chị Bình?


Chị Thu ơi! Có được những bài như Tiểu đoàn 307 thì những bài khác mới còn mãi chứ, mới là Nguyễn Bính chứ không thì cũng như những nhà thơ tình khác mà thôi.


Cảm ơn tất cả anh chị em đã đọc và chia sẻ!



Từ: CucNT
12/11/2013 20:56:25

Em cứ thắc mắc anh Hiền đi đâu rồi mà lâu không thấy, nay thì trúng tim đen của anh vì động chạm tới thơ Nguyễn Bính rồi. Anh còn nhớ cả bài thơ tiếng Nga của nhà thơ Xô viết nữa, cảm phục anh luôn.


Hội trưởng ơi! Có lẽ nhiều người không biết tác giả bài thơ Tiểu đoàn 307 cũng như họ không biết ai là tác giả của trang web kgu mà thôi.


Chị Huyền ơi! Bài thơ " Những bóng người trên sân ga" không chĩ Hội trưởng đâu, nhiều người đọc đến là rưng rưng nhớ những lần tiễn đưa đấy. Cảm ơn chị đã post lên.



Từ: HuyenBT
12/11/2013 16:49:38



Hội trưởng ơi, em đã đoán là thế nào anh cũng sẽ phải "nhô ra" - (chữ của bác Tổng Nghị). Anh chả im lặng được khi ai đó nhắc đến Nguyễn Bính. Nhưng em biết, hình như anh đến với thơ Nguyễn Bính lần đầu tiên là bài " Những bóng người trên sân ga". Chép ra đây để anh vào web thì tiện đọc ngay, khỏi phải bấm tìm chỗ khác.(A, mà có khi thuộc lòng rồi, chả cần đọc ở đâu!)


Bài thơ đã được “Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam” bầu chọn (năm 2007)  trong  danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ.


Những bóng người trên sân ga


Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.


Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”


Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.


Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.


Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”


Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga


Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.


Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?


 


 


 



12/11/2013 14:21:47

Đấy, nếu không có bài viết của Cúc, không có những dòng của Ngọc BQ và anh HiềnVC, thì thật tình không ai nghĩ tới lời bài hát Tiểu đoàn 307 lại chính là do Nguyễn Bính viết. Một nhà thơ tầm cỡ như Ông, lãng mạn, mộng mơ và đa tình như thế, nhưng trong Tiểu đoàn 307 người nghe thấy một khí phách hào hùng, mạnh mẽ vô cùng của những chiến sỹ thép. Một tâm hồn thơ, một chiến sỹ thép gang. Có lẽ hơi lạc đề: Tôi mê bản Tiểu đoàn 307 từ lúc biết nó và mãi còn mê .



Từ: BinhNH
12/11/2013 14:10:12

Cám ơn Cúc có một bài viết cho bọn chị trở về với những ngày xưa.


Mà cũng phục Nguyễn Bính, chắc mộng mơ cũng nhiều nên Cúc kể mãi mới hết mấy bà chính thất. Còn chắc là tơ duyên thì không kể xiết.


Đúng là một nhà thơ đa tài 



Từ: HienVC
12/11/2013 14:07:32

HT ơi, Tiểu đoàn 307 nhạc của Nguyễn Hữu Trí, lời của Nguyễn Bính nhưng trong thời gian dài do coi Nguyễn Bính là NVGP do vậy người ta chỉ giới thiệu tác giả bài hát là Nguyễn Hữu Trí.


Nguyễn Bính được coi là Thi sỹ của làng quê Việt nam, và chắc cũng không ai hơn được ông trong lĩnh vực này. Ở nước Nga cũng có một nhà thơ như vậy Sergei Esenhin – con chim họa mi của nông thôn nước Nga. Chắc hẳn nhiều ACE KGU còn nhớ bài hát


Клён ты мой опавший
Песня на стихи Сергея Есенина.
Музыка народная, в обработке Э. Элькина.
Клён ты мой опавший, клён заледенелыl 1;,
Что стоишь, нагнувшись, под метелью белой?
Или что увидел? Или что услышал?

Словно за деревню погулять ты вышел.
И, как пьяный сторож, выйдя на дорогу,
Утонул в сугробе, приморозил ногу.
Ах, и сам я нынче чтой-то стал нестойкий,
Не дойду до дома с дружеской попойки.
Там вон встретил вербу, там сосну приметил,
Распевал им песни под метель - о лете.
Сам себе казался я таким же клёном,
Только не опавшим, а вовсю зелёным.
И, утратив скромность, одуревши в доску,
Как жену чужую, обнимал берёзку.


Bài hát này từ khi ra đời đã được rất nhiều ca sỹ thể hiện với phong cách rất khác nhau  nhưng có lẽ hay hơn cả là  Гелена Великанова http://www.youtube.com/watch?v=qJBScwq_UGw và Николай Сличенко http://www.youtube.com/watch?v=R65g40fqhv4


 


Lời bài hát này là toàn bộ bài thơ nguyên tác cùng tên của Esenhin.



Từ: CuongLV
12/11/2013 13:47:15

Tôi ( cũng như nhiều bạn khác ) thuộc lòng rất nhiều bài thơ của Nguyễn Bính, kể cả bài thơ dài Lỡ bước sang ngang từ rất lâu, cho dù thơ ông không được đưa vào Chương trình PT khi chúng tôi là học sinh. Nói vậy để tự nhủ mình rằng cái hay, cái đẹp đi đến với mọi người nhiều khi không dễ dàng gì. Chỉ thương nhà thơ tài hoa mà trắc trở, khi được thực sự yêu mến, tôn trọng thì đã là người xưa rồi... 



12/11/2013 10:04:32

Mọi người có biết là Nguyễn Bính chính là tác giả lời ca bài hát "Tiểu đoàn 307" không?


Thơ Nguyễn Bính có lẽ dêc đọc, dễ cảm nhất trong các nhà thơ mới bởi cái chất nhà quê mộc mạc dân dã.



Từ: CucNT
12/11/2013 08:29:41

Anh Vinh ơi! Lại nhớ những ngày cùng anh và các bạn đọc thơ Nguyễn Bính trên đất Môndova dưới tuyết rơi trong nỗi nhớ quê hương da diết. Cái vị "khổ qua" mà em Cúc thêm vào bởi : "Mỗi lời là một  vận vào khó nghe" của cộc đời em Cúc mà anh.


Chị Huyền ơi! Nếu ai đó viết bài rồi không post lên sẽ thiệt thòi bởi không đựợc đọc những comment sâu sắc của chị. Chị như một cô giáo dạy văn dành cho em sự truyền cảm của một tấm lòng, một nghĩ suy, một cách hiểu thấu đáo về những nỗi niềm đằng sau câu chữ. Trong cuộc sống bộn bề đến nỗi quên cả mùa đang đi qua mà các anh chị em vẫn dành thời gian đọc những gì em viết và thấu hiểu nỗi lòng em thì cỏn gì xúc động hơn hả chị?  "Chị đồ rằng thơ ấy không nằm trong một góc nhỏ mà lan chảy thấm đẫm trong em" bởi vì chưa nói nhều, chỉ một bài thơ của Nguyễn Bính thôi cũg đã vận vào cuộc  đời em rồi:


LỠ BƯỚC SANG NGANG


1
- Em ơi! em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đêm qua là trắng ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi

Chị tôi nước mắt đằm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai
Mẹ trông theo, mẹ thở dài
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran
Tôi ra đứng tận đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa...

2
Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng
Người ta pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị một vòng hoa tang
Lần đầu chị bước sang ngang
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
Thời thường nhắc: "- Chị mày giờ ra sao?"

Chị bây giờ... nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời dông bão giữa tràng giang lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về

Nhưng em ơi! một đêm hè
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn
Dừng chân trên bến sông buồn
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang
Đoái thương thân chị lỡ làng
Đoái thương phận chị dở dang những ngày
Rồi... rồi chị nói sao đây?
Em ơi! nói nhỏ câu này với em...
Thế rồi máu trở về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi
Chị nay lòng ấm lại rồi
Mối tình chết đã có người hồi sinh
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng
Tim ai khắc một chữ "nàng"
Mà tim chị một chữ "chàng" khắc theo
Nhưng yêu chỉ để mà yêu
Chị còn dám ước một điều gì hơn
Một lầm hai lỡ keo sơn
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung
Rồi đêm kia lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về
Tháng ngày qua cửa buồng the
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa

3
Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt ba ngày ba đêm
- Đã đành máu trở về tim
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương
Hồn trinh ôm chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày... cực chưa?
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy giời
Mà trong hồn chị có người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò


1939

Nguồn: Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, 1986



Từ: HuyenBT
12/11/2013 05:12:14



Cảm ơn em Cúc nhiều lắm.


Ngày nối ngày, việc nối việc, những bận rộn...đến nỗi, có lúc quên cả mùa đang đi qua, thì bỗng nhiên có một lúc được bình yên trở về quê hương, xứ sở, được trở về với mình, về lại "vườn Chanh".


Về văn chương và sự nghiệp của nhà thơ "chân quê" Nguyễn Bính, chắc ai cũng ít nhiều biết đến, chắc ai cũng có ít nhất một bài thơ Nguyễn Bính cất giấu trong sâu thẳm tâm tư, gọi là góc riêng cho mình. Nhưng với riêng Cúc, chị đồ rằng thơ ấy không chỉ nằm trong một góc nhỏ, mà lan chảy, thấm đẫm trong em. (chị nhớ đến ít nhất là một bài thơ com của em cho một bài thơ của anh Cơ DM, phảng phất giọng thơ Nguyễn Bính). Cái quý ở em là em không chỉ yêu câu thơ, yêu con chữ, mà em còn yêu một tâm hồn, một con người. Lòng biết ơn và sự đồng cảm của em với những nghệ sĩ thật chân tình, hiện thực. Em gập trang sách đang đọc, để chạy ngay ra mua một bó hoa mang đến, thắp hương kính dâng lên linh hồn nhà thơ. Em lang thang trong Chùa Nghệ sĩ, không phải để ngắm nhìn, mà để tâm tình, tìm niềm sẻ chia, an ủi. Em mang những cõi linh thiêng, cao cả, đặt ngay giữa cuộc đời, để chiêm nghiệm, để tâm tình.Vậy nên những gì em viết ra chân thành, xúc động. Chị cảm ơn em.


PS. Cho chị hỏi một chút: Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính có quỹ của hiệp hội nào cùng gây dựng nên không em?


 






Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s