KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 08 Tháng mười. 2014

Nhớ lại những ngày mùa Thu năm 2011 về thăm Trường KGU (tiếp theo)




Tác giả: NghiPH


4. Ngày thứ ba-  đến thăm thầy Pusnhiak


Một trong những sự kiện nổi bật, đáng nhớ nhất trong ngày thứ ba (02/10/2011) của Đoàn Về nguồn là các trò từ Việt Nam sang đến thăm thầy Pusnhiak tại nhà riêng.

Vợ chồng tôi cùng vợ chồng anh chị Linh- Đức lên xe taxi đầu tiên đến thăm thầy Pusnhiak. Khi tài xế cho xe đi chầm chậm tìm nhà thì từ xa chúng tôi đã nhận ra thầy Pusnhiak trong bộ áo rằn ri quân đội ngồi đợi ở cửa. Chúng tôi như những đứa con chạy ào đến chào thầy. Thầy cảm động nói:- Ôi những đứa con của tôi đi xa đã trở về!


Trong lúc đợi các xe taxi chở anh chị em đang tìm đường đến nhà thầy, chúng tôi rối rít chuyện trò với thầy. Chị Linh tự thú và xin lỗi thầy về vụ trốn đi Odessa không có visa. Thầy nói:- Thày vẫn còn nhớ mà. Hôm đó, thầy cùng vợ về thăm nhà ở Tiraspol thì bắt gặp các em.

 


Bỗng thầy lặng người đi:- Các em biết không, hôm qua là ngày rất nặng nề, rất đau thương đối với thầy. Đó là ngày cách đây đúng một năm người vợ yêu thương gắn bó với thầy suốt 56 năm đã ra đi mãi mãi. Vợ thầy ra đi đột ngột quá. Thầy đau khổ quá, các em ơi! Thầy vừa nói vừa khóc. Chúng tôi xúm vào an ủi thầy mà nước mắt cứ trào ra.


Chúng tôi muốn thầy vượt qua tâm trạng đâu khổ này nên đã hỏi thăm thầy vè chuyện con cháu. Thầy kể rằng, thầy có một người con trai 54 tuổi. Nó là tiến sĩ công nghệ thông tin, đang lảm việc ở Viện Hàn lâm khoa học Moldova. Nó có vợ có con. Con trai của chúng nó đã 27 tuổi. Thằng bé này là của quý của thầy đấy. Nó tốt nghiệp trường hàng không. Đã chịu lấy vợ đâu. Nó đi học thêm ở Học viện quan hệ quốc tế, học nhạc ở trường nhạc. Nó đang làm nhiệm vụ quản lý không lưu trên không phận Moldova. Hỏi nó sắp lấy vợ chưa thì thấy nó trả lời:- Ông ơi! Thời này tìm một cô gái tốt để lấy làm vợ khó quá!


Câu chuyện về đứa cháu cưng làm thầy nguôi ngoai được một phần. Thấy chị Linh ngồi bệt ở thềm cửa thầy bảo:- Không nên ngồi như thế dễ bị cảm lắm đấy.


Lần lượt các xe thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đi tới. Anh chị em ta rời xe nhanh chóng ùa đế chào thầy, ôm hôn thầy. Rồi cả đoàn theo thầy lên tầng 3. Thầy rắn rỏi bước ở phía trước, những đứa con lẽo đẽo theo sau.


Đưa các trò Việt Nam lên đến tầng 3, thầy mở khóa và mời từng học trò vào căn hộ của thầy. Thầy kêu các con trước hết vào thăm căn phòng của vợ thầy. Thầy vẫn giữ lại lọ hoa mà vợ thày cắm trước lúc ra đi mãi mãi. Vẫn còn đôi dày đi trong nhà và đôi tất màu xanh của bà. Thầy muốn giữa mãi những kỷ niệm về người vợ thân yêu đã quá cố.


Thầy nói:- Thầy muốn giữ mãi hai mẩu bánh mì dúm muối đặt trên cái cốc này để tưởng niệm vợ cho đến lúc chính thầy cũng ra đi. Tại căn phòng này thầy đã cho chúng tôi xem lại những tấm ảnh, những lá thư mà các trò Việt Nam gửi cho thầy. Thầy nói:- Khắp các căn phòng của thầy là các bức tranh, những kỷ vật của Việt Nam, về Việt Nam. Thầy luôn được sống bên cạnh các em, bên cạnh Việt Nam.      


Sau đó chúng tôi chuyển sang phòng lớn ăn bánh và uống nước trà. Tại căn phòng này thầy giới thiệu về công trình nghiên cứu khoa học về một loại hợp chất rất nhẹ, rất cứng từ các loại khoáng sản có ở Moldova. Hợp chất này có thể đem ra sản xuất công nghiệp. Và khi đó nước Moldova  sẽ trở thành nước giầu có trên thế giới.


Thầy còn kể rất vắn tắt về những hoạt động cụ thể giúp Việt Nam trong những  kháng chiến chống Mỹ (ngoài việc giảng dậy, nghiên cứu khoa học và quản lý sinh viên quốc tế). Những công việc thầm lặng, sống để dạ, chết mang theo.


Đã trên hai tiếng đồng hồ trôi qua. Sợ thầy mệt, chúng tôi xin phép thầy ra về. Thầy ôm hôn từng người 3 lần theo kiểu người Nga. Gặp bà hàng xóm ở dưới cửa, thầy khoe: Đây là những đứa con yêu quý của tôi từ Hà Nội, từ Việt Nam sang đấy.


Thầy rất xúc động nói: Thầy luôn yêu các em, luôn nhớ các em! Chúng tôi đáp lời thầy:- Các trò Việt Nam luôn kính trọng và yêu thương thầy, mãi mãi biết ơn thầy! Chúc thầy khỏe mạnh, bình an!


Trước khi đến nhà thầy Pusnhiak, chúng tôi tranh thủ đến thăm các phòng ở tại ký túc xá, thăm Dom Kulturư, thăm sân chơi bóng. Sau khi xin phép bà Komendant chúng tôi đến những nơi thân thương, gắn bó suốt mấy năm liền ở mảnh đất này. Đây là Góc đỏ, kia là nhà bếp. Còn đây là phòng của tôi! Cái giường có lẽ vẫn là cái giường từ hồi xưa. Trang bị ở khu phụ cũng thế. Góc đỏ có ít bàn ghế hơn xưa. Phòng phơi quần áo không còn nữa.

 

Thăm Dom Kulturư chúng tôi cùng nhớ lại những Hội diễn Mùa Xuân vô cùng sôi nổi vào tháng 3 hàng năm, nhớ các đại hội đoàn, nhớ các cuộc họp của Hội đồng hương. Tôi nhớ có lần chúng ta kiểm điểm nhau về việc bỏ tiết học, về những điểm ba...

 

Ra thăm sân bóng mini thì nó không còn nữa. Nhớ lắm cái thuở say mê chơi, bóng đá, bóng chuyền: "Bình kều đập rồi, bên kia hết hơi"!

 

Tối hôm đó chúng tôi đi bộ từ khách sạn đến thăm gia đình cô Irina. Mẹ con cô làm rất nhiều món ngon chiêu đãi các trò. Cô và trò lại vui vẻ kể về các bài học tiếng Nga khi xưa. Mẹ con cô Irina luôn giữ những ấn tượng tốt đẹp về chuyến đi thăm các trò Việt Nam vào tháng 7 năm 2010.

Các chị khoa Hóa đã có buổi gặp mặt rất cảm động với các cô giáo của mình:

Năm xưa đón em đến nhà

Cô chất lên bàn đủ thứ:

- Cô giao bài tập cho em

Ăn hết, mới được về 

Người cứ gầy gò như thế

 Làm sao chống rét, hả em!

Cô lo ở nơi kí túc

Chẳng có chi

Trò bị đói

Cứ bắt mang bánh về ăn

     - Nhớ chia cho mấy đứa cùng phòng!

 

Năm nay con năm tám

Mẹ của con tám tám tuổi rồi 

mắt đã mờ

chân đi chầm chậm

Con mới lại trở về

với mẹ,

mẹ ơi!

- Мама, я вернулась

      Моя родная

      чуть не заплакала:

   - Ой, ты девочка моя

      как долго, долго тебя

      ждала, ждала!

 

  - Mẹ ơi! Mẹ ngồi xuống nghỉ

Biết con từ Việt Nam sang 

Từ sáng đến giờ ngồi đợi

Đã kịp ăn lót dạ đâu

Mẹ con chắc đói lắm rồi

Con vào bếp một tý thôi

Con nấu bát mì cho mẹ

Con rán cho mẹ cái nem

 

- Mẹ ơi! Có ngon, không mẹ!

- Ngon, ngon lắm

            Con gái à

            Con của mẹ khéo ghê

            Mẹ cho con điểm giỏi

 

 

Đêm nay con nằm cạnh mẹ

Ríu rít kể chuyện chồng con

Rồi nghe mẹ thủ thỉ

Kể chuyện cái Lan, cái Thục

Chuyện về thằng Bách, thằng Tiên

Trò nào của mẹ cũng giỏi

Trò nào của mẹ cũng hay

Cuộn tròn trong lòng mẹ già

Con thiếp đi

Con mơ...

Trở lại cái ngày xưa ấy

Vừa ra khỏi phòng thí nghiệm

Bụng đói meo

Cô trao cho em cái bánh

- Ăn  đi, cô học trò nhỏ của ta!

 Anh NgọcBQ, anh Tiến Long, anh Hùng Việt, chị Minh Hạnh, chị Quang Vinh, chị Kim Bình (Luật 80), chị Bình Phạm, anh Giảng (Sinh 78)... đã tổ chức được các cuộc gặp với các bạn học rất vui vẻ và cảm động.


5. Ngày thứ tư- tranh thủ đi thăm khắp Kisinhốp, đi thăm Hầm rượu Crikova, làng quê và vườn táo, vườn nho xứ Moldova


Hôm nay (03/10/2011) là ngày cuối cùng đoàn về nguồn ở Kisinhop. Ai nấy đều hối hải việc này việc kia. Lịch vẫn dầy đặc. Còn nhiều thầy cô, bạn bè chưa đến thăm được. Chưa ra nghĩa trang viếng được một số thầy cô đã ra đi. Chưa kịp thăm Đài tưởng niệm 5 cây súng, chưa thăm lại nhà ga, chưa mua được những bức trang về phố cổ Kisinhop. Còn bao nhiêu nơi gắn với thời sinh viên đã thăm hết được đâu...


Một số anh chị em đã đến nhà cô giáo dậy tiếng Nga đã đi xa- cô Ludmila. Chồng và con gái cô vẫn lưu giữ được tất cả những kỷ vật của cô với sinh viên Việt Nam. Anh chị em đến nhà cô rất xúc động:

 

Tập bài giảng của cô còn đây

Những tờ giấy ghi bài phát biểu của cô đây

Cặp tài liệu dành cho mỗi giờ giảng tiếng Nga

Vẫn còn đây!

 

Những cái tranh, bức mành, tấm ảnh

của mấy đứa trò tinh nghịch

từ Việt Nam xa xôi

Vẫn còn đây!

 

Chúng con lặng im lật từng trang giấy

Run run sờ lên nét chữ thân quen

Cô của chúng con vừa ra khỏi nhà?

Cây bút trên bàn còn vương hơi ấm

 

À, bọn con đã nhận ra

Biết có mấy đứa con trở về gặp mẹ

Cô chạy ù ra chợ

Mua thêm thức ăn

Đãi mấy đứa con xa!

 


Các anh các chị đã ra nghĩa trang thắp nén nhang tưởng nhớ cô!



Đến nhà thầy cô, các trò đều thấy cả một bàn đầy rượu, đầy thức ăn ngon. Các thầy cô giao cho một bài tập khó:- Ăn hết, uống hết các thứ trên bàn mới được về. Nếu vội quá phải về thì lập tức các thầy cô sẽ dỗi, sẽ không bằng lòng. Phải ngồi lại ăn mỗi thứ một tí, uống thêm ít rượu, ăn thêm quả nho, quả táo.- Ăn, uống chưa hết thì mang về cho các bạn, rồi đêm về tối ăn khỏi đói- Thầy cô khẩn khoản. Trong quan niệm của thầy cô, các trò tuy đã ở tuổi về hưu hoặc sắp về hưu vẫn như là những đứa trẻ cần được quan tâm chăm sóc. Rồi thầy cô tặng quà, nhờ chuyển quà cho học trò không về nguồn được. Suốt ngày người cứ lâng lâng.


Biết là mãi 10 h đoàn mới đi thăm Hầm rượu Crikova nên ai nấy đều dậy sớm đến thăm những người chưa kịp thăm, đi thăm những nơi đầy kỷ niệm xưa. Một số anh chị em nhào ra Nhà ga Kisinhốp...

 

...Sáng nay từ 5h sáng có mấy đôi trong đoàn Về nguồn đã dậy. Họ dậy sớm để đi đến Долина Роз. Trời còn tối quá nên phải đợi một chút cho trời sáng hơn.

 

Và rồi họ đã đến Thung lũng Hoa Hồng. Sao có đường nhựa mà họ không đi. Họ chọn con đường mòn đi giữa những cây bạch dương, topol, thông và bao loại cây rừng mà họ chưa biết tên hoặc đã quên tên. Quả thông khô và lá vàng dải khắp con đường mòn. Mùi quả thông thơm cay dìu dịu. Mùi đất sáng sớm nồng nồng, ngai ngái.

 

Những chú sóc đang chuyền trên cành với quả orex trên miệng và đôi mắt tinh nghịch nhìn những cặp tình nhân trở lại chốn xưa.

 

Hồ nước bảng lảng khói sương. Không gian mộng mơ, huyền ảo. Giữa Thung lũng Hoa Hồng họ lại thì thầm nói lời yêu...


Rời Долина Роз họ đến Khu tượng đài Năm cây súng và Rạp chiếu bóng Sorok let- những địa danh gắn biết bao kỷ niệm của thời sinh viên sôi nổi, mộng mơ.


Gần 10h tất cả trở về khách sạn tập trung để thực hiện chuyến thăm quan đồng quê Moldova. Dọc đường đi cả đoàn ùa xuống cánh đồng táo đang chín ăn táo, chụp ảnh thỏa thuê. Sau đó lên đường đi thăm Hầm rượu Crikova. Khởi thủy của hầm rượu này là mỏ khai thác đá trắng. Sau hơn 200 năm khai thác dưới lòng đất của vùng này đã có những đường hầm dài tổng cộng là 120 km. Từ năm 1958 người ta đưa ra ý tưởng biến các hầm này thành hầm rượu. Đã có 60 km được cải tạo thành hầm rượu. Độ sâu của hầm khoảng 80 m. Nhiệt độ trung bình là 13 độ C. Độ ẩm 97%. Lúc nào hầm rượu cũng mát mẻ. Dưới hầm rượu có một xưởng chế biến sâm banh theo dây truyền công nghệ của Pháp.

 

Chúng tôi được đưa đi thăm các ngăn chứa các chai rượu vang từ khắp nơi trên thế giới gửi tới. Tôi thấy có cả những chai rượu thu từ hầm rượu của Gơ rinh. Nhiều chai rượu mốc thếch.


Cuối buổi tham quan chúng tôi được mời vào phòng họp lớn- nơi trước đây đã diễn ra các cuộc họp của những người đứng đầu Cộng đồng SNG.  Căn phòng này có 2 nét đặc biệt: Nói trong phòng dù không dùng micro nhưng ai nấy đều nghe được rất rõ; 2. Có 14 bức trah rất đẹp mô tả cả một quy trình từ trồng nho đến uống rượu nho. Tại phòng lớn chúng tôi được thưởng thức 7 loại rượu vang: 3 trắng, 2 đỏ, 2 sâm banh.


Đây là những loại rượu rất ngon. Tại đây Huyền đã nói về văn hóa rượu vang và đề nghị anh chị em nâng cốc vì: 1. Sự thành công của chuyến về nguồn; 2. Vì các anh chị em không được về nguồn đợt này và đang ngày đêm theo dõi chuyến về nguồn. Tất cả anh chị em đều đồng tình với Nữ đại sứ. Mọi người đứng dậy nâng cốc vì hai lẽ nói trên. Anh Vũ Chu Hiền thay mặt anh chị em cám ơn Nữ đại sứ Thanh Huyền- người đã có công rất lớn trong việc tổ chức chuyến về nguồn thành công tốt đẹp, chúc sức khỏe, hạnh phúc tất cả mọi người và mong có chuyến về nguồn tiếp theo.

 

Chúng tôi rời hầm rượu Crikova đi thăm một ngôi làng cổ- nơi có những ngôi nhà cổ và nhà thờ cổ mới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Tôi gặp lại ở nơi đây những bờ rào bằng đá như ở Hoa Lư quê tôi. Tôi có nhận xét là: Dù nhà không to, không rộng nhưng những người Moldova sắp xếp các vật dụng rất hợp lý, gọn gàng, ngăn nắp. Trong nhà, ngoài ngõ đều rất sạch sẽ. Nhà nào cũng có vườn cây, có trồng hoa, có hầm rượu. Tại đây chúng tôi được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Moldova, trong đó có món bột ngô rất ngon. Làng này nằm trong thung lũng, bên một nhánh của sông Nhitru nên cảnh vật rất sơn thủy hữu tình.

Trên đường về Kisinhop chúng tôi được xuống thăm đồng nho, ăn nho, chụp ảnh bên những cây nho. Lại nhớ về những ngày hái nho, hái táo năm xưa.

 


Chúng tôi về đến khách sạn đã 5h30 chiều thì đã thấy thầy Kozukhar đợi ở cửa. Thầy nói đến từ 4h để mời các em về nhà chơi. Mấy anh chị em khoa Luật vội vã theo thầy về nhà. Thầy cô đã chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn mời chúng tôi, trong lúc ai nấy vừa ăn tại làng cổ nên vẫn còn no. Nhưng không thể không ăn, không uống. Thầy cô mang ảnh của sinh viên luật người Việt Nam những năm sau này cho chúng tôi xem. Rồi nâng ly chúc mừng gặp mặt, chúc mừng trường nhân 65 năm thành lập, chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.


Thầy đưa ra 6 chai rượu và nói:- Các em phải giải quyết tất cả các thứ trên mặt bàn thì mới được về. Trần Kim Bình- Luật 80 kêu lên:- Bài tập thầy ra khó quá, thầy ơi! Ngồi được khoảng 1h anh chị em xin phép thầy cô ra vệ. Thầy cô nói:- Không thể được! Anh Đinh Ngọc Hiện phân bua:- Tối nay có cuộc họp của đoàn Việt Nam từ 8h30, em phải chủ trì cuộc họp.- Họp muộn một tí thì có làm sao- thầy cô nói. Anh Hiện thay mặt anh chị em tặng quà cho thầy. Rồi tất cả "kiên quyết' đứng dậy ra về. Thầy nói:- Các em phải đợi thầy một tí. Thầy cô vào phòng trong khuân ra túi lớn túi nhỏ chia quà cho chúng tôi và nhờ chúng tôi chuyển quà cho anh Cảnh, chị Thủy, chị Ngọc. Chúng tôi tay sách nách mang chào cô rồi cùng thầy ra bến xe. Thầy không cho gọi taxi và bảo chỉ đợi một chút là có xe buýt. Chúng tôi nghe lời thầy. Một lúc sau xe buýt  tới, chúng tôi ôm hôn, lưu luyến chào tạm biệt thầy.  

Về khách sạn nghỉ một chút chúng tôi xuống tầng 1 liên hoan mừng anh chị  Hoàng Lương- Kim Thanh vừa "lên chức" ông bà.


Sáng mai, từ 5 h chúng tôi rời khách sạn đi Moskova. Rồi cũng đã đến lúc chúng tôi chia tay với thành phố Trắng- Kisinhop sau những ngày hạnh phúc, sung sướng bên các thầy cô, bạn bè.


 Rồi đến ngày nói lời chia tay,

Rồi đến phút rời xa chốn này,

Lòng còn muốn đó đây, đi khắp

Bâng khuông, bồi hồi, dạ đắm say!

 

Mãi yêu hàng phong, cây xanh thắm,

Nhớ nhiều lối phố bóng nắng đầy,

Nhớ thương ai đó, tung tăng bước,

như dải mây nào, vắt theo đây!

(thơ Tạ Minh Lý)







 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 08-10-2014 23:11






Xem 21 - 23 của tổng số 23 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: HuyenBT
09/10/2014 00:34:44

Bây giờ thì em rất hiểu các anh, các chị. Sao lại thương nhớ mảnh đất ấy thế, sao lại muốn trở về nơi ấy đến thế! Vì em vừa mới xa Moldova mấy tháng, mà đã nhớ quay, nhớ quắt. Đọc bài của anh Nghị lại thấy như mình cũng như các anh chị, nôn nóng được trở về.



Từ: HuyenBT
09/10/2014 00:31:45

Đi nhá, anh Khánh!



Từ: KhanhT
09/10/2014 00:13:21

Nhớ ngày ấy sốt sắng thúc dục mọi người chuẩn bị về nguồn rồi mình không đi được, tiếc lắm. Bây giờ lại xốn xang chờ 2016!




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s