KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 18 Tháng mười một. 2013

NHỚ LẮM THUNG NAI




Tác giả: MinhCK

NHỚ LẮM THUNG NAI

                            

Thung Nai – kỷ niệm một thời tuổi trẻ của tôi và các bạn cùng trang lứa trong một hội săn của thành phố Hòa Bình. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước chúng tôi hay vác súng lên đây để đi săn thú, săn chim. Thung Nai, Bình Xuyên, Bản Mu, Cao Phong và rất nhiều các bản làng, rừng núi quanh vùng thủy điện Hòa Bình này là chỗ quen biết, là nơi hội tụ của phường săn chúng tôi, trên những đỉnh núi cao hay bên mép nước, hoặc  khi hoàng hôn chầm chậm phủ trên mặt hồ.

 

                   Hoàng hôn trên mặt hồ

 

 Năm nay kỷ niệm 40 năm thành lập phường săn Hòa Bình tôi cũng muốn cùng các bạn nhớ lại một thời xa vắng, nhưng êm đềm và rất năng động ấy. Hội săn của chúng tôi có hai phường – phường Hà Nội và phường Dốc Cun Hòa Bình. Chủ tịch hội săn là anh Nha, vợ là chị Nhi, ngoài ra còn có sáu, bảy người nữa, mọi người đều là người Mường – thật thà tốt bụng và rất quí mến, thương yêu chúng tôi. Mỗi khi vào rừng hái củi hay đi nương làm rẫy thấy dấu vết con thú nào cũng đều gọi chúng tôi lên để cùng nhau đi săn. Hồi đó chúng tôi ở bộ đội mỗi tháng được phát 21kg gạo và 10 lít dầu đun, nhưng thường chúng tôi chỉ đem về nhà 15 kg gạo và 6 lít dầu thôi. Số còn lại chúng tôi gom lại đem lên Hòa Bình mỗi khi có dịp đi săn để giúp đỡ các anh em người Mường khó khăn trong phường săn chúng tôi. Nhưng có câu chuyện làm chúng tôi nhớ mãi đó là vào một lần đi săn, cả một ngày lặn lội trong rừng mà không kiếm được con thú hay chim chóc gì. Về đến nhà mọi người đều mệt lả và đói, anh Nha và chị Nhi nói với nhau mấy câu gì đó bằng tiếng Mường, sau đấy khoảng một tiếng chúng tôi đã có cơm ăn với thịt gà dim. Có điều chúng tôi thắc mắc với nhau mà không dám nói ra là tại sao xương gà lại nhỏ thế??? Sau này mới biết là ổ gà nhà chị mới nở được mấy tuần, nhưng thấy không có gì ăn anh chị đã làm thịt cả ổ gà cho chúng tôi ăn. Tình cảm của người dân tộc Mường nó đằm thắm, chỉn chu và nồng hậu như thế đó. Mối tình chung thủy, bền chặt ấy đã cùng chúng tôi đi hết những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời và tồn tại mãi cho tới ngày hôm nay. Còn nhiều câu chuyện cảm động trong cuộc sống đã đọng lại qua năm tháng, đã đi qua thử thách và đã gắn bó chúng tôi với nhau.

                  

                                       anh Nha, chị Nhi

Khoảng những năm 1982 – 1986 khi anh Nha mới ở bộ đội về nghèo lắm, một chiếc ba lô, dăm bộ quần áo cũ và một tấm lòng của người dân tộc với Bác Hồ và với đồng chí, đồng đội . Chúng tôi đã cùng anh chung tay giúp dựng một ngôi nhà ngay trên đất Hòa Bình quê hương anh để anh có một tổ ấm riêng hạnh phúc. Điều mà thậm chí bản thân anh cũng không dám nghĩ tới, dù đã bao nhiêu thời gian trôi qua.

Với anh Nha, chị Nhi bên ngôi nhà năm xưa

Chúng tôi đọc được niềm vui hân hoan cũng như nỗi xúc động của người bạn vong niên, khi dọn đến căn nhà mới. Lại nhớ đến một câu ngạn ngữ của người Nga: “Để sử dụng thì hãy dùng đồ mới, còn để chơi được với nhau, thì phải là những người bạn cũ”

 

Khi vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã được nhà nước ta đặt lên trên hết thì chúng tôi dĩ nhiên phải chia tay với những khẩu súng săn, với những ngày đúc đạn... Những ngày lăn lộn trong rừng đói và khát để vào gò đuổi thú, trèo tít lên cây trốn chạy lợn rừng…. chỉ còn là những kỷ niệm vui. Mặc dù vậy, những năm tháng và những người bạn ở Hòa Bình đó không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của chúng tôi. Bây giờ một số trong những người bạn đó lại làm trong nhà nghỉ BẠN BÈ – CỐI XAY GIÓ này.

                  

Cối xay gió

 Khoảng đầu năm 2000, một cơ duyên mới đến với chúng tôi. Chúng tôi kết hợp với những người bạn khác tiên phong vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, khác với nghề của những người lính năm nào. Mở dịch vụ du lịch thiên nhiên! Cũng vẫn đến với núi rừng, bản Mường trên vùng núi này, nhưng không phải đi “khai thác – phá hoại” mà đi làm đẹp cho những gì thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Tiếc rằng không còn những tấm ảnh của những năm khai phá, mở đường, chặt hết lau sậy, có lác… để xây dựng nên khu nghỉ dưỡng cuối tuần “Bạn Bè” như ngày hôm nay. Hồi đó với hai can rượu, chúng tôi đã thuyết phục nông trường trồng rừng để được sử dụng khu đất – bán đảo rộng khoảng 2 ha trên lòng hồ sông Đà này trong vòng 49 năm. Khu đất được hợp lý hóa mang tên nhà nghỉ “Bạn Bè” của Viện KTQS.

 

 Thung Nai, theo tiếng Mường có nghĩa là bản Nai. Chuyện kể lại rằng: Đã lâu lắm rồi, từ rất xa xưa nơi này hoang vu lắm có những bầy nai, sơn dương, hoẵng… về trú ngụ, sinh trưởng từng đàn, từng bầy dọc theo con đường mòn, ven theo những đỉnh núi. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để phục vụ cho chiến trường Tây Bắc, Nhà nước ta đã mở Quốc Lộ 6, con đường này chạy thẳng qua bản Nai, chênh vênh trên triền núi của dòng sông Đà. Cho đến cuối những năm 70, khi chúng ta bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà thì lúc đó Thung Nai được mở rộng và phát triển, đông vui lên rất nhiều. Lúc xây đập để ngăn dòng nước sông Đà thì con đường 6 năm nào xuất phát từ dốc Cun, chạy qua bản Nai đã chìm hẳn xuống dòng sông Đà tạo thành một cái hồ lớn tích nước phục vụ cho nhà máy thủy điện như ngày nay các bạn đã được biết. Con đường số 6 cũ mang theo chiến công của anh Cù Chính Lan nay được đổi tên thành đường Tây Tiến.

 

                     Bên tượng anh Cù Chính Lan

Trên con đường này đã được xây dựng tượng đài bằng đá để kỷ niệm chiến công đánh xe tăng năm nào của người chiến sỹ dũng cảm đó. Có điều việc xây tượng đài này không đúng chỗ chiếc xe tăng của Pháp bị đánh hạ trước đây, nó nằm bên phải (từ dốc Cun đi vào) xa chỗ thực chiếc xe tăng bị cháy (nằm bên trái) khoảng 1 km. Người ta làm như vậy bởi chỗ mới đẹp hơn, rộng hơn và trông hoành tráng hơn, “tạm quên” đi lịch sử là ở đâu và chiến công kia là sự kiện gì. Và buồn hơn nữa khi thấy  người dân mình đã tháo gần hết (những cái gì có thể tháo được) các bộ phận của xe tăng để đem bán sắt vụn. Cũng may Sở Văn hóa Hòa Bình còn chở về thành phố được cái thân xe và tháp pháo (nặng quá, chưa tháo đi đươc). Để ghi nhớ người ta cũng đã dựng một cái bia có kích thước khiêm tốn ở đúng vị trí chiếc xe tăng bị đánh cháy để tưởng niệm chiến công của người anh hùng năm xưa. Nhưng cho đến nay cái bia khiêm tốn kia cũng không còn nữa.

 

Nhưng thôi, trở lại chuyện của những người bạn lính, phường săn hồi nào. Lại chính là những người “bạn cũ” ấy chung tay, góp sức làm nên một khu nghỉ dưỡng thiên nhiên. Đẹp dung dị và ấm áp tình đồng đội. Đến với nhà nghỉ “Bạn Bè – Cối xay gió” nếu vào lúc hoàng hôn các bạn sẽ thấy một khung cảnh hữu tình, một bức tranh sơn thủy khi chiều buông chẳng khác gì một Hạ Long.

                   Hạ Long trên núi

Chúng tôi vẫn gọi đó là Hạ Long trên cạn của Hòa Bình. Từ bến đò Thung Nai nhìn chếch sang bên phải chúng ta có thể thấy mái nhà sàn mầu xanh lá nằm ẩn hiện dưới vòm các loại cây ăn quả như khế, bưởi… và đặc biệt vào mùa phượng nở các bạn sẽ thấy phượng tím của miền Nam Phi xa xôi, nở tím ngát một khoảng trời suốt từ bến sông tới nhà nghỉ. Chưa hết đâu các bạn ạ, ở đây (nếu đặt trước) các bạn sẽ được gặp anh Duy “Chúa Đảo”ông chủ của hòn đảo này.

                

                           Chúa đảo hát cùng chúng tôi

Đó là một người lính đã “giã từ vũ khí” năm xưa. Các bạn sẽ được nghe lại những bài hát Nga mượt mà, say đắm lòng người. từ giọng hát của “ông Chúa đảo” có khoảng hơn mười năm sống trên đất Nga, thời gian như thế đủ để “ông Chúa đảo” mang về đây hơi thở Nga, tâm hồn Nga, kỷ niệm Nga qua các bài hát, hát cho mình, hoặc theo yêu cầu của du khách tới đảo. Bữa tối dọn ra với các món ăn nấu theo kiểu Mường, với cá sông Đà hun khói theo kiểu Nga và rượu ngâm mơ uống say mềm mà không biết mình đã bị say từ lúc nào. Nếu các bạn đã đặt trước, các bạn còn được đốt lửa trại, ngọn lửa nồng nàn giữa trời đông giá lạnh, giữa những câu chuyện xa, gần, gợi nhớ về những hồi ức, những kỷ niệm, những câu chuyện tiếu lâm xen lẫn những bài ca sôi nổi….Làm ấm áp ngay cả khi trời Đông giá lạnh

                   Nhẩy bên đống lửa

Ngọn lửa thổi đi mọi nỗi buồn, xua đi mọi giá lạnh, để rồi kéo chúng ta lại gần nhau trong tình thương yêu, quí mến của bạn bè, của những người đã sống với nhau thật vô tư, thật hồn nhiên, không cơ hội, không thủ đoạn. Những người bạn cùng một mái trường, cùng một lý tưởng, một niềm tin yêu…Một thời yêu quí mãi không thôi.

 

Cũng vì ý tưởng đó, chúng tôi đã đặt tên cho nhà nghỉ trên lòng hồ Sông Đà là nhà nghỉ “BẠN BÈ-CỐI XAY GIÓ”. Hãy ghé qua đi nhé, dù chỉ một lần để nhớ mãi. Với tôi, năm nào tôi cũng lên đây, khi thì có bạn bè từ đâu đến, khi thì hứng khởi lại rủ nhau đi. Lúc chia tay, người Nga có một phút im lặng ngồi trên đống đồ đạc suy tư, nghĩ ngợi để rồi mỗi người sẽ về với công việc, về với nỗi niềm riêng tư, thầm kín của mình.


                    Chia tay Thung Nai

Riêng ở Thung Nai chúng tôi ngồi im lặng quanh những gì còn sót lại của ngọn lửa tình người, tình bạn đã cháy đêm qua để nhớ về những kỷ niệm với Thung Nai và với những người bạn Mường trên đất Hòa Bình.

 


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 18-11-2013 21:09






Xem 11 - 18 của tổng số 18 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HoaiPV
20/11/2013 09:22:01

01.01.2001 ngày đầu tiên của Thiên niên kỷ mới, lớp phổ thông cấp III Thường Tín - Hà Tây chúng tôi  kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, vinh hạnh được làm những người khách quý của Thung Nai - nhà nghỉ "BẠN BÈ - CỐI XAY GIÓ" (nhưng khi ấy chưa có tên này đâu, chúng tôi đã tự đặt tên trong giấy mời là ĐẢO A - LÒNG HỒ HÒA BÌNH!). Con đò đưa chúng tôi từ đập thủy điện Hòa Bình ngược sông Đà gần 2 giờ mới đến Thung Nai. Thầy trò chúng tôi đã có một ngày không thể nào quên. Thung Nai ngày ấy còn hoang sơ lắm, nhưng có lẽ vì vậy trong ngày đầu tiên của Thiên niên kỷ mới chúng tôi mới được trèo lên Đảo Phong lan ngắm những bông hoa thực sự của núi rừng, mới được trèo lên một đảo vắng và tự tay nướng thịt theo kiểu Nga nhắm với rượu cần:



Có lẽ cũng vì thế chúng tôi mới dám mạo hiểm trèo lên vách đá cheo leo, bên dưới là độ sâu 89m nước để chụp hình như thế này đây



Còn tiếng đàn của Chúa đảo vẫn như ngày xưa, giọng hát của chị Nhi vẫn như ngày xưa



........


13 năm sau, tháng 7/2013 lớp chúng tôi lại tụ họp về với Thung Nai- nhà nghỉ BẠN BÈ - CỐI XAY GIÓ, nhưng lần này với ý nghĩa khác hơn: chúng tôi làm lễ Nghỉ hưu 100% cho cả lớp! Cảnh xưa đã đổi thay nhiều, khang trang và đẹp hơn, tiện nghi hơn, nhưng con người vẫn thế: đôn hậu, chất phác và hiếu khách







Rất thú vị, 13 năm trước chúng tôi uống rượu vòng tay kết bạn theo tục lệ dân tộc Thái bằng bát với chị Nhi, lần này chúng tôi cũng uống rượu vòng tay nhưng bằng ly, và không với chị Nhi mà với con gái chị!



Cám ơn anh Minh đã đưa tôi về với những kỷ niệm!


Cám ơn Thung Nai - NHÀ NGHỈ BẠN BÈ - CỐI XAY GIÓ! Cám ơn anh Duy- chúa đảo, gia đình chị Nhi và những người bạn đôn hậu trên đó! Cám ơn những người bạn - đồng đội của Phường săn Hà Nội - Hòa Bình đã tạo nên một không gian nên thơ thấm đậm tình người giữa một vùng rừng núi mênh mang sóng nước này!


 


 



Từ: MinhCK
19/11/2013 21:07:10

Mọi người ơi đến Thung Nai nên đến vào 2 mùa, mùa hè, từ tháng tư đến tháng 6. Mùa này mọi người có thể khoác áo phao và thả cửa bơi trên hồ. Bạn có thể ngắm hoa phượng tím ngay khi tầu cập bến nhà nghỉ bạn bè, ở đó có cây phượng tím già nhất đảo và mùa đông khoảng từ tháng 10 đến sau Tết ta. Bạn sẽ thấy hồ đầy nước và xanh một mầu ngọc bích giống như nước của Địa Trung Hải. tùy các bạn chọn nhé. Tôi thì mùa nào cũng đi, nhưng hay đi nhất vẫn là mùa hè. Nhưng cũng nên đi cả hai mùa để kịp so sánh xem Thung Nai mỗi mùa khác nhau thế nào nhé


@ Nguyệt, Cúc và Hoa ơi! Lúc nào anh cũng sẽ sẵn sàng đi cùng bọn em, nhưng nên đi vào ngày thường cho đỡ đông (PGS Hoa đang đi làm liệu có thời gian không?). Lúc đó trên nhà nghỉ chỉ có mình với nhau thôi, thích lắm. Mình như chủ nhân thực sự của cái bán đảo này vậy.


@ Lý ơi, rất cám ơn em với bài thơ hay và lời nhắc nhở về lỗi trong bài viết - cái mà trong trang Web của Hội rất ít người làm được, mà chỉ khen, đôi khi lại hay khen quá mức nên thiếu tính xây dựng. Anh là người thích tiếp thu ý kiến đấy em ạ. Cám ơn em nhiều



Từ: HoaNT
19/11/2013 19:22:29

Anh Minh ơi lần sau chọn mùa phượng tím để đến Thung Nai nhé. Em đã đến dây 2 lần mà mỗi lần lại thấy cảnh ở đây lại đẹp hơn lên. Chẳng thế mà em thấy anh thường xuyên đi Thung Nai mà không thấy chán.



Từ: Guest BM
19/11/2013 16:46:37

Lạc chân giữa chốn Thung Nai


lạc trong tình bạn đã dài tháng năm,


như cổ tích thuở xa xăm,


vấn vương tình nghĩa bao năm đói nghèo,...




Thung Nai xinh đẹp bao nhiêu,


bên Cối xay gió, một chiều ngẩn ngơ


cuộc đời đi đến bây giờ


kỷ niệm rải khắp rừng mơ, suối hồ,...




Thung thăng trong chốn mơ hồ


chiều buông màn tím, phất phơ mây chiều


phượng tím một thuở dấu yêu


nụ cười bạn hữu đo chiều nông sâu,...




Lòng hồ sóng sánh, biếc màu


trời xanh soi bóng, bên nhau cả cười


chuyện nay có thực trong đời


mà như cổ tích, xa vời chốn Tiên!




Ngẩn ngơ, ngân giọng an nhiên,


rượu tăm nâng chén, tay tiên gẩy đàn,


mênh mang trong cảnh gió ngàn,


mơ mơ, thực thực, xốn xang cõi tình!


 


A. Minh ơi, câu cuối anh chỉnh lại chính tả đi: "sót lại" chứ không phải "xót lại",... hehehe



Từ: CucNT
19/11/2013 15:36:54

Hướng dẫn viên du lịch sẽ viết về những nét đẹp, nét hấp dẫn của miền tham quan để thu hút du khách đến. Ban đầu em cứ tưởng bài viết này là của 1 hướng dẫn  viên du lịch nhưng càng đọc càng thấy bị cuốn hút bởi tình cảm nồng nàn, kỹ niệm sâu lắng xem lẫn những sự kiện lịch sử oai hùng làm cho bài viết của anh Minh trở nên đặc sắc. Những ai chưa đến Thung nai như em sẽ cảm thấy mình nghèo đi nhiều lắm. Ở đó, có hoàng hôn tím đỏ trên mặt hồ, có cối  xay gió mang hương sắc trời Âu, có tiếng Hát Nga của chàng Chủ đảo hiếu khách, có những người Mường tốt bụng. Trong phong cảnh trời nước hữu tình ấy là thấy nổi bật lên tình bạn thủy chung sâu sắc, họ đã đến với nhau từ năm xưa, cùng nhau đi săn khi đói quay quắt và giờ đây tình bạn ấy càng nhân lên trong cuộc sống bình yên buổi xế chiều…


Em sẽ ra Hà nội, sẽ đến Thung Nai ngăm cảnh thiên nhiên và thưởng thức món cá muối kiều Nga bên cột lửa trại trong đêm gió miên man.


Anh Minh ơi! Anh sẽ đưa em đi nhé! Ai bảo anh viết hay quá làm em náo nức muốn bay ra Hà Nội ngay hôm nay.


 



Từ: NguyetTM
19/11/2013 15:14:35

Anh MinhCK ơi, khi nào đi lại Thung Nai thì kêu em nhé. Đến Thung Nai rồi nhưng nay đọc bài anh Minh viết lại muốn có mặt ngay trở lại. Cảnh đẹp nhưng tình cảm bạn bè còn đẹp hơn tạo nên một không gian thật là hấp dẫn. Cái Cối xay gió và con thuyền trông rất giản dị nhưng có vẻ rất muốn chào mời bạn bè xa gần hội tụ về đây. 



Từ: ThanhLK
18/11/2013 23:48:14

Chúng tôi may mắn đã được gặp ít nhất là 3 người bạn trong Hội săn và thấy rằng Nhà nghỉ "Bạn bè - Cối xay gió" là kết tinh của tình bạn bè thủy chung và bền đẹp của Hội săn này. Những câu chuyện xưa và nay, cảnh hoàng hôn trên mặt hồ Thung nai, tàn tro của lửa trại... tất cả đã làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của nơi đây đối với người KGU, để rồi cứ có bạn hiền là lên đường đến Thung nai, đến để chia sẻ những kỷ niệm và tình người. Cám ơn anh Kỳ Minh với bài viết sâu lắng và những bức hình đẹp.



Từ: Guest ThuyDT
18/11/2013 22:09:25

Đã nghe anh Minh kể chuyện Hội săn, bây giờ đọc bài anh viết vẫn thấy cảm động. Anh có những người bạn tốt quá, càng bền chặt theo thời gian. Nhà nghỉ "Bạn bè - Cối xay gió" và Thung Nai đã là địa chỉ thân thương của KGU rồi.







<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s