KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 14 Tháng chín. 2010

Về một NguoiKGU đã đi xa: Dương Thị Định - Luật KGU 1982




Tác giả: MaiND

 Định là người thứ 2 từ trái sang (ảnh năm 1979)

 

Thoắt cái đã mấy chục năm qua đi cái thời sinh viên mộng mơ, vô tư hồn nhiên ở KGU ngày ấy. Giật mình khi nhận ra phần lớn các thế hệ NguoiKGU đã bước sang nửa dốc bên kia của cuộc đời và quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp... Chúng ta tự hào vì những NguoiKGU công thành danh toại, nhiều người hoàn thành nhiệm vụ đã được nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu,... Và cũng không ít người NguoiKGU thuộc các thế hệ khác nhau đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng. Tuy biết đó là quy luật tự nhiên - "Sinh - Lão - Bệnh - Tử", là số phận con người, dù vậy sự đi xa của bất kỳ NguoiKGU nào đều để lại cho những NguoiKGU ở lại bao nỗi xót xa, niềm nhớ nhung, tiếc thương vô hạn... Để tưởng nhớ về những NguoiKGU đã khuất, tôi viết đôi dòng này về một NguoiKGU đã ra đi cách đây 5 năm: Dương Thị Định - Luật 1982 . Ngoài tình cảm của một NguoiKGU, LuatKGU, tôi còn là chồng của người quá cố nên viết hơi dài, mong anh chị em NguoiKGU thông cảm.

  MaiND

 

 So với các khoa khác (Toán, Lý, Hoá, Sinh), LuatKGU là Khoa đàn em của KGU do sinh sau đẻ muộn: năm 1975 mới bắt đầu có Lưu học sinh Việt Nam Luật năm thứ nhất. Tuy nhiên, về tuổi đời bình quân của sinh viên, thì LuatKGU lại là Khoa "già" nhất vì tuyệt đại đa số sinh viên Luật (từ 1976 trở đi) là bộ đội, TNXP chuyển ngành đi học (Luật 1981: 16/19 người; Luật 1982: 6/6; Luật 1983; Luật 1984;...). Người cao tuổi nhất của LuậtKGU là anh Nguyễn Thân (Luật 1981) sinh 1944, còn lại đa số là "đầu 4 đít vô tận" hoặc "đầu 5 đít 1, 2, 3" của Thế kỷ 20.

Ngoài cái chung nêu trên của LuatKGU, Luật 1982 còn thêm nhiều cái nhất: 100% đều là bộ đội chuyển ngành; có tuổi đời sinh viên bình quân già nhất và tính đến thời điểm này, 100% các cựu SV Luật 1982 đều đã nghỉ công tác (04 nghỉ hưu và 02 đã về cõi Vĩnh Hằng):

Phạm Duy Ngữ sinh 1945 (nghỉ hưu năm 2006);

Dương Văn Long sinh 1948 (nghỉ hưu 1997);

Nguyễn Thị Thê sinh 1952 (nghỉ hưu 2008);

Đặng Kim Chi sinh 1954 (nghỉ hưu 2009);

Nguyễn Đình Anh sinh 1949 (mất khoảng năm 2000);

Dương Thị Định sinh 1954 (mất 2005).

Tuy nhiên, về danh nghĩa Luật 1982 còn Đoàn Ngọc Xuân sinh 1953 (thuộc Luật 1981 ở lại) cũng là bộ đội đội chuyển ngành, đang công tác tại Toà phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh.

***

Trong lớp Luật 1982, Dương Thị Định và Đặng Kim Chi là trẻ nhất - cùng sinh năm 1954 (nhưng thực tế Định sinh năm 1953 - Quý Tỵ) ở xã Khánh Thuỷ, Yên Khánh, Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Định nhập ngũ tháng 02/1972 và được điều về Quân y viện 5 Quân khu 3 (Ninh Bình) làm nhân viên vật lý trị liệu điều dưỡng cho thương, bệnh binh từ chiến trường Miền Nam ra. Đầu năm 1975, Định được đi ôn văn hoá và thi đỗ Đại học tại Trường Văn hoá Quân khu 3 (Chi Lê, Hoà Bình), sau đó về học tiếng Nga tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội từ tháng 09/1975. Tháng 8/1976 Định sang học dự bị tại KGU.

***

Tôi sinh năm 1952 (tuổi Nhâm Thìn) , còn theo lý lịch là sinh năm 1953. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và thi trượt Đại học, tháng 12/1970 tôi bắt đầu cuộc đời "binh nghiệp". Năm 1974 tôi được đi ôn văn hoá và thi đỗ Đại học tại Trường Văn hoá Bộ Quốc phòng (Lạng Sơn). Tháng 9/1974 tôi về học tiếng Nga tại C196 - Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS) và tháng 7/1975 được phân đi học Luật theo đường Bộ Đại học và về học dự bị và sau đó là học Luật tại KGU. Lần đầu tiên tôi gặp Định ở Mônđavia là dịp hè 1976 khi tôi cùng một số anh chị năm trên của KGU ra đón các "em" dự bị từ Việt Nam sang tại ga xe lửa Kisinhốp.

Thời gian đầu qua tiếp xúc, tôi cảm nhận thấy Định là một cô gái hiền lành, chất phác, phúc hậu đúng với bản chất của "người nhà quê", là người sống nội tâm và đặc biệt là rất cần cù, nghiêm túc trong học tập. Tuy không phải là SV xuất sắc nhưng về kết quả học tập hàng năm, Định luôn là người đứng đầu trong lớp Luật 1982. Từ năm 1976 đến giữa năm 1978, quan hệ giữa chúng tôi chưa có gì đặc biệt mà chỉ dừng lại ở quan hệ bạn bè cùng khoa, năm trên - năm dưới,... Dần dần chúng tôi nhận thấy ở nhau nhiều điểm đồng cảm và từ đó thường lấy lý do này, cớ khác để gặp nhau chuyện trò, tâm sự. Khi đó tôi đã 26 tuổi và Định 25 tuổi, đã qua cái tuổi mộng mơ, đủ chín chắn để quyết định những vấn đề hệ trọng của tương lai, vì vậy, chúng tôi không mất quá nhiều thời gian cho giai đoạn "cưa". Cuối tháng 10/1978, sau khi sang Bungaria thăm bạn bè trở về, tôi đã chính thức ngỏ lời cầu hôn với Định. Mối quan hệ của chúng tôi được nhiều người quan tâm với những lời cả bàn ra và tán vào nên gây nhiều áp lực đối với Định.

Tuy nhiên, khoảng 02 tháng sau, đúng ngày thành lập Quân đội (22/12/1978), Định chính thức chấp nhận lời cầu hôn hôn của tôi và từ thời điểm đó chúng tôi chính thức trở thành một trong nhiều cặp "uyên ương" của NguoiKGU ở Кишинёв. Cũng như bao đôi tình nhân khác, ngoài chuyện học hành, mua sắm,... tôi và Định đã bàn nhau về mọi chuyện của tương lai: Đặt tên cho các con; về công tác sau khi tốt nghiệp, cuộc sống gia đình,... Tình yêu của chúng tôi xuất phát từ tình cảm chân thành, sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, sự đồng cảm về nhiều vấn đề (đều "người nhà quê", đều đã qua đời lính, hoàn cảnh gia đình,... và một yếu tố quan trọng khác là phù hợp với tiêu chí: "Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một" mà cha ông đã dạy). Vì vậy, có thể nói đó là tình yêu chân chính, bền vững. Lúc đó, cũng như sau này về nước, chung sống với nhau, tôi và Định vẫn khẳng định và tin vào điều đó...

Thời gian trôi thật nhanh, ngày tạm xa nhau rồi cũng đến, đầu tháng 7/1981 chúng tôi tốt nghiệp và lên tàu đi Mátxcơva để bay về nước. Định bỏ cả chuyến tham quan Lêningrat để lên Mátxcơva tiễn tôi. Tại sân bay, cuộc chia tay thật nặng nề (rất may là tôi kìm lòng được nên không bật khóc, còn Định và các chị em khác (cùng đi tiễn người yêu) thì khóc như mưa), một phần tôi phải xa Định, nhưng phần khác là không biết khi nào mình mới có thể quay trở lại Молдова, nơi mà chúng tôi đã sống, đã gắn bó suốt 06 năm sinh viên... Tạm biệt Кишинёв, Молдова, tạm biệt Liên bang Xô Viết.

***

Tôi về nước và nhận công tác tại Toà án quân sự Trung ương. Thời gian chờ đợi 1 năm quả thực quá dài đối với cả hai chúng tôi nhưng cũng là cơ hội thử thách tình yêu, để chúng tôi hiểu và yêu thương nhau hơn. Rồi một năm cũng trôi qua, tháng 7/1982, Định về nước. Tháng 10/1982 chúng tôi tổ chức đám cưới ở quê theo nghi thức "nhà quê" gọn gàng, đơn giản (không pháo, không áo dài, không có phù dâu, phù rể và chụp ảnh,...). Sau tuần "trăng mật" ở quê, chúng tôi trở về Hà Nội. Tôi vẫn công tác tại Toà án quân sự Trung ương, còn Định chờ phân công tác... Tháng 3/1983, do không có nhà ở nên Định phải nhận quyết định về làm giảng viên của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (đóng tại xã Dương Nội, Hà Đông). Chúng tôi được Nhà trường phân 1/2 gian nhà tập thể với DT 08 m2 (tiêu chuẩn của một mình vợ tôi, còn tôi không được tính) và tại đây vợ chồng tôi bắt đầu cuộc sống gia đình thời bao cấp với bao khổ cực, vất vả, gian nan,... mà mỗi NgươiKGU chúng ta dù ít hay nhiều đều đã được hưởng thụ. Trường Cao đẳng kiểm sát cách cơ quan tôi (Phố Lý Nam Đế) 15km và hàng ngày tôi đạp xe đi làm lúc 06h00 sáng và trở về nhà khoảng 18h00 tối.

Thời bao cấp buộc chúng ta phải chấp nhận, chịu đựng và rồi cũng thành quen với những điều kiện, tiện nghi sinh hoạt tối thiểu đủ để tồn tại. Tuy nhiên, không vì vậy mà hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng, các con của chúng tôi lần lượt chào đời: Ngày 23/6/1983 chúng tôi chào đón con trai đầu lòng và đặt tên là Hồng Phú (Phú Thọ - quê tôi) và 18 tháng 20 ngày sau - ngày 12/01/1985, chúng tôi lại sinh cô con gái thứ hai (do vỡ kế hoạch) và đặt tên là Vân Hà (Hà Nam Ninh - quê của vợ tôi khi chưa tách tỉnh). Gia đình chúng tôi lúc đó đã đủ 04 thành viên và sống bình thường (như bao gia đình khác) trong 08m2 (1/2 gian nhà cấp 4) hơn 06 năm trời.

Tháng 9/1989 tôi được Bộ Quốc phòng phân nhà ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội. Có thể nói đây là một bước ngoặt, một sự đổi đời thật sự của chúng tôi và cũng là ước mơ của bao người trong thời bao cấp. Từ 1/2 gian nhà cấp 4 với 08m2 ở nơi "đỉa ho, cò gáy" nay chúng tôi đã có hẳn một căn hộ khép kín (ở tầng 3 nhà lắp ghép) với diện tích khoảng 40m2 (2 phòng 28m2 và 12m2 ban công, công trình phụ) ở nội thành Hà Nội. Thời điểm ấy căn hộ chung cư có giá hơn nhiều lần so với cả 100m2 đất, khi đó có ai dám nhận đất đâu (vì lấy đâu ra tiền mà làm nhà). Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên cái cảm giác vô cùng hạnh phúc của mỗi thành viên gia đình chúng tôi ngày ấy - gần như là một giấc mơ "trên chín tầng mây". Người thân, bạn bè và tất cả mọi người đều chúc mừng chúng tôi nhân sự kiện này. Và hạnh phúc đó đã được nhân lên nhiều lần vì đúng dịp đó con trai đầu lòng của chúng tôi bước vào học "năm thứ 1 Đại học chữ to" và con gái cũng vào "dự bị Đại học chữ to"... Chúng tôi ở chung cư này đúng 12 năm (từ khi con trai vào lớp 1 (1989) đến khi cháu vào Đại học (2001).

***

Đất nước đổi mới, từ năm 1992, ngoài công việc nhà nước, tôi và Định cùng đi dạy thêm cho các lớp ĐH luật tại chức mở khắp từ Bắc chí Nam. Vì vậy, cũng như mọi người, cuộc sống gia đình tôi từng bước được cải thiện và có tích luỹ. Năm 1998, chúng tôi vay mượn thêm bạn bè và mua được được mảnh đất ở Thị trấn Cầu Diễn. Năm 1999, Định bị U ngực và phải tiến hành tiểu phẫu để bóc tách và Quân y viện 103 kết luận rằng bệnh tình của vợ tôi không có gì nghiêm trọng. Năm 2001, sau khi con trai đầu vào học năm thứ 1 ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi bán căn hộ chung cư, vay mượn thêm xây nhà ở Thị trấn Cầu Diễn và chuyển về nhà mới kịp đón Tết năm 2002. Tưởng rằng vợ tôi đã "tai qua nạn khỏi" và chúng tôi sẽ sống hạnh phúc bên nhau trong căn nhà riêng 3,5 tầng khang trang, hai con đều vào đại học..., thì đùng một cái cuối tháng Giêng năm đó, bệnh ung thư của Định tái phát ở "độ bốn" - mức cực kỳ nghiêm trọng và phải phẫu thuật gấp mới có hy vọng sống.

Sau một tuần đấu tranh tư tưởng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế, người thân, bạn bè,..., chúng tôi quyết định phẫu thuật cho Định mặc dù hy vọng thành công chỉ là 50/50. Ngày 08/3/2002 Bệnh viện K đã thuật phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực phải và bóc tách 22 hạch ung thư đã chạy lung tung khắp cơ thể Định. Lúc đầu vợ chồng tôi định giấu không cho con gái biết về tình trạng sức khoẻ của Định vì lúc đó cháu đang trọ ở nhà một người quen gần Trường Kim Liêm để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH. Sau khi mẹ cháu phẫu thuật thành công, chúng tôi mới dám cho cháu biết. Theo đề nghị của gia đình, Bệnh viện K đã thực hiện một phác đồ điều trị tối ưu nhất cho Định. Sau một thời gian điều trị tích cực cộng với nghị lực, sự rèn luyện phi thường của Định để giành lấy cuộc sống từ Thần chết, bệnh tình của vợ tôi đã ổn định. Hè 2002, con gái chúng tôi thi đỗ Học viện Tài chính và có lễ đây là một liều thuốc quý giúp cho sức khoẻ của Định nhanh chóng hồi phục, ngoài sự mong đợi và tưởng tượng của tất cả mọi người (sau này, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Định (là người quen của gia đình) đã nói cho biết trong gần 30 năm công tác ở Bệnh viện K, trường hợp bệnh tình như của Định phẫu thuật mà sống được chỉ chiếm tỷ lệ phần nghìn).

Thật may mắn và hạnh phúc cho tôi và các cháu khi số phận của vợ tôi nằm trong tỷ lệ cực kỳ hiếm hoi đó. Định vẫn tiếp tục điều trị ngoại trú: hàng tháng đến Bệnh viện K để kiểm tra sức khoẻ, uống thuốc theo phác đồ điều trị tích cực. Cuối năm 2002, sức khoẻ của Định đã hoàn toàn bình phục, béo khoẻ, ăn ngủ tốt và tiếp tục công tác giảng dạy bình thường. Tuy nhiên, Định vẫn điều trị ngoại trú và đặc biệt là miệt mài tập luyện "dịch kinh cân" ngày 3 lần, bất kể trời mưa hay nắng.

***

Tưởng rằng số phận đã mỉm cười với hạnh phúc gia đình tôi, nhưng định mệnh và số phận của mỗi người đều do Ông Trời sắp đặt. Năm 2005, vợ tôi đã sang tuổi "đại hạn - 53"... Trước Tết năm 2005, Định có biểu hiện đau mỏi các khớp xương, đặc biệt là cột sống. Đi khám và xét nghiệm (cả xạ xương ở Viện 108), các bệnh viện đều có chung chẩn đoán là do vôi hoá (loãng xương). Sau Tết 2005, Định vào Bệnh viện E (nơi đăng ký khám chữa bệnh theo bảo hiểm cho gần nhà) điều trị và kết hợp uống thuốc Nam theo hướng chẩn đoán này nhưng bệnh tình không thấy có gì tiến triển. Lờ mờ cảm nhận có điều gì bất ổn nên khoảng đầu tháng 2/2005, tôi quyết định đưa Định đi chụp cộng hưởng từ. Đọc đoạn kết luận kèm theo phim chụp: "... U đã di căn vào tất cả các xương, cột sống... và sẽ bị liệt toàn thân", tôi cảm thấy như trời sập xuống - Lưỡi hái của Tử Thần đã kề cổ vợ tôi - mẹ của các con tôi. Tôi cầm kết quả vừa đi ra ôtô (nơi Định đang ngồi đợi), vừa trấn tĩnh và dự định sẽ chưa thông báo cho Định biết vội. Lên xe tôi thông báo cho Định kết quả chụp không có gì nghiêm trọng. Vợ tôi không tin, giật lấy phim, mặt Định tái nhợt khi đọc kết luận chẩn đoán kèm theo và giọng đanh lại như ra lệnh: "Về nhà!". Mọi người trên ôtô đều lặng đi đưa Định về nhà rồi tôi đi làm thủ tục ra viện. Khoảng một tuần sau, Định không thể đi lại được phải nằm liệt giường suốt 06 tháng trời cho đến ngày ra đi.  Bắt  đầu giai đoạn bi đát nhất mà bố con tôi phải trải qua để giành giật sự sống cho vợ tôi và mẹ của các con tôi. Lúc này cháu Phú 22 tuổi (học năm thứ 4 ĐH Bách khoa) và cháu Hà 21 tuổi (học năm thứ 3 Học viện tài chính). Rất may mắn cô con gái của chúng tôi được mẹ sớm dạy cho công việc nội trợ, quán xuyến việc nhà từ khi mới 10 tuổi. Khi mẹ đi công tác vắng, cháu Hà hoàn toàn lo việc nội trợ gia đình: từ chợ búa, cơm nước, thu dọn nhà cửa,...  Từ ngày mẹ ốm, ngoài việc thay mẹ quán xuyến gia đình, lo nội trợ, cháu Hà vừa đi học, vừa chăm sóc mẹ. Mặc dù có người nhà giúp, nhưng chỉ khi có Hà ở nhà thì mẹ cháu và tôi mới cảm thấy yên tâm.

***

Mọi việc liên quan đến chữa trị cho vợ tôi, bố con đều thảo luận bình đẳng và quyết định theo đa số. Ba bố con thường xuyên hội nghị bàn tròn thảo luận về các phương án điều trị cho mẹ các cháu. Lúc này kinh tế gia đình đỡ khó khăn hơn và tôi muốn làm tất cả những gì có thể miễn là cứu được mẹ các cháu, để sau này các cháu không thể trách tôi vì thế này, thế nọ... mà mẹ chúng phải chết. Bố con tôi mua mật gấu, rồi Sừng tê giác mài cho Định uống, lúc đầu sức khoẻ của Định có vẻ khá hơn, nhưng khoảng tháng sau thì bệnh tình lại như cũ. Định gầy sọp đi, da vàng dính sát vào xương, suốt ngày nằm nhìn lên trần nhà, tuy không nói ra nhưng sự bi quan thể hiện rõ trên khuôn mặt. Con trai tôi mày mò trên mạng tìm được một giáo sư người Việt ở Úc chuyên nghiên cứu về các loại thuốc điều trị ung thư. Qua email, ông gửi catolo giới thiệu và khuyên dùng thử một loại thuốc đặc trị bệnh ung thư (theo ông đây là loại thuộc hiệu quả nhất mà ông biết nó được chiết xuất từ nấm Limh chi trồng ở vùng núi của Trung Quốc, sản xuất ở Thượng Hải và chỉ bán ở vài ba nơi trên Thế giới). Tôi nhờ một người quen công tác tại Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh mua giúp 04 hộp thuốc này và điều trị liền trong một tháng. Cũng như sừng tê giác, lúc đầu thuốc này cũng có tác dụng, nhưng sau đó bệnh tình của vợ tôi vẫn không thuyên giảm. Sau một thời gian dài suy nghĩ, linh cảm thấy bệnh tình khó qua khỏi, cuối tháng 05/2005, Định quyết định xin nghỉ hưu và nhận chế độ trợ cấp một lần (với thời gian công tác 33 năm 06 tháng, tổng cộng được hơn 42 triệu đồng). Tôi nhớ mãi ngày Bảo hiểm xã hội đến tận nhà giao sổ và số tiền trợ cấp này, vợ tôi không ký được, vừa điểm chỉ vào các giấy tờ vừa khóc nức nở...

Với tinh thần "còn nước, còn tát", bố con tôi lại bàn nhau, cùng tìm tòi trên mạng, sách báo và gặp một số người cũng đang điều trị bệnh này mong tìm được phương thuốc điều trị mới. Sau khi tham khảo lời khuyên của một người cũng bị ung thư đang điều trị, hỏi ý kiến của vợ tôi và hai bên nội ngoại, bố con tôi quyết định chuyển hướng điều trị bằng mật và tiết rắn Hổ Mang. Tôi sang Lệ Mật hợp đồng, cứ 3 ngày họ mang 01 con Hổ mang (trên dưới 01kg) sang mổ tại nhà lấy tiết và mật hoà nước dừa cho vợ tôi uống. Lúc đầu tiết và mật rắn có công hiệu cộng với hy vọng, nghị lực, quyết tâm giành lại sự sống, mặc dù vẫn nằm liệt nhưng sức khoẻ của Định có biểu hiện tiến triển khá hơn. Cả nhà mừng thầm, cầu mong đây là thần dược giúp vợ tôi tai qua, nạn khỏi. Chúng tôi tiếp tục điều trị cho Định theo phương thuốc này. Tuy nhiên, cũng như các lần trước, hơn 2 tháng sau, ngày 07/8/2005 (chủ nhật), sau khi uống mật và tiết con rắn thứ 18, sức khoẻ của Định đột ngột xấu đi và không ăn uống được.

Linh cảm, ngày ra đi của vợ tôi đang rất gần, tối đó tôi gọi hai con vào phòng riêng quán triệt về tình trạng của vợ tôi để chuẩn bị tư tưởng cho các cháu sẵn sàng đón nhận ngày ra đi của mẹ chúng một ngày không xa và bàn kế hoạch tổ chức lễ tang. Khi tôi vừa nêu kế hoạch dự kiến (mà trước đây vợ chồng tôi dự kiến sẽ tổ chức tang lễ tại Bệnh viện E, vợ tôi lo nếu làm ở nhà bố con tôi sẽ vất vả và có thể con gái chúng tôi sẽ bị ám ảnh), thì con gái tôi phản ứng ngay với thái độ dứt khoát: "Không đưa mẹ đi đâu cả, tổ chức tang lễ tại nhà". Bố con tôi quyết định làm đám ma cho Định tại nhà riêng và bàn chi tiết về kế hoạch này. Đúng như tôi linh cảm, hai ngày sau đó  vợ tôi đã trút hơi thở cuối cùng hồi 14h35 phút ngày 09/8/2005 (thứ ba), tức ngày 05 tháng Bảy năm Ất Dậu) ở tuổi 53... Bố con tôi, gia đình nội ngoại, hai cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp,... đã tổ chức đám tang tại nhà riêng và tiễn biệt Định về nơi an nghỉ tại nghĩa trang cách nhà 600 - 700m (thôn Đống, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) để tiện bề hương khói...

***

Sự ra đi của vợ tôi về cõi Vĩnh hằng để lại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp bao nỗi niềm xót xa, tiếc thương vô hạn. Đối với bố con tôi, đây là sự mất mát, một nỗi đau quá lớn không gì bù đắp được. Tôi là người cứng rắn và đã bao lần tận mắt chứng kiến, tiễn đưa những người thân của mình (ông bà, bố mẹ, anh em, họ hàng,...) và bạn bè ra đi, nhưng không có nỗi hẫng hụt, mất mát nào có thể sánh được với sự ra đi của người bạn đời, người vợ thân yêu - một NguoiKGU đã gắn bó với tôi gần 30 năm. Định ra đi về cõi Vĩnh Hằng nhưng đã để lại một thứ quý giá nhất đối với tôi đó là hai đứa con ngoan - KẾT QUẢ mối tình sâu nặng của chúng tôi: Cháu Phú học xong Thạc sĩ ở Hà Lan; cháu Hà lấy chồng năm 2008 đang công tác tại Viện KHXH-NV (lính của cô Hà - Dục "Kinh thế"). Cuối năm nay tôi lên chức bố chồng và ông ngoại.

Em đi xa đã hơn 5 năm, phải chăng ở cõi Vĩnh Hằng Em "sống khôn, chết thiêng" và luôn phù hộ cho bố con anh. Thời gian qua đi, nỗi mất mát, đau thương đã dần nguôi ngoai, nhưng bố con anh luôn nhớ tới Em - người vợ thân yêu và Mẹ của các con chúng ta... Anh viết những dòng này cũng là để vợi đi nỗi buồn nhớ Em; để bạn bè và mọi NguoiKGU cùng tưởng nhớ về Em - một NguoiKGU đã đi xa.

Cầu mong hương hồn Em ở nơi chín suối luôn thanh thản./.

Hà Nội ngày 14 tháng 9 năm 2010

 


Người post: MaiND

Ngày đăng: 14-09-2010 16:04






Xem 11 - 11 của tổng số 11 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HuyenBT
14/09/2010 18:08:55
Anh Mai oi,chang co loi chia se nao, loi an ui nao lam voi di noi dau cua anh duoc. Con mot cai de anh duoc hon nguoi doi, day la anh chi da co mot tinh yeu dep, nhung nam thang dep va y nghia khi cung nhau chung doi ban tay de gay dung,vun dap cho to am cua minh.Dieu do that la tran trong.Hay tin, chi ay van o ben anh va cac con. Chi ay van nhin thay tung ngay cuoc song cua anh va cac con.Chi ay van nang do anh va cac con moi khi gap nan...Chi ay van phu ho tung ngay, tung gio, de anh duoc khoe, duoc vui, duoc binh an,va cac con thi hieu thao va thanh dat.Cho em duoc xiet chat ban tay anh!



<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s