LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG
Tác giả: (CucNT Sưu tầm)
-------------------------------------------------------
BẢN QUYỀN CHO MỘT TIẾNG LÒNG
Và rồi cuối cùng, tôi đã phải làm cái việc đăng ký bản quyền cho một tiếng lòng - một việc mà vì không muốn làm tổn thương đến tình cảm thiêng liêng với đồng bào, đồng đội mà bao nhiêu năm nay tôi đã không nỡ làm. Cũng vì vậy, cho dù khi làm cái ...việc mang tính thủ tục pháp lý này, tôi cũng chẳng phải vì để đòi cái này, buộc cái kia, so đo chắc lép một tiếng lòng thiêng liêng, khi bài thơ đó, tiếng lòng đó đã , đang và mãi mãi được đồng bào, đồng đội GIỮ DÙM như một thứ BẢN QUYỀN NHÂN DÂN…
Vâng, cho dến bây giờ, kể từ chiều ngày 27/7/1987, khi rứt lòng thốt lên những câu chữ, thành bài thơ “ Lời người bên sông” như hiện nay …Tôi không nghĩ bài thơ lại được đồng bào, đồng đội cảm nhận, và trân quý , đồng thời cũng là đề tài tranh luận vê câu chữ, khiến bài thơ đến với mỗi người với những dị bản khác nhau, dù chỉ là vài từ xuôi, ngược… và dị bản nào cũng được người đọc, người ngâm khẳng định chắc như nêm: Đó là thơ Lê Bá Dương.
Từng đã có một quãng thời gian, hiện tượng: một bài thơ có nhiều dị bản được đưa lên luận bàn khắp nơi, đặc biệt cũng tốn khá nhiều giây mực…Theo đó, tôi với tư cách tác giả cũng đã có một vài bài viết, giới thiệu chính xác từng câu chữ, ý tứ bài thơ …Tuy nhiên, gần đây, không những không giảm, mà ngày một nhiều hơn những cuộc tranh luận xung quanh câu chữ trong bài thơ…Và thật tệ hơn, gần như đang có hẳn một “chiến dịch” cho rằng: Bài thơ này Lê Bá Dương “ăn cắp từ thơ dân gian, sửa lại thành thơ mình” ?. Thậm chí mới đây từ Thái Bình , một vài người xưng là hội viên hội văn học nghệ thuật Thái Bình, sau khi vào Quảng Trị làm fim tài liệu về đã quả quyết : Hai câu đầu trong bài thơ này là thơ của “lính ngụy”??? Những “hội viên “ này khi được đề nghị cho biết căn cứ về lời xác quyết trên, đã trả lời: Thông tin này được trưởng ban thời sự Đài truyền hình Quảng Trị khẳng định (?)… Thực lòng tôi cũng chẳng tin người Quảng Trị lại bạc ngôn với một tấm lòng như tôi. Nhưng dù sao thì những thông tin bịa tạc dù vô tình hay hữu ý đó cũng đã trực tiếp làm nhem bẩn sự trong trẻo của một tiếng lòng vẹn nguyên không chỉ riêng tôi được viết nên từ xương máu đồng bào, đồng đội. Hơn thế, đó còn là tấm lòng, và là sự tri ân của cả một thế hệ được sống trong hòa bình nhưng vẫn day dứt khôn nguôi khi nhớ về những đồng đội thân yêu đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước.
Vậy nên, dẫu rằng bài thơ và là tiếng lòng mình đã và đang được đồng bào đồng đội giữ gìn, nhưng để tiếng lòng đó không vì một sự vô tình hay hữu ý làm vẩn đục tôi đã phải thực hiện việc đăng ký bản quyền – một việc làm mang tính thủ tục pháp lý lẽ ra không nên áp cho một tiếng lòng .
Nhân đây, xin được trở lại bài viết THƠ TÔI MÃI MÃI MỘT TIẾNG LÒNG đăng trên tạp chí VĂN HIẾN VIỆT NAM , và cùng với bài viết này, xin được tặng anh chị em bạn bè trong và ngoài “làng phây” nguyên tác bài thơ trong bản in chính thức kèm bằng chứng nhận bản quyền.
THƠ TÔI MÃI MÃI MỘT TIẾNG LÒNG
NHỮNG DỊ BẢN QUANH BÀI THƠ
Bài thơ được “viết” vào chiều 27/7/1987. Xin được đóng ngoặc kép chữ “viết” vì cái cách làm thơ, hoặc làm vế đối bất chợt trong đầu và nhớ nhập tâm rồi sau này tiện lúc nào thì viết thành chữ vào nhật ký, hoặc in sách báo...Theo cách viết này, nếu in tôi có thể in vài tập đầy đặn, và bài thơ LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG cũng cùng một cách viết như vậy.
Về nguyên bản bài thơ đầu tiên được thốt ra như thế này:
Đò lên Thach Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
Viết vậy bởi hôm đó, sau lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội. Tôi, một mình ngồi lặng lẽ bên bờ Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền của cô bác ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Cứ vậy từng lời như từ trong ngực tôi mà thốt ra thành câu, thành chữ như vậy thành bài thơ – đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính với mọi người trong cả dòng đời xuôi ngược.
Bài thơ “viết” để trải lòng mình nên tôi không gửi in ở đâu, ngoại trừ một lần cuối năm 1987 khi cùng nhà văn Thế Vũ đi dự đại hội Văn nghệ thừa thiên Huế trở về Nha Trang, nằm trên tàu tôi có đọc cho Thế Vũ nghe. Sau này vào khoảng đầu năm 1990, trong một lần chuyện trò với 2 người bạn là nhà văn Đỗ Kim Cuông và nhà văn Thế Vũ tại hội văn nghệ Nha Trang, Thế Vũ bỗng gợi lại chuyện bài thơ và nói với nhà văn Đỗ Kim Cuông rằng: Lê Bá Dương không chỉ là nhà nhiếp ảnh mà còn viết ký và thơ “đọc được” lắm. Nhân đó Thế Vũ bảo tôi đọc lại bài thơ với ý định giới thiệu trên tạp chí Cánh Én (tạp chí của hội Văn Nghệ Nha Trang nơi Thế Vũ đang phụ trách biên tập). Đỗ Kim Cuông nghe xong nói ngay: Bài thơ rất cảm động, nhưng xót xa quá. Và về câu chữ, từ “xin” cứ lặp đi lặp lại nhiều lần có nên không? Nghe Đỗ Kim Cuông nhận xét, tôi giải thích là bài thơ chỉ là lời thỉnh cầu xuất phát từ tâm trạng xót xa của một người lính với đồng bào, đồng đội đã hi sinh, đó chính là cảm xúc, là tâm trạng của tôi. Nói vậy nhưng sau đó, khi ngẫm lại ý kiến của Đỗ Kim Cuông về từ từ xin, vậy nên khi chép lại cho Thế Vũ và Đỗ Kim Cuông, tôi đã sửa lại từ XIN trong câu đầu tiên thành từ ƠI… Đây là thán từ gọi đò theo phương ngữ Quảng Trị. So với từ xin thì từ ơi đò… bớ đò… hoặc đò ơ… khi gọi lên có tiếng đồng vọng nên nghe thắt thẻo hơn. Riêng 2 câu sau được viết lại thành hai câu: Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. Với bản thơ này, anh Đỗ Kim Cuông đã biên tập sử dụng in trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hoà số kỷ niệm ngày TBLS 27/7/1990 với bản mới:
Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Bẵng qua năm 1992, tôi được mời về dự kỷ niệm 20 năm giải phóng Quảng Trị (2/5/72-2/5/92). Trong dịp này, nghe có cuộc hành hương về nguồn của đoàn thanh niên Quảng Trị về chiến khu Ba Lòng, tôi đã nhập cuộc với các bạn trẻ làm chuyến bộ hành về nguồn. Cùng đi có nhà báo Đào Tâm Thanh, nhà báo Lê Đức Dục ( cùng ở Báo Quảng Trị) và nhạc sỹ Thế Hùng.
Trong chặng đường về chiến trường xưa đầy ắp cảm xúc, cùng với những bài hát tếu táo hồi chiến tranh, tôi đã đọc một vài bài thơ ngẫu hứng viết trong một thời trận mạc, trong đó khi Lê Đức Dục hỏi về “sự tích” tôi thả hoa trên sông Thạch Hãn đã được nhà báo Văn Thuần viết cho chương trình Văn Nghệ mừng xuân của đài phát thanh Quảng Trị phát trong đêm 30 tết 1987. Kể lại cho Lê Đức Dục nghe câu chuyện trên, tôi buột miệng đọc lại bài thơ thay cho việc lý giải cả một câu chuyện dài về việc tôi về thắp hương, thả hoa cho đồng đội trên núi, trên gò đồi và sông suối ở Quảng Trị. Bẵng đến tháng 7 năm 1991, theo ý của Lê Đức Dục muốn “viết một cái chi đó” cho tạp chí Cửa Việt… Tôi đọc lại cho Lê Đức Dục bài thơ và sau đó không lâu, bài thơ được in thay cho phần mở đầu và được nhắc lại ở phần viết về tác giả bài thơ trong Tuỳ bút của Lê Đức Dục trên tạp chí Kiến thức ngày nay, số 180, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1992 (Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh) với tựa bài: “Thành cổ Quảng Trị- Khúc tưởng niệm của lau trắng và phượng hồng”. Và không chỉ một lần in trên KTNN, sau này từ mối quan hệ anh em, ngưỡng mộ và quý trọng nhau giữa tôi và Lê Đức Dục, bài thơ đã nhiều lần được Lê Đức Dục giới thiệu qua nhiều bài viết về Quảng Trị, và cả viết về chân dung nhân vật, sự kiện trên báo Tuổi Trẻ… Có thể nói, Lê Đức Dục là người đầu tiên và là người có nhiều bài viết rất sâu sắc, cảm động về tôi cũng như bài thơ của tôi. Trong đó đặc biệt là bài tuỳ bút: Sử thi về một giòng sông in trên Tuổi Trẻ chủ nhật số 29 (số ra tháng 7/1998) được nhiều bạn đọc quan tâm. Cũng trong bài viết này, Lê Đức Dục đã nhắc lại bài thơ:
Đò xuôi Thach Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Như vậy, cũng như bài thơ in trên KTNN, từ lên và ơi… trong câu đầu đã được viết thành từ xuôi và xin. Ở câu cuối từ mãi mãi được viết thành từ bãi mãi. Ngay trong bản thơ xuất hiện một cách khiêm nhường tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, cũng có hai từ chưa chính xác. Đó là từ xuôi và từ xin vốn dĩ nguyên bản là từ lên và từ ơi.. Sở dĩ dùng từ lên bởi có ngược lên thì người ta mới phải vất vả khuấy mái chèo đến độ người lính phải xót xa. Và từ ơi là thán từ gọi đò ơ...ơi... đò. Ơ...ớ... đò ... nghe có tiếng đồng vọng... và là phương ngữ Quảng Trị nghe thắt thẻo hơn, da diết và âm vọng hơn trong không gian Thạch Hãn nhạy cảm và linh thiêng.
Nói vậy, nhưng có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt là bài thơ còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào, đồng đội. Vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ một vài câu, người khác nhớ cả bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác nhau. Vì vậy nếu nói như vậy là dị bản thì đây là một dị bản đầu tiên trong những dị bản được nhiều người ở Quảng Trị nói riêng và của cả nước nói chung đọc và ai cũng khẳng định đó mới chính là thơ... Lê Bá Dương. Các dị bản như vậy thường chỉ khác nhau một vài từ như :
DB1:
Đò XUÔI Thach Hãn XIN chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ BÃI mãi ngàn năm.
DB2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ XIN trong câu đầu
Đò XUÔI Thạch Hãn ƠI chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ BÃI mãi ngàn năm
DB3khác vớiDB3 ở từ LÊN thay cho từ XUÔI trong câu đầu và từ mãi thay cho từ BÃI trong câu 4
Đò LÊN Thach Hãn ƠI chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ MÃI mãi ngàn năm
Cũng có bản từ HAI MƯƠI trong câu thứ 3 được đổi thành từ ĐÔI MƯƠI … Như vậy, ngoại trừ nguyên bản ban đầu với “nguyên bản” thứ 2 do tác giả sửa thì các dị bản được truyền miệng trong nhân gian không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên cho dù đọc với chính bản hoặc bất cứ một dị bản nào đều cảm nhận đó chỉ là tiếng lòng vẹn nguyên của tác giả gửi gắm vào những dòng thơ xót xa hòa lẫn máu và nước mắt, thấm đậm tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Bởi vậy có lẽ cũng không nên đem các bản thơ đặt lên bàn cân săm soi chẻ từ, chiết nghĩa từng chữ trong một bài thơ dồn nén cảm xúc như vậy làm gì. Với tôi, tuy là tác giả, nhưng tôi vẫn coi bài thơ là tiếng lòng của mọi người. Và nói cho cùng, bài thơ không chỉ là bài thơ được viết bằng xương máu đồng bào, đồng đội. Hơn thế, đó còn là tấm lòng, và là sự tri ân của cả một thế hệ được sống trong hòa bình nhưng vẫn day dứt khôn nguôi khi nhớ về những đồng đội thân yêu đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước.
Nói như nhà báo Nguyễn Chính trong một buổi giao lưu với các bạn văn nghệ sỹ khi nhắc đến các bài thơ nổi tiếng rằng: Lịch sử dân tộc ghi nhận nhiều bài thơ, câu thơ nổi tiếng thời đại. Riêng bài thơ Lời người bên sông của Lê Bá Dương không những nổi tiếng mà còn là bài thơ có mãnh lực đánh thức mọi thời đại.
VÀ CŨNG NHIỀU GIAI THOẠI.
Do bài thơ là tiếng lòng lại được viết và xuất hiện từ mảnh đất thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một vài cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số điện thoại tác giả…Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời thỉnh cầu, bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đưa bài thơ đi nhà in, thấy thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy, tôi giải thích: Đó chỉ là lời người bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả và thế là “Lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ…
Trở lại với bài thơ, có nhiều người cứ tưởng bài thơ còn nhiều câu nữa nên điện hoặc trực tiếp đề nghị tôi cho biết trọn vẹn cả bài thơ. Nhưng thực sự do lối viết thơ ngẫu hứng như viết nhật ký bằng văn vần, nên các bài thơ của tôi thường rất ngắn. Dài nhất cũng chỉ chục câu như bài “Cha con”. Tôi viết như một nén nhang thắp cho hai cha con đồng đội tôi cùng hy sinh trong một ngày, và ngắn là “bài thơ” vỏn vẹn có …2 câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá, tôi lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ và cũng là hai vế đối:
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
Mãi tới dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, cô bé bấy giờ đã là cựu du kích trao lại cho tôi tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ của tôi viết 2 câu thơ. Hôm mới rồi đi cùng đồng đội lên cao điểm 544, anh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương.
Nhân trải lòng như một sự thể hiện chính kiến của mình về bài thơ, xin được chép tặng bạn đọc nguyên tác bài thơ của tôi:
LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Nha Trang 1/1/2014
LÊ BÁ DƯƠNG
Người post: CucNT
Ngày đăng: 05-01-2014 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |