KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 05 Tháng năm 2014

Tôi thăm Điện Biên Phủ




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Với tôi, cũng như với bao người VN khác, cái tên ĐBP gần gũi biết bao nhiêu. Năm 1964, khi tôi đang học lớp 1, tôi được vào sân vận động Hàng Đẫy để dự mít tinh nhân 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm đó tôi được xem tái hiện trận chiến đấu cuối cùng của chiến dịch Điện Biên khi bộ đội ta xông vào hầm Đờ Cát và phất là cờ VN trên nóc hầm. Năm 1973 vào một ngày cuối năm học lớp 10 (năm cuối của giáo dục phổ thông khi đó), tôi được gọi lên kiểm tra miệng môn sử về “Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng ĐBP”. Tôi đã trả bài rất ngon lành, trích dẫn những tư liệu không chỉ có trong SGK hay bài giảng của thầy dạy sử, ví như trích dẫn nội dung và thời gian mà Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh mở màn chiến dịch trước khi quân ta tiến đánh cứ điểm Him Lam (tôi đã thuộc lòng diễn biến của chiến dịch ĐBP từ khi còn nhỏ).

Đặc biệt hơn ngày 7/5/1984, 30 năm chẵn kể từ ngày kết thúc trận ĐBP, tôi đang học nghiên cứu sinh tại Pháp. Vào buổi thời sự hàng ngày lúc 20h, các đài truyền hình của Pháp đều mở đầu bằng tin “Cách đây 30 năm, ĐBP đã thất thủ” và sau đó các đài đều dành gần nửa buổi thời sự để đưa tin và bình luận về trận đánh nổi tiếng này mà người Pháp đã thua trận tại đó. Tôi biết hơn quan điểm của người Pháp, của các nhà sử học và sỹ quan Pháp về trận đánh này.

Thế mà đến năm nay 2014, năm kỷ niệm 60 năm chiến thắng ĐBP, tôi vẫn chưa lên thăm mảnh đất thiêng liêng miền Tây Bắc ấy. Vì vậy tôi và Nguyệt đã cố thu xếp thời gian để lên thăm ĐBP vào cuối tháng 4/2014. Sắp đến ngày kỷ niệm 60 năm nên book vé máy bay rất khó, đến mức không thể đi ĐBP vào cuối tuần, mà chỉ có thể đi trong tuần.

Sân bay Mường Thanh đã đi vào 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng”

Sân bay là nơi đón nhận khách du lịch đi bằng đường hàng không đến ĐB. Không còn vết tích gì của một sân bay thời chiến tranh xưa. Tại chiến dịch ĐB, quân ta đã cắt đứt đường lên xuống của sân bay Mường Thanh, buộc quân Pháp phải dùng thả dù để tiếp tế. Không ít số dù đã rơi vào tay quân ta, trong đó có cả kiện hàng rượu ngon, thuốc thơm dành cho Đở Cát khi ông ta được phong cấp tướng.

Đi cùng chuyến bay của chúng tôi là một đoàn cựu chiến binh ĐBP quay lại thăm chiến trường xưa. Các cụ đều đã U90 và rất phấn khởi được quay lại thăm ĐB.

Điện Biên là một thành phố nhỏ miền Tây Bắc, nơi đây không còn rõ những di tích của một trận chiến nổi tiếng thế giới. Sau 60 năm chỉ còn những điểm cao như A1 còn giữ lại những nét của chiến tranh khi xưa. Cầu Mường Thanh trở thành một nút giao thông quan trọng cùng chợ tấp nập. Hầm Đờ Cát bây giờ lọt vào giữa một khu đô thị tấp nập, phố xá đi qua ngay sát hầm. Một thành phố đã hình thành và phát triển trên ngay bãi chiến trường xưa.

Tôi bắt đầu cuộc thăm ĐB bằng lên Mường Phăng, nơi đóng đại bản doanh Bộ chỉ huy chiến dịch. Nơi đây cách ĐBP hơn 30 km, đi qua hồ Pá Khoang rất đẹp và là một điểm du lịch tiềm năng của Điện Biên. Tôi và Nguyệt được thăm hồ bằng ca-nô. Hồ rộng hơn hồ Tây của Hà Nội một chút, được những cánh rừng non xanh bao phủ, thấp thoảng là những nhà nghỉ du lịch mới được xây dựng gần đây, là những cầu treo nối 2 bờ. Hồ này là hồ nhân tạo, được lực lượng thanh niên xung phong Tây Bắc xây dựng từ 1974-1979 nhằm phục vụ cho thủy điện và thủy nông của cánh đồng Mường Thanh. Chúng tôi đều thấy hồ Pá Khoang còn đẹp hơn hồ Thung Nai. Nếu được đầu tư thêm, hồ Pá Khoang sẽ là một điểm du lịch hút khách của ĐB.

Quang cảnh hồ Pá Khoang

Qua hồ Pá Khoang đi thêm hơn 10 km là đến cách rừng Mường Phăng. Trước khi vào thăm Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP bạn có thể ghé thăm những tượng đài được dựng lên bên dưới cánh rừng

Tượng đài "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc thư Bác Hồ gửi bà con dân tộc Điện Biên"

Từ đường nhựa đi bộ hơn 1 km đường rừng là đến khu Sở chỉ huy chiến dịch. Bây giờ đường được bê tông hóa nên rất dễ đi lại. Đường khá dễ đi chứ không phải leo cao như tôi tưởng tượng. Lần lượt các làn trại (đã được dựng lại cho giống với nguyên gốc khi xưa) và các biển ghi danh các địa điểm lịch sử hiện ra trước khi đến được khu chính của sở chỉ huy. Có một con đường hầm 69m nối nơi làm việc của Tổng tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng chiến dịch, còn lại đều là những lán trại nằm trên mặt đất.

Lán làm việc của Đại Tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Những lán trại, hội trường của Sở chỉ huy được xây dựng đơn sơ hơn nhiều so với hầm boong-ke của phía Pháp. Dễ hiểu cuộc chiến tranh nhân dân của người VN có những lợi thế hơn hẳn so với kẻ đi xâm lược. Núi rừng, sông nước là lợi thế của quân ta. Có ở khu Mường Phăng tôi mới thấm thía hơn câu thơ của Tố Hữu khi viết về những cánh rừng Việt Bắc trong thời chiến tranh chống Pháp “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Đường hầm 69m nối nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng chiến dịch

Trên đường quay về ĐBP chúng tôi còn được chiêm ngưỡng tượng đài kéo pháo của quân ta. Những khẩu pháo của QĐNDVN đã nổi tiếng với thay đổi cánh đánh dẫn tới “kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra”, đã nổi tiếng qua bài “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân, đã nổi tiếng làm câm họng pháo binh Pháp, khiến quan năm Pháp Piroth, chỉ huy pháo binh tại ĐBP, đã phải tự tử sau trận hai bên đấu pháo vào ngày quân ta mở đầu chiến dịch Điện Biên, đánh chiếm cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954.

Tượng đài kéo pháo

Về ĐBP, chúng tôi thăm quan ngay hầm Đờ Cát, là Bộ chỉ huy của quân Pháp trong chiến dịch ĐBP. Khu hầm nằm ngay trung tâm thành phố, ngay sát các phố xá đông đúc, đã được che bằng một mái tôn nhựa lớn để tránh hư hỏng của mưa nắng. Các ụ cát đã được làm giả bằng bê tông. Vòm sắt cong nổi lên trên vẫn còn nguyên, cùng toàn bộ phận hầm được đào sâu và khá rộng nằm dưới đất. Đường hầm, phòng làm việc rộng hơn nhiều so với đường hầm và lán làm việc của Sở chỉ huy của quân ta. Tất cả toát lên một sự chắc chắn, bề thế, nhưng những thứ đó đã không giúp cho quân Pháp thua trận tại ĐBP. Nơi đây đã ghi nhận một trong những chiến công hiển hách nhất của VN trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nơi quân ta đã bắt sống một tướng của một quân đội chính quy viễn chinh lớn bậc nhất thế giới khi đó.

Hầm ngầm của tướng Đờ Cát: to, rộng và kiên cố

Chúng tôi ghé thăm tiếp Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên, được xây ngay cạnh đồi Độc Lập khi xưa. Nơi đây chôn cất 2432 liệt sỹ đã ngã xuống tại chiến dịch ĐB. Chỉ có bốn ngôi mộ được chôn riêng và có tên đầy đủ, đó là các liệt sỹ anh hùng: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện và Trần Can. Nghĩa trang được bài trí sạch sẽ, ngăn nắp, có nhiều cây cối bao quanh cùng cổng và đài nghĩa trang to lớn, uy nghiêm. Tôi thấy có rất nhiều vòng hoa viếng các liệt sỹ ĐB của nhiều tổ chức, cơ quan trong cả nước gửi đến. Có 2 bức tường đá dài, trên đó đã khắc tên những liệt sỹ Điện Biên.

Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên

Chúng tôi lên thăm và ngắm tượng đài ĐBP, bằng đồng, vốn được dựng 10 năm trước nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng ĐB. Tượng được bố trí ở đỉnh một ngọn đồi cao nhất thành phố và có một kích thước lớn đáng kể trong những tượng đài ở VN. Nhưng nói thật, nó không có vẻ đẹp tương xứng với quy mô của chiến thắng ĐB. Tôi đã được xem nhiều tượng đài chiến thắng trên thế giới nên lấy làm tiếc cho tượng đài này. Đúng ra nó cần được thiết kế đẹp hơn để xứng đáng với khối lượng lớn đồng được bỏ ra, xứng đáng với tượng đài của một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tượng đài Chiến sỹ Điện Biên

Cuối cùng chúng tôi lên thăm đồi A1, nơi đã diễn ra trận đánh ác liệt nhất của chiến dịch ĐBP. Đây là nơi án ngữ cuối cùng trong cụm các cứ điểm phía đông của trung tâm Mường Thanh. Với kiến trúc hầm ngầm kiên cố, quân Pháp đã kháng cự lại sức tiến công của QĐNDVN trong 39 ngày (từ 30/3/1954 đến sáng sớm 7/5/1954). Cứ điểm A1 chỉ bị hạ khi quân ta đã đào một đường hầm dưới hầm ngầm của quân Pháp và đặt khối thuốc nổ 960 kg, và cho nổ tung hầm ngầm này vào 20h ngày 6/5/1954. Tiếng nổ của khối bộc phá khổng lồ này cũng là hiệu lệnh tổng tiến công đợt 3 vào trung tâm Mường Thanh. 4h30 sáng 7/5, quân ta đã chiếm được hoàn toàn đồi A1, sau đó lần lượt hạ các điểm chốt khác, vượt qua cầu Mường Thanh và bắt sống tướng Đớ Cát vào lúc 17h30 chiều 7/5/1954. Chiến dịch ĐBP kết thúc thắng lợi.

Đồi A1 hôm nay

Chiến thắng ĐBP là một chiến thắng có tầm vóc thế giới, kết thúc cuộc chiến giữa một quân đội chính quy, dày dạn chinh chiến qua bao nhiêu thế kỷ, chinh phục biết bao nhiêu thuộc địa, và một bên là quân đội nhân dân non trẻ chưa đến 10 năm thành lập của một nước thuộc địa nghèo nàn và lạc hậu về kinh tế. Sau chiến thắng ĐB, có 22 nước thuộc địa đã vùng đứng lên đấu tranh dành độc lập từ tay các đế quốc, trong đó rất nhiều nước là thuộc địa của Pháp. Nơi đây là một tập đoàn cứ điểm mạnh và hiện đại của thế giới lúc đó, tập trung hơn 16200 (gồm 16 tiểu đoàn quân Pháp và nhiều đại đội khác), cùng biết bao xe tăng, đại bác và máy bay do Mỹ viện trợ. Nước Pháp là một trong 4 nước đồng minh chiến thắng phát xít Đức ở Đại chiến thế giới thứ 2 (1939-1945). Đến năm 1967, Pháp đã phải trao trả độc lập cho tất cả các thuộc địa của mình, chấm dứt hơn 400 năm chủ nghĩa đế quốc kiểu cũ.

Nên nhớ rằng trong chiến tranh chống Mỹ, chưa có một tiểu đoàn nào của quân Mỹ bị tiêu diệt. Quân đội ta chỉ tiêu diệt đến cấp đại đội quân Mỹ. Qua đó để thấy sự vĩ đại của chiến thắng ĐBP của QĐNDVN, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” do lòng yêu nước, sự đoàn kết và trí thông minh của một dân tộc làm nên.

Hoàng hôn trên hồ Pá Khoang

Nhân dân trên đường vào thăm Hầm Đại tướng

Trước lán làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái

Bếp Hoàng Cầm, nấu ăn nhưng không có khói để che mắt quân Pháp

 

Ao bộc phá trên đồi A1

Ngĩa trang liệt sỹ Điện Biên lúc nào cũng có hoa và hương

Phố đẹp nhất Điện Biên Phủ mang tên Đại tướng. Biển mới gắn buổi sáng, 2 hôm sau mới làm lễ gắn biển.

 

Cửa hàng bán đồ lưu niệm. Người ta nói dân Điện Biên chỉ biết 2 cái tên: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 05-05-2014 02:02






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Vũ Công Chiến
10/05/2014 16:32:11

Xin chào Tác giả bài viết.


Cảm ơn anh rất nhiều về bài viết với nhiều tư liệu và phân tích đánh giá tầm vóc của Chiến thắng ĐBP. Tuy nhiên có một chi tiết này muốn góp ý: Nghĩa trang A1 là Nghĩa trang liệt sĩ (xây dựng từ năm 1958) nằm ở trung tâm Thành phố ĐB, có 644 ngôi mộ, trong đó chỉ có 4 ngôi mộ đặt ở vị trí giữa nghĩa trang có tên 4 anh hùng LS là Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế ăn Đàn, Trần Can, còn lại không đề tên. Còn nghĩa trang LS có 2432 ngôi mộ LS là Nghĩa trang Đồi Độc lập, anh ạ (4 anh hùng LS nói trên không nằm ở đây). Nghĩa trang này đúng là đặt cạnh Đồi độc Lập năm xưa. Cây cối ở đây cao, nhiều và rất mát, khác hẳn NT liệt sĩ A1. Xin mạn phép gửi anh bài viết của tôi về Điện Biên vào đây. Chỉ muốn bổ sung thêm tư liệu, không có ý gì khác, mong anh thông cảm và lượng thứ. Một lần nữa xin cảm ơn anh.


 


Đến với Điện Biên


          Một ngày cuối tháng 4 sau ngày giải phòng Điện Biên 59 năm, tôi mới có dịp đến được với mảnh đất Mường Thanh-Điện Biên Phủ, mảnh đất mà năm xưa đã xảy ra những trận đánh ác liệt và then chốt cuối cùng của bộ đội ta với quân Pháp trước khi miền Bắc được giải phóng.


          Mảnh đất Điện Biên cách xa Hà Nội gần 500 cây số, nhưng lại rất thân thiết với gia đình bên ngoại tôi. Nơi ấy, ngày 28/3/1954 đã diễn ra một trận đánh không cân sức trên cánh đồng Mường Thanh giữa đại đội 78, thuộc tiểu đoàn phòng không 387, đại đoàn 308 với một tiểu đoàn bộ binh lính Âu-Phi. Cậu ruột tôi, đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ và tất cả đồng đội đang trực chiến trên trận địa hôm ấy đã lần lượt ngã xuống sau nhiều giờ chiến đấu. Chỉ có duy nhất một người lính bị thương nặng về sau được cứu sống. Chuyện về trận chiến đấu ấy của đại đội cậu Quỳ tôi đã từng được kể lại và in trong tập truyện "Hàng rào cuối cùng" xuất bản từ năm 1964 nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên.


          Ông bà ngoại tôi có 9 người con trưởng thành. Cậu Nguyễn Viết Quỳ là em kề sát người chị cả là mẹ tôi.


          Phải mất tới 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tới năm 1994, bằng nhiều nỗ lực bền bỉ, đại gia đình chúng tôi mới tìm được phần mộ liệt sĩ. Cậu tôi yên nghỉ trong Nghĩa trang Đồi Độc lập, nghĩa trang lớn nhất trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên với 2432 ngôi mộ, trong đó chỉ có 56 ngôi mộ có danh tính.


          Suốt từ năm 1994, năm nào đại gia đình bên mẹ tôi cũng tổ chức đoàn lên Điện Biên, đến Nghĩa trang Đồi Độc lập để thắp hương cho cậu tôi và các đồng đội của cậu. Mẹ, chị và vợ tôi đã lên Điện Biên. Riêng tôi vì lý do công tác và sức khỏe nên mãi đến năm nay mới cùng Hòa-em ruột tôi- theo các Dì và em họ lên Điện Biên thăm cậu Quỳ.


          Mặc dù đã học và đã đọc nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng lần đầu tiên được tới tận nơi, tôi vẫn choáng ngợp trước cảnh mênh mông của thung lũng Điện Biên với diện tích vài chục cây số vuông.


          Trong ba nghĩa trang liệt sĩ đánh Điện Biên Phủ thì Nghĩa trang Đồi Độc lập là lớn nhất, kể cả về diện tích và số mộ liệt sĩ. Cây xanh vừa tầm trong nghĩa trang rất nhiều, khiến đứng trong nghĩa trang không có cái cảm giác bỏng rát giữa trưa hè như trong nhiều nghĩa trang lớn miền Trung mà tôi đã từng đến thắp hương cho những đồng đội thuộc thế hệ đánh Mỹ chúng tôi.


          Mộ cậu Quỳ tôi nằm ngay đầu dãy thứ ba ngay bên phải cổng vào nghĩa trang. Tôi nhận ra ngay trên bia mộ tấm ảnh chân dung in trên đá, chụp cậu tôi lúc về phép cuối năm 1953, có lẽ do bố tôi chụp, vì ngày còn thanh niên, hai người đã là bạn thân, học cùng một trường cấp Ba hiếm hoi ở miền Bắc lúc bấy giờ. Tấm ảnh này trên bàn thờ nhà tôi cũng có, vì mẹ tôi tuy là phận gái, nhưng lòng nhớ thương người em tài hoa đã hy sinh cho Tổ Quốc quá lớn nên mẹ tôi đã thờ cả bố tôi và em ruột, mặc dù mẹ tôi vẫn còn hai người em trai nữa.


Tôi thắp hương cho cậu tôi và quỳ xuống bên mộ cậu. Lần đầu tiên thắp hương trực tiếp cho cậu, mặc dù cố kìm nhưng tôi không thể ngăn được hai dòng nước mắt. Tôi đã khóc. Tôi khóc vì lòng tiếc thương của một người cháu đối với một người cậu ruột mà tôi chưa biết mặt vì khi cậu tôi hy sinh, tôi mới có bốn tháng tuổi. Cậu tôi là một thanh niên tài hoa, năm 1945 học dở tú tài thì bỏ học theo các mạng. Năm 1946, khi mới 17 tuổi, cậu tôi đã là học viên khóa I của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.


          Nước mặt chồng nước mắt. Tôi còn khóc với nỗi lòng của một người lính đối với một người lính, của một người đồng đội thế hệ sau của cậu tôi. Tôi là người lính thế hệ chống Mỹ. Dầu không cầm súng dài tới chín năm như cậu tôi, nhưng trong chiến tranh tôi cũng là một người lính bộ binh trực tiếp chiến đầu tới vài chục trận trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.


Tôi nhớ ngày tôi nhập ngũ trong cái năm cả nước tổng động viên ấy, bà ngoại tôi xót thương cháu đã khóc rất nhiều. Bà dặn tôi một câu khá đặc biệt: " Nếu chỉ huy có bảo xung phong lên lấp lỗ châu mai thì đừng có lên, cháu nhé". Tôi không biết tại sao bà lại biết rằng lấp lỗ châu mai tức là sẽ hy sinh. Tôi chỉ biết là bà thương tôi và chắc có nghĩ rằng tôi cũng có thể sẽ hy sinh, không trở về như cậu Quỳ tôi. Nếu như vậy thì bà ngoại và mẹ tôi sẽ trở thành hai người đàn bà có chung số phận, vì tôi cũng có một chị gái.


          Bà tôi và chắc rất nhiều người không biết rằng, người lính khi ra trận sẽ hành động thế nào. Bản năng người lính và tình thương đồng đội sẽ làm người lính quên đi bản thân mình trước đồng đội. Rất có thể khi gặp tình huống trong chiến đấu như anh hùng Phan Đình Giót, tôi cũng sẽ quên lời bà dặn mà hành động giống như anh. Nhưng có thể trong ước vọng của bà ngoại, còn có cả sự phù hộ của cậu tôi dành cho đứa cháu ruột là tôi khi ra trận, nên tôi đã không gặp phải tình huống gian nguy cần có người lấp lỗ châu mai. Tôi đã trở về sau chiến tranh với mẹ, với bà.


          Và hôm nay, tôi có mặt ở đây để thắp hương cho cậu tôi. Để cảm ơn cả số phận đã trả lại tôi về với mẹ tôi sau chiến tranh nữa. Tôi cứ chắp tay khấn cậu và nghĩ miên man như thế, mặc cho nước mắt rơi.


          Cùng các Dì và các em, tôi còn đi khắp nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sĩ Điện Biên. Thật đau lòng là nơi đây cũng có nhiều phần mộ khuyết danh quá, chẳng khác phần lớn các nghĩa trang chống Mỹ là bao. Chỉ có một câu chung dành cho các liệt sĩ ghi nơi đài tưởng niệm của các nghĩa trang: " Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ".


          Trong bốn ngày ở Điện Biên, đại gia đình chúng tôi còn đi thắp hương cho các liệt sĩ ở những nghĩa trang khác nữa, nhưng ngày nào cũng đến thắp hương cho phần mộ của cậu tôi và các đồng đội tại nghĩa trang Đồi Độc lập.


          Tôi cũng đi thăm di tích hầm Đờ-Cát, thăm đồi A1… Mỗi nơi, tôi đứng thật lâu, nhìn địa hình, đem chút kinh nghiệm lính của mình, đối chiếu với những điều đã ghi trong sách về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa để hình dung ra những trận đánh dai dẳng và ác liệt của thế hệ cha chú mình với tụi lính  thực dân Pháp.


          Thật mãn nguyện và hài lòng vì mình đã có một chuyến đi thăm chiến trường xưa đầy ý nghĩa.


          Cùng đại gia đình trở về Hà Nội, tôi tạm biệt cậu Quỳ và mang theo lời dặn của các Dì. Sẽ lên thăm cậu nhiều hơn và khi các Dì các Cậu  của tôi đã yếu thì đám anh em con cháu chúng tôi sẽ tiếp quản đón nhận tình thương và tiếp tục tổ chức những chuyến đi Điện Biên, lên thăm cậu. Chúng cháu không bao giờ quên ơn hy sinh của cậu và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc./.


 


 Đường link của bài viết:


https://www.facebook.com/notes/v%C5%A9-c%C3%B4ng-chi%E1%BA%BFn/%C4%91%E1%BA%BFn-v%E1%BB%9Bi-%C4% 91i%E1%BB%87n-bi%C3%AAn/407085909390812


 



Từ: Guest BM
07/05/2014 10:05:17

Điện Biên hôm nay cây xanh ngút mắt,


hoa ngát hương bên hàng chữ tên Anh,


trời Điện Biên nắng tràn, sáng mát lành,


bồng bềnh mây bay, ghé thăm Đồi A1,...


 


Điện Biên, hôm nay bồi hồi, sửng sốt,


đơn sơ thế sao, hầm Đại tướng năm nào?


Đất Mẹ chở che, giữa rừng sâu ẩm ướt,


đầy hồn dân tộc, quyết tử, quyết sinh,...!


 


Lặng lẽ cúi đầu, trước những anh linh,


vì đất nước tự do, máu đào nhuốm đỏ,


ngọn cờ bay, bay mãi đầu ngọn gió,


Anh nằm đây, giữ Tổ quốc bình an,...


 


Trời Điện Biên hoa ban nở nắng tràn,


Hồ Pá Khoáng níu chân bao du khách,


Đền đài xưa hương thầm thì nhẹ mách,


đất linh thiêng bởi đất hóa tâm hồn!


 


Gạo Điện Biên nức tiếng thơm ngon,


bởi đất này ngập tràn hồn chiến sỹ,


chị gánh, anh thồ,... kéo pháo lên bền bỉ,


chiếm điểm cao,... Pháp khuất phục cúi hàng!


 


Đi giữa hàng mộ chí, giữa Nghĩa trang,


lòng cảm phục tri ân người đã ngã,


nã đầu thù,... máu anh chị tô điểm từng phố xá,


đang bừng lên sức sống của Điện Biên!


 


Ôi ngàn năm, ngàn ngàn năm,... dễ ai quên,


mồ tử sỹ vẫn hương thầm xao xuyến,


giữa bầu trời Điện Biên đầy lưu luyến,


những vần thơ ngùn ngụt chí Điện Biên!



Từ: LienTP
06/05/2014 11:06:06

 


Mình cũng chưa đến Điện Biên Phủ, nhưng đã  biết được thêm nhiều qua bài viết rất chi tiết và nhiều ảnh sinh động này. Cảm ơn Hội trưởng. Mình nhất định sẽ thu xếp một ngày nào đó đến được nơi này.


 Cách đây vài hôm, Báo Quân đội nhân dân có mời các chiến sĩ Điện Biên và thân nhân các chiến sĩ đã mất, mình đưa mẹ mình đến tham dự. Lần đầu tiên mình được nghe kể những chi tiết về những phóng viên báo ở chiến trường này, mà lại là chính nhà báo lão thành, chiến sĩ Điện Biện, chú Phú Bằng, chú Khắc Tiếp, chú Lê Kim. Hai chú ở ngay cạnh nhà mình. Tòa soạn chỉ vẻn vẹn có 5 người, đi lấy tin và viết bài, vẽ tranh cổ động tranh châm biếm, rồi hỏi cung tù binh Pháp, lấy thông tin từ mọi vị trí chủ chốt trong chiến dịch: đơn vị chiến đấu, dân công, thanh niên xung phong, nhân dân. Rồi đội ngũ 12 người chuyên xếp chữ in ấn. Các chú, các bác đã cho ra 33 tờ báo trong suốt thời gian đó. Phụ trách tờ báo lúc đó là bác Hoàng Xuân Tùy, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những bài chính luận đều do bác viết trên cơ sở những thông tin từ Đại tướng. Mình chưa được xem các tờ báo, mà mới chỉ đọc quyển “Tòa soạn tiền phương trong rừng Mường Phăng” do Báo QĐND tập hợp các bài viết Ký ức về Điện Biên của các nhà báo lão thành và thân nhân của họ. Nhiều người trong số đó đã không còn nữa. Những bào viết của các chú các bác thật hào hùng, mang lại sức mạnh và niềm tin cho biết bao người.


 


Mình cũng thật tự hào có bố là chiến sĩ Điện Biên, tham gia từ ngày đầu chiến dịch trong Trung đoàn Công binh. Bác Phạm Hoàng, kỹ sư xây dựng thời Pháp là Trung đoàn trưởng, còn bố là Chính ủy. Công binh với những công việc gian nan vất vả và rất thầm lặng. Đó là những người mở đường cho các đoàn quân bộ binh, pháo binh, dân công tiếp vận. Họ đào hào, đào và xây hầm chỉ huy Bộ chỉ huy mặt trận, các đơn vị tác chiến với những công cụ vật liệu thật thô sơ. Và chiến công được vinh danh nhất là đào đường hầm đưa thuốc nổ vào phá tung đồi A1. Ở nhà còn giữ được một mảnh vải dù từ thời đó và chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên của ông. 


 


 



Từ: Guest LiTM
06/05/2014 10:54:11

Tôi đã lên Điện Biên không biết bao nhiêu lần, cũng được dự 50 năm thành lập tỉnh Đảng bộ ĐB, có huy hiệu Điện Biên phủ, thắp hương nghĩa trang, thăm hầm Đại tướng, thăm Đền thờ Người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất, nơi có hai cây đa cuốn ngọn lại với nhau thành vòm cao cháo đón khách thập phương, linh thiêng và trang trọng, nhưng lại chẳng viết được dòng nào, cũng như không thể viết được như HT. Bravo anh Ngọc, niềm tự hào, kiêu hãnh và tình yêu Điện Biên chất chứa ở mỗi dòng viết, rất thực và hay. Tối qua tôi đã đọc mà không com. được. Ai lên Điện Biên, hãy dành thời gian để nghe các cháu bé, theo chân du khách kể về từng địa danh, các câu chuyện lưu truyền và cả những chứng tích lịch sử còn để lại. Hãy im lặng đứng trên đồi A1 để hình dung về những người lính áo trấn thủ đẫm nước và máu, giữ và lấn để chiếm các cứ điểm. Hãy tự ngâm ngợi bài thơ Điện Biên của Tố Hữu và thắp hương mỗi nẻo đường mình đến, bởi nghĩa trang chỉ là nơi tụ họp, còn các anh chị nằm ở khắp nẻo đường Điện Biên. Mùa này hoa ban còn nở, chỉ tiếc một điều, dịp đại lễ này, nghe trên ấy báo, không còn khách sạn, nhiều người phải ở nhờ nhà dân. Người dân ĐB ngoài Bác và Đại tướng như anh Ngọc nói, họ cũng rất nhớ và tri ân Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái!



Từ: HuongNT
05/05/2014 22:45:58

Đúng là một người làm toán viết văn, bài viết của hội trưởng không chỉ chi tiết, kỹ lưỡng...mà còn cẩn thận, chính xác đến từng con số, ngày tháng...khiến cho bài viết thật sinh động và thêm súc tích. Tôi đã từng để lỡ mấy cơ hội đến Điện Biên, nhưng hôm nay được đọc bài của bạn Ngọc, xem các hình ảnh minh họa làm cho tôi có cảm giác như cũng được thăm quan Điện Biên vậy.  Cám ơn bạn vì điều đó!


@ Thu TT: Bài "Gặp anh nuôi Hoàng Cầm" của Thu rất hay. Một cuộc gặp gỡ tình cờ của Thu với một con người nổi tiếng nhưng lại vô cùng giản dị, khiêm nhường khiến cho người đọc thêm cảm phục ông. 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 



Từ: CucNT
05/05/2014 21:32:45

Em đã ao ước được tham quan Điện Biên Phủ mà chưa có dịp. Hôm nay được đọc bài của anh Ngọc, chi tiết, tỷ mỹ, chính xác và hấp dẫn Có lần anh Ngọc comment bài của em Cúc đã viết " như một người yêu lịch sử , anh muốn biết...". Quả thật không phải là "như" mà chính xác anh là người rất yêu lịch sử nên đã viết về lịch sử bằng tất cả tấm lòng mình, trân trọng và bao dung.


Những hình ảnh anh minh họa thật rõ nét. 


Em chợt nghĩ hay là năm sau, Kgu tổ chức Du xuân ở Tp. nào đó và tất cả chúng ta sẽ cùng đi du lịch 1 chuyến tới Điện Biên Phủ. Nơi đã ghi dấu chiến thắng "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" của dân tộc ta.


Có thể các tượng đài chưa tương xứng, có thể thái  độ phục vụ của các nhân viên bảo tàng chưa đúng mức nhưng điều quan trọng là ta đã có 1 đỉnh cao mà hướng tới để tự hào, để suy gẫm và để sống có trách  nhiệm hơn với dân tộc mình. 


Cảm ơn Hội trưởng và phu nhân Hội trưởng đã làm nền cho những  bức hình minh họa đầy ý nghĩa.



Từ: Guest ThuTT
05/05/2014 19:00:53

Nhìn thấy ảnh Nguyệt đứng bên bếp Hoàng Cầm, tôi nhớ lại những lần gặp gỡ với chính tác giả của căn bếp nổi tiếng này trên Tam đảo vào những năm 80. Vì tôi không làm sao tự đăng bài được nên xin phép Hội trưởng copy một bài viết cũ của tôi về cuộc gặp mặt với ông vào đây


 


Gặp anh nuôi Hoàng Cầm
Ở Việt nam ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có ba người nổi tiếng tên là Hoàng Cầm. Một là nhà thơ Hoàng Cầm, người đi « tìm lá diêu bông » ở « Bên kia sông Đuống ». Hai là trung tướng Hoàng Cầm và ba là anh nuôi Hoàng Cầm, tác giả của bếp Hoàng Cầm mà không một người lính nào không biết.
Học tập các chú bộ đội (tự bé lúc nào cũng được giáo dục là phải noi gương các chú bộ đội nên tôi rất thấm nhuần), tôi rất hay đi dân vận khi ở Tam đảo (thời gian khỏang đầu những năm 80). Một lần rẽ vào một nhà để hỏi mua bí đỏ (bí đỏ ở Tam đảo quả nhỏ nhưng rất ngon), tôi gặp một bác gái rất vui tính. Bà đang sao chè nên mời tôi vào bếp ngồi chơi nói chuyện. Vì sao chè rất lâu nên tôi có đủ thời gian tỉ tê hỏi bà đủ chuyện. Bà bảo dân Tam đảo đa phần là người ở Nam hà lên làm thuê cho Pháp khi người Pháp xây khu nghỉ mát này. Người làm thợ xây, ngừơi làm vườn , người nấu ăn và quan trọng là trông nom nhà cửa cho chủ suốt mấy tháng mùa đông không ai lên Tam đảo. Những người có dịp hay lên Tam đảo đều biết nhiều khi Tam đảo mù mịt trong mây, trong mù, đứng cách vài mét đã không còn thấy gì. Tam đảo hồi trước rất biệt lập, nếu không có xe cơ quan tiếp tế thì chỉ có nước ăn cơm với muối, chứ nhiều khi ngọn su su lớn không kịp với nhu cầu. Tôi hỏi bà chủ nhà ngày xưa ở Tam đảo chợ búa thế nào thì bà bảo, hồi trước Cách mạng tháng Tám, mỗi tuần có một phiên chợ ở chỗ dốc gần nhà Ủy ban, dân ở dưới Vĩnh yên, dân bên Lập thạch, dân Sán dìu đem hàng lên bán nhiều lắm. Hai bác cháu đang trò chuyện vui vẻ thì ông chủ nhà đi rừng về. Ông nhỏ người, trầm tính. Thấy ông vào sân bà bảo tôi : « Ông nhà tôi đấy cô ạ. Cũng là dân dưới Hà nam, lên đây làm anh bếp, hồi kháng chiến thì đi bộ đội làm anh nuôi. Cũng được mấy cái thành tích, bây giờ thì về nghỉ. Còn khỏe nên cũng thỉnh thoảng đi rừng chặt vài bó sặt với cuốc vài miếng đất trồng chè ». Tôi lên nhà chào ông, ngước lên tường thấy treo rõ nhiều giấy khen. Bước vào gần hơn, tôi thấy «Chiến sĩ thi đua toàn quân : Hoàng Cầm ». Bằng khen hồi đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân năm 56-57 gì đó (tôi không nhớ chính xác). Anh nuôi, chiến sĩ thi đua, Hoàng Cầm. Nối ba cái thông tin này lại với nhau tôi chợt nghĩ không lẽ đây là tác giả của bếp Hoàng Cầm nổi tiếng. Tôi rụt rè hỏi ông : "Bác ơi, thế bác là người tạo ra cái bếp Hoàng Cầm nổi tiếng phải không ạ ?» «Đúng đấy. Có gì đâu cô, tôi vốn là anh bếp, hồi nhỏ lại cũng hay đi hun chuột nên biết cách làm bếp dấu được khói thôi mà ». Tôi chưa bao giờ là bộ đội, chưa bao giờ nhìn thấy người ta đào một caí bếp Hoàng Cầm như thế nào nhưng như bất cứ ai lớn lên ở Việt nam thời bấy giờ đều hiểu giá trị vĩ đại của nó. «Thế sau đó thì bác làm gì nữa ạ ?». «Làm gì là thế nào hả cô , tôi chỉ biết mỗi một nghề nấu ăn, hết làm anh nuôi thì tôi phục viên về làm nông ». Không phải là nhà văn nhà báo gì nên tôi không biết chia xẻ cái thông tin này với ai, chỉ cứ cố liên kết hình ảnh một ông già bé nhỏ, ngồi bên bậc thềm của một ngôi nhà nhỏ trên một đỉnh núi mù sương nhưng mát mẻ và đẹp đẽ với những câu thơ như : « Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy »...
Ở chỗ tôi làm việc có một chú là bộ đội phục viên, có thâm niên quân ngũ trên chục năm. Một lần tôi kể chuyện gặp tác giả bếp Hoàng Cầm ở Tam đảo, chú ấy khẳng định : «Mày nhầm rồi cháu ạ. Cái ông Hoàng Cầm làm ra cái bếp nổi tiếng ấy bây giờ là tướng rồi. Một người nổi tiếng thế thì không thể về ở một cái xó không ai biết đến ở Tam đảo được». Tôi tin là mình không nhầm nhưng biết là không dễ thay đổi được tư duy của nhiều người : người nổi tiếng thế thì không thể là một người dân thường được.
Sau này, mãi đến những năm 90 có nhà báo nào đó đến Tam đảo, viết bài chụp ảnh về ông để đăng báo. Còn tôi thì nhớ mãi có một người nổi tiếng mà chẳng mấy ai biết mặt nói với tôi rằng : «Tôi chỉ biết mỗi nghề nấu ăn, hết làm anh nuôi thì tôi phục viên... ».


 


 



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
05/05/2014 15:04:37

Tôi đã được lên Điện Biên Phủ 2 năm trước. Dự lễ cầu siêu cho các liệt sĩ ở nghĩa trang Điện Biên Phủ. Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ sống mãi trong lòng người Việt Nam. Đồi A1 thì tôi nhớ rất nhiều qua các bài Lịch sử phổ thông, nhưng khi đứng trên A 1 quan sát mới hiểu hết tầm quan trọng của chiến thắng đồi A 1 và nghệ thuật cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đó du khách Pháp rất đông. Họ làm những việc mà tôi không hiểu động cơ.Họ dùng những chai uống nước, những bịch ni lon lấy đất ở hầm Đờ cat đem về.Cám ơn Ngọc có bài rất chi tiết, có những điểm Ngọc tả tôi còn chưa được đến.


Bài của Ngọc còn cho tôi một chiêm nghiệm thú vị. Đi du lịch, người không cầm máy ảnh rất sướng. Toàn ảnh người đó, không thấy ảnh mình đâu. Có đâu mà thấy! 



05/05/2014 13:13:52

Gửi các anh chị,


Việc tiêu cực ở tượng đài Chiến sỹ ĐB còn dài. Sau khi xây dựng, tượng dài bị sụt lở do thi công ẩu, bớt xén. Sau đó người ta còn điều tra ra là khi đúc tượng, cũng bị bớt xén. 7 cá nhân đã bị truy tố và vào tù vì tội này. Và còn rất nhiều điều bất cập khác của cuộc sống hôm nay ở VN nói chung, ở ĐB nói riêng.


Nhưng các anh chị ko nên tập trung vào những tiêu cực này. Hãy nhìn ĐB như 1 địa danh chói sáng đã đi vào sử sách của VN, đã vươn ra toàn thế giớ với tầm vóc của nó, nơi đã gắn 1 chiến công hào hùng của dân tộc VN chống giặc ngoại xâm thực dân Pháp, nơi đã gắn với tên tuổi của Đại tưởng Tổng tư lệnh VNG và biết bao cái tên đáng tự hào khác.


Trên Wikipedia viết rằng một cơn lũ to ở ĐBP đã làm trôi mất các bia mộ có tên của các liệt sỹ ĐBP, nên bây giờ không thể gắn tên các liệt sỹ, trừ 4 anh hùng nổi tiếng như đã đề cập ở trên.


Có 1 địa danh nên ghé thăm là Bào tàng chiến thắng ĐB. Rất tiếc hôm tôi ở thăm ĐB bảo tàng này vẫn chưa xong. Đến hôm nay, 5/5/2014, bảo tàng đã mở cửa đón khách vào thăm quan.


Hình anh Bảo tàng ĐBP khi đang thi công. Lưu ý khối tròn và những nét đường chéo thể hiện mũ với lưới chéo của các anh bộ đội cụ Hồ thời đánh Pháp và trong chiến dịch ĐBP




Từ: BaLX
05/05/2014 10:47:19

Mình chưa một lần lên ĐBP, hôm nay đọc bài của Ngọc và các còm của mọi người, mình đã hình dung được những địa điểm chính của các di tích lịch sử ở ĐBP, chắc một lần nào đó mình sẽ cố gắng lên thăm ĐBP. Cũng như các bạn, mình thấy Tượng đài ĐBP hoàn toàn không tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa của chiến dịch ĐBP. Bởi lẽ, những người có trách nhiệm trong ngành VHTTDL từ TW đến địa phương đâu có tâm và tầm trong việc phát triển và quản lý các lĩnh vực trong ngành của mình. Còn Vị BT Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đúng là dân dự bị Kis, nhưng Vị này cũng không phải là chính khách có tâm và tầm của dân.  




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s