KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 13 Tháng mười hai. 2013

MẸ TÔI


Các bài viết liên quan:
- Mẹ tôi


Tác giả: CucNT

MẸ TÔI

 

 

Đã có nhiều cử tri chất vấn đại biểu Dương Trung Quốc: “Sao chưa xây tượng đài kỷ niệm 2 triệu người dân đã chết đói năm Ất Dậu 1945”. Dân số chỉ có 20 triệu người nhưng nạn đói năm đó đã cướp đi sinh  mạng 10% người dân Việt Nam, trong đó có hầu hết họ hàng hai bên nội ngoại của tôi.

Gia đình ông bà ngoại tôi ở Thạch Sơn, giáp bờ biển Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông bà tôi có 7 người con, 2 trai, 5 gái, sinh sống bằng nghề làm nông và đan lát ở vùng Thạch Sơn đầy gió cát.

 Hơn 2 triệu người đã chết vì đói. Cả nhà đói, cả dòng họ đói, cả làng cả xóm cùng đói. Người chết chất thành đống. Cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 ấy, người trẻ hôm nay sẽ không tưởng tượng nổi. Sau này khi xem những tấm ảnh Võ An Ninh chụp về nạn đói năm 1945, tôi không khỏi rùng mình kinh hoàng.

 

Giữa năm 1940, Pháp bị Đức chiếm và Nhật Bản gây sức ép với Pháp rồi năm sau tiến vào Đông Dương. Việt Nam bị cuốn vào nền kinh tế thời chiến, với việc Pháp và Nhật tranh giành quyền kiểm soát. Tiếp theo thực dân Pháp, Nhật Bản bắt dân Việt Nam trồng đay thay trồng lúa gạo để phục vụ chiến tranh, thu hẹp diện tích canh tác các hoa màu phụ như ngô, khoai, sắn, để trồng bông, đay, gai hay cây kỹ nghệ. Sản lượng lúa gạo và hoa màu quy ra thóc tại miền Bắc giảm xuống rất mạnh do diện tích canh tác bị thu hẹp. Cái đói đã lan ra khắp mọi thôn cùng ngõ hẻm của đất nước Việt Nam. Chết vì đói là cái chết đáng sợ nhất của bất cứ sinh vật nào. Cái chết đến từ từ, không ngừng giày xéo, đày đọa con người trong đau đớn, tủi nhục và sợ hãi.

Người chết nằm la liệt khắp nơi. Ông ngoại  tôi và 1 người cậu cứ nhường những củ khoai củ sắn cuối cùng cho con nên đã kiệt sức chết đói như bao người khác  trong làng. Có một  người trong làng định lấy mẹ tôi về làm vợ rồi cũng ra đi trong nạn đói nghiệt ngã đó.

Mẹ tôi lấy chồng về Thạch Thượng. Họ nội của tôi có nguồn gốc từ Thanh Hóa, ông cố nội 6 đời về trước của tôi cùng 2 em rời quê Thanh hóa vào Nghệ an kiếm sống. 2 anh lưu lại Trường Lộc, Can Lộc còn ông cố tôi đi về Thạch thượng, Thạch Hà làm thuê cho Địa chủ. Người địa chủ thấy cố tôi hiền lành chăm chỉ đã nhận làm con và ông tôi đổi từ họ Trần Đình sang họ Nguyễn, mang họ của cha nuôi. Gia tộc tôi mang họ Nguyễn từ đó. Khi mẹ tôi về làm dâu vào năm 1946, họ hàng bên nội của tôi cũng chỉ còn lại cha tôi, 1 người cô họ và 1 ông chú.

Cô tôi thấy một đứa trẻ đói lả nằm khóc bên xác mẹ thì mang về nuôi, đặt tên là Thỏa. Rồi cô tôi cũng chết đói, chị Thỏa sống với cha tôi và thành chị gái đầu của chúng tôi.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần một nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây người dân Việt nam được sống dưới chế độ dân chủ của mình.

Như bao người nông thôn lam lũ khác, cha mẹ tôi chăm chỉ làm việc đầy lùi cái đói, xây dựng gia đình. Cha mẹ tôi vẫn làm nông trên những thửa ruộng của ông Đạt (địa chủ) và đến mùa được chia thóc gạo như những người làm công khác. Đặc biệt ông Đạt thường ưu ái với cha mẹ tôi hơn vì ông cố tôi là con nuôi của ông nội ông Đạt. Chị Thỏa, anh Huy, chị Xin lớn lên trong sự đầm ấm của gia đình, các anh chị được đến trường học chữ, điều mà trước đấy 95 % dân số VN dưới ách đế quốc thực dân không bao giờ có được.

Năm 1954, cải cách ruộng đất được thực hiện ở làng tôi. Đội cải cách chọn ngay mẹ tôi làm người đi đấu tố vì theo lý lịch gia đình tôi mấy đời đều đi ở cho Địa chủ. Họ dặn mẹ tôi “Vạch trần được tội ác của địa chủ càng nhiều thì càng được nhận nhiều thóc”. Mẹ tôi ôm anh Lượng (Lúc đó mới 2 tuổi) ra giữa sân làng vừa khóc vừa quỳ xuống chắp 2 tay phía trước vái lấy vái để “Con lạy cán bộ, con không biết nói gì cả”. Chờ mãi rồi “cán bộ” cũng phải cho mẹ tôi xuống để người khác lên tố thay.  Mấy người bảo “Cô dại thế, cứ tố đại đi, sẽ được thóc”. Mẹ tôi không nói gì, lầm lũi đi về. Sau này mẹ bảo “Không có địa chủ thì cả nhà chết đói hết rồi, ơn đó chưa trả được, sao có thể đổ oan cho họ được”. Hơn 30 năm sau, anh Tố (cháu nội ông Đạt) đưa tôi về giới thiệu với gia đình, bố mẹ anh Tố mừng rỡ ôm lấy tôi “Cháu là con của bà Truyền à? Chỉ cần con của bà Truyền là được rồi, cháu không làm con dâu thì làm con gái của bố mẹ nhé!”.Tôi thành con gái của bố mẹ anh Tố từ đó. Ông bà rất thương tôi. Bao phen các con, cháu và bản thân tôi bị ốm đều chạy đến anh Tố và anh ấy đã nhiệt tình chăm sóc gia đình tôi như anh em một nhà. (Anh Tố bây giờ là Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 175, Gò vấp, Tp. HCM).

Cha mẹ tôi vào hợp tác xã, làm lụng vất vả nhưng cuộc sống yên bình, lần lượt thêm 5 chị em gái chúng tôi ra đời. Quê tôi nằm bên đường quốc lộ số 1, phía trên giáp với Thạch Thanh, Thạch Lưu, miền đất cao hơn, rồi xoai xoải xuống phía dưới giáp với Thạch Trung, Thạch Long. Con sông Cày như dãi lụa, vắt mình qua làng tôi, qua Thạch Trung, Thạch Kim nối làng tôi ra biển cả. Chiều chiều những người dân Thạch Kim, Thạch Bằng, theo con sông Cày chèo thuyền mang cá tươi từ biển lên đổi khoai, gạo.  Người dân quê tôi hiền lành chăm chỉ, quanh năm họ bám lấy ruộng đồng sản xuất lúa gạo để sinh sống và hổ trợ cho Miền nam nơi tuyến lửa đang gồng mình chiến đấu chống Đế quốc Mỹ xâm lươc. Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng được làm chủ ruộng nương mỗi người đều thấy tràn đầy tin yêu và hy vọng, những tiếng hò, câu hát vang lên khắp thôn cùng ngõ hẻm trong những đêm trăng, sau những ngày bội mùa  thu hoạch. Cuộc sống tưởng cứ bình yên như thế cho đến ngày nước nhà thống nhất thế nhưng ngày 5/08/1964 Giặc Mỹ leo thang ra bắn phá Miền bắc và ngày 12 tháng 4 năm 1966, giặc Mỹ  ném bom đèo Mụ Giạ, miền tây Quảng Bình. Tiếp theo là những đợt oanh kích liên tục của lũ pháo đài bay xuống khu vực Vĩnh Linh, cực nam Quân khu 4. Giặc Mỹ chủ trương “Biến Miền Bắc Việt nam trở về thời kỳ đồ đá” nên đã điên cuồng đem bom rải thảm xuống khắp Miền bắc và làng quê yêu dấu của tôi. Chị Thỏa đã lấy chồng về Thạch Đỉnh, anh Huy lên đường vào Nam chiến đấu, chị Xin đi học cao đẳng sư phạm.Tôi ra đời trong tiếng bom rền đạn rú vào một tối tháng 10/1966, bên chuồng bò, khi mẹ tôi đi cấy về vừa trút quang gánh xuống.

Cha mẹ tôi đi làm tối ngày, 6 anh em chúng tôi, lớn nhất là anh Lượng 13 tuổi nhỏ nhất là tôi, mới sinh, chị Hường 2 tuổi, Chị Lý  5 tuổi, Chị lan 7 tuổi, chị Quế 10 tuổi, đứa lớn  trông đứa bé cứ thế lớn lên. Ngày 6/1 /1967, khi tôi vừa được hơn  2 tháng tuổi, cha tôi qua đời sau 1 cơn tai biến, khởi đầu những tháng ngày đau thương, nuôi con trong muôn vàn cơ cực của mẹ tôi. Chị Xin bỏ học về để giữ em nhưng anh Lượng đã cương quyết dành phần hy sinh đó cho mình. Chị Xin trở lại trường Cao đẳng ở Thạch  Đài học tiếp. Anh Lượng bỏ sách vở bút nghiên thay cha gánh vác gia đình. Bom đạn gầm rú trên đầu nhưng chẳng thể suốt ngày ngồi dưới hầm trú ẩn. Ở nhà chăm em được vài tuần, anh Lượng đành để mấy đứa em ở nhà để làm lụng trên đồng ruộng, mẹ tôi quang gánh trên vai, gánh tôi và chị Hường lặn lội hết chợ Rú đến chợ Trổ bán những cái rổ, rá, mẹt sàng kiếm được ít đồng đong gạo. Bom đạn không chừa chỗ nào trên quê hương tôi, gánh con đi cũng sợ bom rơi nên mẹ tôi để tôi và chị Hường ở nhà. Tháng 3/1968, một quả bom rơi đã lấp luôn 4 chị em tôi cùng bà Căn hàng xóm dưới hầm. Khi chị Lan, Lý moi được đất đưa tôi và chị Hường lên khỏi mặt đất thì cũng là lúc bà Căn tắt thở. Nhà bên cạnh của bà Quỳnh lửa cháy ngùn ngụt, may mà mọi người kịp chạy thoát. Hốt hoảng vì sợ mấy  đứa con có thể chết cùng một lần vì bom, mẹ tôi đưa chị Lan 7 tuổi và chị Hường 2 tuổi về quê ngoại để cậu mợ tôi nuôi giúp. Được một tuần thì cậu tôi phải mang  trả cho mẹ tôi vì 2 đứa khóc ghê quá, không chịu ăn uống gì, nằng nặc đòi “Về với mẹ và em Côi”. Cứ một vài tuần, đào được ít khoai hay hái được ít rau, cậu tôi lại mang lên cho mẹ tôi nuôi cháu.

Làng tôi nằm giữa 2 cây cầu, cầu Nga và cầu Cày nên đã trở thành “chảo lửa túi bom “ khi giặc Mỹ điên cuồng mang bom đánh phá những cây cầu để cắt đường tiếp viện từ Bắc vào Nam. Những ngôi làng ven biển như Thạch Sơn, Kim, Đỉnh, Bằng Hạ cũng hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn. Máy bay Mỹ sau khi oanh tạc trên đất liền, trước lúc bay ra biển trở về nơi xuất kích, chúng trút tất cả những quả bom còn lại xuống những ngôi làng ven bờ biển. Không có gia đình nào trong làng Thạch Sơn quê ngoại của tôi không có thương vong.

 

Vào hồi 17giờ ngày 24/07/1968 một  loạt bom đã rơi trúng vào đội hình của 10 cô gái Ngã ba đồng lộc, 10 cô thanh niên xung phong  đã hy sinh. 10 phút sau đó, 2 quả bom còn lại đã được trút xuống làng Thạch Sơn yêu dấu của tôi. Khi đồng đội ở Ngã ba Đồng Lộc đang thét gọi “Cúc ơi! Thanh ơi!” vv  thì ở Thạch Sơn, họ hàng xóm giềng trong tiếng khóc xé lòng  đang đào  bới căn nhà hoang tàn đổ nát của bà ngoại  tôi để tìm thi thể đã không còn nguyên vẹn của cậu mợ tôi và 4 đứa con. 7 người đang ngồi ăn cơm, chỉ còn bà ngoại tôi sống sót nhờ chiếc cối đá che khuất. Bà ngoại tôi nằm liệt giường, các gì tôi, mỗi người ôm 4, 5 đứa con còn nhỏ dại khóc kêu thảm thiết “Mẹ ơi! Mẹ đừng chết, mẹ mà chết thì chúng con cũng chẳng sống làm gì nữa, chồng chúng con đi chiến đấu trong Miền Nam không biết còn sống hay đã chết, các cháu ngoại của bà còn thơ dại quá, mẹ ơi!”. Nỗi đau khôn thấu trời đất bủa vây gia đình tôi. Chôn cất cậu mợ và các cháu xong rồi, mẹ tôi phải đi về Thạch Thượng với đàn con nhỏ bé của mình. Chặng đường từ Thạch Sơn về Thạch Thượng 4Km nhưng dài hơn cả thế kỷ, mẹ tôi sấp ngữa đi về trong nỗi đau xé lòng vì mất gia đình anh vì nỗi lo con mình sẽ chết đói, chết bom và lo mẹ già không ai nuôi. Gia đình bác tôi (anh trai ông ngoại) đón bà về nuôi vì các gì tôi không thể kịp đưa bà ra hầm khi bom dội bởi đàn con của mình còn quá nhỏ. Bà tôi đau đớn xé lòng nhưng vẫn phải sống để làm điểm tựa tinh thần cho 5 đứa con gái và bầy cháu thơ dại của mình. Mẹ tôi vừa về tới nhà thì chị Lan khóc nức nở chạy về, tay cầm chiếc dây thừng bết máu “Mẹ ơi! Bom bỏ, bò chết mất xác rồi”. Chỉ có thể giải thích rằng số phận còn cho chị Lan sống sót trên đời này. Cậu tôi vừa mang chị Hường và chị Lan trả cho mẹ đúng 2 tuần thì bom rơi trúng nhà. Chị Lan đi chăn bò, cách nhau chỉ một đoạn dây thừng, bò chết mất xác mà chị Lan còn nguyên vẹn.


 CHỊ LAN BÂY GIỜ

 Không còn nước mắt để khóc thương người đã mất, không còn sức lực để nghĩ về những đau thương vừa xảy ra, không còn thời gian tĩnh tâm, cuộc sống vẫn trôi đi, mẹ vẫn phải đối diện với miếng ăn hàng ngày để nuôi chúng tôi dưới gầm trời giông bão.

Một buổi tối cuối năm 1968, trời mưa lạnh, có 1 người lính xiêu vẹo đi vào nhà tôi, anh đang bị sốt. Mẹ tôi ủ ấm cho anh, nấu cháo hành bón cho anh từng muỗng. Cả nhà tôi đang đói nheo nhóc nhưng anh Lượng bắt được con chim, con cá, mẹ tôi đều nấu cháo nhường cho anh ăn. Mấy ngày sau thì anh khỏe, anh kể anh người Vĩnh Phú, anh đi bộ đội và đóng quân ở huyện đội Thạch Đài, Thạch Hà. Anh xin được làm con nuôi của mẹ. Chúng tôi có thêm người anh trai, anh tên Hoàng Thân, họ Lê. Anh Thân và anh Lượng rất kết nhau. Anh Thân rất cảm kích khi anh Lượng hy sinh việc học của mình cho các em, anh cứ động viên, nhất định chúng ta sẽ thắng Mỹ, hòa bình rồi, anh em mình sẽ đi học tiếp em ạ. Đơn vị của anh Thân có nhiệm vụ huấn luyện tân binh, bổ sung cho chiến trường Miền nam. Cứ dăm tháng, anh Thân lại đưa lính vào chiến trường và khi quay về chạy đến nhà xem mẹ và các em còn nguyên vẹn không.

Cuộc tổng tấn công Mậu thân năm 1968 chưa đưa  lại chiến thắng cho nhân dân Việt nam nhưng đã buộc phía Mỹ ngồi vào bàn đàm phám Hiệp định Paris. Việc thương lượng đã diễn ra rất phức tạp. Ngày 25 tháng 8 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của Tổng thống Mỹ Nixon, nêu rõ: Muốn có hoà bình, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự.

Cả dân tộc đang hy vọng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ dành được hòa bình thì ngày 2/9/1969 Bác Hồ mất. Mẹ tôi ôm tôi lúc đó mới 3 tuổi cùng với nhân dân làng tôi khóc thảm thiết. Mẹ thấy nếu không có Bác lãnh đạo nhân dân dành chính quyền, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo thì tất cả họ hàng, người dân đã chết đói hết năm 1945, bây giờ Bác mất rồi, chiến tranh lúc nào mới kết thúc đây? Đớn đau và tuyệt vọng đè nặng gia đình tôi nhưng chúng tôi vẫn sống như cả dân tộc Việt nam đã kiên cường đứng dậy đấu tranh giành lấy hòa bình.

Ngày 24 tháng 3 năm 1972, Tổng thống Nixon tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Paris về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 8 tháng 5 năm 1972, chưa đầy một tuần sau phiên gặp riêng giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và Kissinger, Nixon tuyên bố tiến hành một bước leo thang mới mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc kể cả bằng lực lượng không quân chiến lược, thả mìn cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, lạch, trên vùng biển phong toả miền Bắc Việt Nam.

Làng quê tôi lại chìm trong lửa đạn. Một đơn vị pháo cao xạ được đặt tại làng tôi, những người lính còn trẻ từ khắp mọi vùng quê Miền Bắc sống chung cùng những người dân làng tôi cầm súng bắn máy bay Mỹ canh giữ bầu trời. Bom đạn như mưa trút xuống hàng ngày nhưng tất cả vẫn phải lên nương rẫy gieo lúa trồng khoai. Nắng, cái nắng như thiêu như đốt trút xuống lưng những người nông dân lam lũ nhưng không ai được đội nón, phải để đầu trần vì màu trắng của nón có thể là tiêu điểm để bọn lính Mỹ trên máy bay nhìn xuống mà thả bom. (Sau này khi ngồi trên máy bay tôi mới biết khi bay trên cao, màu trắng không phải là tiêu điểm). Tối đến, chúng tôi phải ăn cơm độn khoai trong bóng tối vì ánh đèn cũng là tín hiệu có mầm sống cho kẻ thù mang bom hủy diệt.

Một số cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống tại làng tôi cùng nhân dân sản xuất và chiến đấu. Nỗi nhớ quê hương gia đình đã làm các chú thẩn thờ nên thường ghé nhà tôi nhìn chúng tôi cho đỡ nhớ con. Có mấy chú xin chị Lan và chị Hường làm con nuôi, mấy người hàng xóm cứ khuyên mẹ cho bớt mấy đứa họ nuôi giúp chứ 1 mình mẹ thì chết đói mất nhưng mẹ tôi không cho. Thầy giáo Nguyễn Lê từ Miền Nam  khói lửa ra quê tôi làm công tác dạy học. Thầy đã viết bài thơ “Mẹ” bất diệt với thời gian:

“…Thấy áo con đẫm máu.

Đừng! Đừng khóc mẹ ơi!

Giặc   Mỹ nó nhằm con

Mà bắn vào tim mẹ,

Đừng khóc con mẹ nhé!

Khóc sao hả căm hờn”.

Mỗi khi có tiếng kẻng báo động, những người lính lại lao đến nhà dân, đưa hết mọi người xuống hầm rồi các anh ngồi ở miệng hầm che bom cho dân. Ngày nào trong làng tôi cũng có thương vong. Bộ đội hy sinh nhiều vô kể, trong làng có ông  Lư chuyên đi gom xác bộ đội tẩm liệm và cùng dân làng chôn cất. Thi hài ngày hôm nay chôn xuống, ngày hôm sau một loạt bom đạn lại cày xới, hất tung lên. Dân làng lại đi gom những mảnh hài cốt vương vãi chôn cất lại.  Căm thù ngùn ngụt bốc lên, thanh niên trong làng tha thiết xin đi bộ đội. Cấp trên bảo ở hậu phương cũng cần thanh niên để lao động sản xuất  tiếp tế  cho chiến trường miền Nam và cùng bộ đội chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ trên vùng trời nhưng ai cũng như ai, một khí thế quyết chí ra trận chiến đấu không ngăn cản nổi. Mẹ tôi cũng như bao người mẹ khác thất thần khi các con lớn lên tiếp bước người cha đang ở chiến trường lên đường tòng quân. “Con đi, rồi các em nhỏ ở nhà ai nuôi, ai đưa xuống hầm, rồi lỡ con hy sinh, sau này ai nuôi em nuôi mẹ.” “Mẹ ơi! Mẹ cho chúng con đi! Đi, chúng con có thể hy sinh nhưng chỉ cần giết được một thằng Mỹ là góp sức cùng cả dân tộc đánh đuổi chúng cút khỏi đất nước mình. Chúng ta có tội gì đâu mà chúng mang chết chóc đau thương tới hả mẹ. Mẹ ơi! Mẹ cho chúng con đi, ở nhà bom đạn thế này rồi cũng chết hết thôi mẹ ạ!”. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Tổng động viên, trong khí thế cả dân tộc rùng rùng ra trận, bao người con của làng quê tôi xung phong vào Miền Nam chiến đấu và sau chiến tranh nhiều người đã không về:

"Xa trường, ngã ở chiến trường xa.

Đất nước những năm ta đánh Mỹ,
Có nơi mô vắng Thạch Hà…”

 (Nguyễn Lê)

Trong không khí sục sôi đó, anh Lượng cũng lên đường đi dân công hỏa tuyến, dọn đường cho những chuyến xe qua.

Những ngôi nhà hai bên đường quốc lộ số 1 bị hất tung, sáu mẹ con đàn bà con gái chúng tôi dường như là những người cuối cùng rời làng đi sơ tán. Bộ đội và thanh niên trong làng làm cho chúng tôi một cái lán trại giữa cánh đồng, bên cạnh một cái hầm chữ A. Gần lán trại của chúng tôi là lán thương binh, mẹ tôi thường nấu nước sôi và cháo mang cho họ. Mẹ bảo “Ở nơi nào đó, anh Huy và anh Lượng cũng đang được những người dân cưu mang, săn sóc”. Những người lính còn rất trẻ, quê ngoài  Bắc đã kiên cường bám trụ cùng dân làng chúng tôi bắn máy bay Mỹ. Một lần, anh Thân chạy về “Mẹ ơi! Con nghe tin máy bay ném bom  làng con ở Vĩnh Phú, mẹ và em gái con chạy lạc đâu không biết, con chỉ mong hết chiến tranh để về tìm mẹ, tìm em”. Mẹ nắm tay anh Thân ứa nước mắt. Ở chiến trường Miền nam, anh Huy, Anh Lượng cũng đang mong ngày trở về được gặp mẹ, gặp em.

Vào một trưa giữa tháng 8/1972, trời nắng như đổ lửa, một quả bom đã nổ trúng vào lán trại của chúng tôi. Mẹ, chị Hường Chị Quế bị thương. Trong khói bụi và tiếng khóc xé lòng, thanh niên trong làng lao đến cõng chị Quế, chị Hường và đặt mẹ tôi lên cáng vác chạy. Tôi cũng cắm cổ chạy trong sự hỗn loạn đó. Tôi chạy mãi và khi không còn thấy ai nữa đã ngồi bệt xuống bên vệ đường khóc thảm thiết. Một người trong làng đưa tôi về nuôi. Cả ngày hôm đó chị Lan đã chạy lên bệnh viện Thạch Thanh, nơi mẹ và 2 chị đang cấp cứu, chạy về làng không biết bao bận để tìm tôi. Người lớn rất thương tôi còn trẻ con thì đói khổ như tôi, cứ tôi ăn một miếng thì có nghĩa là đứa bé kia phải ít đi một miếng. Lần đầu tiên tôi ăn cơm những miếng cơm trộn lẫn trong nước mắt:

“Cơm người khổ lắm mẹ ơi! Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Ở với nhà người ta một thời gian thì chị Đào (vợ anh Huy) đưa tôi theo chị ra ở Thạch Liên nơi trụ sở công ty may của chị.  Ở Thạch Thượng, tuy đói khổ nhưng hàng ngày tôi còn được gặp chị Lan, chị Lý và nghe tin về mẹ, các chị còn theo chị Đào đi, tôi không gặp ai nên khóc suốt.

 

        CHỊ HƯỜNG BÂY GIỜ

 

Mẹ chị Quế chị Hường nằm viện, chị Lan, chị Lý chạy khắp làng trên xóm dưới mua lạc về bóc vỏ nấu kẹo mang vào chợ Tỉnh bán lấy tiền đong gạo. Có lần lúc đi thì còn cầu, khi về cầu Cày đã bị bom đánh sập, mấy anh bộ đội sửa lại cầu đã cõng các chị bơi qua sông để về nhà.  Chị Xin đang mang bầu sắp tới ngày sinh nở, chỉ có anh Khẩn (anh rể, chồng chị Xin túc trực bên giường bệnh). Dân làng mỗi người mang bát cơm tô cháo lên thăm mẹ và 2 chị. Các gì tôi mỗi người lên được dăm lần rồi cũng không đi được nữa vì bỏ con ở nhà sợ chết bom và cũng chẳng còn gì để mang lên khi miếng ăn hàng ngày cho các con còn chưa đủ. Chỉ có Mợ Nguyên là kiên trì chăm mẹ tôi và các chị tôi cả tháng trời bằng những bát canh rau, cháo trứng mợ chắt chiu trong vườn. Có lần mợ Nguyên đi từ Thạch Long lên bệnh viện bị bom hất ngã xuống hố nước, ướt đẫm, mợ lên đến bệnh viện rét run bần bật vẫn ôm khư khư bát cơm trước ngực. Mẹ tôi khóc, “Em đi thế này, bom bỏ chết mất thôi”. Mợ Nguyên cũng khóc, “Em chết thì còn có chồng lo cho con, chị mà chết, 9 đứa con đã mồ côi cha, nếu mồ côi mẹ nữa thì khổ lắm chị ơi!”. Mẹ tôi bị mảnh bom xuyên thấu ngực, 1 mảnh đạn nằm dưói đáy phổi, máu chảy trong làm mẹ nghẹt thở. Bác sỹ Phúc đã cứu chữa mẹ tôi bằng những lọ thuốc kháng simh hiếm hoi chủ yếu là dành cho người lính. Chị Hường bị vết thương vào đầu, tay và chân, chị Quế bị sứt khắp người chủ yếu ở phần mềm mất rất nhiều máu nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng.

CHỊ QUẾ BÂY GIỜ

 Bác sỹ gắp mảnh đạn trong tay, chân chị Hường ra còn mảnh trong đầu thì đành để lại. Một tháng sau thì mẹ và 2 chị xuất viện, cả nhà tá túc trong căn nhà chật chội của chú họ tôi. Chị Lan, chị Lý vẫn chạy chợ kiếm miếng ăn, tôi thành cô y tá chăm sóc bệnh nhân và tranh thủ nhổ cỏ, hái rau nuôi lợn.

Anh Thân chạy về khóc nức nở “Mẹ ơi! Cả năm trời con không có tin tức gì ở Vĩnh  Phú, gia đình con không biết ai còn ai mất, nghe tin bom bỏ trúng nhà ta, con sợ con mất thêm gia đình thứ 2 nữa”. Rồi anh Thân lại đưa lính bổ sung vào Miền Nam, mẹ tôi cứ khấn cầu cho anh đi bình an, mong sao cho hết giặc để cả nhà còn được nhìn thấy nhau.

Sau 18 tháng đi dân công hỏa tuyến, anh Lượng trở về với cơ thể gầy xơ và xanh tái vì sốt rét. Đợt ấy làng tôi có 18 người đi nhưng chỉ 12 người trở về. Anh Lượng chặt tre dựng lại lán trại, gia đình tôi lại quây quần bên nhau trong đớn đau và đói khổ nhưng chan chứa yêu thương. Mẹ và 2 chị khỏe dần lên, dân làng cho vay ít lúa gạo những ngày giáp hạt đến mùa thu hoạch mới trả. Dù bom rơi, đạn nổ, đói rét, các chị tôi vẫn đội mũ rơm tiếp tục đến trường học chữ. Có nhiều lần, chị Hường, chị Quế khi nghe tiếng máy bay đã ngất giữa lớp học vì sợ hãi. Chờ ngớt tiếng máy bay, cô giáo và các bạn cõng 2 chị về nhà.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại trên Miền Bắc, chúng tôi về lại vườn xưa. Khi ra đi mảnh vườn chúng tôi sum sê cây trái, tỏa bóng mát bao quanh căn nhà lá 3 gian. Khi về căn nhà xưa chỉ còn trơ nền đất, cây cối bị bom cưa đổ rạp xuống, lá khô rụng hết, thân cây đen nhẻm, trơ trọi hoang tàn. Xung quanh nhà chúng tôi có 3 hố bom sâu hắm, đất đá văng khắp xung quanh. Người dân làng tôi lại cùng nhau chăm bón lại vườn tược khi trên đầu không còn tiếng bom rơi. Hầu như nhà nào cũng có thương vong sau những trận bom B52 tàn khốc. “Bình yên rồi, dân làng ơi! chúng ta xây dựng cuộc sống đi thôi”. Thế nhưng đâu đó, thi thoảng vẫn vang lên những tiếng khóc xé lòng vì trong lúc cày xới những viên bom bi còn sót lại đã nổ tung cướp thêm mạng sống của người dân lượng thiện quê tôi.

Cửa hàng lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm mọc lên, cuộc sống hồi sinh sau bao năm trên bom dưới đạn. Dân làng quê tôi tăng gia sản xuất vừa để nuôi sống bản thân vừa để nộp nghĩa vụ tiếp tế cho chiến trường Miền Nam. Nhưng rồi mùa màng thất thu, gia đình tôi lại đối diện với đói nghèo và bệnh tật. Anh Lượng suốt ngày lam lũ trên đồng ruộng để các chị tôi được đến trường. Thi thoảng cơn sốt rét rừng lại quật anh nằm xuống, mẹ vẫn ho ra máu, chị Hường lên cơn co giật liên miên, chị Quế thì ngất lên ngất xuống. Chị Lan và chị Lý một buổi đi học, một buổi chạy chợ bán kẹo kéo kẹo lạc kiếm được chút tiền đong gạo. Anh Lượng lặn lội khắp đồng sâu đồng cạn câu cá bắt tôm nhưng đói vẫn hoàn đói. Những bờ mương xanh mượt mà rau má đã bị đào bới. Chúng tôi ăn cháo rau má, cháo cám, ăn tất cả những gì có thể đề sống qua ngày. Nghĩ tới những năm 1945, mẹ tôi lo thắt ruột, suốt ngày lo làm thế nào để khỏi đói, hôm nào được bữa no, ăn xong lại ngồi lo không còn được bữa no nào như thế nữa. Mấy người hàng xóm thấy mẹ tôi ho ra máu vẫn lam lũ trên đồng ruộng đã khuyên “Ở cửa hàng lương thực, hàng tháng họ bán gạo cho cán bộ công nhân viên chức, chị cứ cho Hường và Cúc dắt díu nhau ra đó ăn xin, thế nào mỗi người cho 1 nắm gạo, mỗi ngày cũng được lưng bơ mà nấu cháo qua ngày”. Mẹ tôi ôm tôi vào lòng “Chiến tranh, đội mũ rơm đi học dưới hầm vẫn theo được, giờ hết bom rơi, chẳng lẽ để con thất học, kiểu gì cũng phải gắng để chúng bằng bạn bè”. Thế rồi mẹ tôi quang gánh trên vai đi vào chợ Thị xã hàng ngày gánh 1 gánh rau cải, giá, đậu hành về chợ Cày bán kiếm gạo. Tôi đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, một buổi đi học, một buổi đi mót lúa, mót khoai. Nắng rát mặt hay rét tím bầm môi mẹ vẫn ngày ngày đi chợ, bữa ăn của chúng tôi phụ thuộc ở gánh hàng của mẹ. Tôi lại nhớ tới những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo:

“Có một lần con khóc giữa chiêm bao,

Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó.

 Đồng sau lụt những đường đê sụp lở,

Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.

Anh em con nhịn đói suốt ngày tròn,

Trong  chạng vạng ngồi co ro bậc cửa.

Có gì nấu đâu mà nhóm lửa,

Ngô hay khoai đang ở phía mẹ về…”

 

 

Gánh hàng mỏi mòn qua bao phiên chợ của mẹ đã đưa gia đình tôi qua được những tháng ngày ngặt nghèo của đói rét.

Miền Nam đang chuẩn bị cho Tổng tiến công, những đoàn xe chở lính ào ào đi qua làng tôi. Nhà tôi ngay sát đường quốc lộ nên các đơn vị bộ đội hay dừng lại để bổ sung thêm lá ngụy trang và tiếp thêm lương thực. Các anh bộ đội vào nhà, trong nhà có gì là dân làng mang hết cho họ dù chỉ là củ sắn củ khoai.  Rồi một lần cả đơn vị hành quân đưa theo một đàn bò để bổ sung thực phẩm cho chiến trường. Một người lính bị sốt và anh đã phải ở lại nhà tôi cùng một chú bò bị què chân. Quê anh ở Ninh Bình, anh gọi mẹ là bu, ban đầu chúng tôi cứ cười trêu anh, dần dần anh cũng gọi là mẹ. Mẹ lại chăm sóc anh như con cưng vì anh mới chỉ khoảng 18 tuổi, xa nhà cầm súng vào chiến trường, chỉ vì ốm mà phải ở lại. Anh khỏe lên và cùng chúng tôi cuốc đất trong vườn trồng rau. Anh chăm con bò như vật quý và con bò cũng đã lành chân. Tên anh là Liên, tôi nhớ anh vẽ rất đẹp, anh vẽ em Cúc mặc váy xòe đi học. Một tháng  sau, anh nhận được lệnh nhập vào một đơn vị hành quân qua làng tiến về miền Nam. Chia tay anh, cả nhà tôi ngậm ngùi, mẹ tôi nấu cơm nắm cho anh mang theo. Anh ôm lấy mẹ “Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, con sẽ về”.  Anh Liên đi một thời gian thì anh Thân khập khễng đi về. “Mẹ ơi! Con chỉ huy anh em kéo pháo vào Nam bị nòng phào quay ngang đập trúng ngang đùi nên đau nơi háng”. Anh ngủ lại một đêm rồi sáng mai cũng theo đoàn quân ra trận, mẹ bảo chân con đau vậy làm sao mà đi hả con. Anh ôm lấy mẹ: “Cả nước đang tổng tiến công, con phải đi cùng anh em mẹ ạ”.  Anh nắm chặt tay anh Lượng lắc lắc “Chăm sóc mẹ và nuôi nấng các em thay anh”. Anh bế bổng tôi lên, hôn vào má ‘Út cưng chăm học nhé! Em sẽ học lên đại học rồi anh sẽ mua búp bê về làm quà cho em”. Mẹ tôi chạy qua hàng xóm mua chịu một rổ bánh chưng cho anh mang đi. Ở trong nhà bao năm nên anh Thân hiểu rõ mẹ phải đi chợ nhiều phiên mới trả hết tiền bánh chưng. Anh ứa nước mắt “Con mãi mãi ghi ơn mẹ”. Anh Thân đi, để lại cái hăng gô có khắc chữ Hoàng Thân và chiếc xe đạp Phượng Hoàng đã cũ. Mấy chị em chúng tôi đã đến trường trên chiếc xe đạp đó. Trong nỗi mong ước chung của cả gia đình được đón các anh trở về, tôi còn mơ màng nghĩ tới một con búp bê tuyệt đẹp. Đó là vào những ngày của tháng 3 năm 1975. Mấy tuần sau, chúng  tôi nhận  được thư anh Liên  “Chúng con vào đến Thừa thiên Huế  rồi, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng con sẽ trở về tạ ơn mẹ đã chăm nuôi con, mẹ và các em chờ con nhé!.”.

Cả nước vỡ òa sung sướng vào ngày  30/4/1975. “ Hòa bình rồi! Hòa bình rồi!”, cờ phấp phới tung bay trên mọi miền Tổ quốc. Anh Huy về, không thể tả hết niềm vui sướng của cả gia đình tôi. Suốt từ năm 1970 cả nhà  không hề nhận được tin anh, không ai dám nói nên lời nhưng đã từng tiên cảm là anh hy sinh ở một mặt trận nào đó. Anh kể là anh chiến đấu ở đường chín Khe sanh Năm Lào, đồng đội anh hy sinh và bị thương rất nhiều. Hàng xóm qua thăm chật nhà, anh kể mãi không hết chuyện. Anh đi săn rất giỏi, có lần anh bắn trúng 1 con lợn rừng, con lợn lồng lên, nhảy về phía anh, anh lách vào 1 khe đá nhỏ, chỉ mình anh chui lọt. Con lợn cứ đứng ngoài chờ. Nghe tiếng súng nhưng mãi không thấy anh Huy về, đồng đội túa ra tìm bắn hạ được con lợn, cứu thoát anh. Sau này khi đọc “Những người lính” của tác giả Nguyễn Văn Thông, tôi cứ rờn rợn, chỉ suýt chút nữa anh tôi cũng đã làm mồi cho thú dữ.

Cả nước xây dựng lại giang sơn. Những người lính thời bình lại xông pha nơi mặt trận xây dựng quê hương. Người dân quê tôi vào lại hợp tác xã, cựu chiến binh lại đứng ra gánh vác việc lớn, anh Lượng làm tổ trưởng sản xuất rồi trong Ban chủ nhiệm hợp tác xã. Mùa hè khô hạn, mùa đông bão lũ tràn về, thiên nhiên khắc nghiệt lại tàn phá quê hương tôi. Càng đói rét thì bệnh tình của chị Quế, chị Hường càng nặng, những cơn sốt hét rừng lại hành hạ anh Huy và anh Lượng. Cái gánh hàng hóa trên vai mẹ tôi nặng thêm. Mẹ đã phải lặn lội suốt ngày khắp các chợ để kiếm thêm chút thức ăn về nấu cháo cho anh Huy, anh Lượng. Không có lấy 1 viên ký ninh, các anh tôi đã phải nuốt không biết bao nhiêu con giun đất để chống chọi với cơn sốt rét. Một buổi chiều, trong nỗi thương con đứt ruột và tuyệt vọng bởi bất lực, mẹ tôi lên mộ cha khóc “Ông sống khôn chết thiêng, phù hộ cho các con khỏi bệnh chứ cứ sốt thế này thì chết mất thôi” rồi mẹ nhổ một nắm cỏ trên mộ cha về nấu nước cho các anh uống. Không biết là nhờ những con giun đất hay nắm cỏ trên mộ cha mà những cơn sốt rét đã về lại với rừng xanh trước sự kiên cường của của các anh tôi. Cuối năm 1975, anh Huy trở lại lâm trường Hương sơn làm công nhân khai thác gỗ.

Cuối năm 1976, mẹ vừa đi chợ về, mồ hôi ròng ròng trên mặt, mắt nhòa bởi trời đã nhập nhoạng tối, 1 người lính đi vào “Mẹ ơi! Mẹ có nhận ra con không?”, “Không! Mẹ không nhận ra”, “Con là người lính đã ở trong nhà mẹ mà”. Người lính ở trong nhà mẹ thì nhiều, đứa nào cũng gọi mẹ nên mẹ không nhớ hết”. Con đi chiến đấu chỉ mong sống sót để trở về gặp mẹ mà sao mẹ không nhận ra con, vậy con đi đây!”. Anh giận dỗi bước ra cổng. “Anh Liên!” chị Quế vừa lúc đi học về kêu lên. “Ôi! Con của mẹ!” Anh Liên kể giải phóng xong, đơn vị chúng con vẫn phải ở lại bảo vệ Miền nam, giữa năm 1976 con mới được về quê. Con đã đạp xe đạp từ Ninh Bình về đây thăm mẹ và cả nhà. Vui quá! Các em lớn hơn nhiều và dễ thương  ghê. Anh về lại quê Ninh Bình, có viết cho gia đình vài lá thư rồi chúng tôi mất liên lạc với anh. Sau cuộc chiến người lính lại trở về với cuộc sống đời thường vật lộn để mưu sinh.  Tôi lại nhớ tới Lê Văn Chinh với nụ cười chiến thắng, ai cũng nghĩ Lê Văn Chinh đã hy sinh cho tới ngày một người bạn phát hiện ra anh đang chăn bò trên núi. Cuộc sống đời thường cuốn chúng ta đi bởi bao lo toan thường nhật, những kỷ niệm về thời chiến tranh dần cũng phải gác lại. Anh Liên của chúng tôi cũng thế. Chúng tôi rất mong được gặp lại anh. Hy vọng ở quê hương Ninh Bình anh vẫn nhớ tới gia đình tôi và có ngày về lại nơi đã yêu thương anh như ruột thịt.

Anh Thân thì đã chẳng bao giờ trở về nữa. Năm 1978 Một đồng đội của anh đến nhà tôi thông báo với gia đình  “Cú đập của nòng pháo năm đó đã gây chấn thương ở háng của anh nhưng anh vẫn gắng sức hành quân và chiến đấu. Khi đau nặng quá, đồng đội đưa anh ra bệnh viện Bạch mai Hà Nội cứu chữa nhưng anh đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1978.  Đơn vị đã gửi giấy báo tử cho gia đình anh ở Vĩnh Phú. Anh nhờ đồng đội về báo với gia đình tôi rằng anh rất yêu quý mẹ và các em. Nói xong người lính xốc ba lô đi ngay, trong nỗi bàng hoàng, chúng tôi không kip hỏi gì thêm. Mẹ tôi khóc “Thân lập thân con ơi!” Tôi hỏi nghĩa là sao hả mẹ, mẹ bảo “Anh sinh năm Thân (1944) là tự lập lấy, không nhờ được ai giúp đỡ”. Đôi khi chấp chới trong những giấc mơ, tôi vẩn thấy có người lính trao vào tay tôi con búp bê rất đẹp. Thi thoảng những lúc cả nhà quây quần, chúng tôi vẫn nhắc tới anh Thân. Tôi mong ước có một ngày tìm thấy gia đình anh Thân, biết anh được mai táng ở đâu để đến thắp cho anh một nén nhang. Tiếc rằng chúng tôi không có một tấm hình nào của anh, tôi chỉ nhớ là anh rất đẹp trai.

 Sau gần 2 năm làm việc ở Nông trường hương sơn, anh Huy chắt chiu mua về 6 tấm gỗ. Ở quê tôi trước đây, cứ những ai trên 50 tuổi là cả nhà bắt đầu dành dụm mua sắm hòm để lúc chết có hòm mà chôn.

Anh Huy bảo “Anh mua cái này cho mẹ, mẹ 52 tuổi rồi, ngày xưa mẹ anh chết, không có hòm chỉ chôn bằng chiếu, mọi người đào hố lấp vội, không kịp làm nấm. Đợt quy tập nghĩa trang, anh Lượng cùng thanh niên trong xóm phải đào cả vùng đất rộng mấy sào mới tìm thấy hài cốt của mẹ anh”. Anh nói gì lạ vậy? Mẹ Truyền không phải mẹ anh à?”. Mẹ anh và cha có 4 đứa con, nạn đói năm 1945 đã cướp đi mẹ anh và 3 anh chị của anh, mẹ Truyền về làm vợ cha khi anh 9 tuổi và chị Thỏa

 

10 tuổi  đang thoi thóp chờ chết đói. Mẹ Truyền đã lao động cật lực để nuôi anh và chị Thỏa lớn khôn rồi các em ra đời. Chưa bao giờ mẹ để cho các con biết anh là con riêng của cha. Mười tuổi anh mới đi học lớp1, học hết cấp 2, mẹ xin cho anh đi làm công nhân, từ nông trường anh đi bộ đội. Mẹ Truyền là người đã hồi sinh ra anh, chưa có ai trên đời tốt như mẹ, các em phải noi gương mẹ mà sống cho tốt”. Tôi chợt nhớ những ngày mẹ nằm viện, mợ Nguyên đã hết lòng chăm sóc mẹ bất kể đạn bom. Mợ Nguyên là vợ của cậu Nguyên, em trai mẹ anh Huy, xét về họ hàng, mẹ tôi và mợ Nguyên không liên quan gì tới nhau. Cảm ơn cuộc đời đã sinh ra những con người tốt đến thế.

Các chị tôi học hết cấp 2 thì lần lượt nhập ngũ, đó cũng là con đường thoát cảnh làm nông duy nhất của quê hương tôi. Dịp chị Hường đi mẹ khóc nhiều vì chị Hường vẫn thường lên cơn co giật khi trái gió trở trời nhưng anh Lượng cứ động viên mẹ, các em đi có nhà nước chăm sóc mẹ đừng lo lắng quá. Trong quân ngũ, các chị tôi tiếp tục học hết bổ túc cấp 3 rồi đơn vị cho đi học ngành. Ra quân các chị đều có công ăn việc làm ổn định. May mắn nhất là chị Hường đã được đơn vị đưa vào bệnh viện 108 mổ lấy mảnh bom ở đầu ra và từ đó chị khỏe mạnh. Chị ở lại làm chị nuôi và lấy chồng là anh Thái, sỹ quan quân đội.  Khi đơn vị chuyển vào Sài gòn anh chị vào theo và đã định cư ở Sài gòn.

 

Chị Quế học y tá, ra quân chị làm y tá cho trường Đại học Sư phạm Vinh, lấy chồng là anh Ngọc cựu chiến binh chiến trường Quảng trị. Rồi anh chị chuyển vào làm Dầu khí ở Vũng tàu. 

Chị Lan sau 3 năm quân ngũ đã qua Nga lao động và về nước chị làm ở Công ty du lịch Cửa lò, chị lấy chồng là anh Thanh sỹ quan quân đội, anh chị định cư ở Vinh, là trạm đón tiếp mỗi khi mấy chị em chúng tôi về quê.

Chị Xin lấy chồng và đi dạy ở Thạch kênh.

 

 

 

.

CHỊ QUẾ, CHỊ XIN, EM CÚC, CHỊ HƯỜNG


 

 

 

Thanh niên quê tôi náo nức đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bạn bè của chị Lý lũ lượt lên đường, ai cũng muốn đổi đời thoát khỏi cảnh làm nông lam lũ nơi quê nhà “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Chị Lý tiễn các bạn đi còn chị ở lại, “Các chị em đi xa hết, chị ở nhà nhỡ khi mẹ già đau ốm chị còn phụ giúp vợ chồng anh Lượng chăm sóc mẹ”. Chúng tôi gửi lại cho chị câu thơ Nguyễn Bính”

 

“….Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em hái, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.

 

 

                         CHỊ LÝ VÀ CHÁU THẠCH                       

 Chị lấy chồng gần nhà và làm nông như những xã viên khác. Anh chị có 5 đứa con, cuộc sống nghèo khó vất vả, khi các cháu học hết cấp 3, Chị Quế, chị Hường và tôi đưa các cháu vào Sài Gòn nuôi đi học Trung cấp và Đại học.

Anh Lượng lấy vợ, chị Châu làm Bưu diện ở Thạch Thượng, anh chị sinh được 4 đứa con. Anh vẫn ngày cùng dân làng lam lũ trên đồng ruộng. Mẹ ở cùng vợ chồng anh Lượng. Đêm đêm, mẹ cất tiếng ru cháu. Bây giờ tôi mới biết mẹ tôi có giọng hát rất hay và mẹ thuộc rất nhiều ca dao dân ca, thuộc cả truyện Kiều. Mẹ mù chữ, làm sao mẹ học được nhiều thế? Mẹ kể là hồi trước cha tôi cùng các bác hàng xóm hay ngồi quanh chiếu đọc thơ, mẹ rót nước nên thuộc những bài họ đọc.Tình yêu văn học đã hình thành trong tâm hồn tôi từ những câu ca dao dân ca qua tiếng ru ngọt ngào của mẹ.

Sau 3 năm học chuyên Văn ở trường Năng khiếu Phan Bội Châu, tôi qua Liên Xô du học. Ngày ra đi mẹ tôi dặn “Con không bao giờ được nói dối, chỉ cần con nói dối một lần sẽ không ai tin con và khi con bị oan sẽ không thể thanh minh. Mẹ không ở gần con nhưng con đừng sợ gì cả, con hãy sống thật thà và tốt bụng sẽ có nhiều người tốt giúp con”. Tôi ra đi, hành trang mang theo là hình ảnh anh Lượng cả một đời lam lũ cho tôi được học hành và dáng mẹ kiên cường một đời gồng mình gánh cuộc đời 9 chị em chúng tôi qua bom rơi đạn nổ, nắng gió bão giông.

Nhớ đến quay quắt, nhớ đến thắt lòng gia đình, bạn bè và quê hương yêu dấu. Các bạn tôi thi thoảng lại hò reo nhảy cẫng lên vì có thư nhà còn tôi thì không. Tôi viết những lá thư đẫm nước mắt gửi về tràn ngập những danh từ yêu thương, nhớ nhung tha thiết và cả dỗi hờn nhưng vẫn không nhận được thư nhà. Lâu lâu tôi nhận được thư của anh Ngọc, chị Hường kể là cả nhà vẫn bình yên mới đỡ lo.

Chờ đợi đến mỏi mòn rồi thư nhà cũng đến. Tôi run run xé phong bì, nét chữ non nớt xiêu vẹo “Bữa ni cháu Vũ đi học lớp 1 rồi, bà bảo cháu biết viết rồi thì viết thư cho O kẻo tội O. Bữa qua cháu Vũ thấy bà sàng gạo mà nước mắt rơi ướt cám, Vũ hỏi vì răng bà khóc, bà bảo bà nhớ thương O mà không biết chữ để viết thư cho O. Sao O lại viết là “Cả nhà quên con rồi, không coi con là con gái của cả nhà nữa hay sao mà không ghi cho con một chữ”. Cha Lượng viết cho O mấy lần mà thư trả về, bảo là không rõ địa chỉ nên cha chán không viết nữa. Bữa ni có O Hạnh bạn của O học ngoài Tỉnh về quê, cháu nhờ O Hạnh ghi địa chỉ trên phong bì và mang thư  ra bưu điện ngoài Tỉnh gửi, may ra thư đến được với O. Hôm qua bà bóc mây bán, gai đâm chảy cả máu tay để lấy tiền mua tem đấy. Tem đi nước ngoài giá 2 đồng mà cả nhà mình cái gì cần mua cũng chờ lương mẹ Châu, mà cuối tháng mẹ mới nhận được. Bữa ăn nào bà cũng nhắc O “Ngày trước nhịn đói đi học mà O vẫn học tốt, bây giờ Vũ phải học giỏi như O Cúc”. Cả nhà thương O nhiều lắm, O mà viết thư về làm bà buồn là Vũ giận O đấy…” Tôi khóc ướt nhòe cả thư, ở làng quê heo hút của tôi, nhân viên bưu điện làm sao biết tiếng Nga để mà đọc ra địa chỉ, mẹ tôi không biết chữ vậy mà tôi đã vô tình hờn dỗi để mẹ phải khổ tâm. Tôi cất thư dưới gối, cứ mỗi lần các bạn nhận được thư nhà, tôi lại mang thư ra đọc lại. Lá thư đó đã giúp tôi đủ sức đi qua được những tháng ngày dằng dẵng nhớ thương.

Các chị tôi lấy chồng sinh con, cứ mỗi lần các cháu ra đời, mẹ lại ra chăm nuôi chị và các cháu vài tháng mới về. Ai cũng cật lực làm việc nhưng đồng lương rất eo hẹp nên chỉ cầm cự cuộc sống qua ngày. Tôi ao ước học xong về đi làm để có điều kiện nuôi mẹ. Thế nhưng tốt nghiệp Đại học, tôi lại chuyển tiếp thực tập sinh rồi nghiên cứu sinh. Con trai đầu của tôi ra đời được mấy tháng thì xảy ra sự kiện con gái của Thầy Hoàng bị bắt cóc ở bờ biển Xô tri. Cả liên bang rúng động. Trong nỗi lo sợ chung, tôi đưa con về nước. Mẹ tôi từ quê vào Vũng tàu ở cùng chị Quế để chăm nuôi Vũ Hoàng của tôi lúc đó mới 1 tuổi rưỡi. Mẹ ở được 2 năm thì về quê. Năm  năm sau , năm 1998 tôi mới về nước cùng với bé Nhật Minh 2 tuổi, mẹ tôi lại vào chăm lo cho các cháu. Năm 2001, tôi mới về quê. Nhà tôi đã làm lại khang trang hơn, anh Lượng đã trồng khắp vườn các giống cây ăn trái đang tới mùa trĩu quả. Gia đình các anh chị tôi đều ổn, đã qua những cơn khốn khó của đói nghèo, các cháu tôi đều được đến trường. Anh Huy và chị Đào đã về hưu làm nhà ở gần bên mẹ. Mẹ sống trong ấm áp yêu thương, các cháu ríu rít bên bà.

Năm 2005, tôi chuẩn bị làm nhà. Mẹ tôi lại vào Sài gòn giúp tôi. Một đêm mẹ nằm không ngủ được, mẹ bảo với tôi “Mẹ nóng ruột quá, không biết ở nhà có chuyện gì”. Anh Lượng gọi điện cho tôi, anh Huy chặt cành cây bị té đập đầu vào móng nhà, đang nguy kịch”. Tôi không dám nói thật với mẹ, chỉ bảo là anh Huy bị ốm mẹ ạ. Mẹ giục giã, con đưa mẹ về ngay, mẹ chăm sóc anh, mẹ sẽ nấu cho anh cháo lươn và bát canh cua đồng với khế, món hồi anh bị sốt rét mẹ thường nấu cho anh, anh rất thích. Tôi và mẹ bay về thì anh Huy đã không còn nữa. Mọi người lấy 6 tấm gỗ ngày trước anh mua đóng hòm cho anh . Mẹ tôi ôm chặt lấy quan tài “ Huy ơi! Sao con lừa dối mẹ, con bảo cái này con mua cho mẹ mà, sao bây giờ con tranh mẹ nằm đây. Cả một đời chưa được một ngày no đủ Huy ơi!”.

                                                 ANH HUY

 

Ba mươi chín năm có mặt trên đời này, đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến nỗi đau mất người thân. Tám chị em chúng tôi nhìn nhau, ai cũng thấy mình có lỗi vì chưa làm được gì cho người thân yêu. Không ai bảo ai, mọi người theo cách của mình, tóa đi tìm Thạch, đứa con ngoài giá thú của anh Huy. Và rồi sau bao năm miệt mài đi từ thất vọng này sang thất vọng khác, vào 1 buổi chiều ngập nắng tháng 8/2012 dưới bầu trời Tây Nguyên lộng gió, tôi đã tìm ra đứa cháu yêu quý của mình giữa rẫy cà phê trĩu quả.

Chúng tôi siêng về thăm quê hơn. Mỗi lần có cháu đậu đại học là niềm vui lớn cho cả gia đình.

Tháng 7/2007, sau khi mãn tang anh Huy được vài tháng, tai họa kinh hoàng ập xuống gia đình tôi. Tôi đã đi qua nhiều chặng đường gặp không ít tai ương, trong những khi tuyệt vọng tôi đã mường tượng về hiểm họa có thể xảy ra để chuẩn bị tinh thần mà đối phó nhưng có một điều tôi không bao giờ nghĩ tới đó là ngày anh Lượng ra đi. Một cơn nhồi máu cơ tim đã khiến anh không bao giờ tỉnh lại khi mới 55 tuổi đời. Rất nhiều năm sau, tôi vẫn không thể tin rằng anh tôi đã không còn nữa. Nỗi đau buốt nhói tâm can gia đình tôi. Chị Thỏa lăn lộn bên quan tài “Ơn mẹ cả một đời nuôi dưỡng chị chưa trả ơn được một ngày, phận con gái lấy chồng xa, lo cho chồng con, tuổi già của mẹ, chị cậy cả vào em, bây giờ em bỏ mẹ mà đi, chị thành đứa con bất hiếu Lượng ơi!”.

                              ANH LƯỢNG

 

Đó cũng là nỗi niềm quặn thắt của cả 7 chị em gái chúng tôi. Mẹ và anh đã hy sinh tất cả nuôi nấng, ấp ưu chúng tôi từ những ngày trứng nước, khi đủ lông cánh chúng tôi như những đàn chim bay đi. Mải miết với công ăn việc làm, vật lộn với cuộc đời để mưu sinh, để nuôi nấng con cái lớn khôn, chúng tôi chưa có một khoảng lặng để mà ngoái lại, mà một lần báo hiếu cho anh. Đớn đau và ân hận giày vò tâm can 7 chị em chúng tôi. Chôn cất anh tôi ba ngày xong, tôi không dám đi nhưng mẹ tôi bảo “Con đi đi, vào với 2 con còn nhỏ dại ở Sài gòn, kiểu gì mẹ cũng phải sống để dựng vợ gả chồng cho các cháu”. Như ngày xưa bà ngoại tôi đã nén đớn đau sống để làm điểm tựa tinh thần cho các con, mẹ tôi đã gượng dậy.

Số phận vẫn chưa thôi thử thách mẹ, năm 2008, mẹ bị ngã, gãy xương đùi. Mẹ nằm 1 chỗ 6 tháng trời, chân bó bột, các chị tôi mỗi người về được một vài tuần chăm sóc mẹ rồi phải vội đi vì công việc và con cái đang chờ. Bác sỹ lắc đầu, bà đã 87 tuổi rồi, canxi đã cạn, việc phục hồi là hết sức khó khăn. Tôi đã không về được với mẹ vì một cuộc giải phẫu đã xô tôi xuống giường và rồi tôi cũng bị té xe gãy chân, bó bột nằm 2 tháng. Những lúc khó khăn nhất mẹ đã ở bên tôi nhưng khi mẹ nằm một chổ trên giường thì tôi không về được, tôi cứ nghĩ tới tiếng khóc của chị Thỏa và nhói lòng thương mẹ. Hai tháng nằm trên giường treo chân tôi giết thời gian bằng cách đọc không biết bao nhiêu sách báo. Mẹ tôi không biết chữ, sáu tháng trời, những lúc các cháu đi học, chị Châu đi làm mẹ chỉ biết nằm nhìn lên trần nhà ngẫm về những chặng đường gian  khó đã đi qua. Sáu tháng trời mẹ nằm 1 chỗ và thêm vài tháng chưa thể tự làm vệ sinh cá nhân, một tay chị Châu (vợ anh Lượng) chăm sóc mẹ tận tụy đêm ngày. Tôi vẫn thường cảm ơn Tổ tiên vì đã có một người chị dâu siêng năng đảm đang, anh tôi mất sớm vẫn tảo tần nuôi 4 con học Đại học và yêu thương mẹ như mẹ đẻ của mình. Khi tháo bột ra, bác sỹ khuyên nên mua cho mẹ chiếc xe lăn, thế nhưng mẹ đã níu giường tập đi. Mẹ bảo mẹ phải đi được để đứng trong hàng ngũ những người đi hỏi vợ cho con anh Huy, anh Lượng. Sự kiên cường của mẹ đã thắng, kiên trì tập 6 tháng thì mẹ đi được  bình thường. Tôi thường tự hỏi, nội lực nào trong cơ thể của mẹ khiến mẹ có sức mạnh và ý chí sắt thép đến vậy. Mẹ đã cùng với họ hàng đi hỏi vợ cho Lực (con anh Huy) Vũ, Nam (Con anh Lượng) gả chồng cho cháu Hằng (con anh Lượng).

 

 

 

 

       MẸ DẨN ĐẦU ĐOÀN NGƯỜI ĐI HỎI VỢ CHO CHÁU VŨ.

 

 

Năm năm sau đúng ngày anh Lượng mất, 1 bé trai giống anh Lượng như lột ra đời. Cháu trai đầu của Vũ đặt tên là Nguyễn Trần Thanh Liêm. Niềm vui trở lại trên khuôn mặt già nua phong trần của mẹ.

 

Ngày đám cưới của cháu Nam, Thạch xuất hiện trong niềm vui khôn tả của gia đình. Tôi hiểu vì sao chị Đào vợ anh Huy đã đi tìm Thạch bao năm và khi gặp cháu, chị đã yêu thương cháu như con đẻ.

CHÁU THẠCH TRONG VÒNG TAY YÊU THƯƠNG CỦA GIA ĐÌNH

(HÀNG TRƯỚC, CHỊ ĐÀO. MẸ, CHỊ CHÂU, BÉ BẢO THY (CON GÁI HẰNG), HỒNG (VỢ VŨ) VÀ CHẮT NỘI THANH LIÊM

 

Hai mươi ba đứa cháu nội ngoại  của mẹ đã có 10 đứa tốt nghiệp đại học với các ngành nghề khác nhau, giáo viên, kế toán, dầu khí, bưu chính viễn thông vv, các cháu còn lại đang học phổ thông và Đại học, không cháu nào phải tiếp tục nghề làm nông.  4 đứa con anh Lượng thì 3 cháu đã tốt nghiệp Đại học và xây dựng gia đình, sống ở quê quân quần bên mẹ. Mẹ đã có 10 đứa chắt và năm nay đang chờ thêm 4 đứa ra đời.

 Cả một đời mẹ tôi không có lấy điểm tựa của một người đàn ông. Ông ngoại tôi mất khi mẹ mới 22 tuổi, bố tối mất khi mẹ 45 tuổi với 9 đứa con trên tay, khi tuổi già bóng xế, 2 anh tôi lại vội vã ra đi nhưng mẹ đã kiên cường sống như bóng cây cổ thụ tỏa bóng mát xuống đời con cháu chúng tôi.

Lầm lũi giữa cuôc sống thời bình nhưng không ít lần khốc liệt nuôi 2 con lớn khôn, càng lo cho con, tôi càng đắng lòng thương mẹ.

Mẹ tôi đã yêu thương tất cả chúng tôi vô bờ bến. Các bạn của tôi đến nhà mẹ cũng thương yêu như con mình. Mẹ tôi không phân biệt con riêng hay con chung, con nuôi hay con đẻ, tất cả đều nhận được sự quan tâm hết lòng từ mẹ. Có lẽ nhờ đức độ của mẹ, tôi vào đời đã gặp nhiều người tốt cưu mang tôi, nhiều ông bố bà mẹ đã nhận tôi làm con gái, nhiều anh chị đã nhận tôi làm em kết nghĩa để yêu thương tôi như ruột thịt.Có lần tôi đã dụi mặt và ngực người anh nuôi nức nở “Giữa chúng ta là một khoảng cách rất xa, nòi giống nhà anh dòng dõi Trâm anh thế phiệt còn dòng giống nhà em nghèo khó bần hàn, em không xứng đáng làm em gái của anh”. Anh đã ôm chặt tôi vào lòng “Không có khoảng cách nào ở đây em ơi! Chỉ có yêu thương và cảm thông thôi”. Đúng như thế, anh đã chia sẻ cho tôi bao tâm tư tình cảm, là chổ dựa tinh thần cho tôi những tháng ngày cay đắng, bão giông. 

Hàng năm tôi đưa con về quê thăm quê hương, gia đình họ tộc. Tôi thường đứng chết lặng trước nghĩa trang bên ngoại tôi, rất nhiều bia mộ ghi “mất năm 1945” và 1 hàng 6 ngôi gia đình cậu tôi “mất ngày 24/7/ 1968”. Tôi kể cho các con tôi nghe về lịch sử đất nước cũng như những truân chuyên gia tộc đã trãi để chúng hiểu được cái giá của cuộc sống bình yên hôm nay. Ai đó có thể đặt ra những giả thiết về cuộc chiến còn gia đình chúng tôi thì không. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng không có sự lãnh đạo của Bác Hồ giành được chính quyền năm 1945 thì nòi giống của chúng tôi đã chẳng còn ai tồn tại trên dương thế. Không có cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc đánh bại đến quốc xâm lược thì xương thịt chúng tôi đã chẳng còn vẹn nguyên trước bom đạn kẻ thù. Họ hàng chúng tôi mãi mãi tri ân những bậc khai quốc công thần như Bác Hồ, Bác Giáp và hàng triệu cha anh đã ngã xuống gìn giữ mảnh đất này.

Cuộc sống của mấy chị em chúng tôi đã khá giả hơn. Rời vòng tay mẹ ra đi học hành, làm việc đã hơn 30 năm, tôi đã gặp gỡ rất nhiều những gia đình nghèo khó và cả  gia đình trí thức, khá giả yêu thương, giúp đỡ  tôi.

Nếu có kiếp sau, nếu một lần nữa được đầu thai trở lại, 9 chị em chúng tôi xin được lần nữa làm con của mẹ, người mẹ nông dân nghèo khó không biết chữ của chúng tôi.

Năm nay mẹ đã 93 tuổi rồi, cầu mong cho mẹ khỏe mạnh để mãi mãi là chổ dựa tinh thần vững chắc nhất cho chúng tôi. Mẹ ơi! Chúng con yêu mẹ!

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 11/2013

Con gái Nguyễn Thị Cúc.

 







 


 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 13-12-2013 16:04






Xem 41 - 50 của tổng số 91 Comments



Từ: CucNT
17/12/2013 21:51:42

Ôi! Thật cảm động, em đã từng day dứt boăn khoăn, có phải vì chợ Kgu hồi nay ít hàng quá nên cả chủ nhân và guest đều chán nên ít người thăm chợ. Em đã tự trách mình không biết giữ lửa để chợ trở nên nhạt bóng hơn và rồi em không biết cụ thể guest Vân Anh là ai để mà gửi lời nhắn gọi. Thế rồi hôm nay chị đã nghe được tiếng gọi của lòng em để mà gửi tới cho em bài hát tuyệt vời về tấm lòng, tình yêu của mẹ dành cho con. Anh Lý đã từng có bài viết : "Gửi những người bạn chưa hề gặp mặt". Và em cũng muốn nói những lời như thế. Chưa hề gặp mặt mà sao quá đỗi thân quen. Cảm ơn chị rất nhiều và chị hãy thường xuyên bên cạnh em và mọi người chị nhé!


Chị Nga ơi! Những ai ở Miền Trung thì sẽ không lạ với những hoàn cảnh như gia đình em. Hè vừa rồi, em đưa mẹ về quê ngoại và bất ngờ mẹ gặp lại người bạn thủa chăn bò. sau 80 năm, 2 bà già ôm nhau nước mắt dàn giụa. Mẹ em may mắn hơn người bạn rất nhiều, người bạn đó đã mất đi 3 người con trong trận bom năm 1968. sau chiến tranh , người chồng trở về nhưng cụt 1 chân... Và họ đã sống cho tới hôm nay, chắc chắn là đã trãi qua không biết bao nhiêu khổ đau cơ cực...


Cảm ơn chị rất nhiều!



Từ: MinhCK
17/12/2013 21:16:21


“Mẹ Tôi”  là một câu chuyện dài, nhưng thấm đậm tình cảm của một người con đối với mẹ và gia đình. Em đã cho độc giả hình dung lại toàn bộ cuộc sống của gia đình em và của bản thân em trong những ngày tháng thăng trầm của cuộc đời nhiều đau buồn và vô số những niềm vui này. Anh đã đọc, đã suy nghĩ và cảm nhận hết những gì em muốn truyền tải trong câu chuyện – bài viết của mình. Em may hơn anh là còn có mẹ để mà viết mà nói. Còn anh!!! Khi biết suy nghĩ và chín chắn một tí thì mẹ anh đã không còn nữa để anh tâm sự và “xả” nỗi lòng mình khi có những thắc mắc, suy tư trong cuộc đời. Năm xưa còn đi học / Mẹ tôi đã qua đời /Lần đầu tiên tôi hiểu / Thân phận trẻ mồ côi.


            Đọc bài viết của em lần này nó như một tổng luận của các bài viết trước về mẹ, về anh, về cháu…Có nhiều cái anh đã biết rồi, nhưng lần này đọc vẫn thấy nó mới như chưa bao giờ em nói tới. Vùng đất quê em chính là quê ngoại của tôi. nới mà năm nào ít nhất tôi cũng một lần về đó. Vùng ấy nghèo lắm, nhưng nơi ấy lại là nơi sinh ra rất nhiều anh hùng hào kiệt. Thật đúng như Thái Bá Tân nói Nghèo không phải tội lỗi / Đừng mặc cảm cái nghèo / Nhưng nếu có thể được / Thì hãy cố đừng nghèo. Cuộc sống của gia đình em và những người khác đã vượt lên cái nghèo đó đã cố để không nghèo, được như ngày hôm nay thì đã là một cố gắng rất lớn rồi. Mẹ đã vượt lên mọi khó khăn, nghèo đói để nuôi các con nên người, đó là một cố gắng tuyệt vời. Tôi kính cẩn, nghiêng mình cảm phục các bà mẹ Việt Nam như mẹ em. Tôi rất mừng và chia sẻ với em về những thay đổi tốt đẹp đó. Chúc gia đình em gặp nhiều may mắn trong cuộc đời gian nan và cực nhọc này



Từ: NgaHT
17/12/2013 20:59:17

Đến bây giờ chị mới gặp được ngươi thực việc thực của một cuộc đời cơ cực bần hàn như gia đình của của Cúc. Những lời văn của Cuc viết ra thấm đậm nước mắt làm người đọc xót xa cho hoàn cảnh của nhân vật. Cũng mừng là một kết cục có hậu đến với gia đình Cúc. Hình ảnh Mẹ già 93 tuổi thật hiền hậu và đẹp lão. Một đại gia đình với nhiều con, cháu , chắt.



Từ: Guest Vân Anh gửi em Cúc
17/12/2013 13:48:37







Từ: Guest CucNT
17/12/2013 13:36:42

"...Những đêm ôm con trong tay khóc ướt vai con.

Mẹ có biết con yêu mẹ nhiều,

Dù câm nín nhưng con thật lòng muốn nói:



Ánh sao đêm cho con sáng soi là mẹ yêu,

Khúc hát ru con trong giấc mơ là mẹ yêu.

Mẹ là cánh chim cho con bay thật xa,

Mẹ sưởi ấm cho tâm hồn con mẹ yêu.

Dắt con đi qua bao nỗi đau là mẹ yêu,

Tiếng con yêu gọi tới suốt đời là mẹ yêu.

Mẹ đừng mãi ra đi cho con mồ côi, ơi mẹ yêu."


Chị Lý ơi! Nước mắt rơi rơi, nghẹn ngào khi nghe những tiếng hát yêu thương ngọt ngào dành cho mẹ Yêu.


Cảm ơn chị rất nhiều!


Giá mà chị Vân Anh trở lại với chợ Kgu chúng ta. Chị Vân Anh ơi! Chị đâu rồi, em đợi chờ những clip rung động lòng người  từ chị.



Từ: Guest LiTM
17/12/2013 09:11:48

Cúc ơi, chị thử tải lại bài Mẹ yêu do Tuấn Hưng hát xem có được không để tặng em, vì chị Vân Anh đang bận gì đó chăng?








Từ: CucNT
16/12/2013 19:52:27

Hồng ơi! Mẹ em đã từng thương chị như con gái. Em thắp giùm chị nén nhang cho mẹ nhé! Chị cũng thấy mình hạnh phúc vô cùng vì đến bây giờ vẫn còn có mẹ.


Ngà ơi! Cúc hy vọng sẽ tìm ra được gia đình anh Thân, quê bạn ở Phú Thọ, bạn sẽ hỏi thăm giúp Cúc nhé! Cảm ơn bạn nhiều.



Từ: Guest thungakiev
16/12/2013 14:32:54

Chuyện xúc động quá. Mình sẽ lưu ý hỏi về gia đình anh Thân nhé



Từ: Guest kimhongcqn
16/12/2013 14:32:20

chị oi e rat xúc động. bao giờ chị về quê cho e biết e gửi chút quà cho bác chị nhe. chị hay yêu mẹ đi. chị còn hp hơn em đó



Từ: CucNT
16/12/2013 10:06:14

Chị Huyền ơi! Chị đã viết cho em "Là em, cô bé đó ư? trong Comment "Anh trai tôi". Em cảm nhận câu hỏi đó như những lời yêu thương trìu mến nhất từ tấm lòng của chị và giờ đây chị đã đọc "Mẹ tôi" bằng cả tấm lòng mình. Chị hiểu vì sao em thường hay hờn dỗi chị, bởi khi chị đến với em bằng tấm lòng của 1 người chị gái bao dung thì em thấy mình nhỏ bé cần được ấp iu.


Chị Huyền , chị Ba ơi! Hình ảnh mẹ em là hình ảnh của những người mẹ Miền Trung trong những năm tháng đau thương của lịch sử dân tộc. Gia đình em may mắn còn vẹn nguyên sau chiến tranh, hàng vạn người mẹ khác đã ngóng chờ mòn mỏi nhưng những đứa con đã không trở về.


Có thể ai đó ước rằng mình được sinh ra trong 1 gia đình khá giả, có dòng dõi trâm anh thế phiệt để cuộc sống của bản thân đỡ hơn còn 9 chị em chúng em nếu được lựa chọn, dù có phải chịu thêm nuôn ngàn đắng cay cơ cực khác chúng em vẫn xin được lần nữa làm con của mẹ. Mẹ là người mẹ vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất của chúng em!


Cảm ơn tất cả những lời cầu chúc tốt lành nhất các ACE đã dành cho mẹ và gia đình em!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s