KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 28 Tháng mười một. 2013

MỲ GÕ




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                                   MỲ GÕ


Mãi tới chiều qua tôi mới mở cái CD Môi Tím Chân Trần của Bắc Hải ra nghe. Đang ngây ngất với bản "Chi chi chành chành" thật nhí nhảnh và tinh tế  tựa những giai điệu dân ca; mượt mà, lúng liếng bởi những bài vè thuở nhỏ: Dung dăng dung dẻ, Thả đỉa ba ba... Sao mà dễ thương, duyên dáng và sâu lắng đi vào lòng người đến vậy. Chợt tôi dừng lại ở bản số 9: Mỳ Gõ.


" Người Sài gòn thường nghe tiếng gõ

Tắc ta rắc tắc tắc, cùm tắc cum

Trên phố khuya có đôi chân nhỏ

Mỳ đi gõ là mỳ kéo xe..."

 

       

 

Với giọng ca ấm áp, giàu sức truyền cảm và rất có hồn của Y Jang Tuyn, người nghe muốn chết từng khúc ruột. Hình ảnh đứa bé trong đêm khuya gõ rao bán mỳ, bán hủ tiếu ùa về trong tôi như một cơn lũ không gì ngăn được. Nước mắt lăn dài trên má, tôi muốn gục xuống vì đau khổ, vì bị ai đó làm tổn thương trong tâm can...


Trung tuần tháng Bảy năm 2003, tôi về nghỉ phép. Sài gòn đang mùa mưa. Mưa lớn từng đợt gối vào nhau, vần vũ, nghiêng ngả đất trời. Đêm đầu, lạ nhà, tôi thao thức mất một lúc. Chợt văng vẳng ngoài phố đưa về tiếng gõ. Lúc đầu còn nhỏ, chắc bước chân người gõ còn xa. Dần dần, tiếng gõ đã to hẳn, rất đanh, với một âm lượng rành rọt "cắc, cắc, cắc" đều đặn, chậm rãi, thong thả. Rồi nó chuyển sang nhịp đôi " cắc cắc, cắc cắc, cắc cắc" dồn dập, mời chào, năn nỉ, thúc dục ... Cứ thế, những tiếng gõ buông vào khuy khoắt, nghe buồn não đến thảm hại. Tôi nhỏm dậy hỏi mẹ nằm kế bên:

- Mẹ ơi người ta gõ gì thế, khuya lắm rồi ?

- Con cứ lục sục thế thì làm sao mà ngủ được. Thằng nhỏ đi rao mỳ, rao hủ tiếu để mời khách đấy mà.

Mẹ tôi vừa trở mình vừa trả lời.


Bây giờ tiếng gõ đã xa dần. Chắc không kiếm được khách, người gõ rao mỳ lại phải đi thêm một con phố nữa. Đôi chân bé nhỏ mang theo tiếng gõ sang hẻm khác. Âm thanh buồn rớt lại thưa thớt, yếu dần trong tiếng mưa rơi. Tôi nằm như bất động, lấy tay vén mớ tóc xòa trên trán mới biết nước mắt mình đã đẫm ướt một bên má.


Hôm sau, lúc ăn sáng, tôi quay sang hỏi tiếp chuyện đêm trước.

- Mẹ, con chưa hiểu hết cái vụ gõ rao bán mỳ, bán hủ tiếu hồi đêm mẹ ạ.

- Những xe mỳ, xe hủ tiếu rong, thường họ ấy đỗ một chỗ. Rồi chủ ấy mướn bọn trẻ đi rao hàng. Đứa trẻ có trong tay hai thanh tre, loại tre cật, thật đanh, thật già, bề ngang lớn chừng hơn cây đũa cả. Khi gõ chúng vào nhau, nó thay cho lời rao hàng, khắp các ngõ phố, tận trong các hẻm đều nghe được.

- Những đứa bé ấy lớn bằng nào hả mẹ?

- Từ chín, mười tuổi tới mười hai, mười ba.

- Có bé gái đi rao mỳ gõ thế không?

- Những năm trước có một con bé. Nó mười lăm rồi, mà còm nhom còm nhách. Đi rao mỳ gõ kiếm thêm vài đồng cho ngoại nó, phụ chút tiền ăn. Lần ấy, cũng vào mùa mưa thế này, con bé bị người ta làm bậy. Mà khốn nạn, nó chưa kịp dậy thì, chưa trở thành một thiếu nữ, đêm ấy thân phận đã thành người đàn bà. Rồi con bé bị ngẩn ngơ. Chủ cũng chẳng buồn thuê nữa. Từ đấy các xe mỳ, xe hủ tiếu rong chỉ tuyển người rao mỳ gõ là các bé trai.

 

       

 

Tôi chết lặng cả người khi nghe mẹ kể. Cái âm thanh buồn hơn cả tiếng mõ chùa của thằng bé rao mỳ gõ, chèn lấy ngực tôi, cào xé lòng tôi.

Đất nước đã hết chiến tranh tự bao giờ. Yên hàn đã trở lại từ Nam ra Bắc. Khắp nơi vóc dáng quê hương thay da đổi thịt. Hiện đại hóa nhanh đến chóng mặt. Thế mà, ngay nơi đây giữa Sài gòn rất phồn hoa vẫn thế ư ?

Có bao nhiêu đôi chân nhỏ vẫn lang thang, lầm lũi khi đêm xuống, để mưu sinh bằng cái nhịp gõ rao mỳ kia? Còn bao nhiêu đô thị khác ở phía Nam này chịu chung cảnh ngộ như thế ? Những bước chân mòn mỏi, lê lết trên ngõ phố. Những âm thanh cay đắng của tiếng gõ rao mỳ. Những ánh mắt thơ ngây nhòe lệ đi trong hư vô, mong manh với những đồng tiền còm cõi. Đau lòng đến thế cơ mà. Nó có làm ai đó quay đi gạt lệ không?


Mỳ Gõ ! Tôi những muốn đừng có món ăn đêm này nữa. Để mái tóc xanh của các em không phải ngâm sương. Để những đôi chân nhỏ không phải sải dài trong khuya khoắt. Để âm điệu buồn nát lòng của tiếng gõ rao mỳ đừng bao giờ rót vào đêm lạnh.



Mời ACE nghe bản MỲ GÕ sáng tác của Trần Bắc Hải , qua giọng ca của Y Jang Tuyn

http://mp3.zing.vn/bai-hat/My-Go-Y-Jang-Tuyn/ZW68F6DI.html

 

Cologne 27.11.2013

 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 28-11-2013 23:11






Xem 11 - 16 của tổng số 16 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HanhLM
29/11/2013 15:08:20

Thương! Thương lắm những phận nghèo, những "môi tím chân trần" còn nhiều lắm trên dải đất hình chữ S.



Từ: TungDX
29/11/2013 09:16:14

 


"Mì gõ" vọng thẳm sâu lòng


Con tim khắc khoải thương đồng loại nhi



 



Từ: NguyetTM
29/11/2013 08:47:55

Chị Thu, chị Thảo ơi, đúng rồi, ăn đêm là nét văn hóa của Sài Thành. Nhưng trong đêm mà nghe thấy giọng trẻ thơ rao bán vặt thì đau lòng lắm. Ngay cả ban ngày mà thấy "Môi tím chân trần" đứng bán rau, bán bánh cũng thương lắm. Chẳng nói đâu xa, gần nhà em có cái chợ, vừa đến cổng chợ em luôn thấy một bé gái thân gầy guộc, da đen xạm, tóc hoe hoe, chân đi đôi dép nhựa bạc mầu cũ kỹ còn lấm đất. Bé đứng bên cạnh mấy mớ rau, it cà chua, một ít hành khô, tỏi khô, một hai quả bí. Bé đứng với đôi mắt trông đợi có khách vào mua đồ của bé. Bé cũng không dám mời mọc mà chỉ lý nhí "bác mua rau đi !", phải đến gần cháu mới nge thấy. Vậy là hôm nào ra chợ tôi cũng ghé qua hàng của bé, mua đồ của bé. Tôi lân la hỏi những người bán hàng bên cạnh. Họ bảo là nhà bé, mấy anh trai nghiện hút, phá phách hết trơn, bé phải giúp mẹ đi chợ vậy. Tôi băn khoăn suốt vì thương cháu đang còn tuổi đến trường mà không được đi học. Còn biết bao cháu bé đang trong tình cảnh như vậy ? Và chúng ta làm được gì đây?


Cảm ơn anh 3chai đã gõ những nốt nhạc tâm tình giao tâm với "Mỳ gõ". Và chị Thu là người Comment cho CD 'Môi tím chân trần" tuyệt vời đó. Giá như mà CD ra sau thì nên đưa bài này của chị Thu vào trang bìa của CD.      



29/11/2013 06:49:38

Kim Thu ơi, Với lòng nhân hậu và tình thương đồng loại vô biên, em đã có bài viết làm xúc động lòng người



Từ: ThaoDP
29/11/2013 04:04:00

Ở cái xã hội VN bây giờ còn có ai bảo vệ con bé con 15 tuổi rao mỳ gõ đã bị cưỡng hiếp vào một đêm mưa? Các ACE cãi cọ hãy chỉ giùm tôi!


KThu có lòng thương vô biên, không cần món ăn đêm vì không muốn nghe tiếng Mỳ gõ nao lòng, vì thương những đôi chân bé nhỏ. Nhưng Thu ơi, đó là cuộc sống của đất Sài thành, luôn có nhu cầu ăn các món ăn đêm, vì thế phải có cung và cầu. Các em nhỏ nhờ thế kiếm được tiền bằng cách rao đặc biệt "Mỳ gõ" đó. 


Hãy nghĩ cách thay đổi xã hôi khác đi thì hơn. Tố Hưũ đã từng có bài thơ về em Phước " Thế là hết chiều ni em đi mãi...", tưởng chừng khi đổi đời thì không còn những người nghèo khổ, đói rách nữa...Nhưng than ôi, sự thật không phải là như vậy!



Từ: HuyenBT
29/11/2013 03:07:43

Em cũng chưa kịp yêu Sài gòn. Chưa biết nhiều về nó để ngấm vào lòng những trắc ẩn. Thế mà lạ, nghe 3Chai, em bắt đầu nghiêng ngó ngắm Sài gòn. Bắt đầu từ hồi nào đó, " Sài gòn có góc phố/ Hàng me đứng nghiêng đầu/ Sài gòn có góc phố/ Chiều mưa chờ bên nhau... rồi là những cảnh chợ đêm nhóm họp từ chiều, rồi là bài tự sự : nhà tôi ở cạnh tượng ông Gióng, trong nhà có ông bà, ba mẹ, và tôi...Giờ thêm tiếng mì gõ. Bây giờ em đã biết đó là đặc trưng của Sài gòn đêm. Có biết bao trắc ẩn trong đêm Sài gòn. Từng âm thanh của anh 3Chai , từng câu chữ của chị Thu làm đêm Sài gòn trở nên thao thức quá! Có nhà thơ ví "Đêm Sài gòn như một bản Rock-nghiêng". Vậy những nốt thao thức tiếng rao đêm mì gõ sẽ là đoạn nào trong bản Rock ấy, 3Chai ơi?


Em ngại bóc tem, nhưng mà em phải viết ngay, vì bây giờ đang là đêm,



"Khi trong gia đình quây quần mái êm


Hãy lắng nghe em trên từng phố nhỏ


Nhiều người Thành phố chưa ngủ trong đêm".






<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s