LỜI THỀ TỪ MỘT TRANG NHẬT KÝ
Tối 15.11.2013, nhóm bọn tôi từ thành phố HCM đã tới Hà nội, chuẩn bị về trường Chương Mỹ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Đêm ấy bọn tôi nghỉ lại nhà Thắm. Thế là bốn cô trò cũ của 8E : tôi, Thắm, Hạnh và Tuyết, thức tới 2 giờ sáng ngồi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm. Ai nhớ gì kể nấy, chẳng miệng ai lại được với những người trong cuộc, sôi nổi hào hứng, da diết nhớ nhung, ăm ắp dâng trào chuỗi ký ức những ngày cùng chung lớp. Năm 1968.
Đêm ấy, Hạnh mang cho bọn tôi xem cuốn nhật ký bạn đã giữ 45 năm qua. Tôi giật mình tự hỏi lòng: có thật thế không, cái kỷ niệm ngông cuồng, nồng thắm, say đắm của tuổi học trò. Năm ấy, chúng tôi mới 14, 15. Tuổi mực tím đẹp nhất trong đời.
Hạnh Thu Tuyết
Xuất phát điểm của những dòng nhật ký ngày hôm ấy là vì điểm kiểm tra môn Hóa. Hạnh bị điểm kém, bạn rầu lắm, lòng chán ngán vô cùng. Có bao giờ tôi và Tuyết được đọc những dòng tự sự rất hồn nhiên, thơ ngây này của Hạnh, nếu Hạnh không trải lòng chia sẻ như chiều ấy, cách đây đúng 45 năm.
- Chúng mình sẽ trích máu ăn thề nhé. Hạnh đề nghị.
Tôi thót cả tim, khẽ rùng mình. Tôi nhìn Tuyết chờ phản ứng. Hạnh không đợi bọn tôi có vào cuộc hay không, cầm cái ca nhôm đi về phía bình nước uống đặt cuối dãy nhà lá. Tôi nghe thấy tiếng nước chảy thật yếu ớt từ cái vòi bằng đồng, như đếm thời gian trôi. Tuyết vẫn yên lặng.
Còn tôi, thật quả trong lòng đang run lên vì sợ. "Trích máu ăn thề", câu này tôi đã đọc nó ở đâu, trong cuốn sách nào, phải chăng của những cảm tử quân, của những người lính can trường hay của những nghĩa binh trước lúc tuốt gươm ra trận ? Còn tôi, cái con bé còm nhom vừa sang 14 tuổi, khét tiếng sợ ma, sợ đom đóm, sợ sâu... thì chẳng lấy đâu ra một hạt cát dũng cảm. Đi khám bệnh, những khi phải lấy máu kiểm tra, các cô y tá vừa chạm tay vào, đã đủ làm tôi ngất xỉu. Đằng này, tự tay mình phải trích máu, rồi hòa nó với những giọt máu đào của các bạn trong ly nước để uống ăn thề... Khoooông, không bao giờ, tôi sợ lắm. Tôi quay sang Tuyết tìm đồng minh, nhưng mặt Tuyết không gợn một chút sợ sệt. Thế này thì chết tôi rồi, tôi chỉ là thiểu số trong tổng số ba người.
Hạnh đã quay lại với ca nước trong tay. Bạn ngồi xuống, không thèm nhòm cái mặt tái nhợt đi vì quá sợ của tôi. Hạnh rút cây kim băng từ miệng túi áo. Cây kim gài cho chặt, đặng mấy hào bạc má Hạnh cho đừng có không cánh mà bay, rồi nhanh như cắt đâm mũi kim vào ngón giữa của bàn tay trái. Hạnh khéo léo cho những giọt máu nhễu vào ca nước. Nước trong ca giờ có một màu hồng của những bông đào phai. Tôi lùi lại một bước, lấy tay bấu vào đùi mình để lấy lại bình tĩnh.
- Bây giờ đến Tuyết với Thu đi. Hạnh ngước lên nhìn tôi và Tuyết vẫn đang đứng như trời trồng trước mặt. Hai ngón tay Hạnh nhấn vào nhau để cầm máu chỗ vừa bị trích.
- Tuyết thấy không cần phải trích máu đâu. Nếu mình một lòng sát cánh với nhau, thì chẳng cần phải trích máu ăn thề. Nếu các cô các bác trong trại trẻ mà biết chuyện này, thì sẽ rầy rà to. Mà nói thật nhé, Tuyết nhìn thấy máu là Tuyết sợ lắm rồi Hạnh ơi.
Đấy, có thế chứ, ý Tuyết giống mình rồi.
- Nó không hề đau, chỉ buốt chừng một phút thôi. Bao nhiêu các chú các bác trong chiến trường B, ngày nào cũng giáp mặt với cuộc chiến, đổ máu là cơm bữa. Nếu họ cũng sợ như tụi mình, thì lấy ai ra trận đây.
- Thu cũng đi B được chứ, đâu có sợ Hạnh ơi. Nhưng mà đi B không phải ai cũng trích máu ăn thề như tụi mình. Tôi cố bênh vực cho cái lý yếu ớt của mình.
- Tuyết nói này, bọn mình tìm cây bút chì đỏ ra đây, viết lên hai chữ XIN THỀ như màu máu, được không. Với hai chữ này, chúng mình sẽ ký tên xuống dưới, cam kết cho hiệu lực của nó. Rằng, sẽ sống chết có nhau, giúp nhau không chỉ trong học tập, chúng mình sẵn sàng tiếp bước theo các chú các bác đang trong chiến trường B, khi cần, ngay cả thôi học để lên đường nhập ngũ.
- Hạnh ơi, thôi làm thế đi. Thu đi tìm cây bút chì đỏ nhé. Tôi như vừa thoát qua cơn ác mộng, trút được bao sợ hãi. Lôi cái ba lô từ trên xích-đông tre xuống, dốc cho hết cả nắm các loại bút táp nham, chúng tôi đã có một mẩu bút chì đỏ dài chừng bốn phân. Hạnh nhấm mẩu bút chì đỏ vào miệng cho ướt, để nó có cái màu giống với máu đào, rồi bặm môi viết hai chữ XIN THỀ lên trang nhật ký.
Hạnh chìa cuốn nhật ký ra cho tôi và Tuyết ngắm:
- Ưng chưa ?
- Bây giờ ký nhé ? Tôi lựa ý hỏi.
- Hạnh ký trước nhất nè ! Cái giọng pha tiếng Nam của Hạnh thật dễ thương.
- Thu ký đi. Tuyết nhắc tôi.
Bút sa gà chết đây. Tôi nắn nót ký cạnh tên Hạnh. Tôi đưa bút cho Tuyết. Tuyết cúi xuống ký đánh roẹt. Thế là văn bản đã xong, như hiển thị cho tới hôm nay thấy trên trang nhật ký. Nó là tiếng gọi của ai, mà khiến chúng tôi tha thiết thế. Nó là động lực gì mà khiến những đứa trẻ như chúng tôi sẵn sàng thảo ra một bức tâm thư như vậy. Ôi tuổi trẻ thơ ngây, trong trắng và ngông cuồng.
Cologne 25.11.2013
* Tuyết Hạnh là em gái chị Tôn Nữ Tuệ Tâm