KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 04 Tháng mười hai. 2013

CON CHÓ VÀ 14 CÂN MỲ SỢI




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                     CON CHÓ VÀ 14 CÂN MỲ SỢI 

                          Kỷ niệm này, chị em tôi nhớ chẳng thể nào quên được 

Hà nội tháng Năm, nóng nhoai người. 
Sáng ấy có một người đàn ông tay dắt con chó vào phố tôi. Ông dừng lại ở mấy căn đầu dãy, hỏi bán chó. Nhà nào cũng lắc nguây nguẩy. Người còn chẳng có mà ăn, lại còn đèo bòng nuôi chó nữa. 
Vừa lúc ấy thím Lệ đạp xe về tới cửa. 
- Bác Đậu ! Bác đi đâu thế này ? 
- Ơ, thím Lệ. Tôi vừa lên. Mang bán con chó thím ạ. 
- Sao bác không ra chợ Âm Phủ mà rao. 
- Tôi mới ở ngoài chợ. Hàng thịt chó chê nó gầy. Giả rẻ như bèo. Đến người còn gầy giơ ra đây này, nói gì đến chó. Mà tôi cũng chỉ muốn bán cho chủ mới để người ta nuôi nó thím ạ. Giết thịt nó, nghĩ cứ thương thương là. 
- Mẹ, mẹ ! Mẹ ơi mua nó đi, để nhà mình nuôi. 
Cái Thùy con gái thím Lệ xen vào năn nỉ. 
- Im nào con, cho người lớn nói chuyện. 
Thím Lệ gắt con gái rồi quay sang ngắm con chó. Nó trường người đấy, nhưng phải cái gầy quá. Mua về phải vỗ đến cả tháng chắc mới vực được lên. Thím cũng nghĩ đến có con chó cho đỡ hãi bọn trộm, nhà vốn đã thiếu vắng đàn ông. 
- Thế bác đòi bao nhiêu ? Thím Lệ sực tỉnh, quay sang bác Đậu. 
- Thím không phải trả tiền, cứ đưa tôi ít gạo, không thì mỳ sợi cũng được. 
- Để em xem đã nhé. Gạo thì sắp hết, nhưng mỳ sợi thì em còn. 

Gương mặt người đàn ông đã rạng lên, một chút hân hoan thoáng trên khóe mắt. 
Thím Lệ lôi ra một cái cân cà khổ, móc túi mỳ sợi lên cân. 
- Vừa tròn 14 cân bác ạ. 
- Vâng, bấy nhiêu cho tôi cũng được. Mấy đứa trẻ ăn tạm trong tháng. Cái thằng lớn nó học ôn thi, bồi dưỡng cho cháu thím ạ. Chịu khó đi bắt cua về nấu canh mỳ, chả ngon quá a ! 
Thím Lệ buộc chặt miệng túi mỳ sợi rồi giao vào tay bác Đậu: 
- Nặng thì chả nặng, nhưng cái bao mỳ trông nó phồng phềnh. 
- Tôi vác được, ăn thua gì. 

Thế là cuộc mua bán, đổi chác kết thúc thật chóng vánh. Bác Đậu đã quay ra cửa, nhưng chân bác không bước được. Bác ngoái lại nhìn con chó - con Vàng nhà bác. Cu cậu ngồi rũ ra, mắt buồn lắm, như muốn khóc. Nó muốn về với bác, mà biết thân rằng sẽ phải ở lại với chủ mới. Chắc nó bị đói đã lâu. Bụng nó óp lại, thấy cả hai hàng xương sườn. Con Vàng có cái mặt ngắn, cái mõm xinh đáo để. Con chó này vào nhà khá giả, ăn uống đầy đặn, đẹp phải biết. Cái màu lông như mơ chín của nó và nhất là đôi mắt như biết nói, khiến bọn cái Thùy và đám trẻ cứ thích mê đi, quây quanh nó ngắm say sưa. Làm như chưa bao giờ thấy một con chó không bằng. 

Bác Đậu ngần ngại giây lát, rồi kể lể: 
- Nó thì hiền, ăn gì cũng được. Những lúc túng thiếu, nó cũng nhịn như cả nhà. Nhưng thử có người léo xéo ngoài ngõ xem, nó cứ là sủa cho tan nát cả rào, cả dậu. Kẻ gian, đứa lận phải khiếp mà biến ngay. 
- Vâng. Bác về nhé, chả có nắng. Thím Lệ tiễn bác ra cửa. 



 

Chiều hôm ấy con Vàng được nhốt vào cái chuồng gà cũ, rộng rãi lắm. Cái dây thòng lọng chui qua ống tre vẫn tròng trên cổ. 
Cái Hoài, con gái nhỏ của thím Lệ bưng lại cho con Vàng một ít cơm trộn với nước canh. Vàng chẳng ngước nhìn. Nó chưa kịp hoàn hồn trong một không gian mới lạ. 
- Cho nó một miếng thịt ! 
Thùy bảo em. Nhưng Vàng cũng không đoái hoài, không hít ngửi lấy một lần. Nó chẳng thiết cơm thị thành. 
- Chắc nó khát. 
Thím Lệ bảo bọn nhỏ. 
Thùy mang lại bát nước. Con Vàng vục vào uống một hơi. 
Suốt cả ngày hôm sau, con Vàng vẫn không động đến cơm. 
- Chắc nó nhớ nhà, mẹ ạ. 
Cái Thùy thương Vàng quá. 
Ngày hôm sau nữa, nhà thím Lệ có việc. Từ Nam Định, các em thím kéo lên đông lắm. Năm nay bốc mộ cho bà ngoại cái Thùy. 
- Úi dào, cái ngữ chê cơm thế này là ốm rồi chị Lệ ơi ! 
- Mà nuôi chó, thì chị phải thả nó ra chứ. Giống này nó phải được tự do, chị Lệ ơi. 
Cậu lớn của cái Thùy ghé sát xuống con Vàng, rồi phán: 
- Vài hôm nữa mà nó vẫn không ăn, thì có mà chỉ còn da bọc xương. Bây giờ thịt, thì còn ăn được, chứ để tuần nữa, khéo chả ai đụng đũa. 
Cứ thế, tiếng ra tiếng vào, khiến thím Lệ bấn cả lên. 
- Thế các cậu có biết làm thịt chó không? 
- Làm ngon. Có gì mà sợ. 
Các cậu em thím đồng thanh. Họ quyết trưa mai sẽ làm thịt con Vàng. Đám bốc mộ xong việc là vào bữa. 

Sáng hôm sau, vừa đợi bà nội tôi mở cửa, cái Thùy đã réo lên inh ỏi : 
- Yến, Yến ơi ! Con vàng sắp bị làm thịt rồi ! 
- Làm thịt con Vàng ? Em tôi ríu cả lưỡi lại hỏi bạn. 
Đám trẻ vây kín trong sân. Bây giờ con Vàng bị trói hai chân trước vào với nhau, hai chân sau vào với nhau. Cái thòng lọng lồng trong ống tre vẫn xiết trên cổ nó. Cánh thanh niên lôi con Vàng ra, cột nó vào gốc cây hồng bì. Họ hò nhau đưa cái búa tạ ra đây. Trẻ con nghe thấy sợ khiếp hồn, chạy cả xuống buồng dưới. Ở đây bốn đứa trẻ quỳ trên cái phản cũ, qua chấn song cửa sổ, nhìn con Vàng lần cuối cùng. 

Búa thứ nhất vừa giáng xuống, con Vàng chu lên ăng ẳng, giãy giụa thật lực. Nó vận động hết chỗ sức đã tàn trong nguồn sinh lực để phản kháng. Đến búa thứ hai, Vàng ngoẹo đầu sang một bên, rên ư ử, mắt ngước lên nhìn như cầu cứu với hai hàng lệ chứa chan. 
- Nó khóc. Nó khóc thật, mẹ ơi ! 
Con Hoài sợ quá, thét lên lạc cả giọng. 
- Ai cho chúng mày xem. Ra hết cả ngoài phố mà chơi. 
Thím Lệ mắng át lũ con. 
Bốn đôi mắt của bọn trẻ sau song cửa cụp xuống, quặn lòng nhìn đôi mắt đẫm nước của con Vàng ngoài sân. 
Người ta bồi thêm một búa nữa. Con Vàng đờ ra. Nó chết rồi ! 
Chiều hôm ấy nhà thím Lệ ăn ba mâm. Cả gian trên, gian dưới , nườm nượp những người... 

Hai hôm sau, giữa trưa, ông Đậu quay lại nhà thím Lệ. 
Thím biết ông từ dăm năm nay. Ông Đậu vẫn có cái xe thồ bán chuối, bán hồng trước cửa cơ quan thím. Mọi người thích mua hàng của ông, vì ông ít nói thách. Sau đấy bẵng đi một dạo, chả thấy ông đâu. Nghe nói từ ngày vợ ông ốm liệt giường, một tay ông chăm vợ, lại nuôi ba thằng con trai, việc nhà ngập tận mắt, chẳng đi chợ được nữa... 

- Bác lên có việc gì đấy, mà đi giữa trưa nắng thế cho khổ ? 
Thím Lệ tay mở cửa, miệng đã hỏi. 
Ông Đậu bước vào, nhễ nhại những mồ hôi. 
- Thím ạ, tôi mang được bao mỳ sợi về, tưởng bọn trẻ nó mừng vì có cái để ăn. Ai dè, đứa thì khóc thút thít vì tiếc, vì nhớ con Vàng, đứa thì dằn dỗi với tôi : - Sao thầy tự ý mang con Vàng đi đổi lấy mỳ sợi, thầy chả hỏi con lấy một nhời... Chúng nó không động đến một sợi mỳ tôi nấu. Tôi cực quá thím ơi ! Tôi thật không phải với thím, chứ lên đây để chuộc lại con Vàng cho các cháu nó đỡ tủi, tôi biết thế nào thím cũng bảo tôi là dở quẻ. 
Miệng ông kể lể, nhưng mắt ông vẫn hướng xuống gian nhà dưới, ý chừng tìm con Vàng của ông. 
- Bác Đậu, thế này là thế nào. Bác đã đồng ý với em, đã ngã ngũ vụ bán con Vàng hôm ấy. Em còn hỏi đi hỏi lại bác, trả bác như vậy có phải giá không... 
- Thím ạ, cái việc hôm trước mua bán đã xong, tôi chả có ý trách gì. Có cái mình quyết đoán nhanh quá, chỉ vì nghĩ tới miếng ăn cho lũ trẻ. Trong đầu tôi, bán được con Vàng, còn là bớt đi một miệng ăn thím ạ. Có ngờ đâu rằng, chúng nó yêu thương, quấn quýt, gắn bó như keo sơn với con Vàng qúa đỗi. Thế mà cái tình ấy tôi nỡ coi thường, để đổi con Vàng lấy hơn chục cân mỳ sợi. 
Ông Đậu mếu máo khiến thím Lệ rầu cả ruột. 
- Thôi thì bây giờ thím lấy bao nhiêu, tôi cũng xin hoàn, chỉ mong chuộc lại được con Vàng về cho lũ trẻ. 
- Bác Đậu, em kể bác nghe. Con Vàng ốm suốt, cứ buồn rũ ra, cơm không động một miếng. Vài hôm sau vẫn thế, nhà em các cậu ở dưới quê lên quyết ngay để làm thịt nó. 
- Con Vàng bị giết thịt rồi hả thím ?! Thế có khốn khổ thân tôi không. Tại tôi mà các con tôi mất con Vàng, thím ơi ! 
Ông Đậu khóc nấc lên thành tiếng. Thím Lệ bưng lại một cốc nước, an ủi ông đôi điều. Mắt thím cũng đỏ hoe ... 



 

Tôi nhớ lại trong một tiết Văn, thầy tôi đã đọc đoạn văn phụ chương, cảnh chị Dậu mang gán đàn chó cho nhà nghị Quế, bọn con gái lớp tôi, đứa nào cũng khóc. 

Cologne 03.12.2013
 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 04-12-2013 02:02






Xem 11 - 20 của tổng số 25 Comments



Từ: Guest BM
08/12/2013 17:28:59

Câu chuyện thật buồn! Những con cún đều là bạn của con người. Chỉ có điều, thời đói khổ con người đã khổ, cún còn khổ hơn!



Từ: CucNT
06/12/2013 19:07:31

Bài viết xúc động và buồn quá  chị Thu ơi! Nhà em nuôi chó, mấy đứa  con em đi về câu đầu tiên là hỏi "Miky đâu? Bim đâu hả mẹ? Chúng  nó ăn chưa?" Về lòng trung thành của con chó thì khỏi nói, có lẽ không có loài động vật nào sánh bằng.


Cảm ơn ACE đã kể thêm những chuyện xúc động về chó. Em ước sao có 1 điều luật cấm ăn thịt chó để đừng có ai phải bắt chó chết chỉ vì miếng ăn của mình.



Từ: Guest Kim Thu
06/12/2013 10:53:39

@Ôi, anh Thông, anh có nhiều tích hay thế. Bọn em vẫn đợi những truyện ngắn của anh đấy. 



Từ: ThongNV
06/12/2013 09:36:20

BaLX: Hồi ở chiến trường Quảng Đà, mình có biết chú Ba Phước và chú chó vàng của ông trong những lần tháp tùng Sếp sang làm việc với Bí thư đặc khu ủy. Các anh đặc vụ kể nhiều  về chú chó này, nhưng việc nó dùng đuôi để câu cá thì do anh Thoại (hay Toại) trinh sát đặc khu bịa ra cho ly kỳ. Chú vàng là một chú chó săn thuần chủng, có khả năng bắt cá suổi giỏi như loài gấu. Nhà văn Dương Đức Quảng nghe kể lại nên nhầm.



Từ: 3Chai
05/12/2013 18:16:28

Mèo coi người, cũng như cái bàn, cái ghế... như một bộ phận của lãnh thổ mà nó cai quản.  


Chó thì coi người như lãnh tụ đầu đàn mà nó có bổn phận suốt đời trung thành.



Từ: HanhLM
05/12/2013 12:28:24

Một câu chuyện buồn quá, chị Thu ơi! Em đọc mà rùng mình, thương xót cho số phận của con Vàng, xúc động trước tình cảm của lũ trẻ nghèo.



Từ: BaLX
05/12/2013 11:43:36

Câu chuyện thật xúc động về con chó vàng với người chủ của nó. Cũng là chuyện về con chó vàng với Ông bố chồng chị từ thời kỳ chống Mỹ. Nó được ông hết lòng thương yêu chăm sóc, ngày nào cũng dành phần cơm nhỏ cho nó. Trong một chuyến đi công tác, mọi người đã không muốn mang theo con chó vì sợ nó sủa dễ bị lộ, nhưng nó vẫn lẽo đẽo đi theo sau đoàn cán bộ. Đang đi theo sau mọi người, đột nhiên nó vượt lên trước và hứng chịu toàn bộ tiếng nổ xé trời của quả bom nằm sâu dưới đất để cứu đoàn cán bộ thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Vậy có phải con chó đã dự báo trước được sự nguy hiểm đối với chủ của nó không? Các bạn có thể tìm đọc câu chuyện có tựa đề " Chú chó vàng và Ông Bí thư tỉnh Ủy " trên Google.  



Từ: Guest Kim Thu
05/12/2013 10:44:13


@Liên ơi, chị thích tấm hình mẹ con chú John này quá. Đã sửa lại hình và lưu trong máy. Em có một đàn chó cực kỳ.



Từ: LienTP
05/12/2013 10:00:19

Câu chuyện thật cảm động về lòng nhân ái.Cảm ơn chị Thu


 nhà em, bọn trẻ rất yêu quý chó mèo, đặc biệt là cậu con trai. Đến bây giờ, lấy vợ, ở riêng rồi nhưng mỗi lần về nhà con chó vẫn nhớ và chạy xuống đón từ khi chưa có tiếng mở cửa. Con Jôn nhà em đẻ 7 chú cho con ngay dưới gầm giường cô con gái vào đúng ngày cháu thi đại học. Sau khi thi đỗ cả hai trường, Phương bảo là Jôn đã đem lại sự may mắn cho cháu. Tám năm đã trôi qua nay Jôn đã già, lại bệnh tật, nhưng các cháu nhất định không chịu rời xa chú chó yêu quý đấy.



Con Jôn cùng bầy con năm 2005



Từ: TungDX
04/12/2013 17:32:28

 


Quê tôi nổi tiếng về món thịt chó "Thịt chó Vân đình". Tuy thế các con tôi đã hai lần không cho chôn con chó bị ốm chết và một lần không cho bán chó; Tôi phải viện thuyết luân hồi để chúng vui lòng tiễn chó của mình sang kiếp người mới.


Bây giờ có giỗ, khi thịt chó trẻ cũng không thấy lảng vảng xem.


Thời SV ở LX tôi lại đoc được một câu truyện rằng cho mèo lên máy bay đi mấy trăm cây số, mà mèo vẫn về được, người ta cho là mèo định hướng bằng mắt.


Còn câu hỏi của @ThongNV tôi đã có ý trả lời rằng: Chó coi mình là đầy tớ có nghĩa vụ phụng sự của người; Còn Mèo coi mình là kẻ mang ơn đến cho người và người phải chăm sóc Mèo.


Với trẻ con tôi lại lái câu chuyện thái độ của chó và mèo với chủ lat:


-Chó ăn đồ thừa, nằm đất, thức canh bảo vệ chủ, chủ về thì mừng


-Mèo ăn ngon, nằm đệm ấm, lãnh đạm với chủ, không những thế còn hay kêu ca chê chủ là Nghèo, nghèo, nghèo...


 


 


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s