27-7-2014
Tác giả: Nguyen Nam Khanh
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM BA
Nguyễn Nam Khánh - K2.Trường Trỗi
(Đăng lại theo nguyện vọng của cháu TỪ SỬ HOÀNG, giáo viên Bồng Sơn - Quảng Ngãi!)
“Hành trình đi tìm Ba” - là tựa đề câu chuyện tôi kể sau đây - chuyện hoàn toàn có thật, nếu bạn đang đi tìm mộ cho người thân thì đây là bài học hữu ích cho bạn. Là một nhà kỹ thuật nên bài viết của tôi hơi lủng củng, mong bạn đọc lượng thứ.
Gia đình tôi, Ba má tôi đều là dân xứ Huế. Vào những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước ông bà đều sinh sống tại tỉnh Phú Yên. Khi CMT8 năm 1945 bùng nổ, Ba tôi nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ba và Má tôi gặp nhau và lấy nhau. Sau đó chúng tôi (NamKhánh, NamNguyên và NamĐông) ra đời tại Tuy Hòa. Năm 1954, khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Má tôi ẵm em Đông (sau này học K6) lúc đó mới 7 tháng tuổi, còn tôi và Nguyên (học tương đương K4) lẽo đẽo theo sau, hai anh em tôi khóc lên khóc xuống vì đường đi quá xa từ Tuy Hòa ra Quy Nhơn phải đi bộ mất nhiều ngày mới tới nơi (thỉnh thoảng mới có xe ngựa để đi một chặng) lên tàu thủy để ra Miền Bắc. Má con tôi sống ở Hải Phòng, Ba tôi ra Bắc sau và sống ở Nông trường quân đội 19-5 Phủ Quỳ - Nghệ An. Năm 1956, thấy 2 năm rồi nhưng nước nhà chưa được thống nhất Má mới cho tôi đi học lớp vỡ lòng ở trường HSMN số 22 Hải Phòng. Sau đó, Má chuyển công tác vào Bến Thủy -Nghệ An. Tuy vậy Ba tôi ở cách Má tôi hơn trăm cây số. Phương tiện đi lại lúc đó vô cùng khó khăn, cả năm cùng lắm về thăm vợ con được một hai lần. Thời gian công tác ở Bến Thủy, Má tôi sinh em Vinh. Năm 1962, Ba tôi chuyển ngành và công tác tại bộ GTVT, còn tôi sau khi học ở các trường HSMN (số 22, 19, 14 và 27) cũng về với Ba, Má và các em . Má tôi lại chuyển ra Hà Nội và công tác tại Nhà máy hoa quả xuất khẩu. Tới 1964 Má sinh thêm em tôi và được đặt tên là Quang. Năm 1965, Ba tôi tái ngũ sau khi gặp được một chú là đồng đội cũ của từ trong Nam ra đi tìm những chiến sỹ đã từng chiến đấu ở LK 5 yêu cầu trở về theo tiếng gọi của quê hương. Ba tôi được huấn luyện lớp tình báo chiến lược. Khi trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi được thành lập thì Ba gởi Tôi (K2) và em Đông (K6) vào trường. Năm 1966 Ba tôi vào Nam chiến đấu. Như các bạn đã thấy Ba và Má tôi sống gần với nhau chỉ khoảng 3 năm thôi. Kể ra thế để lớp con cháu chúng ta thấy được sự gian khổ và thủy chung của các ông bà ngày trước.
Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi mong ngóng từng ngày tin tức của Ba nhưng bặt vô âm tín. Năm 1977 tôi có ghé qua khu tập thể Nam Đồng và tìm gặp chú Cao Phát (nguyên là Thiếu tướng) và hỏi chú về Ba tôi. Chú nói rằng Ba cháu ở cùng với chú, năm 1967 Ba cháu đi vào công tác tại tỉnh Bình Định. Sau đó họ báo về Ba cháu đi công tác cùng mấy người ở Bình Định và bị mất tích. Đến 1978 gia đình tôi nhận được 2 giấy báo tử nhưng ngày tháng năm hy sinh lại khác nhau. Trong bằng Tổ Quốc ghi công lại ghi Ba tôi hy sinh 25-12-1967. Trước đó, chúng tôi vẫn hy vọng rằng Ba tôi có thể còn sống và biết đâu ông sẽ trở về trong một ngày gần nhất
Tìm mộ Ba - cuộc hành trình bất tận
Năm 2000 cô tôi rất sốt ruột về chuyện chưa tìm được mộ anh, nên cô đã đi tìm thầy nổi tiếng ở Huế tìm dùm cho. Cả nhà tôi từ Hà Nội và Cần Thơ đều tập trung về Huế để tìm. Sau 2 ngày vất vả, 5 anh em chúng tôi và con các bác, con chú, con cô cùng với cô và chú lên núi và tìm. Nhưng kết quả sau khi thầy xác định là mộ nhưng đào mãi mà không có mộ. Anh em chúng tôi lại phải kẻ vào Nam người ra Bắc để tiếp tục công tác. Sau đó ông thầy nầy chỉ cho chú tôi ngôi mộ trong nghĩa trang huyện Phong Điền và nói đó là mộ Ba tôi đã được quy tập về đây. Thế là hàng năm chú tôi vẫn cho các em ra thăm viếng và thắp nhang cho ngôi mộ đó. Các em con của chú tôi làm ăn khá lên và chú tôi lại càng tin tưởng là mộ Ba tôi. Chú nói với tôi để cho chú làm bia gắn lên ngôi mộ đó cho Ba tôi. Tôi không đồng ý. Cũng xin nói thêm rằng chúng tôi cũng chưa tin vào ngôi mộ đó là của Ba tôi.
Trước đây, tôi cũng có hỏi một chú cùng công tác với Ba tôi trong thời gian chống Mỹ (Chú Cao Phát). Chú nói rằng trong thời gian năm 1966, 1967 chú đã ở cùng Ba tôi (Sau nầy tôi mới biết là 2 người cùng ở Văn phòng Khu ủy Khu 5 đóng tại Trà My – Quảng Nam) nhưng năm 1967 Ba tôi đi công tác ở Bình Định rồi sau đó họ báo về cho chú là Ba tôi mất tích. Như vậy chiến trường của Ba tôi là chiến trường Liên khu 5, chẳng lẽ do thiếu cán bộ mà họ đã điều Ba tôi về Huế. Nhưng biết đâu đây là nhiệm vụ do cấp trên điều động.
Khi chúng tôi về quê và nghe chú tôi kể rằng sau tết Mậu Thân năm 1968 có một người đội nón lá ghé qua chợ Tây Lộc và gặp bà nội kế của tôi và báo ông Hối có 5 người con và vợ ở Hà Nội, ổng về Huế chiến đấu và hy sinh trên núi rồi. Những thông tin trên cũng làm cho anh em tôi phân vân suy nghĩ.
Thời gian dần trôi, anh em chúng tôi cũng không biết đường nào để đi tìm Ba vì không có cơ sở nào để tìm cho chính xác. Một phần nữa vì phải bươn chải với cuộc sống hàng ngày nên chưa thể có kế hoạch tìm Ba cho cụ thể.
Năm 2005, cô tôi vẫn quyết tâm tìm cho được mộ của Ba tôi. Cô đã bỏ cả công ăn việc làm và đi tìm nhiều người họ lại chỉ mộ Ba tôi cũng ở trên khu vực gần nơi lần trước chúng tôi đã tìm. Thế là anh em chúng tôi lại về quê một lần nữa, nhưng lần nầy thì chỉ còn có 3 người có thể đi vào được, vì 2 chú em tôi bị bệnh nên không đi xa được nữa (Nam Nguyên và Nam Đông phải chạy thận nhân tạo). Đại gia đình chúng tôi đã đi lên núi 2 ngày rồi cũng không tìm được mộ của Ba tôi. Cuộc tìm kiếm lần nầy cũng đông như lần trước. Anh em chúng tôi tạm biệt quê trở về nơi sinh sống và công tác.
Ngày 27/4/2008 vợ chồng chúng tôi quyết định làm một cuộc hành trình từ Cần Thơ về thăm quê nội, quê ngoại, thăm anh em bạn bè đang sống ở một số tỉnh trên cả nước và tiện thể sẽ tiếp tục tìm mộ Ba tôi vì đã nhiều năm nay gia đình tôi đã tổ chức đi tìm nhưng chưa thấy được.
Gọi Hồn
Ngày 30/4/2008 lại trùng vào ngày đám giỗ của Ba chúng tôi (ngày 25 tháng 3 âm) gia đình tôi làm cơm cúng Ba, rồi họp mặt và quyết định đi tìm mộ Ba vì bây giờ tôi là người có quỹ thời gian rộng rãi nhất khi đã về hưu, tuy tuổi đã 60 nhưng sức khỏe vẫn có thể cố gắng đi tìm Ba được. Sau khi ở Hà Nội, nơi mà chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm trong cuộc đời. Hai vợ chồng tôi về quê ngoại, thăm bà con bên ngoại. Trong thời gian đi thăm bà chị vợ lấy chồng ở Thanh Hóa, chúng tôi đã gặp nhiều người dân ở đây nói rằng có một cô có khả năng tìm mộ rất chính xác. Chúng tôi đã đến điện của cô, tiếng tăm của cô nổi khắp nước. Sau bốn ngày chờ đợi, vợ chồng tôi mới tới lượt. Cô nói Ba tôi hy sinh ở Quảng Trị và mộ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) ở xã Trung Gian, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tôi được cô hướng dẫn khi vào nghĩa trang từ tượng đài đi lên phía trước bên tay phải hàng thứ 3 ngôi thứ 2 là mộ của Ba tôi. Chúng tôi lập tức rời Thanh Hóa mua vé tàu về Huế để thăm bà con cô bác, huy động một số anh em bà con đi xe máy từ Huế ra Gio Linh ngay ngày hôm sau. Trên đường đi, tôi đã để ý rất nhiều NTLS nhưng chưa thấy một NTLS nào lại có
tượng đài ở phía trước. Khi đoàn chúng tôi tới NTLS xã Trung Gian trước mắt chúng tôi là một NTLS nằm trên một ngọn đồi, tượng đài được nằm ở vị trí đầu tiên 2 bên là các dãy mộ rất đẹp. Tôi thấy như vậy là cô tả rất đúng. Tôi bước lên phía trước và cũng đi tìm như cô nói thì ngôi mộ đó đã có tên người khác. Tôi dùng điện thọai liên lạc cho cô nhưng không tài nào liên lạc được - giờ nầy cô đang thực hiện công việc hàng ngày của cô là gọi hồn. Đoàn chúng tôi đành rời huyện Gio Linh – Quảng Trị để về Huế. Vợ tôi đã hết phép vì vậy phải mua vé tàu từ Huế đi TP Hồ Chí Minh.
Còn tôi ngay đêm đó phải đón xe đò từ Huế ra Thanh Hóa. Sáng hôm sau, tôi mua đồ cúng và đăng ký để được gặp vong của Ba tôi. Lần nầy, cô lại nói rằng vong của bà cô tổ về và nhập vào cô ấy . Từ nhỏ tới giờ tôi có biết bà cô tổ là ai đâu. Bà cô tổ lại chỉ cho tôi ở vị trí khác. Tôi hỏi vong: Bà có biết má con tên gì? Cô nói bà cô tổ đi mất rồi. Tôi lại đón xe đò đi từ Thanh Hóa về Huế. Nghỉ một ngày cho lại sức. Tôi và chú em con của cô tôi lại ra Gio Linh lần nữa. Đến vị trí mà cô nói bà cô tổ tôi chỉ thì cũng giống như lần trước ngôi mộ cũng đã có tên. Tôi gọi địên thoại cho cô nhưng không liên lạc được. Tôi nghĩ mình vẫn còn may nếu cô biết được quy luật của NTLS nầy là hàng thứ 8 và 9 là mộ “Liệt sỹ chưa biết tên“ thì cô chỉ vào đó chúng tôi sẽ tin ngay. Anh em chúng tôi quay về Huế . Ngay tối hôm đó, tôi đón xe đò ra Thanh Hóa. Đi từ Huế lúc 19h thì sáng hôm sau đến Thanh Hóa lúc 5 giờ . Tôi kiếm nhà trọ bên cạnh thuê phòng ngủ. Khoảng 7h30 cửa điện của cô ấy mở tôi vào mua lễ cúng và khấn cho vong Ba tôi về để qua cô ấy cho tôi gặp. Sau 2 ngày tôi mới đến lượt nhưng lại không phải vong Ba tôi mà lại cũng vong bà cô tổ. Tôi hỏi tại sao con đã đến 2 lần ở NTLS rồi nhưng không đúng mộ Ba. Bà cô tổ lại nói cho một vị trí mộ khác. Tôi lại hỏi bà cô tổ vì sao Ba con đi B ở chiến trường LK5 lại hy sinh ở Gio Linh – Quảng Trị. Bà cô tổ nói con cứ vào chỗ bà chỉ đi lần sau ra đây mới gặp được Ba con. Và bà cô tổ đi mất không trả lời câu hỏi của tôi. Qua 3 lần vào để nghe gọi hồn cô nói rất nhanh, bản thân tôi muốn hỏi để trắc nghiệm xem có phải là Ba tôi không nhưng không thể nào hỏi được. Có hỏi được thì cô lảng sang vấn đề khác.
Tôi lại vào Huế, bàn lại với chú em thì thấy vị trí mộ chỉ lần nầy cũng có tên người rồi. Vì đã đi 2 lần nên chúng tôi biết rất rõ sơ đồ trong NTLS nầy, thường là hàng thứ 8 và 9 là các mộ liệt sỹ chưa biết tên. Chỉ có những ngôi mộ nầy là có hài cốt còn các ngôi mộ có tên là của người địa phương họ đã mang về nhà để lo mồ mả. Ở đó chỉ còn là tấm bia mà thôi. Tôi quyết định không theo cô nầy nữa.
Bạn có thể hỏi tại sao tôi lại dễ tin quá hay không? Tôi xin nói rằng có nhiều người đã xem ở đó khi ra tôi thấy họ rất mỹ mãn với buổi gọi hồn. Tên của cô không thua kém các nhà ngoại cảm có tiếng, trong khi đó cô là một người phụ nữ đẹp. Rất nhiều xe con của các tỉnh về và gọi hồn. Một phần nữa là hôm đầu, khi gọi là vong Ba tôi về thì cô nói ngay tên vợ tôi (sau nầy tôi mới nhớ mình đã tiết lộ thông tin tên vợ mình cho cô em gái của cô ấy) và nói vợ tôi ngồi xuống sau đó khen con dâu chu đáo, đảm đang,... Sau một hồi thì cô lại hỏi tên một đứa cháu trong gia đình hiện giờ ra sao? Đúng là đứa cháu nầy nó khổ và vất vả từ nhỏ. Lúc bấy giờ cháu đã có chồng nhưng đứa con đang phải nằm Viện liên tục. Tôi nghĩ có lẽ cuộc đời nó quá khổ nên ông luôn quan tâm đến nó. Chính vì vậy tôi mới đi tới 3 lần, mục đích là tìm được mộ Ba mà thôi.
Qua đó tôi thấy rằng nếu cô nầy có "chân gỗ" ở tại Gio Linh thì đảm bảo tôi sẽ bị lừa 100% và nếu không tỉnh táo thì có thể lại bốc hài cốt của người khác đem về thờ. “Chân gỗ“ chỉ cần cho cô biết quy luật mộ “LS chưa biết tên” ở vị trí nào trong NTLS là cô sẽ nói như thật cho mà xem. Tôi cũng nghĩ rằng việc các nhà ngoại cảm rởm là có thật, nhất là người ta chỉ cần đi vào một số NTLS sẽ tìm được quy luật của các nghĩa trang bố trí mộ “LS chưa biết tên” ở những vị trí nào? Từ đó họ có thể vẽ sơ đồ cho bạn được ngay.
Ngoại cảm nửa vời
Ở Huế mấy ngày, tôi và các em con cô, chú tôi lại vào thắp nhang một ngôi mộ tại NTLS xã Phong Mỹ huyện Phong Điền. Ngôi mộ vô danh nầy gia đình chú tôi vẫn tin tưởng là mộ của Ba tôi (Ở trên tôi đã kể năm 2000 gia đình tôi đã lên núi tìm mà đào nhưng không thấy hài cốt của Ba tôi). Tôi đã đọc nhiều bài trên báo về chuyện tìm mộ bằng phương pháp để trứng vịt sống trên chiếc đũa, nếu trứng đứng trên đầu đũa thì đó là mộ người thân mình. Tôi đã dùng phương pháp nầy với 2 chiếc đũa tre và 2 quả trứng vịt sống. Nhưng chỉ được với 1 quả trứng, các em con của chú tôi đã để trứng đứng trên đầu đũa trên ngôi mộ vô danh nầy khoảng 1 giờ (Do tay run nên tôi không đặt được). Trước khi đi tôi có hỏi một người ở TP Huế, bà ta tự cho mình có thể xác định được đất mà chúng ta lấy ở nghĩa trang mang đến, bà có thể xác định được người ở trong mộ tên là gì và nhiều thông tin khác của người đó. Tôi cũng xin phép vong của ngôi mộ đó cho tôi được mượn một nắm đất, sau khi xác định xong danh tính của liệt sỹ tôi sẽ trả lại. Tôi đã lấy một nắm đất và đưa đến thẳng nhà bà ta. Tôi viết một tờ giấy và yêu cầu bà xác định người trong mộ có phải là Ba tôi không? Nếu phải thì cho tôi biết tên của má tôi và tên các anh em tôi. Sau 3 ngày tôi quay lại và nhận kết quả trả lời. Bà ấy bảo: người trong mộ nầy chính là ba anh. Tôi hỏi: “Thế các thông tin khác như họ tên của má và anh em chúng tôi sao không hỏi?”. Bà ta bảo những thông tin ấy tôi quên mất. Tôi hỏi bây giờ muốn biết các thông tin ấy thì làm thế nào? Bà trả lời: -Muốn hỏi tất cả thông tin của Ba anh chỉ có kiều hồn. Nhưng khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch mới làm được việc nầy. Nếu anh ở Cần Thơ ra Hà Nội thì phải tốn khoảng 16 triệu đấy. Tôi chỉ viết các thứ cần mua để gia đình đi mua. Phải ra Hà Nội vì cửa điện của tôi ở ngoài đó. Bà nói nếu không gọi được thì bà không lấy tiền. Tôi thấy bà nói thế thì cũng đồng ý, tôi xin số điện thoại của bà và tôi cũng không quên ghi lại số điện thoại của mình. Bà ta cũng không ngờ rằng má và các em tôi đang sống ở Hà Nội. Tôi cũng nghĩ có lẽ bà nầy thử xem mình có dám làm không với số tiền lớn như thế.
Ra Hà Nội tôi họp gia đình và hỏi ý kiến các em tôi. Chúng tôi cũng nhất trí để kiều hồn Ba tôi về để xem có đúng là ngôi mộ đó là của Ba tôi không? Và chúng tôi dự trù kinh phí lên tới 20 triệu đồng. Đến bấy giờ cũng chưa thấy bà ấy gọi điện cho tôi(?).
Cuộc hành trình không ngưng nghỉ với những cứ liệu mới
Sau khi họp gia đình xong tôi nói với má: “Má đưa cho con các thư mà Ba đã gởi cho Má trong những năm Ba còn chiến đấu ở chiến trường cho con xem”. Trước đây khi hỏi những lá thư nầy thì bà nói: “Có còn đâu nó bị mối ăn và má đã đốt hết rồi”. Lần nầy thì bà đưa ra và tôi đã có trong tay một số thư mà Ba tôi đã gởi từ ngày vào Nam chiến đấu tới lúc hy sinh. Tôi đã soạn các lá thư nầy và sắp xếp theo thời gian từ 1966 đến tháng 4 năm 1968. Trong những lá thư nầy khi ấy Ba tôi đã ghi các hòm thư theo quy định của quân đội, các lá thư được ghi theo địa chỉ: Cao Lãnh thuộc Thăng Long 1- Cậu Mười; hòm thư 4.002 Ấp Bắc 1; hòm thư 21.661/GM Bà Hiệp; hòm thư V.1011 Hùng Cường. Các bạn K2 biết tôi ra Hà Nội để thực hiện công việc tìm kiếm mộ Ba nên đã tổ chức một buổi họp mặt. Cuộc gặp mặt hôm ấy có tới 24 bạn K2 tới dự trong đó có nhiều người mà hơn 40 năm nay mới gặp lại tôi. Tôi đã photocopy nhiều bộ gồm những lá thư của Ba tôi, một tờ tóm tắt quá trình hoạt động của Ba. Mục đích là cần phải xác định các hòm thư của Ba, từ đó mới xác định được lúc vào Nam Ba tôi đã hoạt động ở những tỉnh nào cho đến khi hy sinh và gởi đi cho bạn bè (Vì bạn tôi phục vụ trong quân đội rất nhiều, có thể họ truy tìm ra nhanh chóng). Sau một thời gian chờ đợi, tôi đã vào Tổng cục 2, báo Quân đội Nhân dân, Trung tâm lưu trữ quốc gia 3..., Nhưng không nơi nào giải mã được các hòm thư trên. Đến cuối tháng 7/2008 thì một người bạn tôi là Đỗ Trung K2 nguyên Phó tư lệnh Bộ tư lệnh TTLL cho tôi biết các hòm thư trên được giải mã hoàn toàn. Từ đây tôi xác định được khi mới vào chiến trường Ba tôi đã ở Khánh Hòa, sau đó ra công tác tại Văn phòng khu ủy Khu 5 (đóng tại bắc Trà My – Quảng Nam), rồi Ba tôi đã về công tác tại Tỉnh đội Bình Định. Nhiều nguồn tin cho rằng Ba tôi bị mất tích cuối năm 1967. Tôi đã vào TC2 và hỏi các phòng có liên quan đến lý lịch Ba tôi song họ nói rằng: trong hồ sơ quản lý ghi ông cụ nhà anh bị mất tích nhưng cũng không biết mất tích ở đâu? Tôi nghĩ mình đang mò kim dưới đáy biển đây.
Trong thời gian ở Hà Nội tôi thường xuyên ngủ ở nhà em Nguyên vì trong phòng thờ Ba ở tầng 3 có thể đặt một chiếc giường 1m2 cho tôi nằm. Mục đích là muốn Ba tôi có về báo mộng thì tôi có thể biết được Ba tôi ở đâu? Song tôi cũng chưa bao giờ thấy Ba về báo mộng cả.
Các nhà ngoại cảm vào cuộc
Tôi sực nhớ ra rằng tại sao mình lại không nhờ đến các nhà ngoại cảm. Sáng ngày 27/5/2008 tôi đã đến Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA ở số 1 Đông Tác – Kim Liên – Hà Nội. Khi tôi bước lên tầng 4, tôi thấy ở đây rất đông người đến áp vong. Tôi cũng ngồi vào với cặp vợ chồng trẻ họ muốn gặp vong bà nội để hỏi một số điều gì đó. Họ nói tôi cứ ngồi vào đó và xem như người nhà của họ. Một lúc sau, có một người bạn của họ đến và hỏi tôi anh muốn tìm mộ liệt sỹ hay sao. Tôi gật đầu và cô ta hỏi tôi: “Anh ở tận đâu mà ra đây để đi tìm mộ”. Tôi nói tôi ở Cần Thơ. Cô ta nói: ”Vậy thì em cho anh số điện thoại và địa chỉ nầy của một nhà ngoại cảm cũng ở trong cơ quan UIA nầy. Anh ở xa cô sẽ giúp anh ngay”. Nói xong cô ta đưa cho tôi tấm danh thiếp của nhà ngoại cảm A (xin được giấu tên). Tôi cám ơn và muốn ngồi lại xem người ta áp vong ra sao? Cuộc áp vong bắt đầu, có 2 cô ngoại cảm đi đến từng nhà một (mỗi nhà thường có từ 4 người trở lên quay mặt vào nhau, ở trạng thái nhắm mắt, thư giãn) mời vong áp vào một trong những người nhà để cho những người khác hỏi vong. Đã có 1,2 vong nhập vào người nhà bên cạnh, vong khóc khi gặp người nhà. Tôi thấy cô ngoại cảm đi lại phía gia đình mà tôi đang ngồi, tôi sợ rằng vong nhập vào tôi thì sẽ lộ ra tôi là người đi xem áp vong. Tôi lấy cớ có điện thoại và đi ra ngoài. Bước vào phòng đăng ký của UIA, tôi đăng ký áp vong (thường là 6 tháng sau mới tới lượt vì số người đăng ký quá đông) sau đó tôi đăng ký tìm mộ. Họ giới thiệu tôi đến nhà ngoại cảm B (xin được giấu tên). Tôi đã đến đăng ký tìm mộ và được hẹn một tháng rưỡi sau đến để cô hướng dẫn tìm mộ Ba tôi.
Tôi điện thoại ngay cho nhà ngoại cảm A, lúc nầy cô đang đi tìm mộ ở Hải Phòng, cô hẹn tôi nếu chủ nhật cô về nhà thì tôi đến nhà để cô xem giúp. Sáng chủ nhật tôi gọi điện thì cô đang trên đường đi về và hẹn khoảng 15h30 gia đình có mặt ở nhà cô. Đúng hẹn, tôi đến gặp cô và trao cho cô các dữ liệu mà chúng tôi đang có trong tay. Cô nhắc tôi thắp nhang khấn cho vong của Ba tôi về cửa điện của cô. Ngồi một lúc, cô nói: Những điều em nói ra sau đây nếu gia đình thấy đúng trên 70% thì hãy tiếp tục. Nếu không đúng được 70% thì nên đi nhà ngoại cảm khác. Đừng theo đuổi mà mất thời gian, cô nói tiếp: Bố liệt sỹ (ông nội của tôi) có 2 người vợ. Gia đình liệt sỹ có 6 anh chị em. Liệt sỹ có anh trai. Liệt sỹ là con bà vợ cả. Liệt sỹ có 2 vợ và có 6 người con. Liệt sỹ lấy vợ người cùng quê. Hai người yêu nhau và lấy nhau chứ không phải gia đình ép buộc. Khi cưới nhau vợ liệt sỹ cũng đang hoạt động cách mạng. Liệt sỹ bị ốm và chết. Có người chôn. Mộ của liệt sỹ chưa được quy tập. Mộ đang ở Hòa Vang. Con trai liệt sỹ đã đi nhiều nghĩa trang do người ta chỉ nhưng sau đó không tin và đi về.
Trong những thông tin trên tôi thấy liệt sỹ có anh trai thì tôi không thể biết được. Chỉ câu nầy cứ cho là không đúng, còn thì tất cả thông tin còn lại đã làm cho tôi rất bất ngờ vì nó quá chính xác. Cô dặn chúng tôi nếu thấy đúng thì tiếp tục theo để cô giúp, thứ 6 tới đến nhà cô để áp vong. Mục đích là nắm thêm thông tin của Ba tôi.
Thứ 6 (06/6/2008) gia đình tôi có 9 người đến nhà cô A để áp vong. Nhưng ngày hôm đó có 8 gia đình áp vong thì chỉ có 2 gia đình là gặp vong về. Cô nói hôm nay vong về ít quá và cô dặn nếu áp vong 3 lần mà không đựợc thì thôi. Cô hẹn chúng tôi thứ 6 tuần sau. Trước khi ra về tôi muốn đổi lại bộ hồ sơ cho hoàn chỉnh. Tôi lấy bộ hồ sơ mới và xin rút lại hồ sơ cũ. Khi nhìn vào bộ hồ sơ cũ tôi thấy có một sơ đồ vẽ đường đi tìm mộ của Ba tôi. Tôi hỏi: Sao cô lại có được sơ đồ nầy. Cô nói: Cụ nhà anh chỉ em vẽ đấy. Tôi xin phép cô cho tôi lấy máy chụp hình chụp lại sơ đồ. Trong sơ đồ chỉ có mỗi địa danh là Hòa Vang thôi. Cô nói em không biết Hòa Vang là ở tỉnh nào? Tôi điện ngay cho bạn tôi (Võ Minh Ấn K2) ở Đà Nẵng thì Ấn trả lời Hòa Vang là một huyện của thành phố Đà Nẵng. Nhìn vào sơ đồ tôi thấy xuất phát từ chợ Hòa Vang đi về hướng Nam 6,3 km thấy một ngã 3, đi theo con đường về phía tây bắc 16 km. Sau đó đi về phía chính bắc 1,2 km thì tới nơi. Mộ chí của ông ở khu vực nầy, có người chôn và còn mộ. Cô nói Ba tôi bị ốm chết ở trong hang, sau 2 ngày có đoàn quân đi ngang họ phát hiện và đã đưa ra ngoài. Mộ được chôn ở phía bên ngoài của hang. Mộ cách con suối khoảng 50m. Gần hang có một cây đa to.
Cuộc tìm kiếm ở Đà Nẵng
Tôi đã in ra sơ đồ của cô A vẽ, sau đó fax vào Đà Nẵng cho Ấn. Ấn dựa vào sơ đồ đó rồi đi theo hướng dẫn. Đi đến đoạn hết 16 km thì cũng là hết đường nhựa và tiếp theo đoạn 1,2 km thì Ấn không biết đi như thế nào nữa và gọi điện cho tôi. Tôi nói tối nay tao sẽ đi xe đò vào Đà Nẵng ngay, rồi 2 đứa cùng đi tìm khi đó có gọi điện thoại hỏi cô ấy cũng dễ.
Cũng xin nói thêm cho bạn đọc biết mối quan hệ giữa Tôi và Ấn. Năm 1956, 1957 hai đứa học với nhau ở lớp 1,2 tại trường HSMN số 19 Cầu Rào-Hải Phòng, rồi đến khi học lớp 5 tại trường HSMN số 27 Hà Đông cũng cùng một lớp. Năm 1965-1967 hai chúng tôi lại cùng một tiểu đội ở trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi. Đến khi tốt nghiệp phổ thông (lớp 10) ở Quế Lâm TQ cuối tháng 7 năm 1967, chúng tôi về nước. Ấn nhập ngũ và đi học kỹ sư đạn ở Pen-Za (Liên Xô cũ). Còn tôi lúc đó không đủ sức khỏe để nhập ngũ vì đau dạ dày nên phải vào học K12 khoa Chế tạo máy trường ĐHBK Hà Nội. Hồi đó mỗi lần về nước nghỉ hè, Ấn lại mua vài bộ quần áo hoặc dụng cụ phục vụ cho việc học tập và thuốc đau dạ dày cho tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi đứa một ngành một nghề và tuy ở xa nhưng chúng tôi vẫn giữ vững liên lạc với nhau. Ấn nguyên là Cục phó Cục kỹ thuật Quân khu V.
Tôi đi xe đò vào Đà Nẵng và ngày hôm sau (11/6/2008) hai đứa bắt đầu cuộc tìm kiếm. Tôi nghĩ nếu mộ Ba tôi cách đường nhựa 1,2 km thì đi tới đó quá dễ dàng. Vì vậy hai đứa chỉ mang đi 4 chai nước nhỏ mà thôi. Chúng tôi đi xuống một nhà dân, ngôi nhà được lợp bằng lá gặp 2 người đàn ông đang nuôi cá điêu hồng ở đây. Chúng tôi làm quen và xin được gửi xe máy ở đây để đi lên núi tìm mộ. Tôi và Ấn chia nhau đi tìm theo hướng Bắc. Sau khi tìm kiếm gần 2 tiếng đồng hồ nhưng không thấy chỗ nào giống như cô tả. Tôi gọi điện cho cô A và nói tôi đã đi theo hướng chính Bắc nhưng không thấy như cô miêu tả. Cô nói ngay: Em đã nói sai rồi. Có phải lúc nãy 2 anh đã vào một ngôi nhà lá có 2 người đàn ông ở đó không? Chúng tôi rất ngạc nhiên khi cô nói rất chính xác. Cô nói tiếp hai anh về ngay nhà người ta, đặt la bàn ở sân nhà của họ và gọi điện cho em. Chúng tôi thực hiện đúng như lời cô dặn và đặt 2 cái la bàn. Cô nói có phải la bàn chỉ hướng chính bắc vào nhà không? Chúng tôi và 2 người đàn ông trong nhà rất đỗi ngạc nhiên, họ hỏi chúng tôi cô nầy đang ở đâu mà nói chính xác vậy? Tôi nói ở Hà Nội. Họ lại càng thán phục. Cô nói các anh đi trở ra theo hướng Nam hỏi những người dân địa phương độ khoảng trên 50 tuổi họ mới biết chỉ lên trên núi mà tìm. Trời nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời khoảng 36-380c. Tôi và Ấn đã đi và hỏi dân địa phương họ bảo cứ đi đi sẽ gặp một ông già cô đơn vì ông chỉ ở có một mình. Hai đứa đi mãi, đi mãi nhưng không gặp một ai cả. Đã 12 giờ trưa, nước uống chỉ còn nửa chai, Ấn không dám uống nữa, để dành chỗ nước còn lại cho tôi. Tôi cũng cố gắng tiết kiệm nước uống vì ở chỗ nầy không thấy suối nước đâu cả. Tôi bị say nắng và nằm vật xuống đường đi, cũng có thể lúc đó huyết áp của tôi tăng lên nhưng không biết. Ấn thì lo lắng nếu có vấn đề gì xấu xảy ra thì không biết làm sao đây. Tôi thì nặng tới 75 kg và cao hơn Ấn. Như vậy làm sao có thể đưa tôi xuống núi được. Còn tôi thì nghĩ không biết mình có khả năng để xuống núi không? Sau gần 2 giờ, tôi thấy người mình khỏe lại 2 chúng tôi lại cùng nhau xuống núi và về nhà Ấn. Rút kinh nghiệm của lần đi nầy chúng tôi đã chú ý tới công tác hậu cần là hàng đầu cho chuyến đi sắp tới.
Sáng ngày 13/6/2008 Tôi, Ấn và đứa cháu gọi tôi bằng bác tên Thế Anh xuất phát từ 5h15 phút. Đến xã Hòa Khương, chúng tôi có thêm một người địa phương dẫn đường cùng đi lên vị trí mà nơi đó có hang và có cây đa to mà dân ở đây gọi là Hang Dơi. Khoảng 9 giờ, bốn người chúng tôi đã đến trước Hang Dơi. Tôi gọi điện cho nhà ngoại cảm, hỏi cô tôi đã đi đúng hướng chưa? Cô nói sáng giờ cô đã theo dõi thấy tôi đã đi đúng hướng. Sáng nay, cô bận áp vong do vậy tôi muốn gặp cô thì phải khoảng 13h30 mới gọi điện cho cô được.
Trong thời gian nầy, gia đình tôi cũng tổ chức áp vong ở nhà cô. Vong nhập vào em dâu tôi, khóc lóc thê thảm nhưng khi con cháu hỏi các vấn đề có liên quan đến Ba tôi thì vong lại nói : Ba già rồi không nhớ và không nhìn thấy. Nói chung buổi áp vong không đem lại sự thỏa mãn cho gia đình chúng tôi.
Chúng tôi phát quang khu vực Hang Dơi, rồi chui vào hang quan sát. Theo những người dân địa phương thì trước đây ở đây cũng có cây đa to nhưng đã bị cháy từ lâu rồi. Tôi đã bày các thứ đồ cúng ra, thắp nhang khấn cho Ba và mong Ba giúp tôi xác định nơi yên nghỉ của Ba. Tôi cũng nói với Ba tôi rằng giữa núi rừng âm u như vậy Ba hãy cho một con vật gì đó để chỉ cho con biết nơi an nghỉ của Ba. Trong khi nằm chờ đến giờ để gọi điện cho nhà ngoại cảm, thì có một con bướm vàng bay qua mặt 4 người chúng tôi và bay ra phía ngoài. Tôi đi theo và thấy nó bay ra phía Nam khoảng 13 mét rồi lại quay lại (Vị trí nầy sau khi xác định là ngay cây hoa trắng) Đúng 13h30 tôi gọi điện cho nhà ngoại cảm, cô nói:
- Anh đang gọi điện cho em, anh đang quay mặt vào vách đá có phải không?
- Đúng!
- Anh đang bày bánh trái thắp nhang cho cụ ở phía trên bên tay trái của anh phải không?
- Đúng!
- Anh giữ nguyên chân trái, từ đó đo theo hướng Nam 12,8 mét.
- Ấn và đứa cháu tôi nhanh chóng lấy thước dây ra đo đúng 12,8 mét. Tôi nói:
- Chúng tôi đã xác định xong cự ly cô cho rồi.
- Anh có thấy 3 hòn đá chồng lên nhau không? Anh có nhìn thấy một cây dạng như dây leo có hoa màu trắng không?
Tôi nhìn vào trong hang thấy có 3 hòn đá chồng lên nhau và nói:
- Có.
Cô nói:
- Không phải. Trong đoàn hình như có một người nữ phải không?
- Không có ai là nữ cả cô ạ?
- Có một người đứng cao hơn anh đang đứng trên hòn đá ở bên tay trái người nầy có hoa trắng đấy.
Chúng tôi nhìn kỹ thì thấy có một nhánh cây hoa trắng nhỏ như hạt gạo:
- Thấy bông hoa trắng rồi cô ạ!
- Anh có đến 8 con mắt mà không nhìn thấy cây hoa trắng, trong khi đó em chỉ có 2 con mắt mà em lại nhìn thấy trước các anh.
Chúng tôi vô cùng thán phục tài năng của cô. Tôi hỏi:
- Vậy nhờ cô xác định cho mộ của Ba tôi nằm ở vị trí nào?
- Từ cây hoa trắng kéo thước đến đầu anh lấy khoảng cách 0,8 mét hạ xuống đất thì nơi đó là mộ của cụ.
Chúng tôi thực hiện đúng như cô dặn. Đánh dấu xong, chúng tôi phát quang khu vực đó một cách nhanh chóng thì thấy lộ ra 3 tảng đá lớn chồng lên nhau. Vị trí mà cô xác định mộ là một khoảng đất có thể đào được nằm ngay cạnh 3 tảng đá, còn các vị trí xa hơn một chút thì không thể nào có thể đào được vì những chỗ đó là đá hòn hoặc tảng. Tôi chuyển các thứ bánh và trái cây về vị trí nầy và thắp nhang khấn cho Ba tôi. Con bướm vàng bay quanh chỗ đồ cúng và bay qua tấm hình của Ba tôi rồi bay mất hút. Cháu tôi đã tìm đường đi xuống suối, như vậy nếu từ vị trí chúng tôi đang thắp nhang đến suối cũng gần 50 mét. Bầu trời có mây đen và đã chuyển sang chiều tối, tôi điện hỏi ý kiến của cô, cô khuyên chúng tôi khấn xin ông lần sau sẽ lên. Chúng tôi rút quân xuống núi trong lòng ai cũng phấn khởi vì đã xác định được “mộ“ Ba tôi. Trên đường đi về tôi hỏi cháu tôi: Tại sao cô ngoại cảm lại nhìn ra con là con gái. Cháu tôi nói: tại hồi sáng khi đi cháu định mặc áo bảo hộ lao động nhưng thấy áo vợ cháu trên mắc áo, tiện thể cháu mặc chiếc áo chống nắng của vợ nên cô nhìn ra cháu là con gái.
Tôi và Ấn đã tìm, gặp chú Trần Tiến Cung nguyên là thiếu tướng Tổng cục phó Tổng cục 2. Khi vào nhà chú nhận ngay ra Ấn, sau khi chào hỏi chú xong Ấn đưa ngay tấm hình mà Ba tôi chụp cách đây hơn 40 năm rồi hỏi chú có biết người nầy không? Chú nói ngay: Anh nầy tên là Tác Vân. Tôi không ngờ chú có trí nhớ tuyệt vời lại biết cả biệt danh của Ba tôi từ thời chống Pháp. Chú kể lại : Năm 1965 Ba tôi và chú đã cùng học một lớp tình báo chiến lược ở Hà Nội trong thời gian 8 tháng. Đầu năm 1966 chú, Ba tôi và nhiều chú khác cùng trên một chuyến xe đi vào Nam, khi đến Đà Nẵng chú xuống còn Ba tôi đi tiếp vào Nam nhưng không biết vào ở tỉnh nào (sau nầy xem lại lá thư đầu tiên của Ba gởi ra là Ba vào Khánh Hòa). Chúng tôi có nói cho chú biết nhà ngoại cảm chỉ Ba cháu hy sinh trên núi Sơn Gà ở huyện Hòa Vang. Nghe xong chú nói: Nếu Ba cháu có về tỉnh nầy thì chú phải biết vì lúc đó chú phụ trách tình báo ở Đà Nẵng. Chú lại nói tiếp cũng có thể cấp trên điều Ba cháu về đây nhưng chưa đi đến nơi thì bị ốm hoặc bị bắn chết nên chú không biết được. Chúng tôi lại nghĩ ý sau của chú nói có lẽ đúng.
Tôi lại ra Hà Nội để bàn công việc tiếp theo là tổ chức bốc mộ. Tôi đã kể lại chuyện đi lên núi cho các em và các cháu nghe. Ai cũng rất phấn khởi, nhưng chúng tôi không khỏi băn khoăn khi áp vong thì vong lại cứ nói không nhớ và không thấy. Như vậy có thể là vong của người khác nhập vào chứ không phải là vong của Ba tôi. Tôi cũng đã trình bày điều nầy cho cô ngoại cảm. Cô thấy chúng tôi nói như vậy là có lý. Cô yêu cầu gia đình nên áp vong lần nữa xem sao và cũng khuyên chúng tôi tiếp tục tìm một vài nhà ngoại cảm khác xem có trùng chỗ của cô chỉ không? Khi đã đào được hài cốt nên thử ADN cho chính xác. Chúng tôi sợ cô tự ái nhưng cô không tự ái, cô muốn được kiểm chứng cho chắc chắn và khuyên chúng tôi nên tìm những nhân chứng sống để hỏi thêm cùng các hồ sơ khác của Ba tôi xem thử khả năng Ba tôi có thể ra công tác ở Đà Nẵng hay không?
Trong lúc tôi ở Hà Nội thì Ấn và cháu Thế Anh của tôi cầm hình Ba tôi chụp trước khi đi B hỏi nhiều người đã từng tham gia chiến đấu ở Hòa Vang. Họ đã gặp ông T.T.B nguyên Trưởng ban quân báo Huyện đội Hòa Vang đã nghỉ hưu. Khi cháu tôi đưa tấm hình Ba tôi ra hỏi ông T.T.B đã nói đúng tên ông già tôi và ông cho biết khoảng giữa tháng 4/1968 ông từ khu 2 ra khu 1 Hòa Vang (cánh bắc Hòa Vang) trinh sát nắm tình hình để chuẩn bị cho kế hoạch B2 (từ cuối tháng 4 đến tháng 9/1968). Ông còn nói cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1968 có làm việc nhiều lần với Ba tôi. Ông nói Ba tôi là người Huế và làm công tác quân báo (hình như là Trưởng ban QBTS của Thừa Thiên Huế) lúc bấy giờ đơn vị ông Hối đóng quân khu vực Tây nam núi Bạch Mã (phía Hòa Vang) Do đó có nhiều quan hệ trao đổi tình hình trinh sát địa hình, quy luật hoạt động của các tàu tuần tiểu, bo bo tuần tiểu của địch. Trên sông Cu Đê – Thủy Tú (Từ Trường Định đến cầu Thủy Tú khu vực cánh bắc Hòa Vang. Ông còn kể : Tối hôm Đ/c Hối bị địch phục kích hy sinh thì khoảng 16 giờ đến 16 giờ 30 chúng tôi cùng nói chuyện với nhau, sau đó cả 2 cùng ăn cơm (2 đơn vị cùng ăn với nhau). Đến tối 2 đơn vị tách ra và đi 2 hướng khác nhau. Nửa đêm ông ta nghe có tiếng súng nổ. Hôm sau, hỏi tình hình thì họ nói người ngồi nói chuyện và ăn cơm với ông T.T.B tối qua đã bị địch phục kích bắn chết rồi. Khoảng 2,3 hôm sau dân mới lấp chôn được vì địch còn phục kích và sợ chúng gài bẫy. Đ/c Hối hy sinh ở cây đa Trường Định và chôn cạnh cây đa trên 10 mét hướng đông. Ông còn khẳng định đ/c Hối hy sinh khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1968. Như vậy thì quá khớp với các hồ sơ tôi nắm trong tay (lá thư gởi 24/4/1968). Sau nầy khi tôi đến nhà nói chuyện trực tiếp với ông thì ông nói với tôi rằng: Chú Hối (bởi vì lúc nầy ông biết tuổi tôi và ông gần bằng nhau) có nói chiến trường thời chống Pháp của chú là ở Phan Rang, Khánh Hòa và trước khi đi bộ đội thì ổng là công nhân hỏa xa (nhưng chính xác lúc đó Ba tôi là thợ điện ). Lúc đó tôi không nghi ngờ gì nữa vì những thông tin cá nhân của Ba tôi ông ta nắm rất chính xác. Để xác minh cho chính xác xem Ba tôi có ở trong ban quân báo trinh sát TT Huế hay không? Tôi, em tôi (Nam Vinh) và con cô tôi (Trần Tăng) đi tìm những chú cựu chiến binh đã hoạt động tình báo ở TT Huế để hỏi về tin tức của Ba tôi thì họ hoàn toàn không biết. Tôi cũng vào Tỉnh đội, Huyện đội Phú Lộc đề nghị cho xem danh sách các liệt sỹ có ai tên là : Nguyễn Bá Hối hoặc Hoàng Cường không nhưng cũng không có một trong hai tên đó. Ngoài ra, Ấn và đứa cháu tôi đã gặp những người như nguyên Bí thư khu vực Trường Định hoặc đ/c nguyên cán bộ bám trụ tại Thủy Tú….khi nhìn ảnh thì nói thấy quen, thậm chí có người nói đã vài lần làm việc với Ba tôi. Như vậy anh em tôi lại nghĩ có lẽ vì một lý do gì đó mà Ba tôi đã thay đổi địa bàn công tác và đã hy sinh ở tại khu vực Thủy Tú hoặc có thể bị thương ở khu vực nầy rồi đi về phía núi Sơn Gà và hy sinh tại đó.
Do công việc của Ấn là Cục phó Cục kỹ thuật QK5 nên quen nhiều người trong Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh miền Trung. Ấn đã gởi thư cho ban chính sách của Tỉnh đội Bình Định, Phú Yên hỏi về tin tức của Ba tôi và một ông cậu của tôi. Đầu tháng 7/2008 gia đình chúng tôi nhận được công văn trả lời số: 55/PCT-CS ngày 30-6-2008 của Phòng chính trị Tỉnh đội Bình Định trả lời rằng, Ba tôi đã về công tác tại tỉnh đội Bình Định cuối năm 1967, là Trưởng ban quân báo trinh sát thuộc Ban tham mưu tỉnh Bình Định và hy sinh trong chuyến công tác bị địch phục kích (chưa xác định rõ thời gian và địa điểm cụ thể). Như vậy, qua công văn nầy lại chỉ cho chúng tôi biết là khả năng Ba tôi hy sinh tại Bình Định là có cơ sở.
Ngày 23/6/2008 Tôi lại vào một địa điểm tìm mộ liệt sỹ ở Hà Nội, nhà ngoại cảm nầy rất hiểu rõ mặt trận Đà Nẵng năm 1968. Ông cho biết Ba tôi cao to mặt vuông chữ điền (khác hoàn toàn với nhận dạng của Ba) hy sinh ngày 18/02/1968 (trong khi lá thư cuối cùng Ba tôi gởi ra Bắc ngày 24/4/1968) và hiện nay mộ của Ba tôi là mộ “Liệt sĩ chưa biết tên“ ở tại nghĩa trang xã Hòa Phú Huyện Hòa Vang thành Phố Đà Nẵng. Trước khi ra về tôi cám ơn và nói: -Có lẽ anh nhìn nhầm liệt sỹ nào với Ba tôi rồi.
Ngày 14/7/2008 là ngày mà nhà ngoại cảm B hẹn chúng tôi đến để chỉ cho đi tìm mộ. Cô nói Ba tôi hy sinh năm 1967 (vì trong bằng Tổ Quốc ghi công ghi ngày hy sinh 25/12/1967) và hy sinh tại xã Đại Lộc giáp Quế Sơn (Quảng Nam). Tôi không tin vào những thông tin trên vì trong tay tôi có lá thư gởi ngày 24/4/1968 của Ba.
Ngày 24/7/2008 tôi lại vào Đà Nẵng chuẩn bị cho công việc lên núi. Trong thời gian chờ đợi để đến ngày lành tháng tốt. Tôi đi gặp thêm ba bốn người nữa mà nhiều người đã hết sức ca ngợi những người nầy. Nhưng tất cả không ai nói trùng một chỗ nơi Ba tôi hy sinh.
Ngày 27/7/2008 một “Nhà ngoại cảm” ở TP Đà Nẵng đã đưa tôi, em trai tôi (Nam Vinh), cháu tôi (Thế Anh), Ấn và Phụng K2 cùng đi vào nghĩa trang Hòa Hiệp Nam. Do là ngày TBLS mà nghĩa trang nầy được trang trí rất đẹp và đông người đến viếng. Chúng tôi theo “nhà ngoại cảm” dẫn tới một ngôi mộ của liệt sỹ chưa biết tên. Ông đứng lên ngôi mộ rồi nhảy xuống đất và nói tôi và em tôi lần lượt đứng lên ngôi mộ. Ông hỏi tôi có thấy cảm giác gì không? Tôi trả lời không thấy gì cả. Ông nói nếu anh không tin thì khấn xin liệt sỹ trong ngôi mộ cho mượn một nắm đất, rồi anh hỏi ông Q số điện thoại là 0913….ông ta sẽ chỉ cho ông thầy ở QN có thể nói được tên người trong mộ nầy. Tôi cũng lấy điện thoại ra ghi lại số của ông Q và cảm ơn “nhà ngoại cảm“. Tôi nghĩ nếu gọi điện cho ông Q thì ông ta sẽ cho tôi địa chỉ của ông thầy ở QN, sau đó sẽ gọi điện cho “nhà ngoại cảm” hỏi tên Ba tôi ngay rồi lại thông báo cho ông thầy. May sao cháu tôi lại biết được địa chỉ của ông nầy. Chúng tôi làm thủ tục mượn đất sau đó tôi, cháu tôi và em trai cùng đi vào QN. Chúng tôi đã ngồi chờ ông thầy từ 10giờ đến 12giờ, thầy mới đi Đà Nẵng về. Chúng tôi nhờ thầy xem đất nầy ở mộ của liệt sỹ tên là gì? Ông thầy làm thủ tục xong nói tên là Lê Văn C . Chúng tôi cám ơn thầy và ra về. Trên đường ra về tôi nói nếu thầy có khả năng như vậy thì còn mộ nào là mộ “liệt sỹ chưa biết tên” nữa . Qua đó chúng tôi thấy rõ họ có đường dây làm ăn với nhau, nếu ta không tỉnh táo thì sẽ mắc bẫy ngay. Xin nói rõ cho độc giả biết “nhà ngoại cảm” nầy đã từng tìm được nhiều mộ liệt sỹ và đã được báo chí ca ngợi.
Theo lịch đã dự định sẵn ngày 16/8/2008 gia đình chúng tôi có 10 người (Tôi đã nhờ bà con ở Huế vào) và vài người dân địa phương cùng lên núi Sơn Gà với chúng tôi. Rút kinh nghiệm của những lần trước chúng tôi đi sớm hơn và chuẩn bị chu đáo hơn. Sau khi bày các thứ đồ cúng xong tôi khấn và xin phép cho động thổ. Chúng tôi đào mãi nhưng không gặp được hài cốt. Tôi điện hỏi nhà ngoại cảm, cô nói ở khu vực đó và cô cho biết ở vị trí đào hiện có 5 người, có 3 người mặt quần đùi. Chúng tôi thấy cô nói đúng quá nhưng đào mãi không thấy gì. Trời đã về chiều, chúng tôi lại xin phép xuống núi.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục leo núi một ngày nữa, quân số hôm nay thiếu đi 2 người do vậy mà phải thuê thêm một người dân địa phương nữa. Chúng tôi lại đào theo hướng khác nhưng cũng không thấy. Tôi gọi điện thoại hỏi nhà ngoại cảm thì cô nói ở ngay vị trí của người mặt áo cộc tay màu xanh ấy. Cậu bé nầy sáng nay chúng tôi nhờ cậu đi đào tiếp, đào thêm 2 giờ nữa nhưng không thấy gì. Cô khuyên chúng tôi đã đào 2 ngày rồi không được thì rút về để tính sau. Thế là chúng tôi xuống núi với tinh thần mệt mỏi vì sau 2 ngày vất vả nhưng không đạt được mục đích.
Ngày 31/8/2008 Gia đình tôi lại tổ chức áp vong một lần nữa, lần nầy vong nhập vào cô em dâu tôi, cũng trả lời những câu như không nhìn thấy và không nhớ. Như vậy tôi cho là vong đó không phải là vong Ba tôi.
Không thể nói cô ngoại cảm kém được vì những thông tin mà chúng tôi đưa ra cũng không chính xác. Năm sinh của Ba tôi là 1920 nhưng do ông khai sinh 1923 lại trùng với năm sinh của ông chú (khi ông chú chết mới biết là ba tôi sinh 1920). Trong bằng Tổ quốc ghi công lại ghi ngày hy sinh là 25/12/1967, trong khi đó Ba tôi còn viết thư gởi ra Bắc ngày 24/4/1968. Khi chưa xác định được là chắc chắn Ba tôi hy sinh ở tỉnh Bình Định thì chúng tôi cứ nói ông hy sinh tại chiến trường liên khu V. Với địa bàn quá rộng họ cũng khó mà xác định được. Một điều nữa là khi khai chúng tôi đưa tên Ba là Nguyễn Bá Hối là chính chứ không phải tên Hoàng Cường. Sau nầy khi gặp một số người ở Bình Định có biết Ba tôi họ đều gọi ông là Hoàng Cường. Do vậy có thể là cô ngoại cảm đã bị nhầm với một liệt sỹ nào đó giống gia cảnh như của Ba tôi. Họp mặt với các em, tôi hứa năm nay đã đi tìm Ba liên tục 4 tháng rồi nhưng chưa mang lại kết quả mỹ mãn. Anh sẽ về Cần Thơ rồi sang năm sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm mộ Ba. Nhiều lúc tôi nghĩ: Má tôi năm nay đã 87 tuổi, chú Nguyên và chú Đông không thể ra khỏi Hà Nội do phải chạy thận 3 buổi trong một tuần. Nên việc tìm được mộ Ba tôi là một việc cần thiết và khẩn trương.
Về Cần Thơ được 6 tháng, đầu tháng 3/2009 tôi lại tiếp tục cuộc hành trình, do có đường bay thẳng Cần Thơ – Hà Nội nên chỉ sau vài tiếng đồng hồ là tôi có mặt ở Hà Nội . Tôi cũng đã đi gặp một người trong "TTNC Tiềm Năng Con Người”, anh ta lại nói Ba tôi hy sinh ở Quảng Ngãi. Chúng tôi không tin, anh em chúng tôi nghĩ rằng Ba tôi chỉ có thể hy sinh ở Bình Định mới có lý.
Tôi lại nghe người ta mách ở Thái Bình có người chỉ tìm mộ hay lắm, thế là tôi đi ngay. Tôi đi Nam Định, các bạn học cùng lớp với tôi trong những năm học tại trường ĐHBK Hà Nội đón tiếp tôi, sau đó tôi về nhà vợ chồng bạn tôi nay chỉ có 2 người ở nhà còn 2 đứa con đều tốt nghiệp đại học và lên Hà Nội công tác. Sáng ra họ đưa xe máy cho tôi đi Thái Bình, đến 18-19 giờ họ chờ tôi về mới cùng ăn cơm. Tôi rất cảm động trước tình cảm của 2 bạn đã học cùng lớp với tôi sau hơn 40 năm mới gặp lại.
Tôi phải đi về như vậy 4 ngày mới tới lượt mình. Bà ta nói mộ Ba tôi đã được quy tập tại nghĩa trang xã Tây Giang huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Tôi vô cùng mừng rỡ, khi ra về bà đưa tôi một số lộc để mang về cúng ở nhà trước khi đi rồi mang theo vào trong nghĩa trang cúng tiếp. Trong đó có một nắm gạo mà tôi phải mang về nhà má tôi ở Hà Nội, để trên bàn thờ cùng các thứ đồ cúng. Sau khi cúng xong mang nắm gạo trong người khi đi qua các tỉnh phải rắc vài hột làm sao khi đến nghĩa trang còn khoảng vài chục hạt, lúc đó rắc hết số gạo còn lại trong nghĩa trang. Có nghĩa là vong người chết sẽ đi theo ta suốt chặng đường và tới nơi vong yên nghỉ. Sau khi làm thủ tục cúng xong, tôi ra bến xe Giáp Bát và tìm xe để đi vô Bình Định. Phải tính toán làm sao khi vào tới nơi là buổi sáng, đồng thời phải kiếm một chiếc xe đò không phải chất lượng cao (tức là không có máy lạnh) để có thể thò tay ra ngoài mà bỏ vài hạt gạo xuống đường. Tôi đã tìm được xe như ý muốn. Xe chạy từ Hà Nội lúc 10 giờ sáng tới cầu Bà Ghi (Bình Định) khoảng 8 giờ sáng hôm sau. Sau đó tôi đón xe đi lên huyện Tây Sơn và tới nghĩa trang xã Tây Giang. Các bạn có biết không với chiều dài của quãng đường hơn 1.000 km mà đi xe chất lượng thấp, hầu như thức cả đêm để thực hiện việc rắc gạo qua các tỉnh thì các bạn thấy mệt mỏi như thế nào với một người tuổi đời đã 60 ngồi trên chiếc xe ghế cứng đơ không điều chỉnh nghiêng ngã gì được. Tôi vào nghĩa trang và tìm mộ theo sơ đồ hướng dẫn nhưng không đúng với sơ đồ của bà vẽ. Tôi điện cho bà nhưng bà chỉ cho ngôi mộ khác, tôi đi tìm như bà nói thì trúng mộ có tên. Tôi nghĩ không thể tin được bà nầy.
Khi còn ở Hà Nội, Ấn đã gọi điện cho tôi và nói rằng ở Quảng Nam có người chỉ tìm mộ hay lắm, mình không cần khai báo tên liệt sỹ nhưng bà ta có thể nói được tên người cần tìm và hiện đang nằm ở đâu? Do vậy sau khi đi Thái Bình về là tôi nói nếu bà ta chỉ không đúng thì tôi sẽ có phương án tiếp là đi gặp bà ở Quảng Nam.
Bình Định - Một tài liệu quý
Tôi lại trở ra Đà Nẵng gặp Ấn, chúng tôi cùng nhau đi vào Bình Định để xác định cụ thể hồ sơ của Ba tôi. Ngày 7/4/2009 vào gặp Ban chính sách họ cho chúng tôi một số địa chỉ của một số chú và anh đã từng công tác trong ngành Trinh sát Quân báo. Chúng tôi đã đến gặp, đa số khi nhìn ảnh họ nhận ra Ba tôi là Hoàng Cường nhưng hỏi thời gian Ba tôi hy sinh và hy sinh trong trường hợp nào thì không ai biết. Ngày hôm sau, Ban chính sách cho chúng tôi xem một quyển vở giống như cuốn tập 100 trang bây giờ đã bị cháy nham nhở, họ giở cho chúng tôi xem thì thấy đây là một hồ sơ để ghi lại các đồng chí khi hy sinh sẽ được ghi lại như một lý lịch trích ngang và ghi ngày hy sinh và hy sinh ở đâu? Trong trang của Ba tôi thì phía trên có ghi tên một người hy sinh ngày 13/12/1968 dưới tên người đó là 2 chú tên Ngưu đều là tỉnh đội phó, rồi tới Ba tôi Hoàng Cường dưới Ba tôi là Phạm Tài, Nguyễn Hữu Tờ, Nguyễn Thanh Bình và Lê Quang Hội những người nầy không ghi ngày hy sinh mà chỉ ghi đi trinh sát địa hình khu Đông bị phục kích và hy sinh. Phía dưới tên những người khác thì ghi hy sinh tháng 6/1969. Nếu suy luận thì có thể Ba tôi hy sinh trong khoảng tháng 1 đến tháng 5-1969. Hồ sơ lưu tại Ban chính sách Tỉnh đội Bình Định. Phòng kỹ thuật Tỉnh đội đã giúp chúng tôi một chiếc xe UAZ để đi xác minh. Có nguồn tin cho rằng đoàn đi cùng với ông Hoàng Cường có thể bị hy sinh cùng ông Ngưu, Tỉnh đội phó, quê ở Phù Cát khi qua đầm Thị Nại. Chúng tôi gặp chị Đào ở Tháp đôi tỉnh Bình Định. Chị cho biết khoảng thời gian tháng 4/1968 chị có đưa chú Ngưu là Tỉnh đội phó cùng một bảo vệ vượt qua đầm Thị Nại. Địch phát hiện và bắn, chú Ngưu chết đứng, anh bảo vệ hy sinh, chị bị bắn gãy cánh tay. Chị bơi được vào bờ, đến tháng 10/1968 chị được đưa ra Bắc để trị bệnh và học tập. Chị khẳng định chị là giao liên khu vực nầy và không biết ba tôi. Như vậy là khả năng Ba tôi hy sinh cùng chú Ngưu ở đầm Thị Nại là không thể có. Chúng tôi tiến hành đi đến gia đình một vài người trong danh sách mà mọi người nói là cùng hy sinh một đợt với Ba tôi để xem ngày hy sinh của họ có cùng ngày và có phải ở đầm Thị Nại không? Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Thanh Bình trợ lý quân lực quê ở Cát Hiệp – Phù Cát, gia đình không biết ông hy sinh ở đâu? Mộ trong nghĩa trang xã Cát Lâm là mộ gió (không hài cốt), trong bằng TQGC thì ghi ngày hy sinh 03/9/1968. Đến gia đình ông Phạm Tài (cũng trợ lý quân lực) ở xã Cát Minh cũng giống như trường hợp của ông Bình và trong bằng TQGC ghi ngày hy sinh: 01/4/1969. Nguồn của Ban chính sách cho biết ông Nguyễn Hữu Tờ hy sinh ngày 05/11/1968 và ông Lê Quang Hợi hy sinh ngày 21/11/1967 (âm lịch). Như vậy khả năng Ba tôi cùng hy sinh với những người trên ở đầm Thị Nại là không có cơ sở.
Nhà ngoại cảm Quảng Nam
Ngày 25/5/2009 chúng tôi đi vào gặp cô T ở Quảng Nam, đến trước 8giờ nhưng mãi đến 11giờ mới tới lượt tụi tôi. Sau khi thắp mấy nén nhang xong, tôi ngồi xuống và nghe bà nói: - Anh đi tìm Ba anh, ổng có 2 tên nhưng lại tìm chính tên sau nầy. Ông tên là Hoàng và bà viết thêm chữ Cường nhưng những chữ đằng sau chữ C thì viết rất ẩu. Chúng tôi nói không biết chữ sau chữ C là chữ gì thì bà nói khi nào đi vào đánh dấu mộ xong tôi sẽ nói tên đầy đủ của ông ấy. Bà cho tôi một tờ giấy và viết vài chữ vào đó thứ chữ mà chỉ có một mình bà biết, bà kêu cất kỹ vào bóp, không cho ai biết kèm theo một sơ đồ để đánh dấu mộ. Bà nói từ dưới nghĩa trang đi lên đến hàng số 3 bên tay phải thì đếm lấy 6 ngôi mộ liên tiếp trong 6 cái thì chọn lấy 3 cái mà đánh dấu. Xong rồi về đây tôi sẽ nói anh đã đánh dấu những ngôi mộ nào và ngôi mộ nào là của Ba anh và ngôi mộ đó anh đánh dấu cái gì? Bà nói mộ Ba tôi ở thị trấn Bình Dương huyện Phù Mỹ, tôi nghĩ làm gì có thị trấn Bình Dương ở đây mà cho rằng bà nói nhầm tôi nghĩ Bình Dương gần Tp.HCM. Một phần do tiếng nói của bà yếu cho nên tôi nghe cũng không rõ lắm. Bà không cho ghi âm ở nhà mà chỉ cho ghi khi gọi hồn ở nghĩa trang thôi. Do vậy Ấn đã ghi chép lại cẩn thận cho tôi.
Tôi và Ấn về Đà Nẵng và ngày hôm sau tôi đón xe đi vào huyện Phù Mỹ. Đến huyện Phù Mỹ thì thấy ngay Nghĩa trang huyện Phù Mỹ đang xây dựng rất hoành tráng nhưng không có một ngôi mộ nào. Thì ra đây là Đài tưởng niệm chung của 19 xã trong huyện, có khoảng 9.000 liệt sỹ đã hy sinh cho quê hương Bình Định. Tôi gọi điện cho bà và nói rằng ở đây không có ngôi mộ liệt sỹ nào, bà nói tôi chỉ ở thị trấn Bình Dương mà. Tôi hỏi dân ở đó họ bảo thị trấn Bình Dương cách đây 14 km nhưng nghĩa trang ở phía trong cách quốc lộ hơn 2 km. Tôi lại lên xe buýt đi ngược lại. Xuống Thị trấn tôi gọi ngay xe ôm và vào nghĩa trang, tới nơi tôi thấy bảng nghĩa trang liệt sỹ xã Mỹ Lợi và thị trấn Bình Dương (thuộc huyện Phù Mỹ). Tôi vào nghĩa trang và xác định ngay vị trí theo sơ đồ bà chỉ. Rõ ràng là giống như sơ đồ của bà vẽ. Tôi tìm 3 mảnh vỡ của gạch ống xây nhà, 3 miếng sứ và 3 nút chai nhựa bỏ trong bịch ny lông xách theo. Tôi thắp nhang khấn mong vong linh các liệt sỹ ở đây giúp tôi để tôi xác định được ngôi mộ của Ba tôi mà mấy chục năm nay chúng tôi cất công tìm kiếm. Tôi đi đến hàng số 3 và quan sát, trong 6 ngôi mộ liên tục thì có mộ thứ 4 có tên của một liệt sỹ. Tôi đi vòng ngôi mộ thứ 3 đến mấy lần, sau đó tôi nhìn quanh nghĩa trang không có một bóng người nào. Tôi quyết định đánh dấu mộ số 3 bằng 3 mảnh gạch ống, mộ thứ 5 bằng 3 mảnh sứ và mộ thứ 6 bằng 3 nút chai nhựa. Tôi lấy giấy ra vẽ lại sơ đồ đã đánh dấu và xin phép vong linh các liệt sỹ cho tôi về.
Ngày 28/5/2009 tôi và Ấn lại vào nhà bà T để xem kết quả của chuyến đi vừa rồi như thế nào? Chúng tôi cũng đi thật sớm và đến nơi khoảng 7h30. ngồi chờ tới 11h mới tới lượt. Tôi thắp nhang và ngồi xuống nghe bà nói: - Ông nầy tên là Hoàng Văn Cường. Tôi lắc đầu bà gạt chữ Văn đi, như vậy là tên Hoàng Cường, đúng với biệt danh của Ba tôi rồi. Người nầy có 2 họ Nguyễn và Hoàng, họ Hoàng là họ bên vợ. Năm người con trai là họ Nguyễn, tôi thấy quá đúng. Tự nhiên bà nói: - "Chị đang nói chuyện với em đây!". Tôi quá ngạc nhiên và nghĩ mình làm gì có chị gái. Chị nói nhà mình có 3 đôi, chị là chị cả nhưng bây giờ em là cả. Tôi nghĩ, cứ cho là mình có chị gái đi, để đó hồi sau phân giải. Tôi hỏi chị có biết em vào nghĩa trang đã đánh dấu những mộ nào không? Chị nói:
- Em đã đánh dấu mộ số 3, 5 và 6. còn các mộ 1, 2 và 4 không đánh dấu trong đó mộ số 4 có tên người ta rồi.
- Thế thì mộ của Ba ở ngôi số mấy?
- Ngôi thứ 3.
- Em đã đánh dấu cái gì trong ngôi mộ nầy.
- Em đã bỏ 3 miếng gạch đỏ.
- Má hiện nay ở với ai?
- Ở với thằng út.
- Chị có biết hoàn cảnh của các em hiện nay như thế nào không?
- Có 2 đứa bị đau (Nguyên và Đông đang chạy thận nhân tạo) có 2 đứa nghèo (Quang và Đông) nhưng cũng đủ ăn.
- Ba hy sinh ở đâu? và được đưa về chôn ở đây là lần thứ mấy?
- Ba hy sinh gần biển và người ta đem về đây chôn là lần thứ 2. Chị nói tiếp:
- Chị biết em còn nghi ngờ chưa tin hoàn toàn đâu. Tuần tới em mượn xác cô T vào nghĩa trang ở mộ số 3 em đã tìm, Ba sẽ nói chuyện cho em nghe. Tôi gật đầu và nói:
- Để em bàn với gia đình đã. Thế chị có biết em có mấy đứa con không?
- Em có 2 đứa : 1 trai và 1 gái, con trai đầu. Tôi nghe và thán phục vô cùng.
Tôi xin phép chị lần sau chị em mình gặp lại, rồi chúng tôi làm thủ tục ra về. Tôi gọi điện hỏi má và cô tôi trước tôi má có bị sẩy thai không? Má và cô đều nói có!
Nhà ngoại cảm Quảng Ngãi
Ngày 30-5-2008 tôi và Ấn đi Quảng Ngãi nhân dịp Ấn về quê ăn đám giỗ, chúng tôi đi vào nhà bà N để gọi hồn Ba tôi. Khi hồn Ba tôi nhập vào bà N nói:
- Con đi tìm Ba chỉ có một mình, còn người đi theo con là cháu đích tôn và là trưởng nam.
- Ba hiện nay nằm ở nghĩa trang nào?
- Người ta đã chỉ cho con đi đến đó rồi mà.
- Từ trước tới giờ họ chỉ cho con nhiều nghĩa trang lắm con không biết Ba nằm ở đâu?
- Con đã đi ở nghĩa trang ở huyện Phù Mỹ rồi.
- Nghĩa trang Ba nằm cách quốc lộ 1 bao nhiêu cây số?
- Khoảng 1 tới 2 cây số thôi. ( Sau nầy tôi xác định lại khoảng 2km )
- Vậy thì nghĩa trang xã Mỹ Đức hay Mỹ Lợi?
- Ở nghĩa trang Mỹ Lợi – thị trấn Bình Dương.
- Mộ của Ba ở vị trí nào trong nghĩa trang?
- Từ sau đi lên phía bên phải là hàng thứ 3 và là ngôi mộ thứ 3.
Tôi vô cùng mừng vì từ trước tới giờ chưa có trường hợp nào mà 2 người ở cách nhau hàng trăm cây số lại nói trùng khớp nhau đến vậy. Tôi cũng hỏi về gia cảnh và trường hợp hy sinh của Ba tôi thì Ba tôi cũng nói giống như chị tôi nói ở nhà cô T. Ba tôi cũng nói Ba lấy họ Hoàng là họ của Má con để luôn nhớ tới Má con. Tôi muốn hỏi nhiều nữa nhưng sau tôi còn có nhiều người ngồi chờ đợi nên tôi đành phải chấm dứt phần của mình.
Sau khi gọi hồn xong, tôi gặp con dâu của bà N xin số điện thoại di động của cô ta, đồng thời nhờ cô ta khi nào tôi tới nghĩa trang thì cô nói với má cô xem tôi đứng ở vị trí đó có đúng là mộ của Ba tôi không? Cô ta dặn, khi đó tôi phải nói lại tên của Ba tôi thì mẹ cô mới hỏi lại ba tôi mới biết được. Chúng tôi chào tạm biệt và ra về.
Ngày hôm sau, tôi đi xe đò vào thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định) ghé vào chợ mua một số đồ để thắp nhang, mua 2 đôi đũa và 2 quả trứng tươi (1 quả trứng gà và 1 quả trứng vịt) Tôi gọi xe ôm chở tôi vào nghĩa trang xã Mỹ Lợi -Thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ). Tôi gặp anh quản trang và xin phép anh cho vào nghĩa trang. Tôi thắp nhang ở tượng đài, sau đó thắp nhang cho tất cả các mộ liệt sỹ và khấn cho họ phù hộ cho tôi được gặp Ba tôi. Tôi thắp nhang ở mộ mà tôi đã được họ nói là mộ Ba tôi. Sau đó tôi cắm 2 chiếc đũa xuống mộ và tay run run đặt quả trứng gà nằm ngang trên chiếc đũa. Kỳ lạ thay quả trứng nằm ngay trên đũa, rồi tôi lại đặt quả trứng vịt lên chiếc đũa thứ 2 thì quả trứng cũng nằm ngay trên đũa. Tôi mừng quá vì từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ đặt được trứng lên đũa vì tay tôi run lắm. Tôi lấy tay moi một góc mộ để chứng minh với mọi người là mình đã đánh dấu ở đây có mảnh gạch vỡ. Khi nhấc lên tay tôi đụng quả trứng vịt, nó rơi xuống mặt cát trên mộ, tôi cầm lên và đặt lại vị trí cũ thì quả trứng nằm ngay trên đũa. Anh quản trang và anh lái xe ôm vô cùng ngỡ ngàng trước sự việc xảy ra. Tôi lấy điện thoại ra và gọi cho con dâu bà N. Cô con dâu bắt máy. Tôi nói:
- Nhờ cháu nói với má rằng, chú Khánh đang ở trong nghĩa trang nhờ má xem chú đứng ở đó có đúng là mộ của ông Hoàng Cường không? Cô ta đưa máy cho mẹ và sau đó tôi nghe bà N trả lời.
- Anh đứng ở đó là đúng rồi. Ổng nói ở khung của tấm bia “Liệt sỹ chưa biết tên” có 2 vết nứt: 1 vết nứt dọc và 1 vết nứt ngang. Tôi nhìn vào thì thấy đúng như thế.
- Vậy thì hiện nay trong nghĩa trang có mấy người?
- Có 3 người: 2 người đứng gần nhau (anh quản trang và người chạy xe ôm) và 1 người đứng một bên (chỉ tôi). Chúng tôi thấy như vậy là quá đúng. Tôi định hỏi thêm một vài câu nữa nhưng bà phải coi cho người ta nên bà tắt máy. Tôi không kịp cám ơn bà.
Một quả trứng gà, một quả trứng vịt được tôi đặt nằm trên đầu đũa một cách dễ dàng
Tôi dặn anh quản trang khoảng 18h ra ngó giùm xem 2 quả trứng còn nằm trên đũa hay không? Khoảng 19 giờ tôi gọi điện cho anh để hỏi thăm nhé! Anh gật đầu đồng ý. Tôi xin phép Ba tôi và chào anh ra về.
Tôi bắt xe về Đà Nẵng trong lòng tôi vô cùng phấn khởi vì mình đã có cơ sở vững vàng để xác định đó là ngôi mộ của Ba mình. Đúng 19giờ tôi gọi điện cho anh quản trang và hỏi anh về 2 quả trứng còn nằm trên đũa không? Anh cho biết lúc 18giờ anh có ra xem thì 2 quả trứng vẫn còn nằm trên đũa. Như vậy là sau hơn 5 tiếng đồng hồ 2 quả trứng vẫn không bị rơi.
Ngày 07-05-2008 chúng tôi thuê một chiếc xe 7 chỗ. Cùng đi có chú tôi, cháu tôi và một ông thầy mà cháu tôi cho biết ông nầy đã đi tìm mộ nhiều nơi cho nhiều người rồi và có chụp hình làm minh chứng. Cháu tôi cung cấp các tư liệu của Ba tôi cho ông thì ông nói Ba tôi hy sinh ở Phù Mỹ . Khi đi Phù Mỹ mới biết nơi đó. Chúng tôi xuất phát từ 5 giờ sáng tới 11giờ mới tới địa điểm mà ông chỉ. Theo người ta nói lại là đầu năm 1968 có một trận đánh ác liệt xảy ra ở đây, quân Ngụy và Mỹ đã dùng cả xe tăng thiết giáp đánh vào vùng nầy. Quân ta hy sinh cũng tương đối nhiều song thiệt hại của Mỹ-Ngụy cũng không kém. Ông ta hỏi dân ở đây có mấy ngôi mộ đã chôn ở đây họ đưa đi đâu? Họ nói đưa vào nghĩa trang xã rồi. Tôi hỏi lại dân và ông ta:
- Trận đánh nầy xảy ra vào thời điểm nào?
- Đầu năm 1968.
- Thôi anh đừng làm mất thì giờ nữa. Vì nếu anh nói Ba tôi mất đầu năm 1968 thì làm sao tới ngày 24/4/1968 Ba tôi còn viết thư cho má tôi được.
- Làm sao anh biết.
- Đây anh xem đi lá thư Ba tôi viết vào ngày 24/4/1968 đi. Ông ta cầm lá thư xem qua loa rồi không nói gì hết.
Tôi nói anh tài xế tìm quán để mọi người ăn cơm trưa. Rồi chúng tôi lại ngược trở ra thị trấn Bình Dương, tôi nói với ông thầy: -Ông nên thông cảm với tôi, chuyện đi tìm mộ liệt sỹ là một việc khó. Tôi đã từng trải rồi nên tôi phải có các cơ sở chắc chắn thì mới tin được. Ông cũng đừng giận tôi nhé. Ông ta gật đầu, nhưng từ đấy về sau “đài phát thanh” của ông ta gần như không phát nữa. Chúng tôi ghé vào NTLS xã Mỹ Lợi. Tôi dẫn mọi người cùng đi đến ngôi mộ của Ba tôi. Chúng tôi giật mình vì quả trứng vịt sau 7 ngày vẫn còn nằm ngang trên chiếc đũa tre. Quan sát quả trứng thì thấy quả trứng đã bị thối.
Gặp Ba
Quả trứng vịt sau 7 ngày vẫn nằm trên đầu chiếc đũa.
Chú tôi nói: Chắc chắn đây là mộ của ổng rồi. Chúng tôi thắp nhang và xin phép ra về. Từ lúc vào đến lúc ra ông thầy chỉ đứng ở ngoài chờ chúng tôi ra cùng đi về. Một ngày mệt mỏi và không được tích sự gì.
Tôi gọi điện cho bà T và muốn mời bà cùng gia đình tôi đi gọi hồn ba tôi tại nghĩa trang, nhưng bà nói rằng bà đang bị bịnh nên không biết khi nào mới đi được. Tôi lại vào nhà bà và thăm sức khỏe của bà, mong bà chóng khỏe mạnh để giúp mọi người. Tôi cũng hứa với bà một thời gian sau tôi sẽ mời bà đi Phù Mỹ với gia đình tôi. Bà đồng ý.
Tôi lại trở ra quê (TP Huế) và Hà Nội để báo cáo cụ thể tình hình của chuyến đi cho gia đình biết rõ sau 3 tháng lặn lội ở Miền Trung. Sau đó tôi về Cần Thơ.
Đầu tháng 8 tôi quyết định đi một chuyến để kết thúc việc tìm kiếm mộ Ba tôi. Trước khi đi tôi nhờ Ấn và đứa cháu tôi vào Quảng Nam liên hệ trước với bà T. Bà nhận lời và nói: sáng 16/8/2009 (26/6 Kỷ Sửu) lúc 6 giờ sáng ghé qua rước bà đi. Nhận được thông tin nầy tôi mừng lắm. Tôi đi xe đò từ Cần Thơ lên xa cảng Miền Tây sau đó ra bến xe Miền Đông rồi mua vé đi Quảng Ngãi. Mục đích ghé Quảng Ngãi lần nầy là xác định lại những thông tin trước mà mình đã hỏi xem có trùng khớp nhau không vì nếu khả năng của bà N không có thì sẽ lộ ra ngay.
Sáng ngày 13/8/2009 tôi vào nhà bà N, sau khi làm mọi thủ tục và đến lượt thì bà gọi hồn Ba tôi lên.
Sáng ngày 13/8/2009 tôi vào nhà bà N, sau khi làm mọi thủ tục và đến lượt thì bà gọi hồn Ba tôi lên. Trước khi hồn Ba tôi nhập bà nói:
- Vợ ổng còn, không sang ngang. Còn 5 người con trai và có 1 người con gái trưởng mất rồi. Kỳ nầy có một mình con đi tìm Ba. Tôi hỏi:
- Mộ Ba tôi được an táng ở nghĩa trang nào?
- Ở huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Con đã vô rồi mà. Nghĩa trang xã Mỹ Lợi cách quốc lộ 1 không xa.
- Vị trí mộ Ba ở hàng thứ mấy và mộ số mấy?
- Bữa trước Ba chỉ cho con rồi mà. Ba nằm trên đất của xã Mỹ Lợi trong Nghĩa trang ở hàng thứ 3 từ dưới lên và mộ số 3 (nói vài lần mới tới mộ số 3). Ba ở trong Nghĩa trang nầy cũng khang trang, con đã đến vài lần rồi.
- Ba muốn về quê hay về Hà Nội.
- Nếu điều kiện thuận lợi thì đưa Ba về Hà Nội nơi đó có các em và má con. Còn nếu thấy thủ tục di chuyển rắc rối thì cứ để Ba ở đây cũng được vì Ba quen sống với đồng đội rồi. Mọi người ở đây đều sống tốt và vui vẻ lắm. Ba cũng muốn về quê nhưng tình hình quan hệ bà con họ hàng ở quê không được đoàn kết nên thôi không đưa Ba về quê nữa. Những thông tin lần nầy chỉ có vậy nhưng tôi cũng thấy thỏa mãn của chuyến gọi hồn nầy.
Tôi lại chuẩn bị cho chuyến đi vào Nghĩa trang. Chúng tôi đã liên hệ thuê một chiếc xe Ford 15 chỗ. Em tôi (Nam Vinh) ở Hà Nội vào. Sáng 16/8/2008 Chúng tôi : Tôi, Nam Vinh, hai chú tôi (Hiển và Ngãi), hai đứa cháu tôi (Thế Anh và Bảo) lên xe từ 4giờ30, trên đường đi tôi dặn mọi người khi bà T lên xe thì không ai được nói mình quan hệ như thế nào với ông Hoàng Cường, và hạn chế gọi nhau để bà ta không biết mối quan hệ giữa chúng tôi như thế nào? Đồng thời khi tới nghĩa trang không ai được chỉ khu vực mộ của Ba tôi ở đâu cho bà ta biết. Xe đến nhà bà T lúc 5giờ45, tôi xuống xe, làm thủ tục ở nhà bà rồi mời bà và con trai bà lên xe. Tôi thấy bà vui vẻ nên cũng an tâm.
Đoàn tụ
Khoảng 11giờ30 chúng tôi tới NTLS xã Mỹ Lợi. Chúng tôi triển khai ngay việc thắp nhang ở tượng đài và tất cả các mộ liệt sỹ trong Nghĩa trang. Trong khi đó bà dắt chú Hiển tôi và bà đi lùi đến đúng ngôi mộ vị trí hàng thứ 3 mộ số 3 từ dưới lên. Bà bảo với chú tôi: Đây là mộ của anh. Chú ngoắc tay gọi tôi lại, tôi vội vàng chạy lại và bà ra hiệu tôi ngồi xuống. Tôi chào Ba tôi. Ông nói:
- Ta có 2 họ, họ Hoàng và họ Nguyễn. Ba hy sinh vào ngày 30-12 năm Mậu Thân rạng ngày 01-01 năm Kỷ Dậu ở biển và được đem về đây chôn lần thứ 2. Tôi chỉ sang Nam Vinh và hỏi:
- Ba ơi! Ba có biết thằng ngồi bên cạnh Ba kêu Ba bằng gì không?
- Nó gọi Ba bằng Ba. Nó là đứa áp út. Sau con 2 đứa mới tới nó. Nó vào đây đã 2 ngày và ở nhà thằng kia (Ông chỉ vào Thế Anh), nó đẻ ra ở ngoài kia (Miền Bắc). Tôi chỉ sang chú Hiển và chú Ngãi
- Vậy 2 ông nầy gọi Ba bằng gì?
- Bằng anh.
- Hai ông nầy là con ai vậy? Ông viết dưới đất chữ cậu . Tôi hỏi tiếp:
- Hai thằng kia gọi Ba bằng gì?
- Hai đứa nó gọi Ba bằng ông. Ông chỉ tay vào Thế Anh nói: thằng nầy là cháu nội còn thằng kia là cháu ngoại của O con.
- Tôi thấy vậy vô cùng mừng rỡ dù sao ông cũng nhận được mối quan hệ trong họ hàng và con cháu mình. Tôi hỏi tiếp:
- Ba có mấy anh chị em. Hiện giờ sống chết mấy người?
- Có 2 người chết (một cô chưa chồng và một chú hơi khùng khùng) và 2 người còn sống đang ở quê.
- Má con đang ở với đứa nào? Hiện nay trong nhà có đứa nào bị bịnh tật không?
- Má con ở với thằng út. Có 2 đứa đang bị bịnh.
- Năm 1968 Ba có gởi ra Bắc 3 lá thư ở 3 nơi khác nhau trong tỉnh Bình Định (câu nầy tôi thấy chính xác vì hiện tại trong tay tôi có 2 lá thư đều viết từ Bình Định nhưng 2 địa chỉ khác nhau. Có lẽ lá thư thứ 3 đã bị thất lạc). Ba đi bộ đội 2 lần, một lần là giải phóng quân và lần sau là quân chính quy. Ông còn nói họ đã báo tử Ba 2 lần nhưng không đúng có một lần báo tử năm 1967.
Lần nầy bà T cho phép ghi âm nên tôi đã ghi được gần một giờ cuộc nói chuyện với Ba tôi trước sự chứng kiến của vài người trong họ hàng. Chúng tôi xin phép Ba tôi và lên xe ra về . Tôi ở Đà Nẵng mấy ngày và xin phép vợ chồng Ấn ra Hà Nội để họp gia đình.
Ngày 23/8/2009 gia đình chúng tôi họp mặt, tôi đưa ra những căn cứ xác định đó là mộ ba của chúng tôi:
- Qua thông tin mà tôi nắm được khi hỏi chú Cao Phát thì biết được Ba tôi có thể hy sinh ở tỉnh Bình Định.
- Qua ý kiến của Chú Trần Tiến Cung thì khả năng Ba tôi hy sinh ở Đà Nẵng là không thể có được.
- Qua những hồ sơ của ban chính sách tỉnh đội Bình Định, qua những lá thư của Ba tôi gởi ra Bắc mà chúng tôi đã xác định được là ở tỉnh Bình Định. Qua việc điều tra xem Ba tôi không hy sinh ở đầm Thị Nại hay không và có hy sinh cùng ngày với những người trong danh sách của tỉnh đội hay không?
-Theo cách tìm mộ của các cụ trước kia dùng trứng để lên chiếc đũa mà không rơi trong vài tiếng đồng hồ là chính xác mộ người nhà của mình. Gia đình tôi cũng đã thử phương pháp nầy nhiều lần, các em con cô, con chú tôi có thể đặt được nhưng tôi không thể để được. Chỉ có lần nầy là tôi đặt được và đặt được một cách dễ dàng .
- Khi đến nhà bà T để xem thì tôi không cung cấp bất cứ một thông tin gì của Ba tôi nhưng bà đã nói cho biết tên cần tìm và một số thông tin của gia đình tôi một cách chính xác.
- Trường hợp 2 người ở 2 tỉnh khác nhau (1 ở Quảng Nam, 1 ở Quãng ngãi) nhưng lại nói trùng một Nghĩa trang và một mộ là điều hiếm có. Tôi đã cảnh giác vì thời buổi thông tin hiện đại cho nên lần sau tôi trở lại sau 3 tháng nhưng họ vẫn nói như lần trước thì việc mình bị gạt là không thể có được.
Sau đó chúng tôi đưa ra 3 vấn đề:
- Tôi sẽ đi vào tỉnh Bình Định để làm thủ tục gắn bia cho mộ Ba tôi mà hơn 40 năm hy sinh chúng tôi không biết ông nằm ở chỗ nào?
- Thống nhất lại ngày làm đám giỗ cho Ba tôi là ngày 29/12 âm lịch vì khi tra lại lịch thì không có ngày 30/12 năm Mậu Thân mà chỉ có ngày 29/12 ( tức là ngày 15/02/1969 )
- Căn cứ vào tình hình sức khỏe của Má. Nếu Má thấy có thể đi được để đi vào nghĩa trang ở huyện Phù Mỹ gắn bia cho Ba chúng con để mai mốt cụ có theo ông về dưới thì cũng biết ông đã nằm ở chỗ nào. Đồng thời nhân chuyến đi nầy tôi sẽ là người đưa má tôi đi thăm các dì, họ hàng đang ở trong Nam và cuối cùng là về thăm đất Tây Đô rồi tôi đưa má tôi về Hà Nội bằng đường bay Cân Thơ – Hà Nội.
Cả nhà và má tôi đều nhất trí với các quyết định trên. Tôi và má lên tàu đi vào Tuy Hòa. Sau đó tôi trở ra Thị trấn Bình Dương và vào UBND xã Mỹ Lợi liên hệ với các anh lãnh đạo của xã để chuẩn bị các công việc cho ngày gắn bia thay tên cho mộ Ba tôi. Tôi về Quy Nhơn gặp lại Nhất Trung K5 và Xuân Thủy K4. Tôi nói kế hoạch của mình và đã được Trung, Thủy nhất trí. Sáng 2/9 Tôi đón má tôi cùng em con bà dì đi xe từ Tuy Hòa ra. Chúng tôi lên xe của Nhất Trung và đi ra NTLS. Đến nghĩa trang khoảng 10 giờ, do có liên hệ trước nên công việc diễn ra như mong muốn. Tôi làm thủ tục xin các vong linh liệt sỹ cho phép tôi được thay tên cho mộ bia của Bamình sau nhiều năm tìm kiếm mà nay đã thấy trong nghĩa trang nầy.
Công việc thay tên trên bia mộ của Ba tôi đã được hoàn tất
Công việc suôn sẻ đến 12 giờ chúng tôi rời khỏi nghĩa trang trong lòng ai cũng phấn khởi vì đã làm được một việc rất trọng đại mà gia đình chúng tôi hằng mong ước. Trong việc tìm kiếm mộ Ba tôi thành công là nhờ có rất nhiều sự giúp đỡ tận tình của anh em trường Trỗi – Tôi và gia đình xin chân thành cám ơn.
Cần Thơ, ngày 13 tháng 10 năm 2009
------------------
BA ƠI...
Dành tặng Nam Khánh cùng Má và các em nhân tìm được mộ Ba.
Kính dâng hương hồn chú Nguyễn Bá Hối tức Hoàng Cường
Ba nằm vùng quê Phù Mỹ
Mà con tìm khắp Khu Năm
Trời Phật Tổ tiên phù hộ
Đưa con tận chỗ Ba nằm.
Hơn bốn chục năm chờ đợi
Một mình vò võ nuôi con
Má ơi! Ngày vui tụ hội
Sáng bừng một tấm lòng son!
Bạn con, chúng là đồng đội
Ba còn đâu của riêng con
Khắc khoải tìm Cha người lính
Cũng là đền đáp Nước Non!
"Ba ơi! Một đời binh lửa
Để giờ thanh thản nằm đây
Bốn bề quây quần đồng đội
Bằng an Ba nhé Chốn này..."*
Hà Nội, ngày 17 - 10 - 2009
Sau khi đọc Hành trình đi tìm Ba của Nam Khánh
Nguyễn Tấn Định K9
Người post: VinhCX
Ngày đăng: 23-07-2014 19:07
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |