KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 02 Tháng bẩy. 2015

VIẾNG NHẠC SỸ PHAN HUỲNH ĐIỂU




Tác giả: CucNT

 VIẾNG NHẠC SỸ PHAN HUỲNH ĐIỂU.

 

Mới sáng sớm ngày 30/06/2015, mở máy để làm việc, email đầu tiên tôi nhận được là của Hội trưởng Bùi Quang Ngọc “ Kính gửi anh chị em Kgu ! “ Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Phan Nhân đã qua đời, những đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam….Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết các nhạc sỹ này và các tác phẩm nổi tiếng của họ. Ngày 29/06/2015, ngày mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam…

Chúng tôi liên tục gọi điện cho nhau, chia sẻ nỗi ngậm ngùi. Buổi tối cả hội tụ tập tại nhà chị Lam để đón chị Kim Thanh từ Hà Nội vào công tác và cũng để bàn việc đi viếng nhạc Sỹ Phan Huỳnh Điểu.

Mọi người nhắc lại kỹ niệm năm 1972 Hội sinh viên Kishinew tiếp đón 2 nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và Văn Ký  khi các bác  được hội nhạc sỹ Liên xô (thời đó cả liên bang 15 nước ) mời sang trao đổi sáng tác, tham quan …nên được mời đi Matscơva, Leningrat và mấy nước cộng hoà trong đó có Molđôva. Tôi nhớ mãi chi tiết, trời tuyết rơi lạnh cóng mà 2 bác đi đôi giày rách.... Đất nước thời chiến tranh, nghèo khổ quá  nhưng những bài ca hy vọng vẫn âm vang.  Bốn mươi năm sau, các chị gặp lại bác Phan Huỳnh Điểu tại Đà Nẵng và bác vẫn nhớ tên từng người một với những lời thăm hỏi ân cần, thân thiết. Tôi chưa vinh dự được gặp bác nhưng đã được nhạc sỹ Hồng Hà con trai bác sửa cho nhiều lần khi cùng hội Kgu tập hát vì riêng em Cúc 1 mình 1 bè ( không biết hát). Tôi ấn tượng với anh vì anh rất đẹp trai , thân thiết, nhẹ nhàng với phong cách rất nghệ sỹ.

Chiều ngày 30/6/2015, chúng tôi tới nhà Tang lễ thành phố Hồ Chí Minh để viếng nhạc sỹ. Hàng trăm vòng hoa của các cơ quan đoàn thể đã đặt long trọng  tại đây.

Theo Wikipedia “ Phan Huỳnh Điểu (sinh ngày 11 Tháng 11 năm 1924,  mất ngày 29 tháng 6 năm 2015  là một trong những nhạc sỹ  tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX. Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được Nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam”.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhạc sỹ Hồng Hà, anh kể rằng ba anh vẫn khỏe mạnh và yêu đời. Mấy hôm trước ekip làm chương trình “Tiếng hát mãi xanh” tới nhà, ông vẫn cùng mọi người hát bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Ông bảo để ông nghỉ ngơi vài ngày rồi hôm chung kết ông sẽ có mặt trên sân khấu. Thế rồi hôm sau nhập viện, được 1 ngày thì bác sỹ báo tin ông bị ung thư máu nên dù chuyền máu liên tục vẫn không thể phục hồi được và ông đã qua đời. Ba mẹ anh ất yêu nhau nên khi ông ra đi quá đột ngột sợ bà sốc nên cả nhà bàn nhau từ từ mới nói cho bà biết.  

Anh Hồng Hà kể nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Phan Nhân chơi thân với nhau. Sáng nay, nhiếp ảnh Phong Quang tới tặng gia đình bức ảnh 2 ông đứng chụp chung trước trụ sở Hội đồng nhân dân Tp. HCM nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ từ năm 2003.  Mọi người nói đùa , 2 ông đã bàn nhau 12 năm sau sẽ ra đi cùng ngày cho nên ông mới ra đi đột ngột như vậy. Ban đầu gia đình dự tính tổ chức tang lễ cho ông tại nhà  tang lễ bộ quốc phòng nhưng ở đó còn phải  làm cho mấy Đại tá, phải chờ đến ngày 2/7 nên gia đình quyết định tổ chức tại nhà tang lễ thành phố. Ủy ban nhân dân Tp. HCM  tổ chức rất tận tình, chu đáo. Phía bên phải là tang lễ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, phía bên trái là tang lễ nhạc sỹ Phan Nhân. Nhạc sỹ Phan nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân , sinh năm 1930 Tại Long Xuyên, An Giang Ông được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng như Hà Nội, niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, em ở nơi đâu, bài ca cho em vv

Anh Hồng Hà kể ba anh quê ở Quảng Nam, ông yêu quê hương da diết nhưng chưa có  được những ca khúc bất hủ về quê hương mình, ông muốn con cháu ông tiếp tục sự nghiệp của ông, thay ông tri ân quê hương. Gia đình sẽ hỏa táng hài cốt ông tại nghĩa trang Phúc An Viên Quận 9, Tp.HCM. Một phần tro cốt của ông sẽ mang về rải trên dòng sông Hàn, quê hương ông.

Chúng tôi cung kính thắp hương vái lạy ông và đi vòng quanh quan tài. Tôi nhìn mặt ông lần cuối, 1 khuôn mặt phúc hậu vẫn hồng hào nằm im lìm nhưng như nhắn nhủ với chúng tôi rằng hãy yêu cuộc đời tha thiết bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào thì “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Chúng tôi về nhà, tôi nghĩ nhiều đến ông, đến 1 nhạc sỹ tài ba tôi chưa 1 lần gặp mặt nhưng để lại trong tôi bao cảm xúc bởi rất nhiều các bài hát của ông có lời từ các tác phẩm thơ.

Tôi vốn yêu thơ và nhiều lần thử tập làm thơ nhưng không làm nổi vì làm thơ khó quá chừng. Tôi kính trọng những tác giả để lại cho đời những vần thơ bất hủ và càng ngưỡng mộ những bài thơ được phổ nhạc thành bài hát. Khi nhạc sỹ phổ nhạc cho những bài thơ là thổi hồn vào đó lần nữa để những vần thơ chắp cánh bay lên đọng vào hồn người những cảm xúc sâu lắng. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu từng chia sẻ thơ và nhạc như 2 cặp song sinh. Cả 2 chắp cánh cho nhau bay lên và ông là người nối đôi cánh đó. Thông điệp chung trong những ca khúc phổ thơ tình yêu của Phan Huỳnh Điểu là tình yêu có sức sống mãnh liệt, càng xa càng bền vững, càng trong hoàn cảnh khốc liệt càng trường tồn. Dân tộc ta đã đi qua những cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc nhưng chúng ta đã chiến thắng vì ngay trong những giây phút sinh tử đó, mỗi người vẫn có niềm tin mãnh liệt vào ngày mai, vẫn thấy cuộc đời rất đẹp. Bài thơ “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Dương Hương Ly sẽ không được nhiều người biết đến thế, yêu mến đến thế nếu không có đôi cánh âm nhạc nâng lên. Tôi càng cảm phục hơn khi biết về hoàn cảnh xuất xứ của bản nhạc, đó là vào năm 1970, khi nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu nhập viện từ chiến trường về trong tình trạng da bọc xương, được cô y tá tận tình chăm sóc đã làm bật lên trong ông những giai điệu cho ca từ đầy sức sống:

“ Cuộc đời vẫn đẹp sao,

Dù đạn bom man rợ thét gào

Dù thân thể hiển nhiên mang đầy thương tích

Dù xa cách hai ngã đường chiến dịch,

Ta vẫn cùng chung nhau 1 ánh trăng ngần”.

Bài hát vang lên ngay trong bệnh viện, khi ca sỹ Quốc Hương ghé vào thăm ông và đã trở thành liều thuốc tinh thần vô giá cho bệnh nhân. Và rồi bài hát bay qua không gian, ra chiến trận, đến với mọi miền tổ quốc mang đến cho mỗi người tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, niềm lạc quan vô bờ  bến ngay cả khi đạn bom đang man rợ thét gào. Đôi khi đang chùng lòng vì một nỗi buồn nào đó, tôi bật bài hát lên và khe khẽ hát theo “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Một thời, chỉ 1 lời hẹn ước đôi lứa đã đủ sức chờ đợi nhau suốt 20, 30 năm có lẽ một phần rất lớn là nhờ những ca khúc nói lên sức sống bền bỉ , mạnh mẽ của tình yêu trong chiến tranh như ca khúc “Sợi nhớ sợi thương” ( Thơ Thúy Bắc). Ca khúc này được nhạc sỹ lồng vào chất dân ca Nghệ Tĩnh rất đậm đà nên một thời tất cả dân quê tôi hát bài hát này trong các lễ hội . Các cô gái thể hiện không thời gian, không gian nào ngăn cách được tình yêu em dành cho anh nên khi cất lên tiếng ca “nghiêng hết về bên anh” thì nghiêng mình vô cùng duyên dáng.

Nhạc sỹ gắn bó với Miền đông Nam bộ và đã để lại nơi đây ca khúc nổi tiếng “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (Thơ Hoài Vũ). Khi ca khúc ngân lên thì nó không là dòng sông của thiên nhiên nữa, nó là sự gắn kết của 2 tâm hồn cùng chung 1 cội nguồn, một lý tưởng, gửi cho nhau những tình cảm ấm nồng qua hình ảnh dòng sông.

Hồi nhỏ chúng tôi học bài thơ “Bóng cây Kơ-nia”  Tôi hỏi thầy Hân sao không là bóng cây lim, cây táu, cây hồi vv là những giống cây rất quý sách vở nào cũng ghi  ở Việt Nam mà lại là cây Kơ-nia. Thầy Hân giải thích rằng nhà thơ Anh Ngọc gắn liền với núi rừng Tây Nguyên, những năm tháng lăn lộn ở đây đã làm ông am hiểu về cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên và cây Kơ- nia không chỉ là 1 cây rừng mà nó gắn với đời sống tâm linh của người dân Tây Nguyên.

Cái “tiếng thương thầm” da diết ấy:

 “Bóng ngả che ngực em,

Bóng tròn che lưng mẹ”

Không chỉ dừng lại ở tình cảm em dành cho anh, mẹ dành cho anh mà nâng lên tầm cao hơn, “Em và mẹ nhớ anh, Uống theo nguồn Miền Bắc”. Ngần ấy thôi, bất chợt một ngày đã làm xao xuyến trái tim của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ca khúc Bóng cây Kơ-nia ra đời từ đó. Nhưng phải là 6 năm sau, khi ông đã sống cùng dân làng tây Nguyên, hiểu những tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên yêu thương bộ đội, nhường cơm sẻ áo cho chiến trường Miền Nam thì hình ảnh, âm điệu và cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên cứ hiện lên rõ nét trong trí óc và rung lên những nốt nhạc. Thực ra cũng đã có một số nhạc sĩ phổ bài thơ này, nhưng phải là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì cuộc hôn phối thơ nhạc kia mới vang ngân và tỏa sáng. Giai điệu trữ tình kể lể, chợt luyến láy vút cao, chợt dập dồn trúc trắc, một loại nhạc phẩm khó cho những ca sĩ bình thường thể hiện, lại càng khó hơn cho đại chúng.

Không chỉ làm thơ là phải thai nghén tứ thơ, đợi chờ cảm xúc, chắt lọc ngôn từ mà phổ nhạc ca khúc từ thơ nhạc sỹ cũng mất đến 6 năm trời. Chúng ta nghe, cảm nhận, thưởng thức những ca khúc và thốt lên “Hay quá! Tuyệt vời quá!” nhưng đâu có biết rằng để có những tác phẩm để đời cho hậu thế tác giã cũng phái rút hết gan ruột của mình, vật lộn trên cánh đồng chữ và trần mình trong bộn bề giai điệu để đưa đến cho độc giả những gì hoàn hảo nhất. Cứ tưởng rằng chỉ có dân làng Tây Nguyên mới thuộc lòng bài thơ “Bóng cây Knia” Ấy vậy mà Bóng cây Kơ-nia giờ đây không còn xa lạ với bất cứ một ai ở tận đầu nguồn cho đến cuối bể. Nó không chỉ tỏa bóng lặng lẽ ở một góc trời Tây Nguyên mà vang xa khắp mọi miền, gieo vào tâm hồn của từng con người, neo đậu vào đấy như một tình yêu bất diệt mà thời gian chẳng thể xóa nhòa.

Có lẽ chưa nữ thi sỹ nào làm thơ về tình yêu thành công như Xuân Quỳnh. Một thời chúng tôi thường mượn thơ Xuân Quỳnh để gửi gắm lòng mình cho người yêu dấu. Và khi nửa cuối của ca khúc được phổ nhạc thì tất cả như lên đồng bởi bài hát ấy. Bài hát mà giai điệu đầu thì thủ thỉ, chậm rãi như con sóng trườn dần trên bãi cát còn về cuối thì quyết liệt dữ dội bởi sự khốc liệt của tiên cảm cách xa. Tôi cũng như nữ đại sứ Thanh Huyền không đồng tình với nhiều nam ca sỹ khi hát đã sửa đại từ trong thơ “ Nếu phải xa cách em, Anh chỉ còn bão tố”. Phải là “Nếu phải xa cách anh, em chỉ còn bão tố”. Em mới yếu mềm và sấu sắc như thế, em mới cảm thấy dông bão cuộn lòng khi không có anh bên. Còn anh, em nghĩ, anh mạnh mẽ hơn, hay là giản đơn hơn khi xa cách em…Tôi đã đối diện với sự xa cách không phải một lần và lần nào cũng bảo tố nên chỉ biết nói lời cảm ơn đến nhà thơ và nhạc sỹ.

 Ông không chỉ làm cho các nhà thơ trở nên bất diệt bởi những vần thơ ông phổ nhạc mà còn làm cho các ca sỹ nổi tiếngvà mang dấu ấn thành công rất riêng khi thể hiện ca khúc trên sân khấu. Có lẽ ít ai biết đến cô sinh viên MăngThị Hội nếu không có ca khúc “Bóng cây Kơ-nia”  đến nỗi nhiều người gọi cô là “cô Kơ- Nia”.

Nói về những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu thì nhiều vô cùng. Với tư cách 1 người yêu thơ, tôi chỉ điểm xuyến vài bài như thế vì e viết nữa sẽ không đủ ngôn từ và trình độ để hiểu và diễn tải cái hồn, cái thánh thiện trong ca từ, nhạc họa của ông.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh ông! Cầu mong cho linh hồn ông sớm siêu thoát và phiêu diêu ở miền cực lạc!

Tp HCM ngày 1/07/2015

Cucnt.

 

 

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 02-07-2015 15:03






Xem 11 - 20 của tổng số 37 Comments



Từ: CucNT
07/07/2015 14:42:35

Cảm ơn chị Nguyệt đã có comment dài đầy cảm xúc. Không thể nói hết nỗi tiếc thương của nhân dân VN (và cả những người yêu âm nhạc trên thế giới) trước sự ra đi đột ngột của các nhạc sỹ tài ba. Với nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân có thể nói tuổi họ đã nhiều khó chống được quy luật của tự nhiên còn nhạc sỹ An Thuyên thì không ai khỏi boàng hoàng. Chiều hôm đó, em thẫn thờ cả buổi, nhắn cho những người thân " Còn Ca dao em và tôi" nữa không? Còn "Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người" nữa không? Em muốn viết thật nhiều về các nhạc sỹ mà không đủ khả năng  và không đủ sức. 


Cuộc đời em, sống được, vui được đến bây giờ 1 phần rất lớn là nhờ văn học và âm nhạc, những khi tuyệt vọng trong em lại vang lên "Bài ca hy vọng", những khi buồn âm điệu "Cuộc đời vẫn đẹp sao" lại cất lên vv


Cảm ơn tất cả anh chị em đã chia sẻ đã đồng điệu cùng em trong bài viết này.



Từ: NguyetTM
07/07/2015 09:31:01

Cảm ơn em Cúc đã có bài viết rất tình cảm về các Nhạc sĩ . Em như nói giùm tất cả mọi người về tình yêu đối với các nhạc sĩ, các nhà thơ.


Cảm ơm tất cả các anh chị em đã có những comment để được chia sẻ và hiểu biết thêm về cuộc đời và tác phẩm của các Nghệ sĩ. Điều quan trọng là qua các tác phẩm thơ ca, nhạc họa chúng ta hiểu thêm vẻ đẹp thanh cao của các Nghệ sĩ. Chúng ta được cả tài sản lớn từ các Nghệ sĩ, tự hào về họ và nguyện sống cho xứng đáng.



Từ: NguyetTM
07/07/2015 09:22:54



Thật buồn! chỉ có trong vòng hơn một tuần mà có đến bốn nhạc sĩ tài ba nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam ra đi mãi mãi! Ngày giỗ đầu bố tôi 24/7/2015 cũng là ngày Giáo sư Trần Văn Khê  rất đáng tôn kính qua đời, dồn dập mấy ngày sau là các Nhạc sĩ rất thân thương với chúng ta là Phan Huỳnh Điểu,  Phan Nhân và An Thuyên lại rủ nhau hội tụ nơi cõi Tiên! Tôi thương tiếc bác Khê, bác Điểu, bác Nhân như thương cha tôi vậy, tôi thương tiếc An Thuyên như nhớ anh tôi tôi vậy. Và đối với các nhạc sĩ thì trong tôi còn trào dâng một nỗi mất mát không thể và không bao giờ bù đắp được trong tài sản Quốc gia về âm nhạc Việt Nam. Tháng 5 âm lịch sẽ mãi mãi là nỗi buồn sâu thẳm trong tôi.


Tôi đã từng được nghe bác Khê nói chuyện và truyền lại những cảm xúc đẹp đẽ về âm nhạc truyền thống Việt ở Nhà sách Phương Nam, Sài Gòn. Tôi đã được dự buổi giao lưu với Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ở Nhà hát lớn Hà Nội – được nghe bác tâm sự , được nghe bác hát, được nghe những bài hát của bác, đã từng hát những bài hát của bác. Nhạc sĩ An Thuyên thì hình như chưa gặp nhưng mà sao cứ ngỡ đã gặp rồi! Có lẽ vì những bài hát của An Thuyên và hình ảnh của anh quá thân thuộc với chúng ta! Khó có thể quên được những bài hát như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Bóng cây Kơ nia”, "Hà nội niềm tin và hy vọng", "Ca dao Em và Tôi”... Những ai đã có may mắn đến với những tác phẩm như vậy của các nhạc sĩ chắc hẳn vẫn thấy âm vang trong lòng những giai điệu nồng nàn, da diết của chất liệu tình yêu, tình lưu luyến Vĩnh cửu của nhân gian. Chắc không mấy ai là chưa cất tiếng hát những bài hát đó của các nhạc sĩ vì nó giản dị, gần gũi và đẹp quá. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, …dù xa cách hai nẻo đường chiến dịch, ta vẫn còn chung nhau một Ánh Trăng Rằm…”, “ Bóng tròn che lưng mẹ, bóng ngả che ngực em…Về nhớ em Mẹ khóc, Về nhớ anh không ngủ…”; “Chân lấm Bùn mà Tôi ngỡ Gót Chân Tiên” rồi “một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người !” . Thơ và nhạc lãng mạn thế, và thăng thiên đến độ Thần Tiên.  


Đến bao giờ dân tộc Việt Nam lại có được những nhạc sĩ tài hoa như thế ?


Xin cầu nguyện cho Linh Hồn các Nhạc Sĩ siêu sinh tịnh độ. Tùy duyên hội ngộ, biết đâu các Nhạc Sĩ lại gặp nhau nơi Tiên Cảnh rồi lại cùng nhau hòa chung dàn hợp xướng hoành tráng của người Thiên Cổ giúp cho non nước được hưởng chút Âm khí thanh cao.  


 


 



Từ: CucNT
06/07/2015 23:17:36

 


Nhạc sĩ An Thuyên kể chuyện "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác"


(VOV) - Sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, nhạc sĩ An Thuyên là người có bài hát hay về Bác Hồ - "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác".


Hơn 30 năm qua, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên vẫn được coi là một trong những bài hát hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian văn hóa làng quê xứ Nghệ, tác giả đã khắc họa hình ảnh bậc vĩ nhân lớn lên cùng câu hò, điệu ví, với tiếng lòng của nhân dân lao động.


Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ như: Thanh xướng kịch “Người đi tìm nhịp trống”, “Chuyện bên lán Nà Lừa”, “Hành khúc theo chân Bác”… nhưng sự ảnh hưởng của “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” đến nay vẫn mạnh mẽ hơn cả. 


Nhân dịp kỉ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với tác giả của bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. 


P.V: Thưa nhạc sĩ An Thuyên, được biết khi viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, hồi đó ông mới 24 tuổi và là một cán bộ tuyên truyền của ty văn hóa Nghệ An. Thế nhưng, khi nghe bài hát đó, không ai nghĩ tác giả lại trẻ đến như vậy bởi ca từ nghe rất già dặn?


Nhạc sĩ An Thuyên: Đó là những năm tôi 23-24 tuổi, lúc đó Bác đã mất được 5-7 năm. Sự mất mát ấy luôn lay động trái tim của tôi. Bản thân tôi cũng cảm thấy sự qua đời của Bác là mất mát rất lớn. Cũng chính điều đó đã thôi thúc tôi viết bài hát này chỉ trong 1 đêm. Khi viết nước mắt tôi dàn dụa, nghĩ lại thấy mình như một ông cụ non vậy.


 


Nhạc sỹ An Thuyên tại nhà riêng


Đến bây giờ, sau nhiều năm sáng tác, tôi nhớ mình đã có ba lần viết nhạc bằng nước mắt: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê” và “Mẹ Việt Nam anh hùng”.


P.V: Cơ duyên nào đã đưa nhạc sĩ đến một không gian văn hóa ví dặm với những người hát phường vải, với hình ảnh Bác Hồ thời ấu thơ?


Nhạc sĩ An Thuyên: Tôi viết bài này bắt đầu từ một câu chuyện. Hôm ấy, khi tôi đi sưu tầm dân ca ở Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn), bà con đến hát và tôi thu âm các bài hát dân ca, hát phường vải. Trong khi thu âm thì có một người phụ nữ khoảng 40-45 tuổi, đứng ngoài ngõ. Khi tôi xong việc, đóng máy thu âm lại, chị bảo “anh đi với tôi”.


Với sự tò mò của người làm sưu tầm, tôi đóng vội máy và đi theo chị. Về đến trước nhà, chị vừa “kẹt” cái cổng tre lại thì thấy tiếng bà cụ trong nhà bảo “mi đi mô từ đầu hôm đến giờ mà để con khóc nhiều rứa”. Rất nhanh chị ôm chầm đứa con đang khóc và hát một bài hát ru rất hay. Tôi vội vàng bấm máy thu âm. Đấy là bài hát ru sưu tầm theo tôi là rất thành công vì nó rất thật.


Tiếng võng đưa qua đưa lại, lúc đầu con khóc nhiều thì chị hát rất khỏe, to và dần dần con dịu đi thì chị hát nhỏ. Bài hát ru cứ chậm dần, chậm dần theo không gian đó. Chị đã thiếp ngủ lúc nào không biết và bỏ quên tôi. 


Sớm hôm sau, tôi quay lại thì chị đi làm đồng. Tôi mở cửa bước vào và bắt gặp hình ảnh một bà cụ rất già với mái tóc trắng ngồi đó khiến tôi không thể quên. Tôi bật máy ghi âm để bà nghe bài hát ru do chính con dâu bà hát. Nghe xong, bà bảo “Ngày xưa Bác Hồ cũng hay nghe hát phường vải lắm”. Từ chi tiết này tôi đã viết bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.






 


 P.V: Các bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Vầng trăng đò đưa”…đều mang âm hưởng của dân ca Nghệ Tĩnh. Âm nhạc dân gian xứ Nghệ rõ ràng đã mang đến nhiều thành công cho ông, phải không thưa nhạc sĩ?


Nhạc sĩ An Thuyên: Khi viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, mọi người có thể không tưởng tượng được vì đó hoàn toàn là một bài hát dặm, trước đó là một câu ví. Với bài hát này, tôi lấy nguyên nhịp 7/8 - nhịp lẻ rất lạ, đậm đặc và tinh túy đến mức 5 năm sau đó, tôi viết bài nào dường như cũng giống như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.     


P.V: Trong bài hát của mình nhạc sĩ đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ thời thơ ấu là một cậu bé mặc "quần xắn gối, đứng đầu sân" nghe phường vải hát. Hẳn là nhạc sĩ cũng có những kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với một không gian văn hóa như vậy?


Nhạc sĩ An Thuyên: May mắn là gia đình tôi sống ở làng Đáy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – một vùng quê nghèo nhưng có phong trào văn hóa văn nghệ, có nền âm nhạc dân gian rất phát triển. Và nhà tôi cũng là một gánh hát tuồng, cải lương, hát phường vải. 11 tuổi tôi đã trở thành một “nhạc công” thổi sáo, kéo nhị cho mọi người hát. Âm nhạc dân gian thấm đượm với tôi từ bé, như sữa mẹ mình được bú từ nhỏ vậy.


Phương Thúy/VOV


 



Từ: Guest LamTB
04/07/2015 21:08:34

Sống chết là vô thường, người già rồi cũng mất nhưng biết có khi nào nước nhà mới lại có được những nhà văn hóa vừa tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc vừa có tầm quảng bá văn hóa VN ra thế giới như GS NS Trần Văn Khuê. 


Và cùng sự ra đi của các NS dòng nhạc trữ tình cách mạng khiến ta càng thấy hụt hẫng và không khỏi bối rối khi nghĩ về bản sắc văn hóa VN nói chung và âm nhạc VN nói riêng liệu có còn là bản sắc. Trên các chương trình ca nhạc truyền hình hiện nay có mấy % thuộc về bản sắc?



Từ: NghiPH
04/07/2015 10:46:59

 


 


 


Trong mấy ngày bốn nhạc sĩ tài hoa của đất nước lần lượt ra đi. Mất mát lớn quá! Chúc các ông lên đường nhẹ bước tiên! Các bài ca, bản nhạc của các ông còn sống mãi. 


 


 


 


 


 


 



Từ: CucNT
03/07/2015 22:38:44

Không thể nói hết được, chiều nay em boàng hoàng cả người khi nghe tin nhạc sỹ An Thuyên đột ngột qua đời. Buồn quá! Em nhắn tin cho nhiều người để chia sẻ nỗi buồn.


Nhạc sỹ An Thuyên quê ở Quỳnh Lưu quê em nên trong "Ca dao em và tôi"  ông nhắc tới chiếc áo tơi mà nhiều nơi trên đất nước Vn không có.


Cuộc đời thật vô thường!



Từ: KhanhT
03/07/2015 21:38:54

Đau xót quá. Liên tục cac cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam ra đi. Sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân và giờ là nhạc sĩ An Thuyên đã để lại khoảng trống lớn đối với nền âm nhạc nước nhà. (Cmts của mình và TuyêtHA được biên tập và post lên đồng thời, tôi chỉ chậm hơn tý xíu do phải link video-clip lên nên chậm).



Từ: ThoaNP
03/07/2015 21:29:17

Và tối nay lại nghe tin nhạc sĩ An Thuyên "Ca dao em và tôi" cũng vừa đi xa.



Từ: KhanhT
03/07/2015 21:05:31

 


Và chỉ mới mấy ngày trước đây thôi, nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi một cây đại thụ, người đã đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam lên tầm quốc tế, sánh vai cùng các dân tộc văn minh của thế giới: Gs.TsNs. Trần Văn Khê. Trong sổ tang tiễn biệt, nghệ sĩ nhân dân Đỗ Lộc gửi bài thơ kính viếng tràn đầy cảm xúc về những nhân tài âm nhạc của đất nước đã lần lượt ra đi…


Bác Khê, bác Điểu, bác Nhân


Tuần nay các bác khuất dần non xanh


Hình như duyên đã hợp thành


Người hiền lại rủ người lành chơi xa


Nay vườn âm nhạc nước nhà


Cây cao bóng cả dần dà lưa thưa


Bầu trời thiếu vắng sao khuê


Biển xanh sóng vỗ thuyền về bến xa


Lung linh mặt nước bao la


Niềm tin hy vọng mãi là còn đây


Nhọc nhằn gửi lại chốn này


Danh thơm đất mẹ sum vầy ngàn thu…


Để tưởng nhớ đến Người xin mời mọi người lắng nghe:


GS Trần Văn Khê nói về nền Văn hóa dân tộc


 




GS.TS. Trần Văn Khê nói về bản sắc dân tộc trong âm nhạc


 




 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s