KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 01 Tháng năm 2015

TRỞ VỀ HÀ NỘI




Tác giả: Phạm Thị Ngọc Hoa- Hóa 1972

Từ Ba Vì về Hà Nội, nhận phòng ở Khách sạn 35 Tràng Tiền xong, tôi khóa cửa, xuống đường, một  mình dạo quanh Bờ Hồ. Bước chân dẫn tôi tìm đến ngôi nhà số 9 đường Hai Bà Trưng. Nơi đó, năm 1972 là Bộ Đại học, nơi tôi nhận những tháng học bổng cuối cùng. Tôi lặng lẽ dừng lại rất lâu, quan sát lối đi giữa hai tòa nhà được thiết kế theo kiểu Pháp. Vẫn còn đó một cây to cành lá xum xuê. Chúng tôi, khóa 72, hàng tháng thường tụ tập dưới bóng mát của nó khi chờ lãnh “lương”. Những đứa trẻ Học sinh Miền Nam được nhà nước phát học bổng 32 đồng cho tới khi nhận công tác (Tiền ăn 2 bữa khi đó thường là 16 đồng/ tháng).

 

 

                                               Khóa 72 lao động hè

 

Và tôi chợt nhớ lại Hà Nội 1972. Chúng tôi ùa ra khỏi xe ô tô (từ tàu liên vận Trung Quốc) lỉnh kỉnh một ít va li, hòm xiểng. Rào rào gặp gỡ người thân, vội vã thuê xích lô. Phút chốc trên bến xe vắng lặng. Trước khi đi Liên Xô, chúng tôi học nội trú. Giờ, đã tốt nghiệp đại học, trường xưa không còn, ba má cũng không có ngoài Bắc. Nhiều bạn không biết về đâu. Mọi người “tùy nghi di tản”. Cặp bài trùng Năm, Mận (OB 72) ngẩn ngơ một hồi… May quá, có anh Mậu, người yêu của Nhung (CL 72), ra đón Nhung. Thế là Năm, Mận thuê xích lô đi theo cặp tình nhân kia. Ngồi trên xe mới chợt nghĩ: “Mình không có tiền Việt Nam, mình không quen ai, cũng chẳng ai biết mình, làm sao có tiền trả xích lô!”. Ông đạp xích lô gợi ý: “ Thôi, hai cô tới nơi, cho tôi xin vỏ cái thùng gỗ đựng đồ, coi như tiền xích lô!” Rồi! OK!... Các bạn Vinh, Kiểm, Tháo (CL 72) thì tập trung ở nhà Trần Thị Cấp (OB 72), con Bác Trần Nam Trung (Bộ trưởng Quốc phòng chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam). Gia đình Bác ấy có một căn tập thể ở dốc Ngọc Hà. Thế là các bạn ấy “góp học bổng thổi cơm chung”. Chúng tôi ai nấy đều mong được “phân công” công tác. Gì cũng được: Dạy học, phòng thi nghiệm, công an, bộ đội… để ít nhất có một chỗ tá túc.

Với lứa học sinh Miền Nam 1972 chúng tôi thì ngày tháng năm sinh chẳng có ý nghĩa gì. Khai sao cũng được! Tôi đã khai trong lý lịch sinh 1948 chỉ vì nếu giữ nguyên năm sinh 1949 thì sợ các bạn sẽ “nghỉ chơi” với mình (nhỏ tuổi hơn chúng)! Sau, tôi lấy anh của một cô bạn học và giải phóng miền Nam về cùng một nhà mới biết bạn ấy sinh 1947?!? Và thời ấy ngay cả đến tên khai sinh với chúng tôi cũng không “cố định”. Khi chị gái của T.T. Cấp đi đăng ký tạm trú cho 3 bạn: Vinh, Kiểm, Tháo mới chợt nghĩ: Trời, con gái gì lại tên Tháo, cái tên nghe không đẹp! Chị nói: “Nó tên Nguyễn Thị Thảo, tại người ta viết ẩu thôi!” Thế là từ đó trong mọi hồ sơ, giấy tờ cô bạn tôi mang một cái tên rất dịu hiền: Nguyễn Thị Thảo. Chúng tôi gọi theo tên mới, riết cũng thành quen.

Tôi lấy chồng dịp Noel 1972. Thời gian và địa điểm in trên Thiệp mời cưới cũng trở nên không còn giá trị nữa. 12 ngày đêm máy bay Mỹ thả bom ác liệt xuống phố Khâm Thiên, nhà máy điện Yên Phụ, bệnh viện Bạch Mai… Trên đường phố Hà Nội, trong từng nhà riêng và trụ sở cơ quan đều sẵn sàng các hầm trú ẩn. Trong 12 ngày đêm đó (Thứ hai tuần trước tới thứ sáu tuần sau) duy nhất có một ngày thứ bảy - 24/12/1972 - ngày cưới của tôi. Chúng tôi phải tổ chức đám cưới theo kiểu “sơ tán”: cắt cử một người đứng tại địa điểm trên thiệp, hướng dẫn địa điểm mới. Thay vì trà lá, bánh kẹo tại hội trường, chúng tôi tiếp khách “thường trực” tại nhà. Đêm tân hôn chúng tôi 3 lần chạy xuống hầm trú ẩn vì còi báo động (gần nhà máy điện Yên Phụ). Tôi không buồn cũng không thắc mắc sao có một ngày thứ bảy mà mình lại chọn đúng ngày đó! Bạn đồng trang lứa của tôi, bác sĩ Tường Vân của Bệnh viện Bạch Mai, đã ra đi vì bom Mỹ, mãi mãi để lại tấm thiệp cưới Noel 1972 còn nguyên vẹn (Báo Thủ đô Hà Nội, 24/12/1972). Thời buổi này người ta hay chọn tên chọn tuổi, coi ngày coi giờ để làm đám hỏi, đám cưới, ma chay… Có các thầy bói hoặc thậm chí trang mạng sẵn sàng chỉ dẫn tra cứu. Bạn tin. Tôi không phản đối. Nhưng tôi không tin. Cái đám cưới, cái đêm tân hôn “không giống ai” đó 43 năm qua vẫn nhắc nhở chúng tôi về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

 

 

Tôi cám ơn Du Xuân 2015 tổ chức ở Hà Nội. Tôi có dịp trở lại với ký ức xưa và những người bạn cũ. Khi các anh chị khóa trên (cách chúng tôi 4, 5 khóa) về nước, chúng tôi trở thành chị cả. Sau đó là khóa 1973, rồi 1974, KGU nhận Hệ dự bị, thành lập khoa Ngoại quốc do Thầy Pusnhiăc làm decan. Kỷ niệm về các khóa sau vẫn là những ký ức không thể nào quên được… Cái vẻ mặt tấm tức của em Lọ ở bàn bóng ob. 3 với lời than phiền: “Bình cũng như lọ thôi, có gì đâu mà các bạn cứ trêu tôi!” Năm ấy theo thống kê, chúng ta có tới 5 Bình (Hòa Bình, Thanh Bình…), 1 Lọ. Tôi lý giải vì các em ấy sinh ra khi miền Bắc hòa bình. Du Xuân, tôi gặp lại em Lọ. Em vẫn như xưa, có chăng là em cao hơn hồi mới tới KGU. Tôi rất thích hoạt cảnh “Tâm sự của 3 lính Mỹ”. Còn nhớ khi lính Mỹ (Bình Kều) khóc vì nhớ nhà, lính Mỹ (Như Anh) đưa khăn lau nước mắt cho bạn, vắt khăn, “nước mắt” chảy tong tong! Cả hội trường cười rộ!. Tôi ngưỡng mộ đoạn múa solo của Ánh Tuyết. Các động tác balê của em rất chuẩn, đẹp và tự tin. Các em thật tài ba và cho tới bây giờ các em vẫn là trụ cột vững chắc của KGU.

 

Chúng tôi gắn bó nhiều hơn với khóa 73, 74, cùng kỳ nghỉ, thể thao, lao động. Gặp Kim (OB 73) ở Sài Gòn. Kim hỏi: “Chị có nhớ em không?” Tôi nói: “Chị sợ nhất mỗi khi em nhảy lên đập quả bóng chuyền!”. Nay Du Xuân ở Hà Nội chúng tôi được các em khóa 73, 74 mời cơm. Cùng với khóa 73 chúng tôi được thưởng ngoạn Bánh tôm Hồ Tây - Đặc sản thương hiệu!

 

                   Khóa 72,73,74 tại bánh tôm Hồ Tây trong dịp Du xuân 2015

Thắng, Uyển, Khánh (OB 73) chúng tôi gặp ở thành phố Hồ Chí Minh, giờ chúng tôi được hàn huyên với Kim, Mai, Tánh (OB 73), Điền, Tuất, Lân, Cường (CL 73). Lạ thay, ngày xưa chúng tôi “nể” các em ấy học giỏi, nay các em ấy thành đạt mà vẫn giữ được nét hồn nhiên. Có lẽ do trời sắp chúng tôi làm chị cả nên nhìn em mình bao giờ cũng như vậy?! Ngọc Liên tặng chúng tôi một bài hát tiếng Moldova. Cũng là đặc sản KGU!

 

                               Khóa 72,74 tại nhà Minh CK - Chi

Cuộc gặp gỡ với KGU 74 được các em sắp xếp ở nhà Minh-Chi. Cũng vẫn vậy! Vẫn nét xinh đẹp của L.N.Liên, Thục, Ước, vẫn dáng vẻ trưởng thành của Hiền, Bưu (CL 74) vẫn nụ cười “hồn nhiên” của Vịnh, Nguyên (OB 74). Bây giờ, ngồi ở Sài Gòn thì nhớ nụ cười của Vịnh, Nguyên, chứ trước khi gặp lại, chỉ nhớ kiểu khóc của các em ấy. (Xin lỗi cho nhắc lại nha!). Tết đầu tiên ở KGU, C.X. Vịnh nhớ mạ! Thay vì người ta lặng lẽ ở trong phòng, rơi nước mắt, em tôi ra hành lang khóc ròng rã. Anh Mậu (CL 72) dỗ cách gì cũng không nín. Tiếng khóc của Nguyên là hôm tháng 9/1969 tại Lễ truy điệu Bác Hồ trong hội trường Nhà văn hóa KGU. Các bạn Việt, Nga, Môn, các thầy cô đều khóc lặng đi. Riêng em ấy ở cuối hội trường thì khóc rất to, có thể tả là gào khóc  “Bác ơi, Bác mất thì con ở với ai!” Chúng tôi đứng phía trên, khóc không ra khóc, cười chẳng ra cười. Cuối cùng thì cả hai! Khóc Bác và cười Nguyên khóc. Gặp ở Ba Vì, nhắc lại chuyện xưa, em nói “Thế à, em không biết”. Làm sao em biết được, tình cảm ấy tự nhiên quá!. Ở nhà Bích Chi, vẫn là cô bé lớp trưởng đảm đang, quán xuyến, chúng tôi được đãi những món rất Nga: Xúp bors  + xmetana, xalat Nga, xúc xích, củ cải đỏ, bánh mỳ trắng tươi (Chi tự làm), bánh mỳ đen của Nga (Hiền mang tới). Những món ăn một thời xa xăm với những ký ức êm đềm … Tôi ăn không biết no, không biết chán và là người gác thìa nĩa sau cùng. Tôi nhìn lên dàn vỏ chai rượu trên nóc tủ bếp của C.K. Minh. Không đếm xuể bao nhiêu và cũng không liệt kê được hết xuất xứ. Chỉ biết rằng chàng rể quý này của KGU thật là một “tỉ phú tình bạn”. Tôi thích tính nhanh, gọn rất lính của Minh-Chi. Vừa hỏi có phải anh Dũng, chồng chị Lộc, Z2 đóng quân ở Tuyên Quang không? C.K. Minh đã gọi ngay anh Duy, bạn thân Z2 của anh Dũng tới. Hai người họ, cách nay hơn 40 năm, là trụ cột của đội bóng Z2: anh Duy thuận chân phải, anh Dũng thuận chân trái. Và ba “chàng lính ngự lâm” chiếm lĩnh luôn trận địa. Họ hát say sưa và rất hay những bài hát tiếng Nga, Tiệp, Trung, Việt. Lũ dân sự chúng tôi chỉ còn nhiệm vụ vỗ tay. Anh Duy mời cả hội 72, 74 lên Cối xay gió Thung Nai của anh ấy. Lập tức đại tá C.K. Minh giơ tay đếm quân số, gọi thuê xe và cả hội lại có một chuyến Thung Nai đầy ấn tượng.

 

Khóa 72,74 và "3 chàng ngự lâm" tại Thung Nai

 

 

 

 

Tôi đọc nhiều về Đảo khỉ trên mạng KGU, mơ ước mình sẽ có một lần được trải nghiệm. Sau Du Xuân 2015, N.T. Hoa (CL77) đã sắp xếp một chuyến ra đảo ưu tiên cho dân Sài Gòn. Chúng tôi ùa lên đảo, chụp rất nhiều hình “ôm” mặt trời lặn, “nâng” mặt trời mọc, tắm biển, tập khiêu vũ buổi tối trên những đôi dép lê của các nhân viên. Ngắm cả ngàn con khỉ của bốn đàn ăn theo giờ, theo kẻng. Mới hiểu các nhân viên đảo vừa là bảo mẫu vừa là những nhà sư phạm “khỉ” tâm huyết. Tôi tự hỏi sao cô em gái N.T. Hoa (CL77) đảm đang đến thế, đã tổ chức cho đoàn các bữa ăn hải sản rất ngon, rất tươi và không trùng lắp. Mải vui mải chơi, tôi cũng không kịp tìm hiểu giữa biển khơi xa xôi thì chợ búa thế nào? Ngày rời đảo, trong tôi còn mãi bóng hình của anh Long – Chúa đảo và hai cô em gái – nhân viên trên cầu tàu nhỏ bé dần như những chấm trắng giữa mênh mông sóng nước.

 

                            13 "khỉ" từ Phương Nam đến đảo Rều Quảng Ninh

Rời Sài Gòn những ngày nóng nhất trong năm, tôi tới Hà Nội lúc mưa phùn, gió bấc, 170C, có lẽ rét nàng Bân. Mấy chục năm nay chưa hưởng cái rét nào như thế! Khi xuống sân bay Nội Bài, gặp V.C. Hiền ra đón, tự nhiên tôi thấy ấm áp vô cùng. Tôi biết em cũng thấp thỏm, vất vả cả ngày vì chuyến bay này của Vietjetair lùi giờ tới 3 lần. Tôi lại một lần nữa cảm phục em khi em chọn cho chúng tôi khách sạn 35 Tràng Tiền, rất trung tâm và tiện nghi. Tối muộn, sau khi tôi là người cuối cùng nhận phòng thì em mới yên tâm ra về.

Chiều mới có chuyến bay, buổi sáng cuối cùng tôi tự thưởng cho mình một vòng quanh Hồ Gươm: Tháp Bút, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, cafe Thủy Tạ… Tôi lặng lẽ, chậm bước, hít từng hơi thở pha sương của nước Hồ, ngắm nhìn những chiếc lá vàng trái mùa rơi trên đường phố. Ký ức tuổi thơ, tình người Người KGU đã níu giữ bước chân tôi trở về Hà Nội.

 

                                                                                Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2015

                                                                                           Phạm Thị Ngọc Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 01-05-2015 20:08






Xem 21 - 30 của tổng số 47 Comments



Từ: Guest Lam NM
04/05/2015 23:48:29

Như 



Từ: MinhCK
04/05/2015 17:59:19

Một bài viết tuyệt vời. Những suy nghĩ, hành động, những kỷ niệm được chị Hoa nhắc lại làm người đọc không thể không mủi lòng. Tôi có rất nhiều bạn là HSMN, là những người cùng lứa với các chị, với tôi. Đọc những gì chị viết ở đây tôi lại nhớ tới họ vô cùng và bài thơ "HỌC SINH MIỀN NAM TRÊN ĐẤT BẮC" tôi đã thuộc từ ngày xưa ấy xin chép lại đây để tặng các chị và các bạn đọc nhé. nhân đây cũng gửi kèm những tấm ảnh kỷ niệm Thung Nai khi các chị đã nói trong bài



 


Phút chia tay bị rịn với chúa đảo "CỐI XAY GIÓ THUNG NAI". Hai người bạn năm xưa trong Quân ngũ (Chúa đảo-Duy và anh Dũng)


 



 Bên tượng anh Cù Chính Lan


 


HỌC SINH MIỀN NAM TRÊN ĐẤT BẮC


Lần đầu mới lên đất Bắc


Gặp những cô nàng mặc những chiếc áo nâu


Chít khăn đen mỏ quạ trên đầu


Tôi cảm thấy làm sao sao ấy


Nhiều đêm nằm suy nghĩ


Vắt tay lên trán thở dài


"Tuổi cũng bộn rồi nên tính chuyện tương lai


Chặc cái lưỡi Thống Nhất về nam đã"


Ba lần lá bàng rụng


Bốn lâng phượng vỹ lại nở hoa


Đông đến Xuân về, Hè lại, Thu qua


Cái "chậc lưỡi" chờ ngày Thống Nhất


Nhắc làm chi thiên hạ họ thêm cười


Mầu áo nâu hết lạ quá quen rồi


Lắm lúc càng nhìn càng thấy đẹp


Tóc quấn, chít khăn, đường ngôi lệch


Hình như tóc kẹp xõa ngang vai


Tiếng nói thanh thanh ngòn ngọt bên tai


Bắt chước tiếng miền Nam nghe cũng ngộ


Ngày Thống Nhất em "Dzô" trong đó


Thăm bà con thăm má "dzới" thăm ba


Thăm miền Nam ruột thịt của cả đôi ta,,,,


Hình như còn dài nữa, nhưng tôi quên nhiều rồi. Mọi người ai nhớ viết thêm nhé.



Từ: ChiNB
04/05/2015 10:34:38

 


Chị Hoa ơi, sau mấy ngày nghỉ Lễ, hôm nay em mới vào Trang Web của bọn mình, đọc ngay bài của chị đầu tiên. Chị viết thật hay, rất chân tình và thật tỉ mỉ. Bao ký ức hồi sinh viên cùng các chị cứ thế tràn về. Lúc sang Kisinhop, năm 1968, các chị là những người gần gũi bọn em nhất, từ những ngày đầu tiên đến năm 1972 khi các chị tốt nghiệp về. Năm nay, bọn em mới được gặp các anh Mậu, Nguyên và các chị Vân, Kiểm (chị Hoa, chị Lộc, Năm và chị Cấp bọn em đã gặp những Du Xuân trước rồi), lúc mới gặp còn thấy lạ nhưng sau đó em vẫn thấy lại được những nét hồi xưa như cách đây hơn 40 năm. Người ta nói, già rồi thường sống bằng những kỷ niệm mà kỷ niệm của chị em mình bên Kisinhop mới thật tuyệt vời, thật đẹp làm sao. Chị nhớ nhiều chi tiết về khóa 74 bọn em thật đấy, nhớ cả tiếng khóc của VinhCX và NguyênBX mà bọn em mỗi khi gặp lại cũng hay nhắc. Vịnh và Nguyên hay chơi với các anh chị miền Nam khóa 72 vì các anh chị rất thoải mái và cũng chiều các em. Em vẫn còn giữ bức ảnh của chị và chị Kiểm tặng em trước khi các chị về nước, bây giờ dù đã U70 nhưng nét các chị vẫn thế. Đợt Du Xuân vừa rồi, bọn em thật phục về sức khỏe của bọn chị, các lịch cứ đầy ắp mà các chị đều tham gia hết, tham gia rất nhiệt tình và không hề mỏi mệt. Bọn em còn phải học các chị nhiều nhiều đấy. Mong các chị luôn khỏe, vui, hạnh phúc và hẹn gặp các chị ở Du Xuân 2015 ở Quy Nhơn nhé.


@ Hội trưởng ơi: ghi tên các anh chị khóa 72 vào danh sách Thành viên để các anh chị ấy có thể tự viết lên Web nhiều hơn nữa.


 


 



Từ: Guest ThuTT
03/05/2015 22:50:12

Bài viết của chị cảm động quá, chị Hoa ơi. Chị có trí nhớ thật tuyệt vời, chị viết nữa đi cho bọn em đọc với và cho một người đặc biệt nữa đọc chị nhé. Con trai chị Nghiễm vừa sang công tác tại sứ quán Việt nam tại Bỉ, tình cờ biết em đã từng học ở Kishinhốp liền đến làm quen. Em ấy bảo là rất thích vào trang KGU đọc bài để biết một thời của mẹ và em ấy rất cảm kích với tình cảm của các cô chú anh chị KGU dành cho nhau.



Từ: HoaNT
03/05/2015 20:07:05

Chị Ngọc Hoa ơi chị viết hay quá, em đọc mà rớm nước mắt vì cảm động. Đọc bài của chị đến đâu em lại tưởng tượng ra những hình ảnh quá khứ của thế hệ các chị và cả chúng em nữa trong thời chiến tranh. Như vậy là các chị có một Du Xuân và Hậu Du Xuân thật là phong phú và đầy ý nghĩa. Từ cuối năm ngoái Ánh Tuyết OB77 đã gọi điện để đăng ký đi Đảo Khỉ với các chị KGU72, lúc đầu bí mật nên Tuyết bảo chỉ khoảng 10 người thôi, nhưng đến phút cuối cùng là 21 người. Em chỉ lo đông quá trên đảo lại ít phòng sợ không được chu đáo với các chị, chỉ tiếc là em không biết có các ông xã của các chị đi cùng để mời các anh ấy cùng ra đảo khỉ cho vui.Nghe nói sau khi xe bus từ đảo về đỗ ở Nhà hát Lớn thì các chị lại tạt vào mua vé xem kịch luôn và đến sáng hôm sau lại tiếp tục cùng với bọn em làm một album ảnh quanh Bờ Hồ thì cũng bái phục các chị quá.Em rất vui vì được đồng hành Du Xuân  và Hậu Du xuân cùng các chị . Có rất nhiều ảnh đẹp cùng các chị ở đảo Rều và Bờ Hồ em đã post lên Facebook rồi, lúc nào có thời gian em sẽ cho lên trang KGU. Mong các chị sức khỏe,dồi dào, vui tươi trẻ đẹp để tham dự những Du Xuân KGU tới các chị nhé.


 



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
03/05/2015 15:19:42

Thật sự là comments của các bạn KGU hay hơn, cảm động hơn rất nhiều so với bài viết của tôi. Sự đồng điệu, sẻ chia làm nên điều kỳ diệu đó. Còn nhớ khi tôi viết về mẹ Suốt trong bài "Cảm nhận Du Xuân 2014" (Chừ ! Gan chi gan rứa mẹ nờ!), TN Lý com. là: Chừ! Hay chi hay rứa chị Hoa nờ!. Thật sự tôi hết hồn, xúc động vì sự chia sẻ cảm xúc rất KGU này! Tôi viết bài như dòng chảy, không gượng ép. Cứ cảm xúc, hoài niệm tới đâu thì chữ viết hiện ra ở đó. Tôi không khóc! Nhưng khi đọc các comments của các bạn, nước mắt tự nhiên cứ trào ra. Tôi rất yêu và rất cảm phục Người KGU. Cái ảnh đen trắng K72 và K73: Lao động nông trường. HA Tuyết mới là giỏi! Em chỉ đúng phốc: Hàng đứng: Nhung (CL 72), Vân (OB 72), Mai, Phương (OB73), Lộc, Nghiểm, Bích (CL72), Cấp (OB 73); Ngồi: Hoa, Kiểm (CL 72). Nghiểm (CL 72) mất 2 năm trước tại Hà Nội. Hội KGU: Tánh, Bích Chi... có đến viếng, chuyển cả thăm hỏi của K 72 Tp. Hồ Chí Minh, in ra cả trang mạng Người KGU chia sẻ đến cho anh Điều (chồng chị Nghiểm), anh ấy bất ngờ và cảm động lắm. Chị thấy Vân, Lộc, Cấp, Hoa, Kiểm mà KGU gặp trong Du Xuân 2015 vẫn như "cũ" thôi. Có chăng, hồi đó "đẹp" hơn bây giờ!?!. Kỳ zậy ta! Riêng chị Nhung, người đứng bên trái, Người KGU nên chuẩn bị tinh thần cho tháng 4.2016 sẽ gặp ở Qui Nhơn. Bạn ấy ngày xưa gầy như không thể gầy hơn (gầy như trong ảnh), còn bây giờ mập như không thể mập hơn! 



Từ: TuyetHA
03/05/2015 13:45:07

Trong ảnh khóa 72 em chỉ nhận ra chị Lộc (đứng thứ 5 từ trái sang), chị Lộc rất ít thay đổi. Chị Hoa (người ngồi đầu tiên từ trái sang), hồi đó chị Hoa khá mũm mĩm nhỉ, chị Cấp đâu? Không biết có phải người đội khăn dứng sau cùng không? Người mặc áo carô, đội mũ hình như là chị Phương, chị gái của chị Ba LX? Chị Cấp, chị Hoa ơi, các chị lên tiếng đi! Có phải chị Kiểm ngồi cạnh chị Hoa còn người đứng thứ 2 từ trái sang (mặc áo trắng) là chị Mai Vân (Nha Trang)?



Từ: Guest HHIEN OB73
03/05/2015 09:50:08

Bài viết của chị Hoa quá  hay,đúng như Hội trưởng viết nó mang lại sắc thái mới cho trang Web,chị có trí nhớ tuyệt vời những ký ức của chị về các em năm dưới,về  năm tháng  khó khăn và những ngày bom đạn ác liệt của trận ĐBP trên ko,về những ngày chờ phân công ctác ở số 9 HBT bọn em khóa 73 cũng thế những ai chưa được phân ctác hàng tháng đến Bộ ĐH lấy tem phiếu ko biết đến khóa nào thì ko còn chế độ bao cấp này.Những đôi yêu nhau ở nc ngoài về nước tranh thủ trong thời gian chờ ctác tổ chức cưới ,khóa 73 cũng thế có 3 đôi và  giấy đăng ký kết hôn của những cặp đôi này cũng rất đặc biệt nó ko phải do UBND các Quận, Huyện cấp mà do Bộ ĐH cấp vì mới về nc,chưa đi làm nên chưa nhập đc hộ khẩu ngay cả em đã từng sống ở HN cũng vậy.Em là người ít để lại dấu ấn với mọi người chắc phải lo học để theo kịp bạn bè nên ít giao lưu,nhưng các anh chị khóa trên,khóa 72 luôn để lại trong em những ấn tượng khó quên.Mong đươc đọc nhiều bài viết của chị để được hoài niệm lại những ký ức  thời xưa ấy. 


Bật mý của chị về chị Lộc trách gì bạn lớp em bỏ cả Thủ đô theo vào Nam mà chẳng thể xơ múi gì ..hi ..hi



Từ: TungDX
03/05/2015 09:00:04

 


 EM TungDX chào chị Hoa ạ


ĐỌc xong chưa kịp com, xem lại đã tràn thêm ký ức thú vị.


Nhớ chị Hoa những trưa cơm xong từ nhà ăn về, ngồi ở bàn đọc báo tầng 1; Người đọc báo, người chờ thư từ trong nước;


Các anh chị đều là người toàn tài, nên văn thật hay


Khuôn mặt tròn, luôn rất tươi,...


Năm chị còn có chị Đồng thị Kim Thu, chị Bon thì phải


 


 



03/05/2015 08:32:12

Xin chào mừng chị Hoa đến với trang web của Hội KGU. Một cây viết nữa của K72, của U70 chắc hẳn sẽ đem lại một sắc thái mới cho studentkgu. NguoiKGU đã biết đến các anh chị K67 (khóa 1), K73, K74, chứ đang còn biết ít đến K72.


Khi các chị tốt nghiệp về nước em mới đang học lớp 10. Những ngày đợi chờ phân công công tác khi mới về nước, đám cưới dưới làn bom B52 của chính NguoiKGU, cảm xúc sau nhiều năm trở lại Hà Nội trong bài viết của chị đã thổi làn gió mới vào web đàn KGU.


Hy vọng còn nhận được nhiều bài khác của chị.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s