KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 02 Tháng bẩy. 2015

VIẾNG NHẠC SỸ PHAN HUỲNH ĐIỂU




Tác giả: CucNT

 VIẾNG NHẠC SỸ PHAN HUỲNH ĐIỂU.

 

Mới sáng sớm ngày 30/06/2015, mở máy để làm việc, email đầu tiên tôi nhận được là của Hội trưởng Bùi Quang Ngọc “ Kính gửi anh chị em Kgu ! “ Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Phan Nhân đã qua đời, những đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam….Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết các nhạc sỹ này và các tác phẩm nổi tiếng của họ. Ngày 29/06/2015, ngày mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam…

Chúng tôi liên tục gọi điện cho nhau, chia sẻ nỗi ngậm ngùi. Buổi tối cả hội tụ tập tại nhà chị Lam để đón chị Kim Thanh từ Hà Nội vào công tác và cũng để bàn việc đi viếng nhạc Sỹ Phan Huỳnh Điểu.

Mọi người nhắc lại kỹ niệm năm 1972 Hội sinh viên Kishinew tiếp đón 2 nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và Văn Ký  khi các bác  được hội nhạc sỹ Liên xô (thời đó cả liên bang 15 nước ) mời sang trao đổi sáng tác, tham quan …nên được mời đi Matscơva, Leningrat và mấy nước cộng hoà trong đó có Molđôva. Tôi nhớ mãi chi tiết, trời tuyết rơi lạnh cóng mà 2 bác đi đôi giày rách.... Đất nước thời chiến tranh, nghèo khổ quá  nhưng những bài ca hy vọng vẫn âm vang.  Bốn mươi năm sau, các chị gặp lại bác Phan Huỳnh Điểu tại Đà Nẵng và bác vẫn nhớ tên từng người một với những lời thăm hỏi ân cần, thân thiết. Tôi chưa vinh dự được gặp bác nhưng đã được nhạc sỹ Hồng Hà con trai bác sửa cho nhiều lần khi cùng hội Kgu tập hát vì riêng em Cúc 1 mình 1 bè ( không biết hát). Tôi ấn tượng với anh vì anh rất đẹp trai , thân thiết, nhẹ nhàng với phong cách rất nghệ sỹ.

Chiều ngày 30/6/2015, chúng tôi tới nhà Tang lễ thành phố Hồ Chí Minh để viếng nhạc sỹ. Hàng trăm vòng hoa của các cơ quan đoàn thể đã đặt long trọng  tại đây.

Theo Wikipedia “ Phan Huỳnh Điểu (sinh ngày 11 Tháng 11 năm 1924,  mất ngày 29 tháng 6 năm 2015  là một trong những nhạc sỹ  tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX. Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được Nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam”.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhạc sỹ Hồng Hà, anh kể rằng ba anh vẫn khỏe mạnh và yêu đời. Mấy hôm trước ekip làm chương trình “Tiếng hát mãi xanh” tới nhà, ông vẫn cùng mọi người hát bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Ông bảo để ông nghỉ ngơi vài ngày rồi hôm chung kết ông sẽ có mặt trên sân khấu. Thế rồi hôm sau nhập viện, được 1 ngày thì bác sỹ báo tin ông bị ung thư máu nên dù chuyền máu liên tục vẫn không thể phục hồi được và ông đã qua đời. Ba mẹ anh ất yêu nhau nên khi ông ra đi quá đột ngột sợ bà sốc nên cả nhà bàn nhau từ từ mới nói cho bà biết.  

Anh Hồng Hà kể nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Phan Nhân chơi thân với nhau. Sáng nay, nhiếp ảnh Phong Quang tới tặng gia đình bức ảnh 2 ông đứng chụp chung trước trụ sở Hội đồng nhân dân Tp. HCM nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ từ năm 2003.  Mọi người nói đùa , 2 ông đã bàn nhau 12 năm sau sẽ ra đi cùng ngày cho nên ông mới ra đi đột ngột như vậy. Ban đầu gia đình dự tính tổ chức tang lễ cho ông tại nhà  tang lễ bộ quốc phòng nhưng ở đó còn phải  làm cho mấy Đại tá, phải chờ đến ngày 2/7 nên gia đình quyết định tổ chức tại nhà tang lễ thành phố. Ủy ban nhân dân Tp. HCM  tổ chức rất tận tình, chu đáo. Phía bên phải là tang lễ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, phía bên trái là tang lễ nhạc sỹ Phan Nhân. Nhạc sỹ Phan nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân , sinh năm 1930 Tại Long Xuyên, An Giang Ông được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng như Hà Nội, niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, em ở nơi đâu, bài ca cho em vv

Anh Hồng Hà kể ba anh quê ở Quảng Nam, ông yêu quê hương da diết nhưng chưa có  được những ca khúc bất hủ về quê hương mình, ông muốn con cháu ông tiếp tục sự nghiệp của ông, thay ông tri ân quê hương. Gia đình sẽ hỏa táng hài cốt ông tại nghĩa trang Phúc An Viên Quận 9, Tp.HCM. Một phần tro cốt của ông sẽ mang về rải trên dòng sông Hàn, quê hương ông.

Chúng tôi cung kính thắp hương vái lạy ông và đi vòng quanh quan tài. Tôi nhìn mặt ông lần cuối, 1 khuôn mặt phúc hậu vẫn hồng hào nằm im lìm nhưng như nhắn nhủ với chúng tôi rằng hãy yêu cuộc đời tha thiết bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào thì “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Chúng tôi về nhà, tôi nghĩ nhiều đến ông, đến 1 nhạc sỹ tài ba tôi chưa 1 lần gặp mặt nhưng để lại trong tôi bao cảm xúc bởi rất nhiều các bài hát của ông có lời từ các tác phẩm thơ.

Tôi vốn yêu thơ và nhiều lần thử tập làm thơ nhưng không làm nổi vì làm thơ khó quá chừng. Tôi kính trọng những tác giả để lại cho đời những vần thơ bất hủ và càng ngưỡng mộ những bài thơ được phổ nhạc thành bài hát. Khi nhạc sỹ phổ nhạc cho những bài thơ là thổi hồn vào đó lần nữa để những vần thơ chắp cánh bay lên đọng vào hồn người những cảm xúc sâu lắng. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu từng chia sẻ thơ và nhạc như 2 cặp song sinh. Cả 2 chắp cánh cho nhau bay lên và ông là người nối đôi cánh đó. Thông điệp chung trong những ca khúc phổ thơ tình yêu của Phan Huỳnh Điểu là tình yêu có sức sống mãnh liệt, càng xa càng bền vững, càng trong hoàn cảnh khốc liệt càng trường tồn. Dân tộc ta đã đi qua những cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc nhưng chúng ta đã chiến thắng vì ngay trong những giây phút sinh tử đó, mỗi người vẫn có niềm tin mãnh liệt vào ngày mai, vẫn thấy cuộc đời rất đẹp. Bài thơ “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Dương Hương Ly sẽ không được nhiều người biết đến thế, yêu mến đến thế nếu không có đôi cánh âm nhạc nâng lên. Tôi càng cảm phục hơn khi biết về hoàn cảnh xuất xứ của bản nhạc, đó là vào năm 1970, khi nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu nhập viện từ chiến trường về trong tình trạng da bọc xương, được cô y tá tận tình chăm sóc đã làm bật lên trong ông những giai điệu cho ca từ đầy sức sống:

“ Cuộc đời vẫn đẹp sao,

Dù đạn bom man rợ thét gào

Dù thân thể hiển nhiên mang đầy thương tích

Dù xa cách hai ngã đường chiến dịch,

Ta vẫn cùng chung nhau 1 ánh trăng ngần”.

Bài hát vang lên ngay trong bệnh viện, khi ca sỹ Quốc Hương ghé vào thăm ông và đã trở thành liều thuốc tinh thần vô giá cho bệnh nhân. Và rồi bài hát bay qua không gian, ra chiến trận, đến với mọi miền tổ quốc mang đến cho mỗi người tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, niềm lạc quan vô bờ  bến ngay cả khi đạn bom đang man rợ thét gào. Đôi khi đang chùng lòng vì một nỗi buồn nào đó, tôi bật bài hát lên và khe khẽ hát theo “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Một thời, chỉ 1 lời hẹn ước đôi lứa đã đủ sức chờ đợi nhau suốt 20, 30 năm có lẽ một phần rất lớn là nhờ những ca khúc nói lên sức sống bền bỉ , mạnh mẽ của tình yêu trong chiến tranh như ca khúc “Sợi nhớ sợi thương” ( Thơ Thúy Bắc). Ca khúc này được nhạc sỹ lồng vào chất dân ca Nghệ Tĩnh rất đậm đà nên một thời tất cả dân quê tôi hát bài hát này trong các lễ hội . Các cô gái thể hiện không thời gian, không gian nào ngăn cách được tình yêu em dành cho anh nên khi cất lên tiếng ca “nghiêng hết về bên anh” thì nghiêng mình vô cùng duyên dáng.

Nhạc sỹ gắn bó với Miền đông Nam bộ và đã để lại nơi đây ca khúc nổi tiếng “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (Thơ Hoài Vũ). Khi ca khúc ngân lên thì nó không là dòng sông của thiên nhiên nữa, nó là sự gắn kết của 2 tâm hồn cùng chung 1 cội nguồn, một lý tưởng, gửi cho nhau những tình cảm ấm nồng qua hình ảnh dòng sông.

Hồi nhỏ chúng tôi học bài thơ “Bóng cây Kơ-nia”  Tôi hỏi thầy Hân sao không là bóng cây lim, cây táu, cây hồi vv là những giống cây rất quý sách vở nào cũng ghi  ở Việt Nam mà lại là cây Kơ-nia. Thầy Hân giải thích rằng nhà thơ Anh Ngọc gắn liền với núi rừng Tây Nguyên, những năm tháng lăn lộn ở đây đã làm ông am hiểu về cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên và cây Kơ- nia không chỉ là 1 cây rừng mà nó gắn với đời sống tâm linh của người dân Tây Nguyên.

Cái “tiếng thương thầm” da diết ấy:

 “Bóng ngả che ngực em,

Bóng tròn che lưng mẹ”

Không chỉ dừng lại ở tình cảm em dành cho anh, mẹ dành cho anh mà nâng lên tầm cao hơn, “Em và mẹ nhớ anh, Uống theo nguồn Miền Bắc”. Ngần ấy thôi, bất chợt một ngày đã làm xao xuyến trái tim của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ca khúc Bóng cây Kơ-nia ra đời từ đó. Nhưng phải là 6 năm sau, khi ông đã sống cùng dân làng tây Nguyên, hiểu những tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên yêu thương bộ đội, nhường cơm sẻ áo cho chiến trường Miền Nam thì hình ảnh, âm điệu và cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên cứ hiện lên rõ nét trong trí óc và rung lên những nốt nhạc. Thực ra cũng đã có một số nhạc sĩ phổ bài thơ này, nhưng phải là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì cuộc hôn phối thơ nhạc kia mới vang ngân và tỏa sáng. Giai điệu trữ tình kể lể, chợt luyến láy vút cao, chợt dập dồn trúc trắc, một loại nhạc phẩm khó cho những ca sĩ bình thường thể hiện, lại càng khó hơn cho đại chúng.

Không chỉ làm thơ là phải thai nghén tứ thơ, đợi chờ cảm xúc, chắt lọc ngôn từ mà phổ nhạc ca khúc từ thơ nhạc sỹ cũng mất đến 6 năm trời. Chúng ta nghe, cảm nhận, thưởng thức những ca khúc và thốt lên “Hay quá! Tuyệt vời quá!” nhưng đâu có biết rằng để có những tác phẩm để đời cho hậu thế tác giã cũng phái rút hết gan ruột của mình, vật lộn trên cánh đồng chữ và trần mình trong bộn bề giai điệu để đưa đến cho độc giả những gì hoàn hảo nhất. Cứ tưởng rằng chỉ có dân làng Tây Nguyên mới thuộc lòng bài thơ “Bóng cây Knia” Ấy vậy mà Bóng cây Kơ-nia giờ đây không còn xa lạ với bất cứ một ai ở tận đầu nguồn cho đến cuối bể. Nó không chỉ tỏa bóng lặng lẽ ở một góc trời Tây Nguyên mà vang xa khắp mọi miền, gieo vào tâm hồn của từng con người, neo đậu vào đấy như một tình yêu bất diệt mà thời gian chẳng thể xóa nhòa.

Có lẽ chưa nữ thi sỹ nào làm thơ về tình yêu thành công như Xuân Quỳnh. Một thời chúng tôi thường mượn thơ Xuân Quỳnh để gửi gắm lòng mình cho người yêu dấu. Và khi nửa cuối của ca khúc được phổ nhạc thì tất cả như lên đồng bởi bài hát ấy. Bài hát mà giai điệu đầu thì thủ thỉ, chậm rãi như con sóng trườn dần trên bãi cát còn về cuối thì quyết liệt dữ dội bởi sự khốc liệt của tiên cảm cách xa. Tôi cũng như nữ đại sứ Thanh Huyền không đồng tình với nhiều nam ca sỹ khi hát đã sửa đại từ trong thơ “ Nếu phải xa cách em, Anh chỉ còn bão tố”. Phải là “Nếu phải xa cách anh, em chỉ còn bão tố”. Em mới yếu mềm và sấu sắc như thế, em mới cảm thấy dông bão cuộn lòng khi không có anh bên. Còn anh, em nghĩ, anh mạnh mẽ hơn, hay là giản đơn hơn khi xa cách em…Tôi đã đối diện với sự xa cách không phải một lần và lần nào cũng bảo tố nên chỉ biết nói lời cảm ơn đến nhà thơ và nhạc sỹ.

 Ông không chỉ làm cho các nhà thơ trở nên bất diệt bởi những vần thơ ông phổ nhạc mà còn làm cho các ca sỹ nổi tiếngvà mang dấu ấn thành công rất riêng khi thể hiện ca khúc trên sân khấu. Có lẽ ít ai biết đến cô sinh viên MăngThị Hội nếu không có ca khúc “Bóng cây Kơ-nia”  đến nỗi nhiều người gọi cô là “cô Kơ- Nia”.

Nói về những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu thì nhiều vô cùng. Với tư cách 1 người yêu thơ, tôi chỉ điểm xuyến vài bài như thế vì e viết nữa sẽ không đủ ngôn từ và trình độ để hiểu và diễn tải cái hồn, cái thánh thiện trong ca từ, nhạc họa của ông.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh ông! Cầu mong cho linh hồn ông sớm siêu thoát và phiêu diêu ở miền cực lạc!

Tp HCM ngày 1/07/2015

Cucnt.

 

 

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 02-07-2015 15:03






Xem 31 - 37 của tổng số 37 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 | 4 |

Từ: Guest Minh CK
02/07/2015 20:58:21

Cúc viết hay, đầy đủ và thời sự quá. Mọi người nhắc nhiều tới các ca khúc trữ tình của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhưng ấn tượng của tôi về ông nhiều nhất vẫn là ca khúc HÀNH KHÚC NGÀY VÀ ĐÊM phổ thơ Bùi Công Minh, nó lột tả, diễn đạt hết tình yêu của người lính với cô giáo hậu phương. Ông phổ thơ, nhưng hình như ông đã là nhà thơ thứ hai trong các bài hát của mình. Ông là con người tuyệt vời, hiếm gặp trong cuộc đời. Cầu cho ông an lành nơi cực lạc. Kính cẩn nghiêng mình chào ông, chúc ông sớm siêu thoát.



Từ: Guest LamTB
02/07/2015 20:49:47

Bài hát Bóng cây Kơ-nia


Kơ-nia là một cây cô độc. Thường nó đứng chơ vơ giữa một khoảng đồi trống, hoặc lẻ loi bên bìa rẫy. Trông nó rất tầm thường. Hoa nhỏ li ti chẳng hề có hương. Thân thẳng đuột sù sì. Gỗ hạng xoàng, giác lõi khó phân biệt, rất cứng nên khó xẻ, nhưng thân cây lại hay bị rỗng ruột, dễ bị mối mục, vì vậy ít được dùng.


Kơ-nia chỉ có bóng mát. Nhưng thiên nhiên vốn thông minh và chu đáo. Người lữ hành vượt cao nguyên chang chang nắng lửa, khi đã mệt mỏi cần một bóng mát để dừng chân thì bỗng nhiên có cây Kơ-nia hiện ra. Và dường như quanh quất đâu đó thế nào cũng có một dòng nước nhỏ rỉ ra từ những tảng đá ngầm, trong vắt mát rượu. Nếu để ý, người lữ hành sẽ thấy, cứ sau một quãng đường ngút hơi, lại gặp một cây Kơ-nia, tán dài và xanh thẫm, như một chiếc lọng xanh đứng giữa đất trời.


Nó đã đứng ở đó, ngàn đời và vô danh. Nhà văn Nguyên Ngọc (tác giả truyện Anh hùng Núp) có viết: “Cây Kơ-nia nằm tận ở một góc nhỏ, lẩn khuất, khiêm nhường trong tâm hồn con người Tây Nguyên. Lẩn khuất và khiêm nhường đến nỗi, tôi từng sống ở Tây Nguyên hàng chục năm, lăn lộn qua hai cuộc chiến tranh, nghe cũng hiểu được dăm bảy thứ tiếng dân tộc ở đây, vậy mà tôi chưa từng được biết có một bài hát dân gian Tây Nguyên nào có nhắc đến cây Kơ-nia”.


Cho tới một ngày, một người lính quê Quảng Nam đến Tây Nguyên. Anh đã đánh thức cây Kơ-nia.


Bài thơ Bóng cây Kơ-nia của nhà thơ Ngọc Anh rất hay. Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng ghen tỵ: tôi phải hì hục viết hàng trăm trang để có một chút gì đó Tây Nguyên, một chút gì đó miền Nam thì Ngọc Anh chỉ viết:


Bóng tròn che lưng mẹ,


Về nhớ anh mẹ khóc…


 


Bóng ngả che ngực em


Về nhớ anh không ngủ…


 


Rễ mày uống nước đâu


Uống nước nguồn miền Bắc


Chẳng cần thêm một từ nào nữa mà vẫn rung động cả đáy lòng.


Nhưng người đã viết lên bài thơ đánh thức cây Kơ-nia, cho nó trở thành bất tử trong mỗi chúng ta thì vẫn vô danh. Anh đã hi sinh bên chân núi Ngọc Linh, huyện Dakley vào đầu năm 1965.


Hẳn Phan Huỳnh Điểu đã có những cảm xúc dạt dào khi đọc bài thơ này và trân trọng tấm lòng của Ngọc Anh với cây Kơ-nia nên đã biến bài thơ tuyệt vời ấy thành một bản nhạc bất hủ. Và tiếng hát của chị Măng Thị Hội đã góp phần cho cả nước biết đến Bóng cây Kơ-nia.


Ngày nay, ở Việt Nam ai cũng từng nghe nói đến cây Kơ-nia, cho dù chưa tận mặt nhìn thấy nó. Có chuyện này là do sự phổ biến của bài hát Bóng cây Kơ-nia, thơ Ngọc Anh - nhạc Phan Huỳnh Điểu. Và bài hát này có lẽ cũng trở thành dân ca chính thức của Tây Nguyên, không phải vì đã có một nghị định như thế, mà chỉ vì người Tây Nguyên chấp nhận nó. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cho dù là người Bana hay người Êđê, người Mơ nông hay người Giarai, người Cor,… ai cũng tự nhận đó là dân ca của mình.



Hoàng Minh Châu



Từ: Guest LamTB
02/07/2015 20:47:17

Ngày Jun 29, 2015, vào lúc 9:33 PM, Nguyen Ngoc Binh viết:

> Kính gửi ACE KGU
>
> Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhacj sĩ Phan Nhân đã qua đời,
> những đại thụ của nền âm nhạc VN... Hẳn ai trong chúng ta
> những thời KGU cũng đề biết các nhạc sĩ này và các tác phẩm
> nổi tiếng của họ. 29/6/2015, ngày mất mát lớn của nền âm
> nhạc VN... "Hà Nội - niềm tin và hy vọng..."
>
> Anh Ngát từ nay hát "Những ánh sao đêm" đã phải giới thiệu
> của "Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu". Tôi vẫn ấn tượng với giọng
> ca hay hơn cả Kiều Hưng, Quý Dương, Quốc Hương... thời
> những năm 1970 khi tren sân khấu hội diễn 1977 và những lần
> đi "hữu nghị" nghe anh Ngát với bài "Những ánh sao đêm"...
> Cảm ơn anh Ngát đã thể hiện rất tuyệt và làm cho hồn bài hát
> của PHĐ bay bổng trên đất Moldova tại "Белый Город"...
>
> Nhưng khi nhắc đến PHĐ tôi (và chắc nhiều người đồng cảm) ấn tượng
> hơn cả chính là bài ông phổ nhạc "Bóng cây K'nia" từ bài thơ
> cùng tên của Ngọc Anh vào năm 1971-1972. Ít ai biết được rằng
> Ông đã ấp ủ, đau đáu hơn 8 năm mới phổ nhạc thành công vượt hẳn
> các nhạc sĩ trước đó đã phổ nhạc từ năm 1964 như Phan Thanh Nam, ...
> Và Ông gặp một giọng ca vàng, như chính Ông viết cho giọng ca đó:
> Măng Thị Hội. Chưa ai hát hay hơn MTH với bài này, dù nhiều người
> thử sức, cá trước kia và sân khấu trẻ hiện nay, dù Anh Thơ hay ai
> cũng chỉ là "hát với"... Năm 1972 khi ở Nghệ An, đang sơ tán B52
> bỗng nghe đài hát bài này, tôi đã lặng người đứng nghe cho hết bài
> mới đí tiếp, phối âm đệm Piano thật tuyệt, rất Tây Nguyên, rất day dứt
> nỗi nhớ Bắc-Nam... Một ca khúc để đời, cảm ơn Ông và Nhà thơ
> Nguyễn Ngọc Anh (sáng tác năm 1959, những tác giả đã hy sinh
> năm 1965).
>
> Tôi xin chép lại bài thơ gốc của Ngọc Anh để thầy Phan Huỳnh Điểu
> tận dụng tối đa lời thơ vào bài hát thế nào:
>
> BÓNG CÂY KƠ NIA
>
>           Ngọc Anh (Từ Miền Nam gửi ra, 1959)
>
> Buổi sáng em lên rẫy
> Thấy bóng cây Kơ nia
> Bóng ngả che ngực em
> Về nhớ anh, không ngủ…
>
> Buổi chiều mẹ lên rẫy
> Thấy bóng cây Kơ nia
> Bóng tròn che lưng mẹ
> Về nhớ anh mẹ khóc…
>
> Em hỏi cây Kơ nia:
> - Gió mày thổi về đâu?
> - Về phương mặt trời mọc,
> Mẹ hỏi cây Kơ nia:
> - Rễ mày uống nước đâu?
> - Uống nước nguồn miền Bắc.
>
> Con giun sống nhờ đất
> Chim phí sống nhờ rừng
> Em và mẹ nhớ anh
> Uống theo nguồn miền Bắc
> Như bóng cây Kơ nia
> Như gió cây Kơ nia.
>
> Vĩnh biệt Ông và cầu mong Ông siêu thoát cõi vĩnh hằng...
>
> Nghiêng mình trước vong linh của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và
> Nhạc sĩ Phan Nhân...
>
> Những tác phẩm âm nhạc bất hủ của hai Ông sống mãi với thời gian.
>
> NN Bình



Từ: Guest LamTB
02/07/2015 20:44:36
On 30/06/2015 09:47, Chau Hoang wrote:



Gặp gỡ với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu


Chủ nhật, ngày 28-9-2008, tôi có vinh dự được đến thăm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại nhà riêng. Cùng đi có chị Trương Thanh Thanh, anh Nguyễn Thành Nam, chị Mai Thu Huyền, ca sĩ Quang Lý và tôi. Chúng tôi biết, mấy ngày qua chú rất buồn vì báo chí viết nhiều về màn múa thiếu vải phản cảm trong hội diễn của FPT, bởi nó bị coi là tiết mục múa minh họa cho bài hát Đoàn FPT – một bài hát được chế lại lời, từ bài hát “Giải phóng quân” của chú viết từ năm 1945. Vì thế, trước lúc gặp chú, chúng tôi rất hồi hộp  và lo lắng.


Đón chúng tôi từ dưới nhà là con trai chú - anh Phan Hồng Hà, một nhạc công tài ba mà chúng tôi có quen biết từ lâu. Anh Hà, dẫn chúng tôi lên lầu, gặp cô Vân – vợ chú. Thấy cô Vân vui vẻ chào đón, chúng tôi cũng bớt lo. Cô dẫn vào phòng trong, thấy chú đang ngồi coi bóng đá, trận tranh hạng ba giữa U21 Việt Nam với U21 Singapore. Dù rất mê bóng đá, nhưng chú đã tắt ngay TV và quay sang đón khách.


Tôi nói với chú: “Hôm nay chúng cháu đến đây, trước tiên là thăm cô chú, sau đó là xin được tạ lỗi với chú, vì đã để cho chú phải buồn phiền trong những ngày qua”. Chú nói ngay: “Chú biết rồi. Có lỗi thì nằm hết ra đây, để chú đánh cho mấy roi rồi mới nói chuyện”. Tôi đại diện nằm ra sàn, chú cầm một cây gậy khá to trong góc phòng, đánh tôi mấy roi tượng trưng, rồi nói: “Mấy hôm rồi, chú thực sự bị sốc, ăn ngủ không ngon. Báo chí liên tục gọi điện hỏi chú, trả lời cũng mệt. Thực ra các bài hát của chú cũng đã có nhiều người chế lời. Nhưng lời chế, nếu hát trong một nhóm nhỏ, thì không hại gì, còn mang ra hát trước công chúng thì không được. Các cháu phải rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này. Nhưng thôi, tội thì các cháu đã nhận rồi, bây giờ không nói tới nữa”.


Chúng tôi biết chú vẫn còn buồn, nhưng chú nói thế nghĩa là đã tha thứ cho chúng tôi. Nhìn gương mặt thanh cao đầy tính nghệ sĩ của chú, tôi cảm thấy thực sự yêu mến và kính phục, không chỉ vì tài năng của một nhạc sĩ bậc thầy, mà còn vì sự bao dung độ lượng của một lão tiền bối đối với đám con cháu hư hỏng, nhưng đã biết cúi đầu nhận lỗi.


Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924, trong một gia đình tiểu thương ở Đà Nẵng. Năm 1945, Nhạc sĩ tham gia Đội tuyên truyền xung phong Đà Nẵng và sáng tác các bài hát: Trầu cau, Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong. Năm 1946, Nhạc sĩ đi theo toàn quốc kháng chiến và sáng tác bài hát Mùa đông binh sĩ. Năm 1955, Nhạc sĩ tập kết ra Bắc và từ năm 1957, là ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1964, Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quay lại chiến trường B cho tới năm 1970 thì trở ra Hà Nội. Năm 1988, Nhạc sĩ được thưởng Huân chương Độc lập hạng 3. Năm 2000, Nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.


Sự nghiệp sáng tác của chú Phan Huỳnh Điểu vô cùng đồ sộ. Không chỉ về số lượng, mà chất lượng cũng thực sự đặc sắc. Rất nhiều bài hát của chú được hàng triệu người Việt Nam say mê và hát trong hơn 6 thập kỷ qua, như: Trầu cau, Giải phóng quân, Anh ở đầu sông em cuối sông, Bóng cây Kơnia, Những ánh sao đêm, Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển,… Trong chúng ta, ai cũng nhớ những bài hát của chú viết cho thiếu niên nhi đồng như: “Ai yêu các nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh”, “Te tò te đây là ban kèn hơi”,…


Chú nói, bài Giải phóng quân đã ra đời khi chú mới 21 tuổi, rõ ràng là một sự liều lĩnh, bạo phổi, khi chưa một ngày cắp sách vào nhạc viện mà đã dám sáng tác, kêu gọi mọi người “Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi thà chết chớ lui”. Năm 1984, Bộ quốc phòng có mời chú ra dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập quân đội, chú rất sung sướng và xúc động khi có vị tướng đến bắt tay và chỉ vào quân hàm đeo trên vai, rồi nói: “Ngày xưa, nhờ bài Giải phóng quân thúc dục mà tôi xung phong nhập ngũ, bây giờ mới được như thế này đây. Xin cám ơn Nhạc sĩ”. Chú còn kể, trong một lần đi theo các nhà ngoại cảm tìm mộ của các đồng đội đã hi sinh, chú đã “sởn da gà” khi nghe vong linh của những chiến sĩ đã khuất, nhập vào một cháu bé 10 tuổi và hát vang bài Giải phóng quân. Có thể nói, trong hơn nửa thế kỷ qua, bài Giải phóng quân là một trong những bài hát chính thức của quân đội. Cùng với Tiến Quân Ca (được chọn làm Quốc ca), Cùng nhau đi Hồng binh, Diệt phát xít, Du kích Bắc Sơn, Tiến bước dưới Quân kỳ đã làm nên căn bản của thể loại hành khúc cách mạng và kháng chiến của Việt Nam.


Và đối với chúng ta (FPT), giai điệu của bài hát này đã đi sâu vào trái tim và khối óc các thế FPT trong suốt hai mươi năm qua. Tôi có một niềm tin sâu sắc rằng, trong thành công của FPT hôm nay, có sự đóng góp quan trọng của âm hưởng bài hát này. Bằng cả trái tim mình, chúng ta xin trân trọng cám ơn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác một giai điệu bất tử cho non sông đất nước và cho người FPT.


Chú nói, chú yêu nhất mùa thu và có lẽ mùa thu đẹp nhất là mùa thu Hà Nội. Câu thơ mà chú thích nhất là câu “Mùa thu vào hoa cúc” trong bài “Thơ tình cuối mùa thu” của nhà thơ Xuân Quỳnh do chú phổ nhạc. Chú nói chữ “vào” thật đắt giá. Thuyền và Biển cũng là một sáng tác để đời của nhạc sĩ. Chỉ tiếc một điều, cho đến nay, vẫn chưa có một nữ ca sĩ nào hát bài này biểu hiện được hết tâm tư, tình cảm day dứt như sự mong ước của Xuân Quỳnh lúc sinh thời… Hiện nay, cũng chỉ có nam ca sĩ hay hát, mà khi hát, họ phải chuyển “Nếu phải cách xa anh…” thành “Nếu phải cách xa em…” cho phù hợp. Thế thì cơn bão tố kia trong lòng một chàng trai đâu còn gì ghê gớm hãi hùng bằng bão tố trong lòng một cô gái. Trong cuốn sách “Phan Huỳnh Điểu – Thuyền và Biển” có đoạn viết:


“Trước khi nhà thơ Xuân Quỳnh mất ít lâu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có dịp gặp chị và được biết chị rất xúc động khi nghe ca khúc Thuyền và Biển. Chị chỉ mong muốn giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố”! Mong các ca sĩ, nhất là nam ca sĩ, đừng đổi lại là “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”! Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như người phụ nữ”.


Chú mang rượu nho Đà Lạt ra chiêu đãi chúng tôi. Rượu của chú có hương xí muội, uống rất thơm. Chú giới thiệu những sáng tác mới của chú, trong đó tôi thích nhất là bài hát về những cô gái Ngã ba Đồng Lộc, được giải nhất năm 2007. Anh Phan Hồng Hà bê ra bộ đàn organ. Ca sĩ Quang Lý bắt đầu hát chính, còn chúng tôi thì hát dựa theo. Bài Những ánh sao đêm vốn rất cao và rất khó, vậy mà khi hát theo ca sĩ Quang Lý, tôi thấy hoàn toàn ổn. Không có chị Măng Thị Hội, nhưng tôi và Thành Nam vẫn mạnh dạn hát Bóng cây Kơnia,…


Trước khi ra về, chú còn tặng chúng tôi đĩa hát của chú và cuốn sách “Phan Huỳnh Điểu – Thuyền và Biển”. Chia tay cô chú trong bịn rịn và thật vui là chú cho phép chúng tôi, khi nào rỗi có thể đến thăm cô chú. Tôi thầm mong, chú cứ mãi mãi khỏe mạnh như thế này để con cháu có thể đến chơi, được nghe chú kể chuyện và để chú còn sáng tác nhiều giai điệu hay cho quê hương đất nước.


Hoàng Minh Châu





Từ: ThangNT
02/07/2015 17:51:37

Cám ơn em Cúc đã có bài viết trên cả tuyệt vời. Thật xứng đáng với danh hiệu "phóng viên chiến trường". Mấy hôm nay báo chí TP HCM viết rất nhiều về sự ra đi của 2 nhạc sĩ đại thụ của nước ta, được sự kính trọng của mọi người, không những về tài năng xuất chúng trong lĩnh vực âm nhạc, mà đặc biệt, là sự kính trọng về nhân cách. Không biết đến bao giờ nước ta mới lại  sản sinh ra một thế hệ vàng, trong đó có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân...?



02/07/2015 16:28:54

Cảm ơn em Cúc đã thay mặt gia đình KGU có bài viết rất hay bảy tỏ tình cảm tiếc thương vô vạn về sự ra đi về cõi vĩnh hằng của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Để tưởng nhớ Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, chúng ta cùng sẽ cố gắng để sống tốt đẹp hơn, yêu cuộc đời này  như nhạc sỹ đã từng trân trọng và yêu quý. Dù thế nào đi nữa như Nhạc sỹ đã từng  nhắn nhủ " Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...!"



Từ: CucNT
02/07/2015 15:42:49

Từ: TuyetHA

02/07/2015 05:41:57


Cám ơn Cúc đã có bài viết rất hay, như một nén nhang thơm vĩnh biệt và tưởng nhớ Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu!





<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 | 4 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s