KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 16 Tháng hai. 2014

CHÙA BỐI KHÊ QUÊ TÔI VÀ CÂY SEN CÀNH




Tác giả: SonTM

Đến thăm ngôi chùa cổ ở làng Bối Khê - xã Tam Hưng - huyện Thanh Oai - Hà Nội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một loài hoa đặc biệt, màu trắng, tỏa hương thơm ngát và có hình dáng gần giống như bông hoa sen vẫn thường thấy trong các ao hồ. Người dân Bối Khê vẫn gọi loài hoa này là hoa sen đất. 

Ngôi chùa cổ kính

Chùa Bối Khê, tên chữ là Đại Bi, ở làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ thứ XIV), thờ Đức Thánh Bối Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp.

 

 


Chùa được bố cục theo lối đặc biệt: Tiền đường, tả hữu hành lang và nhà Tam bảo dựng theo kiểu chữ Quốc. Nhà Hậu đường được kết hợp với điện thờ Thánh làm thành chữ Công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính.

 

 

Từ đường cái nhìn vào, cách cổng chùa 50m về phía tay trái là lăng Quận công Lê Tiến Quý, người thôn Bối Khê (thời Lê Trung Hưng), phía tay phải là đền thờ Đức Ông. Trước cổng chùa là khoảng sân rộng, có cây đa, cây đề cổ thụ.

 

 

 

Cổng chùa có 5 cửa, 1 cửa chính và 4 cửa phụ. Qua cổng chùa là chiếc cầu nhỏ xây bằng gạch, vắt ngang hào nước hẹp thả bèo xanh mướt, dẫn tới Tam quan cao 2 tầng, 8 mái. Tầng trên treo 2 quả chuông lớn, mỗi quả cao 1m, đường kính 20cm. Hai bên tam quan có trồng 2 cây đại lớn, trổ hoa màu hồng rất đẹp. Qua khỏi tam quan là sân gạch rộng, có lư hương bằng đá ở giữa, xung quanh trồng cây đại, cây móng rồng và nhiều cây cảnh khác.

 

 

 

Kiến trúc chùa không được chạm khắc nhiều song đây là một ngôi chùa còn ghi lại những mô típ kiến trúc gỗ có chạm khắc những họa tiết, những hình chim thuộc phong cách nghệ thuật thời cuối Trần (thế kỷ thứ XIV – XV).

 

 
 

 

Đáng chú ý nhất về kiến trúc là tòa Tam bảo thờ Phật, Pháp, Tăng gồm ba gian, được cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng có 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái chia thành 7 gian.  Hai vì kèo giữa còn mang phong cách nghệ thuật Trần đậm nét, các đầu bẩy đỡ mái ở phía bên ngoài được chạm khắc hình rồng, đầu bẩy góc bên trái phía ngoài chạm một chim thần Garuđa. Tòa Tam bảo nay tuy đã được sửa chữa nhiều lần nhưng về cơ bản, cấu trúc kiến trúc vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bên phải Tam bảo là nhà bia dựng năm 1450 ghi sự tích đức Thánh Bối.

 

 
 

 

Sau Tam bảo là Hậu cung thờ Thánh, kiến trúc theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái. Hệ thống đầu đệm có tính chất trang trí nhiều hơn là chú ý về độ bền chắc. Bên trong điện thờ thánh có những mảng kiến trúc chạm khắc theo chủ đề tứ linh, tứ quý, vân hoa cùng các loại họa tiết hình học, đặc biệt là những đường gãy khúc.

 

Chùa Bối Khê còn giữ lại được nhiều di vật quý: bệ tượng bằng đá được chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá… có niên đại Sương phù lục niên (1382). Trong chùa có nhiều tượng phật, trong đó đáng chú ý nhất là pho tượng quan âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt ở Tam bảo. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, có 18 vị La Hán ngồi trên bệ đá, thể hiện đủ gương mặt tương tự các vị La Hán chùa Tây Phương.

Có hay không một loài sen trên cạn?

Hiện ở chùa Bối Khê có 3 cây sen đất, 1 cây tổ cao chừng 5m, trồng cạnh Hậu cung thờ Thánh và 2 cây con cao khoảng 2m được chiết từ cây tổ và trồng gần Tam quan. Cây sen đất thân mộc. Lá cây mặt trên xanh bóng, mặt dưới có lông mịn màu nâu nhạt. Hoa sen đất từ khi đơm nụ đến khi bung cánh đều có hình dáng rất giống với hoa sen nước. Mùa hoa sen khoảng từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch, hoa nở 1-2 tuần mới tàn và có mùi thơm.  Đứng dưới gốc cây, có thể ngửi thấy mùi thơm rất dễ chịu.

 

 
 

 

Không ai biết chính xác cây sen tổ được trồng từ khi nào. Theo lời người bảo vệ già trong chùa thì khi ông sinh ra, trong khuôn viên chùa đã có sự hiện diện của loài sen kỳ lạ này. Những người già trong làng truyền lại rằng cây sen tổ có nguồn gốc từ nước ngoài, được những người dân trong vùng đi buôn bán ở nơi xa đưa về trồng trong chùa.

 

 

 

Người dân Việt Nam đã quen thuộc với câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Trong khi hầu hết mọi người cho rằng  “cành hoa sen” đó chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú cho câu ca thêm phần lãng mạn, bởi hoa sen làm gì có cành; thì người dân làng Bối Khê lại tin rằng cành hoa sen được nhắc tới trong câu ca dao chính là cành cây sen đất trong khuôn viên chùa.

 

 

 

Trên báo chí đã có ý kiến cho rằng cây sen đất thực ra không phải là cây hoa sen (lotus) mà là cây mộc lan (magnolia) thường gặp ở xứ lạnh, và cái tên sen đất chẳng qua là do người dân địa phương thấy bông hoa có hình dáng giống hoa sen nên gọi như vậy. Chưa có kết luận chính xác nhưng với người dân nơi đây, họ vẫn luôn tin đó là loài hoa được nhắc đến trong câu ca dao nổi tiếng. Và khách thập phương đến thăm chùa Bối Khê vẫn biết đến loài hoa có màu trắng ngần và mùi thơm tinh khiết này với cái tên là Hoa Sen Đất.

 

Hằng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch. 14 thôn lân cận rước kiệu thánh làng mình về tế lễ thánh Bối Khê, sau đó rước kiệu thánh lên đình Kim thờ Hai Bà Trưng. Một dự án trùng tu chùa với tổng kinh phí 15,87 tỉ đồng được khởi công vào tháng 11-2005 và phải mất ba năm mới hoàn thành.

 

Dù được công nhận là di tích quốc gia hạng đặc biệt, là một trong sáu di tích quan trọng hàng đầu của Hà Tây cũ (cùng với chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, làng cổ Đường Lâm), lại nằm trong vòng cung du lịch chùa Hương - Quan Sơn - làng nghề Hà Tây nhưng đến nay chùa Bối Khê vẫn vắng vẻ khách thập phương, người hành hương, chiêm bái di tích. Một ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo vào bậc nhất VN, ngát hương sen kỳ lạ vẫn chưa được mấy người biết đến.

 

Mời các ACE KGU hãy đến hành hương tại ngôi chùa cổ quê tôi.

 

SonTM (Tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau)


Người post: SonTM

Ngày đăng: 16-02-2014 11:11






Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest BM
18/02/2014 08:41:36

Ảnh đẹp, người dẫn cũng dạt dào cảm xúc ở mỗi câu chữ! công sức của ông cha xây nên đã được giữ gìn nơi đây, BM cũng mong sớm được đến đây thắp hương cúng Phật vãn cảnh Chùa:


Rưng rưng ngắm cảnh tiền nhân


bao nhiêu công sức xây nên Chùa này


Cổ thụ cây cối sum vầy


cây sen đất cũng khoe đầy hoa thơm,...




Bồng lai, tiên cảnh cũng nhầm


phải chăng cõi mộng hay thầm chiêm bao


Bối Khê yên bình, thanh tao,


ngắm cảnh, lạy Phật, dạt dào tình quê!



Từ: 3Chai
17/02/2014 14:59:23

Họ nhà Mộc lan có loài rất phổ biến ở VN, đó là cây ngọc lan. Tuy nhiên phần lớn các loài mộc lan ưa khí hậu ôn đới hơn nên cây "sen đất" của anh Sơn mới thuộc loại hiếm. 


Mộc miên thuộc một họ khác, gọi là họ Gạo. Cây gạo đỏ thường gặp ở làng quê đồng bằng còn được bà con vùng thượng du gọi là mộc miên hay hồng miên. Ở Tây nguyên cây này lại có tên là Pơ-lang. 


Tiếng dân dã chúng ta không câu nệ lắm về mặt khoa học. Chẳng hạn cũng gọi là DỪA nhưng dừa cạn chả có chút xíu gì gây liên tưởng đến cây dừa cho nước giải khát vừa bổ, vừa sạch, cho cùi làm mứt, làm dầu, cho lá lợp nhà... Cũng gọi là CÁ nhưng cá sấu không thuộc lớp cá mà là bò sát, còn cá heo và cá voi thì thuộc về lớp thú (động vật có vú).


Mình nhớ hồi học dự bị, có anh chàng Volodia ở cùng phòng biết chút tiếng Pháp, hay tập tọe mượn đọc quyển tự điền Nga-Việt của mình. Một hôm anh chàng bảo mình với giọng rất nghiêm trọng: "Tớ thấy người Việt Nam các cậu có sai lầm rất lớn, không thể hiểu nổi, ấy là gọi con delfina (dolphin) là CÁ".  


Có bao giờ bạn cắc cớ với những người bạn Ăng Lê, rằng là tại sao họ lại lấy tên Seahorse đặt cho một loài cá? Chả phải chúng ta cũng gọi nó là con "cá NGỰA" đó sao?



Từ: NhuanNT
17/02/2014 12:34:35

Anh Sơn ơi, hoa trong ảnh trên là Magnolia theo tiếng Anh, tiếng Việt hình như là hoa mộc lan hay mộc miên gì đó,  rất phổ biến ở Australia va NZ. Có nhiều màu. Loài trồng ở chùa có lẽ là Magnolia grandiflora. Hoa thơm nở vào mùa xuân. Cây có thể cao tới cả chục mét ở các vùng ẩm như nước ta. Dưới đây là vài hình ảnh lấy từ internet.





 



 






Từ: SonTM
16/02/2014 20:30:58

 


@HanhLT từ Trình Xá, Đỗ Động bạn phải đi lêm Kim Bài, sau có từ Kim Bài có đường liên xã xuống thẳng Bối Khê, Tam Hưng. Đường dài khoảng 6km


Anh @ThangNT và @BinhNH, Từ Hà Nội có xe bus số 78 chạy từ Bến xe Mỹ Đình -> Phạm Hùng->Khuất Duy Tiến->Nguyễn Trãi->Trần Phú (Hà Đông)->Quang Trung (Hà Đông)->Ba La->Quốc lộ 21B (đi chùa Hương)->Thạch Bích->Bình Đà->Tỉnh lộ 71(Đường 427) qua Bối Khê (nằm phía bên phải) còn làng bên trái là Đại Định ( quê hương của bác Tạ Đình Đề huyền thoại) xuống xe đi bộ khoảng 1km là đến chùa. bến đỗ cuối cùng của tuyến này là  Thường Tín. Tuy nhiên phải đợi lâu vì 30 phút mới có một chuyến.


Lộ trình khoảng 20 km


 



Từ: HanhLT
16/02/2014 17:08:42

Ngày xưa đi sơ tán mình cũng học với một số bạn ở Tam hưng, quê ngoại mình ở Đỗ động ,Thanh oai, không biết từ làng Trình xá đi tắt qua Tam hưng có xa không? mình phải tìm hiểu để có dịp qua vãn cảnh chùa.



Từ: ThangNT
16/02/2014 14:32:11

Chùa quê Sơn đẹp và lạ quá. Tôi cũng muốn biết cách thức đến thăm quê Sơn và vãn cảnh chùa (như Bình Kều gợi ý). Tết vừa qua lớp 73 chúng tôi có đến chùa Tiêu. Tôi rất thích, vì đấy mới là đi vãn chùa nhân dịp xuân về: sạch sẽ và tĩnh mịch. Mong sao chùa quê Sơn vẫn giữ được như vậy mãi.



Từ: BinhNH
16/02/2014 13:32:23

 


Anh Sơn viết hay thế mà ít viết. Anh phát huy lên nhé.


Em chưa biết hoa sen đất đấy. Lạc hậu quá thật.


Riêng các loại sen có lẽ phải hỏi em Nguyệt, em ấy sưu tầm các loại sen.


Thấy ảnh trong bài về ngôi chùa Bối Khê khá đẹp, lại có lịch sử hay. Anh mách cho bọn em có tuyến xe bus nào chạy từ Hà nội về đó không? Nếu có là xe số mấy, đỗ ở đâu. Mấy bà già bọn em sẽ về thăm chùa Bối Khê và ngắm sen đất.


 


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s