KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 26 Tháng mười hai. 2014

ĐÊM GIÁNG SINH




Tác giả: CucNT

ĐÊM GIÁNG SINH


Chúng tôi là dân lương, không theo Đạo nào cả. Thủa nhỏ trong gia đình tôi chỉ treo ảnh Bác Hồ và  đó là vị Vua anh minh của dân tộc. Chúng tôi được học theo chủ nghĩa vô thần, không tin vào thần thánh hay đức Chúa nào cả. Nhưng bên cạnh làng chúng tôi là làng Thạch Trung, ở đó người dân theo đạo Thiên Chúa giáo, chúng tôi có những người bạn theo Đạo và điều đó không ngăn cản chúng tôi trở thành bạn thân của  nhau. Hàng năm vào kỳ  Noel, đêm 25/12 (dương lịch) chúng tôi chạy bộ tới nhà  thờ ở Thạch Trung để xem Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ.  Lúc đó tôi chỉ được nghe kể rằng đức mẹ Maria không có chồng nhưng đã sinh ra 1 người con trai, bởi vì Chúa đã đầu thai vào người của bà. Chúa Giesu đã đầu thai làm kiếp người về sống ở hạ giới để gánh mọi kiếp nạn trên mình dành hạnh phúc cho những con chiên ngoan đạo khác. Chỉ nghe thế thôi, chúng tôi đã thấy náo nức muốn xem và rủ nhau đi như trẩy hội. Trời lạnh, áo phong phanh, không dép guốc, chúng tôi với đôi  chân đất đi bộ 5 cây số tới nhà thờ Thạch Trung lắng nghe tiếng chuông nguyện cầu, nhìn những đoàn người, đông đúc bỏ lại sau lưng những vất vả ngày thường mang gương mặt hân hoan đến với Chúa. Mới học lớp 3 nhưng cô giáo đã dạy cho chúng tôi rằng, không có Chúa trên đời, mọi tín  ngưỡng là không đúng, các em có thể chơi thân với nhau nhưng nhắc nhau học tốt, các bạn bên Giáo không được lôi kéo các bạn bên Lương theo Đạo. Chúa của chúng ta là Bác Hồ và chỉ có Đảng cộng sản  mới mang tới cơm no áo ấm cho nhân dân.

Tôi tới xem máng cỏ nơi đặt hình đức Chúa giesu thấy Chúa cũng giản dị như  chúng ta vậy, bên cạnh Chúa nằm là hình những củ khoai tây, củ hành, củ đậu. Mọi người giải thích rằng vì các mục đồng  vui sướng khi Chúa ra đời nên họ đã mang những của cải họ có đến dâng cho Chúa.

 

Chúng tôi lắng nghe những tiếng cầu nguyện của Giáo dân, họ cầu xin Chúa cho họ có cuộc sống an bình, cho mọi người đều yêu thương, chia sẻ  cho nhau. Họ kể rằng họ đã mắc môt số lỗi lầm và họ sám hối trước Chúa, từ nay về sau, họ sẽ tu tâm tích đức, không làm điều có lỗi nữa. Họ cầu xin cho mưa thuận gió hòa, cho hòa bình ngự trị khắp nơi trên trái đất,cho con người biết tha thứ và yêu thương nhau.

Tiết  trời Noel thường rất lạnh, chúng tôi chỉ được phép đi chơi đến 10g đêm, nên không thể chờ  đến 12g đêm để xem Chúa ra đời thế nào nhưng tôi đã có 1 buổi tối vui vẻ. Hôm sau, đến lớp học, tôi kể với cô “Thưa cô, Giáo dân họ không xấu đâu, họ cầu nguyện toàn những điều tốt lành thôi cô”. Không được, em không được theo các bạn nghe đọc Kinh thánh như thế, em phải trở thành 1 đoàn viên xuất sắc và sau này phấn đấu để trở thành 1 Đảng viên mẫu mực, nếu em theo Đạo là không được vào Đảng Công sản Việt  Nam, sự nghiệp của em sẽ không sáng sủa”. ( Ngày đó những người theo Đạo không được kết nạp Đảng). Tôi nghe lời cô, không đến nhà thờ nghe đọc kinh và Đêm Noel không đi xem Chúa ra đời nữa.

Cấp 2, tôi học ở trường năng khiếu Thạch Thượng Thạch Hà Hà Tĩnh. Thầy giáo dạy văn đã trút vào tâm hồn tôi tình yêu quê hương đất nước thiết tha, tình yêu văn học vô bờ bến. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được  văn học mang trên mình một sứ mệnh vinh quang, nó ra đi từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống và góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Thầy dạy cho chúng tôi những trang văn, áng thơ ca ngợi Bác Hồ, Đảng Cộng sản, con người mới Xã hội chủ nghĩa vv Chúng tôi học thuộc lòng bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng “ ( Tố Hữu)

“Đảng ta, con cuả phong trào
Mẹ nghèo mang nặng khổ đau khôn cầm.
Như đứa trẻ sinh nằm trong cỏ
Không quê hương, sương gió tơi bời
Đảng ta sinh ở trên đời
Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay.”.

Tôi định hỏi thầy có phải Đảng sinh ra trên cỏ như Chúa Giesu ra đời trên máng cỏ không hả thầy. Nhưng nhớ lời dặn của cô giáo, tôi im lặng.

Quê thầy ở Thạch Trung nên đến kỳ Noel, chúng tôi đi tham quan nhà  thờ và ghé thăm nhà thầy. Thầy đang đi lễ, thì ra thầy Hân là người Thiên Chúa Giáo. Trong nhà thầy trang trọng giữa phòng khách, 1bên là treo ảnh Chúa còn 1 bên treo ảnh Bác Hồ với dòng chữ “Sống tốt đời đẹp đạo”. Thầy dạy chúng tôi trong điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng nghĩa tình bao la. Tôi lớn lên theo những con chữ và nhân cách sáng ngời của thầy. Ý nghĩ trong tôi về người Thiên Chúa Giáo bắt đầu thay đổi từ thầy. Thầy chỉ dạy tôi mấy năm học cấp 2 thôi nhưng hoài niệm về thầy đã đi theo tôi suốt cuộc đời. Tôi trở thành đoàn viên xuất sắc và được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản khi đang là sinh viên có lẽ không phải vì tôi vô thần mà bởi tôi đã rèn luyện theo nhân cách và những lời dặn dò hết sức chân tình của thầy.

Tôi qua Nga du học mới thấy người Châu Âu đón Noel thật hoành tráng với những cây thông cao gắn đầy các ngọn đèn hình trái thông và hình ông sao. Cây thông đóng vai trò quan trọng trong lễ hội bởi màu xanh trường tồn của nó. Khi mùa đông đến, cây cối trở nên vàng vọt lá rụng tơi tả thì cây thông vẫn xanh tốt, khỏe mạnh, cành lá sum sê. Cây thông là biểu tượng của niềm hy vọng mang mùa xuân  tới. Những ông già Noel với túi đồ chơi, ngồi trên xe tuần lộc cùng  tiếng chuông lenh kenh mang quà tới cho các cháu nhỏ. Theo truyền thuyết Giám mục thành Myra sinh ra ở Thổ Nhĩ kỳ năm 279 trước Công Nguyên nổi  tiếng cả cuộc đời vì hoạt động bác ái. Hội Thánh Công Giáo làm lễ phong Thánh cho ông với cương vị là Thánh Bổn mạng của trẻ em. Vì vậy hàng năm vào mùa Noel ông thường mang quà cho trẻ nhỏ.  Các bữa ăn Reveillon, gồm cá chép, gà Tây, ngỗng, thịt heo và các loại  bánh Buche được làm từ bột mì hình cây củi thể hiện ngọn lửa càng kêu lách cách, thú dữ sẽ càng tránh xa và bình yên ở lại.

Chúng tôi đắm chìm trong tiếng nhạc của bài hát Giáng sinh Silent Night, holy night hướng đến 1 cuộc sống thật an lành trong tâm hồn mỗi người.

Hòa trong niềm vui, niềm hân hoan của những người phương Tây đón Giáng sinh đếm Noel, tôi chạnh lòng nghĩ về quê nhà với bao gian khó, lúc nào thì người dân quê tôi  có được những đêm Noel ngập tràn ánh sao và những bữa ăn sung túc, những bản nhạc du dương như thế?

…Đêm nay, đứa bạn của tôi ở quê vào Sài Gòn cùng tôi đón Giáng sinh.  “Đã là bạn thân không cần  nói gì cả chỉ cần bạn bên ta là ta thấy hạnh phúc”.

Cảm ơn bạn Hiền yêu dấu của tôi. Mấy hôm nay, khắp Tp. HCM đã nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ này. Chúng tôi tới nhà thờ Đức Bà Sài Gòn khi mới 20 giờ nhưng người ở đây đã đông kín, cánh cửa nhà thờ vẫn còn đóng nhưng niềm vui thì nở rộ khắp nơi. Những con đường ở trung tâm Sài Gòn chăng đầy bóng điện, những cây thông Noel rực rỡ ánh sao và những ông già Noel mặc áo quần đỏ rực hòa lẫn vào trong dòng người đông đúc tiến về nhà Thờ Đức Bà. Đôi lứa thanh niên chở nhau đi, trên tay là những bình xịt tuyết, chúng phun tuyết lên tóc nhau và cười sảng khoái. Các bạn trẻ đứng bên cây thông, bên những con tuần mã liên tục bấm máy các tư thế khác nhau. 

 

Chúng tôi lang thang khắp Sài Gòn, ở các xóm đạo, ở đâu cũng đẹp lộng lẫy. Chúng tôi ghé vào 1 nhà thờ ở Quận Gò vấp và tôi lặng người khi nghe bài hát ‘Đêm Thánh Ca” da diết

“… Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ 
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa 

Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn 
Nhấp chén phiền vương phong trần 
Than ôi Chúa thương người đến quên mình 
Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành 
Ai đang sống trong lạc thú 
Nhớ rằng Chúa đang đền bù “.

Các bạn tôi đang cười vui chụp hình, còn tôi ngắm nhìn những gương mặt người rạng rỡ xung quanh và ngước  nhìn dòng chữ “ Vinh danh thiên chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Tôi biết ở Việt Nam không có mùa đông lạnh lẽo đầy tuyết rơi để cây thông trở thành biểu tượng đánh tan cái lạnh băng giá của mùa đông để mang mùa xuân về cho nhân loại nhưng có hề gì khi phong tục đón Giáng Sinh của Châu âu đã tràn đến Việt Nam và đón Giáng sinh đã trở thành ngày lễ lớn. Có lẽ trong đoàn người  mườn mượt đi chơi đêm Giáng Sinh  hôm nay, có rất nhiều người như tôi, không phải là người Thiên Chúa Giáo, không tin rằng trên đời này có Chúa nhưng chúng tôi có niềm tin rằng mọi đức tin đều đáng quý khi đức tin đó hướng con người đến thiện tâm.

Nhìn những gương mặt người hớn hở, những ông bố bà mẹ mua quà cho con, những đôi tình nhân trao nhau những món quà, tôi hiểu rằng cuộc sống quanh tôi đang thay đổi, đang ấm no, hạnh phúc hơn. Tôi xiết tay người bạn, “Ước mơ của Cúc hồi đang sống ở Châu Âu rằng có ngày người dân Việt Nam được đón Noel trong ấm no, an bình hạnh phúc đã thành sự thật”. Không chỉ ở Sài Gòn, ở quê tôi, ánh điện đã thắp sáng mọi miền quê và bọn trẻ quê tôi có thể đi chơi Noel suốt đêm mà không sợ đêm tối đen nuốt chửng.

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết, còn nhiều mục đích để hướng tới và còn nhiều ước muốn để khao khát  nhưng những cảm xúc chúng tôi có đêm nay thật đẹp đẽ.

Cảm ơn Chúa Giesu ra đời trong máng cỏ nghèo hèn đã để lại cho nhân loại lịch sử suy niệm, để rồi từ đó con người luôn hướng tới những điều tốt lành hơn để mà sống và làm những việc thiện tâm.

Tôi muốn chạy tới gặp thầy Hân “Thưa thầy, không phải những người cộng sản mà chính thầy, 1 người Thiên Chúa Giáo đã dạy em, hãy biết chia sẻ với bạn bè “ Con cho người là con cho ta vậy” , hãy biết nhẫn nhịn “ Khi người ta tát con vào má phải, con hãy chìa nốt má trái ra”.  Chính thầy! “Người thầy đầu tiên” đã dạy cho em nhân cách làm người để trở thành 1 luật sư, 1 Đảng viên và 1 con người biết yêu cái đẹp trên đời.

Giáng sinh đi qua nhưng niềm vui trong tôi và mọi người còn đọng mãi và tôi tin rằng sau đêm nay rất nhiều người sẽ gắng làm thêm nhiều việc tốt để Chúa ban phước lành đến cho bản thân mình và những người thân yêu!


Tp. HCM ngày 25/12/2014

cucnt


Người post: CucNT

Ngày đăng: 26-12-2014 16:04






Xem 11 - 20 của tổng số 37 Comments



Từ: CucNT
29/12/2014 21:41:31

Guest dancay HT, em đoán là anh Vinh, 1 cây văn học xuất sắc của làng KGU. Anh Vinh học sau em 1 năm là bí thư chi bộ Hội sinh viên và nghiên cứu sinh Kishinew, hiện là luật sư đang sinh sống và  hành nghề tại Hà Nội. Anh Vinh ơi! Anh comment bài của em như đang viết về 1 tác phẩm xuất sắc nhất của thời đại. Đành rằng em cũng thích được khen nhưng khen như thế thì làm nhiều người thấy anh quá hào phóng và em cảm thấy không còn thật nữa. Dù sao, em cũng cảm ơn anh và mong sao anh sẽ post những trang thơ, áng văn của anh lên trang web Kgu để cả nhà cùng thưởng thức.


Cảm ơn chị Thanh đã chúc mừng hạnh phúc cho em và cùng chia sẻ những ý nghĩ của chị về TCG.


Cảm ơn anh Hải NV đã rất ủng hộ và khuyến khích em Cúc bằng những Comment đầy tư liệu và cả những mong ước chung về 1 ngôi nhà kgu sầm uất.



Từ: HaiNV
29/12/2014 18:39:05

 


Có lẽ bài viết này của em CúcNT đang lập kỷ lục của tháng 12/2014 (và có thể của 6 tháng hay cả năm?) về "kéo" được rất đông số người KGU và khách tham gia còm. Cho đến lúc này đã có 25 còm, HaiNV đếm được 14 người KGU xuất hiện ít nhất 1 còm, gồm các anh UyenNT, ThangNT, KhanhT, CoDM, NghiPH, chị BaLX, TuyetHA, ManhNX, BinhPT, ThanhLK, LiTM, HuyenBT, Chỉ biết cười trừ và HaiNV; có 4 Guest: BM, dancayHT, Life và Guest, còn lại là có người 2 còm trở lên và mấy lời hồi âm của em CúcNT.


Chợ KGU ta "thời kỳ hoàng kim" thường xuyên, liên tục đồng thời có lúc có đến 15, thậm chí 20 thành viên online, nay nhiều lắm cũng 2-3 người. Mong lắm thay, mọi người quay trở lại ngôi nhà KGU thân yêu!   


 



Từ: ThanhLK
29/12/2014 18:14:18

 Em Cúc nói rất đúng: Đã là bạn thân không cần  nói gì cả chỉ cần bạn bên ta là ta thấy hạnh phúc”. Chúc mừng Cúc đã có một Đêm Giáng sinh an lành bên bạn hữu. Chị rất thích xem kiến trúc và tranh tượng trong nhà Thờ TCG, nên đây thường là một trong các điểm thăm quan khi đến một đất nước mới. Mặc dù khi còn nhỏ đi sơ tán ở làng Bình Đà, bên cạnh có nhà thờ Thạch Bích thuộc một làng theo Đạo, chị cũng được cô giáo nhắc nhở là:” không được để lôi kéo theo Đạo…” (mà không hiểu vì sao ???),, nhưng bọn chị vẫn chơi thân thiết với các bạn đi Đạo.  Cám ơn em Cúc vì bài viết chân thực và tình cảm. Mong em mãi là một trong những “Người giữ lửa” củaWeb KGU



Từ: CucNT
29/12/2014 15:13:41

Cảm ơn anh Thắng, Khánh, Uyển, Cơ, Hải, chị Bình đã nhiệt tình comment bài viết của em. Anh Uyển gọi em là "người giữ lửa" cho trang web Kgu. Thực tình, em cũng có qua FB và ở đó có nhiều bạn bè đọc bài viết của em nhưng em tha thiết mong muốn web Kgu của chúng ta trường tồn và phát triển. Nơi đây là điểm hội tụ của gia đình  Kgu chúng ta, nơi chúng ta có thể trao đổi cùng nhau mọi vấn đề về cuộc sống, có thể chia sẻ cho nhau và giúp đỡ nhau một cách thiết thực nhất. Và cũng nơi đây, ta sẽ cùng nhau chung sức dù ít dù nhiều mỗi người 1 chút làm các chương trình từ thiện như "góp đá xây Trường sa" hay "Bữa cơm có thịt" cho các em bé miền núi..Nơi đây, ta có thêm những kiến thức để bổ sung cho nhau vì người Kgu làm việc ở nhiều  lĩnh vực khác nhau.Nơi đây ta biết về nhau những thành công và cả những tin không vui để kịp thời chia sẻ cho nhau...


Để trang web tồn tại thì phải có bài viết nên em cảm ơn tất cả những ai đã nhiệt tình post bài. Nhưng điều quan trọng không kém là các comment của bài viết Post lên rồi mà không có ai com thì buồn lắm thay. Em xin chân thành cảm ơn tất cả các anh chị em đã ưu ái cho em dù hiện nay thông tin trên mạng vô số, thời gian thì hạn chế nhưng các anh chị đã dành thời gian để đọc và comment các bài viết của em và của nhũng người khác.


Em hy vọng rằng "chợ Kgu" sẽ lại sầm uất hơn xưa!



Từ: Guest dancayHT
29/12/2014 14:39:19

  Bác nông dân (Dân cày HT) hỏi: Chúa ở đâu?  Nhiều "nhà thông thái" đua nhau trả lời: 


       Nhà thiên văn - Trên trời cao vời vợi; 


       nhà du hành -  giữa không trung bao la,


       Nhà địa chất - dưới lòng đất thăm thẳm, 


       Nhà thơ - trên thiên đường chót vót,


       Nhà buôn thịt bò - giữa địa ngục trần gian...


       Chỉ có một người im lặng mỉm cười. Gặng hỏi mãi, người ấy mới chậm rãi: Chúa ở trong tim mỗi người. Lập tức có người thắc mắc: Trái đất có bao nhiêu con người thì ắt có bấy nhiêu trái tim, vậy chẳng nhẽ chúa phân thân thành hàng tỷ, ở khắp mọi phương? Nhiều người lại đua nhau trả lời...Duy chỉ có một người vẫn im lặng suy tư. Mọi người gặng hỏi mãi, người ấy mới chậm rãi: Cái gì biết thì nói, cái gì không biết thì nên đi mà hỏi, đừng ăn ốc nói mò.. Ai muốn có câu trả lời hay nhất thì đi theo tôi. Đám đông xôn xao: Đi đâu? - Đi vào "Vườn Văn học"  KGU để đọc "Đêm giáng sinh" của tác giả CucNT. Đám đông chất vấn: Vì sao biết câu trả lời hay nhất nằm ở "Đêm giáng sinh"?- Vì tôi đã đọc câu chuyện đó...


                              (DânCàyHT)


 



29/12/2014 14:25:37

Em Cúc đã thu hút mọi người về tụ hội trong ngôi nhà KGU- một không khí thật ấm áp, sôi nổi trong dịp Giáng sinh và đón năm mới Dương lịch!



Từ: CucNT
29/12/2014 14:07:43

Cảm ơn cả nhà đã comment rất rôm rả bài của em Cúc. 


Em không nghiên cứu và cũng ít đọc các tư liệu về các Đạo nên không hiểu gì. Đọc các tư liệu anh Hải NV đưa ra, em đã có thêm kiến thức. Trước đây khi khai lý lịch ở mục Tôn giáo em đều ghi là : "Lương" còn bây giờ em ghi là "không"  chị Bình ạ! Thực sự em không biết tôn giáo nghĩa  là đường đi và các cơ quan chức năng khi xem lý lịch của em cũng không thấy có ai yêu cầu em sửa lại cả.


Có thể giờ đây người ta không dùng từ "lương" "giáo" nữa nhưng thời bọn em đi học thì điều đó phân biệt rõ ràng lắm, cô giáo điểm danh, em nào là "Lương", em nào là "Giáo", xếp thành  2 hàng khác nhau và cô thường răn dạy chúng em không được để các bạn bè bên Giáo lôi kéo theo Đạo Em còn nhớ hồi đó có bộ phim "Ngày lễ thánh" chỉ trích bên Đạo...



Từ: NghiPH
28/12/2014 19:22:24

 


Tôi nhận thấy, thời nay, có lẽ không nên dùng từ "lương", từ "giáo" nữa. Người Việt ta (ở một nghĩa nào đó) ai cũng theo đạo thời tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Cả người theo một đạo nào đó và người không theo đạo nào cũng đều thờ cúng tổ tiên. Đây cũng là một nét đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc ta.


 


 



Từ: HaiNV
28/12/2014 18:47:21

 


HaiNV xin nói thêm: "Không tôn giáo" (tức là không theo tôn giáo nào, có thể gọi là vô thần) có ở nhiều nước, không chỉ là người cộng sản!


Xem Google: Từ khóa "Không tôn giáo" (Wikipedia), trong đó có thể thấy tỷ lệ người "không tôn giáo" ở nhiều nước rất cao. Ví dụ: Thụy Điển: 46-85%; Estonia 75,7%; Nhật Bản: 51,8%;  Hà Lan: 44%; Pháp: 27,2%...


Lễ Giáng Sinh là Lễ hội của những người theo Đạo Thiên Chúa và ở nhiều nước (ví dụ Nhật Bản) không phải là ngày Lễ chính thức, không được nghỉ Lễ. Việc người theo tôn giáo này, tin ngưỡng này, hay không tôn giáo, vô thần... tham gia vui Lễ hội của một tôn giáo khác, dân tộc khác là một chuyện rất bình thường, một nét đẹp văn hóa. Điều này rất rõ là người châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...với tôn giáo tín ngưỡng khác ta vẫn rất thích đi thăm đền thờ, chùa chiền của ta. Tôi đã từng đưa nhiều khách quốc tế có tín ngưỡng khác nhau đi thăm quan chùa chiền, họ cũng đứng chắp tay khấn vái các vị thần linh của ta. Như vậy, nếu ai đó không theo Đạo Thiên Chúa không có nghĩa là không mong muốn làm nhiều việc tốt, ai đó đi chơi hay không đi chơi Noel, vào nhà Thờ, không nhất thiết phải (mà cũng có thể) cầu Chúa Giê Su ban phước lành... 


Tự do tín ngưỡng, tức là theo hay không theo một tôn giáo nào là quyền con người, là thể hiện của nền dân chủ của các nước trên thế giới cũng như ở nước ta.  


 



Từ: Guest Life
28/12/2014 18:33:09



Khi chông chênh thì ta tìm kiếm điểm tựa đâu đó. Còn vững vàng thì ta tìm thấy điểm tựa trong chính mình.






Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s