DU LỊCH HUẾ
Tác giả: CucNT
“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ,
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt.
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được.
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”
Tôi đã qua Huế nhiều lần, chỉ là đi qua thôi trên con đường xuyên Việt về quê nên chưa có cơ hội để chiêm ngưỡng kỹ càng “Vẻ đẹp chẳng nơi nào có được” nơi Huế. Nhưng mỗi lần đi qua, cái tình yêu dịu ngọt dành cho Huế trong tôi lại lớn lên, chứa đầy tâm khảm, cháy lên trong tôi ước muốn được khám phá Huế nhiều hơn. Nhận lời mời của ban tổ chức cựu học sinh PBC khóa 1972-1975 tổ chức lễ kỹ niệm 40 năm ra trường tại Huế, tôi hân hoan bay ra Huế chiều thứ 6 ngày 5/6.
Huế đón tôi trong ánh hoàng hôn tím thẫm, là gió chiều nhè nhẹ từ sông Hương thổi tới mát rượi. Anh Bá Liễu và vợ chồng chị Hải ra sân bay đón tôi và bố con thầy Tịnh. Thầy đã 80 tuổi rồi vẫn lặn lội từ Vinh và Sài Gòn rồi từ Sài Gòn bay ra Huế cùng học sinh thân yêu của mình.
Xe đi qua những con đường, hai bên là những hàng cây cổ thụ xanh tốt tỏa bóng mát xuống mặt đường, những căn nhà cấp bốn xinh xắn nằm gọn gàng trong những khu vườn vuông vắn rộng rãi trồng đầy đủ các loại rau xanh, xa hơn 1 chút là bạt ngàn những rừng thông reo vi vu trong gió. Sống giữa đất Sài Gòn ngộp thở vì khói bụi của động cơ, đâu đâu cũng sắt thép xi măng ngổn ngang của những công trình chọc trời đang xây dựng, tôi cảm thấy mê hoặc bởi vẻ đẹp thanh bình của Huế. Chợt nhớ Giáo Sư Nguyễn Tuấn khi về Huế đã “chê” Huế cũ kỹ không thay đổi trong khi Đà Nẵng đang ầm ào xây dựng mới, tôi thấy tiếc cho ông vì ông chỉ nhìn thấy những căn nhà hào nhoáng, những con đường treo đầy bóng điện xanh đỏ rực rỡ của Đà Nẵng để vội vàng kết luận mà chưa hiểu hết sự trỗi dậy bên trong và vẻ đẹp mặn mà, sâu lắng của Huế. Vẻ đẹp của Huế là vẻ đẹp cổ kính pha lẫn diện đại theo sắc thái nhà vườn phố.
Cả khóa đã chờ chúng tôi ở sảnh khách sạn 4 sao Mường Thanh. Mọi người ùa tới ôm hôn và bắt tay thầy Tịnh, con gái thầy và tôi rồi dẫn chúng tôi vào khách sạn. Anh Cao tiến tới gần tôi, “Đưa túi anh xách cho”. Anh thân thiện quá! Tôi xúc động cảm ơn!
Tôi nhận phòng rồi nhanh chóng xuống phòng ăn ở lầu 2. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người, có những người 40 năm rồi nay mới gặp lại thầy cô và bạn hữu nên cứ cầm cốc đi suốt lượt gặp ai cũng chạm cốc và tay bắt mặt mừng. Ẩm thực Huế không chê vào đâu được, ngon quá là ngon!
BUA TOI O KS MUONG THANH.
Ăn xong chúng tôi lên thuyền Rồng trên Sông Hương nghe làn điệu dân ca Huế. Hiếm có dòng sông nào đẹp như sông Hương, một dòng sông trong xanh hiền hòa, thơ mộng. Bao thi sỹ đã viết nên những áng văn thơ tả về vẻ đẹp ngất ngây của sông Hương, Núi ngự. Với thời gian bảy trăm năm lịch sử, (có thể là hơn thế) Hương Giang thơ mộng ngày nay đã mang trong mình những lắng đọng với bao trầm tích phù sa của dòng chảy lịch sử có tự bao đời. Sông Hương hút hồn người đến độ, nhiều thi sỹ coi nước sông Hương như rượi, uống vào rồi ngây ngất tìm thơ:
"Vốc tay say với dòng Hương
Nhón chân, ngược bước nẻo đường tìm thơ".
(Đêm Hương Giang- Nguyễn Trọng Liên)
Màn đêm buông xuống , dưới ánh trăng lung linh sóng nước, chúng tôi ngồi trên thuyền Rồng trôi chầm chậm trên dòng Hương Giáng thả hồn nghe ca Huế và nhạc cung đình trong niềm hạnh phúc và lãng mạn. Những người có tính cách ồn ào như anh Chính cũng lặng yên lắng nghe điệu hò Huế năm xưa lúc này được tái hiện lại qua tiếng ca ngọt ngào của những chàng trai, cô gái Huế . Những làn điệu “Mười Thương” đậm chất Huế vẫn làm say đắm biết bao du khách từ khắp nơi đến thăm Huế qua tiếng hò mái nhì, mái đẩy khoan nhặt. Chúng tôi thật xúc động khi được nghe tiếng hát ngọt ngào của cô gái làm cho Sông Hương thêm lãng mạn, tình tứ trong đêm:
“Đêm sông Hương trăng đầy thuyền bát ngát
Giọng ai khoan hò nhặt, giọng Loan giữ nhịp tiếng lòng em”
( thơ Nguyễn Văn Cao, Phổ Nhạc Lê An Tuyên)
TRÊN THUYỀN RỒNG TRONG LÒNG HƯƠNG GIANG
Mỗi người cầm 1 chiếc đèn hoa đăng thả xuống lòng sông, gửi vào đó những mong ước của lòng mình. Tôi cúi xuống, nhẹ nhàng thả chiếc đèn xuống lòng sông, nước mát rượi đang lững lờ trôi, âm vang trong lòng câu thơ của Thu Bồn:
“Con sông dùng dằng, con sông không chảy,
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.”
Chiếc đèn trôi chầm chậm, ánh đèn đủ màu sắc trong đêm tối làm quảng sông bừng sáng 1 vẻ đẹp huyền ảo.
Vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng của Huế đưa tất cả chúng tôi vào giấc ngũ an lành.
Sáng sớm, sau khi ăn bún Huế và bánh bột lọc rất ngon, chúng tôi lên xe đi tham quan lăng vua Khải Định.
Vua Khải Định là vị Hoàng đế thứ 12 triều đại nhà Nguyễn , ở ngôi từ năm 1916 đến năm 1925.
LĂNG VUA KHẢI ĐỊNH
Tính đến thời vua Khải Định, kinh thành Huế đã qua hơn 110 năm xây dựng. Người Huế coi trọng phong thủy, coi đó là yếu tố quan trọng quyết định sự nghiệp, vận mệnh của con người nên khi lên làm vua, Khải Định đã sai các thầy địa lý cùng các quan chuyên trách đương thời khảo sát kỹ lưỡng nhiều vùng đất và cuối cùng núi Châu Chữ đã được nhà vua chọn để tiến hành xây lăng. Núi Châu Chữ nằm ở phía tây Bắc huyện Hương Thủy. Núi không cao, nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có dòng suối Châu Ê uốn mình qua chân núi, xa xa là những dãy đồi nhấp nhô, xung quanh là rừng cây xanh bao bọc. Vua Khải Định đã tìm được một thế đất dường như “Sinh ra để làm nơi ngã lưng cho một linh hồn quyền quý”.
Xe dừng lại, chúng tôi thi nhau chụp ảnh làm lưu niệm rồi theo chân cô hướng dẫn viên đi vào trong để tham quan và lắng nghe tiếng Huế ngọt ngào của cô miêu tả lăng và kể về quá trình xây dựng.
Tôi đã từng tham quan lăng vua Tự Đức , lăng vua Gia Long. Lăng vua Khải Định chiếm diện tích nhỏ hơn nhưng tôi thực sự choáng ngợp trước nghệ thuật trang trí nội thất, tạo hình nơi đây. Chúng tôi bước qua 127 bậc cấp với 5 tầng sân mới tới được chỗ cao nhất (cung Thiên định) nơi có đặt án thờ vua (điện Khải thành) và nơi đặt thi hài vua ( Điện chính tâm).
Giữa điện là pho tượng bằng đồng tạc hình vua Khải Định đang ngồi trên ngai vàng. Phía trên ngai vàng vua đang ngồi có che 1 bửu tán.
Cái bửu tán mới đẹp làm sao, nhìn nhẹ nhàng , dịu dàng như 1 chiếc lọng lớn thêu bằng lụa gấm nhưng cô hướng dẫn viên bảo rằng cái bửu tán đó đúc bằng xi măng, nặng cả nghìn cân.
Cô hướng dẫn viên kể rằng để tạo nên những hình nét hoa văn rất cầu kỳ trên tường, trên trần nhà, nhệ nhân thời ấy đã sử dụng hàng vạn vỏ sò, vỏ ốc và hàng vạn mẫu sành sứ, thủy tinh nhiều màu để làm nổi bật hình ảnh về cảnh vật trong cung đình cũng như ngoài dân gian Việt Nam. Những mảnh sành sứ này do nhà vua sai dân qua Trung Quốc mua chén bát, đĩa gốm sứ về chọn mảnh đẹp, đập ra, tỉa xén rồi gắn vào. Thật là kỳ công và tốn kém. Vua Khải Định qua đời năm 1925, lúc đó lăng đã xây 5 năm nhưng chưa xong, phải tốn thêm 6 năm nữa mới xây xong dưới thời vua Bảo Đại.
Các nghệ nhân Huế thời đó đã kết hợp sáng tạo giữa chất liệu mới từ Pháp đưa sang với mỹ nghệ truyền thống Việt Nam nên đã tạo nên 1 lăng vua Khải Định như một lâu đài cổ Châu Âu được xây bằng nhiều vật liệu mới lúc bấy giờ như ngói ardois, gạch vuông. Tuyệt quá! Chúng tôi cùng trầm trồ khen ngợi nhưng phải vội vàng chạy ra xe để còn kịp đi tham quan đền thờ Huyền Trân Công Chúa.
Đền Huyền Trân tọa lạc trên núi Ngũ Phong nằm cách thành phố Huế 7Kmvề phía Tây.
Huyền Trân sinh năm 1287 là con gái của vua Trần Nhân Tông. Năm 1306 Vua Trần Nhân Tông gả con gái cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đồi lấy 2 châu Ô, Lý ( từ đèo Hải Vân đến bắc Quảng Trị ngày nay)
1 năm sau, vua Chế Mân băng hà, Trần Khắc Chung theo lệnh của vua Trần Nhân Tông vờ sang viếng tang, bày kế đưa được Huyền Trân về Đại Việt bằng đường biển. về đến Thăng Long, Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế ( 1309), dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ giới Bồ tát và được ban pháp danh Hương Tràng . Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng nămcanh thìn.
Nhân dân kể lại, sau khi Đại Việt bày mưu đưa công Chúa về thì dân nước Xiêm La rất phẫn uất, mở nhiều cuộc tấn công để cướp lại 2 châu Ô. Lý nhưng không thành. Người dân Đại Việt đã kiên trì, sáng tạo xây dựng quê hương nên sau 700 năm, ngày nay chúng ta có 1 Thừa Thiên Huế trọn vẹn, xinh đẹp, mộng mơ nhường này.
Trước mặt khu đền là 4 trụ biểu cao vút, chúng tôi bước vào khu đền qua 1 khoảng sân rộng lót bằng gạch Bát Tràng, hai bên là hồ nước trong xanh, lưng đền tựa vào núi Ngũ Phong, phía trước là Hồ Trường Xuân soi bóng Nhật nguyệt, hai bức tường thành 2 bên là đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận ngày 07/12/2008. Tôi vốn không thích từ “kỷ lục” ở Việt Nam nhưng với đôi rồng này thì quả là hùng vĩ, xứng đáng với hình tượng uy nghi, linh thiêng của Rồng.
Bức tượng công chúa Huyền Trân đúc bằng đồng nguyên chất trong thật uy nghi đường bệ đặt trong chính điện bao bọc xung quanh bởi màu sắc rực rỡ, lộng lẫy của các khảm thờ, bệ thờ. Trên khảm thờ hai ngon đèn toả sáng trong chiếc lư đồng màu đen, khói nhang nghi ngút, thơm ngát hương trầm.
Một cảm giác linh thiêng dâng tràn khiến cho ai cũng trở nên lặng lẽ cung kính. Tất cả chúng tôi cùng thắp hương, mỗi người 1 que cung kính tiến về phía trước vái lạy bà và nhẹ nhàng cắm hương vào lọ lư đồng.
Phía sau là bức tượng ni sư Hương Tràng bằng đá trắng có khuôn mặt hiền từ, tay lần tràng hạt. Hình ảnh nàng công chúa rực rỡ và vị ni sư thanh thoát dịu dàng tạo cho tôi 1 cảm giác man mác, ngậm ngùi.
Bên phải đền Huyền Trân có 1 tượng Di lặc bằng đá trắng ngồi giữa thảm hoa cỏ xanh tốt.
Chúng tôi đi tiếp ra phía sau đến đền thờ vua Trần Nhân Tông, vị vua anh minh của dân tộc. Sau khi cùng nhân dân đánh bại ngoại xâm giữ yên bờ cõi đã nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, lui về làm Thái thượng hoàng, chuyên tâm vào nghiên cứu Phật Giáo Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử nổi tiếng.
Vài người trong số chúng tôi ( Phần lớn đã mệt rồi ngồi nghỉ uống nước) bước tiếp lên đỉnh Ngũ Phong, nơi đây có lầu bát giác, đặt 1 tháp chuông ở độ cao 108m. Chuông Hòa Bình nặng tới 1,6 tấn, cao 2,16m, đường kính 1,26m. Trên thân chuông khắc tám chữ “Thế giới – Hòa bình – Nhân loại – Hạnh phúc” . Thật ý nghĩa vô cùng!
Tôi đứng trên đồi cao, nhìn bao quát cả khuôn viên đền Huyền Trân với những gì hiện hữu ở đó trong không gian thoáng đãng , bao la, xa xa là dòng sông Hương lững lờ trôi chợt thấy mọi điều thật hoàn hảo. Từ tượng Huyền Trân, Ni Sư Hương Tràng, Trần Nhân Tông và tượng phật Di lặc đặt trong khuôn viên rộng lớn rất nhiều cây cối đã làm nên 1 cảnh quan đền thật linh thiêng, khiến tâm hồn ta trở nên phiêu diêu như lạc vào tiên cảnh. Cảm ơn người dân xứ Huế đã xây dựng nên 1đền Huyền Trân đẹp đẽ chốn núi rừng huyền bí thâm nghiêm, biểu tượng cho tấm lòng của người dân xứ Huế đối với các bậc tiền nhân để chúng ta có dịp hiểu thêm về lịch sử và cảm nhận tấm chân tình của lòng người.
Chúng tôi đến quán ăn bữa cơm chay. Đến những chốn thâm nghiêm với tâm hồn phiêu lãng, khi được ăn cơm chay, chúng tôi thấy lòng thư thái lạ thường.
BỮA CƠM CHAY TẠI QUÁN TỊNH TÂM.
Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục tham quan những đểm đến hấp dẫn của Huế, đầu tiên là Chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là Chùa Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê, thuộc xã Hương Long, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm Thành Phố Huế khoảng 5Km về phía Tây. Cô hướng dẫn viên kể cho chúng tôi nghe sự tích danh lam thắng cảnh này mang đầy huyền thoại. Truyền rằng có 1 bà tiên đã hiện ra trên đồi Hà Khê báo cho dân chúng biết sẽ có 1 vị chân chúa đến dựng chùa thờ Phật ở đây tụ linh khí cho bền long mạch. Năm 1601 Nguyễn Hoàng (Quan Trấn phủ Thuận Hóa và là chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng trong) . Trong 1 lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp 1 ngọn đồi nhỏ nhô lên trên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu lại. Ông hỏi han dân chúng và được họ kể cho lời báo ứng của bà tiên. Thế là chúa Nguyễn Hoàng cho xây xựng tại đây 1 ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là chùa Thiên mụ. Tôi nghe cô hướng dẫn viên như nuốt lấy từng lời bởi sự tích huyền bí của ngôi chùa.
Chúng tôi đi vào bên trong , bên trái là 1 cái chuông lớn, cô hướng dẫn viên bảo cái chuông này cao 2,5M, đường kính 4M, nặng hơn 3 tấn, trên chuông có khắc bài văn của chúa Nguyễn Phúc Chu. Đây là quả chuông lớn nhất ở Huế do nghệ nhân Huế tạo ra bởi đồng và những hợp kim đặc biệt nên tiếng chuông có độ vọng và âm sắc ngân dài, vang xa cao vút rồi võng xuống thấm vào lòng người.
Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, có hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn.
Bên trái là căn phòng trong đó đặt chiếc xe của cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Năm 1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo dã man của Ngô Đình Diệm.
Thích Quảng Đức tẩm xăng tự thiêu tại 1 đường phố đông đúc ở Sài Gòn, cơ thể ông cháy rụi nhưng trái tim vẫn không nguyên không bị cháy . Tôi đã suy gẫm rất nhiều về vấn đề này và chỉ có thể giải thích là ông đã hóa Phật, trái tim ông đã thành ngọc xá lợi. Chiếc xe của ông được lưu giữ ở Huế vì đây chính là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam.
Nổi bật trong Chùa là Tháp Phước Duyên, tháp cao 21m, gồm 7 tầng , mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi đây có thờ tượng Phật bằng vàng Phía trước Tháp là đình Hương Nguyện.
THÁP PHƯỚC DUYÊN
Chúng tôi đi vào trong chùa, tất cả đều lặng lẽ, trang nghiêm. Bên cạnh bình hoa mới nở, trên bàn là 1 dĩa trái cây tươi ngon. Không hề có 1 đồng tiền hay các loại vàng mã, từ nên nhà đến bức tường sạch bóng, không 1 chút bụi. Chợt nhớ dịp đi chùa Bái Đính, người dân đã nhét vào tay, tai cả mồm của những bức tượng đá những đồng tiền lấm láp bụi bậm, tôi chợt thấy nơi đây mới đúng là cửa thiền. Xin cảm ơn nhũng người dân, các cấp lãnh đạo xứ Huế đã giữ gìn phát huy phong thái của Phật để mỗi người khách phương xa đến đây có được cảm nhận bình an, thư thái và khi xa đi còn đọng lại nỗi niềm vương vấn chốn thiền kinh.
Cô hướng dẫn viên kể rằng người dân ở đây đồn đoán, nếu có đôi nào tới đây chụp hình chung thì về nhà thế nào cũng xảy ra cãi nhau . Thế là đoàn chúng tôi dù có 12 đôi nhưng không có cặp nào chụp hình với nhau cả. Chúng tôi chụp chung cả đoàn làm kỹ niệm rồi vội vã ra xe.
Xe đưa chúng tôi đi dọc theo bờ Bắc dòng sông Hương thơ mộng tới đại nội Huế - Công trình kiến trúc vàng son của triều đại nhà Nguyễn. Kinh thành Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500 ha, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cẩm Thành, được gọi chung là Đại Nội. Đây là trung tâm hành chính, chính trị của triều đình nhà Nguyễn và là nơi sinh hoạt của nhà vua và Hoàng Gia. Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sảnh Văn Hóa Thế giới từ năm 1993.
Chiều nay có anh Cao đi cùng đoàn nên tôi thường đi bên anh để hỏi những gì chưa rõ và anh đúng là 1 từ điển sống về lịch sử kinh Thành Huế.
Hoàng Thành được bao bọc bởi vòng tường thành hình vuông xung quanh, có 4 cổng ra vào với cửa chính phía Nam là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Chúng tôi đi vào cửa Ngọ Môn. Xung quanh tường thành bao bọc bởi những hào sâu, gọi là Kim Thủy. Đó là cách người xưa xây dựng để bảo vệ Đại Nội. Chúng tôi choáng ngợp bở khung cảnh rộng lớn, uy nghi đường bệ của Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cẩm Thành. Nơi đây có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau. Hệ thống thành quách nơi đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Với giọng Huế ngọt ngào, cô hướng dẫn viên kể cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành của Hệ thống Đại Nội Huế. Hoàng Thành được xây dựng vào năm 1804 nhưng đến thời vua Minh Mạng năm 1833 mới hoàn thành toàn bộ hệ thống cung điện và khoảng hơn 100 công trình.
Chúng tôi bước vào nơi thờ tự các đời vua.Có 13 vị vua triều Nguyễn, đầu tiên là vua Gia Long, cuối cùng là vua Bảo Đại. Với giọng Huế ngọt ngào, cô kể cho chúng tôi nghe sơ qua các đặc điểm, tính cách công lao các đời vua. Tôi chợt thấy nao lòng vì các vị vua thường chết khi còn trẻ. Đặc biệt tôi rơi nước mắt khi cô nhắc đến vua Duy tân
Vua Duy Tân (1900 – 1945) là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông bất hợp tác với Pháp và bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa Việt Nam. Vì lý do này, ông bị người Pháp đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương. Dù xa quê ông vẫn 1 lòng hướng về đất Việt và đau đáu trong lòng 1 nỗi yêu nước thương dân. Năm 1945, trên đường từ Pháp về Việt Nam ông bị tử nạn vì tai nạn máy bay. (có tài liệu ghi là ông bị thực dân Pháp ám sát).
… Còn rất nhiều điều để tham quan, để khám phá, miêu tả, bản thân tôi chỉ biết nói lên một điều, ngưỡng mộ và tri ân dân tộc đã để lại cho hậu thế những công trình kiệt tác thế này. Tiếc rằng qua năm tháng, qua bão lũ và những cuộc chiến, Kinh thành Huế đã không còn nguyên vẹn như xưa.
Tôi nói với anh Cao, anh mang họ Nguyễn, có lẽ nhân dân bầu anh làm chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là hợp với ý trời. Anh hãy cùng nhân dân bảo tồn công trình kiến trúc vàng son của triều Nguyễn. Anh mỉm cười gật đầu và chỉ cho tôi xem một toán thợ đang lợp lại mái ngói trên 1 số công trình. Loại ngói thật đặc biệt hình ống có tráng men màu xanh hoặc vàng lưu ly, anh bảo ngói đó gọi là ngói thanh lưu ly. Đề trùng tu bất cứ 1 hạng mục gì, anh cũng phải đề xuất và khi nhận được sự thẩm định và phê duyệt của hội đồng khoa học mới bắt đầu cho triển khai. Tôi chợt nhớ báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực bởi cái màu vàng chóe của Bưu điện Tp. HCM nên đã xiết tay anh thật chặt tỏ lòng biết ơn.
Những xe chiếc điện đưa chúng tôi tới nhà anh Cao, khác với những công trình đồ sộ nguy nga của các Chủ tịch tỉnh mà tôi được xem trên internet, nhà anh chỉ 1 trệt 1 lầu nằm ngọn gàng xinh xắn trong khuôn viên khoảng 300m2, bên cạnh 1 cái hồ nước. Trời nắng nhưng bước vào vườn anh thấy mát lạnh bởi hơi nước từ hồ bên cạnh lan sang.
NHÀ ANH CAO
Anh kể anh mua mảnh đất này từ năm 1991, khi nơi đây chỉ là bãi đất trống đầy rác hoang vu, mùi hôi từ hồ bốc qua nên không ai tới sống cả. Tôi thích kiểu bài trí phong thủy trong vườn nhà anh. giản dị, hợp lý, không hào nhoáng nhưng trang trọng. Vợ anh đang công tác ở Sài Gòn, 2 con đang du học ở nước Anh và Úc. Chúng tôi ăn bánh, uống nước chè xanh, trò chuyện râm ran, thân thiết ấm cúng như ở trong chính ngôi nhà của mình.
Buổi tối là chương trình chính của chúng tôi.
18 giờ tất cả tập trung tại khách sạn Century. Tôi bước vào căn phòng sang trọng đăt những chiếc bàn phủ khăn trắng muốt. Trên sân khấu là bức tranh thể hiện phong cảnh Huế, nổi bật lên dòng chữ “Liên hoan gặp mặt cựu học sinh chuyên toán Nghệ An khóa 1972-1975”
Các anh chị cựu học sinh Phan Bội Châu khóa 1972-1975 đã gắn bó với tôi từ 10 năm trước, khi chúng tôi về dự lễ kỹ niệm 40 năm thành lập trường Phan Bội Châu. Trong 10 năm qua, chúng tôi giữ liên lạc và thi thoảng gặp nhau những nhóm nhỏ. Hôm nay mới được gặp nhau trọn vẹn. Có những người bạn từ lúc ra trường năm 1975 tới nay mới gặp lại nhau nên tay bắt mặt mừng, vui mừng khôn xiết.
TA5I KS CENTURY
Chúng tôi ngồi im lặng lắng nghe chương trình ca nhạc Huế. Sau khi tham quan nhiều cảnh quan ở Huế nghe những lời thơ tha thiết của anh Nguyễn Văn Cao do Nhạc sỹ Lê An Tuyên phổ nhạc “ Khúc tình Huế” xúc động làm sao:
“… Huế ơi! Bao huyền thoại, nhớ thương 1 thời để lại,
In vào thành quách rêu phong,
Ai về Vĩ Dạ cùng em, nghe l,á hoa ân tình kể chuyện,
Huế thủy chung ,sâu lắng, mặn mà!...”
Sau những ca khúc mượt mà về Huế, 1 tiếng hát cất lên trong trẻo vút cao “ Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Gần ½ người trong khán phòng là người Hà Tĩnh. Lòng tôi rưng rưng “Cảm ơn anh Cao, chính anh đã chọn ca khúc này dành tặng cho chúng tôi. Anh thật sâu sắc và tinh tế!”
Anh Lê Sinh bước lên sân khấu nói lời khai mạc. Giọng anh trầm ấm truyền cảm;
“ Kính thưa các thầy! Thưa các quý bà quý ông, thưa các bạn!
Mùa thu năm 1972, sau 1 kỳ thi tuyển, 36 ngôi sao toán học nhỏ của tĩnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã được lựa chọn để nhập vào học lớp 8C, lớp chuyên toán của tỉnh đặt tại trường cấp 3 đô lương 2- tại lam Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Trường ở trên đồi cao, học sinh chuyên toán ở trọ nhà dân, ăn cơm tập thể tại bếp nhà trường. Vất vả, đói rét thiếu thốn và khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả cùng đào hầm tránh bom, cùng chia nhau từng mẩu khoai, củ sắn, cùng cắt cỏ tranh lợp lại trường sau mỗi lần bão đổ, cùng vào rừng chặt củi, cùng nhau giải những bài toán khó vv. Trong khó khăn thiếu thốn đó, tình bạn đã gắn chúng ta lại với nhau, để rồi khi chia tay ai cũng mang trong lòng những kỹ niệm tuổi học trò không bao giờ quên.
Hôm nay đây, sau 40 năm bôn ba với cuộc sống, mỗi người 1 vị trí, 1 hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa chúng ta không có khoảng cách, chỉ là tình bạn vững bền, chân thành. Chúng ta tụ họp về đây để ôn lại chuyện cũ, để kể thêm chuyện mới, để hiểu thêm cuộc sống hoàn cảnh hiện tại của mỗi người để cùng xẻ chia, san sẻ cùng nhau và để tình bạn của chúng ta trường tồn mãi mãi.
Những lần gặp trước, chỉ có đàn ông với nhau, còn nay thật hạnh phúc là các phu nhân và con cái cùng tham gia, chúng ta như anh em một nhà nên sự tham gia của những người vợ, những đứa con chính là niềm hạnh phúc trọn vẹn mà ta có được.
36 học sinh ngày ấy, 4 người đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có bạn An sau khi ra trường đã nhập ngũ và anh dũng hy sinh trên chiến trường chống Mỹ. Để tưởng nhớ và tri ân những người bạn đó, 1 phút mặc niệm bắt đầu.
Anh lê Sinh giới thiệu thầy Chu Văn Phú, chủ nhiệm lớp 8, thầy Nguyễn Duy Tịnh chủ nhiệm lớp 9,10 cùng về dự cuộc gặp mặt hôm nay. Các thầy bước lên sân khấu nhận những bó hoa rực rỡ và những món quà các anh cung kính dâng trao. Giọng rưng rưng, thầy Phú tâm sự, thầy rất cảm kích trước tỉnh cảm của các em, dù năm tháng đi qua nhưng các em vẫn giữ trọng tấm lòng kính thầy, yêu bạn, thầy tự hào về các em.
Sau diễn văn của anh Lê Sinh, anh Ngô Minh, lớp trưởng bước lên sân khấu, anh nói lời cảm ơn đến ban tổ chức và kể những kỷ niệm thủa học đường và đi đến kết luận, không có nơi đâu có được tình bạn đẹp như ở trường Phan, không có nhóm bạn nào đông như nhóm bạn của chúng ta mà lại đoàn kết, chân tình đến vậy. Chúng ta hãy giữ mãi tình bạn này cho đến khi không còn có thể gặp nhau được nữa.
AnhCao bước lên, với tất cả sự chân tình và khiêm nhường, anh ngắn gọn nói lời cảm ơn tất cả các bạn dù ở nước ngoài xa xôi hay ở mọi miền đất nước đã chọn Huế làm nơi hội ngộ để anh có cơ hội được đón các bạn trên quê hương mình, chúc tất cả 1 cuộc gặp mặt thật vui vẻ.
Bữa tối được dọn ra, ngon không thể tả xiết. Về ẩm thực Huế, có lẽ để tất cả bình phẩm, tôi không thể viết ra đây được bởi đó là món ăn cung đình nên nếu tôi có miêu tả cũng chẳng có ai hình dung hết hương vị của nó.
Mỗi người cầm 1 chiếc cốc đi khắp các bàn chúc tụng. Ai cũng hân hoan, đúng như câu thơ của Tố Hữu “Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn”. Những kỹ niệm được nhắc lại, tươi rói như mới hôm qua đây. Tôi nhìn tất cả, những sợi tóc trên đầu đã bạc nhưng tính tình thì trở lại tuổi 14, 15 như khi tất cả đang học chung dưới mái trường nghĩa tình ngày xưa ấy.
Những ca khúc được cất lên. Anh Hiển cùng vợ song ca nhiều bài. Hay nhất có lẽ là bài “Vợ là number One”, các phu nhân nghe đều vui sướng.
Chị Nhung vợ anh Liễu cất lên giọng hát hờn dỗi nhưng chan chứa yêu thương “Giận thì giận mà thương thì thương!”. có lẽ đo cũng là nỗi lòng chung của tất cả các phu nhân. Dù đôi khi còn hợn giận chồng vì những nắng mưa ở đời thì các chị vẫn dành cho chồng mình lòng thủy chung, tình yêu thương sấu nặng. Các anh thi nhau nhắc lại kỹ niệm, có những câu chuyện cười ra nước mắt. Có lần trong bữa cơm, vốn chỉ toàn khoai sắn và “canh toàn quốc”, có cậu bạn reo lên, “ôi, tớ có được cái tóp mỡ”. “Cậu may thế, sao hôm nay canh lại có mỡ cơ chứ, xa xỉ quá”. Thế rồi 1 lúc sau, phát hiện ra đó là con đỉa… Đói rét thiếu thốn và cả nỗi nhớ nhà đôi khi làm những cậu bé 14, 15 tuổi mắt rớm lệ nhưng được sự dạy bảo tận tình của thầy cô, các anh đã cố gắng nổ lực vươn lên Lớp các anh năm đó có 21 người đậu Đại học điểm cao được chọn đi du học nước ngoài, còn lại học đại học trong nước. Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có anh Cao và anh Ngô Minh, 2 anh hẹn với nhau, khi nào nước nhà thống nhất sẽ mời tất cả các bạn vể thăm quê hương. 40 năm sau, hôm nay điều hẹn ước đó mới thành sự thật khi tất cả cùng chung vui tại Huế. 40 năm đó các anh giữ vững tình bạn keo son, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Lớp anh có 1 người bị tai nạn không còn khả năng lao động, các anh gom tiền, lập thành 1 cái quỹ nuôi con bạn. Tôi thật ngưỡng mộ tình bạn của các anh và vui sướng tự hào vì mình được là khách mời danh dự.
Được sự giới thiệu của anh Lê Sinh, trong nguồn cảm xúc trào dâng, tôi bước lên sân khấu nói lời cảm ơn với và đọc tặng tất cả bài thơ:
“ Anh ơi! Đừng giận em
Đừng trách em nông nổi,
Với anh, em đã nói
Toàn những lời vu vơ…”
Làm sao có thể nói lời chính xác được khi mà tất cả xung quanh tôi đang như thực, như mơ, tâm hồn tôi đang trôi trong mộng mị, trong những cảm xúc không định hình.
Tan tiệc, các anh cùng nhau về ngồi dưới sảnh khách sạn Mường Thanh trò chuyện, hát hò suốt đêm. Dù đã khuya, thầy Tịnh , thầy Phú vẫn ngồi lại chung vui cùng học trò của mình, những đứa học sinh mà bao năm qua các thầy vẫn dõi theo từng bước, yêu thương chúng như con đẻ của mình. Thầy Tịnh nói với anh Cao và tôi (ngồi gần bên thầy), “Các em học các khóa khác nhau, cách nhau 9 năm mà giữ được tình anh em thân thiết thế này thật là phúc lớn”. Trong tôi trào dâng 1 niềm tự hào và niềm biết ơn tất các các anh đã coi em như em gái để em có cơ hội được hiểu thêm về tình bạn của các anh và tình người bao la các anh dành cho em nói riêng và cho tất cả nói chung.
Sáng hôm sau là thời gian dành cho mỗi người thực hiện kế hoạch riêng. Tôi đến thăm gia đình đứa em kết nghĩa và người bạn thân.
Nơi đây tôi lại được đón nhận yêu thương thân thiết như người con đi xa tở về. Tôi đi dọc những dòng kênh xanh mát. Năm năm trước, tôi đến Huế, trong lòng những dòng kênh đen ngòm là rất nhiều những cư dân sinh sống trên những chiếc thuyền cũ kỹ, họ định cư trên thuyền nên ăn uống tắm giặt đều trên đó, nhìn rất nhếc nhác. Tôi mang theo mấy bịch bánh nghĩ là sẽ cho những em bé lem luốc trên thuyền như trước đây nhưng không thấy. Bạn tôi tự hào kể, chính quyền giải tỏa hết rồi, họ xây nhà cho ngư dân tái định cư và tạo công ăn việc làm cho họ. Cúc thấy dòng kênh bây giờ nước trong xanh hiền hòa chảy, đúng là Huế đẹp chứ? Tôi gật đầu xác nhận.
Tôi đi ra Cầu Tràng Tiền. Trước đây, bên bờ sông Hương, đi 1 đoạn lại thấy 1 cái nhà, có cái vài tầng, có cái là căn lều xập xệ, xe xich lô, xe máy để lộn xộn, trông xa như miếng vải vá nhiều lần. Bây giờ dọc sông Hương là những hàng cây xanh tốt, nối từ đường quốc lộ xuống bờ sông là 1 thảm cỏ xanh mướt. Hình dung những bờ sôngVolga, Dnhep đã từng qua, tôi như thấy 1 phong cảnh Châu Âu xinh đẹp trong lòng thành phố Huế.
Cách khoảng 1 Km lại có 1 quán nước nhỏ, khi du khách đi dạo mỏi chân có thể ngồi lại vừa ngắm nhìn sông hương lững lờ trôi, cảm nhận làn gió mát rượi vừa thưởng thức chén trà cung đình Huế hoặc nhấm nháp ly kem, ly chè hạt sen Huế.
Sẽ còn nhiều việc phải làm để cho Thừa Thiên Huế xứng đáng là trung tâm về nhiều mặt của miền Trung như văn hoá, chính trị, giáo dục, du lịch, là thành phố “Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng” nhưng những gì đã có hôm nay thể hiện sự nổ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Xin cho tôi được gửi tới tất cả lòng thành kính biết ơn!
Tôi đi về khách sạn thu dọn đồ đạc để ra sân bay. Trên bàn là 1 túi quà , kẹo mè xửng, trà cung đình, sen Tịnh tâm với dòng chữ
“Cảm ơn các bạn cựu học sinh chuyên toán Nghệ An khóa 1972-1975 đã chọn Huế để tổ chức cuộc gặp đầy ý nghĩa này!”
Không thể nói hết sự xúc động của chúng tôi trước sự chu đáo và chân tình của bạn. Đúng như câu thơ của anh viết :
“Hạnh phúc là xẻ chia, đời dẫu bao trong đục.
Yêu thương Huế gửi khắp nước non nhà”
( Khúc Tình Huế - Nguyễn Văn Cao).
Huế tiễn biệt chúng tôi trong hoàng hôn, trong ráng chiều ửng đỏ và làn gió mơn man cùng tiếng chuông chùa ngân vang.
Rồi tôi và những người khác nữa sẽ trở lại nơi đây khám phá thêm nhiều vẻ đẹp huyền thoại của Huế, sẽ đến các chùa chiền, miếu mạo, lên đồi Vọng cảnh và đến biển Lăng Cô để cảm nhận:
Một vùng trời đất như mơ,
Một vùng trời đất nên thơ,
Biển xanh cát trắng
Chiều nay em ở đâu?
Lăng Cô biển gọi.
….Đợi chờ em trao câu hò hẹn”…
( Lăng Cô Biển gọi – Nguyễn Văn Cao)
Tạm biệt Huế, hẹn ngày trở lại! Cảm ơn Huế, xin gửi lại Huế câu thơ (mạn phép cụ hàn Măc Tử được sửa lại cho đúng với nỗi lòng của chúng tôi):
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Em biết tình anh rất đậm đà”.
Huế - TP. HCM tháng 6/2016
Cucnt
Người post: CucNT
Ngày đăng: 25-06-2015 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |