KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 09 Tháng bẩy. 2015

Ba tôi – Ông Bá Kroong




Tác giả: Phạm Thị Ngọc Hoa - Hóa 72

Cuộc đời ba tôi ghi dấu từng chặng đường cách mạng. Những tưởng khi đất nước thanh bình, ông yên tâm hưu trí tuổi già bên con cháu; nhưng không, ông vẫn khắc khoải với “cái nghèo, cái chữ” của  đồng bào Tây Nguyên, nơi ông coi như quê hương của mình.

Một ngày trọn cuộc đời

Khi Bà mẹ “Âu Cơ” mang chúng tôi - những đứa con 5, 7 tuổi - xuống biển, lên tàu tập kết ra Bắc thì ba tôi lại lên núi. Sau Hiệp định Geneve (1954) ông là cán bộ nằm vùng, là Bí thư Ban Cán sự Đảng khu 7, Tỉnh Gia Lai (Bí thư Huyện ủy). Với những người “ở lại” như ba tôi (sau này được gọi là B trụ), chỗ ở là rừng, tăng võng là nhà, gia tài sự nghiệp là cái gùi mang sau lưng. Ông bí mật tổ chức chôn giấu vũ khí, muối, lương thực để hoạt động lâu dài, vận động đấu tranh chính trị cho tổng tuyển cử hai năm sau theo Hiệp định Geneve.

       Bà mẹ “Âu Cơ” và đàn con

Nhưng đã không có ngày hiệp thương tổng tuyển cử ấy. Kẻ địch âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chiến dịch tố cộng, những cuộc lùng bắt sát hại cán bộ diễn ra khắp mọi buôn làng. Bên dòng sông Ba, ông chứng kiến cái chết hào hùng của đồng chí Đêi, Bí thư Xã Kroong Hra, Kong Chro, Gia Lai. Tên quận trưởng Hrưng ra lệnh bằng giá nào cũng phải buộc đồng chí Đêi khai báo cơ sở cách mạng. Sau hai ngày dẫn đồng chí Đêi đi quanh làng mà không thu được kết quả, chúng treo đồng chí lên cây và dùng báng súng đánh. Chúng dồn dân làng trong đó có vợ con đồng chí Đêi và một số đảng viên hoạt động bí mật ra giữa làng, bắt đồng chí chỉ ai là cộng sản. Đồng chí Đêi toàn thân sưng vù, đẫm máu, chỉ có ánh mắt vẫn trìu mến nhìn đồng bào, vợ con:Để tao nói! Thưa đồng bào, tôi là cộng sản, là con em của đồng bào. Đồng bào nuôi tôi lớn lên, thương yêu tôi như núm ruột của mình. Tôi không thể phản bội đồng bào được. Tôi có chết chỉ mong đồng bào thương yêu đùm bọc nhau, đừng ai can tâm làm tay sai cho địch.” Không để đồng chí nói hết lời, bọn đch lôi đồng chí đi và dìm dưới dòng sông Ba. Trước khi chết, đồng chí Đêi còn hô to khẩu hiệu:Bok Hồ airh linh lang!”(Bác Hồ sống lâu muôn tuổi!)

Lòng dân hừng hực căm uất, thanh niên buôn làng thành lập các tổ du kích, dùng dao rựa bí mật thủ tiêu những tên ác ôn, những tên phản bội nguy hiểm. Tuy nhiên, có một trận đánh mở đầu, có tiếng súng nổ, không bí mật do ba tôi tổ chức để giết tên Kêi, một huyện ủy viên khu 7 phản bội. Tên Kêi ham rượu bị địch bắt. Chỉ sau vài báng súng là hắn van lạy rối rít, hứa làm chỉ điểm. Hắn dẫn địch đi khắp các buôn làng, khui hầm vũ khí, chỉ mặt cán bộ và cơ sở cho địch bắt. Chiến dịch tố cộng của Mỹ-Diệm đã dồn những người “B trụ” như ba tôi tới chân tường: phong trào tan vỡ, cán bộ và dân hoang mang. Phải chống lại chúng nó bằng vũ trang hay là chết? Tình thế cấp bách buộc ông, một bí thư huyện ủy, phải bước ra khỏi cuộc đấu tranh chính trị, tổ chức một trận đánh vũ trang khi chưa được phép của cấp trên. Đội du kích của ông có hai khẩu súng (một súng lục mà ông được trang bị, một khẩu garăng, chiến lợi phẩm cán bộ Thung nhặt được khi quân Pháp bỏ chạy) và 20 tay đao của du kích xã Yahội và Yang Bắc. Ông đã nhận được mật báo: Tên Kêi dẫn địch đi lùng sục ở xã Yang Trung, nhất định sẽ trở về trại An Khê, Gia Lai trước ngày 26/10/1958 để dự Lễ kỷ niệm ngày Ngô Đình Diệm phế truất vua Bảo Đại. Sáng ngày 24/10/1958, đội du kích của ông đã ẩn mình mai phục. Đúng như dự đoán, khoảng 3 giờ chiều bọn chúng lọt vào ổ phục kích. Ông và cán bộ Thung cùng nổ súng, anh em du kích  đồng loạt nhảy lên chém địch. Tên Kêi bị chém chết tại chỗ. Bọn còn lại hoảng hốt qung balô, vác súng bỏ chạy. Một lúc sau, hoàng hồn,sực nhớ” mình có súng, chúng quay lại bắn thì những du kích người dân tộc đã thu balô rút về vị trí an toàn. Sau khi tên Kêi bị giết, bọn địch co cụm, không dám ngang nhiên lùng sục nữa. Cán bộ, đồng bào trong cả huyện như trút được gánh nặng và phong trào dần được khôi phục. Còn ba tôi, người bí thư huyện ủy, người tổ chức trận đánh thì bị phê bình là “manh động, vô kỷ luật”. Có lần tôi hỏi ông: “Trong chiến tranh, quân lệnh như sơn, ba vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng vậy mà sao chỉ bị phê bình?” Ông nói: “Đó là ý đảng lòng dân. Mãi tới cuối năm 1959, Nghị quyết TW 15 chuyển cuộc đấu tranh ở miền Nam sang chính trị kết hợp với vũ trang thì ông mới tìm được cảm giác thanh thản. Trận đánh này của ông được cán bộ Tỉnh Gia Lai nhắc đến mãi về sau được ghi nhận trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Gia Lai”. Khi nhận Huy hiệu 60, 65 tuổi Đảng (tháng 9/2015 này là 70 năm), ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tiếng súng “vượt rào” năm xưa. Ông rưng rưng nghẹn ngào trong nước mắt:Cuộc đời ba trải qua hai cuộc kháng chiến, ba đã làm được nhiều việc cho cách mạng, nhưng trận đánh đó thật đặc biệt, ngày đó ba sống có ý nghĩa nhất, có thể một ngày đó là trọn cuộc đời ba”.

Tình người Tây Nguyên

Người Bahnar đặt cho ba tôi tên Bá Kroong (tên hoạt động của ông là Phạm Hồng). Ông ở trong rừng, đóng khố và nói tiếng Bahnar. Chị Ngăm, người dân tộc, chỉ dẫn cho ba tôi cách mặc áo “ló”: “Mày bụm cái của mày lại, tao quấn cho!”. Ông bảo:Thấy người ta mặc thì đơn giản, đến lượt mình tròng vô, đi vài bước là tuột. Chừng mặc được rồi thì lại thấy trống trơn như “trống rỗng”, đi lại trong rừng cây lá cứa vào người rặm xót và ngứa ngáy. Nhưng rồi dần dần cũng quen và quen tới 20 năm...”

 

          Ông Bá Kroong ấy đã trở thành người Bahnar.

Ông ở trong rừng, giữ được bí mật của người nằm vùng. Dân bản nuôi ông, che chở cho ông và luôn tin rằng cán bộ không bỏ mặc dân. Đường dây liên lạc đến xã do người dân tộc địa phương đảm trách, họ chuyển tài liệu rất kịp thời và không bao giờ thất lạc.

Là bí thư huyện ủy, ông đưa thanh niên ra rừng, sống nửa hợp pháp: Địch vào làng, thanh niên ra rừng; địch đi thì thanh niên trở về làng. Rừng núi mênh mông, bản làng xa nhau, nhưng khi ra rừng thanh niên có cơ hội tập trung học chữ, học chính trị, ca hát, văn nghệ. Thanh niên đấu tranh lôi kéo” chủ làng, rồi chủ làng cũng đứng về phía họ để giấu “quốc gia” về cuộc vận động chống bắt lính :Thanh niên nó ham cái rẫy, ham đi săn hơn đi lính quốc gia, nó nói quốc gia có đốt làng thì đốt, nó làm làng khác!” Cứ thế ba tôi cảm hóa dần dần, chiếm được lòng tin và tình thương của dân bản. Không chỉ thanh niên mà các em bé cũng thương ông. Thằng bé Byeh, cháu ngoại Già Suýt, thường quấn quít bên ông. Byeh hay mang ra rừng cho ông khi thì bó rau lúc thì trái cà. Ba tôi nói nó tầm tuổi với chúng tôi, nó làm ba nhớ chúng tôi ở ngoài Bắc quá. Byeh cùng ăn cùng ngủ với ba tôi như tình cha con. Già Suýt nói:Để tao làm lễ cúng Giàng cho Bá Kroong nhận thằng Byeh làm con. Tao cũng cho luôn ba đứa chị nó là con Uyn, con Ur, con Byak làm con Bá Kroong đó à!” Nói là làm, ngay tối hôm sau Già Suýt mang gà và rượu ra rừng làm lễ cúng Giàng. Hóa ra, cúng Giàng là cắt tiết gà vào ghè rượu thấm rượu đó quanh vú người cha, các con sẽ bú vú cha. Thằng Byeh làm vậy thì được chứ các cô chị cũng đã 17,18 tuổi rồi! Ba tôi cười hiền nói Già Suýt tìm cách khác. Cuối cùng, Già Suýt thấm rượu quanh vú ba tôi, vắt vào ghè rượu và ba cô chị uống rượu cúng Giàng. Vậy là ba tôi có một gia đình ở làng Đê Kroong Hra. Núi rừng Tây Nguyên là quê hương của ba tôi, người dân Tây Nguyên là cha, là con của ba tôi. Tình cảm đó theo ông suốt cuộc đời, những kỷ niệm đó không bao giờ phai mờ trong ký ức của ông.

Sau giải phóng, là Chủ tịch Tỉnh Gia Lai – Kon Tum hàng năm Tết đến, ông thường đi thăm dân bản, thăm các gia đình đã cưu mang ông. Có lần về đến làng Đê Kroong Hra không thấy Già Suýt và thằng Byeh ra đón, hỏi mới biết chị Byak của nó đang sốt cao do khi sinh bị sót nhau. Ông lập tức chở Byak lên Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Còn Đinh Tiêk, liên lạc viên của ông những tháng ngày gian khó, tuy giờ đã là kỹ sư nông nghiệp, trưởng Ban Dân tộc miền núi Tỉnh Gia Lai, đại biểu Quốc hội Khóa 8, ông nhớ hoài cậu bé Tiêk mỗi khi ra rừng chuyển tin thường dùng tay tách các bụi cây tìm đường. Ngày đó, ông hỏi sao không dùng rựa phạt cây, Đinh Tiêk nói: “Sợ để lại dấu vết, tụi lính nó phát hiện được.” Ông rất quan tâm đến cuộc sống của con em các cán bộ Cách mạng đã hy sinh. Krun, con đồng chí Đêi, người chiến sĩ bị bọn địch dìm xuống sông Ba, nay là công nhân sửa chữa máy của Đài phát thanh. Ông ba lần về Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định và đã tìm được gia đình cán bộ Thung, người cùng ông tổ chức trận đánh “vượt rào” năm xưa (Thung là tên hoạt động của bác ấy). Bác Thung sau đó đã hy sinh trên đường công tác, không hài cốt, không bia mộ. Chúng tôi thắp nhang trên bàn thờ bác ấy và giúp cho các cháu nội của bác ấy công ăn việc làm tại Quy Nhơn.

              

   Từ phải qua: H’Yot chính là người du kích đã “hạ” tên Kêi, ba má tôi, vợ chồng liên lạc viên Đinh Tiêk bên Bầu rượu cần cùng với chú Tam – nguyên Chủ tịch Tỉnh Gia Lai. 

Người sống thực hiện di nguyện của mình

Ba tôi thường tâm sự: “Thế hệ của ba đã dành được độc lập, tự do cho đất nước. Nay thấy con cháu làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời, lại còn hiểu biết cả thế giới, ba thấy tự hào và mãn nguyện quá!” Ông muốn sau khi mất, sẽ được rắc tro trên hàng cây trước UBND Huyện Kong Chro, Tỉnh Gia Lai, nơi còn đọng âm vang tiếng súng của ông năm ấy. Ông mong muốn dùng số tiền tiết kiệm của mình để làm Quỹ Học bổng cho trẻ nghèo hiếu học Huyện Kong Chro.

Nhưng nỗi khắc khoải với “cái nghèo, cái chữ” của đồng bào Tây Nguyên trong ông còn mạnh hơn cái chết. Và ba tôi lại nghĩ khác, làm khác: Tại sao mình không tự thực hiện di nguyện của mình khi còn sống? Vậy là tháng 7/2007 ông làm tờ trình gửi UBND Tỉnh Gia Lai xin thành lập “Quỹ Học bổng Gia đình Phạm Hồng”. Ông đã gửi Sổ tiết kiệm 200 triệu (tương đương mười lượng vàng) vào ngân hàng. Cứ tháng 9 hàng năm, Chủ tịch Huyện Kong Chro sẽ rút tiền lãi, phối hợp với Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, trao học bổng cho những trẻ nghèo hiếu học trong buổi lễ khai giảng. Đến nay Quỹ Học bổng này đã thực hiện qua 8 năm học. Mỗi năm 20 đến 30 trẻ được nhận học bổng như ghi nhận tình thương và đóng góp của ba tôi cho huyện nhà. Chủ tịch huyện đều đặn gửi danh sách những trẻ nhận học bổng và thư cám ơn cho ông. Ba tôi nói: “Làm xong Quỹ Học bổng này, ông vui lắm, thấy khỏe ra và chắc ông sẽ sống thêm nhiều năm nữa…”

        Nhưng tôi hiểu cái vòng “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người… Sau này, khi ba tôi ra đi, chúng tôi sẽ đem ông về lại với núi rừng Tây Nguyên. Những suất học bổng ấy của ông sẽ được chúng tôi duy trì và phát triển giá trị để ba tôi, ông Bá Kroong, mãi mãi được sống trong lòng người Bahnar.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 7 năm 2005.


Người post: HienVC

Ngày đăng: 09-07-2015 00:12






Xem 11 - 20 của tổng số 29 Comments



Từ: HienVC
12/07/2015 21:47:23

 


Một thế hệ vàng gồm những người đã phụng sự hết mình cho Tổ Quốc.
Những gì bác Phạm Hồng - Bá Kroong đã làm cho Tây Nguyên thật đáng kính phục.
Chị Hoa thật vinh hạnh có một người cha như vậy. 


 


 


 



Từ: NghiPH
12/07/2015 19:28:22

Vô cùng kính trọng cụ Phạm Hồng- Bá Kroong. Cụ có một tinh thần thép, một tấm lòng vàng với người dân Tây Nguyên. 


Cảm ơn chị Phạm Thị Ngọc Hoa nhiều về câu chuyện rất cảm động!



Từ: MuiLT
12/07/2015 19:26:13

Xúc động quá chị Hoa ơi, kính chúc gđ chị mãi mãi khoẻ mạnh, hạnh phúc



Từ: UyenNT
12/07/2015 13:43:33

   Xúc động quá chị Hoa ơi ! Em đọc xong bài viết của chị mà cứ ngỡ được đọc truyện Cổ tích giữa đời thường.Thế hệ của Ba chị-Bá Kroong thật sự là những con người Huyền thoại.Một tấm gương sáng cho các thế hệ ngày nay và mãi sau này.Xin được Kính chúc Bác và gia đình luôn mạnh khỏe.Cám ơn chị Hoa đã cho các thế hệ KGU được biết đến Huyền thoại về Cha Mẹ của chúng ta để luôn tự hào và nhắc nhở con cháu mình.



Từ: KhanhT
10/07/2015 21:37:39

 


Bá Kroong muôn năm!


Xin chị Hoa cho gửi bài hát này đến Bác đ nhớ những ngày các bác với tinh thần ra đi bảo tồn sông núi…” mà ngày nay con cháu chúng con rất tự hào và nguyện tiếp bước mãi mãi:


Đoàn vệ quốc quân!


Sáng tác: Phan Huỳnh Điểu 







 



Từ: Guest Nguyên (hóa 72)
10/07/2015 17:03:42

 Chắc là ai cũng từng đọc tác phẩm " đất nước đứng lên  " của nhà văn Nguyên Ngọc . Ông từng công tác nhiều năm khắp vùng Tây Nguyên hùng vĩ , đại ngàn . Tây Nguyên là căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ , là nơi sản sinh nhiều anh hùng nổi tiếng trí dũng , kiên cường .Là nơi gợi nhiều cảm xúc để các nhạc sỹ sáng tác nhiều bài ca sống mãi với thời gian như : Tiếng chày trên sóc Bom bo ,cô gái vót chông , tiếng đàn Ta lư ...Nguyên Ngọc viết về anh hùng Núp , và tôi cũng nhìn thấy hình bóng ba của Hoa trong đó .Ở căn cứ thì thiếu thốn và khó khăn đủ bề nhưng rồi cũng vượt qua được còn sự thiếu vắng tình cảm những người thân trong gia đình thì không biết lấy gì để bù đắp được . Nhớ lại ngày trước năm 1975  khi công tác cùng đơn vị với anh Luân ( hóa 72 )năm 1973 anh được phân công công tác đi B ở Nam bộ anh Luân có kể rằng ở căn cứ trong rừng ban ngày công việc làm quên đi nỗi nhớ nhà , nhớ người thân mà khi đêm về ngọn đèn dầu leo lắt , tiếng côn trùng kêu , tiếng mưa rừng rắc trên mái lá nghe mà nhớ nhà quá chừng.


 Vậy đó mà ba của Hoa đã trải qua nỗi nhớ nhà " quá chừng " tới hơn 20 năm.


  Tấm lòng nhân hậu của  ông Bá kroong với học sinh nghèo Tây Nguyên thật đáng khâm phục .



Từ: LienTP
10/07/2015 14:21:48

 


Chị Hoa ơi, thật vô cùng cảm động, tự hào khi được biết về ba chị, con người cách mạng, trung kiên, hết lòng vì dân vì nước, gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Kính chúc hai bác khỏe mạnh,sống lâu. Em mong  Quỹ học bổng của bác trưởng tồn phát triển. Bài viết từ năm 2005 mà 10 năm sau chúng em mới được đọc à?


 


 



Từ: ThangNT
10/07/2015 10:28:21

Có lần đã nghe chị Hoa kể về chuyện này, nhưng không thấm bằng đọc lại bài viết của chị Hoa. Sao thời xưa có nhiều người tôt thế, cả một thế hệ vàng. Bao giờ lại cho đến ngày xưa nhỉ...?



Từ: ThucPT
09/07/2015 20:01:56


Chị Hoa ơi


Những dòng tâm sự xúc động của con gái về chặng đường hoạt động cách mạng của người cha để giành ĐỘC LẬP cho đất nước thật đẹp, thật ý nghĩa. Những tâm sự về việc thành lập "Quỹ Học Bổng Gia Đình Phạm Hồng" để trao cho những trẻ nghèo hiếu học của Ông thật đáng kính trọng. Ông đã làm được nhiều việc cho đất nước. Cuộc đời của Ông thật trọn vẹn. Em ngưỡng mộ Ông.


Cho em gửi lời chúc sức khỏe tới Ông Bà. Chúc Ông Bà sống lâu mãi




Từ: Guest Veritas
09/07/2015 18:55:28


Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hoà.


Những đứa con của Trường Sơn trung kiên như Trường Sơn, như tiếng trống già làng.


Tôi đi khắp đất trời xa xôi, không nơi nào như quê tôi…










Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s